[Nền kinh tế tự do] Chương 8: Đạo đức của thị trường

[Nền kinh tế tự do] Chương 8: Đạo đức của thị trường

Lần đầu tiên tới Estonia, một quốc gia Baltic, phải khó khăn lắm tôi mới tìm được chỗ ăn trưa. Khu vực này vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của Nga và cách làm việc thời Xô Viết xưa cũ vẫn còn.

Chủ nhà của tôi biết mấy khách sạn ở Talinn, nên dẫn chúng tôi tới đó. Khách sạn thứ nhất, cửa đóng kín, ông gõ thật to. Không một động tĩnh. Ông gõ thêm, lâu hơn. Sau lần gõ thứ ba, một anh chạy bàn ngái ngủ ra mở cửa và giải thích rằng họ không có thức ăn.

Lời giải thích nghe hoàn toàn hợp lý. Món duy nhất mà chúng tôi tìm được ở Estonia là canh nấu với xúc xích và thịt đông. Rõ ràng là không có những thứ khá hơn. Nhưng người bạn tôi bảo vấn đề là họ không muốn phục vụ.

Khách sạn thứ hai - tôi không nghĩ đây là khách sạn vì không có biểu hiện nào chứng tỏ họ muốn lôi kéo thực khách tới đây - lại một cánh cửa đóng kín nữa. Chúng tôi gõ cửa còn mạnh hơn lần trước. Tôi không nhớ lần này người ta nói gì, nhưng chúng tôi không vào.

Khách hàng chỉ là những kẻ quấy rầy,

cần phải tránh cho xa.

Khách sạn thứ ba, bạn tôi gõ rất mạnh và còn đập cả cửa sổ. Lần này người ta nói rằng quán ăn đã kín người. Tôi không biết bạn tôi nói gì, nhưng sau chừng một phút trao đổi ngay trên ngưỡng cửa, người ta cho chúng tôi vào. Chúng tôi ngồi vào bàn, trước khi đưa thực đơn ra, người phục vụ giải thích rằng họ chỉ có canh nấu với xúc xích và thịt đông.

Quán không hề đông. Thực ra, chúng tôi là những thực khách duy nhất ở đây. Điều bạn tôi nói về quán ăn thứ nhất cũng đúng cho những quán khác: Đơn giản là họ không muốn phục vụ chúng tôi. Tại sao họ phải làm? Trong hệ thống thời đó, họ được trả lương, dù có khách hay không. Họ thích ngồi hút thuốc hay chơi bài chứ không muốn phục vụ khách. Khách hàng chỉ là những kẻ quấy rầy, cần phải tránh cho xa.

KIỀM CHẾ THÓI TƯ LỢI

Hiện nay ở Tallin có hằng hà sa số nhà ăn, tất cả đều mở rộng cửa và sẵn sàng chào đón bạn. Mart Laar, vị thủ tướng trẻ, là người đã đưa Estonia vào nền kinh tế thị trường. Ông nói rằng thời Liên Xô, cuốn sách về kinh tế học duy nhất của phương Tây mà ông có là cuốn Tự do lựa chọn (Free to Choose) của Milton và Rose Friedman - tán dương những điều tốt đẹp của thị trường tự do. Chưa từng đọc những cuốn sách giáo khoa dòng chính của phương Tây, ông chưa bao giờ được ai nói cho biết rằng đấy là những ý tưởng không thể nào thực hiện được. Cho nên ông tiến lên và thực hiện; cuối cùng, đã thành công.

Kịch bản nào đạo đức hơn: Kịch bản cũ, khi người ta cố tình không phục vụ người khác hay kịch bản mới, khi người ta tích cực chào đón cơ hội. Tôi không hề nghi ngờ. Đấy là kịch bản mới.

Hệ thống cũ, chắc chắn là được xây dựng trên những tư tưởng mang tính đạo đức, như bình đẳng, mình vì mọi người và vị tha. Nhưng nó không thể chống lại được bản chất tự nhiên của con người là lười lao động, cũng không kiềm chế được thói tư lợi, trong khi thị trường làm được. Người ta cho rằng việc người dân háo hức xây dựng chủ nghĩa xã hội sẽ xóa bỏ được những thói xấu vừa nói. Nhưng, như tôi thấy ở Estonia, chuyện đó đã không xảy ra.

TƯ LỢI VÀ LÒNG THAM

Tuy nhiên, nhiều người vẫn nghĩ rằng hệ thống thị trường không bao giờ có thể là hệ thống có tính đạo đức vì nó xuất phát từ tư lợi, mà tư lợi là xấu.

Quan niệm như thế là lẫn lộn giữa tư lợi - một đặc điểm rất tự nhiên và thực ra là rất cần thiết của con người với lòng tham - chắc chắn là xấu. Trên thực tế, ở mức độ nào đó tư lợi là quan trọng sống còn: Nếu tất cả chúng ta đều không quan tới đời sống của mình thì xã hội của chúng ta sẽ rơi vào tình trạng rất tồi tệ. Chúng ta ăn, chúng ta uống, chúng ta mặc vì đấy là những cái chúng ta cần làm để có thể sống còn và hài lòng với chính mình. Đấy là tư lợi, đúng thế, nhưng không phải là xấu. Chúng ta có thể quan tâm tới quyền lợi của chúng ta mà vẫn là người trung thực, đáng tin, công bằng và dễ thương.

Tôi cho rằng bạn có thể nói cha tôi bắt đầu công việc sửa chữa ô tô trong làng là do tư lợi. Đấy là cách kiếm những đồng tiền mà ông có thể dùng để mua những thứ ông thực sự cần. Ông cũng thích chữa xe nữa. Nhưng, đồng thời, ông nghĩ rằng đấy là công việc hữu ích và đáng làm. Tôi không nghĩ rằng ông tham lam hơn người bán hàng tạp hóa trong làng, cách nhà tôi hai nhà, hay ông bà chủ quán rượu đối diện hay người bán thịt phía trên ngã tư. Trên thực tế, nếu có người nào đó trong làng nghĩ rằng họ là những người tham lam thì họ sẽ không được mọi người tin cậy và kết quả là sẽ có ít khách hàng hơn.

Phục vụ quyền lợi của những người khác là

phục vụ quyền lợi của chính mình.

Trên thương trường, muốn phục vụ quyền lợi của mình, bạn chỉ có thể làm điều đó bằng cách làm cho người khác được lợi. Phục vụ quyền lợi của những người khác là phục vụ quyền lợi của chính mình. Nhưng bạn không thể làm bằng cách bóc lột người khác: Bạn có thể đút túi một món tiền bằng cách bán những món hàng xấu, nhưng tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa, chẳng bao lâu bạn sẽ phải rời khỏi thương trường. Bạn sẽ thành công hơn bằng cách bán những món hàng hảo hạng, để khách hàng tiếp tục quay lại và khuyên những người khác đến mua hàng của bạn.

Bằng cách khuyến khích mỗi người chúng ta phục vụ những người khác theo cách này, thị trường biến chúng ta thành những người thúc đẩy quyền lợi của cả cộng đồng. Không những không xấu, hệ thống thị trường còn biến tư lợi thành rất đạo đức.

HÀI HÒA ĐỐI ĐẦU VỚI CHÍNH TRỊ

Thực vậy, thị trường tạo điều kiện cho việc hợp tác hòa bình trên bình diện quốc tế. Như ví dụ của Adam Smith, chiếc áo khoác len, một sản phẩm đơn giản nhất cũng có thể hàm chứa lao động của nhiều người, từ nhiều nước khác nhau. Trao đổi trên thương trường tạo điều kiện cho hàng triệu người, thậm chí cả những người từ những đất nước khác nhau, nói những ngôn ngữ khác nhau và có những tư tưởng, giá trị và ý kiến khác nhau - thậm chí xung đột nhau - hợp tác với nhau. Tôi bỏ tiền vào ví những người nông dân trồng chà là Iran, mặc dù tôi với họ không có nhiều điểm chung và tôi chẳng ưa gì chính phủ của họ.

Thị trường là phương tiện mạnh mẽ nhất chúng ta có nhằm thúc đẩy hợp tác giữa những người khác hẳn nhau, thậm chí căm thù nhau. Thực vậy, càng đánh giá đồ vật một cách khác nhau thì mỗi người càng thu được nhiều lợi ích hơn khi trao đổi và xác suất để họ trao đổi sẽ càng cao. Họ càng hay trao đổi thì đóng góp của họ vào việc giữ gìn hòa bình sẽ càng lớn, hòa bình lại làm buôn bán và lợi ích mang lại khả thi hơn.

Hàng hóa không đi qua biên giới thì binh lính sẽ tràn qua.

Frédéric Bastiat, nhà kinh tế học và chính trị gia Pháp, thế kỷ XIX

Một số nhà phê bình tưởng tượng rằng hệ thống được xây dựng trên nền tảng là sự căng thẳng giữa người mua và người bán - và sự cạnh tranh giữa người mua với nhau và người bán với nhau - chắc chắn sẽ kéo theo nhiều xung đột hơn là hệ thống, nơi mà nguồn lực được phân bổ theo thỏa thuận của đa số. Nhưng, khi mà những vấn đề như thế được giải quyết bằng tiến trình chính trị, khả năng xảy ra xung đột sẽ lớn hơn, vì may rủi cao hơn hẳn. Quyết định chính trị về việc chấp nhận một kế hoạch cho nền sản xuất quốc gia có nghĩa là tất cả những kế hoạch khác đều phải hủy bỏ. Những người có thể thua thấy rằng cần phải chiến đấu, nhất là nếu kế hoạch sẽ chỉ được xét lại trong kỳ bầu cử sau. Đấy là lý do vì sao lĩnh vực dịch vụ công thường xuyên bị gián đoạn bởi những cuộc bãi công và chia rẽ.

Thị trường là phương tiện mạnh mẽ nhất của chúng ta nhằm thúc đẩy hợp tác.

Ngược lại, thị trường làm ra rất nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, đáp ứng ngay lập tức những thị hiếu khác nhau, thậm chí xung đột với nhau. Còn khi những xung đột xuất hiện thì chúng liền được giải quyết một cách tự động và liên tục. Nhiều người cạnh tranh nhằm giành một nguồn lực nào đó làm cho giá cả của nó gia tăng, và thế là một số khách hàng sẽ mua ít đi và sử dụng tiết kiệm hơn hoặc hoàn toàn không mua nữa và chuyển sang những thứ thay thế rẻ hơn. Đấy là quá trình điều chỉnh diễn ra hằng ngày cho phù hợp với thực tiễn cung và cầu, và diễn ra với mọi món hàng và dịch vụ. Cách làm như thế ít gây chia rẽ hơn là tất cả các quyết định về sản xuất được thực hiện một lần - như là kết quả của các cuộc bầu cử hoặc bỏ phiếu thỉnh thoảng mới diễn ra trong cơ quan lập pháp.

BẤT CÔNG VÀ BẤT BÌNH ĐẲNG

Thị trường có thể làm giảm bớt xung đột, nhưng có tạo ra kết quả công bằng hay không? Những người phê phán khẳng định rằng lương của các hộ lý chăm sóc người bệnh có thể chỉ bằng một phần trăm lương của những diễn viên hàng đầu, mà những người này lại chỉ quan tâm tới tài khoản của ngân hàng của mình mà thôi. Làm sao gọi là công bằng?

Nhưng lương - tương tự như tất cả những giá cả khác - chỉ đơn giản là kết quả của hệ thống luật lệ phi cá tính. Tương tự như kết quả của ván cờ, không công bằng cũng chẳng bất công - đấy chỉ là sự kiện. Có rất ít diễn viên tài năng và hàng triệu người sẵn sàng trả cho họ khoản tiền lớn để xem họ trình diễn. Trong khi đó nhiều người có thể trở thành hộ lý, nhưng mỗi hộ lý chỉ có thể chăm sóc được vài người một lúc, cho nên lương của họ thấp hơn. Không có người nào hành động một cách bất công hay bất bình đẳng. Đấy chính là kết quả của trao đổi tự nguyện.

Khiếm khuyết cố hữu của chủ nghĩa tư bản là phân bổ bất bình đẳng hạnh phúc.

Hạnh phúc cố hữu của chủ nghĩa xã hội là phân bổ bình đẳng bất hạnh.

Winston Churchill -

Cựu thủ tướng Anh

Ngay cả với những khác biệt như thế, các xã hội thị trường, trên thực tế, vẫn bình đẳng hơn những xã hội khác. Bất bình đẳng lớn nhất diễn ra trong những xã hội, nơi quyền lực chính trị, chứ không phải tiền, giữ thế thượng phong. Ai cũng có thể kiếm tiền; nhưng chỉ một ít người, những người sinh ra trong gia đình, chủng tộc, có thái độ hay tôn giáo phù hợp thì mới tiếp cận được với quyền lực chính trị.

Trong nền kinh tế thị trường, xã hội cũng năng động hơn; người ta có thể giàu hay nghèo, nhưng không ai phải chịu mãi số phận như thế. Thanh niên có thể làm công việc lương thấp trong các cửa hàng ăn nhanh, nhưng khi có kinh nghiệm và có trình độ, họ có thể chuyển sang những công việc thú vị hơn và được trả nhiều tiền hơn. Công việc bán tranh cổ thời sinh viên của tôi không làm cho tôi giàu có, nhưng nó đã dạy tôi nhiều điều về việc làm và kinh doanh, tạo điều kiện cho tôi sau này có thể kiếm được nhiều hơn. Bạn phải nhìn vào sự năng động của nền kinh tế, chứ không chỉ nhìn vào những khoảnh khắc nhất thời, và kinh tế thị trường có mức năng động cao.

Các chính phủ có thể tìm cách giảm bất bình đẳng bằng cách đánh thuế người giàu và trợ cấp cho người nghèo. Nhưng phải trả giá: Giảm tưởng thưởng cho người ta tức là bạn đã giảm động cơ hướng sức lực của họ tới những nơi cần thiết nhất. Phải trả giá cả về mặt đạo đức nữa: Phải ép buộc người dân đóng thuế.

BUÔN LẬU VÀ BÓC LỘT

Một số người nói rằng sức quyến rũ của lợi nhuận sẽ khuyến khích những tội ác như buôn lậu ma túy, vũ khí và thậm chí là chính con người. Nhưng bạn không thể lên án thị trường vì những tội ác như thế, cũng như bạn không thể lên án chính trị vì gian lận trong bầu cử. Con người, chứ không phải hệ thống có tổ chức, thực hiện hành vi phạm tội. Có thể nói, không phải là sức quyến rũ của lợi nhuận trong xã hội tự do làm cho người ta trở thành tội phạm, mà việc họ muốn trốn tránh lực lượng cưỡng bức đã biến họ thành những người như thế.

Còn bóc lột thì sao? Ví dụ, những người phê phán khẳng định rằng kinh tế thị trường buộc người dân ở các nước đang phát triển phải làm việc nhiều giờ để sản xuất ra những đôi tất hay quần áo rẻ tiền, với đồng lương chỉ bằng một phần lương trả cho công nhân ở các nước giàu có hơn.

Nhưng người ta không bị buộc phải làm việc trong những điều kiện như thế. Họ làm thế vì những lựa chọn khác kém hấp dẫn hơn hẳn - có thể phải làm việc 12 giờ mỗi ngày trên những cánh đồng trồng lúa ngập nước và đầy muỗi.

Lương trong những nhà máy đóng giày của hãng Nike ở Việt Nam có thể là thấp, đấy là theo tiêu chuẩn của phương Tây; nhưng cũng cao gấp mấy lần thu nhập không chắc chắn và thấp của nghề nông. Sau hai hoặc ba năm làm việc, người công nhân có thể mua cho mình chiếc xe đạp để đi làm, sau một thời gian nữa, họ có thể mua được xe gắn máy. Rồi họ có thể mở rộng và sửa chữa ngôi nhà, tìm nơi học tập phù hợp cho con em, và thậm chí thành lập những doanh nghiệp nhỏ của chính mình, đấy sẽ là điều kiện để họ và cộng đồng của họ vĩnh viễn thoát khỏi đói nghèo. Vì những lý do như thế mà chính phủ Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khen ngợi Nike, coi công ty này như tấm gương về doanh nghiệp hữu hảo và có trách nhiệm.

SỰ THỐNG TRỊ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP LỚN

Karl Marx, nhà trí thức tiền phong của chủ nghĩa cộng sản, không thể tưởng tượng được rằng mọi sự lại ra như thế. Ông nghĩ rằng cái mà các nhà kinh tế học gọi là nền kinh tế quy mô - việc bạn có thể sản xuất hàng loạt thì rẻ hơn hẳn sản xuất thủ công nhỏ lẻ - sẽ buộc các doanh nghiệp phải ngày càng mở rộng quy mô nhằm loại bỏ cạnh tranh. Cuối cùng, họ sẽ loại bỏ tất cả cạnh tranh, và sẽ chỉ còn vài doanh nghiệp độc quyền, những doanh nghiệp bóc lột người lao động.

Nhưng, sau 150 năm, chuyện đó đã không xảy ra.

Sự kiện đáng ăn mừng nhất trong gia đình tôi là ông tôi đã xuất hiện - dù không được nhắc tên - trên trang bìa tạp chí Picture Post vào năm 1948, để minh họa cho bài báo nói về việc huấn luyện chó săn, nghề của ông tôi. Xem lại những quảng cáo trên tờ tạp chí này sẽ thấy Marx cũng có thể sai. Ở đây có những công ty bán rượu táo, bán radio, thuốc chuột, đậu, dầu gội đầu, nước rửa sàn, nước chấm, xà phòng, xe đạp, găng tay phẫu thuật, thức ăn cho chó, xà phòng cạo râu và đậu Hà Lan. Năm 1948, đấy là những công ty lớn, hiện nay chẳng còn công ty nào, ngay cả tạp chí Picture Post cũng đóng cửa từ lâu. Đấy không phải là tiến trình dẫn tới độc quyền không thể đảo ngược, mà là quá trình biến đổi không ngừng: Các công ty lớn bị những đối thủ mới, với những sản phẩm tốt hơn, thách thức; đến lượt mình, những công ty này lại bị những công ty mới khác thách thức. Đây không phải là bóc lột mà là làm lợi cho xã hội.

Phần lớn các luận cứ chính nhằm chống lại thị trường tự do

 là do thiếu niềm tin vào chính tự do.

Milton Friedman - Nobel kinh tế

Chắc chắn là có những công ty đa quốc gia trong một số lĩnh vực, nơi mà sản xuất quy mô lớn là lợi thế - dầu khí, khai thác mỏ, sản xuất ô tô, dược phẩm, phương tiện truyền thông, v.v.. Đấy là những lĩnh vực đòi hỏi những khoản đầu tư lớn, cho nên không có gì ngạc nhiên khi các tay chơi lớn giữ thế thượng phong. Nhưng trong vòng một chục hay hai chục năm sẽ xuất hiện tình huống khác - chẳng khác gì các nhà sản xuất Nhật Bản, Hàn Quốc và hiện nay là Trung Quốc đã làm lu mờ những công ty sản xuất ô tô Mỹ và Anh từng giữ thế thượng phong trong lĩnh vực này.

Và còn có sự cạnh tranh từ những tay chơi tí hon nữa - những nhà sản xuất phim chuyên dụng, những nhà sản xuất ô tô theo đơn đặt hàng của khách. Thời tôi làm trong ngành dầu khí, một nhóm nhà khoa bảng ở Hillsdale College, bang Michigan đã đầu tư vào việc thăm dò những mỏ dầu khí “nhiều rủi ro” trong khu vực. “Các ông lớn dầu khí” có thể lớn, nhưng không phải độc quyền.

NHỮNG GIỚI HẠN ĐỐI VỚI SỰ THỐNG TRỊ TRÊN THỊ TRƯỜNG

Dù thế nào thì thị trường cũng không bán những sản phẩm giống hệt nhau để sản xuất quy mô lớn có thể hô mưa gọi gió. Mà là tìm cách giành lợi thế cạnh tranh so với những người khác, bằng cách làm cho sản phẩm của bạn khác với sản phẩm của họ. Không phải là tung ra số lượng lớn những sản phẩm giống hệt nhau mà cuộc đấu tranh để trở thành khác biệt có nghĩa là liên tục sáng tạo, luôn luôn thay đổi và đổi mới. Bạn càng đầu tư lớn vào quy trình nào đó thì càng khó bị lật đổ khi một người mới tham gia thị trường muốn cho quy trình sản xuất đó ra rìa.

Sản xuất quy mô lớn cũng có thể phi kinh tế. Ví dụ, quản lý công ty nhỏ - nơi bạn biết từng nhân viên và có thể đi một vòng nhà máy vào buổi sáng - là công việc dễ dàng hơn. Còn trong công ty lớn, phải liên hệ với rất nhiều người hoặc theo dõi đường đi của tài sản có thể là công việc phức tạp và tốn kém.

Cũng cần phải nhớ rằng trong những nền kinh tế hiện đại, dịch vụ là lĩnh vực đang phát triển. Dịch vụ, về bản chất, là mặt đối mặt và mang tính cá nhân (xin nghĩ tới bác sĩ thú y hoặc người thợ sơn nhà) và không dễ dàng chuyển thành công ty đa quốc gia, quy mô lớn.

Chắc chắn là, nếu phải mất nhiều chi phí cho hoạt động kinh doanh, việc tham gia thị trường sẽ trở thành khó khăn và chỉ có vài công ty tồn tại được thì họ sẽ có thể tìm cách thành lập các liên hiệp (cartel) nhằm nâng giá. Đấy là lý do vì sao chúng ta có luật ngăn chặn độc quyền. Nhưng giữ các liên hiệp là việc khó. Các công ty thành viên dễ dàng lừa gạt và lôi kéo khách hàng bằng cách đưa ra giá thấp hơn giá đã thỏa thuận - nếu cần thì làm một cách bí mật. Đấy có thể là lý do vì sao các công ty khai thác dầu khí không thành lập được các liên hiệp mà chỉ có các chính phủ những nước sản xuất dầu khí mới thỏa hiệp được với nhau (90% là những nước không dân chủ). Khó mà có thể lên án thị trường về những hiện tượng như thế.

ƯU VIỆT VỀ MẶT ĐẠO ĐỨC CỦA THỊ TRƯỜNG

Các thị trường đều có những vấn đề chung, nhưng, nhìn tổng thể, dường như chúng ưu việt hơn hẳn những lựa chọn khác - không chỉ về mặt hiệu quả, mà còn về mặt đạo đức. Các nền kinh tế phi thị trường được dẫn dắt bởi những quyết định lớn, thỉnh thoảng mới được những chính khách thông qua. Các nền kinh tế thị trường dân chủ hơn rất nhiều, vì được dẫn dắt bởi hàng triệu quyết định nhỏ lẻ, do mỗi người chúng ta đưa ra mỗi ngày. Kinh tế phi thị trường làm cho mọi thứ có thể gặp rủi ro vì đưa tất cả vào một kế hoạch duy nhất. Kinh tế thị trường chia ra và giảm thiểu rủi ro bằng cách tạo điều kiện cho tất cả chúng ta lập và phối hợp các kế hoạch của chính chúng ta.

Và trong hệ thống như thế, ai là người có khả năng leo lên? Đấy sẽ là những người nhẫn tâm nhất trong việc sử dụng quyền lực mà nền kinh tế tập trung trao vào tay họ. Quan điểm và hệ tư tưởng của họ sẽ giữ thế thượng phong. Ngược lại, trong nền kinh tế thị trường, không ai có thể ngăn chặn được tự do tư tưởng: Thị trường tưởng thưởng cho những tư tưởng mới.

Về mặt đạo đức, cũng như về mặt kinh tế, thị trường sẽ là tương lai của thế giới. Chúng ta phải phát triển và chăm sóc nó. Nhưng điều đó đòi hỏi con người phải quan tâm và nỗ lực rất nhiều.

Nguồn: Nền kinh tế tự do,  Eamonn Butler. Nhà xuất bản tri thức, 2023

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường