[Chế độ dân chủ - Một dẫn nhập] Chương 3: Các thiết chế của chế độ dân chủ

[Chế độ dân chủ - Một dẫn nhập] Chương 3: Các thiết chế của chế độ dân chủ

CÁC THIẾT CHẾ CỦA CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ

Trong khi gần như tất cả các chính phủ đều tuyên bố họ là chế độ dân chủ và được hưởng tính chính danh như tuyên bố của họ ám chỉ, thì rất ít chính phủ sống theo lý tưởng dân chủ. Các chế độ được cho là “dân chủ” gian lận kết quả bầu cử, bóp nghẹt chỉ trích bằng cách kiểm soát các phương tiện truyền thông, dùng cảnh sát và tòa án nhằm đàn áp đối thủ, và lạm dụng quyền lực và sức mạnh tài chính của nhà nước nhằm làm giàu cho mình và những người thân cận với mình. Một báo cáo của tổ chức Economist Intelligence Unit (2019) đưa ra kết luận nói rằng chỉ có 22 nước, chỉ chiếm 5,7% dân số thế giới, có thể được gọi một cách chính danh là các chế độ dân chủ “đầy đủ” và 15 nước trong số này là các nước Tây Âu. Thật vậy, các nước đặt cụm từ “cộng hòa dân chủ” vào tên gọi chính thức của mình (chẳng hạn như Algeria, Ethiopia, Bắc Triều Tiên, Lào và Nepal) là những nước độc đoán nhất.

Do đó, quan trọng là chúng ta phải có ý tưởng rõ ràng: dân chủ thực sự là gì, chứ không để cho các chế độ độc tài tự gọi mình là dân chủ - cố ý hoặc do tự lừa mình – lừa bịp. Chúng ta cần vạch ra những nguyên tắc cốt lõi của chế độ dân chủ để có thể phân biệt dân chủ thực sự với dân chủ giả tạo.

Mục đích và quyền lực của chính phủ

Để bắt đầu quá trình, trước tiên chúng ta có thể hỏi mục đích của chính phủ là gì, sau đó hỏi tiếp chế độ dân chủ hỗ trợ mục đích đó như thế nào.

Câu trả lời được Locke, Mill và những người theo chủ nghĩa tự do khác đưa ra là, mặc dù con người là sinh vật xã hội và trong đa số trường hợp là hòa hợp với nhau, nhưng họ thường xuyên có thể bị những người sẵn sàng dùng vũ lực nhằm thống trị, cướp bóc hoặc lừa gạt ép buộc. Có chính phủ là tạo điều kiện cho các cá nhân tối đa hóa quyền tự do của mình bằng cách dùng hệ thống tư pháp có tổ chức nhằm ngăn chặn những hành động sử dụng vũ lực. Do đó, chính phủ không có đời sống độc lập và bản sắc riêng: nó tồn tại chỉ nhằm đảm bảo an ninh và bảo vệ quyền tự do của công dân.

Công dân cần trao cho chính phủ một số quyền hạn nhất định nhằm thực hiện những mục tiêu này – ví dụ như khả năng sử dụng vũ lực để giam giữ và trừng phạt những kẻ phạm tội. Không có nghĩa là chính phủ cần phải sử dụng một lực lượng to lớn: quyền lực mà chính phủ có phải được sử dụng vì lợi ích của nhân dân. Không thể sử dụng lực lượng của chính phủ nhằm kiểm soát họ - làm thế là phủ nhận toàn bộ mục đích của nó. Các dàn xếp phải được mọi người đồng thuận. Và vì quyết định của chính phủ ảnh hưởng đến tất cả mọi người cho nên mọi người phải tham gia vào quá trình này, quan điểm của họ phải được coi là bình đẳng. Do đó cần có hệ thống ban hành quyết định theo lối dân chủ.

Quyền lực dẫn tới tha hóa, quyền lực tuyệt đối dẫn tới tha hóa tuyệt đối. Những người có quá nhiều quyền lực hầu như bao giờ cũng là những người xấu, ngay cả khi họ sử dụng ảnh hưởng chứ không sử dụng quyền lực; còn hơn thế nữa khi bạn thêm vào xu hướng hoặc sự chắc chắn về sự tha hóa bởi chính quyền. - Lord Acton (1887), Thư gửi Giám mục Creighton

Nhưng vì chính phủ lực lượng cưỡng chế nên vẫn có nguy cơ những người thuộc nhóm đa số có thể sử dụng quyền lực đó để chống lại những người khác. Quả thực, vì con người có tính tư lợi nên chúng ta phải nghĩ rằng họ sẽ làm như thế. Triết gia người Scotland thế kỷ XVIII, David Hume (1758) đã cảnh báo: “Khi xây dựng hệ thống chính quyền, mọi người đều phải bị coi là bất lương, và không có mục đích nào khác… ngoài lợi ích cá nhân”. Hai trăm năm sau, trong cuốn sách được xuất bản trong giai đoạn chiến tranh Đường về nô lệ, nhà tư tưởng người Anh gốc Áo, F. A. Hayek (1944), viết rằng chế độ dân chủ dễ dàng thoái hóa thành chế độ độc tài toàn trị do các băng đảng cai trị. Và trong đại dịch Covid-19, diễn ra trong năm 2020, nhiều công dân của các nước dân chủ đã rất ngạc nhiên trước quyền lực của các chính trị gia, họ đã áp đặt những hạn chế có ảnh hưởng sâu rộng lên hoạt động hàng ngày của người dân.

Nếu không được kiểm soát, sự cai trị của đa số sẽ không bảo vệ được thiểu số và từng cá nhân nhằm chống lại tư lợi của đa số cầm quyền. Do đó, có luận cứ ủng hộ chế độ dân chủ tự do, hạn chế, trong đó các quyền và tự do cơ bản của cá nhân luôn đứng cao hơn bất kỳ quyết định nào của đa số và chính phủ chỉ can thiệp nhằm bảo vệ chúng (Butler 2013). Những hạn chế này có thể được chính thức ghi vào hiến pháp.

Tuy nhiên, một số lý thuyết gia tin rằng chế độ dân chủ chuyển thành áp bức, mặc dù đe dọa này là có thật, nhưng đã bị nói quá lên. Ví dụ, nhà kinh tế học người Mỹ gốc Thổ Nhĩ Kỳ, Daron Acemoglu và đồng nghiệp người ông, James Robinson (2006) phát hiện được rằng dân chủ có thể và thực sự sống được ở những nơi mà các thiết chế chính trị, hệ thống kinh tế và xã hội dân sự mạnh mẽ. Tương tự như thế, các nhà chính trị học André Alves và John Meadowcroft (2014) phát hiện được rằng, trên thực tế, các chế độ dân chủ ôn hòa với hệ thống kinh tế hỗn hợp (quốc doanh và tư nhân) đều khá phổ biến và ổn định – trong khi các hệ thống toàn trị phải vật lộn thì mới tồn tại được trong thời gian dài. Họ khẳng định một cách đơn giản là, có một giới hạn thực tế đối với quy mô của băng đảng cầm quyền và những kẻ được họ bảo trợ, vì bọn bóc lột càng đông thì càng có ít công dân (và ít động cơ) có năng suất cao để có thể bóc lột.

Vai trò chính của dân chủ

Ngoài việc dân chủ là biện pháp được cho là công bằng trong quá trình ban hành các lựa chọn tập thể, các lý thuyết gia còn ủng hộ nó vì những lý do khác nữa. Một số người tuyên bố rằng dân chủ tự nó là tốt vì nó là hệ thống chính quyền duy nhất được xây dựng trên quyền bình đẳng về đạo đức và chính trị. Một số người khác nói rằng dân chủ tạo ra những kết quả tốt đẹp như tham gia vào xã hội, trách nhiệm cá nhân, hòa bình hoặc thịnh vượng. Bằng chứng về tất cả những luận cứ này còn đang được người ta tranh luận.

Tuy nhiên, chế độ dân chủ có một lợi ích rõ ràng, nhưng thường bị người ta bỏ qua. Chúng ta có xu hướng nghĩ về dân chủ chủ yếu như là biện pháp bầu chọn những người ban hành quyết định của chúng ta. Nhưng vai trò quan trọng thực sự của nó là kiềm chế những người này - và bãi nhiệm họ một cách hòa bình. Nói cho cùng, các nhà lập pháp không phải là thiên thần: họ cũng là con người, giống như tất cả chúng ta. Họ dễ dàng bị cám dỗ và bị quyền lực làm cho tha hóa. Khi nắm quyền, họ có thể bắt đầu đặt lợi ích riêng của mình lên trên lợi ích của chúng ta. Hoặc có lẽ, sau một thời gian, quan điểm của họ (hoặc của chúng ta) thay đổi và chúng ta cảm thấy rằng họ không còn là người đại diện phù hợp nữa. Dù vì bất kỳ lý do gì, khả năng của chúng ta trong việc loại bỏ những người nắm quyền trong các cuộc bầu cử giúp chúng ta ngăn chặn, không cho họ tích lũy và lạm dụng quyền lực, đồng thời giúp họ chú tâm vào người dân mà họ đại diện. Như nhà triết học Anh-Áo thế kỷ XX, Sir Karl Popper, đã nói (1945): “không dễ dàng có được chính phủ mà người ta có thể hoàn toàn tin tưởng vào lòng tốt và sự khôn ngoan của họ. … [Điều này] buộc chúng ta phải thay thế câu hỏi: Ai nên cai trị? bằng câu hỏi mới: Chúng ta có thể tổ chức các thiết chế chính trị như thế nào để có thể ngăn chặn những kẻ cầm quyền xấu xa hoặc bất tài, không để họ gây ra quá nhiều thiệt hại?” [in nghiêng trong bản gốc, tác giả].

 Dân chủ trực tiếp

Dân chủ, như chúng ta thấy, có thể là trực tiếp hoặc đại diện. Trong chế độ dân chủ trực tiếp, công chúng trực tiếp quyết định các vấn đề chính trị (ví dụ như thuế suất, chính sách quốc phòng hay phúc lợi). Nhưng hiện nay chế độ dân chủ trực tiếp là hiện tượng cực kỳ hiếm.

Thụy Sĩ là đất nước vẫn còn chế độ dân chủ trực tiếp. Ở nước này, hầu hết quyền lực chính trị đều nằm trong tay 27 bang và 3.000 xã, chứ không nằm trong tay chính phủ liên bang. Các bang có quy mô khác nhau, Zurich có 1,5 triệu người, trong khi Appenzell Innerhoden chỉ có 16.000 dân. Trưng cầu dân ý diễn ra thường xuyên, ở các bang nhỏ thì có hội đồng công dân. Một ví dụ khác là các Hội nghị Thị trấn được tổ chức ở gần 1.000 thị trấn trong vùng New England. Quay trở lại thế kỷ XVII, những hội đồng này xử lý những vấn đề địa phương như đường cao tốc, cấp giấy phép hành nghề và ngân sách - mặc dù sự kết hợp là khác nhau. Tuy nhiên, một số khu vực đã chuyển thành các cơ quan đại diện, các thị trấn lớn bầu ra các đại biểu tham dự các Hội nghị Thị trấn, chứ không phải tất cả các công dân đều tham dự. Các quốc gia dân tộc hiện đại đơn giản là quá to lớn, công dân của họ không thể tập hợp trong các hội đồng lập pháp. Đôi khi họ có thể tổ chức trưng cầu dân ý - toàn bộ cử tri có thể bỏ phiếu về một vấn đề cụ thể - nhưng đây là biện pháp quá phức tạp khi cần quyết định một cách chi tiết những vấn đề phức tạp mà nhà nước hiện đại phải giải quyết.

Một số nhà hoạt động khẳng định rằng, có thể thực hiện chế độ dân chủ hiện đại một cách trực tiếp bằng cách biểu quyết trực tuyến (online). Nhưng vẫn sẽ phải có những giới hạn về những vấn đề mà đa số có thể quyết định. Ngoài ra, người ta còn nghi ngờ rằng liệu công chúng có quan tâm đúng mức và có sức chịu đựng để nghiên cứu chính sách và tham gia thường xuyên vào quá trình ban hành những quyết định khó khăn hay không.

Dân chủ đại diện

Vì những lý do như thế, hình mẫu thường gặp hiện nay là dân chủ đại diện – nói chung, công chúng không tự mình ban hành luật pháp mà bầu ra những người đại diện (thị trưởng, nghị sĩ và tổng thống) để họ thay mặt mình quyết định luật pháp và chính sách.

Những người phê phán khẳng định rằng đây không phải là dân chủ thực sự, thuê thợ sơn nhà mình không giống như bạn tự sơn; vai trò duy nhất của công chúng là rất hạn chế, họ chỉ lựa chọn những người sẽ điều hành công việc. Nhưng ít nhất công chúng cũng được tham gia vào quá trình lựa chọn đó, chứ không bị nhà cầm quyền áp đặt; và họ vẫn được tự do tham gia sâu hơn, ví dụ như ứng cử và tham gia vào các cuộc tranh luận công khai đang diễn ra.

Ngoài ra, nhiều hệ thống đại diện hiện vẫn còn giữ được các yếu tố kiểm soát trực tiếp của công chúng, ví dụ như trưng cầu dân ý (công chúng bỏ phiếu về những vấn đề quan trọng), kiến nghịsáng kiến (các nhóm cử tri có thể buộc các nghị sĩ phải bỏ phiếu ở quốc hội hoặc kêu gọi trưng cầu dân ý), giới hạn nhiệm kỳ (những người đại diện có thể giữ chức vụ trong một thời gian nhất định) và triệu hồi (cử tri có thể cách chức người đại diện). Tuy nhiên, nói chung, nhiều cử tri thích giao công việc chính trị hàng ngày cho những người có nhiều thời gian hơn, có khả năng phán đoán và quan tâm đến những vấn đề này chứ không phải tự mình xem xét tất cả các vấn đề.

Vì vậy, hiện nay khi nói đến “dân chủ”, là người ta thường muốn nói đến chính phủ đại diện, và đấy là nghĩa hiện đại của từ dân chủ. Tuy nhiên, cách sử dụng như thế làm cho người ta nhầm lẫn. Từ này bao hàm rất nhiều hệ thống khác nhau. Từ này cũng ám chỉ rằng, những ưu điểm của chế độ dân chủ trực tiếp (ví dụ như sự tham gia của công chúng vào việc xây dựng pháp luật) cũng vẫn tồn tại trong các hệ thống đại diện, mặc dù trong một số hệ thống, công chúng nói chung có rất ít hoặc chẳng có tiếng nói thực sự nào cả.

Chế độ dân chủ tự do

Chế độ dân chủ tự do là một trong rất nhiều hệ thống đại diện khác nhau. Các chế dân chủ tự do là các hệ thống đại diện tuân theo những nguyên tắc của chủ nghĩa tự do cổ điển. Quan trọng nhất là đòi hỏi các quyền cá nhân – ví dụ như quyền sống, quyền tự do và tài sản - phải luôn luôn được tôn trọng: không có quyết định “dân chủ” nào có thể phủ quyết được những quyền này. Nhưng, còn hơn thế nữa, những nước thường được mô tả là có chế độ dân chủ tự do thường có chung những đặc điểm khác giúp bảo vệ những quyền này, ví dụ như các quy định pháp lý được mọi người chấp nhận về cách thức ban hành quyết định, những giới hạn được ghi trong hiến pháp về hoạt động của chính phủ, chia tách quyền lập pháp và quyền hành pháp, và hệ thống tư pháp độc lập. Các chế độ này cũng mở cửa cho công chúng tham gia vào các vấn đề công cộng, ví dụ như các cuộc bầu cử tự do và công bằng, mọi người đều có thể ứng cử, các đảng phái cạnh tranh với nhau, các phương tiện truyền thông độc lập và tranh luận chính trị cởi mở.

Ngoài những điều vừa nói, những hệ thống này khác nhau về nhiều mặt. Một số ví dụ về chế độ dân chủ tương đối tự do là các chế độ quân chủ hiến định (ví dụ, Đan Mạch, Nhật Bản, Tây Ban Nha và Anh) – trên danh nghĩa chính phủ ở những nước này là do một ông vua đứng đầu, nhưng đấy là ông vua có quyền lực bị giới hạn bởi luật lệ được ghi trong hiến pháp. Những nước khác là các nước cộng hòa (ví dụ như Pháp, Ireland và Mỹ), các nhà lãnh đạo ở những nước này được dân bầu lên, nhưng quyền lực của họ cũng bị hạn chế theo hiến pháp. Và trong mỗi hệ thống, những yếu tố hiến pháp khác nhau – chẳng hạn như nguyên thủ quốc gia (ví dụ như quốc vương hoặc tổng thống) và các viện quốc hội khác nhau (ví dụ như Thượng viện hay Hạ viện) và các nhánh của chính phủ (hành pháp, lập pháp và tư pháp) - có thể có quyền lực khác nhau.

Chế độ dân chủ tự do không dễ đưa ra được chính sách đúng đắn. Chế độ này nên hoạt động như thế nào và phải ưu tiên những quyền và quyền tự do nào trong quá trình đa số thông qua quyết định là những câu hỏi phức tạp và gây nhiều tranh cãi. Ví dụ, dường như hiển nhiên là đa số trong chế độ dân chủ tự do không có quyền bắt giữ, bỏ tù hoặc đày ải một cách tùy tiện thiểu số làm trái ý họ; nhưng họ có thể đánh thuế các nhóm thiểu số một cách chính danh - và áp thuế suất cao hơn lên người giàu có? Họ có được phép can thiệp vào lối sống của dân chúng (như hạn chế sử dụng ma túy, rượu hoặc đường) với hy vọng làm cho người dân không tự làm hại chính mình? Hay ra lệnh cho người dân thực hiện các lựa chọn kinh tế (ví dụ như nơi sống hay làm việc) vì lợi ích của quốc gia? Liệu các nhà chức trách trong chế độ dân chủ tự do có thể đình chỉ một số quyền tự do nào đó trong thời chiến hoặc đại dịch, hoặc theo dõi thông tin của công dân nhằm chống lại đe dọa khủng bố?

Không có câu trả lời có/không đơn giản cho những câu hỏi như thế. Mặc dù chế độ dân chủ tự do rất dẻo dai, nhưng tương lai của nó chỉ có thể được đảm bảo nếu người dân hiểu được những nguyên tắc làm nền tảng cho nó.

Nguồn: Eamonn Butler, Chế độ dân chủ - Một dẫn nhập, Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên gốc: Eamonn Butler (2020), Introduction to Democracy, London Publishing Partnership.

 

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường