Chủ nghĩa duy khoa học và nghiên cứu về xã hội: Phương pháp cá thể luận và “compozit” trong lĩnh vực khoa học xã hội (phần 4)

Chủ nghĩa duy khoa học và nghiên cứu về xã hội: Phương pháp cá thể luận và “compozit” trong lĩnh vực khoa học xã hội (phần 4)

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Tới đây, để tránh những nhầm lẫn có thể phát sinh từ nội dung trình bày ở trên, có lẽ chúng ta nên tạm rời luận điểm chính một chút. Việc chúng ta nhấn mạnh rằng bản thân các dữ liệu hay “dữ kiện” (facts) trong nhóm các ngành khoa học xã hội cũng là các ý tưởng hoặc các khái niệm dĩ nhiên không nên bị hiểu thành toàn bộ các khái niệm chúng ta phải xử lý trong nhóm các ngành khoa học xã hội đều mang đặc tính này. Nếu mà sự thể diễn ra như thế thì chẳng còn có chỗ cho bất kỳ một công trình khoa học nào; và nhóm các ngành khoa học xã hội, cũng giống như nhóm các ngành khoa học tự nhiên, có mục đích là hiệu chỉnh lại các khái niệm dân dã do con người tạo thành liên quan đến các đối tượng nghiên cứu của các ngành đó và thay thế các khái niệm dân dã này bằng những khái niệm chính xác hơn. Những khó khăn đáng kể của nhóm các ngành khoa học xã hội, và rất hay có sự nhầm lẫn về đặc điểm của chúng, xuất phát chính xác từ thực tế là trong các ngành khoa học xã hội, các ý tưởng vốn dĩ xuất hiện dưới hai hình thức: như là một bộ phận của đối tượng nghiên cứu và như là các ý tưởng về đối tượng nghiên cứu đó. Trong khi, trong nhóm các ngành khoa học tự nhiên, sự tương phản giữa đối tượng nghiên cứu và cách lý giải đối tượng được quy về sự phân biệt giữa các dữ kiện khách quan và các ý tưởng, thì với nhóm các ngành khoa học xã hội, chúng ta nhất thiết phải phân biệt giữa những loại ý tưởng cấu thành các hiện tượng mà chúng ta muốn lý giải và các ý tưởng [hay nhận định] mà hoặc bản thân chúng ta hoặc chính những người trong cuộc (tức những người có những hành động mà chúng ta muốn giải thích) đưa ra về các hiện tượng đó; những ý tưởng [thuộc loại thứ hai] này không phải là nguyên nhân hình thành mà là các lý giải về các cấu trúc xã hội.

Khó khăn đặc thù của nhóm các ngành khoa học xã hội không đơn thuần xuất phát từ việc chúng ta phải phân biệt giữa các quan điểm của những người trong cuộc vốn đóng vai trò như là đối tượng nghiên cứu của chúng ta và các quan điểm của chúng ta về các quan điểm đó, mà còn từ thực tế là những người trong cuộc, vốn cũng là đối tượng nghiên cứu của chúng ta, không chỉ hình thành các động cơ từ những ý tưởng mà còn hình thành các ý tưởng về những kết quả không được dự định từ trước, phát sinh từ các hành động của họ – những lý giải đại chúng về các cấu trúc hay các hệ thống tổ chức xã hội (social structures or formations) mà chúng ta cũng mang trong mình như họ và là thứ mà chúng ta tìm cách hiệu chỉnh và cải tiến qua công việc nghiên cứu của chúng ta. Việc thay thế “các dữ kiện” bằng “các khái niệm” (hay “các lý giải”) là mối nguy khó có thể tự biến mất trong nhóm các ngành khoa học xã hội và sự thất bại trong việc loại bỏ mối nguy này gây ra ảnh hưởng tiêu cực cho nhóm ngành này không kém gì đối với nhóm các ngành khoa học tự nhiên1; không những thế, mối nguy lại xuất hiện dưới một hình thức khác hẳn, dưới dạng đối sánh cực kỳ hời hợt giữa “các ý tưởng” và “các dữ kiện”. Sự đối sánh đúng đắn phải là giữa một bên là các ý tưởng có ở những người trong cuộc vốn đóng vai trò như là các nguyên nhân hình thành một hiện tượng xã hội và bên kia là các ý tưởng mà thiên hạ nhìn nhận về hiện tượng đó. Sự khác biệt rõ rệt giữa hai loại ý tưởng này (mặc dù trong các ngữ cảnh khác nhau, sự phân biệt có lẽ phải tiến hành theo những cách khác nhau)2 có thể dễ dàng nhận thấy: các thay đổi quan niệm của mọi người về một hàng hóa cụ thể mà chúng ta cho là nguyên nhân dẫn đến một sự thay đổi mức giá của mặt hàng đó rõ ràng thuộc về một phạm trù khác hẳn so với các ý tưởng cũng của chính những người đó về các nguyên nhân của sự thay đổi giá cả hay về “bản chất của giá trị” nói chung. Tương tự, các niềm tin và các ý tưởng khiến cho một số người thường xuyên lặp lại những hành động nhất định, ví dụ để sản xuất, bán hay mua những lượng nhất định các mặt hàng hoàn toàn khác so với các ý tưởng mà họ nhận định về tổng thể “xã hội” hay “hệ thống kinh tế”, vốn là cái mà họ góp mặt như là thành viên và là cái được cấu thành từ sự phối hợp của toàn bộ các hành động của họ. Loại ý kiến và niềm tin thứ nhất là một điều kiện về sự tồn tại của các “tổng thể”, những cái sẽ không thể tồn tại nếu không có chúng; như chúng ta đã nói, chúng “cấu thành” và không thể thiếu đối với sự tồn tại của cái hiện tượng mà những người trong cuộc xem là “xã hội” hay “hệ thống kinh tế”, nhưng cái hiện tượng đó sẽ tồn tại bất kể những người trong cuộc có ý tưởng hay khái niệm gì về những tổng thể đó.

Điều tối quan trọng là chúng ta phải phân biệt cẩn thận giữa một bên là những ý kiến thúc đẩy hay cấu thành (motivating or constitutive opinions) [lên các tổng thể] và bên kia là những quan điểm tư biện hay lý giải (speculative or explanatory views) mà thiên hạ đưa ra về các tổng thể; sự nhầm lẫn giữa hai loại này là một trong những ngọn nguồn gây ra những tai họa dai dẳng. Phải chăng đó là thủ phạm hình thành các khái niệm có tính đại chúng về những hiện tượng tập thể như xã hội hay hệ thống kinh tế, chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa đế quốc, và các thực thể tập thể tương tự như thế – những khái niệm mà nhà khoa học xã hội cần phải nhìn nhận chỉ như là các lý thuyết tạm thời, những sự trừu tượng hóa có tính đại chúng, và là những cái mà nhà nghiên cứu không được phép nhầm lẫn thành các thực tế? Nếu khoa học xã hội nhất quán từ bỏ việc coi những giả thể đó (pseudo-entities) là các thực tế, và nếu anh ta khởi đầu công việc nghiên cứu của mình một cách có hệ thống từ các quan niệm chi phối hành vi của các cá nhân chứ không phải từ các kết quả do các cá nhân đó nhìn nhận về hành động của họ thì nhà khoa học đó đang tuân theo đặc điểm tiêu biểu của cá thể luận về phương pháp nghiên cứu (methodological individualism), vốn có quan hệ mật thiết với chủ quan luận của nhóm các ngành khoa học xã hội. Ngược lại, rồi chúng ta sẽ dần thấy, cách tiếp cận duy khoa học, do nó sợ hãi khởi đầu bằng [thực tế rằng] các khái niệm chủ quan quyết định hành động của cá nhân, thường xuyên dẫn đến loại sai lầm nghiêm trọng mà nó cố gắng muốn tránh: đó là việc coi những hiện tượng tập thể vốn thực ra chỉ là những khái quát hóa mang tính đại chúng là các thực tế. Việc tránh né sử dụng các quan niệm chủ quan của các cá nhân như là những dữ liệu khi chúng có thể được phân biệt, được trình bày cũng như được mô tả một cách rõ ràng và tường tận đúng như chúng hiện hữu chính là nguyên nhân khiến cho thiên hạ liên tục vướng vào chủ nghĩa duy khoa học và chấp nhận một cách ngây thơ các khái niệm tư biện, có tính đại chúng như là các thực tế xác định thuộc về chủng loại mà họ quen thuộc.

Chúng ta sẽ bàn đến bản chất của định kiến mang màu sắc của tập thể luận trong cách tiếp cận duy khoa học một cách chi tiết hơn ở chương sau.

Có một vài điểm chúng ta cần phải lưu ý thêm liên quan đến phương pháp nghiên cứu lý thuyết đặc thù của nhóm các ngành khoa học xã hội: chủ quan luận và cá thể luận về phương pháp nghiên cứu. Xuất phát từ thực tế rằng các khái niệm và quan điểm của các cá nhân chính là cái mà chúng ta trực tiếp biết được và là cái hình thành nên các phần tử giúp chúng ta hình dung được, và quả thực như vậy, các hiện tượng phức tạp hơn, chúng ta lại rút ra được một sự khác biệt quan trọng nữa giữa phương pháp luận của nhóm các ngành khoa học xã hội với nhóm các ngành khoa học tự nhiên. Đó là, đối với nhóm các ngành đầu, các thái độ của các cá nhân là những phần tử quen thuộc và thông qua việc tổng hợp các phần tử này chúng ta cố gắng tái dựng các hiện tượng phức, vốn là những kết quả do các hành động cá nhân mang lại, những hiện tượng mà chúng ta thường rất ít biết về chúng. Quá trình tái dựng lại những hiện tượng phức đó thường dẫn tới việc khám phá ra các nguyên lý về sự cố kết mang tính cấu trúc của các hiện tượng phức đó – điều mà chúng ta không biết được (và có lẽ không thể biết được) từ quá trình quan sát trực tiếp. Còn đối với các nhóm ngành khoa học vật lý, chúng ta nhất thiết phải bắt đầu từ các hiện tượng phức của thiên nhiên và tiến hành theo cách ngược lại để suy luận ra các phần tử cấu thành các hiện tượng đó. Cái vị thế mà từng con người có được trong trật tự của muôn vật dẫn đến một tình huống: một mặt, những cái mà anh ta nhận biết được là các hiện tượng tương đối phức tạp, đòi hỏi anh ta phải phân tích mổ xẻ thành các chi tiết, thì mặt khác, những cái mà anh ta có sẵn lại là các phần tử dùng để để hình dung các hiện tượng phức tạp hơn – những hiện tượng mà anh ta không thể quan sát chúng dưới dạng các tổng thể được3. Theo ý này, trong khi phương pháp mà nhóm các ngành khoa học tự nhiên áp dụng là phương pháp phân tích, thì phương pháp mà nhóm các ngành khoa học xã hội sử dụng lại là phương pháp tổng hợp hay compozit4 (compositive or synthetic). Cái mà chúng ta thường gọi là các tổng thể – các nhóm các phần tử được nối kết với nhau theo một cấu trúc nào đó – chính là những thứ mà chúng ta dần học được cách phân tách khỏi toàn thể các hiện tượng quan sát được thông qua không gì khác hơn ngoài quá trình chắp nối một cách có hệ thống các phần tử có các thuộc tính quen thuộc lại với nhau, và chúng cũng chính là những thứ mà chúng ta tạo dựng hoặc tái dựng lại từ các thuộc tính đã biết của các phần tử đó.

Một điểm quan trọng mà chúng ta cần lưu ý là: nói chung bản thân các loại niềm tin hoặc thái độ khác nhau của cá nhân không phải là đối tượng phân tích của chúng ta. Chúng đơn thuần chỉ là các phần tử để từ đó chúng ta tạo dựng nên cấu trúc về các mối quan hệ khả thể giữa các cá nhân. Khi chúng ta tiến hành phân tích nhận thức của cá nhân trong nhóm các ngành khoa học xã hội thì mục đích của chúng ta không phải là giải thích nhận thức đó mà đơn thuần chỉ là việc phân biệt những nhóm khả thể các phần tử mà chúng ta sẽ phải cân nhắc sử dụng trong việc xây dựng các mô thức khác nhau của các mối quan hệ xã hội. Sẽ thật sai lầm, một phần gây ra bởi một số các phát biểu thiếu cẩn trọng của các nhà khoa học xã hội, khi mọi người tin rằng mục đích của các nhà khoa học xã hội là nhằm giải thích hành động có ý thức. Nếu muốn giải quyết ổn thỏa việc này thì đó thuộc về một lĩnh vực khác – lĩnh vực của tâm lý học. Các dạng hành động có ý thức là các dữ liệu5 và tất cả các công việc các nhà nghiên cứu xã hội phải làm liên quan tới các dữ liệu là sắp xếp chúng lại theo một trình tự nhất định sao cho chúng có thể giải quyết nhiệm vụ của họ một cách có hiệu quả6. Các vấn đề mà chúng ta phải giải đáp nảy sinh chỉ trong trường hợp các hành động có ý thức của nhiều người dẫn đến các kết quả không được thiết kế một cách có chủ đích từ trước, khi những hiện tượng xuất hiện thường xuyên (regularities) quan sát được không phải là kết quả của sự thiết kế của bất kỳ ai. Giả dụ các hiện tượng xã hội không có trật tự gì cả trừ phi chúng được thiết kế có chủ ý thì thực sự sẽ không có chỗ cho các ngành khoa học lý thuyết về xã hội và như mọi người thường tán đồng, sẽ chỉ còn các vấn đề tâm lý. Chỉ khi có một loại trật tự nào đó xuất hiện như là kết quả của hành động cá nhân nhưng lại không được thiết kế bởi bất kỳ cá nhân nào thì đó mới là vấn đề đòi hỏi chúng ta phải giải thích bằng lý thuyết của khoa học xã hội. Dù cho những người mang định kiến duy khoa học vẫn thường hay khước từ sự tồn tại của bất kỳ loại trật tự nào như thế (và gián tiếp khước từ sự tồn tại của đối tượng nghiên cứu của các ngành khoa học lý thuyết về xã hội) thì vẫn còn một vài người, nếu có thể nói vậy, sẵn sàng tiến hành công việc đó một cách nhất quán với sự động viên từ một thực tế mà hầu như không ai có thể nghi ngờ: ít nhất hệ thống ngôn ngữ bộc lộ một trật tự rõ ràng và nó không phải là kết quả của bất kỳ một sự thiết kế có chủ đích nào.

Việc đòi hỏi nhà khoa học tự nhiên thừa nhận sự tồn tại một trật tự bên trong các hiện tượng xã hội tương tự như hệ thống ngôn ngữ là một công việc khó khăn vì những trật tự này không thể diễn tả được dưới góc độ vật lý, vì nếu chúng ta định nghĩa các phần tử dưới góc độ vật lý thì không thể có một trật tự như thế hiện hữu, và vì các đơn vị [phân tích] tham gia vào việc hình thành một sắp đặt có trật tự không (hay ít nhất là không cần thiết) mang bất kỳ thuộc tính vật lý nào chung (trừ phi mọi người nhìn nhận các phần tử đó theo một cách thức “như nhau” – nhưng một lần nữa “mức độ như nhau” trong sự nhìn nhận của những người khác nhau, trên nguyên tắc, lại không thể xác định được dưới góc độ thuần túy vật lý). Đấy chính là một trật tự mà tại đó các sự vật thể hiện hành vi theo cùng một cách thức bởi chúng hàm ý tới cùng một sự vật đối với con người. Nếu như, thay vì xem xét những thứ xuất hiện thế này thế kia trước người đang hành động là giống nhau hay khác nhau, chúng ta lại bắt buộc phải sử dụng chỉ những thứ mà Khoa-Học chỉ ra là giống nhau hay khác nhau làm các đơn vị [phân tích] của chúng ta thì có lẽ chúng ta sẽ chẳng thể nào tìm ra được một trật tự có thể nhận biết được trong bất kỳ hiện tượng xã hội nào – ít nhất là không phải tới chừng nào mà nhóm các ngành khoa học tự nhiên hoàn tất nhiệm vụ phân tích tất cả các hiện tượng tự nhiên thành các cấu tử nhỏ nhất và tâm lý học cũng hoàn tất nhiệm vụ đảo ngược là giải thích một cách chi tiết nhất vì sao tất cả các đơn vị nhỏ nhất của khoa học vật lý lại xuất hiện đối với con người như chúng vốn vậy, nghĩa là biết được bộ máy phân loại do các giác quan của chúng ta tạo nên hoạt động như thế nào.

Có lẽ chỉ thông qua những ví dụ minh họa đơn giản nhất chúng ta mới có thể trình bày ngắn gọn hiện tượng vì sao các hành động độc lập của các cá nhân lại tạo ra được một trật tự không đòi hỏi chủ ý của họ mà không cần thiết phải vận dụng đến bất cứ hệ thống lý luận chuyên sâu nào; và trong các ví dụ đó cách thức giải thích thường hiển nhiên đến nỗi chúng ta chẳng bao giờ cần phải dừng lại để xem xét loại lý lẽ phía sau những lời giải thích. Cách thức mà các con đường mòn được hình thành ở vùng thôn quê hoang sơ là một ví dụ. Đầu tiên mọi người tự tìm kiếm cho mình lối đi tốt nhất theo chủ kiến riêng của mỗi người. Nhưng hiển nhiên là một lối đi như vậy một khi đã được tạo lập thì khả năng được ai đó tìm thấy sẽ dễ dàng hơn và do đó có khả năng được sử dụng lại nhiều hơn; và do vậy xuất hiện những lối đi ngày một rõ ràng và chúng có xu hướng tiếp tục được sử dụng thay vì phải tìm kiếm các con đường khác. Sự di chuyển của con người qua một vùng nào đó thường có xu hướng bám theo một khuôn hình nhất định, cái khuôn hình không phải là do một ai đó thiết kế một cách có chủ ý dù cho đó là kết quả của những quyết định có chủ ý của nhiều người. Cách lý giải này về hiện tượng vừa mô tả là một “lý thuyết” sơ đẳng có khả năng áp dụng cho hàng trăm ví dụ cụ thể khác trong lịch sử; và chẳng phải là từ sự quan sát về quá trình phát triển trong thực tế của một con đường cụ thể nào khiến cho cách giải thích này trở nên thuyết phục, mà là từ hiểu biết chung của mỗi chúng ta về việc chúng ta và những người khác có hành vi như thế nào khi gặp phải loại tình huống theo đó dòng người kế tiếp nhau tự thấy rằng chính họ là người phải tìm kiếm một con đường cho họ và cũng chính họ là người góp phần tạo ra con đường mòn nhờ ảnh hưởng tích lũy từ hành động [riêng rẽ] của họ. Đó chính là các phần tử của một tổ hợp các sự kiện quen thuộc với chúng ta từ kinh nghiệm hằng ngày, nhưng chỉ nhờ nỗ lực tư duy nghiêm túc chúng ta mới thấy được những ảnh hưởng tất yếu của tổ hợp các hành động của nhiều người. Chúng ta “hiểu” được cách thức tạo ra hiện tượng mà chúng ta quan sát diễn ra như thế nào, dù chúng ta có lẽ chưa bao giờ quan sát được toàn bộ quá trình hay phán đoán được chính xác sự tiến triển và kết quả của quá trình.

Với mục đích phân tích hiện tại của chúng ta thì không có sự khác biệt giữa một quá trình diễn ra trong một thời gian dài, chẳng hạn các trường hợp về sự phát triển của tiền tệ hay sự hình thành ngôn ngữ, với một quá trình lặp lại liên tục bằng một hình ảnh mới, chẳng hạn sự hình thành các loại giá cả hay khuynh hướng sản xuất do sức ép của cạnh tranh. Các hiện tượng về quá trình diễn ra trong dài hạn làm nảy sinh các vấn đề lý thuyết (nghĩa là có tính phổ quát để phân biệt với các vấn đề hoàn toàn mang tính lịch sử thuần túy theo nghĩa mà chúng ta sẽ làm sáng tỏ trong phần sau) về cơ bản tương tự các vấn đề nảy sinh từ các hiện tượng định kỳ như sự xác lập các mức giá. Dù là trong công việc nghiên cứu một trường hợp cụ thể nào đó về quá trình tiến triển của một “thể chế” như tiền tệ hay ngôn ngữ thường xảy ra việc vấn đề lý thuyết bị các hoàn cảnh cụ thể có liên quan (công việc thuần túy mang tính lịch sử) xen vào che lấp mất, thì điều này không làm thay đổi một thực tế là bất kỳ một sự giải thích nào về một quá trình lịch sử đều liên quan đến các giả thiết về loại hoàn cảnh mà có thể gây ra các loại kết quả nhất định – tức các giả thiết, trong trường hợp chúng ta phải xử lý các hiện tượng hình thành không phải trực tiếp từ ý chí của một cá nhân nào đó, mà chỉ có thể trình bày dưới dạng một giản đồ phổ quát (generic scheme), hay nói một cách khác, dưới dạng giản đồ của một lý thuyết.

Nhà vật lý muốn hiểu các vấn đề thuộc nhóm các ngành khoa học xã hội bằng phương pháp tương tự trong chuyên ngành của mình sẽ phải tưởng tượng ra một thế giới mà tại đó anh ta đã biết được cấu tạo bên trong của các nguyên tử qua quan sát trực tiếp, nhưng lại chẳng có điều kiện tiến hành các thí nghiệm sử dụng hàng tá vật liệu cũng như chỉ có cơ hội quan sát một vài tương tác giữa một số ít các nguyên tử trong một khoảng thời gian xác định. Từ hiểu biết của mình về các chủng loại nguyên tử khác nhau anh ta có thể xây dựng các mô hình về tất cả các trường hợp khả thể về khả năng kết hợp giữa chúng thành các đơn vị lớn hơn và bắt các mô hình này ngày càng phải tái tạo lại chính xác hơn tất cả các khía cạnh của một vài trường hợp để từ đó anh ta có thể quan sát được nhiều hiện tượng phức tạp hơn. Nhưng các quy luật của thế giới vĩ mô mà anh ta có thể rút ra được từ hiểu biết của mình về thế giới vi mô luôn mang tính “diễn dịch” (deductive); bởi hiểu biết của anh ta về dữ liệu liên quan đến hiện tượng phức là giới hạn nên các quy luật đó rất hiếm khi cho phép anh ta dự đoán chính xác kết cục của một tình huống cụ thể; và anh ta chẳng thể bao giờ chứng thực được chúng qua quá trình thí nghiệm mà anh ta có thể kiểm soát được – mặc dù chúng có thể bị phản chứng khi việc quan sát các sự kiện mà đáng lý ra theo lý thuyết của anh ta là không thể xảy ra.

Trong một chừng mực nhất định thì một số vấn đề của thiên văn học lý thuyết có nhiều điểm tương đồng với các vấn đề của nhóm các ngành khoa học xã hội hơn bất kỳ nhóm ngành khoa học thực nghiệm nào. Dù thế thì vẫn có một số điểm khác biệt quan trọng. Trong khi nhà nghiên cứu vũ trụ có mục đích tìm hiểu tất cả các phần tử hợp thành vũ trụ của anh ta, thì nhà nghiên cứu các hiện tượng xã hội không thể hy vọng biết gì nhiều hơn các chủng loại phần tử từ đó vũ trụ của anh ta được dựng nên. Anh ta hầu như không bao giờ biết được tất cả các phần tử trong vũ trụ của mình và tất nhiên anh ta sẽ không bao giờ biết tất cả các đặc tính liên quan của mỗi phần tử. Khiếm khuyết không thể nào tránh được của trí tuệ con người ở đây đóng vai trò không chỉ là các dữ liệu cơ bản về đối tượng mà người nghiên cứu đang tiến hành nghiên cứu, mà vì khiếm khuyết này cũng đúng luôn với cả người nghiên cứu, nên nó còn là một giới hạn về mức độ trọn vẹn mà anh ta có thể hy vọng giải thích về các thực tế quan sát được. Với bất kỳ hiện tượng xã hội nào, số lượng các biến riêng rẽ mà quyết định kết quả phát sinh từ một thay đổi nhất định nào đó, trên nguyên tắc, sẽ là quá lớn đối với bất kỳ bộ óc nào để nắm bắt và điều khiển chúng một cách có hiệu quả7. Hậu quả là kiến thức của chúng ta về nguyên lý chi phối các hiện tượng này sẽ hiếm khi, nếu không muốn nói là chẳng bao giờ, cho phép chúng ta phán đoán được kết cục chính xác trong một tình huống cụ thế nào đó. Trong khi chúng ta có thể giải thích được cái nguyên lý chi phối các hiện tượng nhất định và có thể từ kiến thức đó loại trừ khả năng dẫn đến những kết cục nhất định, chẳng hạn các sự kiện xảy ra đồng thời nhất định, thì kiến thức của chúng ta sẽ vẫn chỉ có tính loại trừ; nghĩa là nó sẽ chỉ đơn thuần cho phép chúng ta loại trừ được trước một số kết cục nào đó nhưng không cho phép chúng ta thu hẹp được vùng khả năng xảy ra các kết cục ở mức độ đủ lớn sao cho chỉ còn lại duy nhất một trường hợp.

Việc phân biệt giữa một bên là cách lý giải đơn thuần về nguyên lý chi phối một hiện tượng và một bên là cách lý giải cho phép chúng ta dự đoán một kết cục chính xác nhất định nào đó có một ý nghĩa rất đáng kể để hiểu được các phương pháp nghiên cứu lý thuyết của nhóm các ngành khoa học xã hội. Tôi tin là nó cũng có ý nghĩa quan trọng như thế ở các lĩnh vực khác, chẳng hạn trong sinh học và tất nhiên trong tâm lý học. Tuy vậy nó vẫn còn có đôi chút xa lạ và tôi biết là không đâu giúp chúng ta tìm được lời giải đáp thỏa đáng. Ví dụ minh họa tốt nhất trong lĩnh vực nghiên cứu của nhóm các ngành khoa học xã hội có lẽ là lý thuyết tổng quát về giá cả, chẳng hạn được trình bày dưới dạng các hệ thống các phương trình Walras hay Pareto. Các hệ thống này chỉ đơn thuần chỉ ra nguyên lý về mối quan hệ cố kết (principle of coherence) giữa các mức giá cả của các loại hàng hóa có trong các hệ thống các phương trình; nhưng nếu không có thêm thông tin về các giá trị của tất cả các hằng số trong các hệ thống, điều mà có lẽ chúng ta chẳng bao giờ biết được, thì nguyên lý này sẽ không cho phép chúng ta phán đoán được các kết cục chính xác phát sinh từ bất kỳ một thay đổi cụ thể nào8. Ngoài cái ý nghĩa cụ thể này, một hệ thống các phương trình mà thuần túy chỉ cho biết hình dạng của một hệ thống các mối quan hệ nhưng không cung cấp giá trị của các hằng số của các phương trình đó có lẽ là một minh họa tổng quát nhất về một cách lý giải đơn thuần chỉ về cái nguyên lý chi phối một hiện tượng nào đó.

Tới đây, phần mô tả cách nhìn đúng đắn về các vấn đề đặc trưng của nhóm các ngành khoa học xã hội đã đầy đủ. Trong các phần tiếp theo chúng ta sẽ đối sánh quy trình đặc thù này của nhóm các ngành khoa học xã hội với các nét đặc trưng nhất của các khuynh hướng mà xem xét đối tượng nghiên cứu của nhóm ngành này dập theo khuôn mẫu của nhóm các ngành khoa học tự nhiên.

Chú thích:

(1) Xem một bàn luận tuyệt với về những ảnh hưởng của thuyết duy thực khái niệm (conceptual realism) (Begriffsrealismus) đối với kinh tế học trong W. Eucken, The Foundation of Economics (London, 1950), pp. 51 et seq.

(2) Trong một số ngữ cảnh, các khái niệm được một ngành khoa học xã hội nào khác xem là các lý thuyết đơn thuần và cần phải được hiệu chỉnh có lẽ cần phải được coi như là những dữ liệu. Ví dụ, ai đó có thể tưởng tượng về một “khoa học chính trị” có khả năng chỉ ra loại hành động chính trị cần phải tiến hành khi dân chúng mang những quan điểm nhất định nào đó về bản chất của xã hội và trong trường hợp này, những quan điểm này cần phải được xem như là các dữ liệu. Nhưng trong trường hợp xem xét các hành động của một người đối với các hiện tượng xã hội, nghĩa là, giải thích các hành động chính trị của anh ta, chúng ta phải coi các quan điểm của anh ta về cấu trúc xã hội là những cái cho sẵn, tuy thế, chúng ta vẫn có thể tìm hiểu trong một phân tích khác tính chân và giả của những quan điểm này. Khi một xã hội cụ thể trên thực tế tin rằng các thể chế của nó được tạo ra bởi sự can thiệp của thần linh thì chúng ta phải chấp nhận sự thực đó khi giải thích tình hình chính trị của xã hội đó; nhưng điều này không ngăn cản chúng ta chỉ ra rằng quan niệm đó hoàn toàn là sai lầm.

(3) Xem Robbins, An Essay on the Nature and Significance of Economic Science, 2d. ed. (1935), p. 105: “Trong kinh tế học... những cấu tử nhỏ nhất tham gia vào các quá trình tổng quát hóa nền tảng của chúng ta được chúng ta biết đến một cách trực tiếp. Trong nhóm các ngành khoa học tự nhiên, những cấu tử này được biết đến chỉ nhờ suy luận”. Có lẽ trích đoạn sau từ trong một bài luận trước đây của tôi (Collectivist Economic Planning [1935], p. 11) có thể giúp thêm chút gì đó cho việc làm sáng tỏ nội dung mệnh đề trong bản văn: “Cái vị thế của con người nằm giữa các hiện tượng tự nhiên và xã hội – một mặt anh ta là đối tượng chịu tác động, mặt khác anh ta là tác nhân gây ra – dẫn đến một tình huống là các dữ kiện cơ bản và thiết yếu mà chúng ta cần giải thích là một bộ phận của kinh nghiệm chung, một phần trong kho tàng [các chất liệu] phục vụ tư duy của chúng ta. Trong nhóm các ngành khoa học xã hội chính các phần tử của các hiện tượng phức mới là thứ mà chúng ta thực sự biết và nằm ngoài mọi khả năng tranh luận. Trong nhóm các ngành khoa học tự nhiên chúng chỉ có thể được biết đến dưới dạng phỏng đoán”. Cũng xem C. Menger, Untersuchungen über die Methoden der Sozialwissenschaften (1883), p. 157 n: “Những nhân tố cuối cùng giúp cho việc lý giải chính xác về mặt lý thuyết các hiện tượng tự nhiên là những “nguyên tử” và những “lực”. Cả hai đều không có tính thường nghiệm. Ta tuyệt nhiên không thể hình dung về những “nguyên tử”, và chỉ có thể hình dung các lực tự nhiên bằng một hình ảnh, và trong thực tế, ta chỉ hiểu về các lực tự nhiên như là những nguyên nhân của những vận động hiện thực mà ta không biết được. Từ đó việc giải thích chính xác những hiện tượng tự nhiên, xét đến cùng, gặp những khó khăn hết sức lớn. Các ngành khoa học xã hội chính xác thì lại khác. Ở đây là những cá nhân con người và những nỗ lực của họ; những nhân tố tối hậu hình thành phân tích của chúng ta đều có bản tính thường nghiệm và, do đó, các ngành khoa học xã hội lý thuyết và chính xác có thuận lợi lớn so với các ngành khoa học tự nhiên chính xác. Trong thực tế, công việc nghiên cứu chính xác những hiện tượng xã hội không gặp phải các trở ngại liên quan đến các “ranh giới của việc nhận thức Tự nhiên” và những khó khăn nảy sinh từ đó đối với việc thấu hiểu những hiện tượng tự nhiên trên khía cạnh lý thuyết. Khi A. Comte hiểu những “xã hội” như là những thực thể hữu cơ thực tồn, và cho rằng đó là những thực thể hữu cơ thuộc loại phức tạp hơn nhiều so với những thực thể tự nhiên, và gọi việc giải thích lý thuyết về chúng là vấn đề khoa học khó khăn hơn và phức tạp hơn, ông đã rơi vào một sai lầm lớn. Học thuyết của ông chỉ đúng đối với những nhà nghiên cứu xã hội nào – do quan tâm đến tình trạng hiện nay của các ngành khoa học tự nhiên – có ý tưởng điên rồ là muốn giải thích những hiện tượng xã hội không phải bằng các đặc thù của khoa học xã hội mà bằng các phương pháp của khoa học tự nhiên và nguyên tử luận”.

(4) Tôi mượn thuật ngữ compozit từ một ghi chép còn dưới dạng bản thảo của Carl Menger – bản chú giải cá nhân của ông về bài nhận xét của Schmoller về tác phẩm của ông Methoden der Sozialwissenschaften (Jahrbuch für Gesetzgebung, ..., n.f. 7 [1883], p. 42). Menger dùng từ này để nói về từ diễn dịch (deductive) sử dụng bởi Schmoller. Sau khi dùng từ này, tôi đã phát hiện ra là Earst Cassirer trong tác phẩm của mình Philosophie der Aufklärung (1932, pp. 12, 25, 341) đã dùng thuật ngữ compozit để chỉ ra một cách hoàn toàn chính xác rằng quy trình nghiên cứu của nhóm các ngành khoa học tự nhiên ngầm giả định việc sử dụng phương pháp “phân giải” (resolutive) trước và phương pháp “compozit” (compositive) sau. Đây là một nhận xét hữu dụng và có quan hệ với luận điểm [của tôi] ở đây, rằng chúng ta có thể khởi đầu bằng phương pháp compozit trước trong nhóm các ngành khoa học xã hội vì các phần tử cấu thành là những thứ mà chúng ta đã trực tiếp biết rõ.

(5) Robbins (ibid., p. 86) hoàn toàn đúng khi phát biểu rằng, cụ thể các nhà kinh tế coi “các thứ mà tâm lý học nghiên cứu như là những dữ liệu phục vụ các quá trình suy diễn của họ”.

(6) Mặc dù đây là nhiệm vụ đòi hỏi phần lớn công sức của một nhà nghiên cứu kinh tế, nhưng chúng ta không được phép để việc này che mắt sự thật rằng cái “logic thuần túy về lựa chọn” (hoặc công việc giải tích kinh tế) này bản thân nó không giải thích bất kỳ thực tế nào, hoặc ít nhất chẳng làm gì hơn trên khía cạnh này so với toán học. Về mối quan hệ đúng đắn giữa lý thuyết thuần túy về phép giải tích kinh tế và việc sử dụng nó để giải thích các hiện tượng xã hội, một lần nữa tôi đề nghị tham khảo bài luận của tôi “Economics and Knowledge” (Economica [Feb.,1937]). Có lẽ cần phải nói thêm là trong khi lý thuyết kinh tế có thể rất đắc dụng cho ngài tổng tư lệnh của một hệ thống được kế hoạch hóa hoàn toàn nhằm giúp ông ta biết được ông ta phải làm gì để đạt được những cái đích mong muốn của mình, thì nó không giúp gì mấy cho chúng ta trong việc giải thích các hành động của ông ta – trừ khi ông ta thực sự bị dẫn dắt bởi cái lý thuyết đó.

(7) Cf. M.R. Cohen, Reason and Nature, p. 356: “Nếu các hiện tượng xã hội có số lượng các yếu tố mà chúng phụ thuộc vào vượt quá khả năng điều khiển hiện tại của chúng ta, thì ngay cả cái học thuyết về quyết định luận tổng quát cũng sẽ vẫn không dám nói mạnh về khả năng có được các quy luật chi phối những hiện tượng cụ thể của đời sống xã hội. Đối với một đầu óc hữu hạn trong một khoảng thời gian hạn chế, có lẽ sẽ không nhìn thấy được các hiện tượng xã hội, dù là có tính xác định, tuân theo bất kỳ quy luật nào”.

(8) Bản thân Pareto nhận thức rõ điều này. Sau khi chỉ ra bản chất của các yếu tố quyết định các mức giá cả trong hệ thống các phương trình của mình, ông nói thêm (Mannuel d’economie politique, 2d ed. [1927], pp. 233-34): “Cần phải nhấn mạnh ở đây là quá trình xác định này không có nghĩa nó nhằm đưa ra một phép tính các mức giá cả thành những con số cụ thể. Hãy cho phép chúng tôi đưa ra những giả thiết ưu ái nhất cho một phép tính như vậy; giả sử rằng chúng ta đã thành công vượt qua những khó khăn trong việc tìm kiếm các dữ liệu cho bài toán và giả sử tiếp rằng chúng ta biết ophélimités [độ thỏa dụng – ND] của tất cả các loại hàng hóa khác nhau cho mỗi loại riêng lẻ, và tất cả các điều kiện để sản xuất tất cả các loại hàng hóa, v.v... Đây đã là một giả thuyết hết sức vô lý, nhưng nó vẫn chưa đủ để giải bài toán. Chúng ta đã biết rằng trong trường hợp có 100 người và 700 loại hàng hóa, sẽ có 70.699 các điều kiện (trên thực tế số lượng các điều kiện còn lớn hơn nữa nếu chúng ta tính đến vô số những hoàn cảnh mà chúng ta đã bỏ qua nhờ các giả thuyết trên); do vậy, chúng ta sẽ phải giải một hệ thống 70.699 phương trình. Điều này, xét về mặt thực tiễn, vượt quá khả năng tính toán đại số, và điều này còn đúng hơn nữa nếu ai đó xây dựng hệ thống các phương trình cho một cộng đồng 40 triệu người và hàng nhiều nghìn loại hàng hóa. Trong trường hợp này có sự đảo ngôi về vai trò: không phải toán học sẽ trợ giúp kinh tế chính trị, mà là kinh tế chính trị sẽ trợ giúp toán học. Nói cách khác, nếu một người thực sự có thể biết tất cả những phương trình này, cách duy nhất để giải chúng là quan sát, cái khả năng mà con người có sẵn, cái giải pháp thực tiễn mà thị trường đem lại”. Cũng xem thêm A. Cournot, Researches into the Mathematical Principles of the Theory of Wealth (1838), trans. N. T. Bacon (New York, 1927), p. 127, tại đó ông nói rằng giả dụ chúng ta đưa được được toàn bộ hệ thống kinh tế vào trong các phương trình của chúng ta, “thì điều này sẽ vượt quá khả năng phân tích toán học và khả năng tính toán trong thực tiễn, ngay cả nếu tất cả các hằng số được gán các trị số nhất định”.

Nguồn: Friedrich A. Hayek, Cuộc cách mạng ngược trong khoa học: Các nghiên cứu về sự lạm dụng lý tính, NXB Tri Thức, 2007

 
 
 
 

Tác giả liên quan