Tư tưởng chính trị của Robert Nozick (Phần cuối)

Tư tưởng chính trị của Robert Nozick (Phần cuối)

Không tưởng

Phần thứ ba và là phần cuối cùng của Vô chính phủ, Nhà nước và Không tưởng bàn về chủ đề xã hội không tưởng và thường ít nhận được sự chú ý. Nhiều học giả đã lưu ý rằng phần này dường như là một nỗ lực của Nozick để làm cho bức tranh rất ảm đạm của quyền tư hữu (trong đó, nhà nước không tái phân phối, mà người nghèo chỉ được hỗ trợ bởi các quyết định của các nhà hảo tâm tư nhân) trở thành một mô hình chính trị có khả năng truyền cảm hứng. Nhưng mục đích thứ hai của phần này hầu như là để cung cấp một luận điểm độc lập cho nhà nước tối thiểu.

Nozick bắt đầu phần này bằng cách lưu ý rằng chúng ta có thể sử dụng hai phương pháp khác nhau để chỉ ra đâu là loại xã hội tốt nhất có thể sinh sống. Một phương pháp mà ông gọi là phương pháp "thiết kế" và phương pháp khác, ông gọi tên là phương pháp “bộ lọc”. Với phương pháp thiết kế Nozick hiểu là phương pháp vận dụng trí tuệ tập thể để chỉ ra đâu là loại xã hội tốt nhất có thể (ví dụ phương pháp của Rawls trong A Theory of Justice). Sau đó, nhóm có thể mô hình một xã hội dựa trên các ước nguyện phát sinh từ các các cân nhắc này. Tuy nhiên, Nozick hoài nghi về khả năng mô hình này có thể mang lại kết quả thành công. Ông không nghĩ rằng có một hình thức xã hội tốt nhất, công bằng cho tất cả mọi người. Con người rất phức tạp, với nhiều ý tưởng khác nhau về đặc điểm nào sẽ gắn liền với thế giới tốt nhất có thể. Để thực hiện điểm này, Nozick bảo chúng ta hãy tưởng tượng về một nhóm với các nhân vật lịch sử khác nhau (bao gồm Beethoven, Wittgenstein, Henry Ford, Thoreau, Elizabeth Taylor, và Moses). Nozick thách thức chúng ta xem xét liệu có thực sự có thể có một thế giới lý tưởng cho tất cả các cá nhân rất khác nhau này. Ít nhất, Nozick nói rằng hầu như điều này là không thể.

Thay vào đó, ông quay sang khả năng sử dụng một thiết bị lọc và thúc đẩy ý tưởng về một loại meta-utopia (siêu không tưởng). Trong phương pháp lọc này, mọi người xem xét nhiều xã hội khác nhau và phê bình chúng, loại bỏ một số và thay đổi một số khác. Trong quá trình này, chúng ta có thể tưởng tượng mọi người đăng thử nghiệm các xã hội, rời bỏ chúng nếu họ thấy vô vọng hoặc thay đổi chúng nếu họ thấy chấp nhận được với một số sửa chữa. Như chúng ta có thể mong đợi, một số cộng đồng sẽ bị bỏ rơi, một số khác sẽ thịnh vượng, và một số sẽ tiếp tục nhưng không phải không có những cuộc đấu tranh. Vì vậy, meta-utopia này sẽ phục vụ như là một khuôn khổ hay nền tảng cho nhiều cộng đồng thử nghiệm. Tất cả sẽ được hình thành như các cộng đồng tự nguyện, do đó sẽ không có ai có quyền áp đặt một tầm nhìn không tưởng lên những người khác. Điều này bác bỏ hữu hiệu các cộng đồng "đế quốc" vốn xem nhiệm vụ của họ là giành quyền kiểm soát của các cộng đồng khác cho sự bành trướng riêng của nó. Một số nhà bình luận đã so sánh luận điểm phản đế quốc này trong khuôn khổ của xã hội không tưởng của Nozick với một phiên bản của thuyết tương đối văn hóa.

Điểm mấu chốt trong khuôn khổ của Nozick cho một xã hội không tưởng là các công dân đồng thuận có thể liên kết với nhau hình thành các tiểu đơn vị chính trị và tự nguyện gia nhập vào bất cứ xã hội nào. Ví dụ, những người có cảm tình với công đoàn viên có thể chọn để phát triển một cộng đồng mà nhóm chỉ bao gồm người lao động. Trong thực tế, Nozick ngạc nhiên là kiểu tổ chức này đã không phát triển từ các thành viên của chính trị cánh tả những người lập luận rằng khái niệm về quyền sở hữu tài sản duy nhất công bằng là khái niệm cho rằng tài sản được sở hữu bởi tất cả mọi người trong một xã hội không giai cấp. Một nhóm khác, vốn quyết định một cách tập thể rằng một mạng lưới phúc lợi mạnh mẽ là điều cần thiết, có thể bỏ phiếu để đánh thuế cao đối với chính họ nhằm phân phối lại tài sản để giúp đỡ những người kém may mắn thông qua quyền đối với sự chăm sóc sức khỏe, chăm sóc trẻ em, hỗ trợ thất nghiệp, v.v.

Nozick cho rằng việc theo sau nguyên tắc chính trị của ông có thể dẫn đến một sự đa dạng rộng lớn của các khả năng chính trị khác nhau. Tất cả những gì cần thiết là một (hoặc nhiều) người tuyển chọn các thành viên tham gia vào một hiệp hội gồm các công dân tử tế những người tự nguyện đồng ý tuân theo các quy định của cộng đồng mới của họ. Chú ý rằng không có sự vi phạm quyền ở đây. Miễn là tất cả đồng ý với các quy tắc của nhóm, họ có thể đồng ý để hình thành một xã hội mà trông giống như các nền dân chủ xã hội của các nước Bắc âu. Tương tự như vậy, dường như có thể là cá nhân có thể tham gia để hình thành cộng đồng phi tự do. Các yêu cầu tối thiểu liên quan đến ý tưởng là không ai có thể bị ép buộc hoặc bị lừa gạt để tham tham gia vào. Ngoài ra, nếu ai đó có thất vọng với tổ chức chính trị hiện nay của anh ta, thì anh ta phải có quyền ra khỏi.

Một số nhà bình luận đã cho rằng, tốt nhất nên nghĩ về tầm nhìn không tưởng của Nozick ở đây theo kiểu tổ chức liên bang. Các nhà nước tối thiểu sẽ thay thế cho chính phủ liên bang. Các thực thể chính trị nhỏ hơn, chẳng hạn như các tiểu bang hoặc tỉnh có thể được phát triển trong đó sẽ bao gồm các nhóm công dân, những người tự nguyện đồng ý với một tập hợp riêng biệt các lý tưởng chính trị của riêng họ. Ngoài ra, việc suy tư về những phương pháp tốt nhất cho phép các cá nhân đạt được khát vọng không tưởng riêng của họ dẫn chúng ta đến một lập luận riêng ủng hộ cho nhà nước tối thiểu. Vì nếu chúng ta đồng ý với Nozick rằng phương pháp lọc là cách tốt nhất cho các cá nhân để thực hiện ước mơ không tưởng của họ, thì họ nên ủng hộ quan niệm của ông về một nhà nước tối thiểu. Kì cùng, thì đâu là khuôn khổ cho xã hội không tưởng mà không phải là một nhà nước tối thiểu? Chú ý rằng trong phần cuối cùng của Vô chính phủ, Nhà nước và Không tưởng, nhà nước tối thiểu không được bảo bệ trên cơ sở các quyền cá nhân. Thay vào đó, nhà nước tối thiểu ở đây cung cấp một khuôn khổ chính trị, mà tôn trọng sự đa dạng và cho phép các cá nhân khác nhau theo đuổi những quan niệm riêng của họ về những điều tốt đẹp. Nozick nghĩ rằng điều này cần được coi là một lợi thế lớn để ủng hộ các nguyên tắc tự do cá nhân cũng như là một nền tảng hay một khuôn khổ cho sự tổ chức chính trị.

(Hết)

Nguồn: Internet Encyclopedia of Philosophy: Robert Nozick: Political Philosophy 

Nguồn dịch: Nhóm Tinh thần khai minh: Chủ nghĩa tự do cá nhân và các nhà tư tưởng của chính nó

Dịch giả:
Minh Anh