![[Tinh thần dân chủ] Chương 12: Trung Đông có thể dân chủ hóa hay không (Phần 5)](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k22071_14.5_(1).jpg)
[Tinh thần dân chủ] Chương 12: Trung Đông có thể dân chủ hóa hay không (Phần 5)
KHÔNG THỂ LÙI
Đối với Hoa Kỳ và phương Tây, cam kết với các đảng phái và các chính khách Hồi giáo là bước đi khó nhất và mạo hiểm nhất. Điều đó có nghĩa là đảm bảo cho họ mức độ chính danh nào đó và như thế cũng có nghĩa là sự tin cậy hơn về chính trị và khả năng thành công trong tuyển cử. Phải đưa ra quyết định khó khăn về việc các đảng Hồi giáo có thái độ nghiêm túc đối với dân chủ đến mức nào hay họ chỉ giả vờ làm thế vì những lý do có tính chiến thuật.
Một số đảng và phong trào Hồi giáo lớn trong thế giới Ả Rập có những biểu hiện của phong trào nghiêm túc hướng tới chủ nghĩa thực dụng và lòng khoan dung. Từ giữa những năm 1990, Huynh đệ Hồi giáo Ai Cập – phong trào Hồi giáo lâu đời nhất thời hiện đại, thành lập năm 1928 – đã nhiều lần sửa đổi học thuyết xã hội, chiến lược chính trị và định hướng chính sách. Trong quá trình này, phong trào đã thiết lập, tái khẳng định, hoặc làm rõ hơn cam kết với những nguyên tắc cốt lõi của dân như phi bạo lực, các quyền tự do dân sự, chủ quyền của nhân dân, phân quyền, đa nguyên chính trị, bầu cử tự do và công bằng là cơ sở duy nhất cho việc chuyển giao quyền lực, và nhân quyền cho phụ nữ và người Copts, tức là người Thiên Chúa giáo thiểu số ở Ai Cập.1 Ngay cả nhiều đối thủ thế tục quyết liệt của chế độ Mubarak, như nhà xã hội học theo chủ nghĩa tự do đồng thời là nhà hoạt động trong xã hội dân sự, Saad Eddin Ibrahim, cũng nhận thức được tầm quan trọng, nếu chưa nói là đầy đủ, về sự tiến bộ của dân chủ.2 Mặt trận Hồi giáo hành động của Jordan cũng có những bước đi tương tự “hướng tới chấp nhận những khía cạnh nền tảng của đời sống dân chủ.”3
Tuy nhiên, một số phong trào Hồi giáo, trong đó có Huynh đệ Hồi giáo vẫn còn tỏ ra nhập nhằng về niềm tin và mục đích trong một số lĩnh vực, ví dụ, tầm quan trọng tương đối và tính cấp bách của Sharia (luật Hồi giáo), từ bỏ bạo lực trong cuộc đấu tranh với nhà nước Israel (và chấp nhận các hiệp ước hòa bình của nước này với Ai Cập và Jordan), mức độ khoan dung đối với việc chọn không phải Hồi giáo (tức là Hồi giáo có thể là “giải pháp ... nhưng không phải là giải pháp duy nhất”), và mức độ cam kết đối với các quyền tự do cá nhân và quyền của phụ nữ và của những tôn giáo thiểu số.4
Các phong trào Hồi giáo cũng cần phải làm rõ là họ có sẵn sàng chấp nhận những cách giải thích khác nhau về giáo lí đạo Hồi của chính người Hồi giáo hay không. Phong trào Huynh đệ Hồi giáo ở Ai Cập cấm ngưới Hồi giáo thành lập đảng chính trị và cấm kết hợp “hoạt động truyền giáo với hoạt động chính trị trong một cơ cấu có tính định chế”, sự mơ hồ còn nghiêm trọng hơn vì giáo điều tôn giáo cản trở chủ nghĩa thực dụng trong chính trị.5 Nếu lực lượng Hồi giáo muốn được sự ủng hộ của những người thế tục cả ở trong nước lẫn trên trường quốc tế cho sự liên kết một cách toàn diện của họ vào tiến trình chính trị thì họ sẽ phải làm nhiều hơn nữa để làm rõ những khu vực còn mù mờ. Ví dụ, Huynh đệ Hồi giáo Ai Cập phải sẵn sàng chấp nhận luật được thông qua bằng các thủ tục dân chủ, ngay cả nếu những thủ tục này bị coi là vi phạm luật Sharia. Phong trào này phải thể hiện tinh thần sẵn sàng tách hoạt động đảng phái và bầu cử ra khỏi phong trào tôn giáo và tổ chức đảng mới (khi được phép) bằng những biện pháp dân chủ và minh bạch. Những biện pháp minh bạch đòi hỏi một sự biến đổi sâu rộng tổ chức hiện vẫn bị thống trị một cách độc đoán bởi đội cận vệ cũ không phải do các thành viên bầu ra. Và tổ chức này phải cam kết một cách rõ ràng hơn đối với quyền công dân phổ quát và quyền bình đẳng của những người theo Thiên Chúa giáo, những quyền căn bản của phụ nữ, các quyền cá nhân, được hệ thống hóa trong các công ước quốc tế, và tôn trọng những hiệp ước hòa bình với Israel.6
Không chắc là nó có tiếp tục phát triển để hướng tới những nguyên tắc tự do, vốn đang được khuyến khích, nếu phong trào Hồi giáo bị phương Tây xa lánh và cô lập và bị chính các chế độ của họ đàn áp. Không những thế, nhiều phong trào Hồi giáo sẽ rút ra bài học rằng ôn hòa không có hiệu quả và những biện pháp cấp tiến là hi vọng cuối cùng của họ. Sau khi nghiên cứu và tham gia những phong trào Hồi giáo phi bạo lực ở một số nước Ả Rập, các học giả và các đối tác của tổ chức Carnegie Endowment đã phát hiện được: “Trong tất cả các phong trào Hồi giáo dòng chính hiện nay, có căng thẳng giữa những thành viên có đầu óc cởi mở, thường là còn trẻ, nghĩ rằng tình hình đòi hỏi chiến thuật mới và đội cận vệ già, gắn bó với hệ tư tưởng và chiến thuật cứng rắn hơn. Họ khẳng định, ở nhiều quốc gia Ả Rập, “kết quả của đấu tranh này sẽ quyết định tương lai của cải cách chính trị.”7 Nếu các đảng Hồi giáo ôn hòa như PJD ở Morocco và Đảng Wasat, hiện vẫn chưa đăng ký (tách ra từ Huynh đệ Hồi giáo) ở Ai Cập thắng thế nhờ cách tiếp cận dân chủ, mềm dẻo và kiên nhẫn của họ thì họ phải có khả năng gửi tín hiệu rõ ràng cho các cử tri Hồi giáo rằng ôn hòa có thể thu được kết quả trong việc thu hút mọi người tham gia chính trị và trao quyền theo lối dân chủ cho nhân dân.
Cách ly các đảng và các tổ chức Hồi giáo, thực chất có nghĩa là chấp nhận tình trạng trì trệ chính trị trong thế giới Ả Rập – vì hiện nay không thể tiến hành dân chủ hóa trong bất kì nước Ả Rập nào mà lại không phải tìm một số biện pháp nhằm kết nạp, chí ít là một vài bộ phận quan trọng nhất của những người Hồi giáo tham gia chính trị. Mục đích phải là lôi kéo các đảng phái này vào quá trình bầu cử dân chủ, quản trị dân chủ, trách nhiệm của phe đối lập và chung sống trong môi trường đa nguyên, sao cho họ buộc phải đáp ứng yêu cầu của cử tri trong việc đạt được những thành tích thực sự trong quản trị chứ không chỉ đáp ứng về ý hệ và sáo ngữ. Khi các đảng chính trị buộc phải nhận trách nhiệm thông qua các điều luật, cùng nhau thỏa hiệp, tạo ra công ăn việc làm và bỏ đi những thứ vô giá trị thì họ có thể khuyến khích những người khác thay đổi. Như đã từng xảy ra ở những nước khác trong hai thế kỉ trước, thực tế dân chủ, tuy mang tính chiến thuật và giả dối trong giai đoạn đầu, có thể khuyến khích trong thế giới Ả Rập một quá trình “làm quen”, trong đó “các chính khách và công dân học từ việc giải quyết thành công của một số vấn đề để họ đặt niềm tin vào những luật lệ mới và áp dụng chúng vào những vấn đề mới”, mở rộng dần niềm tin chính trị, điều chỉnh và áp dụng chủ nghĩa thực dụng, là những điều kiện cực kì cần thiết cho việc gìn giữ chế độ dân chủ.8
Điều này không đòi hỏi phải từ bỏ, đặc biệt là các vương triều, tất cả các đòn bẩy quyền lực ngay lập tức. Có thể hiểu được rằng các chế độ quân chủ Ả Rập có thể phải trải qua nhiều giai đoạn chia sẻ quyền lực, họ có thể giữ lại trong giai đoạn nào đó khá nhiều quyền lực đối với lực lượng an ninh quốc gia cũng như một số hình thức quyền lực và kiểm soát quyền lực không chính thức của vương triều và quân đội Thái Lan trong những năm 1980 và của quân đội Thổ Nhĩ Kì trong mấy thập kỉ vừa qua. Nhưng, với những chính phủ được hình thành từ quốc hội dân cử theo lối dân chủ chứ không phải từ những cuộc bầu cử giả dối như ở Ai Cập hay do hoàng gia lựa chọn như ở Jordan và Morocco, quá trình dân chủ hóa thực sự có thể được tiến hành. Các đảng phái và lực lượng xã hội thế tục phải tỉnh ngộ, phải thoát khỏi tình trạng của kẻ bị mua chuộc, ngái ngủ và thoải mái của họ, phải hình thành cương lĩnh chính trị có sức thu hút, và xây
dựng được những tổ chức chính trị trong quần chúng, có thể thách thức được các đảng Hồi giáo. Các tổ chức Hồi giáo phải chịu trách nhiệm về sự cai trị – hay đối lập. Chí ít, trong một số lĩnh vực và một số thành phố nhất định, gánh nặng thực tế của việc cai trị và hình thành các liên minh lập pháp cũng có thể khuyến khích việc hình thành các đảng Hồi giáo dân chủ, được xây dựng theo mô hình của đảng Công lí và Phát triển (AKP) ở Thổ Nhĩ Kì hay các đảng Dân chủ Thiên chúa giáo ở Đức và Italy. Sẽ là sai lầm khi cho rằng đấy sẽ là những đảng phái gắn bó mật thiết với chế độ dân chủ tự do như ở phương Tây hay thậm chí như Thổ Nhĩ Kì dưới sự cai trị của đảng AKP (mục tiêu dài hạn của đảng này vẫn bị nhiều người Thổ Nhĩ Kì nghi ngờ). Và nhiều người vẫn đang hỏi liệu một vài đảng Hồi giáo (với số phận khác nhau) trong thế giới Ả Rập có thể chuyển hóa hay đã chuyển hóa từ những đảng phái mang tính công cụ, sử dụng “dân chủ như là công cụ hay chiến lược nhằm giành được quyền lực để xây dựng nhà nước Hồi giáo”, hay thành “những người dân chủ theo đạo Hồi”, những người “nhìn chính trị với con mắt thực dụng” và “không tìm cách đưa đạo Hồi vào chính trị.”9 Cho đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ rằng đảng “Dân chủ Hồi giáo” sẽ xuất hiện trong thế giới Ả Rập, như những đảng đã từng xuất hiện dưới những hình thức và mức độ khác nhau ở Thổ Nhĩ Kì, Pakistan và Indonesia. Nhưng, trước khi các đảng có xu hướng Hồi giáo nắm được một phần quyền lực, chúng ta sẽ không thể biết họ có khả năng chuyển hóa như thế nào. Về khía cạnh này, những sự kiện xảy ra với PJD ở Morocoo cũng có thể có tác động sâu rộng trong khu vực. Hệt như vụ đàn áp FIS ở Algeria đã tạo ra vòng xoáy đi xuống tồi tệ trong thế giới Ả Rập, việc đưa PJD vào cộng đồng chính trị đang được dân chủ hóa từng bước một ở Morocco cuối cùng có thể tạo ra những ảnh hưởng thích hợp.
Sự kiện đơn giản là các nước Ả Rập sẽ không thể giành được dân chủ nếu không có sự tham gia của các đảng phái Hồi giáo, và có khả năng là có giai đoạn nằm dưới sự quản lí của Hồi giáo. Thách thức đối với các xã hội dân sự đó sẽ khó buộc chính phủ được bầu theo lối dân chủ do người Hồi lãnh đạo tuân thủ kiểm soát và đối trọng quyền lực hiến định, người Hồi giáo, một khi đã được bầu sẽ không tự hạn chế quyền lực của mình. Việc kiểm soát và đối trọng quyền lực sẽ không thể hình thành sau khi sự kiện đó đã xảy ra. Khả năng và sự độc lập của hệ thống tư pháp, của quốc hội, của ủy ban bầu cử, của kiểm toán, của ngân hàng trung ương và những thiết chế chịu trách nhiệm giải trình theo hàng ngang khác được thiết lập một cách vững chắc và được đưa vào hiến pháp trước cuộc cạnh tranh trong bầu cử càng mở ngỏ thì rủi ro của quá trình dân chủ hóa sẽ giảm đáng kể. Trong trường hợp đó, các đảng Hồi giáo cạnh tranh với nhau không phải là để giành quyền kiểm soát tuyệt đối chính phủ trong các nước Ả Rập mà là giành quyền lực đã được giới hạn một cách phù hợp, theo lối dân chủ.
Muốn cho sự tiến hóa từ Hồi giáo chính trị sang dân chủ Hồi giáo thì cần phải có cuộc đối thoại giữa các chế độ và phe đối lập, cả Hồi giáo lẫn thế tục; giữa Hồi giáo và thế tục; giữa chính trị Hồi giáo và xã hội dân sự; giữa Hồi giáo và các chính phủ lớn ở phương Tây, đặc biệt là chính phủ Hoa Kỳ. Vì người Hồi giáo muốn giành và giữ được ghế của mình trong bàn đàm phán thì họ sẽ phải cam kết với những nguyên tắc và luật lệ dân chủ và làm rõ, họ đứng ở đâu trong việc bảo vệ các quyền tự do thế tục. Nhưng Hoa Kỳ cũng phải nói rõ họ đứng ở đâu và liệu có phải đúng như George W. Bush nói trong diễn văn nhậm chức lần thứ hai: “Hoa Kỳ sẽ không bỏ qua sự áp bức mà các bạn phải chịu hay sẽ tha thứ cho những kẻ áp bức các bạn. Khi các bạn đứng lên vì các quyền tự do, chúng tôi sẽ đứng bên các bạn.”10
Chú thích:
(1) Emad El-Din Shahin, “Political Islam in Egypt”, Centre for European Policy Studies Working Document no. 266, May 2007, p. 2, http://shop.ceps.eu/BookDetall.php?item_ld=1495.
(2) Ibrahim rút ra kết luận này thông qua tương tác kéo dài (tương đối phức tạp) với những người Hồi giáo trong những lần ông bị giam giữ, như chính trị phạm của chế độ Mubarak, giai đoạn 2000 – 2002.
(3) Hamid, “Parting the Veil”, p. 43.
(4) Carnegie Endowment for International Peace and the Herbert Quandt Stiftung, “Islamist Movements and the Democratic Process in the Arab World: Exploring the Gray Zones”, Carnegie Papers, Middle East Series, no, 67, March 2006, p. 13.
(5) Ibid., p. 7.
(6) Amr Hamzawy, Marina Ottaway, and Nathan J. Brown, “What Islamists Need to Be Clear About: The Case of the Egyptian Muslim Brotherhood”, Policy Outfook, Carnegie Endowment for International Peace, February 2007.
(7) Carnegie Endowment and Stiftung, “Islamist Movements and the Democratic Process in the Arab World”, p. 18.
(8) Dankwart Rustow, “Transitions to Democracy: Toward a Dynamic Model”, in Lisa Anderson, Transition to Democracy (New York: Columbia University Press, 1999), p. 34. Xuất bản lần đầu trong Comparitive Politics 2 (April 1970).
(9) Vali Nasr, “The Rise of ‘Muslim Democracy’”, Journal of Democracy 16 (April 2005): 13-14.
(10) “President Sworn-in to Second Term”, White House press release, January 20,2005, http://www.whitehouse.gov/news/releases/2005/0l/print/20050120-1.html.
Nguồn: Larry Diamond (2008). Tinh Thần Dân Chủ. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Spirit of Democracy (2008)