[Tinh thần dân chủ] Chương 15: Thầy thuốc, hãy tự chữa bệnh (Phần 8)

[Tinh thần dân chủ] Chương 15: Thầy thuốc, hãy tự chữa bệnh (Phần 8)

VƯỢT QUA CHIA RẼ ĐẢNG PHÁI (2/3)

Làm gì để có thể giảm “cuộc bút chiến mang tính đảng phái” và sự cố thủ của những người đương chức trong nền chính trị Mỹ. Pietro Nivola và William Galston đề xuất những ý tưởng hấp dẫn nhằm xóa bỏ quá trình phân cực và trẻ hóa nền dân chủ Mỹ. Một trong những khuyến nghị đơn giản nhất và hấp dẫn nhất là nhiều bang hơn nữa chuyển từ những cuộc bầu cử sơ bộ “khép kín” sang “mở một phần”, tạo điều kiện cho không chỉ những đảng viên có đăng kí mà cả những cử tri chưa phải đảng viên, những cử tri độc lập đánh giá những người được đảng chỉ định tham gia tranh cử (như một số bang, trong đó có New Hampshire đã làm.)1 Mở những cuộc bầu cử sơ bộ cho nhiều cử tri tham gia (trong đó có những cử tri độc lập, những người, nói chung, đều có quan điểm ôn hòa hơn) sẽ làm giảm xu hướng phê chuẩn những ứng viên và quan điểm ý hệ “tuyệt đối”.

Tiếp theo, cần phải tiến hành cải cách ngay những biện pháp dùng để chia lại khu vực bầu cử quốc hội và hội đồng lập pháp bang sau mỗi cuộc điều tra dân số được tiến hành mười năm một lần. Như Nivola và Galston nhận xét: “Rất ít chế độ dân chủ phương Tây chia khu vực bầu cử của họ theo cách chính trị hóa như các cơ quan lập pháp bang của Hoa Kỳ.”2 Lý tưởng là đưa quá trình này ra khỏi nền chính trị đảng phái và giao nó cho một ủy ban phi đảng phái (như bốn bang khác nhau đã làm bằng phiếu của cử tri đoàn trong mấy năm gần đây). Công trình nghiên cứu của Viện Nghiên cứu về Chính quyền ở Berkeley (Institute for Government Studies at Berkeley) đã phát hiện ra rằng chuyển trách nhiệm tái phân bố khu vực bầu cử cho ủy ban độc lập tạo ra những cuộc bầu cử có tính cạnh tranh hơn.3

Nhưng, tại sao không đi tiếp? Trong những chế độ dân chủ lâu đời cũng như mới xuất hiện, Hoa Kỳ là ngoại lệ vì không có ủy ban bầu cử độc lập và chuyên nghiệp trên toàn quốc. Chế độ liên bang của Mỹ có lẽ sẽ chỉ cho ủy ban bầu cử quốc gia đặt ra các tiêu chuẩn cho các cuộc bầu cử liên bang và tìm ra những cách làm tốt nhất, nhưng đây là việc cực kì cần thiết, nhất là trong thời đại, khi mà nhiều cử tri không tin vào tính chính trực và sự an toàn của bộ máy và quy trình tuyển cử. Tiêu chuẩn quốc gia có thể được sử dụng – khi dùng máy điện tử – để bảo đảm cho cử tri biên lai trên giấy về phiếu của họ để họ có thể kiểm tra ngay tại trận và sau đó bỏ vào hòm phiếu như là biện pháp kiểm tra cuối cùng. Và chắc chắn là Hoa Kỳ có thể làm tốt hơn là lời xin lỗi vì đã có những quan chức đảng được bầu làm chủ tịch ủy ban bầu cử bang (như ở Florida và California). Điều này chỉ làm giảm niềm tin vào quá trình, khi phiếu bầu có lỗi hay máy bầu cử trục trặc. Trong chế độ dân chủ có một số việc – như tổ chức bầu cử và đối với vấn đề này, sự công bằng – tốt nhất là để cho những người chuyên nghiệp không do dân bầu, làm. Mỗi bang ở Hoa Kỳ nên có một quan chức phi đảng phải quản lý các cuộc bầu cử.

Quốc hội cũng đứng trước những thách thức về phân cực, hay theo lời của Nivola và Galston, là khôi phục lại “sự cân bằng hơn nữa giữa các giá trị cạnh tranh với nhau là nguyên tắc đa số và quyền của thiểu số” trong cả hai viện quốc hội.4 Họ đề xuất đưa đảng chiếm thiểu số tham gia đầy đủ hơn vào các ủy ban hội nghị Thượng-Hạ viện để hòa giải những phương án khác nhau của các dự luật, hạn chế sử dụng quyền ngăn chặn việc thông qua dự luật ở thượng viện; và “hiệp ước lưỡng đảng” nhằm chấm dứt việc sử dụng các “qui định bảo thủ”, tức là cấm sửa đổi các tu chính đang chờ được thông qua và làm cho việc hình thành “liên minh ôn hòa trở thành khó khăn hơn.”5 Cải tiến khác của họ, rấtđáng khen và đã để quá lâu, là chuyển giao việc chỉ định các thẩm phán liên bang bên dưới Tòa án Tối cao cho các ủy ban lưỡng đảng, tạo điều kiện cho những trường hợp phê chuẩn của Thượng viện thoát khỏi những cuộc phô trương đảng phái. Cùng với việc chỉ định các thẩm phán Tòa án Tối cao giữ chức vụ một nhiệm kì kéo dài (nhưng không phải suốt đời), cuộc cải cách về phê chuẩn sẽ giúp làm giảm khó khăn trong chính sách tư pháp và cùng với nó là sự phân cực. Nhưng điều đó lại đòi hỏi phải tu chính hiến pháp; Nivola và Galston đưa ra đề xuất uyên bác là khẳng định cản trở việc thông qua dự luật là biện pháp hợp pháp nhằm chặn các thẩm phán của Tòa án Tối cao, như vậy là yêu cầu đa số tuyệt đối sáu mươi phiếu và sự ủng hộ lưỡng đảng cho tất cả những người đã được chỉ định và được phê chuẩn.6

Nói chung, nền dân chủ Mỹ phải chuyển biến mạnh hơn nữa trong việc phi chính trị hóa những vấn đề lớn và cấp bách, thường bị những quyền lợi hạn hẹp cản trở hoặc giành giật được. Mô hình khả dĩ có thể theo là qui trình Tái tổ chức và Đóng cửa Cơ sở (Base Realignment and Closure – BRAC) được bộ Quốc phòng sử dụng từ năm 1989. Theo qui trình này, chín thành viên thuộc ủy ban BRAC gồm các chuyên gia lỗi lạc đánh giá những thay đổi do Lầu Năm Góc đề xuất cho các căn cứ quân sự (đóng cửa, thu hẹp và mở rộng) bằng cách đến thăm địa điểm và nghe điều trần. Tổng thống phải chấp nhận toàn bộ hay bác bỏ toàn bộ danh sách, và nếu tổng thống chấp nhận, quốc hội trong vòng 45 ngày phải đưa ra nghị quyết chung (hai viện – ND) nhằm bác bỏ toàn bộ danh sách, nếu quốc hội không làm được như thế, danh sách sẽ được thi hành. Stephen Flynn, thành viên Hội đồng quan hệ đối ngoại khuyến nghị sử dụng mô hình này để đặt ra các ưu tiên cho việc sửa chữa và nâng cấp cơ sở hạ tầng vật chất đang tan rã của đất nước, vấn đề này từng là mục tiêu cao nhất của những khoản dành riêng trong một thời gian dài. “Ủy ban phục hồi cơ sở hạ tầng” gồm 15 thành viên do hội đồng lưỡng đảng của quốc hội chỉ định và phê chuẩn sẽ “xác định những khoản đầu tư cấp bách nhất, không phụ thuộc vào việc dự án được triển khai nằm trong khu vực bầu cử nghị viên nào.”7

Những đề xuất về việc thành lập các ủy ban lưỡng đảng (hay không đảng phái), ví dụ, đề điều tra những cuộc tấn công nước Mỹ ngày 11 tháng 9 năm 2001 và kiến nghị chiến lược mới cho sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Iraq – có ba nguyên tắc hành động căn bản.8 Thứ nhất, các ủy ban có đại diện cân bằng giữa hai đảng, trong đó có các cựu nghị sĩ, thống đốc, thư kí nội các và những người được xã hội tôn trong khác. Thứ hai, vì phần lớn hay tất cả những thành viên các ủy ban này đều đã không còn tham gia hoạt động chính trị tích cực nữa, họ có nhiều thời gian hơn để xem xét những vấn đề trọng yếu, không bị lệ thuộc vào những nhu cầu chính trị và những hạn chế trong ngắn hạn. Và, thứ ba, các thành viên có trách nhiệm tìm kiếm sự đồng thuận, như trong trường hợp Nhóm nghiên cứu Iraq, các khuyến nghị của họ gây ra tranh cãi, lúc đó, ít nhất, đại diện của hai đảng đã cam kết cùng nhau vượt qua thử thách.

Chú thích:

1. Trong những cuộc bầu cử sơ bộ mở hoàn toàn, bất kì cử tri nào cũng có thể đăng kí bầu trong bất kì cuộc bầu cử sơ bộ nào. Điều này cho phép đảng viên Dân chủ bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa chứ không bỏ phiếu trong bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ và ngược lại, như thế là làm hỏng hoàn toàn ý tưởng về hệ thống đảng phái. Vì lí do này mà tôi không ủng hộ cuộc bầu cử sơ bộ mở hoàn toàn. Thú vị là, Nivola and Galston báo cáo rằng (p. 269) những cuộc bầu cử sơ bộ mở hoàn toàn không tốt bằng những cuộc bầu cử sơ bộ mở một phần trong khi lựa chọn các nghị sĩ hạ viện, những người thể hiện “trung vị những ưu tiên của cử tri trong khu vực bầu cử của họ”.

2. Nivola and GalSion, “Toward Depolarization”, p. 263.
3. Lisa Vorderbrueggen, “Berkeley Analysis Backs Redistricting Changes”, Mercury News (San Jose), February 24, 2007.
4. Nivola and Galston, “Toward Depolarization”, p. 254.

5. Ibid., 274.
6. Ibid., pp. 258-59 bản thảo. Nivola and Galston propose đề xuất một nhiệm kì duy nhất, kéo dài 18 năm cho các thẩm phán Tòa án Tối cao. Nhiệm kì kéo dài như thế (hay thậm chí là 20 hay 25 năm) sẽ giảm, ít nhất là phần nào khó khăn.

7. Stephen Flynn, The Edge of Disaster (New York: Random House, 2007), p. 112..
8. Xin đọc The 9/11 Commission Report: Final Report of the National Commission on Terrorist Attacks Upon the United States (New York: W.W. Norton, 2004); và The Iraq Study Group Report: The Way Forward – A New Approach (New York: Vintage Books, 2006).

Nguồn: Larry Diamond (2008). Tinh Thần Dân Chủ. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Spirit of Democracy (2008)

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường