[Thị trường tự do có làm băng hoại các giá trị đạo đức hay không?] - Bài 14: So với cái gì?
Nếu chúng ta thực sự nghĩ rằng xã hội mà trong đó cá nhân không còn được quyền lựa chọn những hành vi mang tính đạo đức nữa là xã hội lí tưởng thì tốt nhất là chấm dứt huyên thuyên về đức hạnh và ghi vào luật pháp tất cả các phương án, kèm theo hình phạt cho từng người.
Tôi có một người bạn cũ ở Mĩ, di cư từ Liên Xô sang. Sau một thời gian làm việc trong công sở với đồng lương “cứng” - như những người có bằng đại học thường làm, anh quyết định cắt bỏ cái cuống rốn đó đi và bắt đầu kinh doanh. Vì phần lớn công cuộc chuyển hóa mang tính xã hội của anh diễn ra ngay trước mắt tôi cho nên tôi có thể nói rằng anh đã phải làm việc rất nhiều mới giành được sự thịnh vượng như ngày hôm nay.
Trong những năm cải tổ, các thành phố lớn của Mĩ đầy người tị nạn từ Liên Xô sang – lúc đó nhiều người được nhận qui chế này một cách hợp pháp vì lúc đó tị nạn chính trị còn tương đối dễ. Sau khi tìm hiểu hoàn cảnh của những người không đồng xu dính túi anh đã đưa một số người vào làm trong xí nghiệp của mình, nhưng anh không có quĩ để tạo ra những chỗ ngồi mát ăn bát vàng, mà đây là những vị trí cụ thể, cần phải làm những việc cụ thể. Tai họa là ở chỗ những người được ưu tiên như thế không những không có tay nghề mà lại còn coi việc sắp xếp chỗ làm cho mình như việc làm từ thiện, không đòi hỏi họ phải cố gắng gì hết. Anh bạn nhanh chóng nhận ra điều mà về lí thuyết thì anh đã hiểu từ trước: kinh doanh và từ thiện là hai lĩnh vực khác nhau. Và cũng anh kết thúc thí nghiệm của mình từ đấy.
Đề tài mà quĩ Templeton đưa ra thảo luận: Thị trường tự do có làm băng họai các giá trị đạo đức hay không? làm tôi nhớ lại câu chuyện vừa nói. Khá nhiều nhà bình luận, từ phái hữu như Michael Novak và Rick Santorum, đến phái tả như Robert B. Reich và Michael Walzer, đã tham gia thảo luận. Thật khó mà rút ra được kết luận duy nhất từ những nhận xét của họ, nhưng không có ai trong số đó nói rằng có mối liên hệ trực tiếp giữa sự tự do trong các mối quan hệ kinh tế và sự suy thoái đạo đức trong xã hội. Nhưng vấn đề không phải là hư cấu: cụ thể là trong không gian hậu-Xô Viết nhiều người, dù đấy không phải là những người cầm bút chuyên nghiệp, sẽ trả lời câu hỏi của Templeton bằng cách gật đầu. Nếu là tôi thì tôi đã đưa ra câu hỏi hơi khác, theo tôi câu hỏi: “Suy thoái đạo đức có đi kèm với việc hình thành và phát triển của thị trường tự do hay không?” nghe có vẻ chính xác hơn. Vấn đề là khó mà có thể phủ nhận sự phụ thuộc của hai thông số trong công thức vừa nói, nhưng sự phụ thuộc không phải là trực tiếp – còn có một nhân tố thứ ba, ảnh hưởng trực tiếp đến cả hai nhân tố nói trên. Nhân tố này chính là mức độ tự do cá nhân trong xã hội – bỏ qua nhân tố này có thể dẫn chúng ta tới những kết luận sai hoặc kết luận đúng nhưng được xây dựng trên mạch logic sai lầm.
Adam Smith, người đầu tiên đưa ra các qui luật phát triển của thị trường tự do, lại không phải là nhà kinh tế học chuyên nghiệp vì thời đó chưa có nghề như thế. Smith dạy đức dục ở trường tổng hợp Glazgo và một tác phẩm lớn khác của ông – tuy không nổi tiếng bằng tác phẩm Tài sản của các quốc gia – có tên là Lí thuyết về cảm nhận đạo đức. Dĩ nhiên là ông rất quan tâm tới vấn đề tác động qua lại giữa các quan hệ thị trường và đạo đức và mặc dù ông đã chứng minh khá thuyết phục bằng cách nào mà việc làm giàu lại có thể thúc đẩy quyền lợi chung, nhưng vấn đề này vẫn chưa bao giờ được giải quyết một cách rốt ráo, bằng chứng là đề tài vừa được đem ra thảo luận, đấy là chưa nói đến thái độ bài thị trường ở nước Nga.
Nhưng xem xét thị trường tự do một cách tách biệt với những phương thức tổ chức xã hội khác là việc làm vô nghĩa vì khi nói đến việc suy đồi đạo đức thì bao giờ ta cũng hỏi: so với cái gì? Vả lại, ngay cả so sánh cũng không phải là việc dễ vì không thể làm thống kê về tình trạng đạo đức của xã hội, chỉ số thống kê có thể đơn giản chỉ là kết quả của hình thức tổ chức khôn ngoan về mặt pháp lí, diệt trừ tệ tham nhũng, cảnh sát và tòa án hoạt động hiệu quả, chính sách đối nội sáng suốt mà thôi. Vấn đề nên được đặt ra là: có mô hình xã hội nào mà trong đó các nguyên tắc đạo đức chứ không phải nguyên tắc pháp lí được tuân thủ một cách chính xác hơn và nghiêm khắc hơn hay không?
Tôi, cũng giống như nhiều người cùng thời với mình, đã lớn lên trên một đất nước mà ăn cắp không được coi là tội lỗi. Về lí thuyết tất cả tài sản trên đất nước này đều thuộc về nhân dân và trong điều kiện như thế, ăn cắp về hình thức là tội lỗi không có thật: vốn là thành phần của nhân dân, từng cá nhân không thể ăn cắp tài sản của chính mình. Nhưng vì nhân dân chỉ là một khái niệm trừu tượng, còn tài sản trên thực tế lại thuộc về nhà nước, quyền tiếp cận với khối tài sản đó phụ thuộc vào vị trí của từng cá nhân trong bộ máy của nhà nước. Quyền tiếp xúc của đa số nằm dưới đáy của kim tự tháp quyền lực gần như là bằng không. Có người sẽ nói rằng nhà nước tư bản cũng có cấu trúc gần như thế. Nhưng vì nhà nước này được xây dựng trên cơ sở quyền tự do cá nhân, mỗi một đồ vật và công trình đều là kết quả lao động của một người nào đó, cho nên trong trường hợp này rào cản mang tính đạo đức trước hiện tượng ăn cắp sẽ cao hơn so với chủ nghĩa cộng sản, nơi lao động đã bị phi cá nhân hóa.
Nhưng xã hội cộng sản chỉ là một đối tượng so sánh cực kì sơ đẳng, hơn nữa, ngay từ đầu nó đã phủ nhận các tiêu chuẩn của đạo đức “tư sản”, sau đó nó mới nhận ra rằng chuyện này có thể dẫn tới đâu và vội vàng sửa chữa, nhưng dân chúng đã không còn tin nữa. Sẽ có ích hơn nếu ta nhìn vào mô hình của chủ nghĩa chuyên chế, từ rất khắc nghiệt cho đến tương đối mềm dẻo, và so sánh nó với chế độ tự do.
Chế độ chuyên chế không thích các biến động, ngay cả một nhà chuyên chế có học nhất cũng chỉ coi cải cách là công cụ chỉ được sử dụng trong một thời gian ngắn nhằm cải thiện điều kiện sống của xã hội. Ông ta sẽ xếp ngay công cụ khi sự cải thiện đã được thực hiện và tiếp tục trở lại với vị trí phòng thủ. Trong khuôn khổ như thế, đức hạnh hầu như đồng nhất với quyền: cái gì được pháp luật cho phép thì cái đó là đạo đức. Dù xã hội có đạt đến mức công bằng như thế nào thì tất cả các chuẩn mực của nó cũng đều phải được nhà nước cho phép, các chuẩn mực này đã mất tính chất của sự tự do lựa chọn, mà không có tự do lựa chọn thì nói đến đạo đức là điều vô nghĩa.
Xin quay trở lại với người bạn của tôi. Thái độ của anh ta trước công việc kinh doanh của mình, việc anh ta không muốn để cho nó thụt lùi chỉ vì muốn giúp đỡ người khác không hề mâu thuẫn với các tiêu chuẩn đạo đức đã được mọi người công nhận, không xã hội nào đòi hỏi chúng ta phải nhịn ăn để giúp đỡ người khác. Hơn nữa, tước cơm ăn việc làm của người lao động chỉ vì cần phải giúp đỡ bạn bè là hoàn toàn phi đạo đức. Điều quan trọng trong chuyện này là anh ta có thể lựa chọn cách thức hành động mà anh cho là hợp đạo lí mà không cần phải viện dẫn đến pháp luật.
Xã hội tự do được xây dựng trên nguyên tắc tự do lựa chọn, một nguyên tắc khuyến khích cả sáng kiến kinh doanh lẫn đức hạnh. Lựa chọn về mặt đạo đức mà không được truyền thống soi sáng thì không phải lúc nào cũng đúng, nhưng đạo đức cho phép sai lầm, đấy là sự khác biệt chủ yếu của đức hạnh với pháp điển đã hình thành trong hàng trăm năm. Mĩ, một trong những xã hội tự do đầu tiên mà chúng ta được biết, đã đưa chế độ nô lệ vào thể chế của mình và đã ghi vào hiến pháp điều khoản về việc hoàn trả những nô lệ bỏ trốn. Nhưng đấy chính là giải pháp thực tế vì nếu không thì liên minh của 13 bang đầu tiên không thể nào hình thành được.
Những người coi chế độ nô lệ là vô luân bao giờ cũng là thiểu số và khi nội chiến nổ ra thì nguyên nhân chủ yếu lại là mâu thuẫn về kinh tế giữa miền Nam và miềm Bắc và nhu cầu thống nhất đất nước. Nhưng cuối cùng thì Lincoln đã phải chấp nhận tuyên ngôn về bãi bỏ chế độ nô lệ vì logic của cuộc xung đột đòi hỏi như thế, phải như thế thì những người ủng hộ giải phóng nô lệ và chính các nô lệ mới chấp nhận.
Nếu quay trở lại câu hỏi ban đầu thì câu trả lời có vẻ ngược đời: vâng, xã hội, nơi thị trường thực sự là tự do, giải phóng đạo đức khỏi những trói buộc của truyền thống và điều này có thể dẫn đến việc xói mòn các chuẩn mực đã định hình từ xa xưa. Trong những xã hội truyền thống lỗi thời, nơi mà nhà thờ giữ thế thượng phong, nơi quan hệ vợ chồng được coi là thiêng liêng, nơi đồng tính là tội lỗi, nơi người phụ nữ phải coi giá trị gia đình cao hơn quyền lợi riêng tư và nghề nghiệp. Xã hội gia trưởng coi những qui tắc này là qui phạm đạo đức vĩnh hằng. Theo quan điểm của xã hội đó thì bất kì tabu nào cũng được coi là chuẩn mực đạo đức hết.
Nếu chúng ta thực sự nghĩ rằng xã hội mà trong đó cá nhân không còn được quyền lựa chọn những hành vi mang tính đạo đức nữa là xã hội lí tưởng thì tốt nhất là chấm dứt huyên thuyên về đức hạnh và ghi vào luật pháp tất cả các phương án, kèm theo hình phạt cho từng người. Trong trường hợp ngược lại, chúng ta phải chấp nhận tự do kinh doanh vì mỗi hành vi của con người trong xã hội tự do đòi hỏi trách nhiệm đạo đức của chính anh ta, chứ không cần cảnh sát giải quyết.
_________
Aleksey Stvetsov là nhà thơ và bình luận gia.
Nguồn bản gốc tiếng Anh: https://integrityseminar.org/wp-content/uploads/2018/03/Templeton-Foundation-Free-Market.pdf
Nguồn bản dịch: https://phamnguyentruong.blogspot.com/2011/04/thi-truong-tu-do-co-lam-bang-hoai-cac_09.html#more