Sung công và trợ cấp (Phần 2/3)
(Tiếp theo Phần 1)
2. Việc huy động ngân sách cho chi tiêu công
Chỉ bánh mì ngày hôm nay mới làm những người đói ăn thỏa mãn; những chiếc bánh mì trong tương lai không làm thỏa mãn bất cứ ai của ngày hôm nay. Đáng lẽ ta không cần phải lặp lại những mệnh đề hiển nhiên kiểu như vậy nếu như ta không cần phải bác bỏ những ngụy biện liên quan đến huy động ngân sách cho chi tiêu công.
Chúng ta thường nói rằng tham chiến không phải vì lợi ích của chúng ta, mà vì lợi ích của con cháu chúng ta. Đấy đơn giản là lý do vì sao con cháu chúng ta cần phải hứng chịu một phần chi phí của chiến tranh. Chính vì vậy, chỉ nên dùng thuế để tài trợ một phần cho chi tiêu chiến tranh; phần còn lại nên được tài trợ bằng vay mượn; chi trả lợi tức và chi trả dần các khoản nợ nên là vấn đề của các thế hệ mai sau.
Đây đơn giản là một lập luận vớ vẩn. Chỉ có thể tiến hành một cuộc chiến với những vũ khí của ngày hôm nay. Chúng ta lấy đi một phần nguồn nguyên vật liệu và lao động sẵn có hiện nay để phục vụ lực lượng vũ trang, và điều này làm giảm bớt nguồn cung các sản phẩm khác cho cuộc sống con người hiện tại. Các khoản chi tiêu này được lấy từ thu nhập hiện tại và tài sản hiện tại. Điều liên quan đến con cháu chúng ta chỉ là việc chúng sẽ được thừa kế ít hơn. Đây là một thực tế không thể thay đổi dù với bất kỳ hình thức huy động ngân sách nào.
Ngay cả khi có thể bù đắp một phần chi tiêu cho chiến tranh bằng vay mượn thì chúng ta cũng sẽ phải dùng các nguồn lực đó để phục vụ cho mục đích chiến tranh thay vì lẽ ra có thể dành để sản xuất các loại hàng hóa khác. Việc vay mượn chỉ có ý nghĩa là một sự trì hoãn chi trả với người tình cờ trở thành Bộ trưởng Bộ ngân khố ở thời điểm hiện tại. Đối với người dân, vay mượn nghĩa là họ trả phải hóa đơn ngay lập tức bằng cách từ bỏ tiêu dùng hiện tại. Trong thời gian khoản vay chưa đáo hạn, người cho vay sẽ không thể sử dụng thứ mà anh ta cho vay đi.
Một cá nhân có thể mua một cái tủ lạnh theo chương trình trả góp nếu được ai đó tài trợ cho một khoản tín dụng cần thiết. Toàn bộ người dân trên thế giới hay của một nền kinh tế đóng không thể mua được bất cứ thứ gì nhờ tín dụng. Những người chưa sinh ra cũng không thể cho chúng ta vay. Trong chủ đề đang bàn luận này, chúng ta có thể loại trừ các khoản vay nước ngoài; chúng không phải là vấn đề của Hoa Kỳ hiện nay [1940].
Việc cho rằng chính phủ vay mượn là để phục vụ người giàu cũng là một quan niệm sai lầm. Nếu giả dụ chúng ta đánh thuế người giàu ở mức cao hơn nhiều mức hiện tại, chúng ta sẽ tước đoạt hoạt động kinh doanh của họ, có nghĩa là chúng ta phải tiếp nhận chủ nghĩa xã hội. Bởi chúng ta không muốn đi xa đến như vậy, và cũng bởi vì chúng ta không muốn đánh thuế cao hơn đối với số đông, chúng ta lựa chọn phương thức có vẻ như không làm ai đau đớn, đó là vay mượn.
Những người theo chủ nghĩa xã hội nói rằng: “Đấy chính xác là điểm tôi muốn nói. Bạn không muốn tiếp nhận chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, nước Đức chứng minh rằng chủ nghĩa xã hội là vượt trội trong việc xây dựng các lực lượng vũ trang. Quân đội Đức được trang bị tốt nhất trên thế giới. Điều mấu chốt trong vấn đề của thế giới hiện nay là việc Đức quốc xã có trang thiết bị vượt trội”.
Lập luận này cũng bỏ qua điểm quan trọng nhất. Nước Đức được trang bị tốt bởi trong ít nhất tám năm nước này đã hạn chế tiêu dùng của toàn bộ dân chúng và đã đưa toàn bộ hệ thống sản xuất vào việc sản xuất vũ khí. Với tầm nhìn thiển cận khó tin, Anh, Pháp và các quốc gia dân chủ nhỏ đã thất bại trong việc tự trang bị vũ khí cho hệ thống phòng thủ. Kể cả sau khi chiến tranh nổ ra họ cũng không để tâm đến vấn đề này. Cuộc chiến chống lại nạn đầu cơ trục lợi đối với họ dường như quan trọng hơn cuộc chiến chống lại Đức quốc xã.
Có một nguyên lý đúng cho toàn bộ các hoạt động sản xuất, và dĩ nhiên, cũng đúng cho ngành công nghiệp vũ khí: doanh nghiệp tư nhân hiệu quả hơn doanh nghiệp công. Một trăm năm trước súng ống và súng trường được sản xuất chủ yếu tại các xưởng làm vũ khí của chính phủ và bởi một số lượng nhỏ thợ lành nghề. Các doanh nghiệp tư nhân cho rằng sản xuất vũ khí không mấy hấp dẫn. Chỉ đến khi họ nhận ra rằng các quốc gia chỉ quan tâm đến việc thôn tính lẫn nhau họ mới bắt tay vào sản xuất vũ khí. Thành công của họ lấn át tất cả. Vũ khí được sản xuất bởi khu vực doanh nghiệp tư nhân với quy mô lớn có chất lượng tốt hơn nhiều so với sản phẩm từ các công xưởng vũ khí của nhà nước khi được sử dụng trong cuộc chiến thực sự. Toàn bộ những cải tiến và hoàn thiện phương tiện chiến tranh đều bắt nguồn từ khu vực doanh nghiệp tư nhân. Các công xưởng sản xuất vũ khí của nhà nước luôn luôn tụt hậu trong việc cập nhật những kỹ thuật mới, và các chuyên gia quân sự luôn luôn tỏ ra miễn cưỡng chấp nhận những cải tiến mà các nhà khởi tạo kinh doanh cung cấp.
Trái với niềm tin của nhiều người, các quốc gia không tham gia chiến tranh nhằm giúp các nhà máy sản xuất vũ khí kiếm được tiền. Các nhà máy sản xuất vũ khí tồn tại bởi các quốc gia tham gia chiến tranh. Các nhà khởi tạo kinh doanh và những nhà tư bản sản xuất vũ khí sẽ chuyển sang sản xuất các hàng hóa khác nếu nhu cầu về vũ khí không nhiều hơn. Ngành công nghiệp chiến tranh của Đức cũng vậy, nó đã từng phát triển nhờ khối doanh nghiệp tư nhân. Khi trở thành một ngành công nghiệp bị quốc hữu hóa, nó có thể tiếp tục duy trì được lợi thế như là một ngành công nghiệp tư nhân trong một khoảng thời gian nhất định.
Tại Anh ngày nay nhiều người thường nói rằng nếu công nhân Anh chấp nhận chịu những mất mát lớn mà chiến tranh gây ra cho họ, họ có quyền yêu cầu được tưởng thưởng xứng đáng cho thái độ quả cảm đó bằng việc loại trừ chủ nghĩa tư bản và tiếp nhận chủ nghĩa xã hội sau khi chiến tranh kết thúc. Khó có luận điểm nào mơ hồ hơn luận điểm này.
Nếu công nhân Anh bảo vệ quốc gia của họ, tự do của họ, và văn hóa của họ khỏi sự tấn công dữ dội của Đức Quốc xã và những người theo chủ nghĩa phát xít, và chống lại những người theo chủ nghĩa cộng sản, những người trở thành đồng minh của Đức Quốc xã1 vì những toan tính thực dụng, thì đó chính là hành động vì bản thân họ và cho con cháu họ, không phải vì lợi ích của một ai đó khác mà sau này họ yêu cầu phần thưởng. Phần thưởng duy nhất mà những mất mát to lớn có thể mang lại cho họ là chiến thắng, và cùng với đó là sự bảo đảm họ sẽ không phải đứng ở vị trí tương tự như thân phận người dân Đức và Nga. Nếu như công nhân Anh có suy nghĩ rằng thắng lợi sắp tới không đủ bù đắp cho gánh nặng chiến tranh áp đặt lên họ, họ sẽ không chiến đấu; họ sẽ đầu hàng.
Nếu chúng ta tin rằng, so với chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội là một hệ thống tốt hơn và đảm bảo cuộc sống tốt hơn cho hầu hết người dân, khi đó chúng ta nên tiếp nhận chủ nghĩa xã hội, bất kể là chiến tranh hay hòa bình, và bất kể công nhân có dũng cảm trong chiến tranh hay không. Nhưng nếu chúng ta tin rằng cái hệ thống kinh tế, mà Hitler, Stalin và Mussolini gọi là “chế độ tài phiệt”, đảm bảo cho dân chúng có cuộc sống tốt đẹp hơn so với chủ nghĩa xã hội, thì chúng ta không đời nào “thưởng” cho công nhân một chế độ làm giảm mức sống của họ xuống mức như tại Đức, Italy và Nga.
Chú thích:
(1) Ghi nhớ rằng khi Mises viết những dòng này, Đức và các quốc gia Soviet là đồng minh nhờ hiệp ước hữu nghị năm 1939 – Chủ biên
Nguồn: Ludwig von Mises, Interventionism: An Economic Analysis, Edited by Bettina Bien Greaves, FEE, 1998