Nói thêm lần cuối về chuyện thuế Facebook
Đến hẹn lại lên, cứ dăm bữa nửa tháng lại có một bài báo hay một ý kiến than trách chuyện các tập đoàn nước ngoài kinh doanh dịch vụ xuyên biên giới tại Việt Nam, tiền thì thu nhiều mà thuế không phải nộp đồng nào. Vấn đề là câu chuyện này không có gì mới, đã rộ lên mấy năm nay, vì sao đến nay vẫn chưa tìm ra cách hóa giải? Và có đúng là cơ quan thuế đang bó tay, không thu được thuế từ Facebook hay Google không?
Nhà nước đang nắm đằng cán
Nói đến nghĩa vụ thuế của Facebook hay Google thì trước hết phải xác định cho chính xác quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến của Việt Nam. Theo số liệu của TS. Đinh Lê Đạt, một chuyên gia trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến, thì tổng doanh thu quảng cáo trực tuyến của thị trường Việt Nam năm 2014 là 216 triệu đô la Mỹ và năm 2015 ước tính 329 triệu đô la Mỹ. Trong đó phần bánh của hai gã khổng lồ Google và Facebook tăng chóng mặt, lên đến lần lượt 65 triệu và 80 triệu đô la Mỹ cho năm 2014; còn năm 2015 là 100 triệu cho Google và 140 triệu đô la Mỹ cho Facebook.
Nói cách khác, hai anh chàng này từ chỗ chỉ chiếm chừng 6% thị phần thì đến năm 2015 đã tăng vọt lên đến 73%! Giả thử số liệu này là chính xác thì năm 2015, ước tính doanh thu quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam của Google và Facebook chừng trên 5.000 tỉ đồng và số thuế họ phải nộp chừng 500 tỉ đồng.
Trước khi nói đến biện pháp thu thuế, tưởng cũng nên nhắc lại nguyên tắc chống thất thu thuế: đó là thuế của người này là phần khấu trừ của người kia cho nên lúc nào cũng có một bên có động lực đòi bên kia minh bạch chuyện thuế. Nếu bạn được giao đi mua một món đồ gì đó cho cơ quan, ắt phòng tài vụ sẽ đòi bạn đem về cho họ hóa đơn đỏ, đó là bởi hóa đơn này là cơ sở để cơ quan bạn liệt kê chi phí được khấu trừ trước khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên bán đã phát hành hóa đơn ra thì phải nộp thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế.
Đó là với hàng hóa hay dịch vụ trong nước với nhau. Với các dịch vụ giao dịch xuyên biên giới thì Nhà nước tìm cách nắm đằng cán, còn chặt chẽ hơn thế nữa. Theo quy định về thuế đối với nhà thầu nước ngoài thì bên mua dịch vụ từ Việt Nam “có trách nhiệm khấu trừ số thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp... trước khi thanh toán cho nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài”. Như vậy một công ty, ví dụ Vinamilk dùng công cụ Google Adsense để quảng cáo trên hàng loạt ấn phẩm và trả tiền trực tiếp cho Google, khoản chi này đến khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp cho Vinamilk sẽ không được chấp nhận nếu Vinamilk trước đó không mạnh tay cộng thêm 5% thuế giá trị gia tăng và 5% thuế thu nhập doanh nghiệp vào hợp đồng để nộp thay cho Google vì Google chưa hiện diện tại đây.
Nói cách khác một khi Google hay Facebook chưa có sự hiện diện chính thức ở Việt Nam theo Luật Đầu tư thì nghĩa vụ thuế trực tiếp của họ đâu có đâu mà cứ nói họ trốn thuế! Nghĩa vụ thuế của họ đã gián tiếp chuyển sang cho những người mua dịch vụ của họ tại Việt Nam và ai cẩn thận sẽ cộng thêm khoản này trước khi chi trả cho Google (để sau này nộp cho cơ quan thuế), ai không cẩn thận sẽ phải chịu xem khoản chi đó là không hợp lệ, không được khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp. (Nên nhớ trong doanh thu mà Google hay Facebook nhận được từ thị trường Việt Nam, đâu phải họ hưởng trọn 100%? Với Google, đến 68% sẽ được chia cho các tờ báo hiển thị cái quảng cáo đó).
Đến đây có lẽ mọi người đã thấy vì sao báo chí thì cứ than, cơ quan thuế thì bình chân như vại. Bởi cứ như hiện nay đằng nào họ cũng thu được thuế, hoặc là thuế suất thu nhập doanh nghiệp (chủ yếu là 20-22%) trên 5.000 tỉ đồng hay thu trọn 500 tỉ đồng giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp mà người mua dịch vụ thu hộ.
Và thật tình mà nói, muốn “làm người lương thiện” thu thuế Google hay Facebook giùm cho Nhà nước cũng nhiêu khê lắm. Thanh toán tiền dịch vụ quảng cáo bằng thẻ tín dụng mang tên cá nhân là không được chấp nhận rồi. Hóa đơn chứng từ đầu vào mang tên cá nhân cũng không được kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào và không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Bộ chứng từ cần có để tính vào chi phí được khấu trừ gồm nào là “quy chế của đơn vị về việc mua các dịch vụ qua mạng”, “đề xuất bằng văn bản của bộ phận kinh doanh cần quảng cáo với cấp trên”, “báo cáo nghiệm thu”, “chứng từ thanh toán”, và quan trọng nhất “tờ khai và chứng từ nộp thuế nhà thầu nước ngoài”. Chẳng lạ gì trên các diễn đàn kế toán, rất nhiều người hoang mang không biết làm sao để hợp thức hóa các khoản chi cho Facebook hay Google, nói gì thu thuế giùm.
Thế còn các dịch vụ khác như Netflix hay Apple Music?
Với các dịch vụ mà người tiêu dùng đầu cuối là cá nhân thì khó lòng áp dụng chuyện bắt họ thu thuế nhà thầu giùm. Với các trường hợp này, phải xác định đòi thu thuế nhưng nhắm thu loại thuế nào là khả thi nhất? Bình thường nhiều người nghĩ đó là thuế thu nhập doanh nghiệp, tức làm ăn có lãi thì phải nộp thuế! Đừng hòng, chuyện thu thuế thu nhập doanh nghiệp các công ty cung ứng dịch vụ xuyên biên giới như Netflix hay Uber là chuyện xa vời - đa phần có thành lập pháp nhân ở Việt Nam đâu mà thu và nếu có, hầu như chắc chắn họ sẽ từ lỗ vừa đến lỗ lớn (xem thêm box).
Loại thuế Việt Nam, cũng như các nước khác, phải nhắm tới là thuế bán hàng, ở nước ngoài phổ biến tên gọi sales tax còn ở Việt Nam là thuế giá trị gia tăng. Sẽ có người nói ngay, đây là thuế gián thu, thực chất là người tiêu dùng nộp, doanh nghiệp chỉ thu hộ thôi. Thu thuế này thì chẳng khác nào thu thuế dân mình chứ đâu có đụng đến các doanh nghiệp đó?
Trong bối cảnh các doanh nghiệp nội địa cung ứng dịch vụ tương tự phải nộp thuế giá trị gia tăng mà doanh nghiệp nước ngoài không nộp thì tính bình đẳng nằm ở đâu, làm sao doanh nghiệp trong nước cạnh tranh cho lại. Dù biết đó là thuế gián thu nhưng thu được còn hơn không và doanh nghiệp muốn cạnh tranh phải chia sẻ gánh nặng thuế đó cho người tiêu dùng.
Có lẽ ít người biết tổng thu thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn nhiều so với tổng thu thuế giá trị gia tăng. Ví dụ theo dự toán ngân sách năm 2015 thì sắc thuế đầu thu 226.700 tỉ đồng trong khi sắc thuế sau thu đến 281.500 tỉ đồng.
Để thu thuế giá trị gia tăng Việt Nam cần theo chân các nước châu Âu xác định rõ các tập đoàn đa quốc gia khi cung ứng dịch vụ xuyên biên giới thì thuế sẽ thu theo vị trí địa lý của người tiêu dùng chứ không phải phụ thuộc vào nơi đóng trụ sở của các tập đoàn này. Ví dụ Anh thay đổi cách tính thuế theo hướng này từ đầu năm 2015 đối với các dịch vụ kỹ thuật số. Trước đây khi còn tính giá trị gia tăng theo vị trí của người bán, nhiều công ty dựng lên trụ sở ở Luxembourg để tránh mức thuế giá trị gia tăng, có khi cao đến 27% ở nhiều nước châu Âu khác.
Các doanh nghiệp lớn như Amazon đã thu thuế giá trị gia tăng trên sản phẩm và dịch vụ số bán ra, ví dụ thuế giá trị gia tăng cho các sách điện tử Kindle bán ở Thụy Điển phải cộng thêm 25% thuế trong khi bán cho người ở Pháp thì chỉ cộng thêm 5,5% thuế. Đáng tiếc trong danh sách mức thuế giá trị gia tăng cụ thể này không thấy có Việt Nam. Hóa đơn của Apple phát hành hiện cho dịch vụ nghe nhạc ở Việt Nam cũng không thấy dòng nào nói chuyện thuế cả. Có lẽ trong giai đoạn này đánh thuế giá trị gia tăng lên sách điện tử làm nó đắt đỏ hơn chưa hẳn là điều hay. Chứ còn với các doanh nghiệp như Amazon hay Netflix, chỉ cần gửi công văn chính thức yêu cầu họ phải giữ lại thuế giá trị gia tăng rồi chuyển nộp cho Chính phủ Việt Nam, chắc họ sẽ tuân thủ như đang tuân thủ với nhiều nước khác trên thế giới. Xét cho cùng họ đâu mất thêm gì đâu, ngoài việc khách hàng của họ than trời chuyện thuế khóa!
Riêng chuyện Facebook và Google cùng nhiều tên tuổi lớn khác đang bị chê trách vì trốn tránh đóng thuế ở các nước họ hoạt động chính thức lại là một đề tài khác. Ví dụ báo chí đầu năm 2016 tràn ngập tin Facebook chỉ đóng vỏn vẹn 122 triệu đô la tiền thuế mặc dù lợi nhuận lên đến 3,4 tỉ đô la, tức chỉ chịu thuế suất 3,6%. Nhân đó báo chí Anh nhắc lại năm 2014 Facebook ghi nhận doanh thu đến gần 1 tỉ bảng nhưng chỉ nộp chừng 6.000 bảng tiền thuế!
Nguồn: Nguyễn Vạn Phú, Nói thêm lần cuối về chuyện thuế Facebook, NVP Blogspot, 7/12/2017