Trách nhiệm và môi trường
Liệu rằng trách nhiệm chỉ là một khả năng của sự tự kiểm soát bản thân hay cần có các thể chế xã hội hỗ trợ để mọi người hành động một cách có trách nhiệm hơn? Để xem xét được hậu quả lâu dài cũng như tính đến các tác động do hành vi của họ gây ra đối với những người khác thì thể chế, quy tắc xã hội và quy định pháp lý nào sẽ thúc đẩy trách nhiệm đó ở con người? Việc nghiên cứu các phương pháp được sử dụng để bảo vệ loài chim săn mồi đang gặp nguy cấp sẽ giúp chúng ta hiểu được làm thế nào mà thể chế tài sản có thể giúp con người hành động có trách nhiệm hơn với môi trường. Lynn Kiesling là phó giáo sư giảng dạy kinh tế học tại Đại học Northwestern; Cuốn sách gần đây nhất của bà là “Institutions, Innovation, and Industrialization: Essays in Economic History and Development” (Thể chế, đổi mới sáng tạo và công nghiệp hoá: các tiểu luận về lịch sử và phát triển kinh tế (Princeton: Đại học Princeton ấn hành, 2015)
Giới thiệu
Hành động của chúng ta thường không chỉ tác động tới bản thân mỗi chúng ta mà còn gây ảnh hưởng đến những người khác. Trên thực tế, chúng còn tác động đến cả các loài khác và môi trường chúng ta sống. Con người đã phát triển nhiều cách thức khuyến khích mọi người xem xét các tác động do hành vi của mình gây ra đối với những người khác, cái được biết đến như là "ngoại ứng" trong kinh tế. Các cách thức đó có thể bao gồm nỗi sợ bị trừng phạt, cân nhắc lợi ích trong các trò chơi lặp lại1, hay các quy chuẩn (norms) về sự chăm sóc, sự xấu hổ, và sự hướng thiện trong mỗi người. Ngoài ra, các thể chế xã hội cũng có thể giải quyết vấn đề bằng cách dẫn dắt người ta “nội hóa” những “ngoại ứng” đó.
Bây giờ chúng ta hãy xem xét một trường hợp hành vi liên quan đến “giá trị tiện ích của môi trường” (environmental amenity)2. Rosalie Edge đã hành động khi cô nhìn thấy những bức ảnh của Richard Pough (chụp năm 1932), hàng hàng lớp lớp loài chim săn mồi đã chết, chúng bị giết để phục vụ cho thể thao và để bán lấy tiền ở núi Hawk phía đông Pennsylvania. Là một nhà hoạt động bảo tồn động vật hoang dã, Edge đã nhìn thấy mối đe dọa tuyệt chủng đối với các loài chim săn mồi này, những loài mà hầu hết con người nghĩ chúng là những sinh vật gây hại, bởi chúng giết chết và ăn thịt gia cầm. Việc đánh đồng các loài săn mồi như sâu bọ gây hại đã dẫn đến một chính sách động vật hoang dã ở nhiều tiểu bang là trả tiền cho những người săn lùng chúng. Ví dụ như, vào những năm 1930, cứ bắt được mỗi con chim trong các loài chim săn mồi, bao gồm cả diều hâu rừng (Goshawk) và cú mèo khoang cổ lớn (great horned owl), sẽ được Ủy ban Động vật hoang dã Pennsylvania chi trả 5 đô la. Trong cuộc Đại suy thoái, số tiền thưởng như vậy là một khoản thu nhập thêm đáng kể, đồng thời việc này cũng làm giảm mối đe dọa cho các động vật nuôi. Núi Hawk là một điểm dừng chân màu mỡ trên đường di cư theo mùa của nhiều loài chim, giống như tên gọi của nó (Hawk – Diều hâu).
Năm 1934, Edge thuê 1.400 mẫu đất trên núi Hawk và thuê cả người bảo vệ để ngăn chặn các thợ săn bắn loài chim săn mồi trên mảnh đất này. Điều đó tỏ ra hiệu nghiệm. Sau đó Edge nâng tiền để mua luôn mảnh đất, năm 1938 cô trao đất cho Hiệp hội bảo tồn núi Hawk mới được thành lập. Câu chuyện ở đây rất đơn giản: mua đất để đảm bảo kiểm soát việc sử dụng nó và dành các nguồn tài nguyên cho môi trường sống của động vật hoang dã. Trong những thập kỷ tiếp theo, sự hiểu biết về mối liên hệ giữa các hệ sinh thái phức tạp và quan điểm đối với loài chim săn mồi có nhiều tiến triển, các sáng kiến như Khu bảo tồn Núi Hawk đã góp phần khôi phục lại nhiều loài trong số chúng. Ngày nay, núi Hawk là khu bảo tồn động vật hoang dã lâu đời nhất trên thế giới dành riêng cho việc bảo tồn và quan sát các loài chim săn mồi. Nó vẫn thuộc sở hữu tư nhân, hoạt động và được tài trợ như một tổ chức bảo tồn do thành viên đóng góp.
Núi Hawk cung cấp một ví dụ sống động về quyền sở hữu tài sản ảnh hưởng như thế nào đến hành vi; trong trường hợp này là hành vi liên quan đến môi trường. Hãy thử tưởng tượng cách chủ sở hữu tài sản kiểm soát việc sử dụng đất của họ, với hàng rào dây thép gai và biển báo "Cấm săn bắn. Cấm câu cá. Cấm xâm phạm ". Nếu họ bắt được một ai đó săn bắn, đánh bắt hoặc xâm phạm đất đai, họ có thể nộp đơn kiện dân sự theo thông luật, và nếu bị kết tội, người vi phạm sẽ phải bồi thường thiệt hại bằng tiền cho chủ sở hữu để đền bù cho giá trị bị mất của động vật hoang dã, cá hay thú săn. Nếu như người hàng xóm đổ rác hoặc đổ bùn độc hại vào đất, sông, suối, hồ của chủ sở hữu thì anh ta phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại đó. Quyền sở hữu tài sản khiến chúng ta phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình. Quyền sở hữu được xác định và thi hành đủ mạnh sẽ tạo động lực để duy trì chất lượng môi trường trong hiện tại và tương lai, gắn kết động cơ kinh tế và động cơ môi trường qua thời gian, không gian và giá trị sử dụng. Quyền sở hữu giúp con người thiết lập cân bằng trước sự đánh đổi không thể tránh khỏi giữa việc sử dụng và quản lý. Chúng giúp con người gắn quyết định của mình với các ảnh hưởng rộng lớn hơn từ hành động của họ. Chúng cũng làm cho mọi người chú ý và có trách nhiệm hơn với lợi ích của người khác.
Quyền sở hữu tài sản là gì?
Quyền sở hữu tài sản là quyền xác định việc sử dụng và chi phối một nguồn tài nguyên. Nếu như bạn sở hữu một đôi giày, bạn có thể quyết định sử dụng chúng như thế nào – đi chúng, để chúng trong tủ đồ của bạn, cho anh chị em mượn, cho thuê hay bán chúng. Bạn cũng có thể quyết định về vấn đề bảo quản và giữ gìn khi chúng bị mòn hay cần được thay thế.
Theo David Hume, quyền sở hữu tài sản như một thể chế bao gồm ba yếu tố: tính ổn định của sự chiếm hữu, sự chuyển nhượng dựa trên đồng thuận của hai bên, và sự thực hiện các cam kết. Hume cũng chỉ ra rằng quyền sở hữu tài sản như một thể chế nổi lên trong xã hội cho phép các cá nhân phối hợp hành động của mình để cùng có lợi, và lý thuyết hiện đại về quyền tài sản cũng đi theo lập luận này của Hume. Nguồn luật thực thi quyền sở hữu tài sản có thể là nguồn chính thức (thông luật, hợp đồng, lập pháp đưa ra các quy định) hoặc nguồn phi chính thức (công ước, tập quán, quy ước xã hội) hoặc cả hai; trên phương diện lịch sử, thông lệ đã dẫn đến hình thành luật, và được hệ thống hóa trong khuôn khổ thông luật phổ biến ở các nước như Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.
Quyền sở hữu nghĩa là quyền ra quyết định việc sử dụng một nguồn lực như thế nào, trong nhiều trường hợp việc sử dụng có thể được phân biệt rạch ròi và những quyền đó có thể chuyển nhượng riêng biệt. Cân nhắc sở hữu một mảnh đất có căn nhà nhỏ trên đó (ví dụ: sử dụng làm nhà ở và/hoặc nhà máy, cho mượn, cho thuê, để trống). Vấn đề thể chế pháp lý cũng vậy; giả sử khu đất và căn nhà nằm trên Montana, nơi luật pháp của tiểu bang cho phép chủ sở hữu tài sản được bán hoặc cho thuê các quyền khai thác dưới mặt đất và trên mặt đất riêng biệt với nhau. Việc có thể tách riêng các quyền đó ra và chuyển nhượng nó cho phép chủ sở hữu có lợi nhuận từ việc cho thuê quyền khoan khai thác dầu hay khí tự nhiên cho các bên khác nhau.
Các vấn đề về môi trường nói chung thường là các lợi quyền xung đột đối với các nguồn lực và cách thức chúng được sử dụng. Quyền sở hữu tài sản giúp giải quyết những xung đột đó bằng cách cung cấp một thể chế pháp lý cho phép đưa ra được các ưu tiên sử dụng cụ thể – các cách sử dụng mà chủ sở hữu ưu tiên, trong khung thời gian mà chủ sở hữu chọn. Đối với một số vấn đề ô nhiễm môi trường như ô nhiễm hóa học trong hồ chứa, sở hữu tư nhân của khu đất bao gồm hồ có thể tạo cho chủ sở hữu động lực để duy trì chất lượng hồ vì mục đích tiêu thụ của chính mình, hoặc vì ô nhiễm sẽ làm giảm giá trị thị trường của tài sản. Tuy nhiên, không phải tất cả các vấn đề môi trường đều đơn giản vì việc xác định và thực thi quyền sở hữu có thể rất tốn kém hoặc thậm chí là không khả thi. Đó là khi “bi kịch tài nguyên chung” trở thành một hiện tượng phổ biến.
Garrett Hardin nổi tiếng với thuật ngữ “tragedy of the commons” [bi kịch tài nguyên chung] đặc trưng cho việc chăn thả quá mức, phổ biến trên đồng cỏ ở các làng quê thời trung cổ dẫn đến sự kiệt quệ. Trong một ngôi làng có lượng cỏ nhất định, nếu cư dân coi đồng cỏ là một nguồn tài nguyên mở và cho phép bất kỳ ai tự do chăn thả gia súc như họ muốn, thì mỗi người sẽ có động cơ để chăn thả thêm gia súc khác, miễn là lợi ích tăng thêm vẫn lớn hơn 0. Nhưng một đồng cỏ thì sức chứa có hạn, và có kích cỡ đàn gia súc tối đa mà nó có thể nuôi dưỡng được, bởi vậy tất cả gia súc nằm ngoài sức chứa sẽ làm giảm lượng thức ăn tiêu thụ cho các con khác xuống dưới mức mà chúng cần đủ để phát triển, mặc dù lợi ích cho từng cá thể vẫn dương (nhưng ít hơn mức tối ưu). Tự do tiếp cận nghĩa là không tồn tại quyền sở hữu tài sản dẫn đến chăn thả quá mức, kiệt quệ, và gia súc suy dinh dưỡng. Hardin đề xuất một giải pháp thay thế: tư nhân hóa mảnh đất công, hoặc xác lập quyền sở hữu tài sản bằng cách phân chia đồng cỏ và cho phép mỗi người dân sở hữu một mảnh đất. Tuy nhiên, trong tình huống này, tư nhân hóa mảnh đất công không phải là mong muốn, bởi vì nó sẽ phá hủy tính kinh tế nhờ quy mô và khả năng phân tán rủi ro, cơ sở giúp cho người nông dân có thể khai thác thông qua trồng rải rác và luân canh giữa ba cánh đồng3. Hardin khái quát từ ví dụ này đến tình huống hiện đại về ô nhiễm không khí và nước, trong đó nước và không khí là các nguồn tài nguyên tự do tiếp cận; chúng bị suy thoái hoặc bị phá hủy do không có khả năng xác định quyền sở hữu. Ông kết luận rằng phương án khả thi duy nhất là sở hữu công cộng, quốc hữu hóa tài nguyên chung vì nó không thể tư nhân hóa được.
Dựa trên Hardin và nhà kinh tế học Ronald Coase, Elinor Ostrom đã xây dựng một phương pháp để phân tích các khung thể chế cho các nguồn tài nguyên chung [common-pool resources] (CPRs), giúp chúng ta hiểu được các quyền tài sản có lợi như thế nào cho môi trường ngay cả khi chúng không thể được xác định hoàn chỉnh. Ostrom dựa trên mô hình tiếp cận mở nhị phân của Hardin/ mô hình sở hữu tư thuần khiết và mở rộng mô hình dựa trên quan sát thấy sở hữu tư thuần khiết rất hiếm gặp; trên thực tế, trong hầu hết các trường hợp chúng ta đều sở hữu tài sản tư không thuần khiết. Thay vì suy nghĩ về quyền sở hữu tài sản chỉ có hai trạng thái, phân chia giữa tự do tiếp cận (open access) và sở hữu tư thuần khiết, hãy nghĩ quyền sở hữu như một chuỗi liên tục, và dọc theo chuỗi liên tục đó là các mức độ sở hữu chung khác nhau.
Tài sản tư thuần khiết có thể là một cái gì đó giống như kính áp tròng của bạn, cái mà bạn và chỉ chính bạn mới có thể sử hữu, sử dụng hay vứt bỏ nó. Vậy còn những điều đã thảo luận ở trên về đôi giày? Nếu bạn cho anh chị em ruột mượn, bạn tạo ra quyền sử dụng cho anh chị em của mình, và có thể hoàn chỉnh thêm (ít nhiều trên danh nghĩa) với quy định về việc trả lại chúng nguyên vẹn cho bạn. Thử tưởng tượng khả năng bạn và anh chị em bạn cùng nhau mua một đôi giày để chia sẻ sử dụng – như vậy đôi giày không còn là tài sản tư thuần khiết của bất kỳ một người nào kể cả bạn, các quy tắc bạn thiết lập cho những người được đi khi nào và đối xử với chúng ra sao là một ví dụ cho những gì Ostrom gọi là “quản lý tài nguyên chung.”
Giờ tưởng tượng một dạng CPR khác trong chuỗi liên tục: một công viên có bãi biển. Nếu đó là công viên của thành phố, những người trong chính quyền thành phố có thể quyết định có nên tính phí người sử dụng bãi biển và hạn chế lượng người ra vào hay coi nó như một CPR tự do tiếp cận cho tất cả mọi người. Công viên là một CPR mang nghĩa giống tài nguyên chung hơn là một đôi giày được chia sẻ. Cuối cùng, xem xét ví dụ về chất lượng không khí. Xác định xem ai là chủ sử hữu không khí và tư nhân hóa không khí là công việc rất tốn kém đến mức không thể thực hiện được, vì vậy không khí gần như đạt đến điểm cuối của tự do tiếp cận trong chuỗi liên tục.
Những hiểu biết của Ostrom rất sâu sắc. Thứ nhất, nó có thể xác định và thực thi quyền sử dụng ngay cả khi quyền sở hữu không thể xác định rõ. Thứ hai, đôi khi các đặc điểm của một tài nguyên khiến nó khó xác định quyền sở hữu, nhưng quyết định có hay không xác định quyền sử dụng lại là một sự lựa chọn chính trị. Trong những trường hợp như CPRs, nơi mà người dân không thể xác định được quyền sở hữu hoặc không muốn xác định, họ có thể tự tạo ra các cơ chế quản lý để chia sẻ sử dụng CPR. Các cơ chế này bao gồm việc xác định quyền sử dụng, chỉ ra người có quyền sử dụng và cam kết sử dụng một số tài nguyên để giám sát và thực thi. Thông qua thiết kế thể chế từ dưới lên trong các cộng đồng, Ostrom đã nhận ra việc đầu tư và sử dụng tài nguyên bền vững là khi chúng được xác định và thực thi quyền sử dụng, tạo điều kiện cho các thành viên trong cộng đồng kiếm được lợi nhuận tăng lên theo thời gian. Nghiên cứu của bà cho thấy quyền sở hữu và quyền sử dụng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc sử dụng tài nguyên bền vững.
Tại sao quyền sở hữu tài sản lại gắn kết các động cơ kinh tế và môi trường?
Quyền sở hữu tài sản tạo điều kiện để phối hợp lợi ích kinh tế và lợi ích môi trường. Với ba điều kiện của Hume, chủ sở hữu tài sản có thể tin tưởng rằng ngay cả khi họ không đang sử dụng hoặc sống trong nó, thì tài sản đó sẽ không được lấy hay sử dụng khi không có sự chấp thuận của họ, và nếu có thì người vi phạm sẽ phải trả tiền bồi thường thiệt hại. Những điều kiện với mức độ tương đối chắc chắn sẽ tạo ra một bối cảnh mà trong đó mọi người sẽ bỏ công sức để sản xuất, đầu tư, đổi mới sáng tạo, và bảo tồn vì mối liên hệ giữa hành động của họ với những lợi ích đạt được và chi phí bỏ ra theo thời gian trở nên rõ ràng hơn.
Xác lập tốt hơn quyền sở hữu tài sản làm thay đổi phạm vi thời gian và khuyến khích suy nghĩ về các kết quả trong tương lai, nó cũng gắn kết với các động cơ kinh tế và môi trường theo thời gian và không gian đồng thời khuyến khích bảo tồn ngắn hạn để đạt được lợi ích kinh tế bền vững lâu dài. Sự lựa chọn thể chế ảnh hưởng đến những động cơ khuyến khích đó và hình thành nên cách quyền sở hữu được xác định rõ ràng như thế nào và mọi người kỳ vọng tìm kiếm được lợi ích trong tương lai ở mức độ như thế nào để đánh đổi lấy sự rõ ràng về quyền sở hữu đó.
Công viên và bãi biển là ví dụ cụ thể cho việc cân nhắc có hay không hạn chế ra vào và thu phí sử dụng. Một khu đô thị biển hạn chế ra vào, khu còn lại thì không, như vậy sự lựa chọn đó ảnh hưởng đến chất lượng bãi biển, các nguồn lực sẵn có để duy trì nó, mức độ tắc nghẽn hay sử dụng quá mức bãi biển. So sánh này không chỉ là giả thuyết - ở nơi tôi sống, thành phố Chicago không hạn chế việc ra vào bãi biển, trong khi vùng ngoại ô kế cận Evanston thì có, và hai bãi biển khác nhau cả về chất lượng và sự ùn tắc. Cho dù tài nguyên là bãi biển, hệ thống thủy lợi hay không khí thì vấn đề vẫn nằm ở sự lựa chọn thể chế.
Lưu ý rằng quyền sở hữu tài sản có thể hoạt động không hoàn hảo để gắn kết được các động cơ kinh tế và các động cơ môi trường với nhau theo không-thời gian hay để giảm thiểu các vấn đề về lan truyền thông tin cá nhân. Thực tế thì không có phương án thể chế nào mà chúng ta thiết kế và sử dụng để đưa ra các quy định về môi trường là hoàn nào – cả quy định kiểm soát bằng mệnh lệnh hành chính lẫn cơ chế cộng đồng tự quản lý đều không đạt được sự hoàn hảo. Vì vậy khi đánh giá hiệu quả của ba cách tiếp cận thể chế khác nhau (quyền sở hữu tài sản, tự quản lý cộng đồng của CPR, và quy định kiểm soát của chính phủ), bắt buộc phải so sánh hiệu quả thực tế của các thể chế thực thi với nhau, chứ không phải là chỉ lý thuyết suông. Không thực tế khi so sánh một hệ thống kiểm soát hành chính quan liêu lý tưởng với một hệ thống quy định thực tiễn về quyền sở hữu, cũng như là không công bằng để so sánh một chương trình quản lý hành chính thực tế với phương án quyền sở hữu lý tưởng và sau đó nói rằng chế độ hành chính quan liêu kém hơn. Vì lẽ đó, phân tích chính sách môi trường cần phải có những nghiên cứu thực địa quan trọng liên quan đến khoa học xã hội cũng như khoa học môi trường.
Đưa chính sách môi trường dựa trên quyền tài sản vào thực tiễn
Một số chính sách môi trường hiệu quả nhất trong hai thập kỷ qua đã sử dụng những hiểu biết này để làm cho các động cơ về kinh tế và môi trường được gắn kết chặt chẽ hơn đồng thời tránh được những sai sót trong quy định kiểm soát bằng mệnh lệnh hành chính (command-and-control regulation). Một ví dụ đáng chú ý ở Hoa Kỳ là Chương trình Mưa axit của Cơ quan Bảo vệ Môi trường, họ đã tạo ra một chương trình cấp giấy phép xả thải có thể mua bán được cho quyền phát thải sulfur dioxide – SO2 (chất khí phát ra từ việc đốt than bitum để tạo ra điện).
Hiệu quả của chương trình này là rõ ràng. Trong năm đầu tiên, lượng khí thải giảm 25% so với năm 1990 và giảm hơn 35% so với năm 1980. Đến năm 2000, lượng khí thải giảm gần 40% so với năm 1980. Cách tiếp cận kiểm soát bằng mệnh lệnh hành chính trước khi sửa đổi vào năm 1990 làm cho chi phí xử lý cao gấp ba lần so với hình thức mua bán giấy phép phát thải, cụ thể 2,6 tỷ USD so với 747 triệu USD mỗi năm.
Nghề cá cung cấp một ví dụ khác cho thấy cách tiếp cận về quyền sở hữu mang lại kết quả bền vững và vượt trội so với các quy định kiểm soát truyền thống. Quyền sở hữu mập mờ trong hoạt động đánh bắt cá đã tạo ra một bi kịch tài nguyên chung, với việc đánh bắt quá mức nhiều loài vào những năm 1980. Quy định truyền thống dẫn đến việc thu hẹp mùa khai thác của nhiều loài cá, kéo dài từ vài tháng đến còn hai hoặc ba ngày trong một năm. Một phương pháp điều chỉnh khác là hạn ngạch đánh bắt cá nhân [individual fishing quotas] (IFQs, hoặc cổ phần khai thác), xác định quyền của ngư dân có một phần trong tổng lượng khai thác cho phép [total allowable catch] (TAC) và quyền đó có thể được chuyển nhượng, làm cho IFQ trở thành tài sản.
IFQs hấp dẫn vì hai lý do chính. Thứ nhất, mỗi người nắm giữ hạn ngạch có được sự bảo đảm chắc chắn hơn rằng phần của họ trong TAC sẽ không bị người khác lấy mất… Thứ hai, khả năng chuyển nhượng cho phép phân bổ lại hạn ngạch thông qua mua bán để cuối cùng quyền đánh bắt thuộc về sở hữu của những ngư dân hiệu quả nhất, nghĩa là những người bỏ ra chi phí thấp nhất hoặc có năng lực cao nhất và do đó có giá trị đánh bắt tốt nhất.
Nghề cá sử dụng IFQ ở những nơi từ Iceland đến New Zealand đã cho thấy quần thể cá ổn định và thậm chí phát triển cùng với thu nhập từ đánh bắt.
Một ứng dụng khác gây tranh luận về quyền sở hữu tài sản đã được thực hiện ở những địa điểm như Botswana, tức là sử dụng sở hữu cộng đồng và quyền săn bắt để bảo tồn động vật hoang dã. Chính sách xác định quyền đối với động vật hoang dã là thuộc về dân làng đã làm cho các động vật hoang dã trở thành tài sản - họ được hưởng lợi từ việc bảo tồn động vật hoang dã cho mục đích tổ chức các cuộc đi săn và du lịch sinh thái (và du lịch săn bắn, nơi họ được cấp phép đi săn). Lợi ích đó khiến họ ngăn cản và truy tố những kẻ săn trộm. Một ví dụ nữa về sự thành công của chính sách này là sự phục hồi của quần thể tê giác trắng ở Botswana so với sự sụt giảm số lượng động vật hoang dã ở các nước như Kenya chỉ sử dụng quy định chống săn trộm truyền thống có hiệu quả thấp.
Kết luận
Quyền sở hữu tài sản mang lại các kết quả tích cực cả về kinh tế lẫn môi trường vì sở hữu tư nhân thúc đẩy quản lý tốt hơn. Nhưng việc xác định và thực thi quyền sở hữu lại là các hoạt động gây tốn kém, vì vậy ngay cả khi chúng ta có khả năng xác lập được quyền sở hữu tư thuần khiết, chúng ta vẫn sẽ không thực hiện điều này trong hầu hết trường hợp. Quyền sở hữu không cần phải hoàn hảo để có thể mang lại hữu ích trong việc phối hợp các hành động của các cá nhân và tạo ra các động cơ phù hợp để tạo ra được sự bền vững.
Trong một số trường hợp, xác lập quyền sở hữu là không khả thi, và hầu hết các trường hợp ô nhiễm và suy thoái môi trường là kết quả của việc không có khả năng hoặc không muốn xác định hoặc thực thi quyền sở hữu. Thông qua hành động tập thể, từ tự quản của cộng đồng cho đến luật pháp định, các thể chế pháp lý nổi lên và được thiết kế để giúp chúng ta xác định và thực thi quyền sử dụng trong CPR, tạo nên hiệu quả kinh tế và môi trường.
Quyền sở hữu tài sản cung cấp một phương tiện tuy không hoàn hảo, nhưng đầy sức mạnh, kết nối hành vi với trách nhiệm và thuyết phục con người tính đến tác động do hành vi của họ gây ra đối với người khác khi đưa ra quyết định của mình. Quyền sở hữu tài sản bao gồm cả bảo vệ tự do để theo đuổi lợi ích và trách nhiệm bồi thường cho người khác khi quyền lợi của họ bị tổn hại. Chúng cũng cho phép mọi người theo đuổi các lợi ích vượt lên trên sự "ích kỷ", chẳng hạn như bảo vệ các loài chim đang bị đe dọa.
Chú thích:
(1) Trong lý thuyết trò chơi, một trò chơi lặp lại (repeated game) là một trò chơi dạng bao quát bao gồm một số lần lặp lại của một số trò chơi cơ bản (còn gọi là trò chơi giai đoạn - stage game). Trò chơi giai đoạn thường là một trong những trò chơi 2 người được nghiên cứu kỹ. Trò chơi lặp lại nắm bắt được ý tưởng rằng một người chơi sẽ phải tính đến tác động của hành động hiện tại của mình đối với hành động tương lai của người chơi khác; tác động này đôi khi là uy tín của chính họ.
(2) Environmental amenity tương đương nghĩa với indirect value (giá trị phi sử dụng) tức là những lợi ích mà tài nguyên môi trường mang lại nếu nó không bị khai thác (người dịch-ND).
(3) “Three-field rotation” Cánh đồng được chia thành 3 phần: mỗi năm một phần được gieo vào mùa đông, một phần gieo loại hạt khác vào mùa xuân, và phần còn lại bỏ hoang để khôi phục lại khả năng sản xuất. Năm sau, phần đã được gieo vào mùa đông năm trước được gieo vào mùa xuân năm nay, phần gieo vào mùa xuân năm trước bị bỏ hoang, và phần năm ngoái bỏ hoang được gieo vào mùa đông. Cách này tận dụng được tối ưu nhất sức sản xuất của đất mà vẫn đảm bảo chúng có thời gian phục hồi. (ND)
Nguồn: Tom G. Palmer, Self-Control or State Control? You Decide, Atlas Network 2016