Sự cẩn trọng với chiến tranh trong thời kì khai sáng Mỹ

Sự cẩn trọng với chiến tranh trong thời kì khai sáng Mỹ

Do đâu con người nhận thấy chiến tranh không phải thứ đem lại vinh quang? Do đâu con người nhận ra chiến tranh không phải cách giải quyết đầu tiên, mà là cuối cùng? Đâu là những nguồn gốc của nguyên tắc kiểm soát dân sự trong quân đội? Thời kỳ Khai sáng Mỹ đóng vai trò gì trong quá trình đó và ai là những nhân vật chủ chốt? Chương này bàn về chiến tranh trong thời kỳ Khai sáng tại Hoa Kỳ. Tác giả Robert M. S. McDonald là giáo sư lịch sử tại Học viện Quân sự Hoa Kỳ và là học giả tại Viện Cato. Ông đã có nhiều ấn phẩm là sách khảo nghiệm và các bài viết nghiên cứu học thuật được công bố rộng rãi về giai đoạn hình thành và phát triển của nước Mỹ. Ông còn là chuyên gia nghiên cứu về đời sống và tư tưởng của Thomas Jefferson.

Đã có thời, chiến tranh được coi là lẽ tự nhiên, được coi là bình thường và thậm chí là một phần tích cực trong cuộc sống. Cách thời hiện đại ngày nay không xa, chiến tranh đã từng được ca tụng. Winston Churchill, một chính khách lỗi lạc của nước Anh, người nổi tiếng chống lại chế độ độc tài quốc xã trong suốt Thế chiến II, trước đó cũng đã từng tự hào khi khẳng định có tham gia vào "rất nhiều cuộc chiến nhỏ lẻ vui vẻ chống lại bọn man rợ". Như ông đã nói "Chúng tôi đã đánh chiếm một cách có hệ thống, qua từng làng xã, và phá hủy nhà cửa, lấp giếng, kéo sập tháp chuông, chặt cây cổ thụ, đốt cháy mùa màng hay phá hồ chứa nước với sự tàn phá kinh hoàng".1

Khi Thế chiến I bùng nổ, hàng đoàn người vui vẻ reo hò trên những đường phố thủ phủ của châu Âu. Chiến tranh được ca tụng vì mang lại vinh quang cho quốc gia. Chiến tranh cũng đã được ca tụng vì những lợi ích kinh tế đi kèm theo đó: một biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế đáng kể do chuyển hướng nguồn lực sản xuất sang chế tạo vũ khí hay các công cụ hủy diệt khác. (Có thể các bạn cho rằng, ngày nay không ai còn tin vào phương thức sử dụng chiến tranh để thúc đẩy phát triển kinh tế, thì có lẽ bạn cũng nên nghĩ lại, vì mới gần đây thôi, Paul Krugman đã cho đăng một bài báo trên tờ New York Times, mơ mộng về một cuộc xâm lược của người ngoài hành tinh để “kích thích” nền kinh tế Mỹ phát triển2).

Ngày nay, mặc dù hầu hết mọi người đều nhận thức được việc tham chiến có thể là cần thiết để bảo vệ tổ quốc hoặc bảo vệ quyền lợi của họ trước sự xâm lược, xung đột vũ trang thì bản thân nó chắc chắn vẫn không được coi là thứ đáng mong đợi. Đa phần chúng ta coi chiến tranh là sự lựa chọn cuối cùng - không phải là đầu tiên - và là mối đe dọa đến cuộc sống, quyền tự do và thịnh vượng. Thái độ hiện đại hơn về chiến tranh này bắt nguồn từ thời kỳ Khai Sáng, một thời kỳ nảy sinh nhiều thay đổi sâu sắc trong quan điểm về những mối quan hệ giữa con người với con người, trong đó bao gồm cả việc đánh giá lại về chiến tranh. Chiến tranh lúc này bị đánh giá là một mối tương tác tiêu cực giữa con người, không hề hướng tới mục đích hướng thiện, văn minh, hay tạo ra lợi ích cho các bên tham chiến hay đất nước mà họ đang đại diện. Thomas Jefferson đã viết năm 1797: "Tôi ghê tởm chiến tranh, và xem nó như là tai họa lớn nhất của nhân loại”.3

Theo Jefferson, các nhà tư tưởng thời kỳ Khai Sáng tại Hoa Kỳ đã có ý thức rất sâu sắc khi đánh giá lại chiến tranh, và áp dụng quan điểm đó khi lãnh đạo cuộc Cách mạng Hoa Kỳ, đòi độc lập cho các thuộc địa của Anh tại Bắc Mỹ để thành lập nhà nước Cộng hoà. Benjamin Franklin đã nói: "chưa từng và sẽ không bao giờ có bất kỳ thứ gì gọi là chiến tranh thiện hay hòa bình ác". Điều này đúng ngay cả đối với những hành động khiêu khích nhỏ lẻ, thoáng qua.4 Kể cả trong trường hợp các hành động này diễn ra trong thời gian dài, dẫn đến chiến tranh, thì những vị khai quốc công thần của Hoa Kỳ đều hiểu rằng chiến tranh có thể thúc đẩy tự do, nhưng cũng có thể là mối hiểm hoạ cho tự do. Xung đột vũ trang có thể là cần thiết để bảo đảm quyền tự do và độc lập, nhưng hậu quả của nó thì lại rất nguy hại. James Madison đã cảnh báo: "Trong số tất cả những kẻ thù của tự do đại chúng, có lẽ chiến tranh là thứ đáng sợ nhất, bởi vì nó là nguyên nhân căn bản dẫn tới những mối đe doạ khác của tự do". Theo Madison, chiến tranh có thể trở thành công cụ để phục vụ lợi ích cá nhân. Chiến tranh là cha đẻ của quân đội – một thể chế hao tiền tốn của, thể chế tồn tại để sinh ra bao khoản nợ và thuế, và tạo nên “thứ công cụ hữu hiệu để trấn áp đa số, bắt đa số phục tùng thiểu số”. Hơn nữa, trong thời kỳ xung đột, "Quyền lực hành xử tuỳ nghi của đội ngũ lãnh đạo tối cao liên tục bành trướng; ảnh hưởng của thứ quyền lực này trong công việc, khen tặng hay lương bổng liên tục được gia tăng, chiếm lĩnh tâm trí con người và làm suy yếu sức lực của họ".5 Và bởi chiến tranh có thể giúp tăng sức mạnh của chính quyền, nó cũng có thể làm giảm quyền tự do cá nhân.

Tuy nhiên, mục đích của chính quyền, như đã nêu trong Tuyên ngôn Độc lập, là đảm bảo quyền tự do cá nhân. Chúng ta thường biết đến một trích dẫn từ bản Tuyên ngôn về sự thật hiển nhiên mà ai cũng đã thuộc lòng: “Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng… với những quyền không ai có thể xâm phạm được,” bao gồm "quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Nhưng người ta lại ít khi trích dẫn những dòng sau đó, những dòng chữ mang ý nghĩa quan trọng hơn nhiều:

Để đảm bảo những quyền này, các chính phủ được lập ra trong nhân dân và có được những quyền lực chính đáng trên cơ sở sự nhất trí của nhân dân, rằng bất cứ khi nào một thể chế chính quyền nào đó phá vỡ những mục tiêu này, thì nhân dân có quyền thay đổi hoặc loại bỏ chính quyền đó và lập nên một chính quyền mới, đặt trên nền tảng những nguyên tắc cũng như tổ chức thực thi quyền hành theo một thể chế sao cho có hiệu quả tốt nhất đối với an ninh và hạnh phúc của họ.

Nói cách khác, khi người dân nhận thấy rằng chính quyền đang phá vỡ quyền sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, họ có thể lật đổ và thiết lập một chính quyền mới để đảm bảo "an ninh và hạnh phúc" của họ.6 (Thomas Jefferson và Quốc hội không đề cập đến vinh quang hay thậm chí sự kích thích phát triển kinh tế). Điểm mấu chốt của chiến tranh giành độc lập của Hoa Kỳ là: làm thế nào để xây dựng quân đội đủ mạnh để đánh bại (hoặc ít nhất là tồn tại lâu hơn) quân Anh – một siêu cường thời bấy giờ - nhưng đồng thời, quân đội không thể quá mạnh để trở thành một mối đe dọa cho quyền tự do công dân mà cách mạng đang xây dựng. Đây quả là một câu hỏi hóc búa, cần giải quyết một cách sáng tạo. Quân đội sẽ cần bị kiểm soát, và cần có những đối trọng nhất định có khả năng hành động độc lập và thực hiện quyền kiểm soát dân sự lên quân đội.

Thành viên Quốc hội Lục địa chắc chắn đã lường trước rằng có những kẻ đang mang khát vọng chiếm đoạt quyền lực, giống như Julius Caesar hay Oliver Cromwell, họ chắc cũng đã nhận ra sự thèm khát quyền lực bẩm sinh của con người, đã được Tacitus cảnh báo từ thời cổ đại, cho tới John Trenchard hay Thomas Gordon vào thời đương đại. Bởi vậy, họ đã lựa chọn George Washington, nghị sĩ bang Virginia, để lãnh đạo Quân đội Lục địa. Dù Washington có nhiều phẩm chất phù hợp cho vị trí này, chúng ta không nên xem nhẹ một thực tế, đó là việc Washington đã dành phần lớn thời gian làm việc về chính sách dân sự tại Viện dân biểu, cơ quan đại diện của nhân dân bang Virginia, sau thời gian tham gia các cuộc chiến tranh với Pháp và với người da đỏ. Việc lựa chọn Washington đã tạo ra một tiền lệ và duy trì truyền thống của Hoa Kỳ: Quân đội phục tùng những lãnh đạo chính trị dân sự. Bởi lẽ, khi Washington đứng đầu quân đội, ông luôn giữ liên lạc mật thiết với các nhà lãnh đạo dân sự và không bao giờ nghi ngờ quyền hạn của họ.7

Nhìn vào cách các thành viên Quốc hội Lục địa bình luận việc thi hành chiến tranh của Washington, thì việc chấp thuận kiểm soát dân sự của ông dường như đặc biệt đáng khen ngợi. Gần như ngay từ ban đầu, Washington đã hiểu rằng thời gian đứng về phía Tân thế giới. Nếu xung đột càng leo thang, thiệt hại người Anh tự gây ra càng lớn, khi họ càng khiến người Mỹ căm ghét bởi các hành động tàn bạo đối với người dân. Chiến tranh dài hơi sẽ làm suy yếu ý chí của chính phủ Anh. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến trái chiều. John Adams đã lo lắng về việc đổ máu kéo dài, đã kêu gọi một cuộc chiến “tốc chiến, tốc thắng” vào năm 1777. Và một số thành viên Nghị viện đã đồng ý. Các ý kiến phản đối này càng trở nên nặng nề với Washington khi ông thua trong trận chiến giành Philadelphia từ tay quân Anh. Tệ hơn nữa, cùng thời gian đó, thiếu tướng Horatio Gates – một sĩ quan cao cấp thứ hai của quân đội Liên bang – lại giành chiến thắng tại Saratoga. Tuy nhiên, thời gian đã chứng minh sự thận trọng và kiếm chế của Washington là đúng đắn, cũng như chứng minh quan điểm rõ ràng và lòng tôn kính của ông dành cho các nhà lãnh đạo dân sự tại Quốc hội Lục địa.8

Nhưng không phải tất cả các sĩ quan Quân đội Lục địa đều noi gương ông. Trong một lá thư năm 1782, đại tá Lewis Nicola đã chuyển đến Washington quan điểm của nhiều sĩ quan khi ông đề nghị rằng chính phủ thành lập theo Các Điều khoản Liên bang đã quá yếu ớt, khó có thể hỗ trợ quân đội một cách hiệu quả. Washington chia sẻ nỗi lo lắng này, nhưng bác bỏ lập luận của Nicola rằng sự lựa chọn duy nhất phù hợp khi đó là ông trở thành hoàng đế nước Mỹ. Trả lời thư này, Washington viết: "Thật là một cảm giác đau buồn…. khi tôi biết rằng những suy nghĩ như vậy đang phát tán trong quân đội". Những suy nghĩ cho rằng sức mạnh quân sự nên là nền tảng của chính phủ, chứ không phải là sự đồng thuận của người dân và phục vụ nhân dân bằng cách đảm bảo quyền của họ, là những suy nghĩ đi ngược lại quan điểm của Washington và các nhân vật tiêu biểu khác của thời kỳ Khai Sáng Mỹ.9

Sự thù địch đối với đội ngũ lãnh đạo dân chủ cộng hòa mới đã xuất hiện trở lại vào năm tiếp theo, khi có một bức thư nặc danh được lưu hành giữa quân nhân Quân đội Lục địa ở gần Newburgh, New York. Không hài lòng về lương bổng và chế độ hưu trí, lá thư này kêu gọi binh sĩ tạo áp lực cho lên Quốc hội nếu Quốc hội không đáp ứng yêu cầu của họ. Khi được biết về điều này, Washington đã triệu tập một cuộc họp. Ông mở một tờ giấy nhỏ ghi lá thư ông dự định đọc trong buổi họp, nhưng điều khiến mọi người bất ngờ là việc Washington rút trong túi ra một cặp kính lão và đeo kính trước khi đọc. Cặp kính lão thể hiện cho sự già yếu và xuống sức của ông. Ông nói: “Thưa các quý ngài, xin phép cho tôi đeo kính. Tôi đã già rồi, mắt cũng mờ đục vì phục vụ đất nước này”. Cách vào đề này gây ấn tượng với các sĩ quan bởi vì họ nghe được từ Washington – người đã gắn bó với Quân đội Lục địa từ những ngày đầu, người từ chối nhận lương từ Quốc hội Lục địa và mang lỗ đạn trên áo khoác, người thể hiện cho lý tưởng đức hạnh. Dù "Âm mưu Newburgh" muốn gây ra mối đe dọa đối với chính quyền dân sự thì mối đe dọa ấy đã tan biến ngay tại thời điểm đó.10

Giống như Cincinnatus, chính khách và chiến binh sống ở thế kỷ 5 tr CN, từ bỏ quyền lực sau khi đánh bại quân Rome, Washington cũng đã từ chức sau khi cuộc chiến kết thúc. Ông hạnh phúc được quay trở lại cuộc sống bình thường. Vào những tháng sau chiến thắng năm 1781 của mình tại Yorktown, ông nhanh chóng muốn để cuộc chiến lại phía sau. "Ước mong đầu tiên của tôi," ông viết, là "được thấy thứ bệnh dịch gây ra cho loài người này bị trục xuất khỏi trái đất; và các con trai, con gái của thế giới này sẽ được sống trong hân hoan và những niềm vui vô hại thay vì phải chuẩn bị đồ đạc, và luyện tập cho việc hủy diệt loài người". Ông hy vọng rằng, nếu chiến tranh là truyền thống của châu Âu, thì nó sẽ không được thiết lập trên đất Mỹ: "Thay vì tranh chấp lãnh thổ, hãy để cho người nghèo khó, thiếu thốn, và bị áp bức ở khắp nơi trên trái đất; những người muốn có đất đai, sẽ cư ngụ tại đồng bằng màu mỡ của các bang miền Tây. Họ sẽ tìm được miền đất hứa, được sống trong hoà bình và làm theo lời răn thứ nhất của Chúa ".11

Ngay cả trong đời sống thường ngày, các cựu sĩ quan quân đội vẫn tiếp tục có một tầm ảnh hưởng lớn. Họ nổi bật trong nhóm các quan chức dân cử và chính khách ủng hộ việc dùng Hiến pháp thay thế cho bản Điều lệ Liên bang vào năm 1787. Chấp thuận yêu cầu của Madison, Washington, do ủng hộ xây dựng chính quyền tập trung, đã chủ trì Hội nghị Lập hiến để tạo tính pháp lý cho các thủ tục tố tụng và trấn an những người Mỹ còn hoài nghi rằng hiến pháp mới sẽ không phải là kẻ thù của tự do. Hiến pháp trao cho chính quyền tập trung những quyền hạn mới đáng kể, đặc biệt là trong hoạt động đối ngoại. Độc lập với các bang, chính quyền có thể đánh thuế, xây dựng, và duy trì quân đội, tuyên bố chiến tranh, và phê chuẩn điều ước quốc tế. Những quyền hạn này được phân bổ cho các ban ngành của Chính phủ liên bang. Ví dụ, trong khi tổng thống mới (ai cũng biết sẽ là Washington) là tổng chỉ huy, quyền tuyên bố chiến tranh được ủy thác đặc biệt cho Quốc hội. Mặc dù tổng thống được trao quyền đàm phán các hiệp ước với quốc gia khác, Thượng viện mới có quyền phê chuẩn hay bãi bỏ và Hạ viện mới có quyền chấp thuận cấp bất kỳ khoản quỹ cần thiết nào để hiệp ước có hiệu lực.12

Đã không có một cuộc chiến nào xảy ra trong thời gian Washington tại nhiệm, nhưng người ta bàn cãi nhiều về các chính sách đối ngoại. Khi Anh và Pháp liên tục xảy ra xung đột, Tổng chỉ huy đã phải cố gắng hết sức để lèo lái một mối quan hệ trung lập. Bị kéo về phía Anh bởi những người theo phái Liên bang và bị kéo về phía Pháp bởi phái Cộng hòa của Jefferson, Washington, vào cuối nhiệm kỳ tổng thống, trong diễn văn từ biệt đã kêu gọi người Mỹ "nuôi dưỡng hòa bình và sống hòa hợp" với toàn thế giới và "tôn trọng đức tin và công bằng với tất cả các quốc gia". Washington nhấn mạnh rằng "một quốc gia vĩ đại, không bị chia cách, được khai sáng và tự do" như Hoa Kỳ cần phải "cho nhân loại thấy những ví dụ hào hùng về một dân tộc luôn được chỉ dẫn bởi một công lý cao thượng và lòng nhân từ". Ông khẳng định rằng: "Cần phải từ bỏ ý muốn ác cảm và ghẻ lạnh, hay duy trình mối quan hệ đồng minh quá gắn bó với bất kỳ quốc gia nào; thay vào đó, chúng ta hãy duy trì những cảm xúc thân ái và công bằng với nhau". Ông còn tự hỏi tại sao nước Mỹ lại cần chọn đồng minh, rồi “khiến nền hòa bình thịnh vượng của đất nước bị vướng bận bởi những mối lo kiểu châu Âu, là tham vọng, là thù địch, là chia sẻ lợi ích, hay cung cách cư xử thất thường”.13

Những nhà lãnh đạo sau đó đã phải rất nỗ lực để thực hiện lý tưởng của Washington. Jefferson, trong phát biểu nhậm chức năm 1801 của mình, đã cam kết "công lý và bình đẳng toàn diện cho tất cả mọi người, ở mọi địa vị hay tín ngưỡng, tôn giáo hay chính trị" và "hòa bình, thương mại, và tình bạn chân thành với tất cả các quốc gia, không vướng vào bất cứ liên minh nào".14 Nhưng chính quyền quốc gia không phải lúc nào cũng có thể giữ được vị trí trung lập, hoặc thậm chí tuân theo Hiến pháp, đặc biệt là trong thời gian có xung đột quốc tế. Một trong những lý do làm tăng thêm người ủng hộ cho Jefferson trong cuộc bầu cử năm 1800 là việc Tổng thống John Adams năm 1798 đã ký phê chuẩn Đạo luật chống Phản loạn, một biện pháp nâng cao quyền lực của chính phủ. Theo Đạo luật này, chính phủ có thể xử tù bất cứ cá nhân nào đến tối đa hai năm nếu người đó "dám viết, in ấn, phát biểu, hoặc xuất bản những lời chỉ trích…. sai sự thật, gây tai tiếng, và nguy hại" tới Tổng thống, Quốc hội, hoặc luật pháp Hoa Kỳ. Đạo luật này được phê duyệt vào giai đoạn Hoa Kỳ đang thực hiện các hành vi chiến tranh không chính thức với Pháp. Những người ủng hộ cho Đạo luật này trình bày về nó như một phương thức tăng cường sức mạnh Hoa Kỳ chống lại thù trong giặc ngoài. Adams có thể thậm chí đã sử dụng nó để làm vui lòng những thành viên phái Liên bang hiếu chiến, những người mong muốn có một cuộc chiến tranh toàn lực mà ông cố gắng tránh. Jefferson và những người chống đối Đạo luật chống Phản loạn coi đó là một sự vi phạm Điều khoản sửa đổi thứ Nhất (của Hiến pháp), được phê chuẩn trước đó 7 năm. Điều khoản này quy định "Quốc hội sẽ không ban hành luật để…. tước đoạt quyền tự do ngôn luận, và quyền tự do của báo chí; quyền của người dân tụ tập hoà bình, và quyền kiến nghị lên Chính phủ về những vấn đề họ bất bình."15

Khi còn tại nhiệm, Tổng thống Jefferson luôn thể hiện được khả năng gia tăng quyền lực cho Chính phủ chiểu theo Hiến pháp, mặc dù ông chỉ làm điều này để giảm thiểu nguy cơ chiến tranh. Lệnh cấm mọi giao thương quốc tế trong thời gian từ năm 1807 tới 1809 đã thể hiện một cách hiểu khá rộng về Điều lệ Liên bang Điều I, Mục 8: Quốc hội có quyền “quy định và điều chỉnh các hoạt động thương mại quốc tế”. Lệnh cấm này được coi như một hình thức thay thế chiến tranh và thực hành “vũ lực một cách hoà bình” với Vương quốc Anh và Pháp. Jefferson thậm chí đã kín đáo thừa nhận rằng Thương vụ Louisiana năm 1803 (Louisiana Purchase) đã vi phạm Hiến pháp, bởi không có bất kỳ điều khoản hợp hiến nào cho phép Chính phủ Liên bang được phép gia tăng diện tích lãnh thổ Hoa Kỳ. Nhưng với cách này, Jefferson đã nhân đôi diện tích nước Mỹ và chiếm ưu thế ở Bờ Tây trước những đối thủ hùng mạnh từ châu Âu, đồng thời giảm tối đa khả năng xảy ra chiến tranh. Jefferson đã lo lắng rằng phần lãnh thổ do Pháp sở hữu (đặc biệt là New Orleans) sẽ trở thành “thế lực đối lập thường xuyên” của Hoa Kỳ và làm ảnh hưởng tới vị trí trung lập của nước Mỹ khi Mỹ sẽ lại "tự gắn bó với Vương quốc Anh".16

Bất chấp những nỗ lực của Jefferson để duy trì hòa bình, người kế nhiệm ông, Tổng thống Madison nhận thấy rằng những hoàn cảnh gây ra xung đột vũ trang rất khó kháng lại. Chiến tranh năm 1812 chống lại Vương quốc Anh đã dẫn đến những hậu quả nặng nề cho Hoa Kỳ. Một cuộc chiến kéo dài và khiến bất đồng nội bộ leo thang do yêu cầu ly khai ở New England. Tuy nhiên, Madison đã chứng tỏ ông là một hiện tượng trong số các tổng thống thời chiến: đó là khi đối mặt với rất nhiều hiểm hoạ, ông không hề cố gắng tăng quyền lực chính phủ hay giảm tự do dân sự.17 Bởi vì ông hiểu rằng, trách nhiệm cơ bản nhất của chính phủ là sử dụng vũ lực nếu cần thiết, để bảo vệ người Mỹ chống lại những mối đe dọa đến tự do của họ. Tuy nhiên, nếu trao cho chính phủ quá nhiều quyền lực, thể chế này có thể lạm quyền và xâm hại tới quyền tự do dân sự mà đáng lẽ cần được bảo vệ.

Ý thức được việc cân bằng quyền lực của chính phủ là mấu chốt, Madison và những nhân vật có tầm ảnh hướng lớn trong Khai sáng Mỹ đã hiểu được ý chí của thế hệ cách mạng: lựa chọn đứng về phía hòa bình thay vì chiến tranh, kiên định ủng hộ lập hiến phân quyền và những hạn chế đối với quyền lực chính phủ, và đánh giá cao các nhà lãnh đạo tự chủ. Sự thận trọng của họ trong chiến tranh không phải là hoàn hảo hay nhất quán một cách hoàn hảo (Alexander Hamilton và Aaron Burr, ví dụ, có thái độ khá bảo thủ với việc sử dụng vũ lực), tất cả những cá nhân kiệt xuất trong cuộc đấu tranh giành độc lập Mỹ đều đồng tình trong việc tìm kiếm khả năng tránh xung đột quốc tế, hạ bệ chiến tranh, và đảo ngược một trật tự lâu đời bằng cách đặt quân đội dưới quyền kiểm soát của nhân dân. Những cá nhân này hình dung đất nước mới của họ là một "đế chế tự do" với khả năng mở rộng lãnh thổ thông qua sự đồng thuận của người da trắng đề nghị được gia nhập một liên hiệp tự nguyện các bang tự do và bình đẳng.18 (các nhà lãnh đạo chính trị thời đó thường bỏ qua quyền sở hữu lãnh thổ của người bản địa, và thổ dân da đỏ thường không hề được tham vấn ý kiến). Cũng giống như Adam Smith, David Hume, Montesquieu, và các nhà tư tưởng Pháp được biết tới với cái tên “trường phái trọng nông” (physiocrats),19 những cá nhân này không có ước mơ thắng trận, họ mơ ước được tự do trao đổi. Quyền tự do trao đổi sẽ là thứ có tiềm năng thúc đẩy thịnh vượng chung, gia tăng kiến thức, và tình bằng hữu. Thomas Paine, trong tác phẩm Common Sense [Lẽ thông thường], đã viết: "chúng ta cần làm thương mại", và, "nếu làm tốt, chúng ta sẽ bảo đảm hòa bình và tình thân ái trên toàn châu Âu". Những sự kiện về sau sẽ làm suy giảm lý tưởng của Paine, nhưng đối với một thế hệ đã cầm vũ khí và chịu đựng những khó khăn rất lớn để bảo vệ quyền độc lập, chỉ nỗi lo mất đi tự do mới có thể làm giảm bớt ác cảm của họ với chiến tranh. Năm 1786, Jefferson đã viết: "Đội quân mạnh nhất một chính phủ có thể có là sự ủng hộ của người dân".20

Thành tựu mà những nhân vật đi đầu trong Khai sáng Mỹ đạt được là rất quan trọng. Họ đưa quyền lực quân sự vào tay chính quyền dân sự. Họ cản trở chiến tranh bằng chính trị, luật pháp, đạo đức và trí tuệ. Những thành tựu mà họ đạt được có thể chưa hoàn hảo và toàn diện – như mọi sinh viên ngành Sử đều biết. Tuy nhiên, họ thực sự đã đưa ra được một quy chuẩn những nguyên tắc đã làm thay đổi thế giới, từ ý tưởng rằng "mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng" cho đến quyền tự do ngôn luận và báo chí và việc để nhân dân nắm quyền quân sự - đảo ngược thông lệ truyền thống khi quân đội quản lý nhân dân. Mặc dù sự bất bình đẳng trên phương diện pháp lý giữa các cá nhân vẫn còn tồn tại, cả việc kiểm duyệt và thậm chí các chính quyền quân sự nữa, thời kỳ Khai sáng Mỹ đã đưa ra được những chuẩn mực đạo đức và chính trị mang tính trường tồn. Tuy nhiên, đúng như điều những cá nhân kiệt xuất thời này lo sợ, các biện pháp chống chiến tranh mà Thế hệ Cách mạng dày công gây dựng đã dần suy yếu dưới nền Cộng hoà mà chính họ đã xây nên. Lịch sử Hoa Kỳ về sau này lại chứng kiến sức mạnh của chiến tranh, khi cơ quan hành pháp thao túng quyền lực của cơ quan lập pháp, giảm minh bạch trong quy trình ra quyết định, đàn áp tự do công dân và tăng nợ, thuế. Mặc dù vậy, những chuẩn mực đạo đức và chính trị được xây dựng trong thời kỳ Khai sáng, tuy suy yếu nhưng vẫn còn đó, và vẫn sẽ tiếp tục nuôi dưỡng niềm hy vọng về một thế giới tự do, hoà bình và chính phủ hạn quyền.

Chú thích:

(1) Trích theo Johan Hari, “The Two Churchills,” bài phê bình cuốn Churchill’s Empire: The World That Made Him and the World He Made, của Richard Toye, New York Times, 12 Tháng Tám 2010.

(2) Josh Sanburn, “Paul Krugman: An Alien Invasion Could Fix the Economy,” Time, 16 Tháng Tám 2011.

(3) Thomas Jefferson gửi Elbridge Gerry, 13 tháng Năm 1797, trong Julian P. Boyd và cộng sự biên tập, The Papers of Thomas Jefferson, 36 tập cho tới nay (Princeton, N.J., 1950–), Tập 29, tr. 364.

(4) Benjamin Franklin gửi Jonathan Shipley, 10 tháng Sáu 1782, trong Leonard W. Labaree và cộng sự biên tập, The Papers of Benjamin Franklin, 40 tập cho tới nay (New Haven, Conn.: Yale University Press, 1959–2011), Tập 37, tr. 457.

(5) James Madison, Political Observations, 20 tháng Tư 1795, trong William T. Hutchinson và cộng sự biên tập, The Papers of James Madison: Congressional Series, 17 tập (Charlottesville, Va.: University Press of Virginia, 1962–91), Tập 15, tr. 518.

(6) The Declaration of Independence as Adopted by Congress, 4 Tháng 1776, trong Boyd và cộng sự biên tập, The Papers of Thomas Jefferson, Tập 1, tr. 429–30.

(7) Bernard Bailyn, The Ideological Origins of the American Revolution (Cambridge, Mass.: Harvard University Press, 1967), trang 36, 48, 61–65, 84, 112–19; Richard H. Kohn, Eagle and Sword: The Federalists and the Creation of the Military Establishment in America, 1783–1802 (New York: The Free Press), 1–13; Joseph J. Ellis, His Excellency: George Washington (New York: Alfred A. Knopf, 2004), tr. 68–72.

(8) John Adams to Abigail Adams, 2 Tháng Chín 1777, in L. H. Butterfield và cộng sự biên tập, The Adams Family Correspondence, 9 tập cho tới nay (Cambridge, Mass.: Harvard University Press, 1963- ), Tập 2, tr. 336; Charles Royster, A Revolutionary People at War: The Continental Army and American Character, 1775–1783 (Chapel Hill, N.C.: University of North Carolina Press, 1979), tr. 116–19, 179–89.

(9) George Washington gửi Lewis Nicola, 22 Tháng Năm 1782, trong John C. Fitzpatrick, ed., The Writings of George Washington, 39 tập (Washington, D.C.: U.S. Government Printing Office, 1931–39), Tập 24, tr. 272–73; Ellis, His Excellency, tr. 138–39.

(10) Kohn, Eagle and Sword, trang 17–39; Ellis, His Excellency, tr. 141–46.

(11) Garry Wills, Cincinnatus: George Washington and the Enlightenment (Garden City, N.Y.: Doubleday, 1984); George Washington gửi David Humphreys, 25 tháng Bảy 1785, trong W. W. Abbot và cộng sự biên tập, The Papers of George Washington: Confederation Series, 6 tập (Charlottesville, Va.: University of Virginia Press, 1992–95), Tập 3, tr. 148–49.

(12) Stuart Leibiger, Founding Friendship: George Washington, James Madison, and the Creation of the American Republic (Charlottesville, Va.: University Press of Virginia, 1999), tr. 58–95.

(13) Joseph J. Ellis, Founding Brothers: The Revolutionary Generation (New York: Alfred A. Knopf, 2001), tr. 120–22, 134–48; George Washington, Farewell Address, 19 tháng Chín 1796, Founders Online, National Archives (http://founders.archives.gov/documents/ Washington/99-01-02-00963, phiên bản 2013-12-27).

(14) Thomas Jefferson, First Inaugural Address, 4 tháng Ba 1801, trong Julian P. Boyd và cộng sự biên tập, The Papers of Thomas Jefferson, 36 tập cho đến nay (Princeton, N.J.: Princeton University Press, 1950–), Tập 33, tr. 150.

(15) Ellis, Founding Brothers, tr. 190–93; U.S. Const. amend. I. Cũng có trong James Morton Smith, Freedom’s Fetters: The Alien and Sedition Laws and American Civil Liberties (Ithaca, N.Y.: Cornell University Press, 1956).

(16) David N. Mayer, The Constitutional Thought of Thomas Jefferson (Charlottesville, Va.: University Press of Virginia, 1994), tr. 215–18, 244–51; Drew R. McCoy, The Elusive Republic: Political Economy in Jeffersonian America (Ithaca, N.Y.: Cornell University Press, 1980), tr. 195–210; Jefferson gửi Robert R. Livingston, 18 tháng Tư 1802, trong Merrill D. Peterson, ed., Thomas Jefferson: Writings (New York: Library of America, 1984), tr. 1105.

(17) Ralph Ketcham, James Madison: A Biography (New York: Macmillan, 1971), tr. 585–86; Benjamin Wittes and Ritika Singh, “James Madison, Presidential Power, and Civil Liberties in the War of 1812,” trong Pietro S. Nivola & Peter J. Kastor, biên tập, What So Proudly We Hailed: Essays on the Contemporary Meaning of the War of 1812 (Washington, D.C.: Brookings Institution Press, 2012), tr. 97–121.

(18) Jefferson gửi Madison, 27 tháng Tư 1809, trong J. Jefferson Looney, biên tập, The Papers of Thomas Jefferson: Retirement Series, 7 tập cho đến nay (Princeton, N.J.: Princeton University Press, 2004), Tập 1, tr. 169; Peter S. Onuf, Jefferson’s Empire: The Language of American Nationhood (Charlottesville, Va.: University of Virginia Press, 2000), tr. 53–79.

(19) Thuật ngữ "physiocrat" có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là "quy luật của tự nhiên." Các nhà tư tưởng theo trường phái này tin rằng xã hội luôn tự điều chỉnh theo những nguyên lý nhất định, không phải nhờ sự dẫn dắt của các “vị hoàng tử” thông thái.

(20) McCoy, The Elusive Republic, 86–100; Thomas Paine, Common Sense, 1776, trong Philip S. Foner, biên tập, The Complete Writings of Thomas Paine, 2 tập (New York: Citadel Press, 1945), 1:20; Jefferson to William Carmichael, 26 tháng Mười Hai 1786, trong Boyd, cùng các thành viên khác, biên tập, The Papers of Thomas Jefferson, 10:634.

Nguồn: Tom G. Palmer, Peace, Love & Liberty, Chương 7, Jameson Books, Inc., 2014

Dịch giả:
Đinh Tuấn Minh
Biên tập:
Palmer, Tom G.