Lịch sử và cấu trúc của tư tưởng tự do cá nhân (Phần 2)
(Tiếp theo Phần 1)
Chủ nghĩa tự do cá nhân từ góc độ lý thuyết: Bộ ba cột trụ của chủ nghĩa tự do cá nhân
Chiếc ghế nếu chỉ có một chân thì chắc chắn không thể trụ vững. Thêm một chân khác thì có thể vững hơn, nhưng cuối cùng vẫn sẽ đổ. Thêm một chân nữa để tạo thế kiềng ba chân, ở đó mỗi chân có thể hỗ trợ làm vững chắc hai chân còn lại. Những tư tưởng có thể cũng tương tự như thế. Những tư tưởng – về các quyền, công lý, trật tự xã hội, luật pháp – không thể đứng riêng rẽ. Cái này bổ trợ cho cái kia. Như những cái chân của một chiếc ghế ba chân, chúng hỗ trợ lẫn nhau.
Chủ nghĩa tự do cá nhân dựa trên lý tưởng nền tảng về tự do; những người cổ vũ cho chủ nghĩa tự do cá nhân xem tự do như là giá trị chính trị cao nhất. Điều đó không có nghĩa rằng tự do chiếm giá trị cao nhất trong cuộc sống; trên tất cả, con người say đắm trong tình yêu, truy tìm chân lý và cái đẹp, và có những tư tưởng về tôn giáo cũng như nhiều vấn đề quan trọng khác, và chính trị không thể xem như là một vấn đề duy nhất trong cuộc sống. Nhưng đối với những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân, giá trị tối thượng để hiện thực hóa trong chính trị là tự do. Đời sống chính trị xoay quanh vấn đề bảo vệ công lý và hòa bình, cũng như chia sẻ sự thịnh vượng, và những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân, vốn dựa trên một truyền thống lâu đời về tư tưởng tự do cổ điển, xem những nguyên tắc và giá trị này củng cố lẫn nhau.
Bộ ba trụ cột của chủ nghĩa tự do cá nhân như sau:
Những quyền cá nhân: quyền của các cá nhân luôn được đặt trước quyền của tổ chức chính trị; những quyền đó không phải là quyền miễn trừ trước quyền lực, song có thể được sử dụng để chống lại quyền lực; như Nozick đã bắt đầu trong tác phẩm tự do cá nhân chủ nghĩa của ông Anarchy, State, and Utopia [Vô chính phủ, Nhà nước và Xã hội không tưởng], “Các cá nhân có những quyền, và có rất nhiều điều mà không một ai hay tổ chức nào có thể làm cho họ (mà không đi kèm với sự xâm phạm các quyền của họ).”14
Trật tự tự phát: người ta thường cho rằng trật tự phải là sản phẩm của một bộ óc ngăn nắp, tuy nhiên những dạng trật tự quan trọng nhất trong xã hội thì không phải là kết quả của kế hoạch hay thiết kế có ý thức, mà xuất phát từ sự tương tác tự nguyện và điều chỉnh tương hỗ giữa các kế hoạch của những con người tự do hành động dựa trên cơ sở các quyền của họ;
Chính phủ hạn quyền bằng hiến pháp: các quyền cá nhân đòi hỏi sự bảo vệ bởi những tổ chức được trao quyền sử dụng vũ lực nhằm phòng vệ, nhưng chính những tổ chức đó lại là mối đe dọa thường trực lớn nhất và nguy hiểm nhất đối với các quyền, điều đó có nghĩa là chúng phải được giới hạn chặt chẽ thông qua các cơ chế hiến pháp, bao gồm cả việc phân chia và tạo ra cạnh tranh giữa các cơ quan quyền lực, hệ thống pháp luật phải độc lập với bộ phận hành pháp, và nhấn mạnh một cách rộng rãi về quyền tối thượng của luật pháp đối với quyền lực.
Mỗi một trụ cột trên đều hỗ trợ cho những trụ cột khác. Các quyền phải được xác định rõ ràng và được bảo vệ bởi các cơ quan pháp luật; khi các quyền được xác định rõ và được pháp luật bảo vệ, trật tự sẽ hiện hữu một cách tự phát; khi trật tự xã hội và sự hài hòa được thiết lập mà không có sự định hướng bởi kế hoạch, con người sẽ càng tôn trọng các quyền của người khác; khi con người quen với việc sử dụng các quyền của họ và tôn trọng quyền của người khác, họ sẽ ngày càng có xu hướng buộc các định chế hình thành theo luật định phải tuân thủ theo hiến pháp.
Các quyền cá nhân
Những tư tưởng của chủ nghĩa tự do cá nhân về quyền phần lớn đã bị mạo danh trong cuộc đấu tranh vì tự do tôn giáo và tự do cho những người yếu thế phải chịu đựng áp bức từ những kẻ mạnh. Nhà tư tưởng Tây Ban Nha Francisco de Vitoria, trong cuốn sách nổi tiếng của ông vào năm 1539 viết về những người da đỏ ở Mỹ, ông đã bảo vệ người dân bản địa ở Mỹ chống lại sự bạo tàn và áp bức từ Đế Chế Tây Ban Nha. Ông cho rằng người da đỏ có trách nhiệm đạo đức cho những hành động của họ (“dominium”) và kết luận rằng,
Những bộ tộc hoang dã (the barbarians) [thuật ngữ được sử dụng tại thời điểm đó để chỉ những người không phải là người châu Âu và không theo Ki-tô giáo] rõ ràng cũng sở hữu quyền tự trị, về cả mặt công lẫn tư như bất kỳ người Ki-tô nào. Tức là, họ không thể bị tước đoạt tài sản, giống như những công dân hay những hoàng thân, chỉ bởi vì họ không phải là những chủ nhân thực sự (ueri domini).15
Nhất chí với Vitoria và những người theo tư tưởng của ông rằng người da đỏ có quyền được tôn trọng cuộc sống của họ, tài sản của họ, và đất nước của họ như bất kỳ người Tây Ban Nha nào. Họ có quyền, và việc vi phạm các quyền này là một sự bất công cần được phản đối. Những ý tưởng về trách nhiệm đạo đức và các quyền đã có một tác động rất lớn đối với tư duy nói chung về con người; không phải vì được sinh ra một cách ngẫu nhiên, mà bởi việc liệu con người có phải là chủ thể có đạo đức hay không mới là điều khiến cho con người phải chịu trách nhiệm cho những lựa chọn và hành động của chính họ.
Vào khoảng thời gian đó, những người bảo vệ quyền tự do tôn giáo đã khẳng định, và thường phải trả giá bằng chính mạng sống của họ cho hành động đó, rằng bởi con người là những sinh vật trách nhiệm có khả năng suy nghĩ, cân nhắc, và lựa chọn, nên lương tâm phải được tự do và tôn giáo nên là vấn đề được phép lựa chọn, chứ không phải là sự ép buộc. Quyền tự do tôn giáo là một quyền, không phải là một đặc quyền được trao tặng bởi những người có quyền lực. Nhà thần học John Calvin đã bảo vệ quyết định hành quyết một người chỉ trích ông tên là Servetus tại tại Geneva vì đã giảng giải một cách hiểu khác về sách phúc âm (bốn cuốn sách đầu tiên trong Kinh Tân Ước – ND) dựa trên lập luận rằng các nhà cai trị phải có trách nhiệm bảo vệ đức tin đúng đắn. Một nhà bảo vệ tự do tôn giáo vĩ đại của thế kỷ XVI Sebastian Castellio đã thẳng thừng đáp trả Calvin: “Việc giết một người không phải là hành động bảo vệ một học thuyết, đó chỉ đơn thuần là giết một người. Khi những người Geneva giết Servetus, họ không bảo vệ một học thuyết mà họ giết một người.”16 Một học thuyết nên được bảo vệ bằng những ngôn từ làm thay đổi khối óc và con tim, chứ không phải bằng vũ khí và lửa thiêu để phá vỡ và đốt cháy cơ thể của một người có quan điểm bất đồng. Như nhà thơ người Anh John Milton đã lưu ý trong lập luận của ông cho tự do về báo chí, Areopagetica, “là nơi nghệ thuật vĩ đại ngự trị để phân biệt đâu là nơi pháp luật đặt ra sự hạn chế và trừng phạt, và đâu là nơi chỉ có thể dùng thuyết phục.”17
Những người tiên phong đầu tiên cho tự do đã nhấn mạnh vào sự tôn trọng những quyền bình đẳng, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, giới tính, hay những đặc điểm ngẫu nhiên khác của con người, song họ đã vấp phải thách thức mạnh mẽ từ những người ủng hộ chế độ thống trị chuyên chế hoặc thần quyền, những người này đã đối đáp rằng nếu mỗi người đều có quyền quản lý cuộc sống của họ, thì sẽ không có một kế hoạch tổng thể cho toàn xã hội, và do đó tình trạng hỗn loạn và mất trật tự sẽ xảy ra. Họ cho rằng cần phải có một ông chủ, một người có tầm nhìn và sau đó áp đặt trật tự lên một đám đông hỗn loạn. Nếu không, bạn sẽ không biết phải sản xuất cái gì, hoặc làm gì, hay thờ phụng Chúa như thế nào, hoặc mặc cái gì, hoặc chi tiêu và tiết kiệm bao nhiêu.
Trật tự tự phát
Bản thân nguyên tắc đạo đức về việc tôn trọng những người khác đã không thể đáp ứng được thách thức đó, cho đến khi các nhà khoa học xã hội bắt đầu mở ra những bí mật của những trật tự phức. Cũng giống như những nhà côn trùng học hiện đại đã phát hiện ra rằng trật tự phức của một tổ ong không phải được “cai trị” bởi một con ong chúa thực hiện quyền lực tuyệt đối và ra lệnh cho những con ong khác như người ta vẫn nghĩ trong hàng thiên niên kỉ qua, thậm chí các nhà khoa học xã hội trước đó đã phát hiện ra rằng những xã hội phức tạp của loài người không phải “được cai trị” bởi bất kỳ người nào với những quyền năng kiểu như ra lệnh hàng ngày cho người nông dân khi nào thì vắt sữa bò với giá thành của sữa bao nhiêu, đặt ra giá trị của tiền bạc, và đưa ra những mệnh lệnh để thiết lập trật tự xã hội nói chung. Thay vào đó, như họ đã đúc kết được, nếu bạn muốn một xã hội có trật tự và thịnh vượng, bạn nên dựa vào câu châm ngôn “Laissez faire et laissez passer, le monde va de lui même!” [Tự do kinh doanh và tự do thông hành, thế giới sẽ tự đi!] của một người theo chủ nghĩa tự do cá nhân thông tuệ thế kỷ XVIII Claude Marie Vincent de Gourney.18
Không thể đơn giản dùng mệnh lệnh để tạo ra những trật tự phức. Ngôn ngữ, nền kinh tế thị trường, thông luật19, và nhiều hình thức hợp tác phức tạp khác giữa những người không quen biết với nhau hình thành không phải thông qua sự áp đặt cưỡng chế của một kế hoạch được tạo ra từ trí óc của một nhà lãnh đạo vĩ đại (hay những bộ óc của một nhóm các nhà lãnh đạo), mà như là các sản phẩm phụ của sự tương tác giữa con người theo các quy tắc tương đối đơn giản, giống như đàn chim, đàn cá, hay đàn ong phô bày những hình thái trật tự phức mà không cần một đầu óc định hướng nào.
Đó không phải là điều dễ nắm bắt. Khi chúng ta thấy một chỉnh thể trật tự của nhiều yếu tố, chúng ta có xu hướng nhìn xung quanh để tìm ra người tạo ra trật tự đó. Nếu tôi thấy một hàng ghế được xếp ngay ngắn, tôi chắc chắn sẽ hỏi, “Ai đã sắp xếp những chiếc ghế này?” Nhưng hầu hết các trật tự, bao gồm trật tự của nền kinh tế thị trường, như một nhà kinh tế được giải Nobel James Buchanan lập luận, được xác lập trong quá trình nó hình thành: “‘trật tự’ của thị trường chỉ hình thành từ quá trình trao đổi tự nguyện giữa những cá nhân tham gia. ‘Trật tự’, bản thân nó, được định nghĩa là kết quả của quá trình tạo ra nó. ‘Nó’, kết quả của quá trình phân bổ-phân phối, không và không thể tồn tại độc lập khỏi quá trình giao dịch. Vắng mặt quá trình này, không thể có ‘trật tự’”.20 Đây là điều mà đầu óc con người không hề dễ dàng nắm bắt, bởi vì chúng ta thường tìm kiếm những người tạo ra trật tự mỗi khi chúng ta quan sát thấy trật tự. Nhưng khi chúng ta tìm kiếm, những gì chúng ta tìm thấy là những trật tự phức sinh ra từ những nguyên tắc tương đối đơn giản. Đó cũng là trường hợp về sự xuất hiện của những trật tự phức trong mối quan hệ hợp tác giữa con người.
Một khi người ta hiểu được rằng các quyền được định nghĩa rõ ràng và bảo đảm về mặt pháp lý cho phép đạt được những hình thái trật tự phức tạp hơn và quan hệ hợp tác tinh vi hơn giữa con người, thì tư tưởng về các quyền sẽ trở nên ngày càng hợp lý hơn. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể bảo vệ chúng? Đó là lý do chúng ta cần đến cột trụ thứ ba trong bộ ba cột trụ của chủ nghĩa tự do cá nhân.
Chính phủ hạn quyền bằng hiến pháp
Các quyền được thực hiện và bảo vệ theo nhiều cách khác nhau. Những người sử dụng nắm đấm của mình để chiến đấu chống lại kẻ xâm lược hoặc dùng đôi chân mình để chạy thoát khỏi chúng là đang bảo vệ quyền sống, quyền tự do, và tài sản của chính họ. Chúng ta còn bảo vệ các quyền của mình bằng cách đầu tư vào những ổ khóa trên những cánh cửa và hệ thống khởi động được khóa chốt cho những chiếc xe của chúng ta, cả hai cách này đều nhằm giữ tài sản của chúng ta tránh xa các tác nhân xâm phạm tiềm năng. Thế nhưng trong một thế giới mà chúng ta chỉ dựa vào sức mạnh của bản thân để tự vệ hoặc dựa hoàn toàn vào những chiếc ổ khóa và chìa khóa rất có thể là thế giới mà trong đó kẻ mạnh sẽ thống trị kẻ yếu. Đó là lý do vì sao người ta hình thành rất nhiều hội đoàn để bảo vệ chính họ. Trong những xã hội tự do hiện đại, chúng ta hiếm khi dùng đến vũ lực tức thì để bảo vệ chính mình (mặc dù đôi khi là cần thiết); bởi vì rằng bạo lực nói chung giảm xuống do lợi ích có thể có được từ bạo lực đã suy giảm so với thiệt hại mà những kẻ gây hấn có nguy cơ phải gánh chịu từ hành vi xâm phạm của họ. Bạo lực, với hầu hết mọi người, là một yếu tố ngày càng mờ nhạt dần trong quá trình tương tác của họ với người khác (ngoại trừ hành vi bạo lực của nhà nước, mà đôi khi dẫn đến cái chết của hàng trăm ngàn hay hàng triệu người). Chúng ta dựa vào những cơ quan chuyên trách để giúp chúng ta phân xử tranh chấp (tòa án hoặc trọng tài) và để bảo vệ các quyền của chúng ta (cơ quan an ninh và cảnh sát). Điều nguy hiểm là, khi chúng ta cho phép người nào đó sử dụng bạo lực, ngay cả khi đơn thuần là để bảo vệ các quyền, chúng ta có thể trở thành nạn nhân của những người đã được chúng ta ủy quyền để bảo vệ chúng ta. Vấn đề thường được diễn đạt như những lời của nhà thơ La Mã Juvenal, “Quis custodiet ipsos custodes?” – Ai giám sát những người giám sát?
Đó là một trong những câu hỏi quan trọng nhất của khoa học chính trị và luôn luôn được nhấn mạnh bởi các nhà tự do cá nhân, những người đi đầu trong phong trào hạn chế quyền lực. Những thể chế truyền thống và thực tiễn hạn chế quyền lực có thể kể đến như: các bản hiến pháp vừa thiết lập các quyền hạn thực thi pháp luật vừa quy định các đối tượng thực thi những quyền lực đó phải tuân theo pháp luật; tạo ra một hệ thống “kiểm tra và đối trọng” (check and balance) cạnh tranh giữa các nhánh khác nhau của chính phủ; nhấn mạnh quyền từ chối những cơ chế chính trị và pháp luật bất công hay không thể tán đồng; soạn thảo đạo luật về các quyền, bao gồm quyền tự do ngôn luận, quyền giữ và mang vũ khí, quyền được xét xử bởi bồi thẩm đoàn, quyền được bảo vệ trong việc thụ hưởng tài sản của mình; và các cơ chế khác mà thay đổi tùy theo quốc gia, văn hóa, và thời đại.
Những truyền thống này có thể đã xuất hiện từ những hiệp ước cổ xưa nhằm hạn chế quyền lực của các vị vua, chẳng hạn như Magna Carta ở Anh và Golden Bull ở Hungary, hay những hình thức chủ nghĩa liên bang gần đây, như ở Thụy Sỹ, Úc, và Mỹ, hay ở nước Đức và Áo thời hậu chiến. Đức và Áo thời hậu chiến đã áp dụng mô hình nhà nước liên bang như một phương tiện để tránh một thảm họa khác như chủ nghĩa xã hội quốc gia của “Đế chế thứ ba”, mà đã đẩy châu Âu vào cuộc chiến tranh kinh hoàng. Việc tổ chức không bao giờ có thể hoàn hảo và biến đổi khác nhau tùy theo lịch sử của từng nước, điểm mạnh của các thể chế khác nhau, và còn nhiều yếu tố khác, tuy vậy những ràng buộc quyền lực bằng hiến pháp là trụ cột quan trọng thứ ba của chủ nghĩa tự do cá nhân.21
Tự do, trật tự, công lý, hòa bình và thịnh vượng
Khi các chính phủ được giới hạn vào việc bảo vệ những quyền được định nghĩa rõ ràng của các cá nhân cũng như trong việc cung cấp và thực thi các quy tắc hành xử công bằng, các cá nhân sẽ được thụ hưởng quyền tự do sắp xếp các vấn đề cá nhân của họ và tìm kiếm hạnh phúc theo cách riêng của họ, đồng thời xã hội sẽ được đặc trưng bởi trật tự và sự phối hợp ở mức độ cao hơn so với khi chính phủ trực tiếp tạo ra trật tự bằng hình thức cưỡng chế. Bộ ba cột trụ của chủ nghĩa tự do cá nhân được xây dựa trên những yếu tố - các quyền cá nhân, trật tự tự phát, và chính phủ bị hạn quyền bằng hiến pháp – đã có một lịch sử lâu dài.
Tất nhiên, một thế giới tự do là một thế giới không hoàn hảo, vì nó gồm toàn những con người không hoàn hảo, không ai trong số họ có thể được tin cậy để trao cho quyền lực cưỡng chế, ngay cả người tốt nhất cũng sẽ không chống nổi sự cám dỗ của việc thực thi quyền lực một cách tùy tiện, để bắt nạt người khác, và hành xử thiên vị mưu lợi cá nhân. Đó là lý do tại sao các cơ chế hiến định là giải pháp cần thiết để hạn chế quyền lực.
Tuy nhiên chủ nghĩa tự do cá nhân không chỉ quan tâm đến sự hạn quyền. Nó cũng có viễn kiến về tiến bộ xã hội, khoa học, và nghệ thuật; về sự chung sống hòa bình và tôn trọng lẫn nhau giữa vô số các quan điểm khác nhau về cuộc sống và văn hóa; về công nghiệp, thương mại và công nghệ để xóa đói giảm nghèo, và đẩy lùi những biên giới của sự thiếu hiểu biết; về việc bảo vệ những cá nhân tự do, độc lập, và xứng đáng thụ hưởng các quyền của họ.
Chủ nghĩa tự do cá nhân vừa là một dự án trí tuệ, một cách để hiểu và liên kết những tư tưởng quan trọng với nhau, vừa là một dự án thực tế, hiện thực hóa một thế giới tự do, công lý, và hòa bình. Đối với những người có đủ can đảm để đấu tranh vì nó, thì dự án về tự do thực sự là một nguồn cảm hứng từ sâu thẳm trong tâm hồn họ.
Nguồn: Why Liberty: Your Life, Your Choices, Your Future, edited by Tom G. Palmer, Jameson Books; 1st edition, 2013.
Chú thích:
(14) Robert Nozick, Anarchy, State, and Utopia, (New York: Basic Books, 1974), trang ix.
(15) Francisco de Vitoria, “On the American Indians,” Political Writings, biên soạn bởi Anthony Pagden and Jeremy Lawrance (Cambridge: Cambridge University Press, 1991), trang 250-251.
(16) Trích dẫn trong Perez Zagorin, How the Idea of Religious Toleration Came to the West, (Princeton: Princeton University Press, 2003), trang 119.
(17) John Milton, “Areopagitica: A Speech of Mr. John Milton for the Liberty of Unlicenc’d Printing, to the Parliament of England” [1644], trong Areopagitica and Other Political Writings of John Milton (Indianapolis: Liberty Fund, 1999), trang 23. John Locke sau đó có lập luận trong bức thư nổi tiếng của ông về sự khoan dung rằng " Khoan dung là cách dùng biện pháp thuyết phục, còn cách kia là mệnh lệnh; là cách tạo ra áp lực bằng lập luận, còn cách kia là bằng hình phạt." John Locke, “A Letter on Toleration”, trong The Sacred Rights of Conscience, biên soạn bởi Daniel L. Dreisbach và Mark David Hall (Indianapolis: Liberty Fund, 2009), trang 47.
(18) Trong điếu văn dành cho Gournay sau khi ông chết, Anne-Robert-Jacques Turgot, người bạn và cũng là học trò của Gournay đề cập rằng Gournay hiểu sự điên rồ của việc áp đặt độc quyền và "các tiêu chuẩn" trên thị trường mà người tiêu dùng trên thực tế không cần. Như Turgot đã viết: Gournay "đã ngạc nhiên khi thấy rằng một công dân không thể chế tác ra và bán bất cứ thứ gì nếu không được cấp quyền làm việc đó khiến cho việc hợp tác trở nên rất tốn kém", nghĩa là, một người đầu tiên phải mua quyền được buôn bán và cung cấp hàng hóa cho khách hàng tiềm năng của họ từ một nhóm độc quyền nào đó. "Anh ta sẽ không bao giờ ngờ được rằng một đồ vật, do không tuân thủ theo các quy định, có thể là bị chẻ ra thành các mảnh nhỏ.” Và người đàn ông không may mắn này sẽ phải nộp tiền phạt, số tiền đủ lớn để khiến cho ông và gia đình của mình trở thành những người ăn mày." Turgot, "Éloge de Gournay”, trong Western Liberalism: A History in Documents from Locke to Croce, biên tập bởi E. K. Bramsted và K. J. Melhuish (London: Longman, 1978), tr. 305.
(19) Thông luật (Common law): Loại luật có nguồn gốc án lệ, theo đó Nhà nước thừa nhận những bản án, quyết định giải quyết vụ việc của Tòa án làm khuôn mẫu và cơ sở để đưa ra phán quyết cho những vụ việc hoặc trường hợp có tình tiết hay vấn đề tương tự sau đó (ND)
(20) James Buchanan, “Order Defined in the Process of Its Emergence: A note stimulated by reading Norman Barry, ‘The Tradition of Spontaneous Order,’”, Literature of Liberty, tập 5. Truy cập http://oll.libertyfund.org/title/1305/100453 vào 23/03/2013.
(21) Một số người theo chủ nghĩa tự do cá nhân tin rằng một trật tự hiến định không có sự độc quyền về pháp luật, không sử dụng lực lượng tự vệ, nghĩa là không có nhà nước, là điều có thể xảy ra và nên xảy ra. Các bạn có thể đọc thêm: Randy E. Barnett, The Structure of Liberty: Justice and the Rule of Law (Oxford: Oxford University Press, 2000), Michael Huemer, The Problem of Political Authority, Bruce L. Benson, Enterprise of Law: Justice Without the State (Oakland: Independent Institute, 2011). Bài trình bày khá ngắn gọn của tôi về “The Case for Ordered Liberty Without States” [Tự do có trật tự không có sự hiện diện của nhà nước] có thể được tìm thấy tại http://www.libertarianism.org/publications/essays/-ordered-liberty-without-states. Cho dù còn có tranh luận giữa những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân về việc chúng ta có thể tận hưởng tự do mà không cần sự hiện diện của nhà nước, thì việc không tồn tại nhà nước không đồng nghĩa với sự tận hưởng tự do, vì tự do phụ thuộc chủ yếu vào các thể chế pháp luật và công lý. Câu hỏi (mà không phải tất cả mọi người đều tán thành) là: liệu pháp luật và công lý có thể tồn tại mà không cần một nhà cung cấp độc quyền không.