[Chế độ dân chủ - Một dẫn nhập] Chương 2: Lịch sử của chế độ dân chủ

[Chế độ dân chủ - Một dẫn nhập] Chương 2: Lịch sử của chế độ dân chủ

Từ “dân chủ” (democracy) được đưa từ nước Pháp vào Anh từ thế kỷ XVI, nhưng nó có nguồn gốc lâu đời hơn nhiều. Khoảng 4.000–5.000 năm trước, người Hy Lạp giai đoạn Mycenaean (khoảng 1750 TCN - 1050 TCN, ND) gọi các nhóm dân cư là damos, mặc dù thuật ngữ này có thể bắt nguồn từ từ dumu, một khái niệm tương tự của nền văn minh Sumer thậm chí còn lâu đời hơn trong khu vực mà ngày nay nằm ở miền nam Iraq. Trong tiếng Hy Lạp cổ, từ này được nói thành demo, có thể có nghĩa là “dân chúng” hoặc “đám đông” dân chúng bần hàn. Cùng với kratos, có nghĩa là “quyền lực” hoặc “kiểm soát”, là nguồn gốc của từ này trong thời hiện đại.

Chế độ dân chủ Hy Lạp

Người Sumer định cư ở Mesopotamia – “khi vực lưỡi liềm màu mỡ” nằm giữa hai con sông Tigris và Euphrates - khoảng 5.000 năm trước được cho là đã tạo ra nền văn minh đầu tiên trên thế giới mà hiện nay chúng ta biết. Một số học giả cho rằng họ thậm chí có thể đã có một hình thức chính quyền dân chủ sơ khai, và rằng các ông vua của các thành bang của họ, như Gilgamesh of Uruk (khoảng 2800 - 2500 TCN, ND) không nắm giữ toàn bộ quyền lực mà hoạt động trong các hội đồng trưởng lão. Tuy nhiên, bằng chứng là rất mong manh.

Thậm chí xa hơn về phía đông, khoảng 2.600 năm trước, một số hình thức chính phủ dân chủ có thể đã xuất hiện trong các “nước cộng hòa” độc lập ở tiểu lục địa Ấn Độ. Một lần nữa, các quốc vương của họ, Rajas, cai trị trong các hội đồng - mở rộng cửa cho tất cả những người đàn ông tự do - có thẩm quyền chính trị rộng rãi và thường xuyên tổ chức các cuộc hội nghị. Nhưng hiện có rất ít chi tiết về hình thức chính quyền ở khu vực này trong thời kỳ đó, và các học giả cũng chia rẽ không thỏa thuận được với nhau về việc liệu những dàn xếp như vậy có thực sự là ví dụ về quyền lực của nhân dân hay là không.

Tuy nhiên, có nhiều bằng chứng cho thấy chế độ dân chủ đạt đỉnh cao ở Hy Lạp (đặc biệt là thành phố Athens) vào khoảng 2.500 năm trước. Trên thực tế, có khoảng 1.000 chính quyền dân chủ nhỏ ở Hy Lạp Cổ đại: mỗi chính quyền dân chủ là một thành phố-nhà nước độc lập (gọi là polis, cội nguồn của từ “chính trị” (politics)). Tuy nhiên, trong những cộng đồng nhỏ như thế, một vài người thuộc giới tinh hoa có thể dễ dàng thâu tóm được quyền lực. Tư tưởng dân chủ nhằm ngăn chặn quá trình thâu tóm quyền lực và một nhóm đông người hơn quyết định về chính sách. Nhưng nhóm người này vẫn chỉ là thiểu số trong toàn bộ dân cư, vì ngay cả ở Athens “dân chủ”, nô lệ, trẻ em, phụ nữ và người nước ngoài đều không được tham gia vào tiến trình dân chủ. Mặc dù vậy, khoảng 6.000–10.000 đàn ông Athens, thường tập trung trong những cuộc họp công khai, họ tranh luận và quyết định các vấn đề như luật pháp, chiến tranh và bổ nhiệm các quan chức.

Lý tưởng dân chủ đã được Pericles (c. 431 bc), một vị tướng đồng thời là chính khách của Athens trình bày như sau: chủ quyền tập thể, bình đẳng về chính trị, tự do và khoan dung, tôn trọng luật pháp, tôn trọng người khác và tôn trọng nghĩa vụ của chính mình. Nhưng quyền lực và sự thiếu kiên định của các hội đồng làm cho các nhà tư tưởng cổ đại như Plato và Aristotle cảm thấy lo lắng. Họ tin rằng quần chúng nghèo khổ có quá ít thông tin và thiển cận, họ không biết những lợi ích tốt nhất của mình và có thể dễ dàng bị những kẻ mị dân dắt mũi. Họ lo rằng chế độ dân chủ nhân dân có thể biến thành chính quyền chuyên chế kiểu mới – do đám đông cai trị. Họ còn sợ rằng đám đông sẽ đơn giản là cướp bóc những người khá giả hơn (như họ), đám đông có thể tuyên bố rằng đa số phiếu bầu làm cho việc cướp bóc trở thành chính đáng và hợp pháp.

Giải pháp của Plato là giao quyền cai trị cho những “ông vua triết gia” thông thái, nhưng Aristotle nhận thức được rằng không có người thực sự hoàn hảo. Ông nghĩ rằng chế độ dân chủ (ở Hy Lạp cổ đại là do người nghèo cai trị, mà khá hiệu quả) có thể cứu các công dân khỏi chế độ quả đầu (thực tế là do người giàu cai trị), nhưng đến lượt nó, chế độ dân chủ cần phải bị hạn chế bởi những công dân thuộc tầng lớp trung lưu giàu có – tức là cũng chỉ gồm một ít người mà thôi.

Nước Cộng hòa Rome

Các nhà tư tưởng ở La Mã cổ đại cũng có thái độ nghi ngờ tương tự như thế về chế độ dân chủ; nhưng chí ít thì phiên bản của họ được giới hạn bởi khuôn khổ mang tính thiết chế. Mặc dù sau này dân chủ được thay thế bằng chế độ độc tài của Caesars, Rome đã từng là nước cộng hòa (tiếng Latin res publica, “của nhân dân”).

Chế độ cộng hòa là hệ thống chính phủ hoạt động trên cơ sở một loạt các quy tắc xác định cách thức hoạt động và giới hạn những vấn đề mà nó có thể quyết định. Những quy tắc này - đôi khi được trình bày rõ ràng trong hiến pháp - nhằm hạn chế quyền lực của những người có thẩm quyền và bảo vệ các nhóm thiểu số và cá nhân khỏi những quyết định tùy tiện. Nước cộng hòa có thể là “dân chủ” (công chúng được quyền bổ nhiệm các nhà lập pháp đại diện cho họ) hoặc có thể là “đầu sỏ” (do tầng lớp ưu tú tự lựa chọn); nhưng cả hai hình thức này vẫn bị giới hạn bởi các quy tắc đã được mọi người chấp nhận.

Nước Cộng hòa La Mã có một số đặc điểm của cả chế độ dân chủ cũng như đầu sỏ. Nó chưa bao giờ thực sự là “của nhân dân”. Hai quan chấp chính của có quyền lực gần như nhà vua và  không phải do dân mà do một ủy ban gồm toàn các nhà quý tộc bầu ra. Thượng viện cũng là một cơ quan của quý tộc, không do công chúng bầu ra. Nhưng những cử tri đủ điều kiện – đàn ông (công dân)  – có thể chọn (và quan trọng là bãi nhiệm) một số quan chức quan trọng khác như tòa án, những người có thể phủ quyết các đạo luật đã được ban hành và các quan tòa thực thi những đạo luật đó.

Trong những giai đoạn khẩn cấp, sự tham gia của dân chúng thậm chí còn bị hạn chế hơn nữa, đấy là khi Thượng viện và các quan chấp chính có thể bổ nhiệm những nhà độc tài - những người được tạm thời nắm toàn quyền cai trị. Chẳng bao lâu sau, những nhà độc tài này đã trở thành hoàng đế, nắm giữ quyền lực suốt đời. Và trong khi các hoàng đế đầu tiên mong muốn giữ lại những biểu hiện mang tính thiết chế của nền Cộng hòa, không có nghi ngờ gì rằng quyền lực thực sự nằm trong tay ai.

Thời Trung cổ

Althing của Iceland, được thành lập vào khoảng năm 930 và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, tuyên bố là quốc hội lâu đời nhất thế giới. Althing mở rộng cửa cho tất cả những người đàn ông tự do, gặp nhau hàng năm ở Law Rock,  Thingvellir (một mỏm đá ở phía tây nam Iceland – ND). Một người, Phát ngôn viên Luật pháp, đọc các điều luật hiện hành (chứng tỏ có rất ít điều luật) và mọi người tranh luận. Tuy nhiên, chỉ có năm mươi công dân nổi tiếng thực sự có quyền quyết định luật pháp mà thôi.

Năm 1215, John, ông vua chuyên chế của nước Anh bị nhà các quý tộc đe dọa, họ yêu cầu ông chấp nhận Magna Carta – “hiến chương tự do vĩ đại” giới hạn quyền lực của nhà vua và đặc biệt là đòi phải được các quý tộc đồng ý thì mới ban hành các luật lệ và biểu thuế mới. Quốc hội Anh được xây dựng trên nền tảng này (Butler 2015b).

Cũng trong thời gian này, ở những khu vực khác của châu Âu bắt đầu xuất hiện các thành phố buôn bán và thương mại, mỗi thành phố có những bộ quy tắc riêng. Sự kiện này tạo ra thách thức trước quyền lực được cho là do Chúa ban cho các ông vua; nhưng người ta ngày càng xiển dương ý tưởng cho rằng các quyết định nên được dân chúng ở khu vực nhất trí thông qua, chứ không phải do chính quyền trung ương toàn trí toàn năng ban  hành.

Vào cuối những năm 1400, các thành bang ở Ý đã có thể được gọi là các nước cộng hòa. Chính xác hơn, đấy là những nền chính trị quả đầu hiến định: trong khi việc cai trị tập trung trong tay các nhóm nhỏ chứ không phải toàn bộ công chúng, quá trình ban quyết định vẫn tuân theo các quy tắc đã được mọi người chấp nhận. Và người ta công nhận vai quan trọng của dư luận đối với tiến trình chính trị: trong tác phẩm có ảnh hưởng về nghệ thuật quản lý nhà nước, nhà ngoại giao và triết gia Niccolò Machiavelli (1513) đã khuyên các quả đầu cầm quyền rằng nhà nước sẽ mạnh hơn hẳn nếu họ được dân chúng ủng hộ.

Giai đoạn đầu thời hiện đại

Ở Bắc Âu, đặc biệt là trong các nền kinh tế thương mại tự do như Hà Lan, quyền lực chính trị cũng không còn có tính tập quyền như trước nữa. Sự trỗi dậy của các tư tưởng dân chủ còn được hỗ trợ thêm bởi phong trảo Cải cách trong những năm 1500 và 1600, nhấn mạnh sự bình đẳng trước Chúa và thúc đẩy giáo dục và xóa mù chữ: những người theo đạo Tin lành chính trực cần có khả năng tự đọc Kinh Thánh, chứ không được dựa vào thẩm quyền của các giáo sĩ.

Trên những hòn đảo của nước Anh, trong những năm 1640, cuộc đấu tranh giữa các ông vua có quyền lực tuyệt đối (chuyên quyền) và các tư tưởng dân chủ đã trở thành cuộc nội chiến công khai, đấy là khi Hoàng đế Charles I tìm cách tăng thuế mà không được Quốc hội đồng ý. Năm 1647, những người theo phái Leveller (Cào bằng) phản đối tất các các đặc quyền dành cho giới quý tộc tranh cãi với nhau về những biện pháp thay thế. Họ kêu gọi thiết lập các thiết chế hiện đại đến mức có  thể làm chúng ta ngạc nhiên: chính phủ dân chủ, với quyền phổ thông đầu phiếu (mặc dù chỉ dành cho nam giới), tiến hành những cuộc bầu cử theo định kỳ và ranh giới khu vực bầu cử công bằng, bình đẳng trước pháp luật, khoan dung tôn giáo và nghĩa vụ quân sự. Nhưng sau khi phế truất Charles và giành được quyền lực, người lãnh đạo Nghị viện, Oliver Cromwell, lại chuyên quyền chẳng khác gì ông vua mà ông ta thay thế: ông ta ra lệnh bắt giữ những người theo phái Leveller và áp đặt chính quyền quân sự trong 12 năm.

Tình trạng hỗn loạn như thế thúc đẩy người ta suy nghĩ về nguồn gốc và mục đích của quyền lực của chính phủ. Nhà triết học người Anh thế kỷ XVII, Thomas Hobbes (1651), cho rằng chính phủ ra đời từ một “khế ước xã hội” mà các cá nhân lập ra nhằm giúp họ tránh gây hấn và tranh giành của cải của nhau. Ông tin rằng quốc chủ, với tư cách là “người đứng đầu” của trật tự mới, phải có quyền kiểm soát, giống như cái đầu cơ thể. Dân chúng không có quyền nổi loạn, vì bất kỳ thách thức nào đối với chính quyền đều có thể đưa xã hội quay lại tình trạng chiến tranh. Tuy nhiên, một triết gia người Anh sau đó, John Locke (1689), đã sử dụng tư tưởng “khế ước xã hội” nhằm trình bày một cách tiếp cận hoàn toàn khác. Ông tưởng tượng rằng các cá nhân thành lập bộ máy nhà nước chủ yếu nhằm bảo vệ các quyền cá nhân và mở rộng các quyền tự do của mình. Vì vậy, quyền lực duy nhất mà nhà nước nắm được chỉ đơn giản là quyền lực mà các cá nhân đã tự nguyện chuyển giao cho nhà nước nhằm tự bảo vệ chính mình. Các ông vua là để phục vụ người dân: họ không thể làm bất cứ điều cái gì mà họ cho là phù hợp. Và người dân có quyền lật đổ ông vua đã phản bội lòng tin của mình và cai trị theo lối chuyên chế.

Đến lúc này, một ông vua khác, James II, đã bị lật đổ. Chế độ quân chủ chỉ được khôi phục lại khi vị Vua tương lai, William III, đồng ý tôn trọng quyền lực của Nghị viện và nhân dân, như được quy định trong Tuyên ngôn Nhân quyền (1689). Quyền lực của nhà vua bị hạn chế bởi bản hiến pháp này, đất nước đã trở thành chế độ quân chủ hiến định. Hiện nay người ta vẫn gọi như vậy - mặc dù vì quyền lực của nhà vua ngày càng bị hạn chế hơn và quyền lực chính nằm trong tay Nghị viện do dân chúng bầu ra, cho nên gọi nước Anh hiện đại là chế độ dân chủ hiến định thì sẽ chính xác hơn.

Tư tưởng cộng hòa hiến định

Tư tưởng của John Locke tạo được ảnh hưởng to lớn đối với những người cha lập quốc Hoa Kỳ. Tương tự như ông, họ bác bỏ quyền lực độc đoán của nhà vua – trong Tuyên ngôn Độc lập (1776), họ đưa ra danh sách khá dài những “sự lạm dụng và chiếm đoạt” của Vua George III. Họ nhấn mạnh quyền bình đẳng chính trị, nhưng vẫn sợ rằng chế độ dân chủ sẽ gặp nguy hiểm vì nó có thể dễ dàng bị đám đông cai trị. Họ tranh luận về vấn đề này và rút ra kết luận rằng, sự tham gia của người dân vào các vấn đề công cộng chỉ là một thành tố của chính phủ chính trực. Cái họ cần là chế độ cộng hòa – chính phủ được xây dựng một cách cẩn thận theo những quy tắc và nguyên tắc, trong đó các quyết định sẽ được ban hành bởi những người đại diện do người dân bầu ra, nhưng những người đại diện cũng phải tuân thủ luật lệ như mọi người khác, quyền hạn của họ bị hạn chế và được quy định trong bản hiến pháp thành văn.

Dân chủ không phải là tự do. Dân chủ là hai con sói và một con cừu biểu quyết xem phải chuẩn bị gì cho bữa ăn trưa. Tự do xuất phát từ việc công nhận một số quyền có thể không bị tước đoạt, thậm chí không bị tước đoạt bởi số phiếu 99%. — Marvin Simkin (1992), “Quyền cá nhân”, Los Angeles Times

Triết gia người Pháp, Montesquieu (1748) khẳng định rằng chế độ dân chủ không bao giờ có thể hoạt động trơn tru, vì mọi người đều đặt lợi ích riêng của họ lên trên lợi ích chung. Đặc biệt là, những người được trao quyền sẽ lạm dụng quyền lực - Locke, người Mỹ và nhiều người chia sẻ quan điểm của ông quan tâm đặc biệt tới vấn đề này. Montesquieu cho rằng muốn ngăn chặn những người có quyền lực thì phải có kiểm soát và cân bằng: dùng quyền lực ngang bằng để kiểm soát quyền lực. Và bốn mươi năm sau, những tư tưởng này đã tạo ra bản Hiến pháp mới của Hoa Kỳ, với sự phân tách quyền lực, cử tri đoàn, thẩm quyền có giới hạn và các cơ chế khác nhằm tạo ra chính phủ đại diện có quyền lực hạn chế. (Mặc dù các quyền chính trị và biện pháp bảo vệ chưa lan tới khoảng 800.000 nô lệ và người bản địa sống ở nước này vào thời điểm đó).

Ở Pháp tình hình lại khác. Ở đó, Triều đại Khủng bố (1793–94) diễn ra sau Cách mạng 1789 đã xác nhận với những người cha lập quốc Mỹ rằng họ có quyền lo lắng về nguy cơ chế độ dân chủ có thể rơi vào hỗn loạn. Niềm tin của các nhà cách mạng Pháp rằng chế độ quả đầu dân cử của họ có thể được “ý chí chung” của dân chúng hướng dẫn hóa ra là sai; chỉ có bất đồng và tranh luận được bạo lực chống lưng mà thôi. Khủng bố làm cho lý thuyết gia chính trị người Anh, Edmund Burke (1790), phàn nàn trong Những suy ngẫm về Cách mạng ở Pháp, rằng: “Trong chế độ dân chủ, đa số công dân có thể tiến hành những vụ áp bức tàn bạo nhất đối với thiểu số”.

Chế độ dân chủ tự do

Năm 1835, một nhà tư tưởng Pháp khác, Alexis de Tocqueville, cho xuất bản cuốn Nền dân trị Mỹ. Ông rút ra kết luận rằng, sự thành công rõ ràng của chế độ cộng hòa Mỹ không chỉ là do phi tập trung hóa, cân bằng quyền lực, quyền lực được phân cấp (“chủ nghĩa liên bang”) và những đặc điểm hiến định khác, mặc dù những đặc điểm này là rất quan trọng. Ông cho rằng nền văn hóa đạo đức và xã hội của nước Mỹ cũng rất quan trọng. Xã hội dân sự – ở Mỹ có rất nhiều nhà thờ, tổ chức từ thiện, câu lạc bộ, các nhóm tự giúp nhau và các hiệp hội cộng đồng – phục vụ cho mục đích giáo dục và tiết chế công chúng có quyền bầu cử. Ông kết luận rằng, lợi ích chung và phép tắc có thể hạn chế, không để cho chế độ rơi vào quyền lực của đám đông; nhưng những đặc điểm này phải là một phần của nền văn hóa thì mới hoạt động có hiệu quả.

Triết gia vĩ đại người Anh thế kỷ XIX, John Stuart Mill, tiếp tục xây dựng các nguyên tắc của chế độ dân chủ tự do hiện đại (1861). Tương tự như người Hy Lạp, ông sợ chính quyền chuyên chế của nhóm người chiếm đa số nhưng ngu dốt, hoặc đám đông không kiên định bị những nhóm lợi ích thâm căn cố đế và những kẻ mị dân có sức lôi cuốn dắt mũi. Trong thế giới của ông, nơi các cộng đồng dân cư lớn hơn hẳn so với Athens cổ đại và không thể tập hợp được tất cả các công dân lại với nhau cho nên chế độ dân chủ trực tiếp cũng không khả thi. Ông cho rằng hệ thống khả thi duy nhất cho thời hiện đại sẽ là chính phủ đại diện. Nhưng những người đại diện không chỉ là những vị đại biểu được bổ nhiệm chỉ để nhắc lại định kiến của cử tri. Đúng hơn, họ phải suy nghĩ và hành động một cách độc lập và có trách nhiệm, ngay cả khi làm như thế có nghĩa là bác bỏ quan điểm của dân chúng. Như Edmund Burke (1774) đã nói trước đó trong “Bài diễn văn trước các đại cử tri ở Bristol”: “Người đại diện của bạn nợ bạn, chứ không chỉ nợ lĩnh vực của ông ta, mà còn có trách nhiệm trước những đánh giá của ông ta; ông ta sẽ phản bội chứ không phụng sự bạn, nếu ông ta hy sinh những điều vừa nói nhằm vuốt ve ý kiến ​​của bạn”.

Mill nhấn mạnh rằng, trong bất kỳ hệ thống chính quyền nào, các quyền và quyền tự do của cá nhân phải được đặt lên hàng đầu và phải được bảo vệ. Khác với Locke và người Mỹ, ông không cho rằng những quyền đó là do Chúa ban tặng theo một cách nào đó hay đấy là một phần bản chất của chúng ta. Ông nghĩ rằng đấy là những quy tắc đạo đức mà chúng ta phải tuân theo vì chúng hiệu quả. Và chính phủ chỉ có thể hoạt động và tồn tại nếu tôn trọng những quyền này và bảo vệ tính mạng, tự do và tài sản của các công dân của mình. Trong tác phẩm Một lý thuyết về tự do, Mill (1859) đã vạch ra giới hạn mà ông cho rằng sự can thiệp của chính phủ nên dừng lại. Ngay cả khi đại đa số tuyệt đối ủng hộ việc hạn chế hành động của người dân, thì “Mục đích duy nhất mà quyền lực có thể được thực thi một cách chính đáng đối với bất kì thành viên nào trong cộng đồng văn minh – chống lại ý muốn của anh ta với mục đích là ngăn chặn, không để anh ta làm hại người khác”.

Mở rộng dân chủ  ...

Cho đến nay, các nguyên tắc của chế độ dân chủ tự do đã bắt đầu liên kết lại, ngay cả khi Quốc hội của chính nước Anh còn lâu mới được coi là dân chủ. Nhưng trong những năm 1800, chủ nghĩa tự do ngày càng phát triển, nó đòi hỏi xóa bỏ hệ thống bầu cử thối nát, chỉ những chủ sở hữu có tài sản lớn mới có quyền bầu cử, trong đó một số điền chủ kiểm soát toàn bộ các khu vực bầu cử nghị viện; nạn hối lộ, tham nhũng và đe dọa lan tràn khắp nơi. Đạo luật Cải cách Vĩ đại (1832) đã giúp cải thiện tình hình, mặc dù tác động chính của nó là mở rộng số lượng cử tri, các điền chủ nhỏ hơn và những người cho thuê đất cũng được quyền bầu cử. Một cuộc cải cách khác (1867) mở rộng quyền bầu cử hơn nữa, những người lao động “đáng kính” có thu nhập khiêm tốn cũng được quyền bầu cử.

Phải nhiều năm sau phụ nữ Anh mới có quyền bầu cử – hầu hết các nước khác cũng thế. ở New Zealand và Australia là những nước đầu tiên cho phụ nữ quyền bầu cử (mặc dù người Australia bản địa ở một số bang cho mãi đến mãi năm 1965 mới được hưởng quyền này). Trước Thế chiến I, Phần Lan và Na Uy đã cho phụ nữ quyền bầu cử, ngay sau đó là đến Áo, Đức, Ba Lan, Nga, Hà Lan, Mỹ và Thụy Điển. Ở Vương quốc Anh, năm 1918 phụ nữ là chủ sở hữu tài sản được quyền bầu cử, và mãi tới năm 1928 tất cả phụ nữ mới được quyền phổ thông đầu phiếu. Nhưng phụ nữ ở Bồ Đào Nha và Thụy Sĩ thì mãi tới những năm 1970 mới được hưởng quyền này; và hiện phụ nữ ở một số nước vẫn chưa được quyền ứng cử và bầu cử.

… vượt qua những giới hạn của nó?

Quá trình mở rộng quyền bầu cử, từ đàn ông có tài sản tới tất cả các công dân, đã làm gia tăng tính hợp pháp của chính phủ đại diện (ngày nay được gọi là “chế độ dân chủ”) và thúc đẩy ý tưởng cho rằng, nên sử dụng phương pháp này để giải quyết nhiều vấn đề hơn nữa. Quá trình mở rộng quyền phổ thông đầu phiếu song hành với mức độ thịnh vượng ngày càng gia tăng, giúp cho nó càng mở rộng hơn nữa (mặc dù kinh tế phát triển có lẽ là do người ta ngày càng áp dụng các tư tưởng tự do, ví dụ như thương mại tự do và thị trường cởi mở, chứ không phải là do quyền bầu cử dành cho mọi người).

Thế kỷ XX chứng kiến nền “dân chủ” được hợp pháp hóa hơn này lan rộng sang nhiều lĩnh vực khác của đời sống, nó thay thế lựa chọn cá nhân trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, lương hưu và hoạt động từ thiện bằng lựa chọn tập thể. Chính phủ càng bành trướng thêm thì ngày càng có nhiều cơ hội cho các nhóm lợi ích sử dụng ảnh hưởng của mình nhằm giành giật đặc quyền, trợ cấp, ưu đãi về thuế khóa và những lợi ích khác. Vào cuối thế kỷ trước, xuất hiện tầng lớp tinh hoa chính trị, trong đó có các chính trị gia, những người vận động hành lang, những người làm việc trong các tổ chức phi chính phủ, ủy ban, tòa án, cơ quan quản lý, những tổ chức phi chính phủ nhưng được chính phủ hỗ trợ, truyền thông chính trị, các viện nghiên cứu và những tổ chức khác – chỉ một phần rất nhỏ trong đời sống cá nhân là thoát khỏi sự chú ý của họ mà thôi.

Xin hãy tưởng tượng nếu tất cả đời sống đều được quyết định bằng quy tắc đa số. Mỗi bữa ăn sẽ có một cái bánh pizza. Quần… sẽ được may bằng vải…. Sách dạy thể dục và sách dạy ăn kiêng theo người nổi tiếng là những cuốn duy nhất trên kệ sách trong thư viện. — P. J. O'Rourke (1991) viết trong cuốn Parliament of Whores (dịch tạm, Nghị viện của gái điếm) như thế

Cái chết của chế độ dân chủ?

Mặc cho tính chính danh hiển nhiên của chính phủ đại diện, một số nhà phê bình cho rằng thực tại của nó là thất bại thảm hại. Đối với họ, chế độ mà chúng ta tạo ra không phải là chế độ dân chủ mà là chế độ quả đầu dân túy do dân bầu ra, những người tư lợi, tầm nhìn ngắn hạn và chẳng có nguyên tắc gì tạo điều kiện cho chính phủ bành trướng mà không có biện pháp kiểm soát, nuôi dưỡng bộ máy quan liêu, chủ nghĩa thân hữu và vung tay quá trán – cũng như để ý kiến đa số chà đạp, nghiền nát quyền tự do cá nhân. Họ phàn nàn rằng nhiều người bình thường coi chính trị là công việc không liên quan đến mình hoặc nằm ngoài tầm kiểm soát của mình – thái độ xa lánh làm cho giai cấp chính trị càng dễ dàng bóc lột họ hơn nữa. (Như Pericles đã nói với người Athens, chỉ vì bạn không quan tâm đến chính trị không có nghĩa là chính trị không quan tâm đến bạn).

Tuy nhiên, đời sống và chính trị trong các chế độ dân chủ tương đối tự do vẫn tự do và cởi mở hơn hẳn so với các chế độ quả đầu thuở trước. Tuy nhiên, lý tưởng dân chủ chắc chắn có thể bị bại hoại, không chỉ là do người ta thờ ơ với nó. Ngay cả trong thời đại được cho là đã khai sáng của chúng ta hiện nay, các chính phủ tự xưng là “dân chủ” vẫn thường dính líu tới gian lận trong bầu cử, tước đoạt quyền bầu cử, kiểm duyệt, tịch thu, bắt giữ tùy tiện, chính trị hóa tòa án và giam giữ mà không cần xét xử. Ưu tiên hàng đầu trong việc thay đổi những sự kiện này là phải làm rõ dân chủ thực sự có nghĩa gì, cũng như những thiết chế và nguyên tắc làm nền tảng cho nó.

Nguồn: Eamonn Butler, Chế độ dân chủ - Một dẫn nhập, Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên gốc: Eamonn Butler (2020), Introduction to Democracy, London Publishing Partnership.

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường