[Lược khảo Ludwig von Mises] Chương XV: Một số trích đoạn nổi tiếng của Ludwig von Mises

[Lược khảo Ludwig von Mises] Chương XV: Một số trích đoạn nổi tiếng của Ludwig von Mises

MỘT SỐ TRÍCH ĐOẠN NỔI TIẾNG CỦA LUDWIG VON MISES

Về những vấn đề của chủ nghĩa xã hội [theo mô hình Liên Xô cũ]

Thực chất chủ nghĩa xã hội [theo mô hình Liên Xô cũ] là: tất cả các phương tiện sản xuất đều nằm dưới quyền kiểm soát hoàn toàn và tuyệt đối của cộng đồng có tổ chức. Điều đó và điều duy nhất đó mới là chủ nghĩa xã hội [theo mô hình Liên Xô cũ]. Mọi định nghĩa khác đều sai.

-Chủ nghĩa xã hội, trang 239

Kinh nghiệm của giai đoạn sản xuất giản đơn đã bị bỏ qua từ lâu không thể cung cấp bất cứ luận cứ nào về khả năng tạo dựng một hệ thống kinh tế mà không dùng tiền để tính toán.

-Tính toán kinh tế trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa, trang 103

Không có cơ sở tính toán, dưới hình thức giá cả thị trường, mà chủ nghĩa tư bản cung cấp cho chủ nghĩa xã hội [theo mô hình Liên Xô cũ thì các xí nghiệp xã hội chủ nghĩa, ngay cả trong một ngành sản xuất hay trong những nước riêng biệt, cũng sẽ không thể hoạt động được.

- Chủ nghĩa xã hội, trang 136

Tất cả những thay đổi trong nền kinh tế ... bao gồm xử lí những giá trị không thể đoán trước được cũng như không chắc chắn sau khi hành động đã được thực hiện. Giống như một cú nhảy vào bóng tối vậy. Chủ nghĩa xã hội [theo mô hình Liên Xô cũ] là sự từ bỏ nền kinh tế duy lí.

- Chủ nghĩa xã hội, trang 122

Đầu óc của con người không thể định hướng được một cách đúng đắn trong mê hồn trận các loại sản phẩm và khả năng sản xuất... Đơn giản là nó sẽ bị lúng túng...

- Tính toán kinh tế trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa, trang 103

Sai lầm mà nhiều người hay mắc phải khi nói đến chủ nghĩa xã hội [theo mô hình Liên Xô cũ là do người ta đã tin tưởng rằng tất cả những người bạn của chủ nghĩa xã hội [theo mô hình Liên Xô cũ] đều ủng hộ cùng một hệ thống... Khi một người nói chủ nghĩa xã hội [theo mô hình Liên Xô cũ] hay kế hoạch hóa thì anh ta bao giờ cũng nghĩ đến kiểu chủ nghĩa xã hội [theo mô hình Liên Xô cũ], kiểu kế hoạch hóa của anh ta mà thôi. Như vậy, trên thực tế kế hoạch hóa không có nghĩa là sẵn sàng hợp tác một cách hòa bình. Nó có nghĩa là xung đột.

- Chính phủ toàn trí, toàn năng, trang 243

Cộng đồng xã hội chủ nghĩa [theo mô hình Liên Xô cũ] là một liên kết cực kì độc đoán, trong đó mệnh lệnh được đưa ra và phải chấp hành. Đấy chính là ẩn ý của từ “nền kinh tế được kế hoạch hóa” và “trừ khử hiện tượng vô chính phủ trong quá trình sản xuất".

- Chủ nghĩa xã hội, trang 185

Về nguy cơ của chính sách can thiệp

Ý tưởng cho rằng có một hệ thống thứ ba - nằm giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, như những người ủng hộ cho nó thường nói - một hệ thống khác xa chủ nghĩa xã hội cũng như chủ nghĩa tư bản nhưng lại giữ được tính ưu việt và tránh được những khiếm khuyết của cả hai - là ý tưởng hoàn toàn vô nghĩa.

- Chính sách kinh tế, trang 51

Chính sách nửa vời không thể kéo dài được lâu. Đấy chính là xây dựng chủ nghĩa xã hội [theo mô hình Liên Xô cũ] một cách từ từ.

-Kế hoạch hóa vì tự do, trang 32-3

Chế độ dân chủ đại diện không thể tồn tại được nếu phần lớn cử tri ăn lương của chính phủ.

- Bộ máy quan liêu, trang 81

Công ti quốc doanh không thể đứng vững được trong thị trường cạnh tranh tự do với công ti tư nhân, hiện nay công ti quốc doanh chỉ có thể tồn tại được ở những khu vực mà nó nắm được độc quyền kinh doanh, nghĩa là loại bỏ được cạnh tranh.

- Quốc gia, Nhà nước và nền kinh tế, trang 186

Đấy là câu chuyện có thật về nạn độc quyền hiện đại. Đấy không phải là kết quả của chủ nghĩa tư bản tự do và không phải là xu hướng phát triển cố hữu của chủ nghĩa tư bản, như những người marxist tìm cách thuyết phục chúng ta. Ngược lại, đấy là kết quả của những chính sách của chính phủ nhằm cải cách nền kinh tế thị trường.

- Chính phủ toàn trí, toàn năng, trang 72

Kinh tế học đã chứng minh với logic lạnh lùng và không thể bác bỏ được rằng lí tưởng của những người kết án việc kiếm sống trên thương trường là những lí tưởng hão huyền, rằng tổ chức xã hội theo kiểu xã hội chủ nghĩa [theo mô hình Liên Xô cũ] là công việc không thể nào thực hiện được, rằng can thiệp bằng mệnh lệnh là vô nghĩa lí và trái ngược với mục tiêu mà nó nhắm đến, và vì vậy mà nền kinh tế thị trường là hệ thống khả dĩ duy nhất bảo đảm cho sự hợp tác xã hội.

- Những vấn đề nhận thức luận của kinh tế học, trang 196

Về chủ nghĩa tự do

Trong nền kinh tế thị trường, từng người tự phục vụ mình, và bằng cách đó anh ta phục vụ đồng bào của mình. Những người cầm bút theo trường phái tự do thế kỉ XVIII đã nghĩ như thế khi họ nói về sự hài hòa lợi ích - đấy là nói khi lợi ích được hiểu một cách đúng đắn - của tất các nhóm và các cá nhân trong cộng đồng dân cư.

- Chính sách kinh tế, trang 23

Trong thời đại, khi dân tộc này phụ thuộc vào hàng hóa có xuất xứ từ dân tộc kia và ngược lại thì người ta sẽ không còn gây chiến nữa.

- Chủ nghĩa tự do, trang 107

Học thuyết tự do trao cho nhà nước chức năng sau đây: bảo vệ quyền sở hữu, tự do và hòa bình.

- Chủ nghĩa tự do, trang 37

Bảo vệ an ninh quốc gia và nền văn minh trước thù trong giặc ngoài là nhiệm vụ quan trọng nhất của bất kì chính phủ nào. Nếu tất cả mọi người đều hài lòng và đức hạnh, không ai có ý định chiếm đoạt tài sản của người khác thì không cần chính phủ, không cần quân đội và hải quân, không cần cảnh sát, tòa án và nhà tù nữa.

- Bộ máy quan liêu, trang 24

Về động cơ của tiến bộ kinh tế

Ước muốn kiếm lời chính là phương tiện biến quần chúng thành chủ nhân ông. Người càng làm cho khách hàng hài lòng càng thu được nhiều lợi nhuận hơn. Mọi người đều được lợi khi người làm ra đôi giày rẻ nhất sẽ trở thành giàu có hơn; đa số dân chúng sẽ phải khổ sở nếu luật pháp ngăn cản quyền được giàu có hơn.

- Bộ máy quan liêu, trang 88

Chủ nghĩa tự do bảo vệ sở hữu tư nhân đối với các phương tiện sản xuất vì tin rằng cách tổ chức kinh tế như thế sẽ làm cho đời sống nhân dân được nâng cao chứ không phải vì nó muốn giúp đỡ những người có của.

- Chủ nghĩa xã hội, trang 57

Ở Mĩ hiện nay khác biệt giữa người giàu và người nghèo thường chỉ có nghĩa là khác biệt giữa chiếc ôtô Cadillac và ôtô Chevrolet mà thôi.

- Chính sách kinh tế, trang 9

Triết lí của hệ thống thuế lũy tiến là tự do ngăn chặn thu nhập và tài sản của các tầng lớp giàu có. Luận cứ biện hộ cho nó là phần lớn thu nhập bị thu thuế sẽ không bị tiêu phí mà được tiết kiệm và đầu tư đã không trở thành hiện thực. Trên thực tế, chính sách tài chính như thế không chỉ ngăn cản việc tích tụ tư bản. Nó còn làm cho tư bản bị phân tán nữa.

- Kế hoạch hóa vì tự do, trang 32

Về tầm quan trọng của cách đánh giá của các cá nhân

Giá trị không phải là vật tự thân. Nó nằm trong chúng ta, nó là cách thức người ta phản ứng trước những điều kiện của môi trường xung quanh.

- Hành vi của con người, trang 96

Quá trình đánh giá là phản ứng mang tính duy cảm của một người đối với những điều kiện khác nhau của môi trường, cả điều kiện của thế giới bên ngoài lẫn điều kiện sinh lí của cơ thể người đó.

- Nền tảng căn bản của khoa học kinh tế, trang 37

Kinh tế học không phải là khoa học nghiên cứu về đồ vật và những đối tượng vật chất có thể chạm tới được; nó là môn khoa học nghiên cứu về con người, về dự định và hành vi của họ. Hàng hóa, sản phẩm và tài sản cũng như tất cả những khái niệm khác về hành vi đều không phải là những thành tố của tự nhiên; đấy là những thành tố của ý định và hành vi của con người. Muốn nghiên cứu những vấn đề đó thì không được nhìn ra thế giới bên ngoài mà phải tìm kiếm chúng trong ý định của những người đang hành động.

- Hành vi của con người, trang 92

Chúng ta không biết vì sao những điều kiện xác định của thế giới bên ngoài lại tạo ra phản ứng xác định trong đầu óc của con người và tạo ra như thế nào. Chúng ta không biết vì sao những người khác nhau, trước cùng một tác nhân lại có phản ứng khác nhau và chính những người đó, trong những thời điểm khác nhau, trước cùng tác nhân đó, cũng có những phản ứng khác nhau.

- Lí thuyết và lịch sử, trang 69

Những nhà kinh tế học muốn thay “khoa kinh tế học lượng" cho cái mà họ gọi “kinh tế học chất” là hoàn toàn sai lầm. Trong lĩnh vực kinh tế, không có những mối quan hệ bền vững và vì vậy là không thể đo lường được... Cùng một đồ vật nhưng những người khác nhau lại đánh giá khác nhau; thậm chí chính những người đó, khi điều kiện thay đổi, cũng sẽ đánh giá khác đi.

- Hành vi của con người, trang 55-6

Về tinh thần kinh doanh và cạnh tranh

Mỗi hành động đều là đầu cơ, tức là được hướng dẫn bởi một ý kiến nhất định về những điều kiện không chắc chắn trong tương lai. Ngay cả những hoạt động diễn ra trong ngắn hạn thì sự không chắc chắn này vẫn là chủ đạo. Không ai có thể biết liệu có xảy ra sự kiện bất ngờ làm cho tất cả những dự định của người đó cho ngày hôm sau hay giờ sau trở thành công cốc hay không.

- Nền tảng căn bản của khoa học kinh tế, trang 37

Hàng ngàn doanh nhân đang cố gắng suốt ngày đêm để tìm cho ra một số sản phẩm mới đáp ứng người tiêu dùng một cách tốt hơn hoặc là sản xuất ít tốn kém hơn, hoặc tốt hơn và rẻ hơn sản phẩm hiện có. Họ làm thế không phải vì lòng vị tha mà vì họ muốn kiếm tiền.

- Chính sách kinh tế, trang 36

Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản thể hiện trong việc mọi người đều có quyền phục vụ người tiêu dùng tốt hơn và/hoặc với giá rẻ hơn. Và phương pháp này, nguyên tắc này, trong một thời gian tương đối ngắn, đã biến đổi toàn bộ thế giới.

- Chính sách kinh tế, trang 5

Hoạt động của thị trường không có gì là tự động hay bí ẩn. Các đánh giá của những cá nhân và hành động của họ trên cơ sở những đánh giá như thế là lực lượng duy nhất quyết định sự thăng giáng liên tục của thị trường. Tác nhân quan trọng nhất trong thương trường là sự phấn đấu của mỗi người nhằm đáp ứng nhu cầu và ước muốn của mình một cách tốt nhất có thể.

- Kế hoạch hóa vì tự do, trang 72-3

Thị trường không phải là một địa điểm; nó là một quá trình, là biện pháp, trong đó, bằng cách mua và bán, bằng cách sản xuất và tiêu thụ, các cá nhân đóng góp vào hoạt động của xã hội.

- Chính sách kinh tế, trang 17

Cạnh tranh càng khốc liệt thì nó càng phục vụ tốt hơn chức năng xã hội của nó là cải tiến sản xuất kinh tế.

- Phê phán chính sách can thiệp, trang 84

Không thể có chuyện là vận may cứ ngày càng gia tăng. Vận may không thể tự gia tăng, một người nào đó phải làm cho nó tăng lên.

- Chủ nghĩa xã hội, trang 380

Mức sống của người dân chỉ có thể được nâng lên bằng cách tăng vốn với tốc độ nhanh hơn tốc độ gia tăng dân số.

- Kế hoạch hóa vì tự do, trang 5-6

Về lạm phát, tăng trưởng nóng và sụp đổ

Muốn mở rộng sản xuất một cách bền vững thì cần phải có thêm hàng hóa tư bản chứ không phải là tiền hay phương tiện tín dụng. Nới lỏng tín dụng là chính sách dựa trên một đống giấy bạc và tiền gửi. Chắc chắn sẽ sụp đổ.

- Hành vi của con người, trang 561

Đúng là các chính phủ có thể làm giảm lãi suất trong ngắn hạn... phát hành thêm tiền giấy... tìm cách cho các ngân hàng nới lỏng tín dụng. Họ có thể tạo ra một vụ tăng trưởng nóng và có vẻ như là thịnh vượng. Nhưng vụ tăng trưởng nóng này trước sau gì cũng sẽ bị sụp đổ và sẽ dẫn tới tình trạng trì trệ.

- Chính phủ toàn trí toàn năng, trang 251

Khi nói về một “mức giá”, người ta nghĩ đến hình ảnh của mực nước lên xuống theo mức tăng giảm về khối lượng của nó, giống như nước trong bình, giá cả cũng tăng một cách đồng đều. Nhưng giá cả thì không có cái gọi là “mức”. Tại mỗi thời điểm giá cả không thay đổi với cùng tốc độ như nhau.

- Chính sách kinh tế, trang 59

Trở lại với chính sách ổn định tiền tệ không tạo ra khủng hoảng. Nó chỉ làm lộ ra những vụ đầu tư sai lầm và những sai lầm khác, tức là những sai lầm được thực hiện khi người ta bị mụ mị đi vì thịnh vượng ảo do những đồng tiền kiếm được một cách dễ dàng tạo ra.

Kế hoạch hóa vì tự do, trang 156

Dùng vàng làm đơn vị tiền tệ có thuận lợi vô cùng to lớn: nếu dùng vàng làm đơn vị tiền tệ thì lượng cung tiền sẽ không phụ thuộc vào chính sách của chính phủ hay các đảng phái.

Chính sách kinh tế, trang 65

Tác phẩm chọn lọc của Mises

The Theory of Money and Credit (1953), trans. H. E. Batson, London: Jonathan Cape. Originally published in German in 1912 as Theorie des Geldes und der Umlaufsmittel.

Nation, State, and Economy (1988), trans. Leland B. Yeager, New York: New York University Press. Originally published in German in 1919 as Nation, Staat, und Wirtschaft.

'Economic calculation in the socialist commonwealth' (1935), trans. S. Adler, reprinted in F. A. Hayek, Collectivist Economic Planning, London: Routledge & Kegan Paul. Originally published in German in 1920 as 'Die Wirtschaftsrechnung im Sozialistischen Gemeinwesen'.

Socialism: An Economic and Sociological Analysis (1936), trans. J. Kahane, London: Jonathan Cape. Originally published in German in 1922 as Die Gemeinwirtschaft: Untersuchungen über den Sozialismus.

Liberalism or The Free and Prosperous Commonwealth: An Exposition of the Ideas of Classical Liberalism (1962), trans. Ralph Raico, Princeton, NJ: D. Van Nostrand. Originally published in German in 1927 as Liberalismus.

Monetary Stabilization and Cyclical Policy (1978), trans. Bettina Bien Greaves, Dobbs Ferry, NY: Free Market Books. Originally published in German in 1928 as Geldwertstabilisierung und Konjunkturpolitik.

A Critique of Interventionism (1977), trans. Hans F. Sennholz, New Rochelle, NY: Arlington House. Originally published in 1929 as Kritik des Interventionismus.

Epistemological Problems of Economics (1960), trans. George Reisman, Princeton, NJ: D. Van Nostrand. Originally published in German in 1933 as Grundprobleme der Nationalökonomie: Untersuchungen über Verfahren, Aufgaben, und Inhalt Wirtschafts und
Gesellschaftslehre.

Interventionism: An Economic Analysis (1998), trans. Bettina Bien Greaves, Irvington-on-Hudson, NY: Foundation for Economic Education. Excerpted from an original publication in German in 1940, Nationalökonomie: Theorie des Handelns und Wirtschaftens.

Omnipotent Government: The Rise of the Total State and Total War (1944), New Haven, CT: Yale University Press. Bureaucracy (1944), New Haven, CT: Yale University Press.

Nguồn: Eamonn Butler (2014). Lược khảo Ludwig von Mises. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: Ludwig Von Mises―A Primer (2014)

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường