Về cuốn sách "Cuộc cách mạng Satoshi" của Wendy McElroy
Thế giới cần cuốn sách của Wendy McElroy để hình dung bức tranh toàn cảnh về cuộc cách mạng tiền mật mã. Bà chính là người phù hợp nhất để viết về chủ đề này. Bạn có thể tải cuốn sách ở đây (bản tiếng Anh).
Tác phẩm của bà có liên quan nhiều đến lịch sử của cuộc đấu tranh tự do chống lại sự kiểm soát độc tài, chuyên chế. Bà đã theo dõi cuộc đấu tranh đó từ thế kỷ 19 đến nay, đã viết những bài báo và cuốn sách tiên phong về mọi khía cạnh trải nghiệm của con người. Trong The Satoshi Revolution [Cuộc cách mạng Satoshi], bà đã chuyển sự chú ý của mình đến điều mà tôi tin rằng là một trong những đổi mới sáng tạo quan trọng nhất trong lịch sử: tiền điện tử và các dịch vụ và tài sản liên quan. McElroy giải thích làm thế nào trong thời đại của chúng ta, công nghệ này báo hiệu những thay đổi cơ bản, những thay đổi vĩ đại trong mối quan hệ giữa cá nhân và nhà nước.
Trong mười năm qua - các nhà sử học trong tương lai sẽ ghi nhận điều này - chúng ta đã quan sát thấy việc tạo ra một kiến trúc tài chính và tiền tệ mới có thể thay thế cho mọi thứ đã được biết đến và sử dụng trong cuộc đời của mỗi người.
Chúng ta đã trải nghiệm một loại tiền hữu ích và an toàn, có thể hoạt động trên toàn thế giới, không liên kết với nhà nước và không cần hệ thống ngân hàng hiện có. Hệ thống tương tự này có thể thay thế cho tất cả các hệ thống thanh toán hiện có sử dụng tiền quốc gia. Đồng tiền này là một sự sáng tạo thuần túy của thị trường, bổ sung vào chức năng kế toán và lưu trữ giá trị của tiền truyền thống một tính năng bổ sung: là một phương tiện thanh toán ngang hàng toàn cầu.
Một thập kỷ trước, ngay cả những lý thuyết gia đẳng cấp cũng nói rằng điều này không thể xảy ra. Nhưng rồi nó thực sự đã xảy ra.
Chúng ta đã thấy việc tạo ra các hệ thống hợp đồng thông minh có thể quản lý một số lượng lớn các giao dịch, cam kết và tương tác của con người. Ngay cả những người chấp nhận rằng đồng Bitcoin là thật cũng vẫn nghi ngờ khả năng đồng Ethereum giúp đạt được điều này. Nhưng đấy là điều thực sự đã diễn ra.
Chúng ta thậm chí đã quan sát cách hệ thống này trở thành một công cụ để huy động vốn và thay thế ngay cả các chức năng cho vay truyền thống. Ba năm trước, đây chỉ là một ý tưởng suy đoán. Sau đó, nó đã trở thành một hiện thực trị giá một trăm tỷ USD, và các hình thức huy động vốn mới thông qua quá trình phát hành token.
Dường như không biết từ đâu, giờ đây chúng ta đã có một bộ công nghệ hoàn toàn có thể thay đổi và thậm chí thay thế tiền tệ quốc gia, các lựa chọn thanh toán truyền thống và thậm chí cả thị trường vốn được điều tiết, và mang lại một cái gì đó mới.
Có thể bạn đang đọc và nghĩ rằng: chúng ta lại tiếp tục với chủ nghĩa không tưởng về tiền điện tử. Nhưng vấn đề là nó không chỉ là lý thuyết nữa. Những công nghệ này tồn tại trong thời gian thực, ngay cả khi chỉ ở giai đoạn đầu. Đây là lý do tại sao có rất nhiều người sử dụng Bitcoin ngoài kia phát ngôn rất rõ ràng về tương lai. Họ đã trải nghiệm nó rồi. Họ là những người điều khiển xe Maseratis trên những con đường ngập tràn Model Ts và họ biết điều đó. Sự cải thiện hiện trạng này rất ấn tượng và không thể bị lấn át.
Bạn có thể chưa sử dụng bất kỳ công nghệ mới nào trong số này. Cũng không sao cả. Với tất cả những thất bại của hệ thống hiện tại, các cấu trúc cũ vẫn hoàn thành công việc. Miễn là không có khủng hoảng lớn trong hệ thống, mọi người vẫn tin tưởng vào nó. Không có lý do mạnh mẽ nào để thay đổi, ngay cả khi hệ thống mới an toàn hơn, nhanh hơn, dân chủ hơn, toàn diện hơn, ít rủi ro hơn và ít xâm phạm quyền riêng tư cá nhân hơn. Dù vậy, hệ thống cũ vẫn được hưởng động lực đến từ hiệu ứng mạng lưới. Mọi người đều sử dụng nó, vì vậy bạn tiếp tục làm như vậy.
Quy định quản lý là nhân tố then chốt
Có một nhân tố khác đang kìm hãm sự chuyển đổi từ cũ sang mới. Các quy định đang cố gắng buộc công nghệ mới phải hoạt động giống như công nghệ cũ. Ở Mỹ, để mua Bitcoin hoặc bất kỳ loại tiền mật mã nào, bạn phải tuân thủ các quy định ngân hàng truyền thống đòi hỏi biết rõ khách hàng, và do đó phải tiết lộ mọi chi tiết về bản thân. Bất kỳ khoản tiền nào bạn kiếm được từ biến động giá tăng trong tài sản mới của bạn đều phải được báo cáo và trả thuế. Các công ty muốn hỗ trợ chuyển đồi tiền mã hoá sang tiền pháp định phải đăng ký với chính phủ với tư cách sàn giao dịch tiền. Và với các chức năng huy động vốn của công nghệ chuỗi khối (blockchain), các cơ quan quản lý đang đe dọa đóng cửa tất cả và khiến chúng hoạt động giống như chứng khoán truyền thống.
Tôi đã theo dõi, khi những quy định này dần dần được áp đặt và thi hành một cách tùy tiện, đã gây ra nỗi sợ hãi về một công nghệ không hề đáng sợ, bóp méo ngành và làm cho nó kém đổi mới và cạnh tranh hơn. Mỗi khi một cách sử dụng mạng phân tán mới được công bố và bắt đầu được chú ý, một số nhân vật quan trọng (bigwigs) sẽ xuất hiện để cảnh báo về việc tuân thủ các luật lệ có độ tuổi hàng thập kỷ được thiết kế cho một công nghệ khác.
Người tiêu dùng sợ hãi và trải nghiệm của người sử dụng cuối không được cải thiện nhiều như lẽ ra nó phải là nếu như không phải trả các khoản chi phí tuân thủ khổng lồ. Tôi đã thấy sự không chắc chắn về mặt pháp lý đã khiến người buôn bán và người tiêu dùng mất quyền tiếp cận nhiều loại dịch vụ như thế nào. Tôi đã thấy các doanh nhân phải tạm hoãn kế hoạch của họ để chờ một số sắc lệnh hành chính đến từ thủ đô Washington.
Chúng ta sẽ còn bao xa nữa nếu không có những can thiệp này? Không thể thấy được những đổi mới sáng tạo mà chúng ta chưa trải nghiệm. Chúng ta chỉ biết rằng mọi thứ sẽ khác. Nhưng một khi bạn xem xét sự khác biệt đến mức nào, thực tế sẽ trở thành một điều gì đó tuyệt vời hơn. Và hiện tại nó chưa được như vậy.
Thời gian trì hoãn kéo dài bao lâu?
Hãy xem xét điều gì sẽ xảy ra khi quyền lực được triển khai để ngăn chặn sự tiến bộ của một công nghệ mới. Nó có thực sự kéo dài mãi được không? Để trả lời câu hỏi, chúng ta phải nhìn sâu vào các thực tế khả thi nếu không có các ràng buộc nêu trên.
Hãy tưởng tượng giả dụ các chính phủ ở châu Âu ra tay ngăn chặn việc in ấn. Điều gì sẽ xảy ra nếu các thành phố trên khắp thế giới cấm ô tô? Số phận của các tuyến đường sắt, hệ thống điện chiếu sáng trong nhà và hệ thống ống nước trong nhà sẽ ra sao nếu những nhóm lợi ích ngăn chặn chúng nhằm ủng hộ các công nghệ thịnh hành ở thời điểm đó?
Chúng ta chỉ có thể đoán vì không có điều nào thực sự xảy ra. Đúng là không phải ai cũng hoan nghênh việc in ấn. Những người ghi chép trong các tu viện lo lắng về tương lai tài năng của họ. Một số người tự hỏi liệu tín ngưỡng cũ có thể tồn tại khi mọi người tiếp cận với các văn bản cổ hay không. Nhưng phần lớn, sự ra đời của in ấn được coi là một sự đổi mới đáng hoan nghênh. Với hệ thống thoát nước, ánh sáng và hệ thống ống nước bên trong cũng vậy. Chắc chắn là một số người đã chậm chạp trong việc chấp nhận nó, nhưng các chính phủ hầu như để cho sự đổi mới diễn ra.
Vậy nếu họ không chấp nhận sự đổi mới thì sao? Có ai thực sự tin rằng những đổi mới này có thể đã bị ngăn chặn chứ không chỉ là chậm lại? Tôi không tin vào điều đó. Có những trường hợp trong lịch sử khi các văn bằng bảo hộ độc quyền của chính phủ khiến các đối thủ cạnh tranh không thể đưa được những cải tiến ra thị trường. Điều này đã xảy ra với tàu hơi nước ở Anh, máy bay ở Mỹ và một số ứng dụng phần mềm trong những thập kỷ trước. Nhưng những sự chậm trễ này là tạm thời; bằng sáng chế hết hạn và lịch sử tiếp tục tiến về phía trước.
Các quy định vốn khác nhau. Các nghiệp chủ khởi tạo phải tìm cách đi vòng qua chúng. Thị trường xám và đen nổi lên. Những người chấp nhận rủi ro phải tìm cách né tránh các cơ quan quản lý. Nhưng cuối cùng, điều gì đến cũng phải đến. Chẳng hạn, hãy xem xét kết quả nếu mọi Lãnh chúa và Nam tước ở châu Âu vào thế kỷ 12 đặt lệnh cấm móng ngựa. Bạn có nghĩ rằng điều đó có thể đã ngăn chặn việc triển khai công nghệ đó trong nhiều thế kỷ hay không? Khả năng đó khó xảy ra, và lý do vô cùng đơn giản: sức mạnh của những ý tưởng mạnh hơn sức mạnh của chính phủ, và rút cục, chi phí thực thi vượt quá lợi ích cho giai cấp thống trị hiện có.
Một thế giới dựa trên tiền mật mã
Dựa trên những gì chúng ta đã thấy trong hơn mười năm, tôi phác họa nhanh một thử nghiệm tưởng tượng dưới đây. Suy nghĩ này tới khi tôi đang mơ màng nghe luật sư thuế của mình nói về các khoản thuế phải chịu trong các giao dịch thông thường với tiền mật mã. Tôi suy ngẫm xem những áp đặt này không tương thích đến mức nào với một công nghệ xuất hiện và hoạt động trong khuôn khổ tự do hoàn hảo.
Một số cơ quan lập pháp đã hiểu điều này. Ví dụ, bang Wyoming, Mỹ đã loại trừ tiền mật mã khỏi tất cả các khoản thuế, định nghĩa một số token theo cách để giúp chúng được miễn khỏi luật chứng khoán, và đưa ra các điều khoản đặc biệt cho các hình thức doanh nghiệp được phân phối, cùng với những thay đổi khác. Cơ quan lập pháp đã làm hết sức mình để khiến cho tiểu bang trở nên hấp dẫn đối với ngành công nghiệp mới này.
Bây giờ chúng ta hãy cùng tưởng tượng. Giả sử Quốc hội Mỹ đã thông qua luật miễn trừ tất cả các loại tiền mật mã, hoạt động giao dịch tiền mậ mã và các loại tài sản dựa trên tiền mật mã khỏi tất cả các loại thuế và quy định. Cơ quan lập pháp thiết lập giấy thông hành hoàn chỉnh trong lĩnh vực này, trong khi mọi thứ khác trong thế giới thông thường (đồng USD, Liên bang, Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Hoa Kỳ, Kho bạc và mọi thứ khác mà chúng ta biết) vẫn giữ nguyên.
Bạn mong đợi điều gì sẽ xảy ra? Mười năm trước, nếu Quốc hội làm điều tương tự, rõ ràng là cũng chẳng có gì thay đổi. Công nghệ này chưa hề tồn tại và chúng ta quả thực cũng không biết liệu nó có thể tồn tại.
Điều gì sẽ xảy ra ngày nay nếu tất cả các can thiệp xung quanh công nghệ này bị bãi bỏ? Bạn không còn bị trừng phạt vì mua và bán tiền mật mã, phát hành tự do các token, đưa ra các ứng dụng mới trong nền tảng hợp đồng thông minh, đổi mới hệ thống thanh toán mới, v.v. Các công ty có thể token hoá thay vì lưu hành cổ phiếu. Các doanh nghiệp có thể thanh toán bằng tiền mật mã và thực hiện hoạt động kế toán bằng tiền mật mã và không bị phạt. Hãy cân nhắc cẩn thận: bạn có thể giữ thêm một phần ba số tiền kiếm được chỉ bằng cách chuyển sang một công nghệ tốt hơn.
Sẽ mất bao lâu trước khi tư duy kinh tế dựa tên tiền mật mã sẽ thay thế hầu như mọi thứ khác? Nếu sự thay đổi pháp lý này thực sự xảy ra - và không, rõ ràng là sẽ không - chúng ta đã có thể chứng kiến sự thay đổi triệt để các hệ thống kinh tế và tài chính thế giới cũ bằng các hệ thống thế kỷ 21, và có thể nó sẽ xảy ra sớm hơn nhiều so với những gì mọi người mong đợi, có lẽ từ 12 đến 48 tháng, miễn là cơ sở hạ tầng tiền mật mã có thể mở rộng kịp thời để đáp ứng nhu cầu mới.
Đẩy lùi hiện tại vào quá khứ
Bây giờ, nếu thử nghiệm tưởng tượng này là đúng, chúng ta có thể thu được một số hàm ý lớn. Hàm ý ở đây là thế giới tài chính và tiền tệ tồn tại ngày nay đang thực sự được gắn kết với nhau bằng sức mạnh giữ chúng ta với những hình thức cũ. Sức mạnh này không chỉ đặt ra những hạn chế và sự kém hiệu quả; nó theo đúng nghĩa đen đang giữ cho một cơ sở hạ tầng rộng lớn ở đúng chỗ nếu không sẽ không thể thống trị hoặc thậm chí tồn tại, và ngăn cản sự khởi đầu của một cách sống mới. Và cách mới này không chỉ là việc mua và bán. Vì vậy, trọng tâm trong đời sống công cộng của chúng ta là tiền được quốc hữu hóa và thị trường vốn được điều tiết đến mức sự ra đời của một thế giới dựa trên tiền mật mã sẽ thay đổi cơ bản mối quan hệ của cá nhân với nhà nước.
Tôi có sai khi hơi kinh ngạc về nhận thức này không?
Tôi nghĩ việc giữ cho một hệ thống rộng khắp tồn tại chỉ bằng vũ lực sẽ khó có thể bền vững về lâu dài. Nếu bạn có một bộ công nghệ khổng lồ đang chờ tiếp quản và chỉ bị kìm hãm bởi các phương tiện hoàn toàn nhân tạo, thì đó là dấu hiệu không tốt về khả năng quá khứ có thể được bảo tồn mãi mãi. Tương lai không thể mãi bị dập tắt ngay cả bởi các chính phủ quyền lực nhất thế giới. Cuối cùng thì ý tưởng sẽ thắng thế.
Wendy McElroy, từ các nghiên cứu trước đây về lịch sử và những nghiên cứu hiện tại đi sâu vào công nghệ tiền mật mã, đã hiểu được sức mạnh của ý tưởng. Bitcoin và tất cả những gì liên quan đến nó là một trong những ý tưởng mang tính cách mạng nhất trong lịch sử. Bà mô tả việc chúng sẽ làm biến đổi cấu trúc kinh tế, chính trị và các mối quan hệ con người nói chung như thế nào theo hướng tốt hơn. Đi từ đây đến đó đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng nhất có thể về những gì đang xảy ra. McElroy là chuyên gia và người hướng dẫn uyên bác mà chúng tôi hằng mong đợi.
* Jeffrey A. Tucker là Giám đốc Biên tập của Viện Nghiên cứu Kinh tế Hoa Kỳ.
Ông là tác giả của hàng nghìn bài báo trên báo chí học thuật và phổ thông và 9 cuốn sách bằng 5 thứ tiếng, gần đây nhất là cuốn Tự do hay Đóng cửa. Ông cũng là biên tập viên của The Best of Mises. Ông nói nhiều về các chủ đề kinh tế, công nghệ, triết học xã hội và văn hóa.
Nguồn: Jeffrey A. Tucker, The Satoshi Revolution by Wendy McElroy, AIER, 28/2/2020