[Chế độ dân chủ - Một dẫn nhập] Chương 4: Những nguyên tắc của dân chủ
Những thành tố cốt lõi của chế độ dân chủ tự do
Khi nhìn vào những nước thường được coi là tấm gương về dân chủ tự do, chúng ta sẽ thấy một số đặc điểm và thiết chế nổi bật.
Quyền bầu cử rộng rãi. Chế độ dân chủ tự do được xây dựng trên quyền phổ thông đầu phiếu và địa vị chính trị bình đẳng: gần như mọi người trưởng thành đều có quyền bầu cử và lá phiếu của họ được coi là như nhau. Trẻ em và người trưởng thành có khuyết tật tâm thần nghiêm trọng có thể không được tham gia vì không đủ năng lực bỏ phiếu; và ở một số nước, tù nhân (và thậm chí cả những người phạm trọng tội đã được tha) có thể cũng không được bầu cử với lý do là tội của họ làm cho họ không đủ tư cách tham gia vào các hoạt động xã hội. Tất cả công dân khác đều được tham gia.
Tuy nhiên, người nào thực sự được coi là công dân vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Đã có thời, chỉ những người đàn ông có tài sản mới được coi là có đóng góp cho đất nước để có thể bầu cử một cách có trách nhiệm. Vì những lý do tương tự như thế, hiện nay một số người không đồng ý cho những người mới nhập cư và những người tạm trú quyền bầu cử.
Một vấn đề khác là có thể do nhiều sắc dân khác nhau cư trú trên một vùng lãnh thổ, bị chia rẽ bởi ý thức dân tộc (ví dụ, người Nga ở Ukraine), ngôn ngữ (ví dụ, những người nói tiếng Pháp ở Canada), chủng tộc (ví dụ, ở miền Nam Châu Phi), hoặc tôn giáo (ví dụ: ở Somalia, Bosnia, Iraq, Pakistan và nhiều nơi khác). Mỗi nhóm người có thể không công nhận quyền của những nhóm người khác khi họ ban hành những quyết định tập thể có ảnh hưởng đến mình. Các nguyên lý tự do sẽ làm cho định nghĩa về quyền công dân trở thành bao quát hết mức; nhưng luật lệ về quyền công dân cũng phải rõ ràng và được mọi người chấp nhận – đây có thể là vấn đề khó thực thi.
Những cuộc bầu cử cởi mở. Các chế độ dân chủ tự do cho phép tất cả mọi người được tranh cử vào các cơ quan công quyền. Một lần nữa, trẻ em, tù nhân hoặc những người khuyết tật về tâm thần có thể không được tham gia. Nhưng mọi người không bị tước đoạt quyền ứng cử trên cơ sở đảng phái, tôn giáo, giai cấp, gia đình, sắc tộc hoặc giới tính cụ thể của mình. Những người đang nắm quyền cũng không có quyền tuyên bố rằng đối thủ của mình không phù hợp với chức vụ. Chế độ dân chủ tự do tin tưởng rằng công dân của mình sẽ tự đưa ra quyết định về ai là người phù hợp để làm đại diện cho họ.
Các cuộc bầu cử trong chế độ dân chủ tự do được tổ chức thường xuyên, tự do và công bằng. Về tần suất, các nước khác nhau có quan điểm khác nhau về tần suất bầu cử cho các chức vụ khác nhau. Ví dụ, Hoa Kỳ hai năm lại tiến hành bầu hạ nghị sĩ, bốn năm bầu tổng thống và sáu năm bầu thượng nghị sĩ. Pháp bầu tổng thống bảy năm một lần cho đến lần tiến hành trưng cầu dân ý năm vào 2000, rút ngắn thời gian bầu cử xuống còn năm năm. Nhiều nước đặt ra giới hạn số nhiệm kỳ mà các quan chức dân cử có thể đảm nhiệm. Quan trọng là các cuộc bầu cử diễn ra khá thường xuyên và nhiệm kỳ thường không dài, trước hết là nhằm ngăn chặn không cho bất cứ người nào thâu tóm quyền lực độc đoán, và thứ hai, thuyết phục bên thua rằng họ xứng đáng chờ đợi trong hòa bình cho đến cuộc bầu cử tiếp theo, chứ không sử dụng bạo lực.
Những cuộc bầu cử tự do là cử tri có thể lựa chọn người và bỏ phiếu mà không bị đe dọa. Đến lượt mình, nó đòi hỏi rằng lá phiếu phải thực sự kín. Các chế độ dân chủ tự do thường sử dụng các hội đồng giám sát độc lập để đảm bảo những điều kiện này được đáp ứng.
Các cuộc bầu cử công bằng là các cá nhân và đảng phái có quyền bình đẳng trong việc tranh cử, vận động và tổ chức các cuộc họp ôn hòa, ranh giới khu vực bầu cử được quyết định một cách khách quan bởi các hội đồng độc lập (không phải bởi các chính trị gia đương quyền), các phiếu bầu được tính một cách chính xác và phiếu bầu xác định kết quả. Tuy nhiên, các nước có quan điểm khác nhau về những chi tiết cụ thể của cái gọi là “công bằng”. Ví dụ, Vương quốc Anh đạt ra giới hạn chi tiêu cho các cuộc bầu cử khá thấp, nhưng không đặt ra giới hạn về số tiền quyên góp cho các đảng phái chính trị; trong khi Mỹ đặt ra giới hạn về quyên góp nhưng không đặt ra giới hạn về chi tiêu.
Tranh luận tự do. Các cuộc bầu cử chỉ được coi là tự do và công bằng nếu các vấn đề có thể được nêu ra và tranh luận một cách tự do. Có nghĩa là quyền tự do ngôn luận – trong đó có quyền phê phán những người đang cầm quyền mà không bị buộc tội xúi giục nổi loạn hoặc những hành động đe dọa khác. Có nghĩa là các phương tiện truyền thông tự do, không bị nhà nước kiểm soát vì lợi ích của những người đang cầm quyền. Và nó đòi hỏi rằng người dân có khả năng tiếp cận thông tin chính xác về chính phủ chứ không phải nhà nước nắm độc quyền về thông tin chính thức.
Trình bày trung thực. Những người nhậm chức phải thực sự chịu trách nhiệm giải trình trước công chúng - các tòa án, thẩm phán và quan chức độc lập và vô tư, công dân có thể kiện nếu họ tin rằng những người đại diện vượt quá quyền hạn hoặc vi phạm quyền của dân chúng. Thậm chí có thể có những điều khoản triệu hồi nhằm loại bỏ các nhà lập pháp bất cứ lúc nào, nếu cử tri quyết định rằng họ đã lạm dụng chức vụ của mình.
Và phù hợp với mục đích chính của cuộc bầu cử, những người đại diện phải tôn trọng kết quả bầu cử và sẵn sàng từ chức khi bị bỏ phiếu bất tín nhiệm. Suy cho cùng, một phần mục đích của chế độ dân chủ tự do là làm cho những chuyển đổi về chính trị có thể diễn ra một cách ôn hòa và hiệu quả. Quyền lực nhà nước không thể được sử dụng nhằm giúp những người đương nhiệm tiếp tục giữ chức vụ; ngược lại, nó phải được sử dụng để đảm bảo rằng lựa chọn của cử tri được tôn trọng.
Quyền và nguyên tắc. Quan trọng nữa là người ta phải biết, phải chấp nhận, tôn trọng và đảm bảo về mặt pháp lý các quyền cơ bản của con người để phái đa số, dù có lớn đến mức nào cũng không thể lấn át được những quyền này. Cho dù những quyền này được coi là một phần không thể tách rời của con người hay được người ta chấp nhận vì chúng dường như hiệu quả thì mọi người phải đồng thuận về những quyền mà mọi người phải có và cùng cam kết bảo vệ chúng.
Chắc chắn là, các chế độ dân chủ tự do khác nhau có quan điểm hơi khác nhau về những quyền cơ bản này. Tất cả đều đồng ý rằng mọi người đều có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc cá nhân và quyền sở hữu tài sản. Nhưng những luật lệ chính xác - ví dụ, bạn được phép xây hay không được phép xây nhà trên mảng đất của mình, hoặc những hành vi phạm tội có thể biện minh cho việc chính quyền bỏ tù bạn - ở mỗi nước có thể khác nhau.
Hiến pháp. Hầu hết các chế độ dân chủ tự do đều có bản hiến pháp thành văn nhằm bảo vệ các quyền cơ bản của người dân, xác định các giới hạn đối với quyền lực của những người được bầu và trình bày những cơ chế như phân tách quyền lực nhằm kiểm soát những quyền lực đó. Tuy nhiên, Hiến pháp có thể không nằm trong một văn kiện duy nhất: ví dụ ở Anh, nhiều bộ luật và công ước khác nhau, từ Magna Carta cho đến Tuyên ngôn nhân quyền, tới Đạo luật Nghị viện và Đạo luật Chuyển giao, xác định các quyền cốt lõi của người dân và cách thức hoạt động của chính phủ.
Để đảm bảo rằng đa số không thể đơn giản xé bỏ những biện pháp bảo vệ như thế, hầu hết các bản hiến pháp đều yêu cầu phải có đa số đủ lớn và quy trình thận trọng trước khi có thể thay đổi những biện pháp này. Ví dụ, Hiến pháp Hoa Kỳ yêu cầu 2/3 nghị sĩ tại Thượng viện và Hạ viện, cộng với 3/4 số nhà lập pháp của bang phải phê chuẩn thì mới được sửa đổi. Vương quốc Anh là trường hợp ngoại lệ: về mặt lý thuyết, Quốc hội có thể sửa đổi bất kỳ phần nào trong bản hiến pháp - mặc dù thường thì đề xuất nào như thế đều phải được tranh luận công khai rất lâu và rất mệt mỏi.
Tuy nhiên, cuối cùng thì ngay cả bản hiến pháp thành văn cũng không bảo vệ được các quyền và quyền tự do cá nhân: nó cần có sự cam kết sâu sắc về văn hóa và trí tuệ trong toàn bộ dân chúng nói chung.
Những thành tố đáng mong muốn của chính thể đại diện tự do
Sự tham gia. Ngoài những đặc điểm cốt lõi này, còn có những đặc điểm đáng mong muốn khác. Ví dụ, người ta cho rằng sẽ có lợi nếu dân chúng tham gia một cách rộng rãi, tích cực và tự nguyện vào tiến trình dân chủ. Nó tạo điều kiện cho các tư tưởng khác nhau được đưa ra và tăng thêm tính chính danh của tiến trình – mặc dù những người theo chủ nghĩa tự do nhận xét rằng, hợp pháp hóa dân chủ không có nghĩa là tối đa hóa sự tham gia về chính trị mà là tối đa hóa quyền tự do và an ninh của từng cá nhân.
Ứng viên. Các đảng phái chính trị là đặc điểm mang lại nhiều lợi ích vì chúng tạo cho cử tri một “thương hiệu” để bám họ vào. Nhưng cũng cần phải kiềm chế: nếu các đảng phái tìm cách kiểm soát thương hiệu của họ một cách quá chặt chẽ (ví dụ, quyết định cương lĩnh ứng cử của từng ứng cử viên và thu phiếu của họ trong quốc hội), thì các ứng cử viên sẽ không còn tính độc lập và công chúng sẽ mất quyền phán xét. Ám chỉ rằng các ứng viên phải được lựa chọn một cách công khai, chứ không theo danh sách các ứng cử viên được đảng chấp thuận (củng cố hơn nữa sự kìm kẹp về mặt chính trị của những người nắm quyền trong đảng).
Liên bang. Lý tưởng nhất là các quyết định được giao cho cấp thấp nhất, để những người ban hành quyết định chính là những người bị chúng tác động chứ không phải những người ở xa và ít hiểu biết về hoàn cảnh khu vực. Tuy nhiên, người ta mong muốn rằng trung ương áp đặt một số hạn chế đối với các quyết định của địa phương. Ví dụ, nếu địa phương mà đa số là thành viên của một nhóm sắc tộc hay tôn giáo, thì các nhóm thiểu số có thể bị nhóm đa số áp bức. Trên khu vực lãnh thổ rộng hơn, ý kiến thường đa dạng hơn và do đó, các nhóm thiểu số có nhiều khả năng được tôn trọng và bảo vệ hơn là trong những khu vực nhỏ.
Khoan dung. Tuy nhiên, cở sở của tất cả những vấn đề vừa nói, chế độ dân chủ tự do hoạt động suôn sẻ nhất ở nơi mà dân chúng có thái độ khoan dung đối với những quan điểm khác nhau, có ổn định về kinh tế và xã hội, và hòa bình.
Bao nhiêu trong số những đặc điểm đáng mong muốn này thực sự giữ thế thượng phong ở phần lớn các nước mà hiện nay tự nhận là “dân chủ” vẫn còn là câu hỏi.
Hoạt động của chế độ dân chủ tự do
Công lý. Như chúng ta đã thấy, chế dân chủ tự do tồn tại chủ yếu là để bảo vệ và mở rộng quyền tự do cá nhân, cũng như bảo vệ các cá nhân khỏi những hành động ép buộc. Do đó, cần có hệ thống tư pháp để ngăn chặn và trừng phạt những vụ gian lận và sử dụng bạo lực – trong đó có việc lạm dụng quyền lực của những người đang nắm quyền.
Để có công lý, luật pháp phải trở thành nguyên tắc, rõ ràng và tương đối ổn định để người dân có thể hiểu được một cách khái quát. Luật pháp phải có thể dự đoán được, không thể tùy tiện và phải có tính khả thi để người dân có thể tuân theo. Chính quá trình xét xử cũng phải có nguyên tắc và có thể dự đoán được, tuân theo thủ tục công bằng (due process of law), với (ví dụ) không bắt và giam giữ người một cách tùy tiện, và những người bị buộc tội có quyền biết cáo buộc chống lại mình, đối mặt với những người tố cáo trong phiên tòa công bằng, và có quyền im lặng để không làm hại chính mình.
Muốn bảo vệ thêm hơn nữa các quyền và quyền tự do cá nhân, thì cảnh sát, tòa án và thẩm phán phải độc lập – không bị kiểm soát và không thúc đẩy lợi ích của những người đang có quyền lực chính trị. Ví dụ, nếu người ta nghi những người cầm quyền ăn cắp công quỹ, thì hệ thống tư pháp cần có khả năng theo đuổi các cuộc điều tra và truy tố thích hợp mà không sợ bị trả thù. Và phải phản đối nếu những người cầm quyền tìm cách thay đổi hoặc giải thích sai hiến pháp nhằm phục vụ lợi ích riêng của mình.
Quyền sở hữu. Chế độ dân chủ tự do coi quyền sở hữu và sử dụng tài sản không chỉ là quyền cơ bản mà còn là thành trì nhằm chống lại ép buộc và là động lực thúc đẩy tiến bộ kinh tế. Người đã đầu tư thời gian và công sức vào quá trình tạo ra tài sản có quyền sử dụng và hưởng thụ tài sản đó. Do đó, hệ thống tư pháp bảo vệ tài sản của người dân chẳng khác gì bảo vệ con người của họ. Luật lệ giữa các nước khác nhau có thể khác nhau, nhưng người ta phải có khả năng không cho người khác sử dụng tài sản của mình, được quyền tự do sử dụng tài sản của mình và chuyển nhượng tài sản dưới dạng quà tặng hoặc bán. Những luật lệ này phải được thi hành ở tòa án.
Thuế. Muốn bảo vệ quyền tự do thì phải có hệ thống quốc phòng và tư pháp, và thuế dường như là biện pháp hợp lý để có tiền chi trả cho những hệ thống này. Nhưng nói thế không có nghĩa là tài sản của người dân - trong trường hợp này là tiền – sẽ bị nhà nước, có nhiệm vụ giữ gìn tài sản đó – tước đoạt. Nhưng dựa vào các khoản đóng góp tự nguyện sẽ tạo ra vấn đề “kẻ ăn không” (free rider), tức mà một số người sẽ được hưởng các dịch vụ của nhà nước mà không phải trả tiền. Nếu bắt buộc phải đóng tiền là lựa chọn khả thi duy nhất thì chế độ dân chủ tự do đảm bảo rằng thuế phải thấp và chỉ được sử dụng nhằm bảo vệ các quyền và an ninh của công dân. Tuy nhiên, việc đa số có thể dễ dàng sử dụng thuế khóa nhằm bóc lột thiểu số (ví dụ như “người giàu”) làm cho một số người theo chủ nghĩa tự do, ví dụ như các nhà kinh tế chính trị học người Mỹ, Geoffrey Brennan và James Buchanan (1980), khẳng định rằng phải giới hạn quy mô các khoản thuế khóa, phải quy định nhằm ngăn chặn lạm dụng và chỉ được thực hiện khi dân chúng gần như nhất trí.
Tự do cá nhân. Như John Stuart Mill đã chỉ ra, chính phủ không có thẩm quyền trước đời sống, quyền tự do và tài sản của người dân, trừ phi họ muốn thực hiện những mục đích có tính giới hạn về an ninh và tự do. Nếu chức năng của chính phủ là bảo vệ quyền tự do thì bất kỳ sự hạn chế nào đối với quyền tự do cá nhân đều phải được giải thích đầy đủ từ trước. Chính phủ không thể hạn chế hành động của người dân một cách tùy tiện hoặc không có sự cân nhắc một cách đầy đủ.
Quan trọng là, xem xét một cách đầy đủ chính sách công có nghĩa là các cá nhân phải có quyền suy nghĩ và lên tiếng theo cách mà họ cho là phù hợp, trong đó có quyền phê phán luật pháp và chính phủ mà không sợ bị kiểm duyệt hay trừng phạt. Họ phải có quyền tự do hội họp, quyền thành lập các đảng phái chính trị và vận động bầu cử. Đây là cốt lõi trong hoạt động của chế độ dân chủ tự do; bất kỳ hạn chế nào đều phải được giải thích một cách rộng rãi.
Tương tự như thế, mọi người phải được sống theo cách mà họ lựa chọn. Chính phủ là để bảo vệ quyền tự do của chúng ta chứ không phải để áp đặt lối sống cho chúng ta. Ngoài ra, sự đa dạng về ý tưởng và cách sống sẽ giúp làm cho xã hội tăng trưởng, phát triển và sống sót. Và bạn có quyền tự do kiểm soát đời sống của chính bạn là thiết yếu đối với sự phát triển và học tập cả về mặt cá nhân lẫn đạo đức. Đất nước của những con người tầm thường bị chính quyền kiểm soát khó có thể phát triển thậm chí là tồn tại được trong thế giới đang thay đổi hiện nay.
Vì tự do và an ninh là những chức năng chính của chính phủ, chúng ta có mọi quyền hành trong việc bãi nhiệm bất kỳ chính phủ nào không thực hiện được những chức năng này - đặc biệt là chính phủ nào thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ. Lý tưởng nhất là sử dụng các biện pháp hòa bình, đó là lý do vì sao các chế độ dân chủ tự do tổ chức các cuộc bầu cử. Nhưng chúng ta vẫn có quyền bảo vệ chính mình và tài sản của mình, không để người khác, kể cả nhà nước, lạm dụng. Trật tự chính trị hoặc xã hội hòa bình được xây dựng trên lòng tin, hợp tác và cảm thông, không dựa vào vũ lực mà dựa vào tự do.
Tự do kinh tế. Tự do kinh tế không thể tách khỏi tự do cá nhân. Nhà nước kiểm soát các nguồn lực kinh tế sẽ kiểm soát đời sống của người dân. Nhà nước kiểm soát phương tiện truyền thông, nằm quyền sở hữu hội trường, kiểm duyệt xuất bản và hạn chế đi lại có thể ngăn chặn sự phê phán và tranh luận của công chúng. Trong bất kỳ trường hợp nào, tự do kinh tế là con đường dẫn đến thịnh vượng chứ kiểm soát về mặt chính trị các nguồn lực kinh tế không thể đem lại thịnh vượng. Như tác giả người Anh, Matt Ridley (2020), đã chỉ ra, đổi mới và tinh thần nghiệp chủ của cá nhân cũng như trí tuệ của nhiều người là điều cực kỳ cần thiết, đấy là nói nếu chúng ta muốn có hàng hóa và dịch vụ rẻ hơn và tốt hơn. Có thể điều chính nền kinh tế tự do trước những thay đổi nhanh hơn hẳn điều chính nền kinh tế bị nhà nước kiểm soát.
Nguồn: Eamonn Butler, Chế độ dân chủ - Một dẫn nhập, Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên gốc: Eamonn Butler (2020), Introduction to Democracy, London Publishing Partnership.