[Tự do kinh tế và chính thể đại diện] Chương 2: Dân chủ đi về đâu (Phần 3)

[Tự do kinh tế và chính thể đại diện] Chương 2: Dân chủ đi về đâu (Phần 3)

V.

Một cơ quan lập pháp có quyền lực không bị giới hạn, nếu như không bị những công ước hay điều khoản hiến pháp ngăn trở việc đưa ra các sắc luật về những biện pháp cưỡng chế có mục đích và mang tính phân biệt đối xử, như thuế quan hay thuế khoá hay trợ cấp, thì khó mà tránh được việc hành động một cách vô nguyên tắc. Mặc dù người ta đã tìm mọi cách che giấu việc mua bán sự ủng hộ dưới hình thức trợ giúp vật chất cho những đối tượng đáng được thụ hưởng, nhưng hành động đạo đức giả như vậy rất khó có thể lấp liếm. Sự thỏa thuận của một đa số về việc phân chia lợi lộc giành được từ một thiểu số bất đồng là điều khó có thể nhận được bất kì sự tán đồng nào về mặt đạo đức cho hành động của mình - ngay cả khi nó viện dẫn đến chiếc bánh vẽ “công bằng xã hội” để bảo vệ hành động của nó. Vấn đề nảy sinh là, hệ thống thể chế hiện tại đòi hỏi phải có sự thỏa thuận chính trị, nhưng chính điều này lại sinh ra những niềm tin đạo đức khó có đất sống (non-viable) hoặc thậm chí mang tính hủy hoại.

Thỏa thuận của phái đa số về việc chia sẻ các chiến lợi phẩm giành được từ việc đè bẹp một thiểu số các công dân, hoặc quyết định sẽ lấy của những người này bao nhiêu, không phải là dân chủ. Ít nhất đấy không phải là lí tưởng của dân chủ dựa trên sự xác tín về đạo đức. Dân chủ tự thân không phải là chủ nghĩa bình quân. Nhưng dân chủ không bị giới hạn lại có xu hướng trở thành thứ mang tính bình quân chủ nghĩa.

Liên quan đến lí do vì sao mọi chủ nghĩa bình quân về căn bản đều vô đạo đức, ở đây tôi chỉ đưa ra một thực tế rằng, tất cả các luân lí đạo đức của chúng ta đều dựa trên nguyên tắc: dành cho người khác mức độ coi trọng khác nhau tùy theo cách thức mà họ hành xử. Trong khi, đối với tôi, bình đẳng trước pháp luật, tức mọi người được chính quyền đối xử theo các quy tắc như nhau, dường như là một điều kiện thiết yếu của tự do cá nhân, thì việc phân biệt đối xử trên phương diện pháp luật - điều cần thiết để đặt những người vốn dĩ đã rất khác nhau vào cùng mức thụ hưởng vật chất - dường như là không phù hợp với tự do cá nhân, thậm chí còn rất vô đạo đức. Nhưng đây chính là thứ vô đạo đức mà dân chủ không bị giới hạn đang hướng tới.

Xin nhắc lại, đấy không phải là dân chủ đích thực mà là dân chủ không bị giới hạn, thứ mà tôi cho rằng không hề tốt hơn bất kì chính quyền có quyền lực không bị giới hạn nào khác. Sai lầm chết người này, tức việc trao cho hội đồng đại diện được bầu những quyền lực không bị giới hạn, chính là sự mê muội với ý nghĩ cho rằng, một uy quyền tối cao về bản chất phải là không bị hạn chế, bởi lẽ bất cứ sự hạn chế nào cũng đều hàm ý là có một thử ý nguyện khác đứng trên nó, và trong trường hợp đó, nó không còn nắm quyền lực tối cao nữa. Lầm lẫn này xuất phát từ các quan niệm theo dòng tư tưởng thực chứng-toàn trị của Francis Bacon và Thomas Hobbes, hay theo thuyết kiến dựng (constructivism) của chủ nghĩa duy lí Descartes. Thật may mắn là, lầm lẫn này đã bị chặn lại trong thế giới Anglô-Sắcxông trong một thời gian dài nhờ sự hiểu biết sâu sắc hơn của các vị Edward Coke, Matthew Hale, John Locke và những người nhóm Whig cổ điển.

Xét trên khía cạnh này, những người sống ở thời cổ đại thực sự còn sáng suốt hơn những người theo thuyết kiến dựng hiện nay. Một quyền lực tối cao không nhất thiết phải là một quyền lực không bị hạn chế, mà có thể gắn uy quyền của nó vào sự cam kết của nó đối với các quy tắc phổ quát đã được công luận chấp thuận. Các vị vua kiêm thẩm phán (judge-king) thời xưa được chọn lựa không phải vì cái gì ông ta nói ra cũng đúng, mà bởi vì, và tới chừng nào, các điều ông ta nói ra nhìn chung vẫn được mọi người cảm nhận là đúng. Ông ta không phải là khởi nguồn tạo ra luật mà đơn thuần chỉ là người giải thích luật dựa trên ý kiến rộng rãi, nhưng việc giải thích luật chỉ có thể dẫn đến hành động nếu như nó được tuyên bố bởi uy quyền đã được chấp thuận. Và nếu như chỉ riêng một mình uy quyền tối cao có thể ra lệnh hành động, thì nó chỉ tiếp tục tồn tại chừng nào nó còn nhận được sự ủng hộ của ý nguyện chung đối với những nguyên tắc chi phối hành động của nó. Uy quyền duy nhất và cao nhất được phép đưa ra các quyết định về hành động chung hoàn toàn có thể là một uy quyền được giới hạn - tức nó tự cam kết giới hạn vào việc đưa ra các quyết định dựa trên một quy tắc phổ quát đã được công luận chấp thuận.

Bí mật về một chính quyền tốt chính xác là quyền lực tối cao phải là một quyền lực bị giới hạn - một quyền lực có thể đề ra các quy tắc nhằm hạn chế mọi quyền lực khác - và do đó có thể ngăn giữ nhưng không chỉ huy người dân. Do đó, mọi uy quyền khác hoạt động dựa trên sự cam kết của nó đối với các quy tắc mà các chủ nhân của nó thừa nhận: điều tạo nên một cộng đồng là sự thừa nhận chung đối với cùng các quy tắc đó.

Do đó, cơ quan tối cao được bầu ra không cần nắm quyền lực nào khác hơn là quyền làm luật theo nghĩa cổ điển, tức đề ra các quy tắc phổ quát điều chỉnh hành vi cá nhân. Cũng không cần phải có quyền lực nào để cưỡng chế người dân ngoài quyền buộc tuân thủ các quy tắc hành xử đã được ban hành. Các cơ quan khác của chính quyền, bao gồm cả hội đồng được bầu để giám quản chính quyền, cần phải bị ràng buộc và hạn chế bởi các đạo luật của hội đồng [tối cao] đã bị khuôn giới vào hoạt động lập pháp chân chính. Đây chính là những yêu cầu bắt buộc nhằm đảm bảo rằng chính quyền thực sự đứng dưới luật pháp.

VI.

Như tôi đã nói, giải pháp cho vấn đề này dường như là chúng ta phải chia tách các nhiệm vụ lập pháp thực thụ khỏi các nhiệm vụ chính quyền, cho hai hội đồng tách biệt về lập pháp và chính quyền. Đương nhiên, sẽ chẳng đạt được gì nếu chỉ đơn thuần có hai hội đồng như thế với đặc tính về cơ bản như hiện nay, nhưng chỉ đơn thuần được giao những nhiệm vụ khác nhau. Hai hội đồng về bản chất hình thành từ cùng thành phần như vậy không chỉ chắc chắn sẽ hành động câu kết với nhau, và do đó sẽ tạo ra những kết quả chẳng khác gì các nghị viện hiện đang tồn tại. Đặc tính, các thủ tục và thành phần của những hội đồng này vẫn hoàn toàn bị quyết định bởi các nhiệm vụ chính quyền vốn chiếm đa phần, khiến chúng càng ít thích hợp cho nhiệm vụ lập pháp thực thụ.

Đây là điều hoàn toàn rõ ràng đặc biệt khi biết rằng các nhà lí luận về chính thể đại nghị ở thế kỉ XVIII hầu như nhất trí lên án việc tổ chức ra cơ quan lập pháp trên cơ sở đảng phái. Họ thường nhắc đến cụm từ “các phe nhóm”. Nhưng bởi vì các vấn đề của chính quyền là mối quan tâm chính của họ, thế nên nhìn chung không thể tránh khỏi việc tổ chức cơ quan lập pháp trên cơ sở đảng phái. Một chính phủ, để thực thi thành công các nhiệm vụ của mình, cần phải có sự ủng hộ của một đa số có tổ chức cam kết theo một chương trình hành động nhất định. Và để cho người dân có một sự lựa chọn thì cần phải có một phe đối lập được tổ chức theo cách tương tự có khả năng thành lập một chính phủ thay thế.

Đối với những chức năng thuần túy thuộc về chính phủ, các “cơ quan lập pháp” hiện nay gần như đã thích ứng và có thể được phép tiếp tục áp dụng hình thức hiện nay nếu như quyền lực của chúng đối với người dân bị giới hạn bởi một đạo luật do một hội đồng dân chủ khác đưa ra, với điều kiện là đạo luật này không thể bị “cơ quan lập pháp” kia thay đổi. Điều này sẽ dẫn đến hệ quả là “cơ quan lập pháp” sẽ giám sát việc sử dụng nguồn lực vật chất và nguồn nhân lực được giao cho chính phủ để sao cho chính phủ cung cấp các dịch vụ khác nhau cho đa số công dân. “Cơ quan lập pháp” cũng có thể quyết định tổng số ngân sách cần phải thu từ các công dân hằng năm để chi trả cho những dịch vụ đó. Nhưng việc quyết định phần mỗi công dân buộc phải đóng góp phải được quy định trong một đạo luật thực sự; nghĩa là, một loại quy tắc thống nhất và có tính bắt buộc đối với cách hành xử cá nhân mà chỉ hội đồng lập pháp thực thụ mới có quyền đề ra. Khó mà nghĩ ra được cách kiểm soát chi tiêu nào hay hơn một hệ thống mà ở đó mọi thành viên của hội đồng giám quản chính quyền biết rằng, cứ mỗi khoản chi tiêu mà ông ta ủng hộ, thì ông ta và cử tri của ông ta cũng sẽ phải đóng góp ở mức mà ông ta không thể thay đổi được!

Vậy thì vấn đề then chốt lại là thành phần của hội đồng chuyên trách lập pháp. Làm sao chúng ta có thể cùng một lúc bắt nó phải thực sự mang tính đại diện cho ý kiến chung về điều gì là đúng đồng thời lại bất nó không được chịu bất cứ áp lực nào từ các nhóm đặc lợi? Về mặt hiến pháp, hội đồng chuyên trách lập pháp sẽ có nhiệm vụ được giới hạn vào việc thông qua các đạo luật có tính phổ quát, sao cho bất cứ một sắc lệnh сụ thể hoặc mang tính phân biệt nào mà nó đưa ra đều không có hiệu lực. Cơ quan này có được uy quyền là nhờ cam kết của nó đối với các quy tắc phổ quát. Hiến pháp sẽ quy định các thuộc tính mà một quy tắc phổ quát như thế phải có để có hiệu lực, chẳng hạn như tính có thể áp dụng cho một số lượng các trường hợp không biết trước trong tương lai, tính đồng nhất, tính phổ biến, v.v. Một tòa án hiến pháp dần dần phải chi tiết hóa định nghĩa đó, cũng như đưa ra phán quyết về bất cứ xung đột nào liên quan đến thẩm quyền của hai hội đồng này.

Nhưng biện pháp giới hạn vào nhiệm vụ của hội đồng chuyên trách lập pháp thông qua các đạo luật thực sự như vậy vẫn là chưa đủ để ngăn chặn nó câu kết với hội đồng giám quản chính quyền có thành phần nhân sự tương tự, vì cơ quan chuyên trách lập pháp có thể làm ra những luật lệ mà hội đồng giám quản chính quyền cần để đạt được các mục đích cụ thể, khiến cho kết quả chẳng khác gì so với hệ thống hiện nay. Điều chúng ta mong muốn ở hội đồng chuyên trách lập pháp là, nó phải là một cơ quan đại diện cho quan điểm chung chứ không phải cho những lợi ích đặc thù; và do đó, thành phần nhân sự của hội đồng này cần phải là những cá nhân, một khi đã được tin tưởng giao nhiệm vụ, thì phải độc lập và thoát khỏi sự ủng hộ của bất cứ nhóm cụ thể nào. Thành phần của nó cũng cần phải có cả nam và nữ, những người có tầm nhìn lâu dài và không bị ảnh hưởng bởi những tình cảm và trào lưu tạm thời luôn thay đổi của quần chúng mà họ phục vụ.

Nguồn: Friedrich Hayek (2015). Tự do kinh tế và chính thể đại diện. Đinh Tuấn Minh và Nguyễn Vi Yên dịch. 

Dịch giả:
Đinh Tuấn Minh