Chủ nghĩa duy khoa học và nghiên cứu về xã hội: Đặc tính chủ quan của dữ liệu trong các ngành khoa học xã hội(Phần 3)

Chủ nghĩa duy khoa học và nghiên cứu về xã hội: Đặc tính chủ quan của dữ liệu trong các ngành khoa học xã hội(Phần 3)

(Tiếp theo Phần 2)

Trước khi tiến hành xem xét ảnh hưởng của chủ nghĩa duy khoa học đối với nghiên cứu xã hội, sẽ thiết thực nếu chúng ta khảo lược đôi chút đối tượng đặc thù và các phương pháp nghiên cứu xã hội. Các nghiên cứu xã hội không giải quyết các mối quan hệ giữa vật với vật, mà là giữa người với vật hoặc người với người. Chúng liên quan đến các hành động của con người và mục tiêu của chúng là giải thích các kết quả không định trước hoặc không được thiết kế từ trước nảy sinh từ các hành động của nhiều người.

Tuy nhiên, không phải tất cả chuyên ngành liên quan đến đời sống của con người trong cộng đồng đều quan tâm đến các vấn đề thực sự khác biệt so với các vấn đề của lĩnh vực khoa học tự nhiên. Sự lan tràn các bệnh dịch hiển nhiên là một vấn đề rất gần gũi với đời sống của con người trong xã hội và dù thế việc nghiên cứu nó chẳng mang đặc điểm riêng biệt nào của lĩnh vực khoa học xã hội theo nghĩa hẹp của từ này. Tương tự việc nghiên cứu di truyền, hay việc nghiên cứu dinh dưỡng, hoặc việc tìm hiểu các thay đổi về số lượng hoặc thành phần tuổi tác dân số, không khác nhiều lắm so với các nghiên cứu tương tự trên động vật1. Và điều này cũng đúng đối với các nhóm ngành như nhân chủng học hay dân tộc học chừng nào chúng còn chỉ liên quan đến các tính chất vật lý của con người. Nói một cách khác, tồn tại những ngành khoa học tự nhiên về con người mà không nhất thiết phải đương đầu với các vấn đề không thể nào giải quyết nổi nếu vẫn sử dụng phương pháp của khoa học tự nhiên. Chừng nào chúng ta vẫn chỉ đề cập đến hiện tượng phản xạ vô thức hoặc các quá trình trong cơ thể con người thì chúng ta vẫn sẽ không vấp phải trở ngại nào khi xem xét và tìm hiểu chúng một cách "cơ học" như là những thứ hình thành bởi các sự kiện bên ngoài có thể quan sát khách quan. Chúng xảy ra mà không liên quan gì tới kiến thức của người đang bị quan sát và nằm ngoài khả năng khống chế của người đó; và các điều kiện hình thành chúng có thể thiết lập được bằng các quan sát từ bên ngoài mà không cần phải truy xét tới giả thiết rằng liệu người bị quan sát có phân loại các kích thích bên ngoài theo cách thức nào đó khác với cách mà chúng được định nghĩa dưới các góc độ thuần túy vật lý hay không. 

Nhóm các ngành khoa học xã hội theo nghĩa hẹp, nghĩa là những ngành trước đây được xem là các ngành khoa học về luân lý2, quan tâm tới các hành động có ý thức hay có tư duy của con người, các hành động mà một người phải quyết định lựa chọn giữa nhiều cách thức khác nhau đang mở ra trước mắt anh ta, và ở đây tình huống thực sự khác hẳn. Loại kích thích bên ngoài mà chúng ta có thể coi là nguyên nhân hay duyên cớ dẫn đến các hành động đó tất nhiên cũng có thể được định nghĩa dưới các góc độ thuần túy vật lý. Nhưng giả dụ chúng ta cố gắng làm như vậy vì mục đích giải thích hành động con người, chúng ta đã tự trói buộc mình vào trong khuôn khổ mà đáng lẽ chúng ta có thể biết nhiều hơn thế về hành động con người. Vấn đề không phải là bởi vì chúng ta phát hiện thấy có hai sự vật có hành vi như nhau trong mối quan hệ với các sự vật khác, mà bởi vì chúng xuất hiện như nhau đối với chúng ta, nên chúng ta mong muốn chúng xuất hiện như nhau đối với những người khác. Chúng ta biết rằng thiên hạ sẽ phản ứng theo cùng cách thức đối với các kích thích bên ngoài vốn được xem là khác nhau dựa theo tất cả các kiểm nghiệm khách quan, và có lẽ cũng vậy họ sẽ phản ứng theo một cách thức hoàn toàn khác với một kích thích giống nhau về mặt vật lý nếu nó tác động tới cơ thể của họ trong các hoàn cảnh khác nhau hoặc tại một thời điểm khác. Nói cách khác, chúng ta biết được cách thức mà một người dùng để phân loại các kích thích bên ngoài trong các quyết định có ý thức của mình thuần túy là nhờ kinh nghiệm chủ quan của chúng ta về cách thức phân loại này. Chúng ta giả định trước rằng những người khác phân loại sự vật này giống hay khác sự vật khác theo cùng cách thức như của chúng ta mặc dù không có kiểm nghiệm khách quan, không có hiểu biết về các mối quan hệ giữa những sự vật này với những bộ phận khác của thể giới bên ngoài chứng thực điều này. Quy trình phân biệt này của chúng ta được dựa trên kinh nghiệm theo đó những người khác thông thường phân loại các nhận thức bằng giác quan của họ giống như cách thức chúng ta tiến hành (mặc dù không phải luôn như vậy – ví dụ, nếu họ không mù màu hay điên khùng).

Nhưng chúng ta không chỉ biết có điều này thôi. Chắc chắn chúng ta sẽ không thể giải thích hay hiểu được hành động con người nếu như không sử dụng loại tri thức này. Mọi người trong cộng đồng có cùng kiểu hành vi đối với các sự vật, không phải bởi vì những sự vật đó giống nhau về mặt vật lý, mà bởi vì họ đã học được cách phân loại chúng vào cùng loại nhóm, bởi vì họ có thể sử dụng chúng theo cùng một cách thức hay mong đợi từ chúng cái điều mà đối với cộng đồng sẽ là một kết quả tương đương. Trên thực tế, hầu hết các đối tượng của hành động xã hội hay con người không phải là các “thực tế khách quan” theo nghĩa đặc biệt hẹp vốn được sử dụng trong các ngành Khoa-Học, những thứ đối nghịch với các “ý kiến”, và chúng cũng không thể nào được định nghĩa dưới các góc độ thuần túy vật lý. Chừng nào chúng ta còn quan tâm tới các hành động con người, thì các sự vật những thứ mà những người đang hành động nghĩ rằng chúng là như thế.

Tốt nhất chúng ta minh họa điều này qua một ví dụ – một đối tượng bất kỳ nào đó của hành động con người. Hãy xem xét một khái niệm, chẳng hạn khái niệm “dụng cụ” hay “công cụ”, hay về bất kỳ một dụng cụ cụ thể nào, chẳng hạn một cái búa hay một cái phong vũ biểu. Dễ thấy là những khái niệm này không thể diễn giải được dưới dạng “các dữ kiện khách quan”, nghĩa là thành các thứ không liên quan gì tới điều mà mọi người hình dung về chúng. Phân tích logic cẩn thận những khái niệm này sẽ thấy là tất cả chúng biểu tả các mối quan hệ giữa những thành phần khác nhau (ít nhất là ba): thứ nhất là người đang hành động hoặc suy nghĩ, thứ đến là ảnh hưởng mong đợi hoặc tưởng tượng đến, và thứ ba là vật thể theo nghĩa thông thường. Nếu người đọc cố gắng đưa ra một định nghĩa anh ta sẽ sớm thấy là mình không thể đưa ra một thứ gì mà không sử dụng một thuật ngữ nào đó như “thích hợp để” hay “nhằm mục đích để” hay một loại cách thức biểu tả nào đó liên quan đến việc sử dụng vì mục đích mà một ai đó kiến thiết ra3. Và một định nghĩa mà phải bao quát tất cả các phần tử của một nhóm nhất định nào đó sẽ không chứa đựng bất kỳ liên hệ nào đến bản chất, hay hình dạng, hay một tính chất vật lý khác nào đó của nó. Một cái búa thông thường và một cái búa máy, hoặc một cái phong vũ biểu dùng cột nước hay một cái phong vũ biểu dùng thủy ngân, chả có gì chung ngoài mục đích sử dụng của chúng4 do con người nghĩ ra.

Đồng ý rằng đây đơn thuần chỉ là những ví dụ về các quá trình trừu tượng hóa để tạo ra các thuật ngữ phổ quát, tương tự quá trình tạo thuật ngữ trong các ngành khoa học tự nhiên. Nhưng điểm mấu chốt ở đây là: chúng là các khái niệm được trừu tượng hóa tách khỏi toàn bộ các tính chất vật lý của sự vật đang xem xét và do đó, các định nghĩa về chúng hoàn toàn nói về các tâm thái (mental attitutes) của con người đối với các sự vật. Sự khác biệt sâu sắc giữa hai cách nhìn về các sự vật sẽ trở nên rõ ràng nếu chúng ta liên tưởng, ví dụ, đến công việc của nhà khảo cổ học, người đang cố gắng xác định liệu cái trông tựa một dụng cụ đồ đá có thực sự là một sản phẩm “nhân tạo”, hay đơn thuần chỉ là một sản phẩm tự nhiên mà ngẫu nhiên con người có được. Không có cách nào xác định được điều này ngoại trừ việc cố gắng tìm hiểu cơ chế hoạt động của tâm trí người tiền sử, một nỗ lực tìm hiểu cách thức mà người tiền sử có lẽ sử dụng để tạo ra một dụng cụ như thế. Nếu chúng ta thấy khó khăn trong việc nhận ra rằng đây là điều mà chúng ta thực sự làm trong các trường hợp như thế và rằng chúng ta nhất thiết phải tin tưởng vào hiểu biết của chính mình về cơ chế hoạt động của tâm trí con người, thì điều này chủ yếu là bởi vì tính bất khả của việc tưởng tượng ra một người quan sát mà lại không sở hữu một tâm trí con người và diễn giải điều anh ta thấy bằng chính suy nghĩ của anh ta.

Để làm sáng tỏ sự khác biệt giữa phương pháp nghiên cứu của lĩnh vực khoa học tự nhiên và của lĩnh vực khoa học xã hội tốt nhất nên gọi cách tiếp cận của nhóm đầu là "khách quan" còn của nhóm sau là "chủ quan". Dù thế các thuật ngữ này vẫn còn khá mơ hồ và có thể gây ra nhầm lẫn nếu không được làm rõ thêm. Trong khi đối với nhà khoa học tự nhiên, thì sự đối lập giữa các dữ kiện khách quan và các ý kiến chủ quan trở nên quá rõ ràng, thì điều này lại không phải là như vậy đối với đối tượng nghiên cứu của các ngành khoa học xã hội. Lý do của điều này là đối tượng hoặc "dữ kiện" của các ngành khoa học xã hội cũng chính là các ý kiến – tất nhiên không phải là các ý kiến của người nghiên cứu các hiện tượng xã hội mà là ý kiến của những người có hành động hình thành nên đối tượng nghiên cứu của nhà khoa học xã hội. Do vậy, một mặt các dữ kiện của nhà khoa học xã hội có ít tính “chủ quan” giống như các dữ kiện của các ngành khoa học tự nhiên, bởi vì chúng độc lập đối với nhà nghiên cứu; đối tượng mà anh ta nghiên cứu không do sự võ đoán hay sự tưởng tượng của anh nặn ra mà là đã có sẵn để cho những người khác nhau quan sát. Nhưng mặt khác khi chúng ta phân biệt giữa dữ kiện và ý kiến thì các dữ kiện của các ngành khoa học xã hội thuần túy chỉ là các ý kiến, quan điểm của những người gây ra các hành động mà chúng ta nghiên cứu. Chúng khác với dữ kiện của các nhóm ngành vật lý vì chúng là niềm tin hay ý kiến của những con người cụ thể; những niềm tin như thế là dữ liệu của chúng ta, bất kể việc chúng đúng hay sai, và hơn thế nữa chúng là cái ở bên trong tâm trí của những người đó và chúng ta không thể nào quan sát trực tiếp được, nhưng chúng ta lại có thể nhận biết và diễn tả được hành động của họ đơn giản là vì bản thân chúng ta cũng có một tâm trí tương tự như của họ.

Việc chúng ta đối nghịch giữa phương pháp theo chủ quan luận trong nhóm ngành khoa học xã hội và phương pháp theo khách quan luận trong nhóm ngành khoa học tự nhiên chỉ nhằm mục đích cho thấy nhóm ngành đầu tiên trên hết thảy giải quyết các hiện tượng liên quan đến tâm trí cá nhân, hay các hiện tượng về tâm trí, và không liên quan trực tiếp tới các hiện tượng vật chất. Các hiện tượng mà nhóm ngành này xem xét có thể hiểu được là bởi vì đối tượng nghiên cứu của chúng ta mang một tâm trí có cấu trúc tương tự với cấu trúc tâm trí của chúng ta. Đây là một sự thực có ý nghĩa thực nghiệm chẳng thua kém gì việc chúng ta có thể hiểu biết về thế giới bên ngoài. Nó được minh chứng không chỉ đơn thuần bởi vì khả năng giao tiếp giữa người với nhau – chúng ta vận dụng loại tri thức này bất kể khi nào chúng ta nói hoặc viết; nó còn được xác nhận bởi những kết quả mĩ mãn có được từ những nghiên cứu của chúng ta về thế giới bên ngoài. Cho tới chừng nào vẫn còn kiểu giả thiết ngây thơ rằng tất cả các giác chất (hay các mối quan hệ giữa chúng) mà những con người khác nhau có nói chung đều là các thuộc tính của thế giới bên ngoài, thì vẫn còn thứ lý lẽ cho rằng hiểu biết của chúng ta về các tâm trí [cá nhân] khác không có gì khác hơn hiểu biết chung của chúng ta về thế giới bên ngoài. Nhưng một khi chúng ta đã ý thức được là các giác quan của chúng ta tạo cho chúng ta cảm giác những sự vật xuất hiện trước chúng ta giống nhau hay khác nhau chỉ chứng tỏ một điều là chúng giống nhau hay khác nhau chẳng phải là từ các mối quan hệ từ bản thân chúng, mà là từ cách thức mà chúng tác động đến các giác quan của chúng ta, thì đây là một sự thực quan trọng có được từ kinh nghiệm về việc con người phân loại các kích thích bên ngoài theo một cách thức nhất định như thế nào. Trong khi các giác chất biến mất khỏi bức tranh khoa học về thế giới bên ngoài, chúng bắt buộc phải có một chỗ trong bức tranh khoa học của chúng ta về tâm trí người. Trên thực tế, việc loại bỏ các giác chất khỏi bức tranh của chúng ta về thế giới bên ngoài không có nghĩa là những giác chất đó thôi không còn “tồn tại”, mà là khi chúng ta nghiên cứu các giác chất thay vì nghiên cứu thế giới vật chất, chúng ta nghiên cứu tâm trí con người.

Trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn khi chúng ta phân biệt giữa các thuộc tính “khách quan” của các sự vật, những thuộc tính tự minh định trong các mối quan hệ lẫn nhau giữa các sự vật, và các thuộc tính đơn thuần được con người gán cho chúng, thì có lẽ là thích hợp hơn nếu chúng ta tạo cặp tương phản giữa “khách quan” (objective) với “được gán” (attributed), thay vì sử dụng thuật ngữ mơ hồ “chủ quan”. Tuy nhiên, từ được gán có mức độ sử dụng bị hạn chế. Có một số lý do giải thích cho tính tiện lợi của việc tại sao vẫn duy trì cặp thuật ngữ chủ quan và khách quan để thể hiện sự tương phản như chúng ta đã trình bày ở trên, dù là xét đến cùng thì chúng vẫn mang trong mình mầm mống dẫn đến sự hiểu nhầm. Thứ nhất, hầu hết các thuật ngữ khác, như thuộc tâm trí (mental) và thuộc vật chất (material), đều mang trong mình một gánh nặng, thậm chí còn tồi dở hơn, của những thứ dính líu đến siêu hình. Thứ nữa, ít nhất trong kinh tế học5 thuật ngữ chủ quan đã được sử dụng từ lâu một cách chính xác theo nghĩa mà chúng ta sử dụng ở đây. Và, điều quan trọng hơn cả là thuật ngữ tính chủ quan nhấn mạnh tới một khía cạnh quan trọng khác mà chúng ta sẽ vẫn phải đề cập tới: đó là tri thức và niềm tin của những người khác nhau, trong khi chứa đựng cấu trúc tâm trí chung giúp cho con người có khả năng giao tiếp được với nhau, vẫn khác nhau và thường đối nghịch nhau trên nhiều khía cạnh. Giá như chúng ta có thể giả thiết được là tri thức và niềm tin của những con người khác nhau là đồng nhất, hoặc giá như chúng ta chỉ đề cập tới một tâm trí đơn lẻ, thì chẳng thành vấn đề khi chúng ta mô tả một cái gì đó như là một thực tế “khách quan” hay như một hiện tượng chủ quan. Nhưng tri thức cụ thể chi phối hành động của một nhóm người nào đó không bao giờ tồn tại ở dạng một thể nhất quán và cố kết. Nó chỉ tồn tại dưới hình thức phân tán, không hoàn chỉnh và phi nhất quán, hiện diện trong tâm trí của các cá nhân. Tính phân tán và tính không hoàn thiện của mọi tri thức là hai thực tế cơ bản, làm điểm khởi đầu cho nhóm các ngành khoa học xã hội. Điều mà các triết gia và nhà logic học coi là một khiếm khuyết “bẩm sinh” (“mere” imperfection) của tâm trí con người và thường tìm cách loại bỏ lại trở thành một thực tế cơ bản, đóng vai trò hết sức quan trọng trong nhóm các ngành khoa học xã hội. Rồi chúng ta sẽ thấy, quan điểm của những người theo “tuyệt đối luận” đối nghịch là nguồn gốc tạo ra các lỗi lầm dai dẳng trong nhóm các ngành xã hội học như thế nào khi họ xem tri thức, đặc biệt là tri thức cụ thể về các hoàn cảnh, cứ như là được cho sẵn một cách “khách quan”, nghĩa là cứ như thể tri thức là giống nhau với hết thảy mọi người. 

Các khái niệm “dụng cụ” hay “công cụ” mà chúng ta sử dụng trước đây để minh họa các đối tượng của hành động con người có thể cũng tương xứng với các thí dụ tương tự trong các nhánh nghiên cứu khoa học xã hội khác. Một “từ” hay một “câu”, một “tội ác” hay một “hình phạt”6 dĩ nhiên không phải là những thực tế khách quan theo nghĩa chúng ta không thể định nghĩa chúng nếu như không dựa trên hiểu biết của chúng ta về các ý định của con người về chúng. Và luận điểm này nói chung hoàn toàn đúng bất cứ khi nào chúng ta phải giải thích hành vi của con người hướng tới những sự vật; những sự vật này bắt buộc phải được định nghĩa dưới góc độ mô tả người đang hành động suy nghĩ về chúng thay vì dưới góc độ thuần túy xuất phát từ các phương pháp khách quan của Khoa-Học. Ví dụ, một vị thuốc hay một loại mỹ phẩm dưới góc độ nghiên cứu xã hội không phải là thứ chữa trị bệnh tật hay làm tôn vẻ đẹp mà là cái thiên hạ nghĩ sẽ gây ra hiệu ứng đó. Bất kỳ hiểu biết nào chúng ta chẳng may có được về bản chất thật sự của sự vật, nhưng lại không được sở hữu bởi những con người có loại hành động [liên quan đến những sự vật đó] mà chúng ta muốn giải thích, sẽ chẳng mấy hữu ích cho việc giải thích các hành động của họ. Điều này cũng tương tự như sự hoài nghi cá nhân của chúng ta về tính hiệu quả của một phép yêu thuật khi chúng ta muốn tìm hiểu hành vi của bộ tộc hoang dã vẫn còn tin vào điều đó. Trong quá trình nghiên cứu xã hội đương đại, nếu “các quy luật tự nhiên” mà chúng ta phải sử dụng như là các dữ liệu (datum) do chúng tác động tới các hành động của con người gần giống với những quy luật được phát hiện trong các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học tự nhiên, thì, với chúng ta, đây chỉ là một điều tình cờ và chúng ta không được phép để sự tình cờ này che mắt khiến cho không nhận thấy cái đặc điểm khác biệt giữa các quy luật này trong hai lĩnh vực. Điều cần quan tâm trong nghiên cứu xã hội không phải là liệu những quy luật tự nhiên này đúng theo một nghĩa khách quan nào đó, mà chỉ là liệu những người hành động có tin vào chúng hay không. Nếu tri thức “khoa học” hiện hành của xã hội mà chúng ta nghiên cứu bao gồm cả niềm tin rằng việc trồng trọt sẽ chẳng đem lại hoa lộc gì cho tới khi tiến hành các lễ cầu siêu, thì loại tri thức này cũng quan trọng với chúng ta chẳng kém gì bất kỳ quy luật tự nhiên nào mà tới nay chúng ta tin tưởng là đúng. Và tất cả “các quy luật vật lý về sản xuất” (physical laws of production) mà chúng ta phải đối mặt, chẳng hạn trong kinh tế học, chẳng phải là các quy luật vật lý trong các ngành khoa học vật lý, mà là những niềm tin của con người về cái mà con người có thể làm.

 Điều mà đúng cho các mối quan hệ giữa người với vật tất nhiên còn đúng hơn nữa cho mối quan hệ giữa người với người vốn là cái mà vì các mục đích của nghiên cứu xã hội không thể định nghĩa được dưới dạng khách quan như trong nhóm các ngành khoa học vật lý mà chỉ dưới dạng niềm tin của con người. Ngay cả mối quan hệ tưởng như thuần túy sinh học, chẳng hạn như giữa cha mẹ và con cái, cũng không thể định nghĩa được dưới góc độ thuần túy vật lý trong nghiên cứu xã hội và cũng không thể nào làm thế được vì mục đích của chính những người tham gia vào mối quan hệ này: việc niềm tin của họ, rằng một đứa trẻ cụ thể là máu mủ của họ, là đúng hay sai [dưới góc độ sinh học] chẳng ảnh hưởng gì đến các hành động của họ.

Tất cả điều này được thể hiện rõ nhất trong kinh tế học – một ngành khoa học xã hội có hệ thống lý thuyết phát triển nhất. Và có lẽ không quá chút nào khi nói rằng mọi tiến bộ quan trọng nhất của lý thuyết kinh tế trong vòng một trăm năm qua đều là sự kế thừa truyền thống áp dụng nhất quán chủ quan luận7. Việc các đối tượng của hoạt động kinh tế không thể định nghĩa được dưới dạng khách quan mà chỉ liên quan tới chủ đích con người là một điều không phải bàn cãi. Chẳng thể định nghĩa được một “hàng hóa” hay một “mặt hàng kinh tế”, “thực phẩm” hay “tiền tệ” dưới góc độ vật lý mà chỉ có thể dưới góc độ những quan điểm của những người bận tâm đến chúng. Lý thuyết kinh tế chẳng có gì để nói về những mảnh kim loại tròn nhỏ như cách mà một người theo chủ nghĩa duy vật hay khách quan luận cố gắng định nghĩa tiền tệ. Nó cũng chẳng liên quan gì đến sắt hay thép, gỗ hay dầu hoả, hoặc lúa mạch hay những quả trứng hoặc những thứ tương tự. Thực ra khi xem xét lịch sử của bất kỳ một loại hàng hóa cụ thể nào chúng ta đều thấy là khi hiểu biết của con người thay đổi thì cùng một vật liệu có thể thuộc về những nhóm hàng hóa khác hẳn nhau. Chúng ta cũng không thể phân biệt được, dưới góc độ vật lý, phải chăng hai người đang tiến hành trao đổi hàng hóa hay đang chơi một trò chơi hay thực hiện một nghi lễ tôn giáo nào đó. Trừ phi chúng ta có thể hiểu được điều mà những người đang hành động muốn thể hiện qua các hành động của họ, bất kỳ nỗ lực nào để giải thích các hành động đó, nghĩa là sắp xếp chúng theo các quy tắc mà theo đó các tình huống tương tự được gắn với các hành vi tương tự, sẽ thất bại8.

Đặc tính chủ quan có tính bản thể của toàn bộ lý thuyết kinh tế – chuyên ngành rõ ràng là đã phát triển hơn rất nhiều so với các chuyên ngành khoa học xã hội khác9, nhưng tôi vẫn tin rằng đây là đặc điểm chung của tất cả các nhóm ngành khoa học xã hội theo nghĩa hẹp – sẽ trở nên rõ nét qua một minh họa tường tận về một trong những định lý đơn giản nhất, chẳng hạn, “quy luật về tô lợi” (“the law of rent”). Khởi thủy, đây là một định đề về những thay đổi giá trị của một sự vật được định nghĩa dưới góc độ vật lý, với cái tên đất đai. Theo định đề này10, những thay đổi về giá trị của các hàng hóa trong quá trình sản xuất cần sử dụng đất đai sẽ dẫn đến những thay đổi về giá trị của đất đai lớn hơn nhiều so với giá trị của các yếu tố sản xuất cần thiết khác. Dưới hình thức này, nó là một định đề thực nghiệm được tổng quát hóa nhưng không cho chúng ta biết tại sao cũng như dưới các điều kiện nào thì nó sẽ đúng. Trong kinh tế học hiện đại, định đề này được thay thế bằng hai định đề riêng rẽ liên quan đến các khía cạnh khác nhau nhưng khi kết hợp lại thì cùng dẫn đến một kết luận. Một định đề thuộc về lý thuyết kinh tế thuần túy cho rằng: trong bất cứ quá trình sản xuất một loại hàng hóa nào mà đòi hỏi các yếu tố sản xuất (khan hiếm) khác nhau theo các tỷ lệ có thể biến đổi được nhưng có một yếu tố chỉ có thể sử dụng cho mục đích sản xuất hàng hóa đó (hoặc chỉ cho một vài mục đích khác trên cơ sở so sánh tương đối) trong khi các yếu tố khác có phạm vi sử dụng rộng rãi hơn, thì một sự thay đổi về giá trị của hàng hóa đó sẽ tác động đến giá trị của yếu tố chuyên dụng mạnh hơn so với giá trị của các yếu tố khác. Định đề thứ hai là một phát biểu thực nghiệm, rằng đất đai thông thường là yếu tố thuộc nhóm thứ nhất, nghĩa là, con người biết cách sử dụng lao động của họ cho nhiều mục đích hơn là đối với một mảnh đất cụ thể nào đó. Định đề đầu tiên, giống như mọi định đề của lý thuyết kinh tế thuần túy, là một mệnh đề ngụ ý về những thái độ nhất định của con người đối với các sự vật, và dưới dạng như thế, nó nhất thiết phải đúng cho mọi thời điểm và ở mọi nơi. Định đề thứ hai là một khẳng định rằng các điều kiện nêu ra trong định đề đầu xuất hiện tại một thời điểm xác định và liên quan đến một mảnh đất cụ thể, bởi vì những người liên quan đến mảnh đất có những niềm tin nhất định về tính hữu ích của mảnh đất và tính hữu ích của các thứ khác cần thiết để vun xới nó. Như là một định đề thực nghiệm được tổng quát hóa, tất nhiên là nó có thể bị phản chứng và sẽ bị phản chứng thường xuyên. Ví dụ, nếu một mảnh đất được sử dụng để trồng một loại hoa màu nào đó mà việc chăm sóc nó đòi hỏi một loại kỹ năng đặc biệt, thì ảnh hưởng của việc giảm cầu đối với loại hoa màu đó có thể làm giảm chỉ các mức lương của những người có kỹ năng đặc biệt đó, trong khi giá trị của mảnh đất có lẽ không bị ảnh hưởng gì trên thực tế. Trong một tình huống kiểu như thế thì lao động có lẽ lại là yếu tố mà “quy luật về tô lợi” ứng vào. Nhưng khi chúng ta đặt câu hỏi tại sao, hay bằng cách nào chúng ta có thể biết được trong trường hợp cụ thể nào thì quy luật về tô lợi sẽ ứng vào thì chẳng có thông tin nào về các tính chất vật lý của mảnh đất, loại lao động, hay của dạng sản phẩm giúp chúng ta tìm được câu trả lời. Nó phụ thuộc vào các yếu tố chủ quan được phát biểu trong quy luật về tô lợi trên phương diện thuần túy lý thuyết; và chỉ tới chừng nào chúng ta có thể biết được đâu là tri thức và niềm tin của những người trong cuộc thì chúng ta mới có thể tiên đoán được rằng thông qua cách thức nào một sự thay đổi về mức giá của sản phẩm sẽ ảnh hưởng tới các mức giá của các yếu tố sản xuất. Điều đúng trong lý thuyết về tô lợi cũng đúng cho lý thuyết về giá cả nói chung: nó chẳng đề cập gì tới hành vi giá cả của sắt hay len dạ, của những sự vật có các thuộc tính vật lý như thế này như thế kia, mà chỉ liên quan tới những thứ mà con người mang niềm tin nhất định nào đó về chúng và họ muốn sử dụng chúng theo một cách thức nhất định nào đó. Và do đó, chỉ có lượng tri thức bổ sung về điều mà những người trong cuộc có quan hệ với sản phẩm đó nghĩ về nó, chứ không phải là bất kỳ lượng tri thức bổ sung nào mà chúng ta (người quan sát) có được về sản phẩm đó mới ảnh hưởng tới giả thiết của chúng ta về một hiện tượng giá cả nhất định.

Chúng tôi không có điều kiện tiếp tục sử dụng cách tương tự để bàn luận các hiện tượng phức tạp hơn mà lý thuyết kinh tế quan tâm đến, nơi có sự phát triển trong những năm gần đây gắn liền với tiến bộ của chủ quan luận. Chúng tôi chỉ có thể chỉ ra những vấn đề mới, đang trở thành trung tâm của sự chú ý, chẳng hạn vấn đề về tính tương hợp giữa các ý định và các kỳ vọng của những người khác nhau, vấn đề về sự phân hữu tri thức giữa họ, và vấn đề về quá trình tiếp nhận tri thức hữu quan cũng như quá trình hình thành các kỳ vọng11. Tuy thế, ở đây chúng tôi không quan tâm tới các vấn đề cụ thể của kinh tế học, mà chỉ tới đặc tính chung của tất cả các ngành có liên quan đến các kết quả hình thành bởi hành động có ý thức của con người. Những điểm mà chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là trong tất cả các hướng nghiên cứu xã hội thì chúng ta bắt buộc phải khởi đầu từ cái mà con người suy nghĩ và gán cho ý nghĩa để hành động: từ thực tế là các cá nhân hợp thành xã hội lèo lái các hành động của họ bằng một hệ thống phân loại các sự vật hay các sự kiện dựa theo một hệ thống các giác chất và các khái niệm vốn có một cấu trúc chung và chúng ta hiểu biết được hệ thống đó là vì chúng ta đều là con người; và từ thực tế là tri thức cụ thể mà những cá nhân khác nhau sở hữu khác nhau trên nhiều khía cạnh. Không phải chỉ hành động của con người hướng tới các đối tượng bên ngoài, mà còn cả các mối quan hệ giữa con người với nhau cũng như tất cả các thể chế xã hội, là những thứ mà chúng ta chỉ có thể hiểu được dựa trên điều mà người trong cuộc nghĩ về chúng. Xã hội như chúng ta biết về nó vốn dĩ được tạo dựng từ các khái niệm và các ý tưởng có được từ những người trong cuộc; và các hiện tượng xã hội mà chúng ta có thể nhận ra được và có ý nghĩa đối với chúng ta chỉ khi chúng hiện hữu trong tâm trí của con người.

Cấu trúc tâm trí con người – một nguyên lý chung dựa vào đó con người phân loại các sự kiện bên ngoài – cung cấp cho chúng ta loại tri thức về các phần tử có tính định kỳ. Đây là các phần tử được sử dụng làm chất liệu để xây dựng các cấu trúc xã hội khác nhau và dựa trên chỉ các phần tử này chúng ta mới có thể mô tả và giải thích được các cấu trúc xã hội12. Dẫu là trong khi các khái niệm hay ý tưởng chỉ có thể tồn tại được bên trong tâm trí các cá nhân, và cụ thể là trong khi chỉ ở bên trong tâm trí các cá nhân thì các ý tưởng này mới có thể xuất hiện trên cơ sở các ý tưởng khác, thì không phải là tổng thể toàn bộ tâm trí các cá nhân với toàn bộ tính phức tạp của chúng, mà chỉ là các quan niệm cá nhân, các quan niệm mà mọi người nghĩ về nhau và về các sự vật, là những thứ hình thành nên các phần tử thực thụ cấu thành cấu trúc xã hội. Nếu một cấu trúc xã hội vẫn được bảo toàn, dù rằng tại mỗi thời điểm có các cá nhân thế chỗ nhau, thì không phải bởi vì các cá nhân thế chỗ nhau giống nhau hoàn toàn mà là bởi vì họ chỉ thay thế nhau trong các mối quan hệ cụ thể, trong các thái độ cụ thể của họ đối với người khác và trở thành đối tượng để những người khác nhìn nhận. Các cá nhân đơn thuần chỉ là foci (các tâm điểm) trong mạng lưới các mối quan hệ, còn các nhìn nhận khác nhau về nhau của các cá nhân (hay các nhìn nhận tương tự hay khác nhau của họ về các đối tượng vật lý) mới chính là cái hình thành nên các phần tử quen thuộc, có thể nhận ra được, và có tính định kỳ của cấu trúc xã hội. Nếu một người cảnh sát thế chỗ một vị trí của một người cảnh sát khác thì điều này không có nghĩa là người cảnh sát mới sẽ đồng nhất với người tiền nhiệm của anh ta trên mọi phương diện, mà đơn thuần chỉ là anh ta thay thế người tiền nhiệm trong một số nhìn nhận nhất định hướng tới những người đồng nghiệp và trở thành đối tượng để những người đồng nghiệp nhìn nhận lại anh ta trong cương vị là một người cảnh sát. Nhưng điều này cũng đủ để bảo tồn một phần tử không đổi thuộc cấu trúc [xã hội] và chúng ta có thể tách riêng phần tử đó ra để nghiên cứu độc lập.

Trong khi chúng ta có thể nhận ra được những phần tử chứa đựng các mối quan hệ con người này chỉ bởi vì chúng ta biết chúng từ cơ chế hoạt động của chính tâm trí của chúng ta, thì điều này không có nghĩa là chúng ta có thể nhận ra ngay tức thì ý nghĩa của một tổ hợp các phần tử chứa đựng những mối quan hệ liên quan đến những cá nhân khác nhau theo một một mô thức (pattern) cụ thể nào đó. Chỉ bằng cách theo đuổi một cách có hệ thống các tâm ý (implications) của rất nhiều người với những quan điểm nhất định, chúng ta mới có thể hiểu được, thậm chí chỉ là học được cách nhìn nhận, các kết quả không được định trước và thường là không được biết đến trước đó từ các hành động, dẫu có liên hệ qua lại với nhau nhưng vẫn riêng rẽ, của những con người trong xã hội. Từ thực tế là chỉ những cái mà thiên hạ biết hay tin tưởng mới có thể được cân nhắc trong hành động có ý thức của họ, chúng ta đi đến kết luận là: để tái dựng lại các mô thức các mối quan hệ xã hội khác nhau, chúng ta nhất thiết phải sử dụng các dữ liệu là các nhìn nhận về người khác và về thế giới vật chất xung quanh của những con người có các hành động mà chúng ta muốn giải thích, chứ không phải là xem xét một hành động cụ thể của một cá nhân cụ thể dựa trên các thuộc tính khách quan của những con người hay của sự vật cụ thể mà hành động của cá nhân này hướng tới.

Chú thích:

(1) Tuy nhiên, hầu hết các vấn đề trong nhóm ngành cuối cùng sẽ làm nảy sinh các vấn đề mang đặc điểm của lĩnh vực khoa học xã hội khi chúng ta cố gắng giải thích chúng.

(2) Ngày nay, thuật ngữ tiếng Đức Geisteswissenschaften đôi khi được dùng để mô tả lĩnh vực khoa học xã hội theo nghĩa hẹp mà chúng ta xem xét ở đây khi được chuyển sang tiếng Anh. Nhưng thuật ngữ tiếng Đức này lại được dịch giả cuốn Logic của J. S. Mill đưa vào thế giới tiếng Anh để ám chỉ các ngành khoa học về luân lý theo nghĩa hẹp, và vì thế có lẽ sẽ không gây ra vấn đề gì nghiêm trọng cho việc sử dụng cách dịch này thay vì thuật ngữ tiếng Anh nguyên gốc.

(3) Vì lý do này mà kinh tế học và các ngành khoa học lý thuyết khác về xã hội thường được người ta mô tả là các ngành khoa học “mục đích luận” (teleological). Tuy nhiên, thuật ngữ này dẫn tới hiểu lầm, rằng nó có xu hướng cho là không chỉ các hành động của những con người cá nhân mà còn cả các cấu trúc của xã hội do các hành động cá nhân tạo thành cũng được thiết kế có chủ ý bởi một ai đó vì một mục đích nào đó. Vậy nên, nó dẫn tới một “cách giải thích” về các hiện tượng xã hội theo nghĩa cứu cánh được một loại quyền lực tối cao nào đó ấn định hoặc dẫn tới quan niệm sai lầm ngược lại và không kém phần nguy hiểm khi coi tất cả các hiện tượng xã hội như là sản phẩm thiết kế có ý thức của con người, hay dẫn tới cách diễn giải “thực dụng” ngăn cản tất cả sự hiểu biết thực sự về những hiện tượng đó. Một vài tác giả, cụ thể O. Spann, đã sử dụng thuật ngữ mục đích luận (teleological) để biện minh cho các tư biện siêu hình cực kỳ khó hiểu. Những người khác, như K. Englis, đã sử dụng nó theo cách không thể phản bác và đã phân biệt một cách rành mạch các loại khoa học mục đích luận với khoa học chuẩn tắc. (Cụ thể xem các trao đổi minh họa về vấn đề này trong K. Englis, Teleologische Theorie der Wirtschaft [Brünn, 1930]). Tuy nhiên thuật ngữ vẫn gây ra hiểu lầm. Nếu cần một cái tên thì thuật ngữ các ngành khoa học hành động (praxeological sciences) do A. Espinas đưa ra, T. Kotarbinsky và E. Slutsky áp dụng, và hiện nay được Ludwig von Mises định nghĩa rõ ràng và sử dụng rộng rãi (Nationalökônmie [Geneva, 1940]) dường như là thích đáng hơn cả.

(4) Trong khi tuyệt đại đa số các đối tượng và sự kiện quyết định hành động con người, và từ góc độ đó cần được định nghĩa không chỉ bằng các đặc điểm vật lý của chúng mà còn bằng các thái độ của con người đối với chúng, là các phương tiện cho một mục đích thì điều này không có nghĩa là yếu tố hướng đích hay “mục đích luận” trong định nghĩa về chúng là điều thiết yếu. Mục đích con người vốn được những sự vật khác nhau đáp ứng là loại quan trọng nhất, nhưng đấy mới chỉ là một loại, trong các tâm thức con người để hình thành cơ sở cho sự phân loại trên. Một linh cảm hoặc một điềm dù xấu hay tốt thuộc về không gì khác hơn nhóm các sự kiện quyết định hành động con người nhưng lại không có bản đối ứng dạng vật lý, mặc dù những cái đó không thể được xem như là một công cụ phục vụ hành động con người.

(5) Tôi cũng tin là thuật ngữ chủ quan cũng cũng được sử dụng một cách chính xác theo nghĩa mà chúng ta sử dụng ở đây trong tâm lý học.

(6) Có một ảo tưởng khủng khiếp khi một vài nhà xã hội học tin là họ có thể làm cho “tội ác” trở thành một thực tế khách quan bằng cách định nghĩa nó như là những hành động mà một người sẽ bị trừng phạt. Điều này chỉ đẩy yếu tố chủ quan ẩn sâu thêm hơn thay vì loại bỏ được nó. Hình phạt vẫn là một thứ chủ quan không thể định nghĩa được dưới hình thức khách quan. Ví dụ, nếu chúng ta thấy bất kỳ khi nào một người cố ý thực hiện một hành vi nào đó để đeo gông vào cổ thì điều này không cho chúng ta biết là liệu đó là một phần thưởng hay là một hình phạt.

(7) Sự phát triển theo hướng này có lẽ đã được Ludwig von Mises tiến hành hầu như nhất quán, và tôi tin là hầu hết các điểm khác lạ trong quan điểm của ông, thoạt đầu có thể khiến nhiều độc giả cảm thấy lạ lẫm và rất khó chấp nhận, đã vượt xa các đồng nghiệp đương đại của ông. Có lẽ những nét tiêu biểu trong các lý thuyết của ông – từ lý thuyết về tiền tệ (cực kỳ tiến bộ tại thời điểm công bố năm 1912) tới cái mà ông gọi là thuyết tiên nghiệm (a priorism) –, các quan niệm của ông về kinh tế toán nói chung và khả năng đo lường các hiện tượng kinh tế nói riêng, và phê phán của ông về hoạch định kinh tế tập trung (dẫu là, có lẽ không phải mọi luận điểm đều xuất sắc như nhau) đều bắt nguồn từ cách tiếp cận chính yếu này. Cụ thể xem các tác phẩm của ông Grundprobleme der Nationalökonomie (Jena, 1933) và Human Action (1949).

(8) Điều này hoàn toàn rõ ràng đối với một số các nhà kinh tế thế hệ đầu tiên, nhưng sau này đã bị che mờ đi bởi những nỗ lực muốn làm kinh tế học trở nên “khách quan” giống như các ngành khoa học tự nhiên. Chẳng hạn Ferdinando Galiani, trong tác phẩm của mình Della Moneta (1751), đã nhấn mạnh rằng “những sự vật [có giá trị] ngang bằng nhau là những thứ đáp ứng mức thỏa mãn ngang bằng cho người mà đối với anh ta những thứ đó được xem là tương đương. Bất kỳ ai tìm kiếm sự ngang bằng ở nơi khác, dựa theo những nguyên lý khác và kỳ vọng tìm thấy điều này dưới dạng trọng lượng, hoặc có vẻ bề ngoài tương tự, thể hiện một sự hiểu biết kém cỏi về thực tế đời sống con người. Một tờ giấy có giá trị tương đương với đồng tiền thường có trọng lượng và hình dạng bên ngoài khác với đồng tiền; mặt khác, hai đồng tiền có trọng lượng và chất lượng giống nhau, và có hình dạng bề ngoài tương tự nhau, thường có giá trị khác nhau” (dịch bởi A. E. Moore, Early Economic Thought [1930], p. 303).

(9) Có lẽ trừ ngôn ngữ học, chuyên ngành thực sự có quyền tuyên bố là nó “có đóng góp mở đường cho phương pháp luận của nhóm các ngành khoa học xã hội” (Edward Sapir, Selected Writings [Berkeley: University of Caliornia Press, 1949], p. 166). Sapir, tác giả mà tôi chưa hề biết đến các tác phẩm của ông cho tới khi tôi hoàn thành bài luận này, đưa ra rất nhiều điểm tương tự ở đây. Chẳng hạn xem ibid., p. 46: “không thể có định nghĩa thỏa đáng về bất kỳ một thực thể nào có trong kinh nghiệm con người thuần tuý dưới dạng tổng hoặc tích tất cả các thuộc tính vật lý của nó”, và “Tất cả các thực thể quan trọng có trong kinh nghiệm con người do vậy đều được tinh chỉnh từ các thuộc tính vật lý ban đầu thông qua quá trình sàng lọc các thuộc tính có giá trị xét về mặt chức năng hay quan hệ”.

(10) Tất nhiên, mệnh đề có dạng cực đoan của Ricardo là: một sự thay đổi trong giá trị của sản phẩm sẽ tác động chỉ tới giá trị của đất đai và hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới giá trị của lao động kết hợp. Ở dạng này (gắn với lý thuyết “khách quan” về giá trị của Ricardo), định đề có thể được xem như là một trường hợp giản đơn của định đề tổng quát hơn được trình bày trong bản văn. 

(11) Xem bàn luận chi tiết hơn về những vấn đề này trong bài tiểu luận của tôi “Economics and Knowledge”, Economica (Feb., 1937), in lại trong Individualism and Economic Order (Chicago: University of Chicago Press, 1948).

(12) Xem C. V. Langlois và C. Seignobos, Introduction to the Study of History, trans. G. G. Berry (London, 1898), p. 218: “Các hành động và các từ ngữ đều có đặc tính này, rằng [bản thân] mỗi hành động hay mỗi từ ngữ đã là hành động hay từ ngữ của một cá nhân; tưởng tượng chỉ có thể là hiện thân của các hành sự (acts) cá nhân, và những cái mà chúng ta quan sát được trực tiếp là các bản sao của chúng. Do đây là những hành động của những con người sống trong xã hội, hầu hết chúng được thực hiện đồng thời bởi một số cá nhân, hoặc được định hướng tới cùng một mục đích chung nào đó. Đấy là các hành động tập thể; nhưng trong sự tưởng tượng cũng như trong quan sát trực tiếp, chúng luôn được quy về tổng của các hành động cá nhân. “Thực tế xã hội”, như được một số nhà xã hội phát hiện ra, là một kết cấu triết biện/lý thuyết chứ không phải là một thực tế lịch sử”.

Nguồn: Friedrich A. Hayek, Cuộc cách mạng ngược trong khoa học: Các nghiên cứu về sự lạm dụng lý tính, NXB Tri Thức, 2007

Dịch giả:
Đinh Tuấn Minh