Bất tuân dân sự (phần cuối)

Bất tuân dân sự (phần cuối)

Vẫn còn những đạo luật bất công: Liệu chúng ta có tuân thủ chúng hay chúng ta phải vừa nỗ lực sửa đổi chúng vừa tiếp tục tuân thủ hoặc bất tuân ngay lập tức? Nói chung, người ta, dưới cái chính phủ như chính phủ hiện nay, nghĩ rằng phải chờ đợi cho đến khi thuyết phục được đa số thay đổi luật lệ. Họ cho rằng, nếu họ chống lại thì kết quả càng tệ hại hơn. Nhưng, nếu kết quả còn tệ hại hơn thì đấy là lỗi của chính phủ. Chính phủ làm cho nó thành tồi tệ như thế. Tại sao chính phủ không có khả năng dự đoán và chuẩn bị cho cải cách? Tại sao chính phủ lại không hoan nghênh thiểu số sáng suốt? Tại sao chính phủ lại gào lên và chống cự khi người ta chưa ra đòn? Tại sao chính phủ không động viên các công dân sẵn sàng chỉ ra sai phạm của mình và làm cho tốt, hơn là mắc phải chúng? Tại sao chính phủ lại luôn luôn đóng đinh câu rút chúa Jesus-Christ, tại sao nó lại rút phép thông công của Copernicus và Luther và tuyên bố rằng Washington và Franklin là là những kẻ bạo loạn.

Người ta cho rằng sự phủ nhận trên thực tế một cách cố ý quyền lực của chính phủ là hành vi phạm pháp duy nhất mà chính phủ chưa từng nghĩ đến, vì nếu không thì tại sao nó lại không đưa ra biện pháp trừng phạt tương ứng, phù hợp và xác định? Một người không có tài sản chỉ cần một lần không chịu kiếm cho chính phủ thì anh ta sẽ bị bỏ tù trong thời hạn do những người giam giữ anh ta tự ý quyết định, chứ không phải theo bất cứ điều luật nào; trong khi nếu người ấy ăn cắp của nhà nước số tiền gấp 90 lần từng đó thì anh ta sẽ được thả ra ngay.

Nếu bất công là do sự va chạm nhất định phải có của bộ máy nhà nước thì cứ để cho nó va chạm, có thể bất công sẽ bớt đi, nhưng bộ máy nhà nước cũng sẽ tiêu ma. Nếu bất công là một cái lò xo, cái ròng rọc, cái dây thừng hay một cánh tay đòn thì có thể cần phải nghĩ xem liệu việc chữa trị có tốt hơn không; nhưng, nếu bản chất của nó đòi hỏi rằng bạn phải là tác nhân bất công đối với người khác thì tôi nói rằng bạn phải chống lại luật đó. Hãy lấy cuộc đời bạn làm cái phanh ngăn chặn cỗ máy đó. Điều ta cần phải làm là không được ủng hộ điều sai quấy mà ta lên án.

Về những biện pháp mà chính phủ đưa ra để sửa chữa những điều sai quấy thì tôi phải nói rằng tôi không biết các biện pháp đó. Chúng đòi hỏi quá nhiều thời gian mà đời người thì có hạn. Tôi còn những việc khác phải làm nữa. Tôi đến thế giới này không phải đơn giản là để tạo ra một chỗ tốt để sống mà còn phải sống trong đó, dù nó tốt hay xấu. Không ai phải làm tất cả mọi việc, nhưng ai cũng phải làm một số việc, và bởi vì người ta không thể làm mọi việc nên không được làm những việc sai quấy. Việc của tôi không phải là thỉnh cầu ông Thống đốc bang hay nhà làm luật cũng như họ không có trách nhiệm gửi thỉnh cầu cho tôi; nhưng nếu lời thỉnh cầu của tôi không được họ nghe thì sao? Trong trường hợp này, nhà nước không có biện pháp nào cả: Chính Hiến pháp đã là sai quấy rồi. Điều đó nghe có vẻ chói tai, ngang ngạnh và thiếu thiện chí, nhưng phải đối xử với thái độ đó một cách tử tế nhất và thận trọng nhất như thế vì nó xứng đáng như thế. Cải thiện cũng giống như sinh thành và hoại diệt, cơ thể phải đau quặn lên.

Tôi không ngần ngại nói rằng những người tự gọi mình là người theo tư tưởng bãi nô cần phải thôi ủng hộ – cả nhân tài lẫn vật lực – chính quyền bang Massachusetts ngay lập tức, chứ không chờ đến khi có đa số đứng lên ủng hộ lẽ phải. Tôi nghĩ rằng Chúa đứng về phía họ là đủ rồi và không cần chờ đợi thêm một người nào nữa. Hơn nữa, một người đã là đa số với một tiếng nói còn có lý hơn những người hàng xóm của anh ta.

Tôi chỉ trực diện chính phủ Mỹ hay đại diện của nó là chính phủ bang nhiều nhất là một lần một năm, đấy là người nhân viên thuế vụ; một người như tôi thì đấy là cách duy nhất có thể đối đầu trực diện với quyền lực nhà nước. Và bao giờ nó cũng nói: “Hãy công nhận uy quyền của ta”. Trong tình hình hiện nay, chúng ta chỉ có thể thể hiện sự bất mãn và không thích thứ quyền lực này một cách đơn giản nhất, hiệu quả nhất và cần thiết nhất: Không công nhận nó.

Người hàng xóm đáng kính, người nhân viên thuế vụ mà tôi phải tiếp xúc đó – vì nói cho cùng, tôi tranh cãi với con người chứ không phải với giấy tờ – còn ông ta thì tự nguyện làm nhân viên của chính phủ. Làm sao ông ta biết mình là ai và hành xử như một nhân viên của chính phủ hay như một con người cho đến khi ông ta phải suy nghĩ về cách đối xử với tôi – người hàng xóm được ông ta tôn trọng – như một người hàng xóm hay như một thằng điên và kẻ gây rối trật tự công cộng và tìm cách vượt qua trở ngại đối với tình làng nghĩa xóm mà không phải dùng tới những từ ngữ thiếu suy nghĩ và ý nghĩ khiếm nhã. Song, tôi biết rõ rằng nếu một ngàn người trung thực, nếu một trăm người trung thực, nếu có mười người tôi có thể kể tên, chỉ cần mười người trung thực thôi, thậm chí chỉ cần một người trung thực trong cả Bang Massachusetts này không giữ nô lệ nữa, người đó có thể bị tống ra khỏi cộng đồng, bị nhốt vào tù; nhưng chế độ nô lệ trên toàn nước Mỹ sẽ bị bãi bỏ.

Vấn đề là khởi đầu, dù nhỏ đến đâu: một khi điều tốt đã được thực thi thì nó sẽ trở thành vĩnh viễn. Nhưng chúng ta chỉ thích nói về chuyện đó thôi, chưa ai trong chúng ta coi đấy là nhiệm vụ của mình. Hàng chục tờ báo nói về cải cách, nhưng chẳng có một người cụ thể nào đủ can đảm. Nếu người hàng xóm đáng kính của tôi, cũng là người đại diện cho nhà nước, vốn dành cuộc đời mình cho vấn đề quyền con người trong Hội đồng mà đừng lo lắng về nhà tù ở bang Carolina, nơi giam tù nhân của bang Massachusetts, bang đang tìm cách đẩy tội lỗi của chế độ nô lệ sang bang bên cạnh – mặc dù hiện nay lý cớ cho sự bất hòa chỉ là lòng hiếu khách chưa được như ý mà thôi – thì kỳ họp mùa đông tới, cơ quan lập pháp đã không loại vấn đề này ra khỏi chương trình nghị sự rồi.

Khi chính phủ bỏ tù người dân một cách bất công thì nhà tù sẽ là ngôi nhà cho những người công chính. Hiện nay chỗ xứng đáng duy nhất mà bang Massachusetts dành cho những người yêu tự do và chưa bị ngã lòng chính là nhà tù, đấy là nơi mà bang này nhốt và ly khai họ, cũng như trước đó họ đã – bằng niềm tin của mình – ly khai với chính quyền. Người nô lệ bỏ trốn, tù binh Mexico được tạm tha sau khi tuyên thệ và người Da Đỏ đang tìm cách bảo vệ đồng bào của mình phải sống tại đây. Nhà tù là khu vực đặc biệt, nhưng tại thời điểm này có vẻ tự do hơn và đáng kính trọng hơn nhiều chốn khác; nơi mà bang này cách ly những người chống lại nó – ngôi nhà duy nhất trong bang còn chế độ nô lệ – và cũng là nơi những người tự do có thể sống trong danh dự.

Nếu có người nào đó nghĩ rằng đi tù thì anh ta sẽ không còn tạo được ảnh hưởng nữa, rằng chính phủ sẽ không nghe thấy anh ta, rằng trong tù anh ta không còn là kẻ thù nữa, thì anh ta không hiểu rằng chân lý mạnh hơn dối lừa đến mức nào, cũng như không hiểu rằng người thực sự trải nghiệm bất công sẽ đấu tranh hiệu quả và hùng hồn như thế nào.

Bạn không chỉ đưa ra ý kiến bằng một mẩu giấy mà phải bằng toàn bộ sức mạnh của mình. Thiểu số là bất lực khi chiều theo đa số, trong trường hợp đó, nó cũng không còn là thiểu số nữa. Nhưng thiểu số sẽ có thứ sức mạnh vô địch khi nó chiến đấu với tất cả sức mạnh và niềm tin của mình.

Nếu sự lựa chọn là bỏ tù tất cả những người công chính hay chấm dứt chiến tranh và chế độ nô lệ thì nhà nước sẽ không lưỡng lự mà chọn phương án thứ nhất. Nhưng nếu một ngàn người không chịu đóng thuế thì sẽ không có đàn áp và đổ máu như trước đó, khi chính phủ có đủ nguồn lực tài chính để đàn áp và giết hại những người vô tội.

Trên thực tế, đấy chính là định nghĩa về cách mạng hoà bình, nếu quả thật có thể có một cuộc cách mạng như thế. Nhưng nếu một nhân viên thuế vụ hay một nhân viên công lực nào khác hỏi, như có người từng hỏi tôi: “Tôi biết làm thế nào?” thì câu trả lời của tôi sẽ là: “Nếu ông quả thật muốn làm một cái gì đó thì hãy từ nhiệm đi”. Khi công dân bất tuân và công chức từ nhiệm thì đấy chính là cách mạng. Nhưng giả sử có đổ máu? Thế máu không đổ khi lương tâm bị thương tổn ư? Nhân cách và sự bất tử của con người đang rỉ ra từ vết thương này, máu sẽ chảy cho đến chết. Dòng máu ấy lúc này vẫn đang chảy đây.

Tôi nghĩ đến tù đày chứ không phải tịch thu tài sản – mặc dù cả hai biện pháp đó đều phục vụ cùng một mục đích – vì những người bảo vệ công lý chân chính và vì vậy mà là những người nguy hiểm nhất đối với nhà nước thối nát thường không dành nhiều thời gian để tích lũy của cải. Đối với những người đó, nhà nước chẳng mang lại lợi ích gì nhiều, và một khoản thuế khóa tương đối nhẹ cũng trở thành gánh nặng, nhất là khi họ phải kiếm sống bằng đôi bàn tay của mình. Nếu có người sống mà hoàn toàn không dùng đến tiền thì ngay cả nhà nước cũng không dám đòi anh ta tiền.

Nhưng người giàu – tôi nói mà không có ý so sánh theo lối ghen ăn tức ở – luôn có thể bán mình cho những thiết chế đã làm cho người đó trở thành giàu có. Thường thì, càng nhiều tiền thì càng ít đức, vì tiền xen vào giữa anh ta và mục tiêu của anh ta – cuối cùng, giành được mục tiêu cho anh ta, và đương nhiên là chẳng có nhiều nhặn gì đức hạnh ở trong đó hết. Tiền còn giải quyết được nhiều vấn đề khác nữa, mà nếu không thì anh ta sẽ phải tự trả lời, chỉ còn lại một câu hỏi mới, khó nhưng là câu hỏi thừa: Tiêu như thế nào? Và thế là nền tảng đạo đức trượt khỏi chân anh ta.

Cơ hội sống giảm tương ứng cùng với sự gia tăng của cái gọi là “phương tiện” sống. Điều tốt nhất mà một người có thể làm cho nền văn hóa của mình, khi anh ta đã trở thành người giàu – là thực hiện những kế hoạch mà anh ta từng ấp ủ khi còn nghèo. Christ trả lời người Pharisêu: “Hãy đưa cho ta xem đồng tiền nộp thuế”, một người móc trong túi ra đồng xu. Nếu bạn sử dụng đồng tiền có hình Caesar trên đó, và nếu Ceasar làm cho nó có giá trị và đưa nó vào lưu thông, nghĩa là bạn đang ủng hộ nhà nước và bạn vui lòng hưởng thụ những đặc ân của chính phủ đó. Vậy nên hãy trả cho ông ta đồng tiền đó khi Ceasar đòi lại. “Của Caesar, trả về Caesar; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” – họ không hiểu được cái gì – của ai, vì họ không muốn hiểu.

Khi nói chuyện với những người hàng xóm có tư tưởng tự do nhất, tôi cảm nhận được rằng dù họ có nói gì về tầm quan trọng và mức độ nghiêm túc của tự do thì họ vẫn dành sự tôn trọng nhất định đối với sự thanh bình của xã hội. Và cuối cùng vẫn là họ cần sự bảo vệ của chính phủ hiện hành vì hậu quả của hành động bất tuân có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đối với tài sản và gia đình mình. Về phần mình, tôi không thích nghĩ rằng mình phải dựa vào sự bảo vệ của nhà nước. Nhưng, nếu tôi phủ nhận quyền lực của chính phủ khi họ bắt tôi đóng thuế thì chính phủ sẽ lập tức tịch thu tài sản của tôi và làm phiền tôi và con cái tôi. Thế là không tốt. Người ta không thể sống vừa tiện nghi, được tôn trọng lại đồng thời là người trung thực. Không cần tích lũy tài sản, chẳng bao lâu sẽ lại bị mất thôi. Bạn phải là người cấy rẽ hay ngồi xổm ở đâu đó, trồng cấy ít thôi và ăn hết ngay trong thời gian ngắn. Bạn phải sống nội tâm và dựa vào chính mình, và sẵn sàng bắt đầu công việc mới, và không có quá nhiều việc phải làm.

Nếu chỉ cần là thần dân trung thành với chính phủ là đủ thì ngay cả ở Thổ Nhĩ Kì cũng làm giàu được. Khổng tử nói: “Nước có đạo mà nghèo hèn, thì đáng hổ thẹn; nước vô đạo mà lại giàu sang, thì đáng hổ thẹn
”. Không: khi tôi không cần sự bảo vệ của Massachusetts ở một hải cảng xa xôi phía Nam, nơi quyền tự do của tôi bị đe dọa; hay khi tôi không tìm cách tích lũy tài sản ở đây bằng lao động hòa bình, thì tôi có thể từ chối bổn phận đối với Massachusetts và quyền của nó đối với tài sản và cuộc sống của tôi. Hình phạt mà tôi phải chịu do không tuân phục nhà nước còn rẻ hơn là tuân phục. Vì nếu tuân phục, tôi sẽ trở thành người thấp kém hơn.

Cách đây mấy năm, nhà nước đã thay mặt nhà thờ đến gặp tôi và buộc tôi phải đóng một khoản tiền để ủng hộ vị tu sỹ mà bố tôi từng nghe giảng, nhưng tôi chưa nghe bao giờ. “Nộp đi”, người ta bảo, “nếu không sẽ bị tù đấy”. Tôi không nộp. Nhưng đáng tiếc là có người cho rằng cần phải nộp. Tôi không hiểu vì sao thầy giáo phải đóng thuế để nuôi tu sỹ, chứ không phải là tu sỹ phải nuôi thầy giáo; vì tôi không được nhà nước nuôi, các học trò tự nguyện tới học nuôi tôi. Tôi không hiểu vì sao trường học không nhờ nhà nước thu thuế để bảo trợ cho mình, tương tự như nhà thờ vậy. Tuy nhiên, trước yêu cầu của các nhân viên thuế vụ, tôi đồng ý tuyên bố bằng văn bản như sau: “Xin mọi người biết rằng, tôi, Henry Thoreau, không muốn bị coi là thành viên của bất cứ tổ chức nào mà tôi không tham gia”. Tôi giao bản tuyên bố cho viên thư ký thành phố và ông ta đã nhận. Và từ khi nhà nước biết rằng tôi không muốn bị coi là thành viên của nhà thờ đó, họ đã không đòi tôi phải nộp nữa; mặc dù lần đó họ đã kiên quyết đòi tôi phải nộp. Nếu tôi biết tất cả tên của các tổ chức thì tôi sẽ tuyên bố ra khỏi tất cả các tổ chức mà tôi chưa từng tham gia ngay lập tức, nhưng tôi không biết tìm danh sách này ở đâu.

Tôi không đóng thuế thân sáu năm rồi. Một lần tôi bị giam một đêm vì chuyện đó; trong khi ngắm nhìn bức tường đá dày gần một mét[1] , cái cổng gỗ viền thép dày cả nửa mét[2] tôi bất ngờ nhận ra sự ngu dốt của cái thể chế coi tôi chỉ như một cục thịt, có thể giam cầm được. Tôi ngạc nhiên vì họ đã chọn cách đó chứ không sử dụng tôi theo cách nào khác. Có một bức tường đá ngăn cách tôi với đồng bào của tôi, nhưng người ta còn phải vượt qua một bức tường khó khăn hơn thế nhiều để đạt được tự do như tôi. Tôi không cảm thấy bị giam cầm, dù chỉ một khắc giây và bức tường kia chỉ là sự phí phạm đá và vữa. Tôi thấy như chỉ một mình tôi đóng thuế mà thôi. Không biết xử sự với tôi, họ đã hành động như những kẻ vô giáo dục. Những lời đe doạ cũng như thuyết phục của họ đều ngớ ngẩn vì họ cho rằng ước muốn duy nhất của tôi là ra khỏi mấy bức tường đó. Tôi không thể không mỉm cười trước cái cách họ ngăn chặn tư tưởng của tôi, nhưng tư tưởng của tôi vẫn theo họ mà ra, không hề ngăn ngại, và chỉ có chúng mới là mối nguy với họ. Không thể khuất phục được tôi, họ quay ra hành hạ thân xác tôi; giống như trẻ con, khi không đánh được người chúng ghét thì chúng quay ra hành hạ con chó của người đó. Tôi thấy rằng nhà nước rất kém khôn ngoan, nó cũng lúng túng giống như một gái già cô độc với chiếc thìa bạc vậy; nó không phân biệt được bạn thù, nó đã đánh mất sự tôn trọng cuối cùng còn lại của tôi và tôi chỉ cảm thấy thương hại cho nó.

Như vậy là nhà nước không bao giờ có thể kiểm soát lý trí, đạo đức mà chỉ kiểm soát thân xác và ngũ quan của con người [3]. Nó không được trang bị lòng trung thực và trí thông minh, nó chỉ có sức mạnh. Tôi sinh ra không phải để bị đè nén. Tôi sẽ thở theo cách của mình. Để xem ai mạnh hơn ai. Đám đông thì có cái gì? Chỉ những ai thuận theo luật cao hơn tôi mới ép buộc được tôi. Đằng này họ lại bắt tôi giống như họ. Tôi chưa từng nghe nói có người nào chịu để cho đám đông chỉ cho phải sống thế này hay sống thế kia. Thế mà gọi là sống ư?

Khi chính phủ bảo tôi: “Muốn sống thì đưa ví đây”, thì việc gì tôi phải vội vã giao tiền cho nó? Có thể nó đang rất túng bấn và không biết phải làm thế nào, nhưng chuyện đó thì liên quan gì đến tôi. Nó phải tự xoay xở, cũng như tôi vậy thôi. Không cần phải than vãn về chuyện đó. Tôi không phải chịu trách nhiệm về hoạt động của bộ máy của xã hội. Tôi không phải là con của người kỹ sư làm ra cái máy đó. Tôi biết rằng khi quả sồi và quả hạt dẻ rơi cạnh nhau thì không quả nào chịu nằm yên nhường đường cho quả kia, mà quả nào cũng đều theo quy luật của mình, chúng nảy mầm, lớn lên và ra hoa kết trái cho đến khi, có thể là, một cây sẽ che hết nắng của cây kia. Nếu cái cây không thể sống theo bản chất của mình thì nó sẽ chết, con người cũng thế thôi.

Đêm ở trong tù có cái gì đó mới lạ và hấp dẫn. Khi bước vào, tôi thấy các tù nhân mặc áo sơ mi, vừa tán chuyện vừa phà hơi nước vào cửa. Nhưng cai tù bảo họ: “Đến giờ đóng cửa rồi”, họ bỏ đi và tôi nghe thấy tiếng bước chân họ trong buồng giam. Cai tù nói với bạn tù cùng phòng với tôi rằng, tôi là “một người tốt và thông minh”. Sau khi đóng cửa phòng, anh ta chỉ cho tôi chỗ treo mũ và tình hình ở đây. Mỗi tháng các phòng giam đều được quét vôi một lần, và cái phòng này, chí ít cũng là phòng trắng nhất, trang bị đồ gỗ đơn giản nhất và có thể là ngăn nắp nhất thành phố.

Đương nhiên là anh ta muốn biết tôi từ đâu tới và làm sao mà lại phải vào đây; và sau khi kể cho anh ta nghe mọi sự, tôi cũng hỏi anh ta vì sao lại phải vào đây vì nghĩ rằng anh ta là một người trung thực và theo quan điểm hiện nay thì anh ta đúng là người như thế. “Người ta vu cho là tôi đốt nhà kho, nhưng tôi không bao giờ đốt”. Theo tôi hiểu thì anh ta có thể đã tới là kho trong tình trạng say rượu, sau đó lấy tẩu thuốc ra hút rồi ngủ quên, và thế là nhà kho cháy. Anh ta được tiếng là người thông minh, và đã phải đợi tòa ba tháng rồi, mà có thể phải đợi thêm chừng ấy nữa; nhưng anh ta đã quen và lấy làm hài lòng vì được ăn không mất tiền, và theo anh ta thì còn được đối xử tử tế nữa.

Anh ta nằm cạnh một cửa sổ, tôi nằm cạnh cái thứ hai; và tôi thấy rằng công việc chủ yếu của những người bị tù lâu là nhìn ra cửa sổ. Chẳng bao lâu sau tôi đã đọc hết những cuốn sách mà người ta để lại ở đây, và nhìn những chỗ mà những tù nhân trước đây đã chui ra để vượt ngục, những ô cửa sổ đã bị cưa và nghe những câu chuyện về những người tù đã từng bị giam trong buồm giam này; hóa ra buồng giam cũng có lịch sử và những chuyện ngồi lê đôi mách, nhưng chỉ lưu hành trong mấy bức tường nhà giam mà thôi. Có khả năng đây là ngôi nhà duy nhất trong thành phố có người làm thơ, sau đó được chép lại, nhưng không được xuất bản. Người ta đã cho tôi xem nhiều bài thơ, do những người trẻ tuổi làm, những người này bị bắt sau khi vượt ngục và trả thù bằng cách ngâm thơ.

Tôi tìm cách moi tất cả mọi chuyện của người bạn tù vì sợ rằng sẽ không bao giờ gặp lại anh ta nữa; nhưng rồi cuối cùng anh ta cũng chỉ cho tôi chỗ nằm ngủ và bảo tắt đèn.

Ở đây một đêm cũng chẳng khác gì đi du lịch đến một đất nước xa lạ mà tôi chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ tới. Dường như trước đây tôi chưa bao giờ nghe thấy tiếng chuông đồng hồ của thành phố, cũng chưa nghe thấy tiếng động của làng quê đang chìm vào giấc ngủ, chúng tôi không đóng cửa sổ khi ngủ vì bên ngoài có chấn song rồi. Làng quê tôi như thể đang ở giữa thời Trung Cổ, và con sông Concord thì trở thành sông Rhine và tôi trông thấy hình ảnh những hiệp sỹ và những pháo đài lướt qua trước mắt mình. Từ những con phố phía xa vẳng lại tiếng những thị dân già nua. Tôi trở thành khán giả và thính giả vô , vì đây là thị trấn. Tôi bắt đầu hiểu được công việc của dân chúng thành phố này.tình của những việc người ta nói và làm trong cái bếp của cái khách sạn nhỏ nằm ngay sát nhà tù – đây là điều hoàn toàn mới và hiếm khi xảy ra với tôi. Dường như tôi đang nhìn thấy thành phố từ bên trong lòng nó. Đây là một trong những thiết chế đặc biệt của nó.
Buổi sáng người ta đưa thức ăn qua cái lỗ ở cánh cửa chính, đấy là một cái chảo thiếc dài với cốc chocolate, bánh mì đen và cái thìa bằng sắt. Khi người ta tới lấy cái chảo, do thiếu kinh nghiệm, tôi đã trả lại mẩu bánh mì còn sót lại, nhưng anh bạn tù cùng phòng đã giằng lại, anh ta nói rằng tôi phải giữ cho bữa trưa và bữa chiều. Một lúc sau anh ta phải đi cắt cỏ ở cánh đồng bên cạnh, đây là công việc anh ta vẫn làm và đến trưa sẽ về; nhưng anh ta tạm biệt tôi vì nghĩ rằng chúng tôi sẽ không gặp lại nhau nữa.

Khi tôi ra khỏi nhà tù – vì có người can thiệp và nộp thuế cho tôi – tôi không thấy những thay đổi to lớn mà một người bước vào nhà tù từ khi còn trẻ nhưng khi ra thì đã là một ông già lọm khọm có thể chứng kiến; nhưng dù sao thì mọi sự cũng đã thay đổi – thành phố, bang và đất nước – thay đổi lớn hơn là thời gian có thể tạo ra. Tôi nhìn thấy cái bang mà tôi đang sống một cách rõ ràng hơn. Tôi nhận thức được mình có thể tin tưởng và dựa vào bạn bè, chòm xóm đến mức nào; tôi thấy rằng tình bạn chỉ có trong những ngày vui mà thôi, rằng họ không sẵn sàng làm những việc đúng đắn, rằng họ cũng là giống người xa lại với tôi chẳng khác gì người Trung Quốc hay người Malay vậy; rằng họ chỉ hy sinh vì nhân loại khi không phải chịu bất cứ rủi ro nào, thậm chí ngay cả đối với tài sản; rằng họ cũng chẳng phải là những người cao quý, mà sẽ đối xử với kẻ cắp y như kẻ cắp đối xử với họ; và hy vọng cứu chuộc được linh hồn mình bằng cách tuân theo một số quy tắc và mấy lời cầu nguyện, và thỉnh thoảng đi theo đường thẳng, mặc dù đấy là con đường vô tích sự. Có thể đấy là lời phán xét quá cay nghiệt, vì tôi tin rằng nhiều người trong số họ không biết rằng trong thành phố này có một thiết chế là nhà tù.

Làng tôi có tục lệ, khi người mắc nợ ra khỏi nhà tù thì mọi người chào anh ta bằng cách đan các ngón tay lại với nhau rồi giơ lên ngang mắt như thể đấy là song sắt trước cửa sổ nhà tù. Nhưng hàng xóm của tôi không chào tôi theo kiểu đó, họ nhìn tôi rồi nhìn nhau, tuồng như tôi vừa trở về sau một cuộc viễn du vậy. Tôi bị bắt trên đường đến nhà người thợ giày để lấy đôi giày tôi đang nhờ chữa. Được thả ra vào sáng ngày hôm sau, tôi tiếp tục đến nhà ông thợ giày để làm cho xong công việc dở dang và sau khi đi giày, rồi tham gia cùng với mọi người đi hái việt quất, họ đang sốt ruột đợi tôi vì tôi là người dẫn đường – ngựa đã được đóng yên – và chẳng bao lâu sau tôi đã ở trên ngọn đồi cao nhất, giữa cánh đồng, cách thành phố hai dặm, chẳng còn liên quan gì tới nhà nước nữa.

Câu chuyện “tù tội” của tôi là như thế.

Tôi không bao giờ trốn thuế cầu đường vì tôi muốn là một người hàng xóm tốt, cũng như một thần dân tồi; còn về việc bảo trợ trường học thì tôi đang đóng góp phần của mình vào việc giáo dục đồng bào của mình đây. Không phải là tôi từ chối nộp khoản này hay khoản kia trong bảng thống kê thuế khoá. Đơn giản là tôi bất tuân chính phủ và không muốn liên quan gì đến nó hết. Tôi không quan tâm đến đường đi của những đồng tiền của tôi, ngay cả nếu tôi có thể làm thế, cho đến khi họ dùng nó để mua người hay súng để giết người – đồng tiền không có lỗi gì – nhưng tôi muốn theo dõi hậu quả của sự bất tuân của tôi. Trên thực tế, tôi tuyên bố một cuộc chiến tranh thầm lặng với chính phủ, theo cách của tôi, mặc dù, như vẫn thường thấy trong các trường hợp như thế, tôi tiếp tục nhận những lợi ích của nó.

Nếu người khác trả khoản thuế mà người ta bắt tôi nộp vì họ có cảm tình với nhà nước, là họ đã làm cái việc mà họ làm cho chính mình, tức là khuyến khích sự bất công một cách nhiệt tình hơn là nhà nước đòi hỏi. Còn nếu họ nộp vì tình cảm sai lầm với người phải đóng thuế, nhằm bảo vệ tài sản của anh ta hay để anh ta khỏi bị đi tù, thì đấy là do họ không chịu suy nghĩ một cách thấu đáo về việc họ đã để cho tình cảm riêng tư cản trở lợi ích công cộng như thế nào.

Quan điểm hiện nay của tôi là như thế. Nhưng phải rất thận trọng sao cho hành động của mình không bị ảnh hưởng bởi thái độ cố chấp hay ý kiến của đám đông. Hãy chịu trách nhiệm trước lương tâm của mình và trước lịch sử.

Đôi khi tôi nghĩ rằng họ đều là những người tốt, chỉ vì họ u mê mà thôi, họ sẽ hành xử đúng hơn nếu họ biết phải làm như thế nào; tại sao ta lại làm cho những người hàng xóm phải đau khổ khi đối xử với ta như thế dù họ không cố ý? Nhưng sau đó tôi lại nghĩ đấy không phải là lý do để tôi hành xử như họ hay khiến những người khác phải chịu những đau khổ còn lớn hơn thế nhiều. Đôi khi tôi lại tự hỏi rằng, nếu đám đông hàng triệu người không giận dữ, không có ác ý, đòi có mấy shilling, mà họ thì không thể rút lui, cũng không thể thay đổi yêu cầu được, còn mình thì cũng không thể kêu gọi hàng triệu người khác giúp đỡ được, vậy thì đưa thân ra hứng chịu cái sức mạnh bạo tàn ấy mà làm gì? Ta đâu có kháng cự cái đói, cái rét, ta đâu có kháng cự sóng gió một cách ngoan cố như vậy, ta yên lặng quy thuận hàng ngàn chuyện bất khả kháng khác cơ mà. Ta đâu có đưa đầu vào lửa. Nhưng đồng thời, tôi cũng thấy rằng đấy không hoàn toàn là sức mạnh bạo tàn mà còn có tính nhân bản nữa, và tôi có mối liên hệ với họ như với những con người chứ không phải với những vật vô tri vô giác, nên tôi cho rằng có thể, thứ nhất, thuyết phục được Đấng sáng tạo ra họ và thứ hai, thuyết phục được chính họ. Còn khi tôi cố ý cho đầu vào lửa thì tôi không thuyết phục được lửa, cũng không thuyết phục được Đấng sáng tạo ra lửa, tôi chỉ nên tự trách mình mà thôi. Nếu tôi có thể tự thuyết phục được mình rằng tôi có toàn quyền chấp nhận người ta như họ đang là và đối xử phù hợp với họ, chứ không phải đối xử theo quan điểm cũng như mong ước của tôi về cái tôi cũng như họ phải là, khi đó, giống như một người Hồi giáo hay một người theo thuyết định mệnh, tôi sẽ phải ráng mà chấp nhận các sự kiện như chúng đang là và tự nhủ rằng đấy là ý Chúa. Nhưng, giữa sự kháng cự lại sức mạnh của con người và chống lại sức mạnh của thiên nhiên có một sự khác nhau: Trong cuộc đấu tranh với con người, tôi có thể thành công, trong khi giống như Orpheus, tôi không thể thay đổi được bản chất của đất đá, cỏ cây hay dã thú.

Tôi không muốn tranh chấp với bất cứ người nào hay dân tộc nào. Tôi không muốn chẻ sợi tóc ra làm tư hay bới lông tìm vết hoặc làm ra vẻ ta đây với người khác. Có thể nói, tôi thường tìm cớ để tuân thủ pháp luật. Tôi luôn sẵn sàng tuân thủ pháp luật. Tôi tự nhận thấy như thế và hằng năm, mỗi lần nhân viên thuế vụ tới thì tôi lại kiểm điểm hành động và quan điểm của chính phủ trung ương và chính phủ bang cũng như thái độ của quần chúng để tìm cớ tuân thủ.

 

Ta phải yêu nước như yêu cha mẹ mình

Nếu có lúc ta giận hờn người,

Nếu tình yêu và sức lực ta không vinh danh người

Thì đấy là vì niềm tin và lương tâm ta

Chứ không phải là do tham lam mà ra.

 

Tôi tin rằng chẳng mấy nữa chính phủ sẽ giải thoát cho tôi khỏi những công việc kiểu này và khi đó tôi cũng sẽ là một người yêu nước bình thường như mọi công dân khác. Nếu xem xét từ yêu cầu thấp thì Hiến pháp, với tất cả hạn chế của nó, là tuyệt vời; luật pháp và toà án rất đáng tôn trọng; bang này cũng như chính phủ Mỹ nói chung rất đáng ngưỡng mộ như nhiều người đã mô tả; nhưng nếu xét từ yêu cầu cao hơn thì chúng đúng như tôi mô tả; còn xét từ yêu cầu cao nữa hay cao nhất thì liệu ta có thể nói gì, hoặc chúng có đáng để xem xét hoặc suy nghĩ hay không?

Tôi chẳng liên quan nhiều đến chính phủ và tôi sẽ nghĩ đến nó thật ít thôi. Ngay trong thế giới này tôi cũng ít khi là thần dân của chính phủ. Nếu một người biết tự do tư tưởng, tự do tưởng tượng thì đối với anh ta, cái không có không bao giờ lại là có trong một thời gian dài và các nhà cầm quyền hoặc cải cách ngu xuẩn không hoàn toàn cản trở được tư tưởng của anh ta.

Tôi biết rằng đa số mọi người có suy nghĩ khác tôi, nhưng tôi cũng chẳng đồng ý với những người nghiên cứu các vấn đề này hoặc những vấn đề tương tự. Các chính khách và các nhà làm luật đắm mình trong thể chế và không thể nào nhìn rõ được nó. Họ thảo luận việc cải cách xã hội, nhưng chính họ lại không có điểm tựa bên ngoài nó. Họ có thể là những người có kinh nghiệm và sáng suốt và đã tạo ra những hệ thống tinh vi và hữu ích, chúng ta phải cám ơn họ về điều đó; nhưng tài trí và sự hữu dụng của họ cũng chỉ nằm trong những giới hạn nhất định chứ không phải là rộng lớn. Họ thường quên mất rằng thế giới này không được cai trị bởi chính sách và những biện pháp thiết thực.Người thợ dệt không thể hiểu được công việc của chính phủ và vì vậy mà lời nói của anh ta về chính phủ sẽ chẳng có mấy giá trị. Lời nói của anh ta là trí tuệ đối với những người làm luật chỉ nghĩ tới những cuộc cải cách vô ích trong chính phủ hiện nay; nhưng đối với các nhà tư tưởng và những người làm ra luật pháp cho muôn đời sau thì anh ta không hề đụng chạm tới vấn đề. Tôi biết những người có suy nghĩ rõ ràng và thông thái về vấn đề này, họ dễ dàng vạch trần những hạn chế của anh ta. Tất nhiên, so với những câu chữ rẻ tiền của phần lớn các nhà cải cách và những ngôn từ còn rẻ tiền hơn của các chính khách thì đây là những lời nói có giá trị và thông thái hơn cả, chúng ta phải cảm ơn Trời vì chuyện đó. So với những người kia, anh thợ dệt đúng là người mạnh mẽ, độc đáo và trên hết, là người thực tế. Nhưng anh ta được như thế không phải vì thông thái mà vì khôn ngoan. Sự thật của luật sư không phải là sự thật, mà là tính nhất quán hay thủ đoạn nhất quán. Sự thật bao giờ cũng hài hòa với chính nó, và không quan tâm tới việc phát hiện công lý, công lý có thể kết hợp cả với những hành động sai lầm. Người thợ dệt có thể xứng đáng được gọi là người bảo vệ Hiến pháp. Anh ta chỉ có thể ra đòn khi đứng trong đội quân phòng thủ. Anh ta không phải là lãnh tụ, anh ta là kẻ theo đuôi. Lãnh tụ của anh ta là người của năm 87. “Tôi chưa bao giờ”, anh ta nói, “tôi chưa bào giờ định làm, tôi chưa bao giờ tán thành và cũng chưa bao giờ có ý định tán thành việc làm nhằm làm rối loạn hiệp ước ban đầu, tức là hiệp ước làm cho các bang liên kết lại với nhau”. Về vấn đề Hiến pháp cho phép chế độ nô lệ, anh ta nói: “Đấy là một phần của hiệp định ban đầu, cứ để thế đi”. Dù có đầu óc sắc bén, anh ta không thể xem xét sự kiện bên ngoài những mối quan hệ chính trị của nó, và coi là có thể giải quyết được bằng tư duy – ví dụ, hiện nay, ở Mỹ, phải có thái độ thế nào đối với chế độ nô lệ - và phải đưa ra câu trả lời táo bạo, sau khi đã nói rằng đấy là ý kiến cá nhân của anh ta – để từ đó có thể tạo ra được bộ luật mới về trách nhiệm xã hội. “Những bang còn chế độ nô lệ”, anh ta nói, “phải quản lý nó theo sự suy xét của mình và phải chịu trách nhiệm trước cử tri, trước các đạo luật chung về lòng nhân đạo và công lý và trước Thiên Chúa. Những đoàn thể ở những nơi khác, do lòng nhân đạo mà ra, hay vì bất kì lý do nào khác, chẳng có liên quan gì tới chế độ nô lệ. Tôi chưa bao giờ ủng hộ và cũng sẽ không bao giờ ủng hộ những tổ chức như thế”.

Họ là những người chưa biết cội nguồn tinh khiết hơn của chân lý, đấy là những người không đi xa hơn về phía thượng nguồn mà chỉ dừng lại ở Kinh Thánh và Hiến pháp và uống nước ở đấy với lòng thành kính và thái độ khiêm nhường; nhưng những người biết nước từ đâu chảy vào những cái hồ đó sẽ thắt chặt dây lưng và tiếp tục cuộc hành hương để đi đến tận cùng cội nguồn của nó.

Ở Mỹ vẫn chưa có nhà làm luật thiên tài nào. Trong lịch sử thế giới cũng hiếm. Có những diễn giả, có các chính trị gia, những người hùng biện – hàng ngàn những người như thế - nhưng người có thể giải quyết những vấn đề bức xúc hiện nay thì lại chưa mở miệng. Chúng ta thích thuật hùng biện chỉ để hùng biện, chứ không phải chân lý mà nó có thể nói ra, hay chủ nghĩa anh hùng mà nó có thể khuyến khích. Các nhà làm luật của chúng ta chưa hiểu được giá trị mang tính so sánh của thương mại tự do và quyền tự do, của liên minh và tính chính trực đối với quốc gia. Họ không có thiên tư hay tài năng thậm chí để hiểu những vấn đề tương đối đơn giản như thuế khóa, tài chính, thương mại, công nghiệp và nông nghiệp. Nếu chúng ta để cho những bài diễn văn tràng giang đại hải của những người làm luật trong quốc hội - chưa được  kinh nghiệm hợp thời và những lời phản đối đầy hiệu quả của nhân dân điều chỉnh lại – thì nước Mỹ đã không còn giữ được vị trí của mình trên thế giới. Kinh Tân Ước đã được viết cách đây một ngàn tám trăm năm, mặc dù có thể tôi không có quyền nói như thế; nhà làm luật có đủ trí tuệ và năng khiếu thực tiễn để có thể sử dụng ánh sáng mà Tân Ước chiếu rọi lên khoa học về luật pháp đang ở đâu?

Quyền lực của chính phủ, ngay cả chính phủ mà tôi sẵng sàng tuân thủ - vì tôi sẽ vui mừng tuân thủ những người giỏi hơn và làm tốt hơn tôi; và trong nhiều trường hợp tôi sẽ tuân thủ những người không giỏi hơn cũng không cần tốt hơn – còn chưa trong sạch: để có thể hoàn toàn công chính, chính phủ phải được những người bị trị thừa nhận và tán thành. Chính phủ chỉ có quyền với tôi khi đã được tôi thừa nhận. Quá trình phát triển từ chế độ quân chủ chuyên chế sang quân chủ lập hiến rồi từ lập hiến sang dân chủ là quá trình tiến đến sự tôn trọng cá nhân. Ngay một triết gia Trung Quốc cũng biết rằng dân là gốc của nước. Chả lẽ nền dân chủ như chúng ta đang thấy hiện nay là bước cải thiện cuối cùng rồi ư? Chả lẽ không thể tiến thêm một bước nào trong việc công nhận và tổ chức các quyền của con người ư? Nhà nước chưa thể trở thành tự do và khai sáng thật sự chừng nào nó chưa công nhận các công dân là những chủ thể độc lập với nhà nước và cao hơn nhà nước; quyền lực và sức mạnh của nhà nước là từ nhân dân mà ra và phải đối xử với các công dân một cách tương xứng. Tôi thích vẽ ra trong trí não một nhà nước đủ sức thực hiện lẽ công bằng đối với mọi công dân, một nhà nước đối xử với từng cá nhân như với người láng giềng, một nhà nước không lấy làm lo lắng khi có một số sống tách ra, không dây dưa với nhà nước, miễn là họ thực hiện nghĩa vụ đối với những người láng giềng và đồng bào mình. Tạo ra được những loại quả như thế và để cho nó tự rụng khi chín tới là nhà nước đang chuẩn bị cho một nhà nước tuyệt vời hơn và vinh quang hơn, tôi cũng đã tưởng tượng ra nhà nước ấy nhưng chưa nhìn thấy ở đâu cả.

HẾT

Chú thích:

(1) Nguyên văn: two or three feet thick – dày hai ba foot (mỗi foot dài 0,3048m).
(2) Nguyên văn: a foot thick – dày một foot (mỗi foot dài 0,3048m).
(3) E rằng lúc đó nhà nước chưa được tinh tế lắm. Các nhà nước toàn trị sau này đã kiểm soát tất, cả lí trí, cả tình cảm nữa.

Nguồn: Phạm Nguyên Trường: Bất tuân dân sự (toàn bài) (phamnguyentruong.blogspot.com) (bản đăng trên blogspot còn thiếu một đoạn cuối. Bản này đăng dầy đủ theo nguyên tác và bỏ các tiêu đề cũng như ảnh minh hoạ của Luật Khoa).

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường