Những hậu quả kinh tế, xã hội, chính trị của chủ nghĩa can thiệp (Phần 1/4)
1. Những hậu quả kinh tế
Chủ nghĩa can thiệp không phải là một hệ thống kinh tế, nó cũng không phải là một phương pháp giúp con người có thể đạt được mục đích của họ. Nó chỉ đơn thuần là một hệ thống những thủ tục gây phiền toái và rốt cuộc phá hủy nền kinh tế thị trường. Nó cản trở sản xuất và làm suy yếu sự thỏa mãn nhu cầu. Nó không làm cho con người giàu hơn; nó làm cho con người nghèo đi.
Phải thừa nhận rằng các biện pháp can thiệp có thể đem lại lợi ích cho những cá nhân hoặc các nhóm nhất định bằng chi phí của người khác. Các nhóm thiểu số có thể nhận được đặc quyền, khiến họ giàu lên, bằng chi phí của các công dân khác. Nhưng đa số hoặc toàn bộ người dân phải gánh chịu mất mát vì chủ nghĩa can thiệp.
Chẳng hạn, xem xét trường hợp thuế quan. Hoàn toàn có thể cấp những đặc quyền cho một nhóm các nhà sản xuất, ví dụ là các chủ sở hữu mỏ đồng, khi đó người tiêu dùng sẽ bị mất mát còn các nhà khai thác mỏ sẽ được lợi. Nhưng nếu tất cả các ngành sản xuất, mọi loại hình lao động được hưởng sự bảo hộ như nhau, thì tất cả mọi người, với tư cách là người tiêu dùng, sẽ phải hy sinh những gì họ được hưởng lợi khi là người sản xuất. Hơn thế nữa, tất cả mọi người phải chịu mất mát vì việc bảo hộ này dịch chuyển sản xuất khỏi những trạng thái tự nhiên thuận lợi nhất, và do đó làm giảm hiệu quả của vốn và lao động, nghĩa là, nó làm tăng chi phí sản xuất. Một biểu thuế quan thiết lập một hoặc một vài khoản mục bảo hộ có thể đem lại lợi ích cá lẻ của một số nhóm nhất định; còn một hệ thống thuế quan toàn diện sẽ chỉ làm giảm sự hài lòng của tất cả người tiêu dùng.
Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế vẫn còn tương đối vô hại. Chúng làm giảm năng suất và làm cho con người nghèo đi nhưng chúng vẫn cho phép quá trình thị trường tiếp tục hoạt động. Thị trường có thể điều chỉnh phù hợp với các biện pháp hạn chế riêng rẽ. Các biện pháp được thiết kế để cố định mức giá, mức tiền công và lãi suất sẽ gây ra những tác động khác nhau tùy thuộc vào mức độ khác biệt so với các mức đáng ra sẽ là trong một thị trường không bị can thiệp. Nếu đó là những biện pháp chủ ý loại bỏ lợi nhuận, chúng sẽ làm tê liệt hoạt động của nền kinh tế thị trường. Chúng không chỉ làm chuyển hướng sản xuất khỏi phương thức tạo ra sản phẩm tốt nhất và đáp ứng tốt nhất nhu cầu người tiêu dùng; chúng còn gây lãng phí cả vốn và lao động; chúng gây nên nạn thất nghiệp vĩnh viễn. Chúng có thể mang đến thời kỳ bùng nổ nhân tạo, nhưng đi kèm với nó, chúng làm thức dậy thời kỳ suy thoái. Chúng đẩy nền kinh tế thị trường vào hỗn loạn.
Người dân đa phần thường đổ lỗi tất cả các hệ quả xấu trên cho hệ thống tư bản. Họ đòi hỏi nhiều biện pháp can thiệp hơn như một biện pháp khắc phục các ảnh hưởng không mong muốn của chủ nghĩa can thiệp. Họ buộc tội cho chủ nghĩa tư bản vì những tác động gây ra bởi chính phủ khi theo đuổi một chính sách chống chủ nghĩa tư bản.
Độc quyền là một trường hợp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong nền kinh tế thị trường, nền kinh tế không bị cản trở bởi hành động can thiệp của chính phủ, có thể, thậm chí là có khả năng, sẽ xuất hiện những điều kiện tạm thời tạo cơ hội cho sự hình thành giá độc quyền. Ví dụ, chúng ta có thể giả sử rằng ngay cả trong nền kinh tế thị trường tự do, độc quyền thủy ngân quốc tế có thể được hình thành, hoặc có thể tồn tại những nhà độc quyền địa phương đối với một số vật liệu xây dựng và nhiên liệu. Nhưng những trường hợp cá biệt của giá độc quyền như vậy vẫn chưa tạo ra một “vấn đề độc quyền”. Tất cả các độc quyền quốc gia và tất cả các độc quyền quốc tế, trừ một số ngoại lệ, tồn tại được là nhờ các quy định thuế quan. Giả sử các chính phủ thực sự nghiêm túc trong việc chống độc quyền, họ ắt sẽ sử dụng những phương tiện hiệu quả của họ để giải quyết vấn đề; và trong trường hợp này, họ sẽ loại bỏ thuế nhập khẩu. Nếu họ đơn giản chỉ làm như thế thôi thì "vấn đề độc quyền" sẽ mất đi tầm quan trọng của nó. Trên thực tế, các chính phủ không bận tâm tới việc loại bỏ độc quyền. Đúng hơn là, họ cố gắng tạo điều kiện để cho phép các nhà sản xuất thiết lập giá độc quyền trên thị trường.
Ví dụ, chúng ta giả định rằng các nhà máy trong nước làm việc hết công suất để sản xuất m khối lượng sản phẩm nhất định, và lượng hàng hóa tiêu thụ trong nước tại mức giá thị trường thế giới p cộng với thuế nhập khẩu d (có nghĩa mức giá là p + d) có giá trị là n – n lớn hơn m. Trong điều kiện như vậy, thuế quan sẽ cho phép các nhà sản xuất trong nước bán hàng với mức giá cao hơn mức giá thị trường thế giới1. Chế độ thuế quan bảo hộ có hiệu quả; nó đã đạt được mục đích. Ví dụ trường hợp của các nhà sản xuất lúa mì ở các nước công nghiệp châu Âu. Nhưng nếu m (khối lượng sản xuất được) lớn hơn lượng tiêu thụ trong nước tại mức giá thị trường thế giới, thì thuế nhập khẩu không đem lại bất kỳ lợi thế nào cho các nhà sản xuất trong nước. Do đó thuế nhập khẩu đối với lúa mì hoặc thép ở Mỹ sẽ không có hiệu quả đối với giá; tự nó không thể làm tăng giá cho các sản phẩm lúa mì hoặc thép trong nước.
Tuy nhiên, nếu các nhà sản xuất trong nước muốn có được lợi thế từ việc bảo hộ thuế quan ngay cả khi m lớn hơn so mức tiêu thụ nội địa tại giá thị trường thế giới, họ phải hình thành một liên minh, một tập đoàn, hoặc một số hình thức khác mang tính độc quyền và đồng ý giảm lượng sản xuất. Khi đó họ đứng ở vị thế, miễn là trạng thái cầu (đường cầu) cho phép điều đó, để bắt buộc người tiêu dùng phải trả mức giá độc quyền, mức giá cao hơn mức giá thế giới, nhưng lại thấp hơn mức giá thế giới cộng với thuế nhập khẩu. Những gì gặt hái được trực tiếp nhờ thuế quan trong ví dụ một thì trong ví dụ hai sẽ đạt được nhờ cách thức tổ chức độc quyền, thứ có thể tạo ra bởi chế độ thuế quan bảo hộ.
Hầu hết các tập đoàn quốc tế chỉ có thể được hình thành do tổng thể thị trường thế giới bị phân tách thành nhiều khu vực kinh tế quốc gia thông qua thuế quan và các biện pháp liên quan. Thái độ không thành thật của chính phủ đối với vấn đề độc quyền được thể hiện rõ nhất trong nỗ lực tạo ra độc quyền thế giới, ngay cả đối với các loại vật phẩm mà để hình thành thị trường độc quyền thì cần phải có các biện pháp đặc biệt hơn, vượt lên trên cả các biện pháp thuế quan. Lịch sử kinh tế của thập kỷ qua cho thấy một số biện pháp của chính phủ khác nhau được hình thành – mặc dù không thành công – nhằm tạo ra độc quyền thế giới cho các loại hàng hóa như đường, cao su, cà phê, thiếc, và v.v.
Trong trường hợp chủ nghĩa can thiệp đạt được các mục tiêu mà chính phủ hướng tới, nó cũng tạo ra tình trạng khan hiếm hàng hóa giả tạo và làm tăng giá. Còn nếu các chính phủ theo đuổi mục tiêu khác ngoài hai mục tiêu này, họ thất bại; hay đúng hơn là xuất hiện những hiệu ứng kém mong muốn hơn những điều kiện mà các chính phủ cố gắng loại bỏ. Chỉ có hai con đường để thoát khỏi sự hỗn loạn do chủ nghĩa can thiệp tạo nên, đó là quay trở lại thị trường không bị can thiệp hoặc lựa chọn chủ nghĩa xã hội.
Từ quan điểm của những nhóm lợi ích ích kỷ của các nhà khởi tạo kinh doanh và các nhà tư bản, nền kinh tế thị trường không bị can thiệp không phải là một hệ thống đáng muốn. Chúng ta cần nền kinh tế thị trường không phải vì lợi ích cụ thể của một nhóm hoặc một cá nhân nào, mà là vì phúc lợi chung. Không đúng khi nói rằng những người ủng hộ nền kinh tế thị trường là những người bảo vệ quyền lợi ích kỷ của người giàu. Các nhà khởi tạo kinh doanh và nhà đầu tư cũng đòi chủ nghĩa can thiệp bảo vệ lợi ích cụ thể của họ khỏi sự cạnh tranh của những người kinh doanh hiệu quả và năng động hơn. Sự phát triển tự do của nền kinh tế thị trường nên được khuyến nghị, không vì lợi ích của những người giàu, mà vì lợi ích của quần chúng nhân dân.
Chú thích:
(1) Để đơn giản, chúng ta bỏ qua chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, cũng sẽ không có bất kỳ khó khăn cụ thể nào trong việc đưa chúng vào trong tính toán.
Nguồn: Ludwig von Mises, Interventionism: An Economic Analysis, Edited by Bettina Bien Greaves, FEE, 1998