Thương mại tự do đem lại hòa bình

Thương mại tự do đem lại hòa bình

Thương mại quốc tế và các khoản đầu tư xuyên quốc gia giảm bớt động lực gây ra chiến tranh như thế nào? Quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia ảnh hưởng đến hành vi của họ như thế nào? Mối quan hệ giữa hòa bình, thương mại và các chính phủ có năng lực giải trình theo các nguyên tắc dân chủ là gì? Erik Gartzke là phó giáo sư ngành khoa học chính trị tại đại học California tại San Diego, kiêm giáo sư về quản lý nhà nước tại đại học Essex. Nghiên cứu của ông tập trung vào tác động của thông tin và các thể chế đối với chiến tranh và hòa bình. Ông có các tác phẩm xuất bản với nội dung về thương mại, chiến tranh mạng, ngoại giao và các chủ đề có liên quan khác. 

Một loạt những cuộc chiến tranh hủy diệt tàn bạo kéo dài hàng thập kỷ ở châu Âu đã chấm dứt vào năm 1648, khi một hiệp ước mà sau này được biết đến là Hiệp ước Westphalia, đã thiết lập một hệ thống mà theo đó các quốc gia châu Âu có chủ quyền trong đối nội và quyền tự chủ trong đối ngoại. Di sản này đang ngày càng bị thách thức trong một thế giới mà các liên kết kinh tế đã vượt ra ngoài biên giới giữa các quốc gia. Quan hệ phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế là kết quả của việc kết nối về mặt thương mại giữa hai hay nhiều quốc gia lại với nhau. Chính thương mại tạo ra giá trị, theo quan điểm kinh tế học phổ thông. 

Các nhà chính trị học từ lâu đã nhận ra rằng giá trị này của thương mại về bản chất sẽ bị giữ làm “con tin” trong bất cứ xung đột nào giữa các quốc gia. Nếu như con tin này đủ quý giá và bị đe dọa bởi chiến tranh thì các quốc gia có chủ quyền sẽ không còn hoàn toàn tự chủ nữa. Khi mà các lợi ích của thương mại có nguy cơ bị thiệt hại bởi chiến tranh, viễn cảnh về thiệt hại chung này có thể sẽ ngăn cản các cuộc xung đột giữa những đối tác thương mại. Nói một cách đơn giản, nếu người dân ở phía bên này biên giới có những tài sản hay khách hàng quan trọng ở phía bên kia, họ sẽ chẳng dễ gì ủng hộ việc hủy hoại những tài sản hay các mối quan hệ thương mại đó và thiên về việc lên tiếng cho hòa bình. 

Một ảnh hưởng quan trọng khác của thương mại trong việc khuyến khích nền hòa bình và ngăn chặn chiến tranh có lẽ là: nó làm suy giảm giá trị của chính những hàng hóa có thể gặt hái được bằng chiến tranh, và cũng khiến cho việc tạo nên các đội quân chiếm đóng trở nên tốn kém hơn nhiều. Nếu thương mại làm giảm chi phí thực của hàng hóa và nâng cao năng suất lao động thì các công nhân, doanh nghiệp và quốc gia độc lập sẽ muốn dồn nguồn lực của mình cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và tránh xa chiến tranh. Tôi sẽ phân tích các quá trình này một cách chi tiết hơn ở phần dưới đây, sau khi xem xét lại những thông tin cơ bản. 

Sự chuyển biến

Người ta chẳng cần phải có bằng tiến sĩ để thấy rằng thế giới mà chúng ta đang sống ngày nay đã thay đổi hoàn toàn thậm chí so với chỉ một vài thế hệ trước, và hoàn toàn khác so với thế giới vào thế kỷ 17. Cụ thể là thị trường đã bắt đầu tác động đến các vấn đề quốc tế theo cách mà nó đã từng làm đối với những nền chính trị nội bộ quốc gia ở nhiều nơi. Các nhà lãnh đạo thế giới đã bắt đầu nhận ra, với tốc độ chậm rãi lúc đầu nhưng càng nhanh hơn trong những thập niên gần đây, rằng đất nước và người dân của họ được kết nối với nhau thông qua các mạng lưới kinh tế phức tạp và bao quát. Hình 1 đưa ra một minh họa dễ hiểu về tiến trình này trên khía cạnh thương mại quốc tế, tính theo giá trị thực năm 2000 của đô-la Mỹ (đơn vị: trăm tỉ đô-la). 

Hình 1

Xét bình quân thì thế giới cũng đang trở nên thịnh vượng hơn. Hình 2 cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đầu người của thế giới. Để giúp cho việc so sánh theo thời gian trở nên dễ dàng hơn, tôi đã điều chỉnh lại giá trị để thu nhập trung bình vào năm 1821 bằng một. Điều này cho phép chúng ta so sánh sự gia tăng của cải với cuộc hành trình hướng đến một chính phủ hạn quyền hơn và tự do cá nhân được mở rộng hơn. Trong khi quá trình dân chủ hóa trên phạm vi toàn cầu tỏ ra kém đồng đều hơn – phần lớn là do tiến trình phi thực dân hóa khiến số lượng các quốc gia tăng mạnh sau năm 1950 – xu hướng của nó vẫn tăng lên, và hiện tượng này thường được ghi nhận như là các “làn sóng” cải cách chính trị.1 Số liệu về chính thể đo lường cấp độ dân chủ của các quốc gia, với 10 là mức cao nhất và 0 là mức thấp nhất.2 Cả số liệu về chính thể và GDP đầu người được thể hiện ở đây đều là mức trung bình hằng năm của thế giới.3 

Hình 2

 

Kinh tế chính trị học tự do cổ điển đã dự đoán được cả ba thay đổi này cũng như phỏng đoán được những hệ quả của chúng. Cả dân chủ, thương mại và phát triển kinh tế đều đã cải thiện tình trạng của nhân loại bằng nhiều cách khác nhau. Trọng tâm ở đây tập trung vào việc liệu những thay đổi có làm giảm bớt việc sử dụng bạo lực chính trị (trong nội bộ) và chiến tranh (giữa các quốc gia) trong hệ thống hòa ước Westphalia đang hiện hữu hay không, và nếu có thì là những thay đổi nào và như thế nào? Thương mại là một công cụ đặc biệt được ưa chuộng để khuyến khích hòa bình thế giới, nhưng những ảnh hưởng của nó cũng phức tạp bởi cách nó hoạt động và những gì thương mại đã làm để thay đổi các cuộc cạnh tranh và xung đột chính trị. Các nước được liên kết với nhau bởi các mối quan hệ thương mại phổ biến có thể bị “trói buộc” vào những quan hệ hòa bình. Mục tiêu của tôi là hiểu được những ảnh hưởng của mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế. 

Hoài nghi Thomas

Một trong những mô tả thuyết phục nhất về cách thức hoạt động của các mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau được đưa ra bởi nhà kinh tế học được giải Nobel, Thomas Schelling.4 Schelling đưa ra một câu chuyện ngụ ngôn về hai người leo núi được buộc vào nhau bởi một sợi dây thừng. Bằng cách buộc mình với người còn lại, số phận của hai người leo núi này cũng được gắn liền vào nhau và hành vi của họ sẽ phụ thuộc lẫn nhau. Vì cả hai phải cùng leo lên hoặc cùng nhau rơi xuống, mỗi người đều sẽ cẩn thận hơn, hành động một cách thận trọng hơn, và kết quả diễn ra là sự hòa bình giữa hai bên. 

Các nhà lý luận của chủ nghĩa tự do sử dụng lô-gíc về quan hệ phụ thuộc lẫn nhau để làm nổi bật tiềm năng kiến tạo hòa bình của thương mại. Do thương mại quốc tế đã phát triển tuy không đồng đều nhưng bền bỉ từ thế kỷ 17, một loạt các học giả từ Montesquieu, Smith, Paine, Kant, Cobden, Angell và những người khác đến các nhà tư tưởng đương đại như Rosecrance, Russett, và Doyle đã nhấn mạnh sức mạnh kiến tạo hòa bình của quan hệ thương mại có lợi xuyên quốc gia.5 Nếu được kết nối với nhau bởi các quan hệ thương mại có lợi, khả năng các quốc gia gây chiến với nhau hơn sẽ ít hơn, vì trong trường hợp xảy ra chiến tranh, những mối quan hệ thương mại đó sẽ gây ra thiệt hại kinh tế đáng kể. 

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là mối quan tâm của Schelling đối với quan hệ phụ thuộc lẫn nhau không hẳn bắt nguồn từ thương mại, mà từ một vấn đề khác. Trong câu chuyện ngụ ngôn của Schelling, sợi dây trói buộc hai người leo núi không phải là thương mại mà là nguy cơ của một cuộc chiến tranh hạt nhân. Thế bế tắc trong Chiến tranh Lạnh xoay quanh một hiện tượng được gọi một cách màu mè là MAD, tức sự Cùng bị Hủy diệt (Mutual Assured Destruction). Sự xuất hiện của vũ khí hạt nhân và nguy cơ hủy diệt lẫn nhau của cả đôi bên trong một “cuộc chiến bắn” vào nhau bảo đảm rằng Hoa Kỳ và Liên Xô sẽ ngăn chặn lẫn nhau, thậm chí ngay cả khi cả hai quốc gia đều không thể tự bảo vệ cho mình trong hoàn cảnh một cuộc chiến như vậy. Như trong tình huống hai người leo núi, sự hợp tác và ràng buộc sinh ra từ mong muốn ích kỷ tránh sự hủy diệt, chứ không phải từ mục tiêu khuyến khích hòa bình cao cả. 

Bên cạnh đó, Schelling đưa ra minh họa này không nhằm giải thích tình trạng ổn định, mà muốn giải mã cách thức mà các siêu cường có thể tiếp tục cạnh tranh trong một thế giới mà các cuộc đối đầu trực tiếp và công khai dường như là ngoài sức tưởng tượng và hoặc ít nhất là phi lý. Như câu chuyện ngụ ngôn đã làm rõ, các mối liên kết phụ thuộc lẫn nhau – dù là vũ khí hạt nhân hay quan hệ kinh tế – đều có thể ngăn chặn được xung đột. Nhưng, cho dù sự phụ thuộc lẫn nhau về vũ khí hạt nhân đã tạo ra một thế giới mà trong đó chiến tranh tổng lực sẽ không xảy ra, nó đồng thời cũng tạo ra môi trường phát triển cho chính sách “bên miệng hố chiến tranh”, chính sách ngoại giao cưỡng ép, việc tuyên truyền, các cuộc xung đột do bên thứ ba giật dây (“chiến tranh ủy nhiệm”) và các hình thức ngưỡng xung đột khác. Cho dù xuất phát từ nguồn gốc nào, nỗi lo phải gánh chịu hậu quả nếu không đạt được thỏa thuận có thể buộc các chủ thể độc lập phải thỏa hiệp, dù rằng sự hạn chế tạo ra bởi quan hệ phụ thuộc lẫn nhau cũng khuyến khích các chủ thể này phải chơi một trò chơi gọi là “thách đố” (the game of chicken). 

Thương mại có rất ít điểm chung với vũ khí hạt nhân; trong khi thương mại là điều mà chúng ta muốn khuyến khích thì vũ khí hạt nhân lại là một thứ mà nhân loại muốn xóa bỏ. Tuy nhiên, vai trò của cả hai tiến trình này trong việc khiến cho hành động của các quốc gia trở nên phụ thuộc lẫn nhau hơn, và xét trên nhiều khía cạnh thì về cơ bản lại là tương đồng. Cả hai đều bao gồm các hành vi “ích kỷ” nhưng lại có thể đem đến những hệ quả xã hội đúng đắn, tương tự như tương tác xã hội đúng đắn bị ẩn giấu mà Smith đã tìm ra trong cơ chế thị trường. 

Theo luận điểm đã được đưa ra từ lâu bởi các nhà lý luận theo chủ nghĩa tự do, sự gia tăng về lượng của thương mại tạo ra những “con tin” đáng giá hơn và từ đó làm gia tăng động lực cho hòa bình; ngày nay, các cấp độ phụ thuộc lẫn nhau cao hơn có thể khiến cho phương án gây chiến trở nên quá tốn kém khiến cho nó nằm ngoài khả năng cân nhắc của các quốc gia. Nhưng giá trị của các mối quan hệ thương mại điển hình thường ít hơn rất nhiều so với nguy cơ thiệt hại do chiến tranh hạt nhân gây ra. Nếu các quốc gia đã sẵn sàng chấp nhận những thiệt hại khủng khiếp để tiến hành các cuộc chiến với vũ khí thông dụng hoặc vũ khí hạt nhân thì thương mại có thể đóng góp thêm được gì trong việc đẩy lùi làn sóng chiến tranh? Tiếp theo đó, vai trò của quan hệ phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế trong việc khuyến khích hòa bình là gì?

Những lý do của hòa bình

Một trong những sự kiện đáng chú ý nhất của lịch sử thế giới đang diễn ra ngay lúc này đây. Trên thực tế, nó đã và đang diễn ra trong một khoảng thời gian khá dài. Một sự suy giảm trường kỳ của các cuộc xung đột đã xảy ra giữa các quốc gia giàu có và thịnh vượng. Hòa bình đã xuất hiện, ít nhất ở một số khu vực trên thế giới. Thực tế là xu hướng này tinh vi đến nỗi không phải ai cũng phát hiện ra được; trong khi một số khác lại thích lờ đi tin tốt và tìm kiếm bằng chứng rằng ở đâu đó trên thế giới, các quốc gia và các nhóm chính trị vẫn đang xung đột với nhau. Xu hướng suy giảm của các cuộc chiến tranh đã được ghi nhận một cách tổng quát bởi Steven Pinker, Joshua Goldstein và nhiều học giả khác.6

Sự suy giảm trường kỳ của chiến tranh thể hiện rõ rệt nhất ở châu Âu, nơi mà xu hướng này đã tự hình thành qua nhiều thế kỷ. Hình 3 với tiêu đề “Xu hướng trong các cuộc xung đột ở châu Âu” dựa trên số liệu được thu thập bởi Peter Brecke.7 Mỗi hình vuông nhỏ đại diện cho số lượng các cuộc xung đột trong một thập kỷ (một cuộc xung đột tương đương với ít nhất 32 người thiệt mạng do các nguyên nhân liên quan đến xung đột). Các cuộc xung đột tại châu Âu đã giảm theo thời gian, từ trung bình là khoảng 30 xung đột mỗi thập kỷ vào thế kỷ 15 xuống còn khoảng 10 xung đột/ thập kỷ vào thế kỷ 20. Tất nhiên, chúng ta cần phải cẩn thận khi đưa ra giải thích về bất kỳ mối quan hệ nào được rút ra từ những số liệu mà trong đó các quan hệ thường rất phức tạp và đa nguyên nhân. Ví dụ như Claudio Cioffi-Revilla đã chỉ ra rằng cường độ của các cuộc xung đột tính theo thương vong lại có xu hướng hoàn toàn ngược lại, tức là tăng theo thời gian.8 Tuy vậy, xu hướng này có vẻ khá rõ ràng: trong suốt một giai thời gian dài, các quốc gia có chủ quyền ở châu Âu đã và đang tránh xa xung đột và hướng đến các biện pháp phi bạo lực nhằm giải quyết những khác biệt giữa họ. 

Hình 3

Một mối quan hệ tương tự nhưng có phần thiếu rõ rệt hơn cũng đang xuất hiện trên cấp độ toàn cầu. 

Hình 4 thể hiện chi tiết về tần suất năm của các cuộc đối đầu quân sự hóa liên quốc gia (Militarized Interstate Disputes, viết tắt là MID), có thể là những sự kiện nhỏ như việc đe dọa sử dụng vũ lực hoặc có thể ở mức độ lớn như một cuộc chiến tranh cục bộ. Những số liệu này cũng được tổng hợp ở cấp độ toàn cầu, nghĩa là MID được đo theo số các cặp quốc gia trong hệ thống trong một năm nhất định. Mặc dù chưa có một xu hướng rõ rệt nào nổi lên cho đến sau Thế chiến thứ hai, các cuộc đối đầu quân sự hóa dường như ngày càng ít thường xuyên hơn sau hậu quả của hai cuộc chiến tranh thế giới. Một lần nữa chúng ta thấy rằng thế giới đang trở nên bình yên hơn. 

Hình 4

Vậy cái gì có thể giải thích cho xu hướng đó? Có nhiều cách để giải thích cho nó. Nhiều học giả cho rằng sự nổi lên của chế độ dân chủ là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến hòa bình giữa các quốc gia. Dù có bằng chứng để ủng hộ cho luận điểm này thì vẫn có một số vấn đề khi liên hệ quan hệ hòa bình giữa các quốc gia với tình trạng bình yên trong nội quốc.9 Vấn đề đầu tiên là sự nổi lên của chế độ dân chủ ở châu Âu diễn ra muộn hơn nhiều so với thời điểm bắt đầu xu hướng giảm của các cuộc chiến tranh. Chế độ dân chủ chưa thể tạo ra hòa bình khi chưa tồn tại các nền dân chủ. Nhìn gần hơn thì bản thân chế độ dân chủ chính là một sản phẩm của hòa bình. Một điều kiện cần thiết của dân chủ là các nhóm xã hội phải nhận thấy việc bị đánh bại trong các cuộc đấu tranh chính trị là tốt hơn so với việc leo thang tranh chấp của họ đến mức bạo lực. Những tranh chấp chính trị có thể được chặn lại bởi sự lựa chọn của các thể chế chính trị. Tuy nhiên một luận điểm đơn giản hơn và cũng hợp lý không kém là sự lựa chọn của các thể chế chính trị phụ thuộc vào bản chất của đấu tranh chính trị. Nếu những gì được đem ra đặt cược trong các cuộc đấu tranh quan trọng đến mức mà một bên nào đó không thể thỏa hiệp thì rất có thể chế độ dân chủ sẽ thất bại. Vậy nên một điều kiện tiên quyết của chế độ dân chủ chính là mức độ đồng thuận hoặc hành xử ôn hòa về việc sự lựa chọn nào sẽ thắng thế. Nếu như việc bị thất bại trong một tiến trình chính trị nào đó không đáng để sử dụng đến bạo lực thì việc tầng lớp tinh hoa và các công dân của đất nước đó chấp nhận một quy tắc phổ biến và một chính thể hạn quyền như là các thể chế nội trị là điều có thể sẽ xảy ra, thậm chí là được ưa chuộng. Một cách để đạt được điều đó là giảm bớt vai trò của chính trị, hay “sự lựa chọn của công chúng” trong việc phân phối các nguồn lực và tài sản. Nếu như việc thất bại trong một cuộc đấu tranh chính trị đồng nghĩa với việc bạn sẽ bị mất nhà cửa, doanh nghiệp, tự do hay thậm chí là cả mạng sống thì khả năng cao là bạn sẽ tiếp tục chiến đấu và sử dụng cả bạo lực chính trị, nếu cần thiết, để chiếm ưu thế. Nhưng nếu như những vấn đề đó dần được giải quyết nhiều hơn thông qua thị trường hoặc những cơ chế mang tính tư nhân khác, và khi mà sự phân phối các nguồn lực không còn được quyết định bởi kết quả của các cuộc đấu tranh chính trị, bạn sẽ ít sẵn sàng sử dụng vũ lực nhằm giành phần thắng trong chính trị hơn. 

Trong các xã hội tiền hiện đại, công cụ sản xuất phần lớn mang tính hữu hình. Người dân sở hữu phần đất đai và lao động được phân chia cho họ bởi các vị vua chúa. Sự giàu sang – và đôi khi là cả quyền được sống – đồng nghĩa với việc làm hài lòng nhà vua. Cùng với sự phát triển của xã hội, việc có được nhiều của cải và sự giàu sang ngày càng phụ thuộc vào kiến thức cũng như khả năng tư duy sáng tạo. Dù các bậc vua chúa vẫn có thể lựa chọn kẻ chiến thắng, nhưng năng suất của xã hội ngày càng phụ thuộc vào việc chọn ra được những người thắng cuộc khôn ngoan và kinh doanh thương mại có hiệu quả, điều mà thị trường làm tốt nhất khi không bị phụ thuộc vào quân vương. Sự độc lập mới mẻ của thương mại khỏi chính trị đã khiến cho lợi ích của người đứng đầu quốc gia phụ thuộc vào việc ông ta (hoặc thỉnh thoảng là bà ta) hạn chế can thiệp vào thị trường hơn, từ đó tạo điều kiện cho nền kinh tế có thể phát triển và xã hội (và nhà nước) trở nên thịnh vượng. Sự phát triển của xã hội dân sự và các doanh nghiệp độc lập đồng nghĩa với việc của cải không còn phụ thuộc vào lòng trung quân hay sự thân cận với triều đình. Người ta có thể bảo đảm sự an toàn cho bản thân bằng cách trở nên thật hữu ích đến mức các bậc vua chúa không thể can thiệp hoặc tước đoạt từ họ nữa.10 Và ngay cả các ông hoàng bà chúa cuối cùng cũng hiểu ra bài học quý giá về con ngỗng với những quả trứng vàng. 

Có thể nói nền dân chủ đại diện hiện đại là sản phẩm của quá trình mà tôi vừa tóm lược: nhu cầu hạn chế quyền lực chính phủ để bảo đảm tăng trưởng hàm ý rằng việc chiếm lấy nhà nước để tìm kiếm đặc lợi càng ít giá trị, mặc dù sự cần thiết của nhà nước trong vai trò điều tiết thị trường – cung cấp các quy định rõ ràng và bảo đảm việc thực thi hiệu quả (minh bạch) các quy định này – và bảo đảm cung ứng hàng hóa công cộng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Thay vì đầu tư vào chính trị và cạnh tranh để giành quyền tiếp cận quyền lực nhà nước, các cá nhân có thể đầu tư để tạo ra nhiều hàng hóa và dịch vụ nhằm bán ra thị trường. Hơn nữa, khi việc gây chiến để giành quyền kiểm soát nội bộ quốc gia đã không còn giá trị thì càng có ít lý do để chiến đấu vì những của cải hữu hình trên phạm vi quốc tế. Sự nổi lên của chế độ dân chủ với tư cách một hiện tượng có tầm cỡ toàn cầu có lẽ phản ảnh rõ vị thế đang giảm dần của chính trị trong việc phân bổ tài sản tại châu Âu và những nơi khác, như phản ánh trong Hình 1, hơn là giải thích xu hướng được quan sát thấy trong các số liệu. 

Thông qua một số phương thức khác nhau, thương mại có thể làm giảm bớt động lực gây ra xung đột. Sự công nhận vai trò của thương mại trong việc giúp cho chính trị thế giới trở nên hòa bình hơn là khá phổ biến và vững vàng trong giới học thuật.11 Tuy nhiên, cơ chế chính xác cũng như cách thức nó được nuôi dưỡng cũng như truyền bá và nhân rộng vai trò đó vẫn tiếp tục là một vấn đề gây tranh cãi. Như tôi đã gợi ý, việc có một cái gì đó để mất bản thân nó không phải là một chướng ngại đối với chiến tranh, và thậm chí có thể thúc đẩy xung đột khi mà một bên muốn chiếm đoạt của cải của bên kia. Nếu như đó là một cuộc đấu tranh có tổng bằng không (khi mà hạnh phúc của tôi phụ thuộc vào việc anh bị thua và ngược lại) thì việc có một điều gì đó để mất thường chỉ làm tăng thêm xung đột, và đó lại là một trường hợp thường gặp trong chính trị. Vì chính trị bản thân nó đã là một sự đấu tranh, chúng ta cần phải xem thương mại và hoạt động mua bán nói chung đã trói buộc chính trị vào với hòa bình như thế nào. 

“Bàn tay vô hình” của hòa bình

Phát hiện của Adam Smith rằng các hành động có thể tạo ra những hệ quả không được lường trước và giá trị xã hội của các hành động không nhất thiết phụ thuộc vào ý đồ của các chủ thể hành động là một trong những ý tưởng vĩ đại nhất của khoa học xã hội. Thị trường có thể tạo ra những hiệu quả tích cực đối với các cộng đồng xã hội và các quốc gia, kể cả khi những người tham gia vào thị trường chỉ đang hành động với ý đồ tăng thêm lợi ích cho bản thân. Một luận điểm tương tự có thể được đưa ra về ảnh hưởng của thị trường đối với hòa bình. Các công ty, người tiêu dùng, doanh nhân và thậm chí cả những quốc gia đã làm thay đổi công năng và, trong một số trường hợp, cả khả năng tồn tại của lực lượng quân đội đơn giản chỉ bằng việc cố gắng trở nên giàu có. Bàn tay vô hình ở đây không phải chỉ có một. Thị trường khiến cho lao động trở nên đắt đỏ hơn, từ đó làm giảm đi sự hấp dẫn của việc sử dụng lao động để chiếm hữu tư bản. Thị trường cũng giúp thúc đẩy sự trao đổi hàng hóa và dịch vụ một cách hòa bình. Cuối cùng, việc bản thân thị trường phản ứng tiêu cực trước các cuộc xung đột tạo ra một động cơ để kìm hãm bạo lực. 

Tác động mạnh nhất của thương mại lên các cuộc xung đột có thể nằm trong việc làm biến đổi lợi ích quốc gia. Qua nhiều thế kỷ, sự hội nhập và ngày càng phát triển của các thị trường đã làm tăng mạnh giá trị của lao động và của “vốn con người” (ví dụ như các kỹ năng).12 Nhân công đắt đỏ và sự suy giảm giá trị của các nguyên liệu đầu vào hữu hình trong sản xuất dường như đã khiến nhiều quốc gia từ bỏ những nỗ lực từng một thời rất phổ biến để “lấy trộm” sự thịnh vượng bằng cách chiếm đoạt tài sản của các nước khác. Tất nhiên chúng ta vẫn phải cẩn trọng bởi vì lợi ích hạn hẹp của những kẻ cầm quyền và những thành phần ủng hộ chính của họ có thể áp đảo lợi ích chung và khuyến khích tình trạng chiếm đoạt trong một đất nước hoặc giữa các nước. 

Các đế quốc thời cổ đại đã trở nên thịnh vượng nhờ việc đòi cống nạp (những con tàu tải ngũ cốc và các hàng hóa khác) từ các lãnh thổ phụ thuộc. Những tên cướp biển Viking tải đồ cướp bóc lên đầy những con tàu của chúng. Những chiến thuyền của Tây Ban Nha trong thế kỷ 16 trở về quê hương với đầy những thỏi bạc được khai thác và tinh luyện bởi những người bản địa bị bắt làm nô lệ. Thế nhưng các đế quốc châu Âu sau này lại thường phải lừa mang tiền của chính người dân nước mình để tài trợ cho các cuộc phiêu lưu ở nước ngoài mà lợi ích đem lại chỉ đến tay thế hệ con cháu của tầng lớp quý tộc. Như hai sử gia Lance E. Davis và Robert A. Huttenback đã kết luận: “Nhìn chung, người dân Anh chắc chắn đã không được lợi ích kinh tế gì từ đế quốc Anh. Chỉ những nhà đầu tư cá nhân mới là những kẻ hưởng lợi”.13 Thậm chí chủ nghĩa thực dân suy tàn khi hoàn cảnh hiện đại thúc đẩy các quốc gia thịnh vượng và có tiềm lực quân sự mạnh nhất ưa chuộng mua những vật liệu đầu vào cho sản xuất thay vì chiếm đoạt chúng bằng việc sử dụng vũ trang đang dần trở nên tốn kém. Các quốc gia hiện đại không còn thấy việc cướp bóc các nước láng giềng theo kiểu cướp biển Viking, những kẻ chinh phục người Tây Ban Nha và hải quân Anh thời nữ hoàng Elizabeth Đệ nhất từng làm là một biện pháp sinh lời nữa. Việc đàn áp người dân nước khác để khai thác tài nguyên và thành quả lao động trở nên vô nghĩa khi mà chi phí chi trả cho đội quân chiếm đóng thực sự đắt đỏ, trong khi có thể mua được những gì mình cần với giá rẻ hơn so với việc cướp phá các nước láng giềng. 

Một điều mỉa mai là mặc dù Việc cướp bóc không còn đem lại nhiều lợi ích cho các quốc gia hiện đại – một hiện thực được củng cố bởi tính thanh khoản ngày càng tăng của các thị trường toàn cầu – thương mại lại giúp tăng cường việc bảo vệ lợi ích của dân thường trên toàn thế giới – tức là giảm bớt tỷ lệ xảy ra bạo lực nói chung. Các quốc gia hiện đại có nhiều lợi ích đối với tình hình chính trị và các chính sách của các quốc gia khác chính bởi quan hệ phụ thuộc lẫn nhau bảo đảm rằng những gì mà nước này làm sẽ có nhiều tác động hơn đến tình hình của một nước khác. Quân đội quốc tế - không phải là đội quân đi xâm chiếm hay cướp bóc - đang dần được triển khai dưới dạng “các lực lượng gìn giữ hòa bình” nhằm thay mặt cho Liên hiệp quốc và các nhóm liên kết khu vực giúp ngăn chặn hoặc giảm bớt xung đột bạo lực. Hòa bình có thể được thiết lập bằng sự can thiệp bên ngoài để bảo đảm sự tiếp tục của hoạt động thương mại, ít nhất là khi các quốc gia có liên quan quá yếu và khi mà các hoạt động chính trị địa phương gây trở ngại cho các vấn đề quốc tế. Nói cách khác, quan hệ thương mại giữa các quốc gia giàu nhất thế giới bảo đảm rằng các cường quốc có động lực để ngăn các nước khác khỏi việc tham gia vào xung đột, bởi chiến tranh sẽ làm hại đến môi trường thương mại không chỉ giữa các nước tham chiến, và bởi vì những cường quốc được hưởng lợi từ thương mại có động lực để ngăn sự xáo trộn trong thương mại gây ra bởi xung đột giữa các bên thứ ba. 

Một trong những thách thức của một thế giới phụ thuộc lẫn nhau chính là tính chất phức tạp của nó. Các mối quan hệ đơn giản có ưu điểm là dễ hiểu và có vẻ như là dễ giải quyết thông qua các chính sách hiệu quả. Trong khi đó, sự phức tạp có thể có ích khi nó làm tăng các phương án lựa chọn và đưa ra nhiều cách phản hồi bao quát hơn, với nhiều phương án thay thế cho việc sử dụng sức mạnh quân sự. Thương mại có thể dẫn đến hòa bình nếu nó ngăn các quốc gia khỏi gây chiến với nhau, nhưng nó đòi hỏi những quan hệ thương mại thực sự lớn và có giá trị cao đến mức khiến các nước phải chùn bước (cũng giống như vũ khí hạt nhân). Nó có thể yêu cầu một tập hợp những vấn đề hoặc tranh chấp ở mức độ tương đối khiêm tốn, ví dụ như những gì đã xảy ra tại Tây Âu sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc. Khi thương mại có giá trị cực kỳ lớn và bất đồng giữa các quốc gia không quá nghiêm trọng, hòa bình sẽ ngự trị. Hoạt động thương mại còn có thể cung cấp thông tin cho các bên tranh chấp, cho phép các quốc gia giải quyết tranh chấp thông qua các thương lượng ngoại giao thay vì phải sử dụng lực lượng quân sự để thể hiện ý muốn trong một môi trường bất ổn và nhạy cảm. Cuối cùng, có lẽ tác động phổ biến nhất của thương mại là việc nó đã làm thay đổi lợi ích khách quan của các quốc gia và bảo đảm rằng tư duy cướp bóc của quá khứ ngày càng được thấy là đã trở nên lỗi thời. Ngay cả những tên cướp nhà băng cũng phải mua đồ tạp hóa thay vì ăn cắp từ cửa hàng gần nhà. Đó đơn giản là vì những thứ có thể chiếm đoạt được thì lại không đáng để chiếm đoạt, còn những thứ đáng chiếm đoạt thì lại không thể bị lấy đi. Thương mại phát triển thúc đẩy chuyên môn hóa, điều khiến cho việc cướp bóc trở nên kém hiệu quả hơn và tăng cường lợi ích của hòa bình. Vì những công nhân lành nghề cần phải được hưởng điều kiện làm việc tốt nên chiến tranh và xâm lược sẽ chỉ phản tác dụng. Sự hiện đại càng ngày càng tăng có nghĩa là chúng ta sẽ mua những gì mình cần thay vì phải cướp chúng từ tay người khác. 

Bằng cách trói buộc các quốc gia vào với nhau và khiến cho thế giới trở nên phụ thuộc vào nhau hơn, các lực lượng của thị trường đã góp phần nhào nặn nên cái mà các quốc gia tìm kiếm, khiến chiến tranh trở thành một công cụ kém hiệu quả để đạt được các mục tiêu quốc gia, vì các nhà lãnh đạo và người dân đã nhận ra rằng việc sở hữu nhà nước không còn thiết yếu đối với sự sống còn của họ nữa. Cùng lúc đó, vai trò của nhà nước trong việc thúc đẩy các điều kiện thị trường trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Các nhà nước hoạt động không chỉ trong nội bộ mà cả trong khu vực và trên thế giới để phát triển thương mại, tăng cường sự phụ thuộc lẫn nhau trong một chuỗi quan hệ nhân quả để giúp tăng cường, củng cố hợp tác và giảm thiểu hơn nữa các xung đột. Đó không chỉ là việc con người muốn làm nhiều điều tốt hơn, mà là việc thương mại đã thay đổi cái mà nó định nghĩa là những hành động tốt đẹp. Nếu chúng ta may mắn và tiếp tục đi theo con đường nhằm tiến tới một nền thương mại tự do và rộng mở hơn thì thương mại sẽ tiếp tục làm cho sức mạnh quân sự ngày càng trở nên vô ích và không hiệu quả. 

Chú thích: 

(1) Ví dụ xem trong: Samuel P. Huntington. The Third Wave: Democratization in the Late Twentieth Century (Norman, OK: NXB Đại học Oklahoma, 1991).

(2) Số liệu chính thể là một đại lượng đánh giá mức độ dân chủ được sử dụng rất rộng rãi. Xem: Keith Jaggers và Ted   Robert Gurr, “Transitions   to   Democracy: Tracking Democracy’s ‘Third Wave’ with the Polity III Data,” Journal of Peace Research 32(4) 1995:469–82.

(3) Hình 1 dùng số liệu thương mại do Ngân hàng Thế giới cung cấp. Hình 2 lấy ra từ Erik Gartzke và Alex Weisiger, “Under Construction: Development, Democracy, and Difference as Determinants of the Systemic Liberal Peace”, International Studies Quarterly 58(1) 2014: 130–45.

(4) Thomas C.  Schelling, Arms and Influence (New Haven: NXB Đại học Yale, 1966), tr. 99.

(5) Baron de Montesquieu Spirit of the Laws (Cambridge: NXB Đại học Cambridge, 1989 [1748]); Adam Smith An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations (Chicago: NXB Đại học Chicago, 976[1776]); Thomas Paine Common Sense (New York: Penguin, 1986[1776]); Immanuel Kant Perpetual Peace: A Philosophical Essay (New York: Garland, 1972[1795]); Richard Cobden Political Writings (London: T. Fisher Unwin, 1903[1867]); Norman Angell The Great Illusion (New York: Putnam, 1933). Richard Rosecrance The Rise of the Trading State: Commerce and Conquest in the Modern World (New York: Basic Books, 1985); Bruce Russett Grasping the Democratic Peace: Principles for a Post-Cold War World (Princeton: NXB Đại học Princeton, 1993); Michael Doyle Ways of War and Peace: Realism, Liberalism and Socialism (New York: Norton, 1997).

(6) Steven Pinker The Better Angels of our Nature: Why Violence has Declined (New York: Viking Press, 2011); Joshua S. Goldstein, Winning the War on War: The Decline of Armed Conflict Worldwide (New York: Dutton, 2011); xu hướng suy giảm của chiến tranh trên cấp độ toàn cầu không thực sự rõ ràng. Sự tương quan (giữa hiện đại hoá và hòa bình) mạnh nhất là ở các nước phát triển.

(7) Peter Brecke “Violent Conflicts 1400 AD to the Present in Different Regions of the World.” Báo cáo trình bày tại Hội thảo thường niên của Hội Khoa học Hòa bình Quốc tế. Kết quả đối với các khu vực khác (châu Phi, châu Á và châu Mỹ) có độ dài ngắn hơn và kém rõ rệt hơn.

(8) Cioffi-Revilla, Claudio. 2004. “The Next Record-Setting War in the Global Setting: A Long-Term Analysis”. Journal of the Washington Academy of Sciences 90(2): 61–93. Có một vài tranh luận trong giới nghiên cứu về việc có nên xét thêm yếu tố dân số vào các đo lường về cường độ của chiến tranh không. Nhìn chung, nguy cơ bị chết vì chiến tranh (nội chiến hay chiến tranh giữa các quốc gia) của các cá nhân đã giảm đi.

(9) Xem Bruce Russett, Grasping the Democratic Peace: Principles for a Post-Cold War World (Princeton, NJ: NXB Đại học Princeton, 1993) và Michael Doyle, Ways of War and Peace: Realism, Liberalism, and Socialism (New York: Norton, 1997).

(10) Douglas North và Robert Thomas, The Rise of the Western World (Cambridge:  Cambridge University Press, 1973). Mancur Olson “Dictatorship, Democracy, and Development,” 1993. American Political Science Review 87(3):567–76.

(11) Ví dụ xem trong Bruce Russett và John R. Oneal, Triangulating Peace: Democracy, Interdependence, and International Organizations (New York: Norton, 2001).

(12) Thương mại dẫn đến chuyên môn hóa cao hơn, từ đó tạo ra năng suất và lương thực tế cao hơn. Hal Varian Microeconomic Analysis, 3rd ed. (New York: W.W. Norton 1992).

(13) Lance E. Davis và Robert A. Huttenback, với sự hỗ trợ của Susan Gray Davis, Mammon and the Pursuit of Empire: The Economics of British Imperialism, abridged edition (Cambridge: NXB Đại học Cambridge, 1988), tr. 267.

Nguồn: Tom G. Palmer, Peace, Love & Liberty, Chương 5, Jameson Books, Inc., 2014

 

Dịch giả:
Đinh Tuấn Minh
Biên tập:
Palmer, Tom G.