[Chế độ dân chủ - Một dẫn nhập] Chương 5: Chế độ dân chủ đại diện trong thời đại hiện nay

[Chế độ dân chủ - Một dẫn nhập] Chương 5: Chế độ dân chủ đại diện trong thời đại hiện nay

Chính phủ đại nghị

Quyền lập pháp và hành pháp. Trong phần lớn lịch sử nhân loại, các hội đồng lập pháp là các cơ quan của giới quý tộc: tư tưởng cho rằng các hội đồng này có thể được bầu chọnđại diện cho dân chúng chỉ mới hình thành trong giai đoạn gần đây mà thôi. Ví dụ, Quốc hội Anh phát triển từ một hội đồng gồm các nam tước tìm cách hạn chế quyền lực của nhà vua. Dần dần, các điền chủ không phải là quý tộc được bổ sung làm thành viên, nhưng mục đích của các nghị viện thời trung cổ vẫn là bảo vệ người có tài sản trước quyền lực của vua chúa, chứ không vì lợi ích của dân chúng.

Sau những vụ đối đầu diễn ra trong những giai đoạn tiếp theo, Nghị viện đã giành được phần lớn quyền lực thâm căn cố đế của nhà vua. Và nước Anh đã xuất khẩu chính phủ đại nghị –quyền hành pháp và lập pháp vẫn chưa được tách rời, các thủ tướng và bộ trưởng vẫn là thành viên của cơ quan lập pháp – sang những nước khác (trong đó có nhiều thuộc địa cũ hiện nằm trong Khối thịnh vượng chung).

Một trong những lợi ích của mô hình này là các vị bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước cử tri. Tuy nhiên, việc có cơ quan hành pháp nằm trong Nghị viện sẽ làm suy yếu vai trò của Nghị viện trong việc bảo vệ công chúng trước quyền lực của cơ quan hành pháp. Ngược lại, phân tách quyền lực theo kiểu Hoa Kỳ tạo điều kiện cho cơ quan hành pháp được lựa chọn từ nhóm rộng lớn những người có chuyên môn và quyền lực của cơ quan này được cơ quan lập pháp độc lập kiểm soát; nhưng các bộ trưởng lại trở thành xa cách hơn và ít chịu trách nhiệm trước công chúng.

Quốc hội một viện và Quốc hội lưỡng viện. Hầu hết các chế độ dân chủ tự do đều có cơ quan lập pháp lưỡng viện. Hai viện lập pháp tạo điều kiện cho viện này đặt câu hỏi và kiềm chế hành động của viện kia. Quan điểm khác nhau của hai viện phải được giải quyết trước khi luật được thông qua, làm cho các cá nhân hoặc các nhóm nhỏ khó lạm dụng quyền lực. (Tuy nhiên, một số nước chỉ có một viện, ví dụ như Na Uy, Iceland, Đan Mạch, Thụy Điển, New Zealand, nhưng họ rất tôn trọng quyền của các cá nhân; trong khi một số nước khác có lưỡng viện, ví dụ như Nga hay Zimbabwe, nhưng có lẽ đây là những nước ít tôn trọng những lý tưởng dân chủ.)

Nếu các thành viên của mỗi viện được lựa chọn theo những phương pháp khác nhau, thì có thể họ sẽ mang nhiều quan điểm tới cuộc tranh luận công khai. Ví dụ, Hoa Kỳ bầu hạ nghị sĩ đại diện cho các khu vực dân cư gần bằng nhau; nhưng mỗi bang chỉ bầu hai thượng nghị sĩ, không phụ thuộc vào quy mô của bang đó; cách làm như thế giúp đảm bảo rằng lợi ích của các bang nhỏ hơn cũng được người ta lắng nghe. Các thượng nghị sĩ Australia được bầu theo hệ thống bầu cử phiếu chuyển nhượng duy nhất, tạo ra sự đa dạng lớn hơn ở Thượng viện so với hệ thống bầu cử thay thế (instant run-of) hoặc biểu quyết ưu tiên (preferential voting) được sử dụng tại Hạ viện.

Hệ thống tổng thống

Khi lập pháp tách khỏi hành pháp, thì nhánh hành pháp thường do tổng thống lãnh đạo. Vai trò của tổng thống ở những nước khác nhau rất khác nhau. Ở một số nước như Ireland, chức vụ tổng thống chủ yếu mang tính nghi lễ. Ở những nước khác, ví dụ như Mỹ, tổng thống có quyền lực rất lớn: tổng thống Mỹ có quyền đề cử các bộ trưởng và quan chức, đề xuất ngân sách, phủ quyết luật, đàm phán các hiệp ước và thậm chí phát động chiến tranh.

Tổng thống có thể được bầu theo lối phổ thông đầu phiếu hoặc do các nhà lập pháp bầu lên. Tuy nhiên, nếu được bầu theo lối phổ thông đầu phiếu, thì tổng thống có quyền lực độc lập và hợp pháp nhằm ngăn chặn hành động lập pháp có thể đe dọa đến tự do và an ninh của công chúng nói chung – đây là biện pháp hạn chế quyền lực rất hữu ích.

Quân chủ hiến định

Số lượng các chế độ dân chủ tự do là các chế độ quân chủ hiến định nhiều đến mức có thể làm người ta ngạc nhiên - trong đó, như đã nói bên trên, quyền lực của nhà vua bị giới hạn bởi các luật lệ thông thường hoặc bằng hiến pháp thành văn. Đấy là Vương quốc Anh và các nước thuộc Khối thịnh vượng chung như Astralia, New Zealand và Canada. Châu Âu cũng có các chế độ quân chủ hạn chế, ví dụ như Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan và Tây Ban Nha.

Quyền lực của các ông vua ở những nước khác nhau cũng khác nhau. Nhưng ngay cả những ông vua chủ yếu chỉ có tính nghi lễ (hầu hết đều như thế) vẫn có thể có một số quyền lực. Ví dụ, trong vụ đảo chính thành công ở Tây Ban Nha, năm 1981, vị vua mới được phục hồi, Juan Carlos, đã ra lệnh đưa quân đội trở lại doanh trại. Vai trò quan trọng chủ yếu của các chế độ quân chủ hiến định có thể không phải là quyền lực mà nhà vua nắm được mà là quyền ngăn chặn những người khác, ví dụ như sĩ quan quân đội, thẩm phán và chính trị gia.

Vai trò của công chúng

Nhiều nhà phê bình coi “sự vô minh của cử tri” là lỗ hổng cơ bản của chế độ dân chủ. Nhưng cử tri không cần phải tự mình xem xét và hiểu rõ chi tiết từng chính sách: nhiệm vụ của họ chỉ là bầu ra những người đại diện, những người này sẽ làm việc đó cho họ. Tên hiệu của đảng, thể hiện quan điểm rộng rãi của ứng cử viên về các vấn đề, có thể là toàn bộ thông tin mà cử tri cần.

Đối với cử tri, hệ thống đại diện có lợi thế hơn hệ thống “tham gia”, trong đó mọi người đều tham gia vào việc ban hành quyết định. Các cử tri có thể phải dành thời gian cho những vấn đề của riêng mình và có ít thời gian hay ít hứng thú đối với những cuộc tranh luận chính trị; vì vậy, việc giao nhiệm vụ này cho người nào đó làm là hợp lý. Cử tri cũng có thể tin tưởng rằng các nhà lập pháp mà họ lựa chọn có kiến thức chuyên môn sâu hơn và khả năng phán đoán chính trị tốt hơn mình.

Vậy thì cái gì ngăn cản các chính trị gia lạm dụng quyền ban hành quyết định mà cử tri trao cho mình? Đó là đe dọa sẽ thất bại trong cuộc bầu cử tiếp theo mà không cần làm cách mạng. Một lần nữa, vai trò quan trọng của công chúng trong chế độ dân chủ không phải là chọn ra người lãnh đạo mà là bãi nhiệm họ.

Đúng là công chúng có thể thích những nhà lãnh đạo mạnh mẽ và trao cho họ quyền lực rất lớn; nhưng không một nhà lãnh đạo nào có thể có sức mạnh trong thời gian dài, nếu họ không được người dân đồng tình. Bằng những cuộc bầu cử tự do và công bằng, thay đổi trong giới lãnh đạo có thể diễn ra một cách hòa bình. Cùng với quyền tự do ngôn luận, tranh luận cởi mở và bầu cử trung thực, các chính trị gia phải cạnh tranh với nhau để giành được sự chấp thuận và đồng tình của công chúng, đồng thời phải hành xử sao cho có thể được tái cử.

Bảo vệ tiến trình

Bỏ phiếu không phải là một hành động quan trọng đối với từng cá nhân, mặc dù trong chế độ dân chủ, nó quyết định ai được thành lập hay không được thành lập chính phủ. Nhưng chính phủ có quyền lực thì bao giờ cũng có nguy cơ là các nhóm lợi ích và phe phái chính trị có thể sử dụng những hình thức gian lận, hối lộ, ép buộc, gian lận phiếu bầu và các biện pháp bất hợp pháp khác nhằm làm sai lệch kết quả bầu cử. Đáng lo ngại nhất là những người đang nắm quyền có thể tìm cách thao túng ranh giới bầu cử, sử dụng nguồn lực của nhà nước nhằm gây ảnh hưởng đối với cử tri, sử dụng phương tiện truyền thông nhà nước để làm mất giá các ứng cử viên, triển khai cảnh sát, quân đội và tòa án nhằm chống lại đối thủ của mình, hoặc đơn giản là gian lậm số phiếu bầu cho mỗi ứng cử viên.

Chế độ dân chủ tự do cần các cơ chế nhằm chống lại những đe dọa này, chẳng hạn như các ủy ban bầu cử và ranh giới độc lập, giám sát quốc tế đối với các cuộc bầu cử, các quy định về việc ứng cử viên được sử dụng nguồn lực và phương tiện truyền thông của nhà nước, cũng như hình phạt đối với những hành vi gian lận bầu cử. Tuy nhiên, biện pháp kiềm chế hiệu quả nhất là nền văn hóa không chấp nhận những hiện tượng suy đồi như thế.

Hệ thống bầu cử

Có nhiều hệ thống bầu cử khác nhau và các nhà bình luận thường tranh luận gay gắt về việc hệ thống nào mang lại kết quả “tốt nhất”. Nhưng cái gì là “tốt nhất” lại phụ thuộc vào quan điểm của mỗi người; trên thực tế, mỗi hệ thống đều có cả mặt mạnh và mặt yếu.

First past post (FPTP - người về đầu sẽ trúng cử) là một hệ thống thường được sử dụng, ứng cử viên có nhiều phiếu bầu nhất là người đắc cử. Hệ thống này đơn giản, dễ hiểu, nhanh chóng và tạo ra kết quả rõ ràng. Nó cũng cung cấp cho cử tri một người đại diện duy nhất để họ gặp nếu có rắc rối với chính phủ hoặc muốn bày tỏ quan điểm của mình. Nhưng mặt khác, nếu số phiếu bầu bị phân tán cho nhiều ứng cử viên, thì người một người nào đó chỉ được thiểu số ủng hộ cũng có thể đắc cử. Hệ thống này tạo điều kiện thuận lợi cho nền chính trị lưỡng đảng, có thể không nắm bắt được toàn bộ phổ dư luận. Và nếu đây là những khu vực bầu cử có ít cử tri, thì hệ thống này thường tạo ra những chiếc ghế “an toàn”, làm cho cử tri ở phía thua cuộc hoàn toàn không có quyền bầu.

Nhằm làm giảm nhẹ những vấn đề này, người ta đã nghĩ ra nhiều hệ thống đại diện theo tỷ lệ khác nhau. Một trong số đó là bỏ phiếu thay thế. Cử tri xếp hạng các ứng cử viên theo thứ tự ưu tiên và các ứng cử viên có ít phiếu bầu nhất sẽ bị loại từng người một, ưu tiên thứ hai được trao cho những người còn lại, cho đến khi một ứng viên giành được đa số. Ưu điểm của cách làm này là sở thích của mọi người đều được tính - ít nhất là ở mức độ nào đó. Tuy nhiên, hệ thống này rất phức tạp, khó hiểu và khó quản lý. Nó ưu ái ứng cử viên của đảng thứ ba hơn là hệ thống FPTP, nhưng nó cũng có thể giúp các đảng cực đoan thắng cử.

Một biến thể khác là tạo ra các khu vực bầu một lúc nhiều thành viên, những khu vực này có thể lớn hơn và do đó ít có xu hướng trở thành “an toàn” cho một đảng nào đó, với các ứng cử viên được bầu bằng hệ thống phiếu chuyển nhượng duy nhất (STV), trong đó các ứng cử viên thua cuộc sẽ bị loại cho đến khi số ứng cử viên đúng bằng số ghế. Nhưng cách làm này thậm chí còn phức tạp hơn, khó hiểu và khó quản lý hơn nữa. Nó cũng có thể làm cho cử tri không biết chắc chắn ai là người đại diện cho mình. Các ứng cử viên có thể quan tâm đến việc có tên trong danh sách của đảng hơn là thu hút cử tri bầu cho mình.

Thật không may là, các hệ thống bầu cử theo tỷ lệ thường tạo ra các chính phủ được xây dựng trên “các liên minh chỉ vì thuận tiện” (thường bảo gồm cả các đảng cực đoan với ít thành viên), có thể không phản ánh được dư luận và khó có thể bị bãi nhiệm. Mặt khác, hệ thống FPTP và các hệ thống bầu cử không theo tỷ lệ có nguy cơ là đảng thứ ba không có đủ người đại diện.

Nhiều biến thể khác cũng thường được áp dụng, ví dụ như hệ thống thành viên hỗn hợp, trong đó, nếu đảng nào đó nhận được tỷ lệ lớn phiếu bầu trên toàn quốc, nhưng lại giành được ít ghế thì đảng đó sẽ được cấp thêm số ghế được phân bổ theo danh sách ứng cử viên của đảng. Nhưng một lần nữa, cách làm này tạo ra những ứng cử viên chỉ quan tâm tới việc giành được vị trí cao trong danh sách của đảng chứ không quan tâm tới việc thu hút cử tri.

Đối với các cuộc bầu cử tổng thống, Hoa kỳ áp dụng hệ thống cử tri đoàn. Cử tri không trực tiếp bầu tổng thống mà bầu cho các ứng cử viên địa phương, đến lượt mình, những người này sẽ bầu chọn tổng thống. Làm như thế là để ngăn chặn cử tri ở các bang rất lớn, không để họ áp đảo cử tri ở các bang nhỏ hơn, và đảm bảo rằng mọi vùng đều được tính; nhưng nó cũng có nghĩa là tổng thống có thể được bầu với thiểu số phiếu, như Donald Trump vào năm 2016 và George W. Bush vào năm 2000.

Tóm lại, không có hệ thống bầu cử “công bằng” nào mà không bị người ta đặt câu hỏi. Nhưng nếu toàn bộ hệ thống bầu cử là cởi mở, công bằng và tạo điều kiện cho thay đổi thì chí ít những người thua cuộc có thể chấp nhận thất bại và sẵn sàng chờ đợi một cơ hội khác chứ không cần dùng đến vũ khí.

Trách nhiệm giải trình trước công chúng

Các chế độ dân chủ tự do – là độc nhất vô nhị – có trách nhiệm giải trình trước công chúng theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ, cơ quan lập pháp có thể hoãn hoặc cản trở hành động của nhánh hành pháp. Tòa án có thể đảm bảo rằng các quyết định được ban hành và thi hành là phù hợp với pháp luật và quyền của người dân được bảo vệ. Các phương tiện truyền thông và các chuyên gia độc lập có thể tranh luận về sự khôn ngoan trong các chính sách của chính phủ. Cử tri có thể trừng phạt các chính phủ tại các kỳ bầu cử. Các cuộc bầu cử sơ bộ kiểu Mỹ và những biện pháp lựa chọn khác có thể giúp đảm bảo rằng các ứng cử viên thực sự phù hợp với chức vụ. Trưng cầu dân ý và sáng kiến bỏ phiếu có thể là những biện giúp kiềm chế những người đang nắm quyền. Liên bang, quyền lực được thực thi ở tầng thấp nhất có thể (thấp nhất là cá nhân), tạo điều kiện mọi người tránh được chính quyền ở xa và có tính áp bức. Và nhiều nhóm công dân có tiếng nói mạnh mẽ trong cuộc tranh luận trên bình diện quốc gia.

Hiến pháp là một biện pháp kiềm chế hữu ích hơn và có thể cung cấp những biện pháp đảm bảo có giá trị cho các quyền và quyền tự do cơ bản của cá nhân. Nhưng cần quan tâm tới quá trình soạn thảo hiến pháp: nó có thể dễ dàng bị các đảng cầm quyền lấn át hoặc bị các hệ tư tưởng và nhóm lợi ích lợi dụng nhằm định hình các thiết chế chính trị vì lợi ích riêng của mình.

Căng thẳng giữa dân chủ và các quyền

Dân chủ chắc chắn là sự cân bằng giữa các quyền cá nhân và ý chí của đa số. Chế độ dân chủ tự do đặt quyền của cá nhân lên trước. Nhưng sự cân bằng chặt chẽ sẽ không bao giờ là ổn định, bởi vì người ta sẽ không bao giờ hoàn toàn đồng ý với nhau về chi tiết. Người ta có quyền làm gì hay nói gì ở chỗ công cộng, xây dựng cái gì trên mảnh đất của mình hoặc tiêu tiền cho những thứ gì (ví dụ như cờ bạc, mại dâm, ma túy hoặc rượu) là những vấn đề đang được tranh luận. Quyền không phải là điều không thể tranh luận: chúng là sự thể hiện về mặt chính trị của các nguyên tắc đạo đức – là cái mọi người không đồng ý với nhau. Nhiệm vụ của những người theo chủ nghĩa tự do là đảm bảo rằng - trong chừng mực có thể - những quyết định của đa số mà người ta cho là hợp pháp không được phép bóp nghẹt quyền tự do của thiểu số - và cuối cùng là của tất cả mọi người.

Nguồn: Eamonn Butler, Chế độ dân chủ - Một dẫn nhập, Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên gốc: Eamonn Butler (2020), Introduction to Democracy, London Publishing Partnership.

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường