Sự lựa chọn lớn lao (Phần 1/3): Trách nhiệm và tự do
Liệu có thể có tự do không đi liền với trách nhiệm, hoặc trách nhiệm không đi liền với tự do? Chúng ta có thể lựa chọn vừa có tự do vừa có trách nhiệm? Vì sao điều này lại quan trọng đến thế? Trong chương này chúng ta sẽ đi vào làm rõ những định nghĩa, thuật ngữ, phân tích các ví dụ về sự lựa chọn cuộc sống vừa có tự do vừa có trách nhiệm.
“Họ [những người nắm trong tay quyền lực] thường giúp cho chúng ta tránh khỏi những rắc rối, ngoại trừ việc tuân lệnh và trả tiền! Họ sẽ nói với chúng ta rằng: “Rốt cuộc, các bạn cố gắng để làm gì, công nhân của bạn làm việc vì cái gì, các bạn ước mơ vì điều gì, nếu không phải là hạnh phúc? Hãy tin tưởng ở chúng tôi, chúng tôi sẽ đem hạnh phúc đến cho bạn.” Không, đừng giao hạnh phúc của bạn cho họ. Dù những lời hứa ấy ngọt ngào đến đâu, hãy yêu cầu nhà cầm quyền hạn chế hành động trong phạm vi quyền lực của mình. “Hãy để mặc họ tự giam hãm bản thân. Còn chúng ta phải nắm lấy trách nhiệm được sống hạnh phúc của chính mình.”1 - Benjamin Constant. |
Mỗi chúng ta đều phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn. Liệu rằng nên chấp nhận hệ thống kiểm soát của nhà nước hay giành lấy quyền tự kiểm soát? Cơ chế cá nhân tự kiểm soát đem đến một cuộc sống tự do và trách nhiệm. Nó giúp chúng ta nhận ra phẩm giá của mình trong hòa bình và hòa hợp với mọi người. Con người xứng đáng được hưởng một cuộc sống như thế. Đó là nền tảng của sự thịnh vượng và tiến bộ. Cơ chế nhà nước kiểm soát đem đến cuộc sống trong phục tùng, quỵ lụy và sợ hãi. Nó thúc đẩy những cuộc chiến tranh giành quyền lực để điều khiển người khác. Cá nhân tự kiểm soát là một nguyên lý cơ bản và rõ ràng đối với tất cả mọi người: mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống. Cơ chế nhà nước kiểm soát không có một nguyên lý cơ bản và rõ ràng nào hết, nó gây ra những cuộc xung đột vì các cá nhân và các phe nhóm luôn cố gắng tìm mọi cách điều khiển nhà nước, điều khiển người khác, hoặc để thoát khỏi việc bị kiểm soát.
Những người tự do không bao giờ phải quỵ lụy, nhưng không có nghĩa họ không chịu bất kỳ sự kiểm soát nào. Họ luôn tự kiểm soát chính mình. Tự kiểm soát cuộc sống của mình là một hành động của sự tự do và trách nhiệm. Hai điều này luôn gắn kết chặt chẽ với nhau và cái này không thể tồn tại nếu thiếu cái kia.
Những đứa trẻ còn ở độ tuổi phụ thuộc luôn kiếm tìm sự tự do không bị ràng buộc bởi trách nhiệm, còn những người trưởng thành độc lập sẽ sống với cả hai. Tự do và trách nhiệm đem lại sự viên mãn chỉ cho những ai biết tự kiểm soát cuộc sống của mình. Tự do và trách nhiệm là cuộc sống của người trưởng thành, chứ không phải của một đứa trẻ; của một công dân, chứ không phải một thần dân; của một con người, chứ không phải một vật thể. Hạnh phúc không phải là thứ mà chúng ta nên trông chờ nhà nước hay bất kỳ ai khác ban cho. Suy cho cùng, nhà nước được con người lập nên, không phải để bảo vệ hạnh phúc mà bảo vệ quyền được mưu cầu hạnh phúc của con người. Chính chúng ta phải chịu trách nhiệm với hạnh phúc của mình.
Trách nhiệm và tự do
Trách nhiệm: Với một số người, từ ngữ này gợi đến hình ảnh về một cụ già đang thuyết giảng cho lớp trẻ về cách ngồi thẳng, làm bài tập về nhà và viết thư cảm ơn người lớn. Không có gì ngạc nhiên khi chúng ta nghĩ điều đó thật buồn tẻ và chán ngắt, chẳng có gì giống với hình dung của chúng ta tự do. Mục đích của tự do, theo như những hình ảnh đó đã gợi lên, là để thoát khỏi trách nhiệm.
Thực tế, việc chịu trách nhiệm không hề buồn tẻ, chán ngắt, hay đi chệch khỏi tự do. Trách nhiệm đôi khi đòi hỏi bạn phải làm những việc không mấy dễ chịu, hay thậm chí phải hy sinh rất nhiều, nhưng nó cũng sẽ khiến bạn vô cùng hài lòng. Dám chịu trách nhiệm thực sự là một hành động dũng cảm và táo bạo. Chúng ta xứng đáng được tự do vì chúng ta có thể chịu trách nhiệm cho hành động của mình, có thể tự đưa ra lựa chọn và tự kiểm soát chính mình. Trách nhiệm không phải là một gánh nặng mà chúng ta phải chịu đựng để đổi lấy tự do, sự nhận thức rằng “mình đã làm được điều đó” là điều khiến tự do trở thành một phần thưởng xứng đáng để chúng ta đấu tranh. Trách nhiệm là chìa khóa dẫn đến tự do.
Chúng ta xứng đáng được hưởng tự do không chỉ vì chúng ta luôn khao khát hay bị thôi thúc có được nó. Chúng ta xứng đáng được hưởng tự do - tức là tự điều khiển cuộc sống của mình - bởi vì chúng ta có trách nhiệm đạo đức với người khác, với Chúa (nếu bạn tin vào Chúa), và với lương tâm của mình. Như một trong những nhà triết học có tầm ảnh hưởng nhất lịch sử đã viết cách đây một trăm năm:
Một người có đạo đức là một người có trách nhiệm. Một người có trách nhiệm, như đã thể hiện ở ngay trên câu chữ, là một người phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình đối với người khác, và do đó phải điều chỉnh bản thân theo niềm vui (good - liking) của những người này.2
Adam Smith giải thích rằng sự phát triển của ý thức đạo đức dẫn đến trách nhiệm không chỉ với người khác, mà còn với chính bản thân mình, để những gì chúng ta theo đuổi không chỉ được ca ngợi, mà còn là đáng được ca ngợi, cả hai mục đích này đều giống nhau, nhưng “trên nhiều phương diện, chúng lại có sự khác biệt và độc lập với nhau”3. Là những sinh vật xã hội, chúng ta luôn nỗ lực để trở nên đáng được ca ngợi, “đáng ngưỡng mộ”, nhưng “để đạt được điều tuyệt vời này, chúng ta phải là những vị khán giả không thiên vị của chính mình. Chúng ta phải cố gắng nhìn chúng dưới con mắt của người khác, hoặc như thể người khác cũng có thể sẽ nhìn thấy vậy.”4
Trở thành một khán giả công minh cho đạo đức của mình giúp chúng ta bồi đắp lòng tự trọng. Như Smith đã viết: “Những người khen ngợi bạn vì những hành động bạn không làm hoặc những phẩm chất không liên quan đến đạo đức của bạn, thì không phải đang khen bạn mà đang khen một người khác. Bạn sẽ chẳng thấy vui vẻ gì khi được họ ca tụng.”5 Chúng ta chỉ có thể thấy hài lòng khi đã dám chịu trách nhiệm.
Tự do: Với nhiều người, từ ngữ này gợi lên hình ảnh về sự bất cần, “muốn sao cũng được”, hỗn loạn, mất trật tự, trái đạo đức, bừa bãi. Cũng không bất ngờ khi họ thấy tự do thật khủng khiếp. Kết quả là, mọi người thường nghĩ rằng trật tự và đạo đức phải được áp đặt và đánh đổi bằng tự do. Họ đồng nhất trách nhiệm với việc phục tùng mệnh lệnh của người khác. Một số kẻ thậm chí còn hứa hẹn rằng mặc dù sự phục tùng đó tuy có thể phá hủy cách những người bình thường thường nghĩ về tự do, nhưng nó hứa hẹn sự tự do ở bậc cao hơn, tốt đẹp hơn những gì họ đã gạt bỏ, như là tự do thường nghiệm đơn thuần hay thứ tự do kiểu tư sản. Họ hứa hẹn một sự tự do hão huyền - thứ chỉ có thể tìm thấy khi hành động của chúng ta được điều khiển bởi những người khôn ngoan, tử tế hoặc chí ít là người nắm giữ sức mạnh.
Tự do không giống với sự bừa bãi; tự do, đạo đức và sự tự chủ kết nối chặt chẽ với nhau nhờ trách nhiệm. Mối liên kết này được khẳng định rõ ràng bởi một trong những người bảo vệ tự do vĩ đại nhất trong lịch sử, một người nô lệ sinh ra tại tỉnh Talbot, tiểu bang Maryland: Frederick Augustus Washington Bailey - người đã giành lại tự do cho chính mình và cho hàng triệu người khác. Ông được mọi người biết đến với cái tên Frederick Douglass do chính ông tự đặt. Vào năm 1845, với tư cách một người đã từng tự giải phóng bản thân mình thoát khỏi kiếp nô lệ, Douglass đã viết về “kỳ nghỉ” của những nô lệ mà những kẻ bắt giữ họ ban cho. Những khoảnh khắc tưởng chừng như là tự do được xem như hành động nhân từ của chủ nô, nhưng thực chất là “những chiếc van an toàn, làm nguôi ngoai đi ý muốn nổi loạn của những con người bị nô lệ hóa”6. Chẳng phải chủ nô muốn để cho những tù nhân được nghỉ ngơi, mà muốn nhấn chìm họ trong sự suy đồi, sa đọa:
Mục đích của chúng là khiến những người nô lệ không còn thiết đến tự do, đẩy họ vào tận cùng của sự chơi bời phóng đãng. Chúng không chỉ để cho những người nô lệ uống rượu, mà còn bày kế để khiến họ phải uống. Một trong những chiêu trò đó là đánh cuợc xem ai là người có thể uống những loại rượu mạnh nhất mà không bị say, và bằng cách này tất cả những người nô lệ sẽ bị say bí tỉ. Sau đó, khi những nô lệ đòi hỏi quyền tự do chân chính, những kẻ chủ nô xảo quyệt, biết được sự ngu dốt của họ, nên lừa dối họ, cho họ ăn chơi phóng đãng đồi bại, rồi dán cho cái nhãn mỹ miều rằng đó là tự do. Chúng ta ai cũng đã từng ít nhất một lần uống say bí tỉ như thế, kết quả là chúng ta đã bị dắt mũi và nghĩ rằng mình chẳng cần phải lựa chọn giữa tự do và nô lệ nữa. Chúng ta cảm thấy, và chính xác là như thế, rằng tốt nhất nên yên phận là những kẻ nô lệ, để ít nhất còn có rượu uống. Vì vậy, khi những “kỳ nghỉ” kết thúc, chúng ta lảo đảo bước ra từ bãi bùn rác rưởi của chính chúng ta, hít một hơi thật dài và lại tiếp tục đi đến nơi làm việc - nói chung, cảm giác vui sướng, từ những điều mà những kẻ chủ nô đã lừa dối chúng ta tin vào cái gọi là tự do, đã lại trở về với thân phận của những kẻ làm nô lệ.7
Với Douglass, tự do không phải được tìm thấy trong sự say sỉn hay sự trụy lạc mà những kẻ chủ nô ban cho, mà trong giá trị của trách nhiệm tự mình nhận lấy. Ông đã tìm ra tự do khi ông “đọc cuốn sách tựa đề The Columbian Orator [Nhà diễn thuyết người Mỹ]” và không khỏi suy nghĩ về cuộc đối thoại giữa một chủ nô và một nô lệ, người nô lệ đã bác bỏ lý lẽ của chủ nô về sự chiếm hữu nô lệ và thuyết phục ông ta giải phóng cho mình.8 Cuộc tranh luận này có sức ảnh hưởng rất mạnh đối với Douglass: “Tự do đã xuất hiện, và sẽ không bao giờ biến mất. Ta có thể nghe thấy nó trong từng âm thanh, nhìn thấy nó trong từng đồ vật. Nó đã xuất hiện để dày vò ta trong cảnh khốn cùng này. Ta không thấy thứ gì không có nó, không nghe thấy gì không có nó, và không thể cảm thấy gì không có nó.”9
Cố gắng thay thế tự kiểm soát bằng nhà nước kiểm soát đã sinh ra những hậu quả không lường trước được, tồi tệ hơn rất nhiều những gì mà cơ chế nhà nước kiểm soát chủ động mạo nhận tuyên bố là có cải thiện. Mục đích của những nhà lập pháp và nhà cầm quyền là một đằng nhưng hậu quả của việc thay đổi động lực thúc đẩy lại thành một nẻo. Trong cuốn sách này sẽ có hai chương nêu ra hai ví dụ nổi bật về vấn đề trên, một là nghiên cứu của giáo sư Jefffrey Miron, đến từ Đại học Harvard, vạch trần những hậu quả ngoài ý muốn của “Cuộc chiến chống ma túy” (tội phạm, sử dụng thuốc quá liều, dịch bệnh lây lan, và còn nhiều hơn thế), hai là nghiên cứu của nhà báo Lisa Conyers về sự phụ thuộc mà các chính sách phúc lợi của nhà nước tạo ra, đó thường là một hậu quả khó lường của những chính sách này, nhưng tất nhiên không phải lúc nào cũng vậy.
Nhà nước không bao giờ có thể trực tiếp luật hóa hoặc lựa chọn kết quả theo ý muốn của mình; tất cả những gì các nhà lập pháp và nhà cầm quyền có thể làm là thay đổi động cơ mà những người tham gia vào các tương tác xã hội phải đối mặt. Do đó, nhiều hành động có thể bị cấm bởi vì những nhà lập pháp cho rằng chúng xấu xa. Nhưng không có nghĩa là chỉ cần họ nói rằng nó bị cấm thì sẽ không ai làm nữa. Hiểu được điều này, những nhà cầm quyền đã tạo ra những hình phạt, từ phạt tiền, bỏ tù, đến tử hình. Nhưng vẫn không thể đảm bảo rằng sẽ không ai dám làm những điều bị cấm này nữa.
- Nhiều quốc gia đã ban hành luật cấm hoàn toàn việc tự do sản xuất, mua bán và sử dụng ma túy. Ma túy cũng bị cấm ở Mỹ, nhưng những nhà tù vẫn chật ních những kẻ sản xuất, mua bán và sử dụng ma túy, mặc dù các nhà lập pháp đã nói rằng công dân không được phép làm điều này. Viễn cảnh phải ngồi tù không ngăn được hàng triệu người khỏi phạm pháp, mặc dù sự cưỡng ép đặc biệt và hàng trăm tỷ đô la đã được dùng để thay đổi hành vi của họ.10 Lịch sử lại tái diễn giống như với công cuộc cấm rượu, đơn giản là vì cấm một chất không thể khiến mọi người ngừng sử dụng nó, ngược lại còn gây ra những hậu quả khó lường.11
- Trách nhiệm liên quan đến những quyết định về giữ lương hưu của mọi người đã được chính phủ khắp nơi trên thế giới nhận về mình; bề ngoài có vẻ như đây là một khoản đầu tư thông minh, giúp người dân có thu nhập khi về già, tạo ra sợi dây gắn kết giữa các thế hệ.12 Ở Mỹ, tiền lương bị đánh thuế và những khoản thuế này không được dùng để đầu tư cho tương lai, mà vào một hệ thống gọi là “PAYGO”(“Pay As You Go” - nghĩa là các khoản thuế lấy từ những người lao động ở hiện tại để trả cho những người được hưởng trợ cấp ở hiện tại - ND) mà về mặt tài chính không khác gì mô hình kim tự tháp và tích lũy “những khoản nợ không có nguồn chi trả” đồ sộ theo thời gian. Những người làm công ăn lương được thuyết phục rằng những khoản Phúc lợi Xã hội bắt buộc của họ đã được “bù trừ” bằng “sự đóng góp” của những người thuê lao động, khi thực tế 100% “sự đóng góp” ấy đi ra từ túi của họ, bởi vì đó là tiền mà những người chủ bỏ ra để thuê lao động, và vì thế, đó chính là khoản tiền được chính phủ lấy đi từ tay người lao động. Số tiền đó bị lấy đi ngay tức thì và bị thay thế không bằng cái gì khác ngoài tờ phiếu ghi nợ (IOU).13 Thay vì tạo ra sự đoàn kết giữa các thế hệ, mọi người lại được khuyến khích ủng hộ cho ngày càng nhiều những khoản chi trả không liên quan đến phần đóng góp của họ14 và những gánh nặng không thể chống đỡ lại được chuyển sang cho những thế hệ tiếp theo.15 Hệ thống phúc lợi xã hội này đã chuyển thành “âm tiền”, nghĩa là sự sự lòe bịp kế toán của “Quỹ tín thác” đã bị phát giác, an sinh xã hội được tài trợ bằng một mô hình kim tự tháp, chứ không phải thông qua “đầu tư” hay “tiết kiệm”.16 Khi mọi người được thuyết phục rằng chính phủ sẽ chăm sóc họ khi về hưu, điều này hóa ra lại là họ sẽ phải tiêu dùng nhiều hơn và tiết kiệm ít hơn. Hơn nữa, khi chi phí đặt lên vai một nhóm người còn lợi ích thuộc về một nhóm khác, mọi người bị thúc đẩy tìm kiếm hưởng lợi và tránh né đóng góp chi phí, từ đó nảy sinh vô số xung đột, bao gồm cả xung đột giữa các thế hệ. Tự kiểm soát không bao giờ là hoàn hảo, nhưng sự kiểm soát của nhà nước cũng không hẳn là một sự tiến bộ.
(Xem tiếp Phần 2)
Nguồn: Tom G. Palmer, Self-Control or State Control? You Decide, Atlas Network 2016
Chú thích:
(1) Benjamin Constant, “The Liberty of the Ancients Compared with that of the Moderns” [Quyền tự do ngày xưa và ngày nay] [1819], trong Political Writings, Benjamin Constant (Cambridge: Cambridge University Press, 1988), trang 326.
(2) Adam Smith, “The Theory of Moral Sentiments” [Lý thuyết về cảm nhận đạo đức] (Indianapolis: Liberty Press, 1982), trang 111, n.3 (đã sửa lại từ ấn bản thứ 3 đến thứ 5)
(3) Sách đã dẫn, trang 114.
(4) Sách đã dẫn, trang 114.
(5) Sách đã dẫn, trang 115.
(6) Frederick Douglass, Narrative of the Life of Frederick Douglass, an American Slave, Written by Himself (1845; New York: Penguin Books, 1986), trang 115.
(7) Sách đã dẫn, trang 117.
(8) Sách đã dẫn, trang 83.
(9) Sách đã dẫn, trang 85.
(10) Randy E. Barnett, “The Harmful Side Effects of Drug Prohibition”, Utah Law Review (2009): trang 29-31.
(11) Jeffrey A. Miron và Jeffrey Zwiebel, “Alcohol Consumption during Prohibition”, American Economic Review 81 (1991): trang 242-247.
(12) Xem trách nhiệm lịch sử về sự tạo ra kế hoạch trợ cấp lương hưu của chính phủ trong After the Welfare State, Tom G. Palmer, (Ottawa, Illinois: Jameson Books, 2012), xem tại địa chỉ https://studentsforliberty.org/wp-content/uploads/2012/04/After-theWelfare-State-PDF.pdf.
(13) “Social Security Trust Fund Sits in West Virginia File Cabinet” [Phúc lợi xã hội Quỹ tín thác nằm trong tủ hồ sơ phía Tây Virginia], USA Today (ngày 28 tháng 2 năm 2005): www.usatoday.com/news/washington/2005-02-28-trustfund_x.htm.
(14) Nick Eberstadt, A Nation of Takers (West Conshohocken, Pennsylviania: Templeton Press, 2012).
(15) Diana Furchtgott-Roth và Jared Meyer, Disinherited: How Washington Is Betraying America’s Youth (New York: Encounter Books, 2015).
(16) “The Debt Fallout: How Social Security Went ‘Cash Negative’ Earlier Than Anyone Expected”, Washington Post (October 29, 2011).