Cuộc cách mạng Satoshi - Chương 1: Lắng nghe Quá khứ

Cuộc cách mạng Satoshi - Chương 1: Lắng nghe Quá khứ

Về tác phẩm  The Satoshi Revolution: A Revolution of Rising Expectations [Cuộc cách mạng Satoshi - Một cuộc cách mạng của những kỳ vọng] 

 “Bitcoin thể hiện sự tự do cá nhân”

“Tác phẩm Satoshi Revolution áp dụng các lý thuyết kinh tế thị trường tự do và các nguyên lý triết học của chủ nghĩa tự do cổ điển vào tiền mật mã để chỉ ra rằng tất cả chúng đều là một phần của cùng một thế giới tư tưởng.”

Tác phẩm Cuộc cách mạng Satoshi khám phá các nguyên lý cốt lõi của tiền mật mã, chẳng hạn như trật tự tự phát, cũng như vai trò quan trọng của nó trong sự phát triển của tiền tư nhân trong xã hội.

Vào năm 2009, Bitcoin xuất hiện trên internet. Kể từ đó, thế giới đã thay đổi mãi mãi. Tác phẩm Cuộc cách mạng Satoshi là một tuyên bố đầy thách thức về bối cảnh triết học và kinh tế để giải thích vì sao tiền mật mã mang lại sự tự do trong hành động. Chiến trường ở đây xảy ra giữa tự do với quyền lực, giữa thị trường và xã hội tự do với nhà nước. Ý tưởng hình thành tiền tuyến.

Cách mạng Satoshi đan xen các khái niệm kinh tế học trường phái Áo, chẳng hạn trật tự tự phát và chủ nghĩa cá nhân về phương pháp luận, thành câu chuyện về cách tiền phát triển như một động cơ của tự do, thịnh vượng và tiến bộ cho cá nhân và xã hội.

Từ thời nguyên thủy cho đến thời kỳ tiền mã hóa, Cuộc cách mạng Satoshi phác họa vai trò của tiền tư nhân trong việc thúc đẩy thương mại mà quyền con người và phẩm giá phụ thuộc vào. Và, sau đó là nhà nước. Việc phát hành và lưu chuyển tiền được độc quyền hóa để mang lại lợi ích cho những người nắm quyền; những người sản xuất ra của cải thực sự bị bần cùng hóa và bị bắt làm nô lệ. Tình trạng này không nên xảy ra.

Cuộc cách mạng Satoshi khám phá cách các loại tiền tệ tư nhân lưu thông hiệu quả trong thời thuộc địa và cách chúng xuất hiện trở lại ngày nay để làm giàu cho các cá nhân chứ không phải giới thượng lưu. Nó phân tích vai trò của quyền riêng tư, phân quyền và các dấu hiệu truyền thống khác của tự do trong quá trình này.

Tóm lại, Cuộc cách mạng Satoshi cung cấp một ngôi nhà trí tuệ về tiền mật mã và một bản thiết kế về cách một xã hội tự do có thể xây dựng xung quanh nó. Hãy đọc nó ngay hôm nay!

CHƯƠNG 1: LẮNG NGHE QUÁ KHỨ

“Vấn đề gốc rễ với tiền tệ đương đại nằm ở niềm tin cần có để nó thật sự có giá trị. Ngân hàng trung ương được tin là sẽ không phá giá tiền tệ, nhưng lịch sử tiền pháp định đã cho thấy niềm tin đó liên tục bị xâm phạm. Các ngân hàng được tin tưởng là nơi giữ tiền của chúng ta và luân chuyển khoản tiền đó trong không gian điện tử, nhưng họ lại cho vay trong làn sóng bong bóng tín dụng và hầu như không giữ lại gì để dự trữ. Chúng ta phải tin tưởng họ sẽ bảo mật thông tin cá nhân của mình, rằng họ sẽ không để những kẻ trộm danh tính rút tiền khỏi tài khoản của chúng ta” – Satoshi Nakamoto.

Vấn đề tín thác bên thứ ba đã trở thành nỗi ám ảnh đối với các hệ thống tài chính và trao đổi tập trung hiện đại vì con người cần có một trung gian để khiến việc này khả thi. Động cơ tốt hay xấu của bên thứ ba trở thành một khía cạnh quan trọng của giao dịch, và những người sử dụng những định chế này đều phải phó mặc cho những động cơ đó. Điều này đặc biệt đúng với hệ thống tiền tệ hiện tại do nhà nước phát hành và hệ thống ngân hàng trung ương.

Một hệ thống không dựa trên tín thác sẽ tránh được các tổ chức trung gian và không phụ thuộc vào ý định của những bên liên quan; theo đó, hệ thống hoạt động theo cách không quan tâm đến mục đích của bất kỳ ai. Công nghệ chuỗi khối (blockchain), dựa trên một giao thức minh bạch, ngang hàng và không thể sửa đổi, được coi là phi tín thác vì không có những trung gian có động cơ tha hóa ảnh hưởng đến giao dịch. 

Trong một quy mô nhỏ, vấn đề tín thác bên thứ ba có thể luôn tồn tại vì người trung gian là hữu ích hoặc cần thiết trong một số tình huống. Nếu bên thứ ba đưa ra các dịch vụ mang tính cạnh tranh trong thị trường tự do, thiệt hại của việc thiếu trung thực và không có năng lực sẽ hạn chế. Mọi người có thể kinh doanh ở nơi khác, trình báo những kẻ lừa đảo cho chính quyền, cảnh báo những người khác và đệ đơn kiện. 

Một bên thứ ba đôi lúc không đáng tin có thể không phải là vấn đề mà Satoshi nêu ra. Ông ấy nói về sự tham nhũng mang tính thể chế của chính phủ và ngân hàng trung ương, những nơi mà người bình thường không thể tránh được bằng cách sử dụng đối thủ cạnh tranh hay bằng việc kiện tụng. Phần lớn những người làm việc bàn giấy, kinh doanh, mua bán hàng hóa, chấp nhận lợi ích chính phủ hoặc trả thuế phải chấp nhận một đồng tiền pháp định liên tục bị mất giá do lạm phát. Hầu hết mọi người sử dụng thẻ tín dụng, ngân phiếu, vay nợ, làm thương mại hoặc kinh doanh nước ngoài cần phải làm việc với những ngân hàng mà trộm cắp tiền như những kẻ cướp say xỉn.

Đối với những người bình thường, tình hình có vẻ là vô vọng vì không có giải pháp thay thế hợp pháp, có tính thực tiễn do tư nhân cung cấp cho việc giao dịch tiền giữa những khoảng cách địa lý lớn, bao gồm cả qua biên giới. Nỗ lực cải cách hoặc xóa bỏ hệ thống dường như đã thất bại vì hệ thống vốn đã tham ô và bao che lẫn nhau. Thực tế, tiền pháp định và ngân hàng trung ương hoạt động vì mục đích đặt ra lúc đầu khi thành lập chúng: kiểm soát tài chính bởi giới tinh hoa. Nhu cầu của con người đối với tiền và trao đổi đã trở thành tấm áo choàng của họ.

Và rồi Satoshi xuất hiện, lần lượt tiếp sau là công nghệ chuỗi khối (blockchain) và tiền mật mã (crypto). Một khái niệm mới về tiền tệ được tạo ra dưới hình thức mà không thể bị lạm phát; số lượng bitcoin được cố định ở mức 21 triệu đơn vị có thể phân chia được. Nguồn cung chỉ có thể giảm khi đồng tiền bị mất, điều mà không thể tránh khỏi. Satoshi lưu ý rằng, “Những đồng tiền bị mất chỉ khiến đồng tiền của những người khác tăng giá thêm một chút. Hãy xem nó như một khoản từ thiện cho mọi người”. Bitcoin đã giải quyết được vấn đề pháp định. 

Một khái niệm mới về giao dịch tài chính đã giải quyết vấn đề về bên thứ ba, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến ngân hàng. Mặc dù các giao dịch ngang hàng có sự tham gia của một người trung gian hoặc người đào bitcoin, nó không yêu cầu phải có sự tín thác vì giao dịch được thực hiện chỉ khi “bằng chứng về công việc” được kết xuất, bằng việc giải một bài toán phức tạp. Để giải được bài toán có thể tốn kém về năng lượng máy tính và thời gian, nhưng bản thân các lời giải thì rất dễ kiểm chứng. Satoshi bình luận rằng “Với tiền điện tử dựa trên những bằng chứng hình ảnh được mã hóa, không cần đến niềm tin vào một bên trung gian thứ ba, tiền có thể được đảm bảo và giao dịch một cách không tốn công sức”. Sự hiệu quả và hợp lý của giao thức chuỗi khối (blockchain) được bảo đảm thông qua việc sử dụng một nguồn mở mà công khai với tất cả mọi người và có thể kiểm chứng được. Kết quả về mặt chính trị là: một đồng tiền cá nhân và phương thức giao dịch giải thoát con người khỏi sự đàn áp về tài chính. 

Mặc dù vậy, bản thân ý tưởng về đồng tiền cá nhân không hoàn toàn là mới.

Tiền lệ trong học thuyết chủ nghĩa cá nhân triệt để

Friedrich Hayek là nhà kinh tế quá cố, theo trường phái Áo, được kính trọng nhất của thế kỷ 20. Tác phẩm của ông The Denationalisation of Money: An Analysis of the Theory and Practice of Concurrent Currencies​ [Phi quốc hữu hóa tiền tệ: Một Phân tích các Lý thuyết và Thực tiễn của Các loại tiền tệ đồng quy] đã đưa ra những lập luận có sức thuyết phục mạnh về việc các đồng tiền cá nhân và cạnh tranh có thể thay thế các loại tiền tệ do chính phủ phát hành. Hayek suy tư về một câu hỏi trọng yếu. “Khi nghiên cứu về lịch sử của tiền tệ, người ta không tránh được băn khoăn về việc vì sao con người có thể chịu đựng lâu đến vậy việc chính phủ thực thi quyền lực tuyệt đối [về tiền] trong suốt 2000 năm, mà thường xuyên bóc lột và lừa lọc họ. Điều này chỉ có thể được giải thích theo cách rằng câu nói hoang đường "tiền của chính phủ là cần thiết" đã trở nên vững chắc đến mức ngay cả những nghiên cứu viên chuyên nghiệp cũng không bao giờ thắc mắc về vấn đề này. Nhưng một khi niềm tin về tính hiệu lực của học thuyết đã được thiết lập bị lung lay thì nền tảng của nó nhanh chóng bị coi là mong manh."

Chính phủ thu được nguồn lợi nhuận phi thường từ việc phá giá đồng tiền, nhưng trò chơi thao túng này chỉ hiệu quả nếu con người không có cách nào khác ngoài việc tham gia. Mục đích chính trị của đồng tiền pháp định và luật ngân hàng là trao quyền lực độc quyền cho nhà nước, theo đó cho phép phân phối lại của cải và quyền lực từ những người bình thường vào tay nhóm người thượng lưu của xã hội. Tuy nhiên tiền pháp định và hoạt động ngân hàng vẫn rất mong manh vì hệ thống phụ thuộc vào người dân hoặc không hiểu về tính động [của nền kinh tế] hoặc chẳng có lựa chọn nào.  Hayek băn khoăn vì sao nhận thức đại chúng lại khó nắm bắt đến vậy. Vì sao “sự độc quyền của chính phủ trong việc cung cấp tiền tệ một cách phổ biến lại được xem là cần thiết” và việc gì sẽ xảy ra nếu “việc cung cấp tiền tệ được mở cửa cho sự cạnh tranh của những định chế tư nhân trong việc cung cấp các loại tiền tệ khác nhau?”

Như là một sự tiên tri, Hayek đưa ra lập luận về các loại tiền được phát triển bởi các nghiệp chủ khởi tạo, những người sáng tạo ra các hình thức tiền mới như cách họ đổi mới trong các lĩnh vực khác. Một trong những hạn chế của sự độc quyền chính phủ là nó làm đóng băng đối với loại phát minh hiện đang nằm ngoài vòng kiểm soát dưới dạng mã hóa (crypto). Nhà sử học theo chủ nghĩa tự nguyện Carl Watner nhận xét: “Không ai có thể biết trước những đồng tiền này có thể xuất hiện dưới hình thức nào vì không ai  biết chắc chắn những lựa chọn nào mà các cá nhân sẽ thực hiện hoặc những công nghệ mới nào có thể được khám phá. Các điều luật buộc mọi người sử dụng tiền của Cục Dự trữ Liên bang đã đóng băng sự phát triển tiền tệ ở một giai đoạn nhất định… Hãy tưởng tượng nếu Quốc hội đã bảo vệ Hệ thống bưu điện bằng cách thông qua luật ngăn cản mọi người giao tiếp qua internet. Chúng ta sẽ không bao giờ được trải nghiệm những điều kỳ diệu của thư điện tử ”.

Nhà kinh tế học quá cố theo trường phái Áo Murray Rothbard cũng phải vật lộn với câu hỏi “tại sao mọi người lại phản đối tiền tệ tư nhân một cách mạnh mẽ như vậy?” Cuốn sách For a New Liberty: The Libertarian Manifesto​ [Vì một nền tự do mới: Tuyên ngôn Tự do cá nhân] của ông đã đưa ra lời giải thích. “Nếu giả dụ chính phủ và chỉ chính phủ độc quyền kinh doanh sản xuất và bán lẻ giày, thì phần lớn công chúng sẽ ứng xử thế nào khi những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân cổ xúy chính phủ hãy rời khỏi ngành kinh doanh giày và mở cửa cho doanh nghiệp tư nhân? ” Rothbard dự đoán rằng những người hoài nghi sẽ tấn công những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân vì đã tước đi nguồn cung giày duy nhất có thể có của họ - chính phủ. Mọi người bị tuyên truyền kỹ càng để tin rằng cuộc sống hàng ngày không thể hoạt động nếu không có nhà nước và tiền pháp định.

Hayek và Rothbard không giống những nhà kinh tế học thị trường tự do khác khi ủng hộ tiền tư nhân và hệ thống tiền tệ. Ngay cả những người theo chủ nghĩa tự do cũng hiếm khi ủng hộ tiền tệ thị trường tự do hoặc ngân hàng tư nhân. Thay vào đó, họ tranh luận về các vấn đề ngoài lề như hệ thống dự trữ một phần và các cải cách khác mà họ cho rằng sẽ cải thiện hệ thống hiện có. Hoặc họ tranh luận về việc khôi phục bản vị vàng như thể nó là một loại thuốc chữa bách bệnh. Nhưng nếu một bản vị vàng được áp dụng cho tiền pháp định, hệ thống vẫn sẽ yêu cầu mọi người tin tưởng vào chính phủ và các ngân hàng. Điều này có nghĩa là tin tưởng cả hai định chế này sẽ hành động chống lại lợi ích của chính họ, điều mà họ đã khước từ trong lịch sử. 

Việc bỏ qua đồng tiền và hoạt động ngân hàng thị trường tự do bởi các nhà kinh tế hiện đại là điều bất thường vì những người theo chủ nghĩa cá nhân triệt để ở thế kỷ 19 tập trung mạnh mẽ vào tầm quan trọng của tiền tư nhân và ngân hàng tư nhân đối với tự do cá nhân. Họ đặt trọng tâm cơ bản vào quyền của mỗi cá nhân được tạo ra tiền tệ của riêng mình và hoạt động như một ngân hàng của riêng mình. Đó là một quyền tự nhiên quan trọng như quyền tự do ngôn luận hoặc tôn giáo. Benjamin Tucker, một người theo chủ nghĩa cá nhân có ảnh hưởng, tin rằng quyền phát hành tiền tệ tư nhân quan trọng đến mức tự nó có thể phá hủy Nhà nước. Lý luận của ông cho rằng: Độc quyền tiền tệ, bao gồm kiểm soát tín dụng là cách Nhà nước duy trì chính nó và cướp đi từ những người bình thường không chỉ của cải mà còn cả cơ hội kinh tế.

Hai sự kiện cụ thể đã tạo nên cách tiếp cận mà những người theo chủ nghĩa cá nhân-vô chính phủ thời kỳ đầu đã áp dụng đối với độc quyền tiền tệ. Một là Cuộc hoảng loạn năm 1837 khiến Hoa Kỳ rơi vào suy thoái cho đến giữa những năm 1840. Các nguyên nhân thường được trích dẫn của Cuộc hoảng loạn bao gồm bong bóng đất đai sụp đổ và giá bông sợi giảm mạnh. Tổng thống Andrew Jackson cũng bị chê trách vì đã phủ quyết việc tái nạp tiền cho The Second Bank of the United States và gây ra một chuỗi các sự kiện kinh tế đáng tiếc. Dựa trên công trình của Giáo sư Kinh tế Peter Temin, Rothbard phản đối cách giải thích này.

Trước hết, ông ấy (Temin) chỉ ra rằng lạm phát giá thực sự bắt đầu sớm hơn, khi giá bán buôn đạt mức đáy 82 vào tháng 7/1830 và sau đó tăng 20,7 % trong ba năm để đạt mức 99 vào mùa thu năm 1833. Nguyên nhân của sự gia tăng rất đơn giản: Tổng cung tiền đã tăng từ 109 triệu USD năm 1830 lên 159 triệu USD năm 1833, tăng 45,9%, hay mức tăng hàng năm là 15,3 %. Phân tích chi tiết hơn, tổng cung tiền đã tăng từ 109 triệu USD vào năm 1830 lên 155 triệu USD một năm rưỡi sau đó, một mức tăng ngoạn mục là 35%. Không còn nghi ngờ gì nữa, việc mở rộng tiền tệ này đã được thúc đẩy bởi Bank of the United States khi còn thịnh, đã tăng phát hành ngân phiếu và tiền gửi từ tháng 1/1830 đến tháng 1/1832 từ tổng số 29 triệu USD lên 42,1 triệu USD, tức tăng 45,2 %. Do đó, lạm phát giá cả và tiền tệ trong vài năm đầu của thập niên 1830 một lần nữa được châm ngòi bởi sự mở rộng của ngân hàng trung ương khi còn giữ vị trí thống lĩnh.

Có thể cho rằng, Cuộc hoảng loạn bắt đầu vào tháng 5 năm 1837 khi các ngân hàng ở thành phố New York thông báo rằng họ sẽ không mua lại thương phiếu để lấy tiền bằng mệnh giá đầy đủ. Trong số khoảng 800 ngân hàng ở Mỹ, trừ 6 ngân hàng, tất cả đều ngừng chấp nhận đổi tiền giấy và tiền gửi lấy tiền vàng hoặc bạc vì lý do này hay khác. Sự nghi ngờ và căm ghét đối với các ngân hàng truyền thống và tiền do chính phủ phát hành đã tăng vọt, với việc những người có tư tưởng triệt để đòi xem xét kỹ lưỡng các hệ thống thay thế.

Một sự kiện khác cũng tác động mạnh mẽ đến cơn sốt mong muốn cải cách triệt để hệ thống tiền tệ chính là cuộc Nội chiến mà theo đó miền Bắc tài trợ cho cuộc chiến của mình thông qua các Đạo luật đồng tiền pháp định (Legal Tender Act) và Đạo luật Ngân hàng Quốc gia năm 1863.

Những người triệt để không chỉ đơn thuần đưa ra lý thuyết; họ đã thử nghiệm với tiền tệ tư nhân và các mô hình kinh tế mới. Những nỗ lực của họ thật thần kỳ, nhưng chúng cũng tạo thành những câu chuyện cảnh giác. Một vấn đề lớn của chủ nghĩa vô chính phủ theo thuyết cá nhân chủ nghĩa ở thế kỷ 19 là sự chấp nhận chung về mối liên hệ giữa tiền tệ và lý thuyết giá trị lao động. Lý thuyết này cho rằng giá trị thực của một hàng hóa hoặc dịch vụ dựa trên lao động cần thiết để sản xuất ra nó chứ không phải là giá mà người bán và người mua sẵn sàng trao đổi. Tóm lại, một hàng hóa có giá trị nội tại chứ không phải giá trị chủ quan. (Đọc thêm về điều này trong phần Định lý hồi quy.) Đáng mừng là mục tiêu kinh tế chính của họ là xóa bỏ “độc quyền tiền tệ”. Thuật ngữ này đề cập đến ba hình thức độc quyền khác nhau nhưng tương tác với nhau: hoạt động ngân hàng, thu lãi và đặc quyền phát hành tiền tệ. Việc xóa bỏ quyền lực nhà nước đối với tiền tệ là trọng tâm, và họ tránh sử dụng vũ lực để thực hiện các kế hoạch của mình.

Josiah Warren đã đưa ra một ví dụ thực tế về ý nghĩa của một loại tiền tệ dựa trên lý thuyết giá trị lao động. Được ghi nhận là người theo chủ nghĩa vô chính phủ đầu tiên của Mỹ, Warren đã thử nghiệm giải pháp cụ thể của mình cho tình trạng độc quyền tiền tệ thông qua Cửa hàng thời gian (Time store) mà qua đó ông đã phát hành “Tín phiếu lao động”. Vào năm 1827, công việc kinh doanh mở ra với số hàng tạp hóa và hàng khô trị giá 300 USD được cung cấp với mức chênh lệch 7% so với chi phí riêng của Warren để trang trải các chi phí chung. Đây là trước khi hàng tạp hóa được đóng gói sẵn hoặc cân trước, và thông thường người mua sẽ mặc cả với chủ cửa hàng thay vì trả theo giá niêm yết. Một trong những đổi mới của Warren là niêm yết giá, giúp giảm chi phí vì các giao dịch tốn ít thời gian hơn. Khách hàng thanh toán bằng tiền truyền thống cho hàng hóa và thanh toán bằng Tín phiếu lao động để bù đắp thời gian cho Warren. Tín phiếu lao động buộc khách hàng phải cung cấp cho Warren một lượng tương đương với thời gian ông bỏ ra. Ví dụ, nếu người mua là một thợ may, thì Tín phiếu lao động cam kết cô ấy sẽ trả cho Warren X đơn vị thời gian để sản xuất quần áo. Mục tiêu của Warren là thành lập một nền kinh tế — hoặc ít nhất là thiết lập một bằng chứng về nguyên tắc — trong đó lợi nhuận dựa trên sự trao đổi thời gian và lao động. Các Tín phiếu lao động đã được lưu hành và mua bán rộng rãi trong cộng đồng.

Ở một mức độ nào đó, Warren đã thành công. Mọi người sẵn sàng đi quãng đường trăm dặm để tận hưởng hàng hóa với mức giá thấp tại Cửa hàng Thời gian. Sau một vài năm, ông tuyên bố thử nghiệm thành công và đóng cửa hàng. Tuy nhiên, liệu Tín phiếu lao động có thành công hay không vẫn còn là vấn đề đáng tranh cãi. Bản thân cửa hàng có thể đã thành công do giá rẻ, không phải do tín phiếu. Bất kể lời giải thích nào là đúng, rất khó để biết được loại tiền tệ mới lạ này có thể hoạt động như thế nào trong cộng đồng dân cư đông đúc hoặc trên quy mô thương mại lớn hơn. Ngày nay rất ít người bị thuyết phục về khả năng tồn tại của tiền tư nhân dựa trên thử nghiệm của Cửa hàng Thời gian.

Điều gì có thể thuyết phục công chúng và các nhà kinh tế rằng tiền tệ tư nhân hoạt động tốt hoặc tốt hơn tiền do chính phủ phát hành? Quay ngược trở lại xa hơn một chút trong lịch sử Hoa Kỳ là một điểm khởi đầu tốt vì tương lai luôn dựa trên quá khứ.

* Chương này là một phần của bản điện tử năm 2020 của tác phẩm “Cuộc cách mạng Satoshi”.

Nguồn: Wendy McElroy, Chapter 1: Listening to the Past, Bitcoin.com

Dịch giả:
Phạm Lan Hương