Có phải chủ nghĩa tư bản là nguyên nhân của đói nghèo?

Có phải chủ nghĩa tư bản là nguyên nhân của đói nghèo?

Trước khi có chủ nghĩa tư bản, phần lớn dân số thế giới sống trong cảnh nghèo đói cùng cực. Song tỷ lệ nghèo đói đã giảm đáng kể, từ mức 90% vào năm 1820 xuống chỉ còn 10% hiện nay.

Đặc biệt, trong những thập kỷ gần đây, kể từ khi chế độ kế hoạch hoá tập trung tại Trung Quốc và các quốc gia khác chấm dứt, tình trạng nghèo đói đã giảm nhanh hơn bất kỳ giai đoạn nào trước đây trong lịch sử nhân loại. Như vậy, rõ ràng những người cho rằng chủ nghĩa tư bản là nguyên nhân gây ra nghèo đói có một quan điểm hoàn toàn phi thực tế về cuộc sống trong các hình thái xã hội tiền tư bản. Chính Johan Norberg, sử gia người Thụy Điển, tác giả cuốn sách Progress (Tiến bộ) từng là người chống chủ nghĩa tư bản khi còn trẻ. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng ông chưa thực sự suy nghĩ thấu đáo về chất lượng sống nói chung của xã hội tiền Cách mạng Công nghiệp. Về cơ bản, ông từng hình dung xã hội trong toàn bộ giai đoạn này cứ thong thả như một chuyến đi chơi về vùng nông thôn vậy.

Fernand Braudel - sử gia nổi tiếng người Pháp đã viết một nghiên cứu công phu về lịch sử xã hội thế kỉ 15-18. Theo nghiên cứu đó, khẩu phần ăn của người dân giai đoạn này chủ yếu là cháo, súp, bánh mì làm từ bột mì chất lượng thấp, được nướng thành từng mẻ vài tháng một lần, thậm chí thường bị mốc và cứng đến nỗi phải dùng rìu mới cắt ra được.

Hầu hết người dân, kể cả những cư dân thành thị, sống với khẩu phần khoảng 2.000 calo mỗi ngày, trong đó carbohydrate chiếm hơn 60% tổng lượng. Cả đời họ phải ăn bánh mì hoặc nếu không thì là cháo loãng. Người dân thời đó gầy và có vóc người nhỏ bé - dấu hiệu của việc cơ thể đã thích nghi với một lượng calo không đầy đủ.

Một vài người say sưa nói về thế giới tiền tư bản như thể đấy là một thế giới hài hòa, "sống chậm". Tuy thế, kiểu "sống chậm" này chủ yếu là kết quả của sự yếu đuối thể chất do suy dinh dưỡng thâm niên. Người ta ước tính rằng 200 năm trước, khoảng 20 phần trăm cư dân của Anh và Pháp yếu đến nỗi không thể làm việc được. Người dân trong thời này yếu đến nỗi chỉ đi bộ được tối đa vài tiếng mỗi ngày, điều này khiến họ phải ăn xin cả đời. Hầu hết mỗi người chỉ sở hữu một vài "tài sản" mà ta có thể thấy rõ trong các bức tranh hiện đại: một vài chiếc ghế đẩu, một chiếc ghế dài hay một cái thùng dùng làm bàn. Hơn nữa, những mô tả này cũng chỉ đề cập đến Tây Âu, vùng có một số ít các quốc gia có chất lượng sống tốt nhất vào thời điểm đó.

Tôi mô tả chi tiết điểm này để bạn hình dung được sống động hơn về việc 90% dân số sống ở mức cực kỳ nghèo đói trong các xã hội tiền tư bản. Còn ở những nơi khác ngoài Tây Âu thì mức sống còn tệ hơn rất nhiều. Nhà kinh tế học người Anh Angus Maddison, người chuyên phân tích dữ liệu về lịch sử kinh tế, đã sử dụng một loạt các phép tính phức tạp để ước tính tổng sản phẩm quốc nội theo bình quân đầu người của các quốc gia trên thế giới. Vào năm 1820, con số này là 1.202 đô la quốc tế ở Tây Âu. (1 đô la quốc tế có sức mua tương đương 1 đô la Mỹ năm 1990 - ND)

Con số ở các nước phương Tây khác như Bắc Mỹ, Úc và New Zealand cũng tương tự. Tuy nhiên, ở phần còn lại của thế giới, GDP bình quân đầu người vào thời điểm đó chỉ bằng một nửa (tức khoảng 580 đô la quốc tế).

Khi so sánh trong một khoảng thời gian lịch sử dài hơn thì tác động của chủ nghĩa tư bản càng trở nên rõ rệt. Trong năm đầu tiên của kỷ nguyên tư bản, GDP bình quân đầu người ở Tây Âu là 576 đô la quốc tế, còn GDP bình quân đầu người toàn thế giới nói chung là 467 đô la. Như vậy, trong thời kỳ tiền tư bản, GDP bình quân đầu người đã tăng gấp đôi, từ năm 1 đến năm 1820. Trong một khoảng thời gian ngắn hơn nhiều sau đó, từ năm 1820 đến năm 2003, GDP bình quân đầu người ở Tây Âu đã tăng từ 1.202 lên 19.912 đô la quốc tế, còn ở các nước tư bản khác ở phương Tây, GDP đã tăng lên mức 23.710 đô la quốc tế.

Nhưng sự tiến bộ tương tự không được nhân rộng khắp mọi nơi. Ví dụ ở châu Á, trong vòng 153 năm từ 1820 đến 1973, GDP bình quân đầu người chỉ tăng từ 691 lên 1.718 đô la quốc tế. Sau đó, chỉ trong vòng 30 năm, từ 1973 đến 2003, GDP tăng từ 1.718 lên 4.344 đô la quốc tế.

Vậy chuyện gì đã xảy ra? Những phát triển đáng kinh ngạc này ở châu Á chủ yếu là bởi Trung Quốc đã ừng bước áp dụng các nguyên tắc thị trường tự do sau khi Mao Trạch Đông qua đời năm 1976. Cuối năm 1981, có tới 88% dân số Trung Quốc vẫn sống trong tình trạng cực kỳ nghèo đói; còn hiện nay tỉ tệ này ít hơn 1 phần trăm. Chưa bao giờ trong lịch sử thế giới, hàng trăm triệu người đã thoát khỏi cảnh nghèo đói và trở thành tầng lớp trung lưu trong một thời gian ngắn như vậy.

Chủ nghĩa tư bản đã giúp xóa bỏ đói nghèo tốt hơn bất kỳ hệ thống nào khác trong lịch sử thế giới. Những nạn đói tàn khốc do con người gây nên trong vòng 100 năm qua đều xảy ra dưới các chế độ kinh tế tập thể - chỉ riêng trong những năm 1930, theo một loạt ước tính, ở Liên Xô có từ 5 đến 9 triệu người chết vì nạn đói do quá trình hợp tác xã hoá theo mô hình kế hoạch hoá tập trung với sản xuất nông nghiệp.

Sự kết thúc của nền kinh tế kế hoạch tập trung ở Trung Quốc và nhiều nước khác là yếu tố chính khiến nạn đói trên thế giới đã giảm 42% từ năm 1990 đến năm 2017.

Tuy nhiên, ở Triều Tiên, một trong số ít các quốc gia còn lại trên thế giới còn giữ nền kinh tế kế hoạch tập trung, hàng trăm nghìn người đã chết trong nạn đói từ năm 1994 đến năm 1998.

Theo chỉ số Tự do Kinh tế của Quỹ Di sản (The Heritage Foundation), các nước có hình thái kinh tế tư bản rõ rệt nhất trên thế giới có GDP bình quân đầu người là 71.576 đô la. Các quốc gia “khá tự do” có GDP là 47.706 đô la, còn các quốc gia “hầu như phi tự do” và “đàn áp” có GDP kém nhất - chỉ khoảng 6.834 đến 7.163 đô la.

Nguồn: Rainer Zitelmann, Is capitalism to blame for hunger and poverty?

© Thị Trường Tự do Academy 2021

-------------------------------

*Rainer Zitelmann là một nhà sử học, xã hội học và doanh nhân. Ông là tác giả của 23 đầu sách được dịch ra 12 thứ tiếng. Cuốn "Quái kiệt làm điều khác biệt" của ông là một bestseller quốc tế, đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam. 

Dịch giả:
Phan Thị Mai Trang