.jpg)
Chủ nghĩa gia trưởng kỹ trị của Singapore và cách kinh tế học hành vi biện minh cho sự tiếp diễn của mô hình này (Phần 1)
Trong văn hoá đại chúng, Singapore nổi tiếng với mô hình nhà nước bảo mẫu. Điều này bắt nguồn từ cách tiếp cận mang tính kỹ trị và gia trưởng cao độ của quốc gia này. Chủ nghĩa thực dụng là một trong những nguyên tắc cơ bản mà chính phủ Singapore tuân theo, theo đó các chính sách được ban hành dựa trên kết quả mà chúng mang lại thay vì tuân thủ theo các quy tắc chung. Cách tiếp cận này được thể hiện một cách một cách nhất quán qua sự can thiệp của Đảng Hành động Nhân dân (People’s Action Party’s) vào đời sống cá nhân của công dân, từ tôn giáo, phân tách theo chủng tộc trong cung cấp nhà ở xã hội, nạo phá thai, v.v. Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu từng ca ngợi lợi ích của đường lối này:
“Tôi thường bị người ta buộc tội vì can thiệp vào đời sống cá nhân của người dân. Tuy nhiên, nếu không làm vậy, chúng tôi sẽ không được như ngày hôm nay. Một lần nữa, tôi xin khẳng định lại rằng Singapore sẽ không thể đạt được những tiến bộ về kinh tế nếu không can thiệp vào những vấn đề rất cá nhân — ai là hàng xóm của bạn, cách bạn sống, tiếng ồn bạn gây ra, cách bạn khạc nhổ, hoặc ngôn ngữ bạn sử dụng. Chúng tôi quyết định điều gì là đúng đắn” (BBC, 2015).
Không chỉ mang tính gia trưởng, các chính sách nhà nước còn được thực hiện thông qua một nhóm tinh hoa, bao gồm các công chức và học giả - những người tin rằng họ có trí tuệ vượt trội cần thiết để chèo lái con thuyền quốc gia. Nói theo cách khác, chính quyền Singapore công khai đi theo chủ nghĩa gia trưởng và kỹ trị. Điều mà chúng tôi muốn đóng góp thêm vào trong chương này là làm sáng tỏ việc chủ nghĩa gia trưởng kỹ trị ở Singapore trong những năm gần đây được củng cố nhờ vào sự phát triển của hai xu thế mới trong xã hội. Đầu tiên và quan trọng nhất, đó là cuộc "cách mạng hành vi" trong nghiên cứu học thuật. Thứ hai, sự phát triển của các công nghệ mới đã hỗ trợ chính quyền kỹ trị trong việc hoạch định tập trung cho xã hội.
Xu thế đầu tiên là sự nổi lên của nhánh kinh tế học hành vi. Ngày nay, hướng tiếp cận này trở nên phổ biến trong kinh tế học chính thống và dần xâm nhập vào hệ thống chính sách công. Việc sử dụng các biện pháp "cú hích thúc đẩy hành vi" (behavioural nudging) phổ biến đến mức đã có hơn 150 quốc gia áp dụng trong quá trình hoạch định chính sách của mình1. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi kinh tế học hành vi thu hút được sự chú ý đáng kể và tạo được sức ảnh hưởng trong các cuộc thảo luận về chính sách tại Singapore. Việc ủng hộ chính sách theo hướng hành vi được thể hiện rõ nét tại Học viện Dịch vụ Công (Civil Service College), một tổ chức giáo dục do chính phủ tài trợ, nơi đào tạo những người Singapore trẻ tuổi, tiềm năng cao cho sự nghiệp hoạch định chính sách. Tổ chức này đã xuất bản cuốn Behavioural Design and Policy Design (Low, 2012), tập hợp các bài nghiên cứu về việc áp dụng các kiến thức kinh tế học hành vi vào chính sách của Singapore. Cuốn sách cung cấp một khảo cứu toàn diện về cách kinh tế học hành vi được áp dụng trong lịch sử chính sách của Singapore, với các ví dụ về quản lý tắc nghẽn giao thông, tiết kiệm hưu trí, hiến tạng, và nhiều lĩnh vực khác.
Xu hướng thứ hai là sự phát triển của công nghệ thông tin mới, bao gồm việc sử dụng “Dữ liệu lớn (Big Data) và các công nghệ liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Điều này củng cố cho truyền thống lập kế hoạch quốc gia, tập trung của chính phủ. Tại Singapore, các nhà hoạch định chính sách đã triển khai những công cụ mới, như hệ thống Đánh giá Rủi ro và Quét Tầm nhìn (Risk Assessment and Horizon Scanning), cho nhiều mục đích khác nhau, từ an ninh quốc gia đến lập kế hoạch chính sách chiến lược. Mặc dù hướng đi này thừa nhận những thiếu sót của các nhà hoạch định chính sách do sự phức tạp ngày càng gia tăng của tình hình thế giới, nhưng những hạn chế này được cho rằng có thể khắc phục. Trong khi chương trình nghị sự mới của kinh tế học hành vi tìm cách cải thiện và điều chỉnh hành vi cá nhân ở cấp độ vi mô, thì xu hướng thứ hai này lại tiếp cận kinh tế ở cấp độ vĩ mô, khi sử dụng các tiến bộ công nghệ để đạt được những kết quả vượt trội về mặt quản trị công.
Tuy thế, cả hai xu thế đều nhất trí khẳng định sự phức tạp của xã hội hiện đại, cũng như phủ nhận nền tảng duy lý của kinh tế học tân cổ điển. Họ lập luận rằng trong xã hội thị trường toàn cầu hóa ngày nay, cả người tiêu dùng và các nhà hoạch định chính sách đều hành xử khác biệt so với tính duy lý kinh tế được mô tả trong các mô hình kinh tế tiêu chuẩn, nên các chính sách cần được phát triển theo một cách tiếp cận tinh tế hơn để bao hàm được cả bản chất phi lý của con người.
Chương này xem xét vấn đề chủ nghĩa gia trưởng kỹ trị qua lăng kính tự do cổ điển, đặc biệt trong bối cảnh các hiểu biết hành vi ngày càng được áp dụng nhiều vào việc hoạch định chính sách cấp độ địa phương. Chúng tôi đặt dấu hỏi về các nền tảng phương pháp luận mà mô hình kinh tế hành vi dựa vào, cũng như tính khả thi của việc áp dụng nó trong việc hoạch định chính sách công. Mặc dù những người ủng hộ cách tiếp cận hành vi nhấn mạnh sự khác biệt của nó so với cách quản trị cứng rắn truyền thống, nhưng chúng tôi cho rằng cái gọi là "cuộc cách mạng hành vi" chỉ càng củng cố chủ nghĩa gia trưởng kỹ trị cũ, và vẫn còn rất nhiều hạn chế khi nhìn từ góc độ tự do cổ điển.
Chú thích:
(1) OECD. (2017). Use of behavioural insights in consumer policy. Trích từ http://www.oecd.org/officialdocuments/publicdisplaydocumentpdf/?cote=DSTI/CP(2016)3/FINAL&docLanguage=En
Nguồn: Chương 4 tác phẩm Cheang B. Và Choy D. (2021). Liberalism unveiled : forging a new third way in Singapore. World Scientifc Publishing Co. Pte. Ltd.