Sử dụng tri thức trong xã hội (Phần 1/3)

Sử dụng tri thức trong xã hội (Phần 1/3)

1

Vấn đề mà chúng ta phải giải quyết là gì nếu muốn xây dựng một trật tự kinh tế duy lí? Đáp án sẽ rất đơn giản nếu chúng ta vẫn chỉ dựa trên một số các giả thiết quen thuộc. Giả sử chúng ta sở hữu tất cả các thông tin liên quan, giả sử chúng ta có thể xuất phát từ một hệ thống có sẵn về các sở thích, và giả sử chúng ta có kiến thức đầy đủ về các phương tiện sẵn có thì vấn đề còn lại thuần tuý chỉ là một bài toán logic. Nghĩa là, lời giải đáp cho câu hỏi đâu là cách sử dụng tốt nhất các phương tiện có sẵn lại ẩn chứa trong những giả thiết của chúng ta. Các điều kiện cần để giải quyết bài toán tối ưu này đã có đầy đủ và hoàn toàn có thể biểu diễn được dưới dạng toán học. Ở dạng tối giản, chúng có dạng: các mức thay thế cận biên giữa bất kỳ hai loại hàng hóa hay yếu tố sản xuất phải là như nhau dù chúng được sử dụng cho bất kỳ mục đích nào.

Tuy nhiên, tôi cần phải nhấn mạnh rằng, đây không phải là vấn đề kinh tế mà xã hội phải đối mặt. Và mô hình toán vi phân kinh tế mà chúng ta đã xây dựng để giải quyết bài toán logic này, mặc dù là một bước quan trọng trong quá trình tìm kiếm giải pháp cho vấn đề, vẫn không cung cấp cho chúng ta câu trả lời đâu là vấn đề kinh tế của xã hội. Lý do của điều này là: “dữ liệu” để đưa vào các mô hình toán vi phân kinh tế cho toàn bộ xã hội chưa bao giờ, và sẽ mãi mãi, có thể được “cho sẵn” đối với một bộ óc đơn lẻ có khả năng đưa ra giải pháp.

Điểm đặc thù của vấn đề xây dựng một trật tự kinh tế duy lí được xác định chính xác bởi một thực tế theo đó: tri thức về các hoàn cảnh mà chúng ta bắt buộc phải tính đến không bao giờ tồn tại một cách tập trung hay hợp nhất mà chỉ dưới dạng những mảnh phân tán, không hoàn chỉnh và thường xuyên mâu thuẫn, được sở hữu bởi tất cả các cá nhân riêng rẽ. Do vậy, vấn đề kinh tế của xã hội không chỉ đơn thuần là làm thế nào để phân bổ các nguồn lực “cho sẵn” ­- nếu thuật ngữ “cho sẵn” được sử dụng với nghĩa là cho sẵn đối với một bộ óc đơn lẻ, có khả năng sử dụng những “dữ liệu” này để giải quyết vấn đề một cách có chủ ý. Mà thực ra là làm thế nào để sử dụng tốt nhất các nguồn lực mà chỉ những ai đó trong xã hội biết, cho mục đích mà chỉ những cá nhân này biết rõ ý nghĩa tương đối của nó. Hoặc, nói ngắn gọn, đó là vấn đề về cách thức sử dụng tri thức không được cho sẵn ở dạng toàn bộ đối với bất kỳ người nào.

Tôi e rằng đa phần tiến bộ gần đây trong lí thuyết kinh tế, cụ thể việc ứng dụng toán học, làm cho đặc điểm của vấn đề nền tảng này trở nên rối tung thay vì được gỡ rối. Dù rằng mục đích cuối cùng mà tôi muốn đạt được trong bài viết này là giải quyết vấn đề về việc xây dựng một trật tự kinh tế duy lí thì trong quá trình đó, tôi sẽ vẫn phải đụng chạm đi đụng chạm lại một số các câu hỏi nhất định về phương pháp luận liên quan đến mục tiêu này. Nhiều chỗ mà tôi nghi vấn thực ra lại là các kết luận chung, có vẻ vô tình, đạt được từ nhiều cách thức lập luận xuất phát từ những hướng khác nhau. Nhưng, như nhìn nhận hiện nay của tôi về những vấn đề này, đây không phải là một sự tình cờ. Với tôi, dường như nguồn gốc chung của nhiều tranh cãi gần đây liên quan đến cả lí thuyết lẫn chính sách kinh tế đều xuất phát từ sự nhầm lẫn về bản chất của vấn đề kinh tế của xã hội. Nhẫm lẫn này, đến lượt nó, bắt nguồn từ việc chúng ta đã bê nguyên thói quen tư duy dùng để giải quyết các hiện tượng tự nhiên sang giải thích các hiện tượng xã hội.

2

Trong ngôn ngữ đời thường, chúng ta dùng từ “hoạch định” để mô tả một tổ hợp của các quyết định liên quan với nhau về sự phân bổ các nguồn lực sẵn có. Theo nghĩa này, tất cả hoạt động kinh tế đều là công việc hoạch định; và trong bất kỳ xã hội nào có nhiều người hợp tác thì công việc hoạch định này, bất kể ai thực hiện nó, bằng một số cách nào đó, sẽ phải dựa trên tri thức, mà ban đầu thuộc về một vài người nào khác chứ không phải của người hoạch định, nhưng rốt cuộc thì cũng sẽ phải được chuyển về cho người hoạch định bằng cách này hay cách khác. Vấn đề những kênh khác nhau dùng để truyền tải tri thức giúp con người dựa vào đó để xây dựng các kế hoạch của mình là vấn đề cốt yếu đối với bất kỳ lí thuyết nào muốn lí giải sự vận hành của nền kinh tế, và vấn đề đâu là cách tốt nhất để sử dụng tri thức bị phân tán ngay từ đầu cho tất cả mọi người chí ít cũng là một trong những vấn đề trọng tâm của chính sách kinh tế ­- hay của việc thiết kế hiệu quả một hệ thống kinh tế.

Câu trả lời cho vấn đề này có quan hệ chặt chẽ với một câu hỏi khác được đưa ra ở đây: Ai là người thực hiện việc hoạch định? Đây là câu hỏi trung tâm của mọi cuộc tranh cãi về “công việc hoạch định kinh tế”. Đây không phải là một cuộc tranh cãi về chuyện liệu có cần phải tiến hành việc hoạch định hay không mà là cuộc tranh cãi về chuyện liệu việc hoạch định cần phải được thực hiện một cách tập trung, bởi một ủy ban hoạch định, cho toàn bộ hệ thống kinh tế, hay là phải được phân tán cho nhiều cá nhân khác nhau. Từ “hoạch định”, theo nghĩa hẹp, được sử dụng trong các cuộc luận chiến hiện nay hoàn toàn mang nghĩa hoạch định tập trung - định hướng toàn bộ hệ thống kinh tế theo một kế hoạch thống nhất. Ngược lại, sự cạnh tranh được hiểu là sự hoạch định phi tập trung do nhiều người riêng biệt tiến hành. Con đường trung dung giữa hai thái cực này, tuy nhiều người nói đến nhưng ít người mặn mà, là sự uỷ thác việc hoạch định cho các ngành công nghiệp có tổ chức, hoặc nói một cách khác, cho các tổ chức độc quyền.

Loại hệ thống nào trong những hệ thống này có khả năng trở nên hiệu quả hơn phụ thuộc chủ yếu vào câu hỏi: Ở đâu chúng ta có thể kỳ vọng tri thức hiện tại được sử dụng nhiều hơn? Điều này, đến lượt nó, phụ thuộc nhiều hơn vào việc liệu chúng ta có khả năng thành công: (i) trong việc để cho một ủy ban trung ương duy nhất tuỳ ý sử dụng tất cả khối tri thức mà nhất thiết phải đưa vào sử dụng nhưng lại phân tán ngay từ đầu cho nhiều cá nhân khác nhau, hay (ii) trong việc truyền tải cho các cá nhân những loại tri thức phát sinh thêm, cần thiết để họ có thể phối hợp nhịp nhàng các kế hoạch của mình với những kế hoạch của những người khác.

3

Về điểm này, hiển nhiên là các dạng tri thức khác nhau sẽ có những vị trí khác nhau. Vì thế, phần lớn câu hỏi của chúng ta sẽ chuyển thành câu hỏi về vai trò tương đối của những dạng tri thức khác nhau: những dạng có vẻ thích hợp hơn khi thuộc thẩm quyền quyết định của các cá nhân cụ thể và những dạng mà chúng ta có quyền kỳ vọng với độ tin tưởng cao hơn, thuộc về sở hữu của một ủy ban bao gồm các chuyên gia được tuyển chọn kỹ lưỡng. Ngày nay, người ta thường đưa ra các giả thiết rất đỗi phóng túng đến nỗi dạng tri thức sau được đẩy lên vị trí cao hơn. Nguyên do của việc này là vì bây giờ, có một loại tri thức mang tên là tri thức khoa học chiếm một vị trí rất lớn trong đời sống xã hội đến nỗi chúng ta có xu hướng phớt lờ một thực tế rằng đây không phải là loại tri thức liên quan duy nhất. Chúng ta có thể thừa nhận là, trong phạm vi của tri thức khoa học, có thể lựa chọn được một nhóm các chuyên gia thích hợp và trao cho họ những vị trí tốt nhất nhất để nắm bắt tất cả tri thức tốt nhất sẵn có ­- mặc dù điều này tất nhiên đơn thuần chỉ là việc đẩy khó khăn sang vấn đề lựa chọn các chuyên gia. Điều mà tôi muốn chỉ ra là ngay cả khi chúng ta giả thiết khó khăn này có thể được giải quyết suôn sẻ thì đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng khổng lồ.

Ngày nay, hầu như người ta sẽ cho là quái dị khi ai đó nói rằng tri thức khoa học không phải là tổng của tất cả tri thức. Nhưng chỉ cần động não một chút, chúng ta có thể chỉ ngay ra được phía sau bức màn là một bộ phận tri thức rất quan trọng, vốn không được hệ thống hoá, và không thể xem là có tính khoa học nếu hiểu khoa học là tri thức về các quy luật chung: đó là tri thức về các hoàn cảnh cụ thể theo thời gian và không gian. Trong thực tế, khi đề cập đến vấn đề này người ta cho là mỗi cá nhân có một vài lợi thế hơn so với những người khác vì anh ta sở hữu những thông tin duy nhất dùng để tiến hành một việc gì đó hữu ích, nhưng việc sử dụng này chỉ có thể xảy ra nếu các quyết định phụ thuộc vào những thông tin đó phải do chính anh ta đưa ra hoặc được thực hiện với sự cộng tác tích cực từ phía anh ta. Chỉ cần chúng ta nhớ lại việc chúng ta phải dành bao nhiêu công sức để học hỏi thêm trong quá trình theo đuổi một nghề nào đó sau khi mãn khoá đào tạo lí thuyết, bao nhiêu phần quãng đời làm việc để học hỏi những công việc cụ thể, và bao nhiêu phần kho tàng tri thức mà chúng ta thu lượm được trên các nẻo đường đời là tri thức về những người xung quanh, về các khía cạnh cục bộ, và về các tình huống đặc biệt. Các tri thức để biết và tận dụng một cỗ máy không huy động hết công suất, hoặc để sử dụng hiệu quả hơn kỹ năng của một vài người nào đó, hoặc để nắm rõ về lượng hàng tồn kho có thể xảy ra do sự ngưng trệ các nguồn cung, đều hoàn toàn hữu ích cho xã hội giống như tri thức về sự lựa chọn các giải pháp kỹ thuật ưu việt hơn. Người chuyên chở hàng mà kiếm sống được bằng cách sử dụng các chuyến tàu hoả không đầy tải, hoặc người kinh doanh bất động sản mà toàn bộ tri thức của anh ta hầu hết chỉ liên quan đến những cơ hội tạm thời, hoặc người đi buôn mà chỉ thu lợi từ sự chênh lệch giá hàng hoá giữa các địa phương - tất cả những người này rõ ràng là đang thực hiện các công việc có ích, dựa trên tri thức đặc biệt về các hoàn cảnh diễn ra tại những thời điểm thoáng qua, không thể biết bởi những người khác.

Có một thực tế lạ lùng là ngày nay, loại tri thức này nói chung thường bị người ta nhìn bằng nửa con mắt và bất kỳ người nào nhờ loại tri thức như thế mà có được lợi thế trội hơn so với ai đó khác vốn được trang bị tri thức lí thuyết hoặc kỹ thuật thì sẽ bị đánh giá là đã tiến hành những hoạt động chẳng hay hớm gì. Việc giành được lợi thế từ việc có tri thức tốt hơn khiến cho việc liên lạc hay vận tải trở nên dễ dàng đôi khi bị xem là không hoàn toàn trung thực, mặc dù đây là điều thực sự có ý nghĩa cho xã hội chẳng khác gì việc áp dụng các khám phá khoa học mới nhất, xét ở khía cạnh chớp được những cơ hội tốt nhất. Thành kiến này, ở một mức độ nhất định, ảnh hưởng tới thái độ coi nhẹ hoạt động thương mại nói chung so với với hoạt động sản xuất. Thậm chí, các nhà kinh tế học, vốn tự coi là đã hoàn toàn miễn dịch với những ngụy biện của chủ nghĩa duy vật thô lậu trong quá khứ, vẫn tiếp tục mắc phải cùng loại sai lầm khi bàn về các hoạt động cần phải có sự tiếp nhận dạng tri thức thực tiễn như thế - hiển nhiên là bởi vì trong hình dung của họ về các sự vật, mọi tri thức như thế được giả định là “cho sẵn”. Suy nghĩ chung hiện nay dường như là mọi loại tri thức như thế, hiển nhiên, đã sẵn sàng cho tất cả mọi người sử dụng, và sự phê phán về tính bất hợp lí chĩa vào trật tự kinh tế hiện tại thường căn cứ vào một thực tế là sự có sẵn của những tri thức này vẫn còn chưa đủ. Quan điểm này bỏ qua một thực tế là cái phương cách, mà nhờ đó, mọi loại tri thức như thế có thể được lan tỏa càng xa càng tốt, chính xác là thứ mà chúng ta phải làm sáng tỏ.

(còn nữa)

Nguồn: F.A. Hayek, Chủ nghĩa cá nhân và trật tự kinh tế, Chương 4, NXB Tri thức, 2016

Dịch giả:
Đinh Tuấn Minh