Nghệ thuật chiến tranh
Văn học và thơ ca cho phép chúng ta nhìn thấy những góc khuất của chiến tranh như thế nào? So với các nhà thống kê, nhà sử học hay nhà báo, nhà thơ có lợi thế gì trong việc giúp chúng ta hiểu về chiến tranh? Sarah Skwire là tác giả của cuốn sách giáo khoa cho bậc đại học về kỹ năng viết với tựa đề Writing with a Thesis [Viết khóa luận tốt nghiệp], hiện đã tái bản lần thứ mười một. Bà cũng đã giành được những giải thưởng về thơ ca cho các tác phẩm đã xuất hiện trong những ấn phẩm như The New Criterion, The Oxford Magazine, và Vocabula Review. Bà hiện là hội viên tại Liberty Fund1.
Gần như lạc giữa dòng các sự kiện lịch sử và giữa những nhân vật sử thi anh hùng trong vở kịch Henry IV của Shakespeare là một đứa trẻ vô danh, được gọi đơn giản trong danh sách các nhân vật là "Chú bé”. Cậu bé đi chơi với các bạn cũ của Hal khi họ chuẩn bị tham gia cuộc chiến tranh chống Pháp do người bạn cũ của họ mà hiện nay là đức vua khơi mào. Chúng ta rất hiếm khi thấy sự hiện diện của cậu bé trong vở kịch cho đến cuối Chương 4, khi cậu bé phiên dịch một số câu tiếng Pháp cho nhân vật hài Pistol, và sau đó quay sang nói với khán giả: "Tôi phải ở lại với những tên tay sai, với hành lý của trại chúng tôi: người Pháp có thể lấy được một con mồi tốt của ta, nếu họ biết điều đó; do không ai canh gác cho con mồi này ngoại trừ những chàng trai.”.
Và đó là những từ cuối cùng mà chúng ta nghe thấy từ cậu bé, do người Pháp thực sự biết về những con mồi. Các cậu chàng canh gác cho đám hành lý đã bị sát hại và “phần thực sự của sự bất lương” là một khoảnh khắc đẫm máu hơn trong một vở kịch đang bị ám ảnh bởi việc cân bằng giữa một bên là những vinh quang và bên kia là nỗi kinh hoàng của chiến tranh.
Nhưng tại sao Shakespeare dành thời gian làm điều này? Và tại sao lại có một khoảng nghỉ giữa vở “Trận Agincourt”, để đưa thêm một lời thoại cho một chú bé vô danh sắp chết?
Theo tôi, câu trả lời là chúng ta cần câu chuyện về cậu bé và phản ứng sợ hãi của chúng ta với chuyện đó, như một liều vắc xin chống lại thái độ nhẫn tâm của nhân vật Falstaff đối với binh lính của ông ta trong Phần I của vở kịch Henry IV. "Chẹp, chẹp, quăng được đấy, bia đỡ đạn, bia đỡ đạn. Chúng có thể lấp cái hố. Chặc, không được đâu người đàn ông đã chết, đã chết.". Theo tôi, câu trả lời là Shakespeare hiểu rằng một trong những điều mạnh mẽ nhất văn học có thể làm – giữa những trải nghiệm về tính tổng thể và tính vô danh hóa của chiến tranh - là giúp chúng ta nghe thấy tiếng nói của từng cá nhân. Và đó cũng là khả năng làm cho văn học trở nên rất giá trị đối với những người theo chủ nghĩa tự do cổ điển muốn nghiên cứu và hiểu về bản chất của chiến tranh để xóa bỏ nó.
Chiến tranh vô danh hóa chúng ta không phải là một khẳng định mới. Orwell biết rõ điều đó, và trong cuốn tiểu thuyết 1984, ông đã miêu tả một thế giới "luôn luôn có chiến tranh", ở đó chúng ta thấy một trật tự xã hội hoàn toàn mới được tạo ra để giúp hỗ trợ cho sự ẩn danh này. Đàn ông và phụ nữ không được khuyến khích hình thành những mối quan hệ thân mật. Tất cả các hoạt động đều là các hoạt động nhóm. Luôn luôn có sự giám sát liên tục và không có bất kỳ không gian riêng tư hay sở hữu tài sản cá nhân nào được cho phép, tất cả nhằm phục vụ mục đích tạo ra những thực thể như nhau và có thể hoán đổi cho nhau từ những con người riêng lẻ.
Khi Vaclav Havel viết về một nhà nước hậu chuyên chế, chuyển từ bạo lực sang một thái độ cam chịu chấp nhận một chính quyền áp bức, ông đã có thể mô tả một cách dễ dàng một quốc gia đang có chiến tranh: "Giữa các mục tiêu của hệ thống hậu chuyên chế và mục tiêu của cuộc sống có một vực thẳm ngăn cách: trong khi cuộc sống, với bản chất của nó, di chuyển theo hướng đa nguyên, đa dạng, tự thân độc lập, và tự tổ chức, nói một cách ngắn gọn, hướng đến việc đạt được sự tự do của riêng mình, thì hệ thống hậu chuyên chế đòi hỏi sự phù hợp, thống nhất và kỷ luật. Hệ thống này chỉ phục vụ người dân ở mức độ cần thiết để đảm bảo rằng người ta sẽ phục vụ nó. Bất cứ điều gì vượt ra khỏi giới hạn, hay nói một cách khác, bất cứ điều gì mà làm cho người ta vượt quá vai trò đã được định trước sẽ được xem như là một sự tấn công vào hệ thống này.".
Để chống lại những tác động hủy diệt và sự vô danh hóa của chiến tranh cũng như nhà nước ở trạng thái chiến tranh, chúng ta có tiếng nói của những nhà văn.
Mark Twain sử dụng sức mạnh này trong tác phẩm The War Prayer [Những lời cầu nguyện trong chiến tranh], khi nhà tiên tri siêu phàm trong câu chuyện nhắc nhở hội giáo đoàn rằng lời cầu nguyện chiến thắng của họ thì cũng lại là lời cầu nguyện cho sự diệt vong của những người khác:
Hỡi Đức Chúa trời của chúng con, xin người giúp chúng con xé xác binh sĩ của quân thù thành từng mảnh đẫm máu bằng đạn pháo; hãy giúp chúng con phủ lên chiến trường vui vẻ của chúng bằng những xác chết xám ngắt của kẻ yêu nước; giúp chúng con nhấn chìm tiếng súng rền vang bằng tiếng kêu thảm thiết của những kẻ bị thương, của sự quằn quại trong đau đớn; giúp chúng con nhấn chìm những ngôi nhà khiêm nhường của chúng trong biển lửa cuồng phong, giúp chúng con bóp nghẹt trái tim của những góa phụ vô tội với nỗi đau buồn vô ích; giúp chúng con khiến họ trở nên không nhà không cửa với những đứa con nhỏ đi lang thang vô định một mình… và cầu xin Người cho ban cho chúng nơi trú ẩn trong những nấm mồ hoang, không ai thừa nhận.
Khi kẻ thù không còn là một đám đông vô danh, việc bắn vào chúng sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Và khi người ta không còn là một phần của một đám đông vô danh nào đó, việc bắn họ cũng càng trở nên khó khăn hơn. Đó là lý do tại sao việc tổ chức thành quân đoàn lại rất quan trọng. Bài thơ "Easing the Spring" [Xoa dịu mùa xuân] của Henry Reed, được viết trong Thế chiến II, khắc họa cho ta một lớp học về sử dụng các loại vũ khí, nơi những tân binh được tôi luyện để trở thành những người lính. Giọng nói đều đều của viên trung sĩ huấn luyện và những quy định tổ chức quân đoàn mà anh ta đang dạy thật đối lập với những ngày xuân tuyệt đẹp và vẻ hoang sơ của thiên nhiên ngay bên ngoài lớp học.
Hôm nay chúng ta sẽ học tên các bộ phận. Hôm qua,
Chúng ta đã học cách vệ sinh chúng. Ngày mai, buổi sáng,
Chúng ta học những điều cần làm sau khi bắn. Nhưng hôm nay,
Chúng ta học tên của các bộ phận. Cây hoa trà
Ánh lấp lánh như san hô ở những khu vườn quanh đây,
Và hôm nay chúng ta học về tên các bộ phận súng.
[Nguyên tác:
To-day we have naming of parts. Yesterday,
We had daily cleaning. And to-morrow morning,
We shall have what to do after firing. But to-day,
To-day we have naming of parts. Japonica
Glistens like coral in all of the neighboring gardens,
And to-day we have naming of parts. ]
Nhưng tất nhiên, tính ẩn danh của chiến tranh nguy hiểm không chỉ đơn thuần vì nó có thể biến những cá nhân, con người cụ thể thành những phần không thể phân biệt và có thể hoán đổi nhau, mà còn vì những điều xảy ra đối với những người tham gia vào cuộc chiến kinh hoàng.
Và đó chính là nơi mà tiếng nói của người viết cần thiết nhất, và tiếng nói của những người viết đã từng tham gia chiến trận lại càng trở nên quý giá hơn.
Một trong những tiếng nói vĩ đại đó là của Wilfred Owen, tác giả của những bài thơ được viết ở tiền tuyến trong Thế chiến I, làm nổi bật tính ẩn danh của chiến tranh để chống lại nó. Trong bài thơ "Anthem for Doomed Youth" [Bài thánh ca cho một tuổi trẻ bi thương] của mình, Owen bắt đầu với một câu hỏi đầy khắc nghiệt, "Hồi chuông báo tử nào cho những kẻ chết như lũ gia súc?" và sự trăn trở của ông trong suốt bài thơ này chính là bi kịch của những cá nhân, những người được gửi ra chiến trường và ra đi trong những cái chết tập thể. Trong bài thơ nổi tiếng nhất của mình "Dulce et Decorum Est" [Được chết vì Tổ quốc], Owen đã chuyển từ một góc nhìn rộng về một đoàn lính đang hành quân "Người gập đôi như lão ăn mày ôm bao tải, đầu gối khuỵu, lụ khụ ho như phù thuỷ, ta vừa khổ sở vượt qua đám đặc quánh bùn lầy" đến khi cận cảnh vào một cá nhân người lính bị bắt không có mặt nạ trong suốt cuộc tấn công bằng khí độc.
Nhưng ai đó vẫn đang thét gào và sảy chân vấp ngã
Rồi giãy giụa như kẻ trong biển lửa hoặc tựa lò vôi
Mờ ảo qua lớp kính mù và ánh sáng xanh đặc quánh
Như dưới biển xanh, tôi thấy anh đang dần chìm
Tôi thấy mình bất lực tựa như mơ
Anh ta lao vào tôi, vẫy vùng, nghẹt thở và chìm nghỉm.
[Nguyên tác:
But someone still was yelling out and stumbling
And flound’ring like a man in fire or lime. —
Dim through the misty panes and thick green light,
As under a green sea, I saw him drowning.
In all my dreams before my helpless sight,
He plunges at me, guttering, choking, drowning. ]
Từ đây, Owen quay sang nói với độc giả: "Nếu bạn có thể nhìn thấy những gì tôi đã thấy và nghe thấy những gì tôi đã nghe, bạn sẽ không nghĩ quá nhiều về những vinh quang của chiến tranh. " Và do đó, thông qua tác phẩm của mình, Owen đã khắc họa một cá nhân người lính vô danh, và cái chết đầy đau đớn của chính anh ta.
Yeats2 cũng có cách viết tương tự thế trong bài thơ "Easter 1916" [Phục Sinh 1916]. Bài thơ giống như một cuốn ca-ta-lô về những người đã chết trong cuộc nổi dậy ngày Phục Sinh.
Tôi sẽ viết thành thơ
Về MacDonagh và MacBride
Về Connolly và Pearse
Bây giờ và sắp tới,
Bất cứ nơi nào màu xanh bị bào mòn,
Sẽ có sự thay đổi, và thay đổi tuyệt đối:
Một vẻ đẹp khủng khiếp được sinh ra.
[Nguyên tác:
I write it out in a verse—
MacDonagh and MacBride
And Connolly and Pearse
Now and in time to be,
Wherever green is worn,
Are changed, changed utterly:
A terrible beauty is born. ]
Sự liệt kê một cách giản đơn tên của người hy sinh như là một cách để khẳng định với chúng ta rằng những sinh mạng đã mất trong chiến tranh chính là những cuộc đời đã mất, chứ không chỉ là việc đếm những xác chết đơn thuần. Và văn học khẩn thiết yêu cầu chúng ta hãy chú ý hơn đến những số phận này cũng như tiếng nói của họ. Và rồi chúng ta tự hỏi, tên “Chú bé” trong vở kịch Henry V là gì nhỉ?
Trong khi Yeats tìm thấy vẻ đẹp, mặc dù đó là một vẻ đẹp khủng khiếp từ sự mất mát của những cá nhân, nhà thơ Israel Yehuda Amichai3 lại không thấy điều gì khác ngoài sự tuyệt vọng.
Quả bom có đường kính ba mươi cen-ti-mét
và đường kính sát thương khoảng bảy mét,
với bốn người chết và mười một kẻ bị thương.
Và xung quanh họ, trong một vòng tròn lớn hơn
của nỗi đau và thời gian, hai bệnh viện nằm rải rác
và một nghĩa địa. Nhưng người phụ nữ trẻ,
người được chôn trong thành phố nơi cô sinh ra,
ở khoảng cách hơn một trăm cây số,
khiến vòng tròn ngày càng mở rộng đáng kể,
và người đàn ông đơn độc khóc thương cô
ở một bờ biển xa xôi của một đất nước bên kia đại dương
và giờ cả thế giới đã nằm trọn trong vòng tròn.
Và tôi sẽ không nói đến những tiếng khóc của trẻ mồ côi
đã vang tận đến ngai vàng của Chúa và
còn xa hơn thế nữa, vòng tròn không có kết thúc và cũng chẳng có Chúa.
[Nguyên tác:
The diameter of the bomb was thirty centimeters
and the diameter of its effective range about seven meters,
with four dead and eleven wounded.
And around these, in a larger circle
of pain and time, two hospitals are scattered
and one graveyard. But the young woman
who was buried in the city she came from,
at a distance of more than a hundred kilometers,
enlarges the circle considerably,
and the solitary man mourning her death
at the distant shores of a country far across the sea
includes the entire world in the circle.
And I won’t even mention the crying of orphans
that reaches up to the throne of God and
beyond, making a circle with no end and no God. ]
Với tác phẩm "Dulce et Decorum Est" [Được chết vì Tổ quốc] Owen mang đến một cái nhìn cận cảnh ngày càng rõ nét về một cuộc tấn công bằng khí độc và sau đó yêu cầu người đọc suy ngẫm về ý nghĩa của nó. Tương tự như thế, Amichai quả quyết rằng độc giả của mình cân nhắc về việc thế nào là một quả bom nhỏ khi ta bắt đầu hiểu được những ảnh hưởng có cùng trọng tâm của nó. Quả bom có thể chỉ giết bốn người, nhưng ảnh hưởng của nó đã "chạm đến và vượt qua cả ngai vàng của Chúa. "
Việc nghiên cứu một số lượng lớn các cuộc chiến tranh rất có giá trị. Chúng ta cần biết bao nhiêu tiền cần phải chi, có bao nhiêu binh sĩ đã mất đi, và có bao nhiêu thường dân bị giết. Nhưng chúng ta cũng cần phải nhớ rằng số lượng lớn đó, dù có nói lên được bao nhiêu đi chăng nữa, cũng không thể nào cho chúng ta biết tất cả mọi điều. Nếu chỉ nhìn vào cái mà Amy Lowell4 gọi là “thứ hình mẫu được gọi tên là chiến tranh”, những chi tiết cấu thành nên mô hình đó sẽ bị lu mờ và sinh mạng của những cá nhân cung cấp những thông tin chi tiết đó cũng bị quên lãng đi.
Nhiều nhà văn và nhà thơ đã bình luận về cảm giác về sự vô dụng nảy sinh khi là một người viết trong thời chiến, thời mà người ta muốn tin tức chứ không phải nghệ thuật. Pablo Neruda đã đưa ra một lời giải thích đầy cay đắng về việc tại sao ông không viết được nhiều hay viết tốt trong thời chiến:
Bạn sẽ hỏi: tại sao thơ của anh
Không nói về những giấc mơ, chiếc lá
về những ngọn núi lửa của đất mẹ quê mình?
Hãy đến và nhìn máu chảy trên đường,
đến mà xem
máu chảy trên đường
đến mà nhìn máu
chảy trên đường!
[Nguyên tác:
You will ask: why doesn’t his poetry
Speak to us of dreams, of leaves
of the great volcanoes of his native land?
Come and see the blood in the streets,
come and see
the blood in the streets,
come and see the blood in the streets!]
Trong thời chiến, Neruda cho rằng có điều gì để mà viết nữa ngoài "đến và nhìn máu chảy trên đường"? Và một khi đó là tất cả để nói ở đó, thì thơ ca liệu có còn cần thiết?
Tuy nhiên, Auden5 lại nói với chúng ta rằng tiếng nói của người viết có thể và cần phải được sử dụng để cá nhân hóa những vệt máu đổ trên đường phố và biến nó thành một vấn đề. Đó không chỉ đơn thuần là máu; đó là máu của ai đó. Tiếng nói của từng cá nhân phải được sử dụng để bảo vệ các giá trị cá nhân, để chống lại hàng đống những dối trá của chiến tranh.
Tất cả những gì tôi có là tiếng nói
Để tháo gỡ những đống dối trá chồng chất,
Cái dối trá lãng mạn trong bộ não
Của con người nhục cảm trên-đường-phố
Và cái dối trá của của chính quyền
Khi những tòa nhà của họ đang mò mẫm bầu trời kia
Không có cái gì gọi nhà nước
Và không ai tồn tại một mình;
Cái đói không cho ai sự lựa chọn
Dù người đó là dân thường hay cảnh sát
Chúng ta phải yêu thương nhau hoặc chết.
[Nguyên tác:
All I have is a voice
To undo the folded lie,
The romantic lie in the brain
Of the sensual man-in-the-street
And the lie of Authority
Whose buildings grope the sky:
There is no such thing as the State
And no one exists alone;
Hunger allows no choice
To the citizen or the police;
We must love one another or die. ]
Chú thích:
(1) Một quỹ phi lợi nhuận thành lập năm 1960 có trụ sở tại Indianapolis, bang Indiana, Hoa Kỳ giúp truyền bá những tư tưởng tự do chủ nghĩa của người sáng lập thông qua các ấn phẩm xuất bản, hội nghị hội thảo và các nguồn tư liệu học thuật. Nhiệm vụ hoạt động của Quỹ đã được đề ra trong bản ghi nhớ không được công bố viết bởi người sáng lập, Pierre F. Goodrich “nhằm khuyến khích nghiên cứu lý tưởng của xã hội mà trong đó các cá nhân được tự do và có trách nhiệm” – ND.
(2) William Butler Yeats (1865-1939): nhà thơ, nhà soạn kịch Ai-len, giải Nobel Văn học năm 1923 – ND
(3) Yehuda Amichai (1924 –2000): nhà thơ lớn nhất của Israel trong thế kỷ 20 và là một trong những nhà thơ nổi tiếng trên thế giới từ thập niên 1960 về sau. Ông được xem là người đầu tiên sử dụng tiếng Do thái để sáng tác và biến nó thành một thứ ngôn ngữ thơ ca thực sự - ND
(4) Amy Lawrence Lowell (1874 – 1925): nhà thơ người Mỹ đã được trao tặng giải thưởng Pulitzer năm 1926 - ND
(5) Wystan Hugh Auden (1907 – 1973) là nhà thơ Mỹ gốc Anh với bút danh W. H. Auden. Ông là người có ảnh hưởng rất lớn đến văn học Anh - Mỹ, là một trong những nhà thơ lớn nhất của thế kỷ 20 - ND
Nguồn: Tom G. Palmer, Peace, Love & Liberty, Chương 11, Jameson Books, Inc., 2014