[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương II: Những lý thuyết không thuyết phục (Phần 1)
VỊ THẾ CỦA CÁC QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI
CUỐN SÁCH NÀY nhằm giải thích sự cách biệt giàu nghèo (hay bất bình đẳng) trên thế giới và một số mô thức khái quát nằm đằng sau sự cách biệt giàu nghèo này. Quốc gia đầu tiên có tăng trưởng kinh tế bền vững là Vương quốc Anh (liên minh giữa nước Anh, xứ Wales và Scotland từ năm 1707). Tăng trưởng bắt đầu một cách chậm rãi trong nửa sau của thế kỷ 18 khi cuộc Cách mạng công nghiệp, dựa trên những đột phá lớn về công nghệ và ứng dụng của chúng trong các ngành công nghiệp, dần dần bám rễ. Ngay sau nước Anh, Mỹ và hầu hết các quốc gia Tây Âu cũng bắt đầu công nghiệp hóa. Sự thịnh vượng của nước Anh cũng nhanh chóng lan sang các “thuộc địa định cư” của nước này như Canada, Úc và New Zealand - những nước cho đến nay vẫn nằm trong danh sách 30 quốc gia giàu nhất thế giới. Bên cạnh đó còn có Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc - những quốc gia đạt tới sự thịnh vượng theo một mô thức rộng rãi hơn, mô thức mà nhờ đó nhiều vùng lãnh thổ ở Đông Á khác như Đài Loan, rồi Trung Quốc, đạt được tăng trưởng cao trong những năm gần đây.
Có một sự tương phản rõ nét giữa nhóm đầu và cuối trong phổ phân phối thu nhập của các quốc gia trên thế giới. Nhìn vào danh sách 30 quốc gia nghèo nhất hiện nay, bạn sẽ thấy hầu như tất cả đều ở vùng hạ Sahara của châu Phi. Trong danh sách này bạn cũng sẽ thấy Afghanistan, Haiti và Nepal, những nước mặc dù không ở châu Phi nhưng có nhiều điểm tương đồng quan trọng với các quốc gia châu Phi như chúng tôi sẽ giải thích sau này. Nếu ngược dòng thời gian 50 năm trở về trước, bạn sẽ thấy danh sách 30 quốc gia giàu nhất và nghèo nhất không khác đáng kể so với hiện nay.
Singapore và Hàn Quốc sẽ không nằm trong danh sách các quốc gia giàu nhất, và danh sách 30 quốc gia nghèo nhất cũng có đôi chút xáo trộn, nhưng bức tranh tổng thể nổi lên sẽ nhất quán một cách đáng kinh ngạc so với những gì chúng ta thấy ngày nay. Ngược dòng thời gian 100 hay thậm chí 150 năm, một lần nữa bạn sẽ thấy danh sách nhóm nước nghèo và giàu nhất thế giới hầu như không thay đổi.
Bản đồ 3: Sự thịnh vượng trên thế giới vào năm 2008 (p.73)
Bản đồ 3 miêu tả vị thế của các quốc gia vào năm 2008. Các quốc gia được tô màu đậm nhất là những quốc gia nghèo nhất thế giới, với thu nhập (thuật ngữ kinh tế là tổng sản phẩm quốc nội, viết tắt là GDP) bình quân đầu người hằng năm dưới 2.000 USD. Hầu hết các nước châu Phi nằm trong nhóm này (cùng với Afghanistan, Haiti và một số nước Đông Nam Á như Campuchia và Lào), và bên cạnh đó còn có Bắc Triều Tiên. Các nước được tô màu trắng là những nước giàu nhất, có thu nhập bình quân đầu người hằng năm từ 20.000 USD trở lên. Trong nhóm này, chúng ta thấy những khuôn mặt quen thuộc: Bắc Mỹ, Tây Âu, Úc và Nhật Bản.
Một mô thức thú vị khác có thể nhìn thấy ở châu Mỹ. Nếu liệt kê các quốc gia ở châu Mỹ từ giàu nhất đến nghèo nhất, bạn sẽ thấy dẫn đầu là Hoa Kỳ và Canada, kế tiếp là Chile, Argentina, Brazil, Mexico và Uruguay, và có thể còn thấy Venezuela, tùy thuộc vào giá dầu cao hay thấp. Sau những nước này sẽ tới Colombia, Cộng hòa Dominica, Ecuador và Peru. Phía dưới cùng là nhóm ba nước nghèo cá biệt, bao gồm Bolivia, Guatemala và Paraguay. Dù trở lại quá khứ 50 năm, 100 năm hay 150 năm, bạn sẽ luôn thấy ba nước này ở cùng vị trí cuối bảng. Vì vậy, vấn đề không là chỉ là Hoa Kỳ và Canada là giàu hơn Mỹ La-tinh, mà còn là tồn tại một sự phân hóa rõ ràng và liên tục giữa các nước giàu và nước nghèo trong phạm vi châu Mỹ La-tinh.
Mô thức thú vị cuối cùng là ở Trung Đông, ở đó chúng ta tìm thấy các quốc gia giàu dầu mỏ như Arập Saudi và Kuwait có mức thu nhập xấp xỉ với nhóm 30 nước giàu nhất. Tuy nhiên, nếu giá dầu giảm, họ sẽ nhanh chóng rơi trở lại vị trí thấp hơn. Các nước Trung Đông ít hoặc không có dầu mỏ như Ai Cập, Jordan và Syria đều co cụm xung quanh mức thu nhập tương tự như của Guatemala và Peru. Nếu không có dầu, các nước Trung Đông sẽ đều nghèo, mặc dù không quá nghèo như những nước ở vùng hạ Sahara ở châu Phi, nhưng sẽ tương tự như các nước ở Trung Mỹ và vùng Andes.
Trong khi các mô thức giàu nghèo tồn tại dai dẳng, chúng không hề cố định hay không thể thay đổi. Đầu tiên, như chúng ta đã nhấn mạnh, hầu hết sự cách biệt giàu nghèo trên thế giới hiện nay nổi lên từ cuối thế kỷ 18 theo sau cuộc Cách mạng công nghiệp. Cho đến giữa thế kỷ 18, khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia nhỏ hơn nhiều so với hiện tại, không những thế thứ bậc của các quốc gia vốn khá ổn định sau đó đã thay đổi rất nhiều nếu chúng ta tiếp tục ngược dòng lịch sử. Ví dụ như ở châu Mỹ, thứ bậc mà chúng ta thấy trong 150 năm trở lại đây hoàn toàn khác so với thứ bậc cách đây 500 năm. Thứ hai, nhiều quốc gia, chẳng hạn như phần lớn khu vực Đông Á, và gần đây là Trung Quốc, đã trải qua vài thập kỷ tăng trưởng nhanh chóng kể từ sau Thế chiến thứ hai. Tăng trưởng của nhiều nước trong số này sau đó bị đảo ngược. Ví dụ như Argentina đã phát triển nhanh chóng trong năm thập kỷ cho tới tận năm 1920, nhờ đó trở thành một trong những quốc gia giàu nhất thế giới, nhưng sau đó bắt đầu trượt dài. Ví dụ của Liên Xô thậm chí còn đáng chú ý hơn: phát triển nhanh chóng từ năm 1930 cho đến 1970, nhưng sau đó đã sụp đổ một cách nhanh chóng.
Điều gì nằm đằng sau những khác biệt lớn về đói nghèo và thịnh vượng và mô thức tăng trưởng? Tại sao các nước Tây Âu và các thuộc địa định cư của chúng bắt đầu phát triển trong thế kỷ 19, hầu như không ngoái lại phía sau? Điều gì giải thích sự “dai dẳng” trong bảng xếp hạng giàu nghèo ở châu Mỹ? Tại sao các nước hạ Sahara ở châu Phi và các quốc gia Trung Đông không thể đạt được tăng trưởng kinh tế như của Tây Âu, trong khi nhiều nước Đông Á lại trải qua những giai đoạn tăng trưởng kinh tế nhanh đến chóng mặt?
Người ta có thể nghĩ rằng thực tế chênh lệch giàu nghèo giữa các quốc gia trên thế giới to lớn, dai dẳng, và có mô thức rõ rệt như vậy thì chắc hẳn sẽ phải có một lời giải thích được chấp nhận một cách rộng rãi. Sự thực không phải như vậy. Hầu hết các giả thuyết của các nhà khoa học xã hội về nguồn gốc của đói nghèo và thịnh vượng đều không thể giải thích một cách thuyết phục về tình trạng cách biệt giàu nghèo được mô tả ở trên.
Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)