Sự lựa chọn lớn lao (Phần 2/3): Tự do và tôn trọng luật pháp

Sự lựa chọn lớn lao (Phần 2/3): Tự do và tôn trọng luật pháp

(Tiếp theo Phần 1)

Tự do và tôn trọng luật pháp

Trật tự xã hội chỉ có thể hài hòa khi các cá nhân được tự do kiểm soát chính bản thân mình và cùng nhau phối hợp hành động một cách tự nguyện. Một xã hội hài hòa hình thành dựa trên sự tôn trọng tự do của mỗi thành viên. Trật tự xã hội hài hòa không xuất hiện từ những mệnh lệnh được củng cố bằng bạo lực - thứ sẽ phá vỡ trật tự nhiều hơn là xây dựng, mà từ sự tôn trọng những quy tắc chung của xã hội tự do, ở đó phạm vi của tự do và trách nhiệm của mỗi cá nhân được vạch rõ.17 Những thể chế của xã hội tự do - bao gồm cách ứng xử của các cá nhân, thị trường và giá cả, sự thuyết phục và bàn bạc, tranh biện và thảo luận - đã tạo ra những cơ chế mà thông qua đó mọi người có thể phối hợp hành động một cách tự nguyện. 

Nhiều người vẫn cho rằng trật tự chỉ có thể tạo ra bằng quyền lực được điều khiển bằng lý trí. Hành tinh này sẽ trở thành mồ chôn những nạn nhân của tư tưởng trên. Thực tế, kế hoạch xây dựng thiên đường trên mặt đất bằng cách này thực tế không tạo ra trật tự mà là một thứ được nhà kinh tế học Ludwig von Mises gọi là “sự hỗn loạn được sắp đặt”.18 Sloane Frost, một chuyên gia về về chính sách sức khỏe và là nhà sáng lập của Students for Liberty, đã chỉ ra tính phi lý của việc lập kế hoạch theo chủ nghĩa can thiệp trong một nghiên cứu về điều luật chăm sóc sức khỏe. Trong nghiên cứu của mình, bà đã phát hiện ra rằng, thay vì tạo ra một trật tự chặt chẽ và duy lý,

Chúng ta phải chịu sự can thiệp tầng tầng lớp lớp, nhiều đến mức không ai nhớ quá trình này đã bắt đầu thế nào. Các hệ thống này trở nên bao trùm trong cuộc sống hàng ngày, đến nỗi người ta không còn bận tâm xem bằng cách nào chúng lại trở nên như vậy. Điều này thật tồi tệ, bởi vì chúng không hề được tạo ra bởi một kế hoạch chặt chẽ nào cả, chúng được nhào nặn từ cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác. Đôi khi chúng được miêu tả không phải như nhà nước theo chủ nghĩa can thiệp mà như “thị trường tự do” hay “nền kinh tế laissez faire (tự vận hành)” bởi những người không bao giờ dành thời gian để tìm hiểu mạng lưới của sự can thiệp, lần tìm ra những động lực chúng tạo ra, hay cách chúng ảnh hưởng đến hành vi của mọi người, cách chúng dẫn tới những kết quả không mong muốn và tạo ra nhiều sự can thiệp hơn nữa.19

Mệnh lệnh có thể phù hợp với quân đội, nhưng cố gắng áp dụng trật tự theo sắp đặt của quân đội và những chính sách can thiệp dựa trên mệnh lệnh trên thực tế đã phá vỡ những mô thức phối hợp sẵn có nhằm đáp ứng nhu cầu của con người, và cái được tạo ra không phải quy tắc mà là sự hỗn loạn. Hệ thống các quy tắc chung và ổn định đã thành công ở những nơi mệnh lệnh không có tác dụng, bởi vì chúng cho phép mọi người hình thành những mong muốn hợp lý về hành vi của người khác và giúp họ có thể linh hoạt để thích nghi với sự thay đổi.20 Nhưng ngay cả khi xã hội bị điều khiển giống như trong quân đội, trật tự này cũng ít phức tạp hơn so với trật tự tạo ra bởi sự hợp tác tự do. Nếu so sánh trật tự với âm nhạc, trật tự của xã hội tự do không giống với nhịp bước chân trong cuộc hành quân, mà giống với trật tự trong bản nhạc jazz.

Tuân thủ pháp luật là thành phần cốt yếu của tự do; tất cả mọi người, ngay cả chính phủ, đều có trách nhiệm tôn trọng những quy tắc của luật pháp. Pháp trị không giống với việc tuân theo những chỉ đạo, nội quy và mệnh lệnh cụ thể được củng cố bằng quyền lực, mà đòi hỏi những quy tắc chung, đó là

Dưới chế độ pháp quyền, chính phủ bị giới hạn không được can thiệp vào những công việc của các cá nhân bằng những hành động tùy nghi. Trong phạm vi những quy tắc của cuộc chơi, các cá nhân được tự do theo đuổi những mục đích và mong muốn cá nhân, quyền lực của nhà nước không được sử dụng để chống lại một cách có chủ ý những nỗ lực của các cá nhân.21

Chế độ pháp quyền mang lại quyền tự cho cho các cá nhân trong xã hội, nhưng để duy trì được nó đòi hỏi cần phải có sự chấp nhận rộng rãi trong cộng đồng dân cư về trách nhiệm và sự tự kiểm soát, vì con người hành động theo vô vàn cách khác nhau nên không ai có thể giám sát được tất cả. Không thể có đủ cảnh sát trên thế giới để bắt mọi người phải tuân thủ luật pháp nếu như không có sự cam kết ở mức độ nhất định của mọi người về sự tự kiểm soát, bao gồm cả các viên chức chính quyền. Khi sự tự kiểm soát - tức là trách nhiệm tuân thủ luật pháp - bị bào mòn, nó sẽ làm mục ruỗng chế độ pháp quyền, sự tự do, trật tự cũng như liên kết xã hội. Tự do là chìa khóa để thực hành trách nhiệm, và trách nhiệm lại là điều cần để duy trì tự do.

John Locke đã phân biệt rõ ràng giữa sự có được tự do và việc chỉ đơn thuần làm những thứ được vạch sẵn, đó là điều mà người ta sẵn sàng làm hoặc đơn giản là mong muốn được làm, bất chấp hậu quả gây ra cho mình và cho người khác:

Mục đích của luật pháp không phải là để thủ tiêu hay ngăn cản mà là duy trì và mở rộng tự do, vì rằng ở một đất nước của những con người có khả năng tuân thủ luật lệ, nếu không có luật pháp thì sẽ không có tự do. Tự do là thoát khỏi sự kìm kẹp và cưỡng bức khỏi những kẻ không biết sống theo luật lệ, nhưng tự do, như chúng ta đã biết, không phải là sự buông thả cho mọi người muốn làm gì thì làm (liệu ai có thể có tự do, khi một người khác có thể áp bức anh ta?), mà là sự giải phóng để người ta được tự quyết định điều khiển và sử dụng theo mong muốn của mình đối với cơ thể, hành vi, sự sở hữu và tất cả tài sản của mình, trong phạm vi cho phép của pháp luật, và không phụ thuộc vào ý chí độc đoán của bất kỳ người nào ngoài của chính mình.22

Bởi vì tự do và luật pháp liên kết mật thiết với nhau, nên tự do và trách nhiệm cũng vậy. Chúng liên kết thuận chiều với nhau về mặt chức năng: khi một cái tăng lên, cái còn lại cũng sẽ tăng, và ngược lại. Trách nhiệm là nền tảng cơ bản của tự do, cũng như tự do là nền tảng của trách nhiệm. Nắm bắt lấy tự do và trách nhiệm của chính mình giúp củng cố thêm nhận thức đạo đức của chúng ta, khiến chúng ta chú tâm hơn đến mối quan hệ với người khác và với tương lai, bồi dưỡng nhân cách, phát huy thói quen tốt trong việc giao tiếp, nuôi dưỡng niềm tin vào tự do, và chúng ta có thể hài lòng nói rằng: “Tôi đã làm được, cuộc sống của tôi là trách nhiệm của tôi, và tôi sẽ chịu trách nhiệm với những gì mình có được.”

Căn tính cá nhân của chúng ta gắn liền với tự do và trách nhiệm của chúng ta. Vào năm 1646, Richard Overton, một nhà văn, nhà hoạt động xã hội người Anh theo chủ nghĩa tự do cá nhân từ sớm, đã viết khi ông đang ở trong tù:

Mỗi người sinh ra đều được tạo hóa ban cho một tài sản mà không ai có quyền xâm chiếm hay tước đoạt. Bởi vì bạn là chính bạn, nên bạn có những nguyên tắc riêng của mình, nếu không chúng ta sẽ không thể là chính mình.23

Đơn giản để là chính mình, chúng ta phải có những nguyên tắc riêng, “nếu không chúng ta sẽ không thể là chính mình.” Frederick Douglass cũng đã tìm ra một nguyên lý tương tự:

Hãy nhìn vào hoàn cảnh của người nô lệ: bị tước hết mọi quyền, thậm chí cả quyền được nói “của chính tôi” - đầu họ, mắt họ, tay họ, tim họ, xương cốt họ, da thịt họ, tâm trí họ, và ngay cả tinh thần bất diệt của họ, cũng đều thuộc về người khác. Họ không thể tự quyết định được bất kỳ vấn đề gì, kể cả hành động của chính họ. Còn chủ nô - kẻ tước đi mọi tài sản của những người nô lệ - lại luôn cho mình cái quyền quyết định mọi thứ.24

Cả Overton khi nằm trong xà lim một mình lẫn Douglass khi suy ngẫm về việc trải qua cảnh nô lệ đau đớn của mình, đều đúc kết ra một điều, đó là: để được là chính mình, người ta phải được tự do nói “của chính tôi”.

Trong tiếng Trung, chữ tự do là 自由 (zìyóu), trong đó đã bao gồm cả chữ “tự quyết định” hay “là chính mình” và chữ “bản thân”, 自(zì). Trong những cuộc tranh luận cá nhân với các học giả ủng hộ tự do, tôi nghe nói rằng chữ trong tiếng Trung truyền tải ngụ ý về tự do và trách nhiệm cá nhân rõ ràng hơn rất nhiều so với từ tự do trong tiếng Anh (freedom hay liberty). Trong phần sau, tôi sẽ làm rõ hơn mối quan hệ này.

(Xem tiếp Phần 3)

Chú thích:

(17) “Luật sẽ bao gồm những quy tắc không phụ thuộc vào chủ ý nhằm điều chỉnh hành xử của các cá nhân hướng đến những người khác; luật được áp dụng cho nhiều trường hợp chưa biết đến khác nữa; và bằng cách xác định phạm vi bảo vệ của mỗi người, luật cho phép hình thành một trật tự hành động nhờ đó các cá nhân có thể lập ra những kế hoạch khả thi”. F. A. Hayek, Law, Legislation, and Liberty: tập I, Rules and Order (Chicago: University of Chicago Press, 1973), trang 85–86.

(18) Xem bài luận năm 1947 của ông “Planned Chaos” [Sự hỗn loạn có sắp xếp] tại http://fee.org/resources/ planned-chaos-2 và bài luận năm 1952 trong Plan for Freedom [Kế hoạch cho tự do] biên tập bởi Bettina Bien Greaves (Liberty Fund: Indianapolis, 2008) tại http://oll.libertyfund.org/titles/mises-planning-for-freedom-let-the-market-system-work-a-collection-of-essays-and-addresse. Những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội và can thiệp luôn tin rằng những gì họ làm là nhằm áp đặt lý trí cho “tình trạng vô chính phủ” của xã hội, nhưng trên thực tế kết quả không giống như suy nghĩ, mà chỉ làm tăng thêm sự can thiệp cưỡng ép hết lần này đến lần khác.

(19) Sloan Frost, “The Tangled Dynamics of Interventionism: The Case of Health Care,” [Động lực lộng xộn của Chủ nghĩa can thiệp: Trường hợp Chăm sóc sức khỏe] trong Why Liberty, biên tập bởi Tom G. Palmer (Ottawa, Illinois: Jameson Books, 2013), trang 83–95, xem tại địa chỉ http://studentsforliberty.org/wp-content/uploads/2013/07/Why-LibertyFinal-Typeset-with-Cover.pdf. 

(20) “Để các hành động chia rẽ của các cá nhân nằm trong một trật tự tổng thể, điều cần thiết không chỉ là chúng không can dự một cách không cần thiết vào người khác, mà còn, xét trên những phương diện sự thành công của hành động phụ thuộc vào sự ăn khớp với hành động của người khác, phải có chí ít một cơ hội tốt để sự ăn khớp này sẽ xảy ra.” F. A. Hayek, “Law, Legislation, and Liberty” [Luật, luật pháp và Tự do]: Tập I, “Rules and Order” [Quy tắc và Trật t], trang 98–99. 

(21) F. A. Hayek. The Road to Serfdom: Text and Documents—The Definitive Edition (1944; Chicago: University of Chicago Press, 2007) (Kindle Locations 1442–1445). Kindle Edition. 

(22) John Locke, Two Treatises of Government, biên tập bởi Peter Laslett (Cambridge: Cambridge University Press, 1988); Second Treatise of Government, Chương VI, §57, trang 306. Sự tự do, với Locke, “không phải một tình trạng phóng túng”, sách đã dẫn, trang 311. Khoảng cách giữa tự do và sự bừa bãi được nói rõ trong The Structure of Liberty: Justice & the Rule of Law, Randy E. Barnett, (xuất bản lần thứ 2; Oxford: Oxford University Press, 2014), “Introduction: Liberty v. License,” trang 1–40. 

(23) Richard Overton, “An Arrow against All Tyrants” trong The English Levellers, biên tập bởi Andrew Sharp (Cambridge: Cambridge University Press, 1998), trang 55.

(24) Frederick Douglass, “A Friendly Word to Maryland”, một bài phát biểu được thực hiện tại Baltimore, Maryland, vào ngày 17 tháng 11 năm 1864, được trích dẫn trong The Political Thought of Frederick Douglass: In Pursuit of American Liberty, Nicholas Buccola (New York: New York University Press, 2012), trang 23. 

Nguồn: Tom G. Palmer, Self-Control or State Control? You Decide, Atlas Network 2016

Dịch giả:
Nguyễn Mai Hạ
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh