[Nền kinh tế tự do] Chương 3: Hệ thống thông tin tức thời của giá cả

[Nền kinh tế tự do] Chương 3: Hệ thống thông tin tức thời của giá cả

Hệ thống thông tin tức thời của giá cả

Cảnh tượng dân chúng khóc than sau khi Diana, Công nương xứ Wales, tử nạn vào năm 1997 là hiện tượng bất thường. Ở London, hàng trăm người đã mang hoa đến đặt bên ngoài ngôi nhà của bà - Cung điện Kensington.

Chẳng bao lâu sau, hàng trăm người đã biến thành hàng ngàn và thảm hoa kéo dài tới tận công viên bên cạnh. Hàng ngàn người khác tưởng niệm bà bên ngoài điện Buckingham và trước những bức tường dinh thự chính thức của Công nương xứ Wales ở gần đó.

Những người bán hoa tươi ở London biết đã xảy ra chuyện gì. Hoa vừa đặt lên kệ đã được người ta lấy đi. Nhưng hàng ngàn người đi dự lễ tang vẫn sẵn sàng trả giá cao nhất để có một bó hoa, với mong muốn đóng góp vào biển hoa đang kéo dài mãi ra, để họ có thể nói rằng mình đã tham dự sự kiện bất thường này.

Giá hoa tươi quá cao có tác động ngay tới từng gia đình.

Không chỉ những người bán hoa tươi ở London cảm nhận được chuyện này. Khi những người bán hoa tươi gọi điện cho những người bán buôn, đòi phải mang ngay hoa tới thì những người bán buôn thấy rằng mình cũng đã hết sạch hoa. Họ có thể nâng giá, nhưng đơn hàng vẫn tiếp tục tới. Chính những người bán buôn cũng cảm thấy tuyệt vọng.

Aalsmeer, chợ hoa lớn nhất ở Hà Lan, chưa bao giờ thấy cảnh tượng như thế kể từ sau ngày Lễ Tình Nhân. Nhưng, ít nhất với ngày Lễ Tình Nhân thì họ còn có thể trù liệu trước. Thấy giá hoa tăng chóng mặt, những người trồng hoa ở nước Kenya xa xôi (nước này nói rằng họ cung cấp tới một phần ba hoa tươi trên toàn thế giới) bắt đầu cắt thêm và đặt những toa chở hàng lớn hơn, để có thể kiếm thêm lợi nhuận từ sự kiện bất ngờ này.

Nhưng đối với tôi, giá hoa tươi quá cao còn tác động ngay tới gia đình mình. Kỷ niệm ngày cưới của chúng tôi sắp đến gần, năm nay Christine sẽ phải mua sô cô la thay cho hoa. Và tôi đoán rằng, trong ngày sinh nhật, nhiều người sẽ chỉ nhận được một tấm thiệp mà thôi, trong khi những người nằm trong bệnh viện sẽ được người thăm mang tới cân nho chứ không phải bó hoa.

GIÁ CẢ VỪA LÀ KIẾN THỨC VỪA LÀ SỰ KIỆN

Giá cả nói cho chúng ta biết hai điều quan trọng. Thứ nhất, các món hàng được trao đổi như thế nào: Phải trao cho người kia bao nhiêu đơn vị của món hàng này để được món hàng kia. Hôm nay phải trả mấy đô la, mấy euro hay mấy yen để được một chai rượu vang. Đối với người Ai Cập cổ đại, giá có thể là một đôi dép. Giá là tỷ lệ mà người ta sẵn sàng chấp nhận khi trao đổi một món hàng (hay dịch vụ) lấy một món hàng khác hay giữa hàng và tiền.

Đấy là sự kiện chán ngắt đến nỗi các cuốn sách giáo khoa về kinh tế học không thèm để ý tới (Nếu bạn nghe lời khuyên của tôi và đã xé phần đó, bạn sẽ phải nghe theo lời tôi). Nhưng giá cả còn nói cho chúng ta biết một cái gì đó hay ho hơn, có ích hơn và quan trọng nhơn.

Giá cả nói cho chúng ta biết cần phải làm gì. Việc những người đi viếng đám tang ở London sẵn sàng mua hoa tươi với giá cao hơn hẳn nói cho những người bán hoa biết rằng cần phải đặt thêm. Việc những người bán lẻ sẵn sàng mua với giá cao hơn nói cho những người bán buôn biết cần phải nhập thêm ngoài thị trường. Việc những người bán buôn sẵn sàng mua với giá cao hơn nói cho những người trồng hoa ở Kenya biết cần phải cắt thêm hoa và đặt thêm toa chở hàng.

Giá cả là hệ thống thông tin tức thời của thị trường

Nói cách khác, giá hoa tươi tăng nói cho tất cả những người trong chuỗi kinh doanh biết cần phải làm gì. Nó còn nói với những người tiêu dùng, như tôi, biết cần phải làm gì: Đừng mua hoa tươi trừ phi bạn rất cần hoa - gửi cho người thân cái gì đó thay thế cho hoa.

Và tất cả những chuyện này diễn ra với tốc độ đáng kinh ngạc. Hôm nay cửa hàng đầy hoa, ngày mai người bán lẻ đặt hàng cho người bán buôn, và hôm sau nữa, những người trồng hoa ở Kenya đặt thêm toa chở hàng. Giá cả là hệ thống thông tin tức thời của thị trường. Giá tăng cho chúng ta biết nơi hàng hóa khan hiếm và nơi chúng ta có thể đầu tư thời gian, tiền bạc và công sức để sản xuất thêm món hàng có thể lấp đầy khoảng trống đó. Giá hạ cho chúng ta biết nơi hàng hóa dư thừa và thúc giục chúng ta chuyển sang sản xuất những món hàng khác, tức là những món hàng có thể đáp ứng nhu cầu cấp thiết hơn của dân chúng.

NGƯỜI MUA, NGƯỜI BÁN VÀ GIÁ THỊ TRƯỜNG

Đương nhiên, giá phụ thuộc vào sự sẵn sàng mua của dân chúng. Và đấy là giới hạn. Trên thị trường, nếu muốn một thứ gì đó thì bạn phải cho đi một thứ gì đó khác. Nhưng cho đi hơn số bạn cần phải cho là vô lý. Nói cho cùng, bất cứ thứ gì bạn tiết kiệm được cũng đều có thể được sử dụng để mua những thứ mà bạn đánh giá cao. Chiếc xe Aston Martin trông rất đẹp, nhưng nếu bạn mua chiếc xe rẻ hơn thì bạn có thể còn đủ tiền để sửa mái nhà.

Nó phụ thuộc vào ưu tiên của bạn, nhưng, nói chung, món hàng càng đắt thì càng ít người mua; càng rẻ thì càng nhiều người mua.

Đối với người bán thì hoàn toàn ngược lại. Họ muốn kiếm lời bằng cách đòi giá cao nhất có thể. Nếu món hàng nào đó có giá cao thì họ càng muốn đưa ra thị trường nhiều hơn để thu được nhiều lợi hơn. Còn nếu món hàng nào đó có giá rẻ thì họ sẽ không muốn bán. Nếu giá không bù đắp được chi phí thì họ sẽ chẳng thèm bán nữa.

GIAO ĐIỂM HOÀN HẢO

Điều đó làm cho cuộc sống của những người viết sách giáo khoa trở nên quá tuyệt vời. Họ có thể vẽ đường cầu đi xuống (cho thấy khi giá giảm thì cầu tăng) và đường cung đi lên (cho thấy khi giá tăng thì người bán sẽ cung cấp nhiều hơn) như hình 3.1. Giao điểm của hai đường này là điểm cân bằng - mức giá mà tại đó người bán muốn bán số lượng hàng đúng bằng số lượng hàng mà người mua muốn mua. Với giá này, cả hai bên đều vui vẻ ra về; người mua hoàn toàn thỏa mãn, còn người bán thì bán hết hàng.

Thông minh tài chính (P11 : Mô hình cung cầu trong thực tế) | Chiến lược  sống

Nghe có vẻ hay. Còn tốt nữa là đằng khác. Sách giáo khoa nói rằng, nếu tất cả đều hoạt động một cách hoàn hảo thì giá cả bao giờ cũng xoay quanh điểm cân bằng này. Nếu giá tăng, người bán sẽ đưa ra thị trường nhiều hàng hóa hơn, nhưng sẽ không thể bán hết được hàng và sẽ buộc phải giảm giá (quay trở lại giá cân bằng) để lôi kéo thêm người mua. Khi giá hạ, người mua sẽ lao vào mua, nhưng người bán sẽ tăng giá. Người mua sẽ phải trả giá cao hơn (trên thực tế, là giá cân bằng) để đảm bảo là sẽ nhận được món hàng mà họ muốn. Dù thế nào thì giá cũng quay trở lại giá cân bằng, nơi mà cung và cầu ở vị trí cân bằng hoàn hảo.

TIN XẤU

Điều đó nghe có vẻ quá hay đến mức không thật, đúng không? Đúng thế. Trong đời thực, mọi thứ không như thế. Không phải lúc nào người ta cũng mua thêm vì giá rẻ. Nếu một người nào đó bảo bạn mua mấy cái máy tính để bàn giá rẻ, bạn có mua không? Có khả năng là không: Bạn có thể nghĩ, những cái máy tính này bị sao vậy hay bạn chỉ cần một chiếc máy tính để bàn thôi.

Tương tự, từng có loại bia với mục đích là lôi kéo thêm người tiêu dùng bằng cách bán với giá cao hơn những loại bia khác, với tên gọi là “đắt xắt ra miếng”. Và, đã xảy ra những chuyện kỳ lạ (xem khung). Ví dụ, khi người ta giàu lên, người ta quay lưng với những món hàng thấp cấp (giffen goods - ví dụ, lòng lợn, lòng bò) thậm chí ngay cả khi giá hạ - vì người ta có đủ tiền để mua những món hàng thay thế cao cấp hơn.

KHÔNG THỂ CÓ THÔNG TIN HOÀN HẢO

Không ai bảo rằng kinh tế học chính là đời thực, nhưng thế giới hoàn hảo trong những lời giải thích của sách giáo khoa, nơi thị trường luôn luôn cân bằng thực sự là chuyện lạ. Ngoài những vấn đề khác (vì những lý do mà bạn không muốn biết), nó phụ thuộc vào việc là có rất nhiều người mua và người bán, những người này có thể vào hoặc ra khỏi thị trường ngay lập tức và họ có thể hành động tức thời vì họ biết chắc chắn rằng người nào sẵn sàng mua cái gì, với giá bao nhiêu.

Muốn bán được nhiều - hãy tăng giá!

Điều duy nhất bạn cần biết về kinh tế học là khi hàng hóa trở thành đắt đỏ thì người ta sẽ mua ít đi.

Ngoại trừ một số trường hợp. Ví dụ, có một số món hàng bán được nhiều hơn hẳn khi giá tăng. Đấy gọi là hàng thấp cấp.

Ngài Robert Giffen là nhà thống kê học người Scotland, thế kỷ XIX, làm việc cho tờ The Economist trước khi trở thành Cục trưởng Cục thương mại. Kiến thức thấu triệt của ông mà chúng ta nhớ được hiện nay không còn trong bất cứ tác phẩm nào do ông chấp bút. Điều duy nhất chúng ta biết là từ công trình Các nguyên tắc của kinh tế học (Principles of Economics - 1890) của Alfred Marshall. Giffen - Marshall viết - nhận xét rằng giá bánh mì tăng rút hết nguồn lực của các gia đình nghèo cho nên họ buộc phải bớt ăn thịt đi. Vì bánh mì là món ăn rẻ nhất, cho nên họ sẽ ăn nhiều bánh mì hơn ngay cả khi giá bánh mì tăng!

Rất gần đúng với lẽ thường: Ở bất cứ khu chợ đường phố nào cũng có rất nhiều người mua và người bán, dễ dàng dựng lên một quầy hàng và mọi người đều nhìn thấy ai mua gì, với giá bao nhiêu. Nhưng, trong nền kinh tế rộng lớn hơn, các công ty lớn giữ thế thượng phong trong thị trường của mình, những người mới bước chân vào thị trường không thể xây được ngay nhà máy và không ai có thể biết chính xác hàng triệu người đang trả bao nhiêu cho biết bao nhiêu là món hàng đang được trao đổi.

Không ai bảo kinh tế học chính là đời thực

Thực ra, thậm chí chính những người mua cũng không biết họ sẽ mua gì, với giá bao nhiêu. Thường thì khi ở trong siêu thị, nhìn thấy món hàng nào có thể phù hợp cho bữa trưa thế là tôi mua ngay. Và đôi khi tôi không tin nổi mình đã chi từng ấy tiền để uống cà phê trong quán ở nhà ga, khi tôi cảm thấy kiệt sức và cần tiếp thêm năng lượng trên đường về nhà. Món chúng ta thực sự mua phụ thuộc rất nhiều vào thời gian, địa điểm và ý nghĩ nảy ra ngay lúc đó.

THỊ TRƯỜNG LÀ QUÁ TRÌNH KHÁM PHÁ

Nói cách khác, cuộc đời không phải là quá trình mang tính cơ học như các cuốn sách giáo khoa nói. Không ai có thể biết hàng triệu người, tương tự như tôi, với những ý nghĩ bất chợt của họ, sẽ mua gì và với giá bao nhiêu. Người bán không đứng trước đường cầu, mà đứng trước sự tù mù của nhu cầu.

Người ta mua bao nhiêu và với giá bao nhiêu phụ thuộc hoàn toàn vào đánh giá cá nhân về món hàng đó (và những món hàng thay thế) tại chính thời điểmđịa điểm đó. Và đánh giá của mỗi người thì khác nhau: Người mua cổ phiếu ở Wall Street nghĩ rằng đấy là cơ hội tốt để đầu tư, trong khi người bán cổ phiếu lại nghĩ rằng đấy là thời điểm cần bán ra. Trên thực tế, người ta làm thế chỉ vì họ đánh giá các đồ vật và hiện tượng một cách khác nhau và có những quan niệm khác nhau về những sự kiện có thể xảy ra trong tương lai, đấy là lý do thị trường tồn tại.

Thị trường thay đổi, thị hiếu thay đổi,

cho nên các công ty và các cá nhân quyết định cạnh tranh

 trong các thị trường này cũng phải thay đổi.

An Wang - doanh nhân trong lĩnh vực máy tính

Cách đánh giá cũng như những kì vọng của người ta thay đổi. Khi Công nương Diana tử nạn, những người không quan tâm nhiều tới hoa tươi bỗng rất muốn mua một bó. Trong khi những người thích hoa như tôi lại quyết định thay đổi kế hoạch và mua sô cô la thay cho hoa.

Trên thị trường thế giới có hàng triệu người, tất cả đều mua và bán vì đánh giá của họ khác nhau và luôn luôn thay đổi, hoàn cảnh và kì vọng tạo ra những thay đổi đó. Tìm được đường đi qua đám đông nhốn nháo đó không dễ như cầm lên cuốn sách giáo khoa và nhìn xem bạn đang ở đâu.

Thị trường giống quá trình khám phá hơn. Nếu tình cờ bạn có được những món hàng tốt với giá cả, địa điểm và thời gian phù hợp thì dân chúng có thể sẽ mua. Nhưng trước khi cất tiếng rao hàng, bạn không thể biết nhu cầu lớn đến mức nào hay giá bao nhiêu là “phù hợp”. Bạn phải đoán mò và học hỏi từ kinh nghiệm. Các doanh nhân trở thành giàu có - hay phá sản - chính vì họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro trước việc sản xuất cái gì và giá bao nhiêu thì hấp dẫn được người mua.

THÔNG TIN, HÃY GIÚP TÔI

Khi bạn tìm cách lái tàu qua sương mù, mỗi mẩu thông tin về đất liền đều có tính sống còn. Cách người ta nhận thông tin là cực kì quan trọng đối với thị trường - không phải là cái bạn có thể lờ đi, như sách giáo khoa viết. Tìm đường đi qua thị trường chính là có thông tin tốt: Người ta sẽ trả cho phát minh mới của tôi bao nhiêu tiền. Tìm thợ sửa đường ống nước có tay nghề ở đâu? Nếu tôi đi học lại thì có dễ tìm việc hơn hay không? Mua cà chua rẻ hơn ở chỗ nào?

Thông tin chắc chắn là không hoàn hảo. Thông tin không mọc ở trên cây hay bồng bềnh trong không khí. Thông tin không hiển nhiên, thậm chí không phải là khách quan. Thông tin mà bạn cần để có thể đi qua thị trường chỉ có ở trong đầu những người tạo ra thị trường đó. Nó mang tính cá nhân và khu vực. Muốn hành động trên cơ sở thông tin, bạn phải tìm cho được thông tin.

Thông tin mang tính chủ quan, cá nhân và khu vực

Ví dụ, đại lý bất động sản phải biết loại bất động sản nào trong khu vực đang được bán và bán với giá bao nhiêu. Thông tin này thay đổi mỗi tuần, vì điều kiện trong khu vực thay đổi - ví dụ, nhà máy gần đó đóng cửa hay một tuyến đường mới đang được xây dựng. Ngày nào công ty vận chuyển cũng phải biết xe của họ đang ở đâu và khách hàng của họ muốn chở hàng tới đâu. Người trao đổi ngoại tệ phải biết, thời gian tính bằng giờ, người ta sẵn sàng đổi mỗi loại ngoại tệ với tỷ giá như thế nào. Người môi giới chứng khoán có thể phải hành động theo từng phút, trước khi giá cả thay đổi. Những thông tin tương tự như thế là động lực của thị trường, nhưng từng người không thể nào biết được hết những thông tin đó. Thậm chí thông tin có thể đã lỗi thời trước khi đến được với chúng ta.

THÔNG TIN TỨC THỜI CỦA GIÁ CẢ

May mắn là thị trường có hệ thống thông tin tức thời, nói cho chúng ta tất cả những điều chúng ta thực sự cần. Nó nói cho chúng ta biết ở đâu khan hiếm, còn ở đâu thì dư thừa. Nó nói cho chúng ta biết cần phải làm gì để hướng những nỗ lực của chúng ta đến nơi được tưởng thưởng nhiều nhất và rút khỏi những nơi được tưởng thưởng ít hơn. Hệ thống thông tin tức thời này là giá.

Giá cả không phải là sự kiện bất động, không phải là điểm mà hai đường cong trong sách giáo khoa giao nhau. Giá cả là sự kiện sống động. Nó nói cho chúng ta biết các sự kiện và nó làm thay đổi các sự kiện. Khi có thiếu hụt - ví dụ, thảm kịch xảy ra ở London làm cho các cửa hàng không còn hoa tươi - giá cả gia tăng gửi ngay thông điệp đi rất xa và rất nhanh (trong trường hợp này là từ London tới Kenya chỉ trong một hoặc hai ngày).

Không có chiếc máy tính nào trên thế giới

có thể xử lý thông tin tốt hơn là thị trường.

Jacques Delors -

Cựu chủ tịch Ủy ban châu Âu

Giá tăng nói cho người sản xuất tất cả thông tin họ cần biết: Họ cần phải sản xuất thêm và người mua sẽ cảm ơn họ, dù giá có tăng. Thông tin này sẽ hướng nỗ lực và nguồn lực của người sản xuất tới nơi cần nhất. Và nó làm điều đó với vận tốc và sự chắc chắn cao hơn hẳn so với tất cả các cơ quan lập kế hoạch trung ương. Nếu năm 1997 chúng ta có Bộ Hoa Tươi thì tôi chắc chắn là phải mất cả tháng mới đưa được yêu cầu tới bàn làm việc của họ. Họ có thể không nhận thức được rằng đã có thiếu hụt cho đến khi tiền bán hàng của các cửa hàng thanh toán theo tuần hay theo tháng đã được trả hết. Lúc đó họ sẽ phải tiến hành phân tích dữ liệu, tính toán ảnh hưởng xã hội của những chiến lược khác nhau, liên hệ với các bộ khác…

THIÊN TÀI NGOÀI DỰ KIẾN CỦA CHÚNG TA

Như vậy, hệ thống giá cả đáng được hoan nghênh. Nó hướng các nguồn lực tới nơi được sử dụng với giá trị cao nhất, với vận tốc và độ chính xác cao nhất và với ít chi tiết không cần thiết nhất. Nó tạo điều kiện cho hàng triệu người với những cách đánh giá khác nhau - thậm chí xung đột với nhau - làm lợi cho nhau, thông qua trao đổi.

Hệ thống giá cả đáng được hoan nghênh.

Nhưng chúng ta không thể tự chúc mừng mình vì đã phát minh ra công cụ hữu dụng khó tin đến thế. Chúng ta không phát minh ra hệ thống giá cả. Chúng ta tình cờ bắt gặp nó khi thực hiện những hoạt động hoàn toàn tự nhiên là trao đổi và hàng đổi hàng.

Chúng ta không có ý định xây dựng hệ thống giá cả, một hệ thống thông tin tức thời khổng lồ; chúng ta cũng không có ý định cải thiện đời sống cho bất kỳ ai. Trước đây chúng ta đã buôn bán với cùng lý do như hiện nay: Buôn bán làm cho mỗi người chúng ta đều được lợi. Trong quá trình đó, đúng là chúng ta đã cải thiện được đời sống của những người khác và đúng là chúng ta đã tạo ra hệ thống thông tin hiệu quả đáng kinh ngạc này.

GIÁ CẢ LOẠI BỎ LÃNG PHÍ

Hệ thống giá cả không chỉ hướng nguồn lực tới nơi người ta cần chúng nhất. Nó còn loại bỏ lãng phí, bằng cách thúc giục người sản xuất tìm cho ra biện pháp sản xuất với chi phí thấp nhất nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Người thợ xây cần tấm vải để che cho gạch khỏi bị mưa ướt có thể không bận tâm đến quá trình sản xuất, không cần quan tâm đến việc đấy là vải đay tẩm hắc ín hay vải nhựa - chỉ cần che được mưa là tốt rồi. Nhưng vật liệu hiện nay rẻ hơn (và nhẹ hơn). Vì người thợ xây không muốn trả nhiều hơn số tiền cần phải trả, cho nên vật liệu hiện nay đã thế chỗ cho vật liệu ngày xưa.

Những thánh đường to lớn thời Trung cổ được xây với giàn giáo bằng gỗ. Hiện nay thợ xây châu Âu sử dụng giàn giáo bằng ống nhôm hay ống thép. Nhưng nếu tới châu Á, bạn sẽ thấy công nhân làm việc ở độ cao 15 hay 20 tầng trên những giàn giáo bằng tre.

Ai đó đã bỏ lỡ bí quyết chăng? Không. Mỗi người trong số họ đều sử dụng vật liệu rẻ nhất - vật liệu đòi hỏi công sức chế tạo ít nhất. Những người thợ xây dựng châu Á có thể dùng cọc kim loại, nhưng phải tốn nhiều tiền nhập khẩu. Người thợ châu Âu có thể dùng gỗ, nhưng lắp dựng sẽ lâu hơn, và công thợ ở châu Âu không phải là rẻ. Một lần nữa, hệ thống giá cả thúc giục người ta chuộng phương pháp sản xuất hiệu quả, với chi phí thấp.

 

THỊ TRƯỜNG CHỈ LÀ SẢN PHẨM CỦA CON NGƯỜI

Dẫu vậy, thị trường là sản phẩm của con người. Là sản phẩm của con người, nó không thể hoàn hảo.

Ví dụ, người sản xuất có thể hiểu sai tín hiệu giá cả - đánh giá quá cao hay quá thấp ý nghĩa của nó đối với sản phẩm, để xảy ra tình trạng thiếu hụt hay dư thừa sản phẩm. Hoặc họ có thể nhận thức được sự kiện đang xảy ra, nhưng không thể gia tăng sản xuất một cách nhanh chóng; không thể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Đôi khi người ta còn tự thuyết phục mình rằng giá tăng sẽ tiếp tục tăng vô thời hạn - cho đến khi bong bóng vỡ (xem hộp đóng khung).

Helmuth von Moltke-Cha, được gọi là Thống chế Đức, từng nhận xét rằng khi giáp chiến với quân địch thì không có kế hoạch tác chiến nào sống sót được. Kế hoạch của những người sản xuất cũng không thể sống sót được khi tiếp xúc với khách hàng và đối thủ cạnh tranh. Đôi khi việc điều chỉnh kế hoạch có thể dễ dàng thực hiện - nếu váy ngắn đã lỗi thời, cũng vẫn chiếc máy khâu đó có thể may váy dài. Nhưng đôi khi rất khó. Những thợ mỏ bị mất việc vì quyết định của bà Margaret Thather cho đóng cửa các khu mỏ thuộc quyền quản lý của nhà nước, về lý thuyết, có thể được đào tạo thành thợ cắt tóc hay thợ trang trí nội thất. Nhưng thực tế, các thành phố mỏ đã chịu cảnh thất nghiệp và suy thoái kéo dài.

Cơn sốt hoa tulip

Hoa tulip được đưa tới châu Âu hồi giữa thế kỷ XVI. Cụ thể là ở Hà Lan, vì nó là biểu tượng của quyền lực. Người ta tranh nhau mua cây giống, giá cả vì thế cũng leo thang. Năm 1620, giá một cây có thể gấp 7 lần lương một người lao động trung bình. Đến năm 1630, giá của loại hoa hiếm này thậm chí còn cao gấp 40 lần. Thị trường mua bán hoa tulip sôi động chưa từng thấy, và những người bình thường nhìn thấy khả năng sinh lời đã lao vào cơn sốt này. Người ta thậm chí còn mua bán hoa theo kiểu giao sau.

Nhưng đến đầu năm 1637, giá bắt đầu giảm. Lợi nhuận không còn là điều chắc chắn nữa. Những người đầu cơ tìm cách bán tống bán tháo, nhưng chẳng còn mấy người mua. Những khoản lời chắc chắn biến thành những khoản lỗ chắc chắn. Trong cơn hỗn loạn, mọi người tìm cách thoát ra, giá hoa lao dốc. Nhiều người tán gia bại sản chỉ trong một năm. Nhiều người bỏ, không thực hiện những hợp đồng giao sau vì giá cây trong hợp đồng cao hơn hẳn giá trên thị trường.

Nhưng một số người đã thoát được hậu quả của sự mê muội của mình: Tòa án tuyên bố những khoản nợ của họ là kết quả của vụ đánh bạc chứ không phải là kinh doanh - và vì vậy họ không bị buộc phải trả nợ.  

KHÓ TÌM ĐƯỢC MÓN HÀNG TỐT

Cơ chế thị trường cũng còn một số những khiếm khuyết nhỏ khác. Tại sao các quán bar và quán café gần chỗ có nhiều khách du lịch lại tệ hại đến thế? Một trong những lý do là những chỗ này không cần phải sang trọng mà là chỗ bình dân: Sau một ngày lê bước khắp các viện bảo tàng, cái cuối cùng mà chân bạn cần là tìm tới một quán ăn.

Lý do quan trọng hơn là du khách không biết chỗ tốt hơn ở đâu. Nó có thể cách một dãy nhà hay nằm dưới tầng hầm ngay trước mũi bạn. Nếu bạn không biết tiếng thì khó mà hỏi được. Cho nên bạn mới mua phải cái bánh pizza vừa đắt vừa dai như giẻ.

Nếu tất cả những người bán hàng đều tập trung tại một chỗ

thì mọi người đều được lợi

Đấy không phải là cái mà thị trường hoàn hảo được cho là sẽ cung cấp. Nhưng vấn đề của bạn là tìm kiếm giá cả. Bạn biết bạn cần gì - một cái bánh pizza ngon - nhưng phải mất thời gian và công sức đi tìm. Những người tìm thợ sửa ống nước hay tìm thợ cơ khí cũng gặp chính vấn đề đó. Đó là lý do vì sao chúng ta có danh sách các công ty trong danh bạ điện thoại, trong các tờ tạp chí dành cho người tiêu dùng, trên các website so sánh và phân tích thị trường. Tất cả những thứ này là để cung cấp cho dân chúng thông tin.

Đấy còn là lý do vì sao những người buôn bán tập trung tại những khu vực nhất định trong thị trường (Buôn có bạn, bán có phường - ND). Các thị trấn ở Anh có những đường phố như Hàng Sữa, Hàng Cá và Hàng Thịt vì đấy là những khu vực mà những người buôn bán [cùng một mặt hàng] họp lại với nhau. Trước đây tôi thường nghĩ những người bán hàng muốn bày hàng càng cách xa đối thủ cạnh tranh càng tốt. Nhưng không: Nếu tất cả đều tập trung tại một địa điểm - một con phố hay một khu chợ - thì mọi người đều được lợi, vì người mua biết chính xác cần tìm người bán ở chỗ nào. Nếu người mua phải đi hết các cửa hàng trên từng con phố để tìm thứ họ cần thì có lẽ họ sẽ không đi. Khi tập trung tại một địa điểm, người bán đã cắt giảm đáng kể chi phí tìm kiếm và làm cho người mua thích tới và thích mua hơn.

CHI PHÍ CỦA VIỆC MUA BÁN

Ngay cả khi đã tìm được đối tác có thiện chí, bạn vẫn có một gánh nặng tiềm tàng nữa - gọi là chi phí giao dịch. Bạn có thể phải mất khá nhiều thời gian mặc cả trước khi mua. Bạn có thể không thỏa thuận được. Nếu thỏa thuận được, có thể bạn muốn kí hợp đồng trước khi giao hàng hay giao tiền. Hợp đồng mua bán bất động sản lớn (hay ngôi sao bóng đá quốc tế) có thể dài tới hàng trăm trang và luật sư phải mất hàng ngàn giờ để soạn thảo - không phải là rẻ. Và lúc đó, nếu một bên phá vỡ thỏa thuận thì còn phải mất chi phí để buộc bên đó thực hiện.

Chi phí cho việc tìm kiếm và giao dịch quá cao có thể làm lu mờ lợi nhuận của quá trình trao đổi, trao đổi trở thành vô nghĩa. Một số thị trường (ví dụ, lương hưu) khó hiểu đến mức nhiều người quyết định bỏ qua. Hay một số thị trường (điện thoại di động, hợp đồng dịch vụ công cộng), người dùng thường gắn bó với người cung cấp có giá cao vì tìm nhà cung cấp rẻ hơn là việc thiên nan vạn nan.

Một số thị trường khó hiểu đến mức nhiều người quyết định bỏ qua.

Vài năm trước, tôi từng gặp vấn đề như thế tại bến phà Staten Island Ferry ở New York. Trong khi chờ đợi tôi quyết định mua món bánh mì kẹp thịt ở quán bình dân. Ở Anh quốc, bánh mì kẹp thịt ở các ga tàu hỏa và bến phà thật kinh khủng - bánh mì trắng, nhân chẳng có mùi vị gì. Nhưng tôi vẫn đánh liều và hỏi mua bánh mì kẹp pho mát.

Người bán hàng ở New York đứng sau quầy nhìn tôi như thể tôi mất trí vậy. “Ông muốn loại pho mát nào?”, anh ta hỏi. “Ông muốn pho mát Mỹ, Ông muốn pho mát Thụy Sĩ? Ông muốn…?” Anh ta xổ ra một tràng. Nhưng tôi vẫn đứng như trời trồng, anh ta lại tiếp tục: “Ông muốn loại bánh mì nào? Ông muốn trắng? Ông muốn đen? Ông muốn bánh vòng…?”. Trước khi anh ta kiệt sức, tôi nói rằng tôi muốn xem thực đơn một cách cẩn thận hơn và sẽ trở lại sau khoảng 10 phút, sau khi lựa chọn xong.

Nguồn: Nền kinh tế tự do,  Eamonn Butler. Nhà xuất bản tri thức, 2023

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường