![[Kinh tế học cấm đoán] Chương 1: Các nhà kinh tế học và cấm đoán (Phần 3)](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k25003.4_(1).jpg)
[Kinh tế học cấm đoán] Chương 1: Các nhà kinh tế học và cấm đoán (Phần 3)
QUAN ĐIỂM BẢO VỆ SỰ CẤM ĐOÁN
Irving Fisher là một nhà kinh tế học hàng đầu của Mĩ, đồng thời cũng là người anh hùng đấu tranh kiên cường cho Luật cấm rượu. Năm 1927, ông đã tổ chức hội nghị bàn tròn bàn về vấn đề này tại Hiệp hội những nhà kinh tế học Mĩ. Ở đây ông tuyên bố rằng mặc dù đã khảo sát kĩ lưỡng nhưng không tìm được một nhà kinh tế học nào phản đối Luật cấm rượu.
Tôi có danh sách những nhà kinh tế học, những người được cho là phản đối Luật cấm rượu và tôi đã viết thư cho họ. Tất cả đều trả lời rằng hoặc là tôi lầm khi nghĩ rằng họ chống lại Luật cấm rượu hoặc nếu chúng ta định hạn chế cuộc thảo luận vào vấn đề kinh tế học của Luật cấm rượu thì họ không quan tâm đến việc trả lời. Khi phát hiện ra rằng không có một phát ngôn viên nào đại diện cho quan điểm đối lập, tôi liền viết thư cho tất cả các nhà kinh tế học có tên trong danh sách Minerva và tất cả các giáo viên dạy thống kê ở Mĩ. Không có người nào nhận lời phát biểu hết (I. Fisher và cộng sự 1927, 5)
Trái với ý kiến của McKenzie và Tullock, nếu những người ủng hộ những biện pháp cấm đoán rượu hỏi các nhà kinh tế học về chuyện này thì họ đã ủng hộ hết mình rồi.
Năm 1926, Fisher đưa ra một quan điểm lạc quan và gần như không tưởng về việc loại bỏ những món đồ uống độc hại và những vấn đề liên quan tới việc tiêu thụ rượu. Thập kỉ 1920 là giai đoạn lạc quan lớn và Fisher là người mô tả hay nhất tinh thần lạc quan của Luật cấm rượu:
Luật cấm rượu sẽ phải được duy trì. Nếu không thực thi thì những lời chúc phúc của chúng sẽ nhanh chóng trở thành lời nguyền rủa. Không được để mất thời gian. Mặc dù mọi sự đã tốt hơn nhiều so với trước khi ban hành Luật cấm rượu, nhưng chỉ cần một vài trường hợp coi thường luật lệ là mọi sự sẽ không còn như thế nữa. Những biện pháp cưỡng bức sẽ loại bỏ được hiện tượng coi thường luật lệ và những điều bất thiện khác cũng sẽ như thúc đẩy mạnh mẽ điều thiện. Luật cấm rượu của Mĩ sẽ đi vào lịch sử mở đầu cho một thời đại mới trong cái thế giới mà ở đó những thành tựu của dân tộc này sẽ là niềm tự hào không bao giờ phai mờ. (I. Fisher [1926] 1927, 239)
Sự ủng hộ kiên cường của Fisher đối với Luật cấm rượu đã giúp chính sách này tránh được những lời chỉ trích. Ông đã viết ba cuốn sách về Luật cấm rượu, trong đó địa vị trong giới hàn lâm và tính khách quan của ông đã che đậy được phân nào | sự ủng hộ nhiệt tình của ông1. Ông cổ động những lời khẳng định cho rằng Luật cấm rượu sẽ làm giảm tội phạm, cải thiện được nền tảng đạo đức của xã hội, tăng năng suất lao động và điều kiện sống. Trên thực tế, ông khẳng định rằng Luật cấm rượu đã góp phần vào sự thịnh vượng kinh tế trong những năm 1920.
Fisher, một thiên tài trong nhiều lĩnh vực, sinh ra trong một gia đình theo đạo Tin lành có nguồn gốc Thanh giáo. Cha ông là cố đạo, đã tốt nghiệp trường Thần học Yale, mẹ ông cũng là người sùng đạo không khác gì cha ông. Cái chết của người cha và hai người anh ruột cũng như tình trạng sức khỏe không được tốt của chính ông đã có ảnh hưởng lớn đối với quan điểm của ông về các vấn đề xã hội. Ông ủng hộ mọi chính sách có thể kéo dài tuổi thọ của con người, ví dụ như Luật cấm rượu.
Chủ thuyết vô thần của Fisher dường như đã đẩy ông về phía bất đồng với các nhà cải cách tôn giáo, cũng là những ủng hộ viên chính của Luật cấm rượu. Mặc dù Fisher đã không còn tin vào Chúa và tôn giáo nữa, nhưng ông vẫn còn tin vào học thuyết và phương pháp của những người theo đạo Tin lành tin vào học thuyết hậu thiên niên kỷ. Ông tin rằng khi còn sống trên Trái đất này thì người ta còn phải làm việc vì những mục tiêu của đạo đức, tiến bộ và trật tự, còn chính phủ thì phải là phương tiện chủ yếu của quá trình khai hóa. Để đạt được mục tiêu mong ước thì phương tiện chỉ là thứ yếu. Quan điểm này là kim chỉ nam cho công việc của ông trong lĩnh vực chính sách kinh tế và xã hội. “Người ta không thể vui hưởng những lợi ích của chế độ tự do đã được khai hóa mà không cần những hạn chế. Luật pháp và Trật tự là trên hết, nếu không rối loạn sẽ xảy ra và khi Rối loạn xảy ra thì Tự do cũng không còn (trích lại theo I. N. Fisher 1956, 13).
Fisher là người rất giỏi toán và ông đã tự thân vận động nhờ những khoản học bổng, những cuộc thi có tính học thuật và dạy kèm. Đề tài luận án của ông là xây dựng lại lí thuyết công lợi bằng toán lí thuyết, dựa trên phương pháp của Leon Walras.
Luận án được Francis Yisdro Edgeworth nhiệt liệt hoan nghênh, sau khi đọc công trình của Fisher, ông này đã bác bỏ một số khía cạnh trong lí thuyết của chính mình. Vilfredo Pareto đã viết cho Fisher một bức thư dài tám trang trong đó ông tỏ ra khinh miệt “những người phản đối các phương pháp toán học” và ca ngợi sự phân biệt của Fisher giữa tính thỏa dụng của “những cái có thể chẳng có ích gì và những cái thực sự có ích.”2 Sau này Fisher đã sử dụng sự phân biệt đó trong việc phân tích việc tiêu thụ rượu.
Đối với những người ngưỡng mộ những đóng góp mang tính khoa học hơn của Fisher thì ông dường như là một nhà khoa học xuất chúng và khách quan. Công trình của ông về Luật cấm rượu bộc lộ phần bên ngoài của lớp men trang trí khoa học, có vai trò quan trọng trong việc đánh giá tất cả những đóng góp của ông, vì rõ ràng Fisher là người ủng hộ sự can thiệp của chính phủ vào lĩnh vực kinh tế. Quan điểm của ông được thể hiện rõ nhất qua đoạn trích từ bài diễn văn tại câu lạc bộ Đảng Xã hội Chủ nghĩa ở Yale vào tháng 11 năm 19413.
Tôi tin rằng ông [William Graham Sumner] là một trong những vị giáo sư vĩ đại nhất mà chúng ta từng thấy ở Yale, nhưng tôi đã bỏ xa quan điểm của ông, quan điểm của chủ nghĩa không can thiệp (laissez faire) cũ kĩ.
Tôi nhớ có lần ông giảng trong lớp: “Thưa các quý vị, sẽ đến lúc chỉ có hai giai cấp lớn, giai cấp của những người xã hội chủ nghĩa và giai cấp của những người vô chính phủ. Những người vô chính phủ muốn chính phủ là con số không, còn những người xã hội chủ nghĩa thì lại muốn chính phủ là tất cả mọi thứ. Không có sự tương phản nào lớn hơn thế. Vâng, sẽ đến lúc chỉ còn hai đảng lớn đó mà thôi, những người vô chính phủ đại diện cho học thuyết không can thiệp, còn những người xã hội chủ nghĩa đại diện cho quan điểm cực đoan ở phía bên kia, và khi đó tôi sẽ là người theo phái vô chính phủ.”
Điều này làm cả lớp rất thích thú vì còn lâu ông mới là nhà cách mạng như các bạn có thể nghĩ. Nhưng tôi xin nói rằng khi chỉ còn hai đảng lớn là vô chính phủ và xã hội chủ nghĩa thì tôi sẽ là người xã hội chủ nghĩa. (Trích theo I. N. Fisher 1956, 44)
Quan niệm ban đầu của Fisher về vấn nạn rượu chè là giáo dục thanh niên là giải pháp tốt nhất. Rượu kìm kẹp người uống rượu cũng chẳng khác gì thuốc phiện kìm kẹp người nghiện ma túy. Hãy quên các thế hệ già nua đi, mọi cố gắng đều phải hướng vào thanh niên. Trong bài nói chuyện với các sinh viên trường Cao đẳng Oberlin (Oberlin College) vào mùa xuân năm 1912, ông tóm tắt quan điểm của mình về các chất làm người ta say bằng những lời lẽ sau đây: “Sử dụng những thứ này (bia, rượu, thuốc phiện, cần sa và thuốc lá) thế nào là đúng mực? Theo ánh sáng của khoa học thì sử dụng đúng mực là không sử dụng một chút nào hết; và nếu đúng như thế thì những người cho rằng không phải xấu hổ khi không sống theo lí tưởng của mình thì họ phải xấu hổ khi sống theo Mười Điều Răn” (trích theo I. N. Fisher 1956, 152-53). Trong bài phát biểu trước Tiểu ban pháp luật về thuế môn bài và rượu của khu vực Columbia (1912), ông tuyên bố: “Sau khi đã làm công việc mà tôi tin là một công trình nghiên cứu vấn đề một cách hoàn toàn bất vụ lợi,... tự tôi đã đi đến kết luận, trên cơ sở số liệu thống kê cũng như trên cơ sở sinh lí học rằng rượu, trong chừng mực mà chúng ta có thể theo dõi được ảnh hưởng của nó, chỉ có hại chứ chẳng mang lại lợi lộc gì” (trích theo I. N. Fisher 1956, 153-54). Sau này ông còn tin rằng ban hành luật cấm các quán rượu là điều cần thiết nhằm hỗ trợ cho những cố gắng trong lĩnh vực giáo dục và ông đã nhảy sang phe cấm đoán vì thấy “những thành công” của những biện pháp cấm đoán của nhà nước.
Trong Thế chiến I, Fisher tình nguyện phục vụ trong Hội đồng Quốc phòng. Ông được giao nhiệm vụ thiết lập chính sách đối với rượu trong thời kì chiến tranh. Theo chỉ đạo của ông, Hội đồng khuyến nghị nghiêm cấm và lập ra những khu vực không được bán rượu xung quanh tất cả các doanh trại quân đội. Những công ty buôn bán rượu đã chặn đứng biện pháp đầu tiên, cũng là biện pháp mà Fisher ủng hộ bởi vì ông coi chiến tranh là cơ hội tuyệt vời để thử nghiệm những biện pháp cấm đoán. Fisher còn dự đoán rằng thất bại này sẽ tạo ra động lực cần thi để áp dụng những biện pháp cấm đoán vào năm 19204.
Đó là một kết quả gián tiếp trong thất bại thứ hai của Luật cấm rượu thời chiến mà Tu chính cấm đoán của hiến pháp gây ra! Những người sản xuất bia vô tình phát hiện ra rằng họ đã nhảy thẳng từ cái chảo rán vào lửa!
Lí do là các Thượng nghị sĩ ủng hộ Tổng thống Wilson đã rút những điều khoản của Luật cấm rượu thời chiến ra khỏi Luật về lương thực thực phẩm, điều này làm cho những cử tri ủng hộ Luật cấm rượu thất vọng và tức giận, và các vị Thượng nghị sĩ này cảm thấy cần phải làm gì đó để cho mình trở thành có li (I. Fisher 1927, 10-12).
Những cuốn sách của Fisher bàn về Luật cấm rượu là những cuộc khảo sát theo lối kinh nghiệm chủ nghĩa về số liệu thống kê xã hội như tiêu thụ rượu, hoạt động tội phạm và sức khỏe. Trong cuốn đầu tiên Luật cấm rượu ở giai đoạn tồi tệ nhất của nó (Prohibition at Its Worst – 1927), ông phát ngôn cho bản thân mình và là cuốn bị nhiều chống đối nhất. Trong cuốn Luật cấm rượu vẫn còn ở giai đoạn tồi tệ nhất của nó (Prohibition Still at Its Worst – 1928) và Cuộc thí nghiệm cao quý (The “Noble Experiment” – 1930) ông đã thay văn phong bằng một cách tiếp cận cân bằng hơn, trong đó ông trình bày cả hai quan điểm “uống” và “không uống” về nhiều vấn đề và điểm tham chiếu mang tính kinh nghiệm chủ nghĩa khác nhau.
Trong cuốn đầu tiên, Fisher đưa ra những giả định hay “những sự kiện vĩ đại”, tức là những giả định tạo nên kế hoạch phân tích tổng thể của ông. Mục đích của ông là chỉ cho người ta thấy rằng Luật cấm rượu đã được thực thi một cách thiếu hiệu quả, rằng kết quả của nó không kém như người ta báo cáo và trên thực tế đã làm được nhiều việc tốt. Ông cho rằng dùng luận cứ về quyền tự do cá nhân nhằm chống lại Luật cấm rượu là ảo tưởng. Hơn nữa, ông cho rằng không thể sửa được đạo luật Volstead5 mà không vi phạm Tu chính án XVIII, rằng không thể bãi bỏ Tu chính án XVIII, và vô hiệu hóa Tu chính án này có thể là hành động coi thường pháp luật tệ hại nhất. Cuối cùng ông khẳng định rằng “giải pháp thực tế duy nhất là thực thi đạo luật này” ([1926] 1927, 18-19).
Phần lớn các công trình của Fisher đều tạo ra những cuộc tranh cãi về số liệu thống kê. Nhưng ông được coi là có đóng góp khá lớn vào việc triển khai những vấn đề lớn liên quan đến những biện pháp cấm đoán, tổ chức những cuộc tranh luận giữa những người uống rượu và những người không uống rượu, và thiết lập nên những tiêu chí để đánh giá những biện pháp cấm đoán trong tương lai. Khảo sát một cách chi tiết công trình của Fisher về những biện pháp cấm đoán sẽ cần đến cả một cuốn sách. Tuy nhiên việc phê phán một số kết luận của Fisher sẽ cho thấy những thiếu sót của ông.
Trong những tác phẩm viết sau này, Fisher đã xin lỗi vì không nhận thức được giá trị của những biện pháp cấm đoán tư nhân. Trước buổi giao thời giữa thế kỉ XIX và XX, người sử dụng lao động thường cho người lao động uống một ít rượu khi làm việc. Sau năm 1900, hầu hết các nhà sản xuất – do quá trình sản xuất phức tạp và nguy hiểm – đã loại bỏ khẩu phần rượu và thay bằng những qui định cấm uống rượu. Những thay đổi này xảy ra đúng vào lúc tòa án và các cơ quan lập pháp bang siết chặt những biện pháp nhằm buộc người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm về những tổn thương gây ra cho người lao động.
Fisher dường như đã bị sự phân biệt giữa cấm đoán công và cấm đoán tư cũng như việc những người phản đối Luật cấm rượu ủng hộ những biện pháp cấm đoán tư nhân chứ không phải những biện pháp do nhà nước qui định làm cho bối rối. Thực tế là những thay đổi trong nền kinh tế làm cho những biện pháp cấm đoán tư có lợi hơn cho một số người sử dụng lao động dường như đã không gây được ảnh hưởng tới nhận thức của ông. Sau này ông đã phải công nhận rằng những biện pháp cấm đoán tư hiệu quả hơn là luật pháp. “Phần lớn là vì tiền bồi thường của người lao động và trách nhiệm pháp lí của người sử dụng lao động, và từ những đòi hỏi của đầu ra, hoàn cảnh đã tạo ra hình thức cấm đoán, do tư nhân thực thi, vững chắc hơn là những biện pháp cấm đoán được ghi trong Tu chính án XVIII hay đạo luật Volstead” (I. Fisher 1930, 443). Điều này không chỉ cho thấy rằng Fisher có phần nhắm mắt trước tiến trình diễn ra trên thương trường mà còn xói mòn phép phân tích mang tính kinh nghiệm chủ nghĩa xuyên suốt các công trình của ông và của cả những người khác nữa. Kết quả đáng mong ước của những biện pháp cấm đoán tư và chính sách sử dụng lao động không thể được coi là đóng góp của Luật cấm rượu.
Fisher cho rằng dư luận xã hội kiên quyết ủng hộ Luật cấm rượu vì quá trình cơ khí hóa trong xã hội đã gia tăng. Ông khẳng định rằng sau khi uống rượu thì người ta không thể nào điều khiển máy móc và ô tô một cách an toàn được nữa. Nhưng luận cứ này cũng chẳng thuyết phục được người ta cấm ô tô mà không xem xét những chi phí kèm theo và những giải pháp thay thế. Fisher còn khẳng định rằng những biện pháp được áp dụng ở Canada (cơ sở chữa bệnh của nhà nước) và ở Anh (thuế khóa và qui định) tệ hơn hay ít ra là cũng không tốt hơn Luật cấm rượu ở Mĩ. Ở đây ông đã so sánh quan niệm của mình về những điều mà hệ thống của nước ngoài đã làm trên thực tế với quan niệm của mình về những điều mà Luật cấm rượu của Mĩ đáng lẽ sẽ làm được nếu “nó được thực thi một cách đúng đắn.”
Fisher khẳng định rằng trong giai đoạn Cấm Rượu, việc tiêu thụ rượu có giảm và một số tài liệu đánh giá cũng ủng hộ quan điểm cho rằng số lượng rượu tiêu thụ trên đầu người đã giảm. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi quan trọng – Lượng tiêu thụ giảm đến mức nào? Tiêu thụ giảm là do những nguyên nhân nào? Mô hình tiêu thụ của cá nhân thay đổi như thế nào? Người ta tiêu thụ những loại rượu nào? Việc tiêu thụ những loại đồ uống thay thế diễn ra như thế nào? – nói chung đều không có câu trả lời và thậm chí là chưa được đặt ra. Ông còn khẳng định rằng giảm tiêu thụ rượu thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh hơn. Mặc dù lời tuyên bố cho rằng Luật cấm rượu làm cho kinh tế thịnh vượng trong những năm 1920 đã bị bác bỏ cùng với cuộc Đại Suy Thoái, niềm tin của ông về năng suất lao động và hiện tượng vắng mặt vẫn được sử dụng nhằm thổi phồng những đánh giá về mất mát do sử dụng ma túy gây ra cho lĩnh vực kinh tế và những lợi ích tiềm tàng của những biện pháp cấm đoán.
Trong quá trình thảo luận về những thứ thay cho rượu, Fisher tập trung vào công nghiệp ô tô, đài phát thanh, phim ảnh. Trong một đoạn văn, đọc lên nghe giống như một bài thuyết pháp chứ không phải là tiểu luận về kinh tế học, ông nhận xét rằng chuyên môn hóa trong lĩnh vực kinh tế gia tăng (rõ ràng là có đóng góp của Luật cấm rượu) làm giảm được khổ đau. Ông coi mọi thứ thay thế cho rượu đều là tốt và ông hoàn toàn bỏ qua sự kiện là những thứ thay thế như thế tạo ra ít giá trị hơn cho người tiêu thụ và có thể dẫn đến những thứ thay thế mà chính Fisher sẽ phải khóc. Căn cứ trên những tham khảo hạn chế về ma túy trong các tác phẩm của Fisher, ta có thể thấy rõ ràng là ông nghĩ rằng Luật cấm rượu đã làm giảm lượng ma túy bán được và ma túy có thể không có hại bằng rượu.
Fisher cho rằng Luật cấm rượu tạo được kết quả tốt hơn là người ta có thể chờ đợi, cả về mặt “vệ sinh, kinh tế và xã hội. Vấn đề chủ yếu là thực thi chưa tốt, đặc biệt là ở những thành phố lớn. Ông tuyên bố rằng ở đâu Luật cấm rượu được thực thi một cách thích đáng thì ở đó có hiệu quả. Fisher ủng hộ việc tái cấu trúc toàn bộ các cơ quan thực thi pháp luật ở mọi cấp và thuê mướn các quan chức thi hành có trình độ tốt hơn và gia tăng mạnh mẽ chi tiêu cho lực lượng thực thi.
Trong tác phẩm cuối cùng viết về Luật cấm rượu (1930), Fisher, trái với tính cách của ông, đã thỏa hiệp với những người phản đối Luật cấm rượu bằng cách ủng hộ “quyền” sản xuất và tiêu thụ tại gia. Ông tuyên bố rằng hợp pháp hóa việc sản xuất tại gia sẽ làm giảm những đòi hỏi về thực thi pháp luật và loại bỏ được luận cứ về quyền tự do cá nhân khỏi những cuộc tranh luận công khai. Không rõ là Fisher sử dụng luận cứ này như là cố gắng tuyệt vọng cuối cùng nhằm bảo vệ Luật cấm rượu hay ông đã nhận thức được rằng luật này chẳng mang lại tích sự gì. Ông công nhận rằng sự cải biến như thế sẽ làm giảm “hàng ngàn, nếu không phải là hàng triệu” người chống đối Luật cấm rượu và sẽ tạo điều kiện cho lực lượng thực thi pháp luật tập trung vào những kẻ buôn lậu và không thỏa hiệp với việc đóng cửa các quán rượu. Ông còn đưa ra một tuyên bố, công nhận tính bất khả thi của những biện pháp cấm đoán: “Tuy nhiên, kì vọng rằng các quan chức thực thi pháp luật ngăn chặn được việc sản xuất tại gia là lố bịch” (1930, 454). Cả lời tuyên bố về tính bất khả thi
lẫn thỏa hiệp của Fisher đều là những tuyên bố khác thường, và chúng chỉ xuất hiện trên trang cuối cùng của tác phẩm cuối cùng bàn về Luật cấm rượu của ông6.
Phương pháp luận của Fisher không thích hợp cho việc đánh giá những biện pháp cấm đoán, nhất là khi nó lại kết hợp với lòng nhiệt tình mang tính tôn giáo trong việc bài trừ uống rượu và làm tăng tuổi thọ. Trong những vấn đề có tính lí thuyết, Fisher bắt đầu bằng sự phân biệt giữa ước muốn (nhu cầu) và đạt được sự thỏa mãn thực sự. Sự thiếu kiên nhẫn của cá nhân ông, sự lo lắng của ông về tỉ lệ tử vong và sự quan tâm của ông với thuyết ưu sinh và kĩ thuật di truyền có thể đã có đóng góp vào sự phân biệt giữa ước muốn và đạt được giá trị của ông.
Một trong những điểm mà tôi cảm thấy hài lòng khi nhìn lại là tôi đã bác bỏ ý tưởng của (William Stanley] Jevons rằng kinh tế học liên quan tới “tính toán khoái lạc và đau đớn” và tôi khẳng định là có sự khác biệt rất lớn giữa ước muốn và thỏa mãn những ước muốn đó và kinh tế học chỉ liên quan tới ước muốn mà thôi, trong chừng mực người ta quan tâm tới ảnh hưởng của giá cả thị trường.
Nhưng người ta phải quan tâm nhiều hơn đến chân lí chứ không phải là quan tâm đến người muốn được khen là người đầu tiên đạt được chân lí. Kể từ khi tôi bị ốm cách đây sáu năm, tôi càng quan tâm hơn tới việc quảng bá chân lí hơn là đòi được khen hay thậm chí là tìm tòi thêm kiến thức. Đã có quá nhiều kiến thức chưa được đem ra áp dụng, nên tôi thường đặt ra cho mình nhiệm vụ là làm cho người khác chú ý đến những kiến thức đó.
Bây giờ tôi muốn thấy một công trình nghiên cứu – vừa kinh tế học vừa tâm lí học – chỉ ra được cách thức mà con người, trong khi theo đuổi ước muốn của mình lại thường, thay vì đạt được thỏa mãn thì lại bỏ lỡ nó. Ví dụ nổi bật nhất là ma túy. (Trích theo I. N. Fisher 1956, 339)
Bất luận sự phân biệt giữa ước muốn và đạt được thỏa mãn có là thực hay quan trọng đến mức nào thì những nhà kinh tế học, ví dụ như Joseph Schumpeter, cũng cho rằng trường hợp của Fisher là “một học giả bị chiến binh thập tự chinh dẫn đi sai đường”. Hay như G. Findly Shirras nhận xét: “Hạn chế của một bộ óc hoàn toàn duy lí là nó rất dễ giả định rằng cái không có khiếm khuyết trong logic cũng là cái có thể thực hiện được (trích theo I. N. Fisher 1956, 193-94).
Fisher có xu hướng ngả về “sự kiện” và những con số thống kê sẵn có hơn là dựa vào logic của nguyên nhân và hậu quả Trong lời nói đầu cho cuốn Quá trình tạo ra các chỉ số (The Making of Index Numbers), ông đã minh họa sự tin cậy vào số liệu thống kê và phương pháp qui nạp bằng cách nhận xét: “Cuốn sách này xuất phát từ ước muốn đưa những kết luận theo phép diễn dịch vào kiểm tra theo phép qui nạp bằng cách tính toán từ những dữ kiện lịch sử có thực. Nhưng trước khi tôi thực hiện được việc kiểm tra những kết luận độc đáo đó của mình, tôi cảm thấy ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng kết quả của những tính toán thực sự luôn luôn gợi ý diễn dịch tiếp cho đến khi, cuối cùng, tôi xem xét lại toàn bộ cả những kết luận lẫn nền tảng lí thuyết của tôi” (trích theo I. N. Fisher 1956, 194-95). Cái ảo ảnh của các sự kiện đó đã làm hại công trình của Fisher về chỉ số, lí thuyết tiền tệ và những đề xuất cho công cuộc cải cách tiền tệ cũng như cách hiểu của ông về “thời đại kinh tế mới” và Luật cấm rượu. Một đồng nghiệp của Fisher ở trường Đại học Yale, ông Ray Westerfield, đã phát triển luận điểm này và những luận điểm khác trong một bài báo kỉ niệm ông.
Fisher không bao giờ chịu dừng lại với những công trình nghiên cứu khoa học, trong lòng ông lúc nào cũng sôi sục tinh thần cải cách theo những đường lối mà các công trình nghiên cứu của ông chỉ ra. Ví dụ, sau khi nhìn thấy và cảm nhận được những cái xấu xa của đồng tiền không ổn định và sau khi phát hiện ra những nguyên nhân và biện pháp cứu chữa, ông quyết tâm làm tất cả những điều có thể để làm cho nó ổn định.
Đáng tiếc là lòng hăng say thúc đẩy sự nghiệp của ông đôi khi lại có ảnh hưởng xấu tới thái độ khoa học của ông. Nó làm cho đánh giá của ông trở thành thiên lệch; thí dụ, cuối những năm 1920 ông bị cuốn hút vào những ý tưởng về “thời đại kinh tế mới” của mình và đã đánh mất tài sản... Ông tin rằng sự ổn định giá cả từ năm 1925 đến năm 1929 là do hoạt động của Ngân hàng Dự trữ Liên bang và không công nhận hoạt động của những tác nhân khác (Trích theo I. N. Fisher 1956, 193).
Kết luận và niềm tin của Fisher là kim chỉ nam cho những công trình nghiên cứu thống kê, tức là những công trình đã tạo cho ông niềm tin rằng ông sẽ đạt tới những mục tiêu của mình trong vấn đề chính sách tiền tệ và biện pháp cấm đoán. Sự sụp đổ của Luật cấm rượu vào cuối cuộc Đại Suy Thoái chắc chắn đã tạo ra những ngày đen tối cho nhà cải cách đầy thiện ý này. Chẳng bao lâu sau ông đã nghỉ hưu, không làm công tác nghiên cứu khoa học nữa, nhưng ông vẫn tiếp tục hoạt động như một nhà cải cách tích cực và tiếp tục tham gia vào những cuộc tranh luận công khai.
Chú thích:
1. Đóng góp chủ yếu của Fisher vào việc nghiên cứu những biện pháp cấm đoán nằm trong những tác phẩm xuất bản năm [1926] 1927 và 1930. Cuốn tiểu sử của Fisher do Irving Norton Fisher (1956) chấp bút trình bày tỉ mỉ cách tiếp cận tích cực của Fisher đối với những vấn đề xã hội.
2. Sự quan tâm của mọi người đối với sự phân biệt này được trình bày trong cuốn tiểu sử của Fisher (I. N. Fisher 1956, 48-50). Bài phê bình luận án của Fisher được in trên tờ Economic Journal, số ra tháng 3 năm 1893.
3. Muốn tìm hiểu thêm con người xã hội chủ nghĩa theo lối kĩ trị của Irving Fisher, xin đọc bài diễn văn trước Hiệp hội các nhà kinh tế học Mĩ, khi ông ta làm chủ tịch Hội này vào năm 1919.
4. Chính Fisher cũng cho rằng việc thông qua Tu chính Cấm rượu (Tu chính án XVIII – ND) là hơi sớm. Ông cảm thấy rằng cần nhiều thời gian hơn để tạo ra một sự đồng thuận quốc gia và để tạo ra sự phát triển cả trong lĩnh vực giáo dục lẫn chính sách. Fisher thường ca ngợi những lợi ích gián tiếp của Thế chiến I, thí dụ như việc thu thập số liệu thống kê của chính phủ liên bang, việc thông qua Luật cấm rượu, cơ hội để nghiên cứu hiện tượng lạm phát, và những công việc có ảnh hưởng mạnh mẽ cần có sự đóng góp của các nhà kinh tế học. Xem I. N. Fisher 1956, 154; I. Fisher 1918 và 1919 và Rothbard 1989, 115.
5. Luật Volstead là đạo luật được ban hành nhằm thực thi mục tiêu của Tu chính án XVIII, tức là đạo Luật cấm rượu trên toàn lãnh thổ nước Mĩ. Luật này được đặt theo tên Andrew Volstead (1860-1947), lúc đó là chủ tịch Hội đồng Tư pháp Hạ viện Mĩ – ND.
6. Đến năm 1933 chắc chắn là Fisher đã hoàn toàn chán nản trước các sự kiện đang diễn ra. Một thời đại mới của những biện pháp cấm đoán và quản lí kinh tế một cách khoa học – thịnh vượng vĩnh viễn – sụp đổ xung quanh ông. Không chỉ Luật cấm rượu bị bãi bỏ mà nền kinh tế cũng bị Đại Suy Thoái làm cho tan hoang, ông còn bị mất hết tài sản của mình vì thị trường chứng khoán sụp đổ trong khi trước đó chính ông vẫn luôn tuyên bố rằng nó đang tăng tốt. Về vấn đề rượu, ông chuyển sự chú ý của mình sang vấn đề sinh hoạt điều độ bằng cách xuất bản ba lần cuốn sách nói về tác hại của việc uống rượu.
Nguồn: Mark Thorntom (2016). Kinh tế học cấm đoán. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Economics of Prohibition