Gói kích cầu và Giả thuyết thu nhập thường xuyên
Các chương trình kích cầu của chính phủ - tức các chương trình cắt chuyển các nguồn lực sang cho người dân - thường nhằm mục đích kích thích tiêu dùng. Theo giả thuyết thu nhập thường xuyên (Permanent Income – PI) của Modigliani (1954) và Friedman (1957), sự tăng lên tạm thời trong thu nhập do gói kích cầu chỉ khiến tiêu dùng hiện tại tăng lên một chút vì người nhận trợ cấp kích cầu thường tiết kiệm phần lớn khoản tiền này cho việc tiêu dùng trong nhiều giai đoạn ở tương lai. Trái lại, gói kích thích kinh tế dẫn đến tăng thu nhập một cách lâu bền sẽ có tác động lớn đến tiêu dùng hiện tại và tương lai.
Tác giả đã kiểm chứng các tác động của gói kích cầu thông qua các lăng kính của giả thuyết thu nhập thường xuyên. Phân tích sử dụng dữ liệu theo tháng của biến Thu nhập cá nhân khả dụng (DPI) và hai thành phần chính của nó là Chi tiêu cá nhân (PO) và Tiết kiệm cá nhân (PS). Các thành phần này thỏa mãn điều kiện:
DPI = PO + PS (1)
Biến thứ tư là Chuyển khoản cá nhân hiện tại (TR), một thành phần của DPI, thể hiện gói kích cầu được xét đến ở đây. Số liệu trong bài được lấy từ thời điểm từ tháng 1/1959 đến tháng 11/2020, thường được gọi tắt là 1959/1 - 2020/11. Bài báo nghiên cứu tác động của gói kích cầu trong 3 khoảng thời gian: (i) cả giai đoạn 1959/2 - 2020/11, (ii) giai đoạn 1959/02 - 2020/1, tức đã bỏ đi thời kỳ suy thoái do đại dịch Covid-19, và (iii) giai đoạn 1959/2 - 2007/11, tức đã bỏ đi thời kỳ suy thoái khủng hoảng tài chính 2007/12-2009/6, thời kỳ mở rộng sau đó và thời kỳ suy thoái do đại dịch. Hai thời kỳ suy thoái do đại dịch và suy thoái do khủng hoảng tài chính được xem xét đặc biệt kỹ lưỡng.
Thời kỳ suy thoái do đại dịch Covid-19
Khoảng thời gian 10 tháng trong thời kỳ này có ảnh hưởng lớn đối với cả giai đoạn. Mức biến động của DPI, PO, PS và TR là cực lớn trong thời kỳ đại dịch và giảm đáng kể khi loại bỏ khoảng thời gian này. Chuyển khoản (TR), tiết kiệm (PS), và thu nhập (DPI) tăng mạnh trong đại dịch và sau đó giảm dần. Tiêu dùng (PO) diễn biến theo hướng ngược lại: giảm mạnh và sau đó tăng dần.
Hệ số tương quan giữa các mức thay đổi trong thu nhập DPI và các mức thay đổi trong tiêu dùng PO trong cả giai đoạn mang giá trị âm (-0,63) do sự chuyển động ngược chiều nhau của thu nhập và tiêu dùng trong thời kỳ đại dịch. Khi loại bỏ giai đoạn này, hệ số tương quan giữa sự thay đổi của 2 biến lại có giá trị dương 0,21 (1959/2 - 2020/1) và 0,34 (1959/2 - 2007/11). Mặt khác, thời kỳ này ít ảnh hưởng tới hệ số tương quan giữa mức tăng thu nhập DPI và mức tăng tiết kiệm PS. Hệ số tương quan cho cả giai đoạn là 0,92, giảm xuống còn 0,86 nếu bỏ qua đại dịch, và 0,77 nếu chỉ xét mẫu đến tháng 11/2007 (ngay trước khủng hoảng tài chính).
Ngay cả khi không xét đến đại dịch, hệ số tương quan giữa mức tăng DPI và mức tăng PS (0,86) cũng lớn hơn nhiều so với hệ số này giữa mức tăng DPI và mức tăng PO (0,21). Từ góc nhìn của giả thuyết thu nhập thường xuyên, kết quả này cho thấy nhiều biến động qua các tháng trong thu nhập là tạm thời và được hấp thụ bởi tiết kiệm. Nếu chỉ xét đến tháng 11/2007, thời điểm trước khủng hoảng tài chính, hệ số tương quan giữa các mức thay đổi trong thu nhập và các mức thay đổi trong tiêu dùng tăng lên (từ 0,21 lên 0,34) trong khi hệ số tương quan giữa mức tăng thu nhập và tăng tiết kiệm giảm xuống (từ 0,86 xuống 0,77). Có thể thấy, mặc dù không thực sự mạnh, nhưng khi bỏ qua thời kỳ khủng hoảng tài chính và đại dịch, nhiều biến động trong thu nhập tạo thành những ảnh hưởng thường xuyên.
Sự tăng mạnh trong thu nhập (DPI) trong thời kỳ đại dịch là do chuyển khoản (TR) từ Đạo luật Viện trợ, Cứu trợ và An ninh Kinh tế Coronavirus (CARES). Chuyển khoản (TR) là một phần bổ sung cho thu nhập (DPI). Khi bỏ qua giai đoạn đại dịch, hệ số tương quan giữa sự thay đổi của hai biến này giảm từ 0,90 xuống 0,49 và xuống còn 0,2 khi bỏ qua cả giai đoạn khủng hoảng tài chính. Do đó, trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính, biến động trong thanh toán chuyển khoản không phải là yếu tố quan trọng trong biến động của thu nhập.
Nếu coi giá trị chuyển khoản tại tháng 1/2020, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch là giá trị gốc, thì giá trị tích lũy được dự đoán gấp 10 lần giá trị đó. Tại tháng 1/2020, TR là 3.203,8 tỉ USD. Với mức TR hàng tháng như vậy, tổng TR tích lũy cho 10 tháng của đại dịch được dự đoán là 32.038 tỉ USD. Thực tế, giá trị TR tích lũy đạt 44.217,2 tỉ USD, nhiều hơn 12.179,2 tỉ USD so với dự đoán, phần lớn là do đạo luật CARES.
Chuyển khoản là phần bổ sung cho thu nhập (DPI), nhưng phần tăng thêm của thu nhập trong đại dịch (9.258,8 tỉ USD) lại nhỏ hơn phần tăng thêm của TR (12.179,2 tỉ USD). Mức chênh lệch này là ước lượng của mức suy giảm đóng góp của khu vực tư nhân vào DPI do ảnh hưởng của suy thoái.
Nếu người tiêu dùng cho rằng suy thoái đại dịch là tạm thời, và thu nhập thường xuyên là không đổi, thì dự đoán theo giả thuyết thu nhập thường xuyên sẽ cho con số hợp lý, theo đó tiêu dùng hàng tháng trong kỳ suy thoái gần bằng với giá trị gốc tại tháng 1/2020 trước khi suy thoái xảy ra (15.448,1 tỉ USD), và tiêu dùng tích lũy được dự đoán là 154.481 tỉ USD. Giá trị tiêu dùng thực tế thấp hơn so với dự đoán khoảng 9.006,7 tỉ USD.
Với các khoản nhận được từ gói kích cầu của Đạo luật CARES, người tiêu dùng nói chung có phương tiện để duy trì tiêu dùng ở mức dự đoán như trước suy thoái. Cụ thể, trong tháng 3/2020, DPI là 16.550,1 tỉ USD chỉ thấp hơn một chút so với mức thu nhập 16.714,4 tỉ USD tại tháng 1/2020.
Nếu tiêu dùng thấp hơn giá trị tích lũy dự đoán, thì theo công thức (1), tiết kiệm phải lớn hơn giá trị dự đoán một khoản bằng với sự sụt giảm tiêu dùng cộng với phần chênh lệch giữa tổng DPI tích lũy trong giai đoạn suy thoái và giá trị dự đoán của nó. Tiết kiệm thực tế là 30.928,3 tỉ USD lớn hơn giá trị dự đoán (12.663 tỉ USD) khoảng 18.265,3 tỉ USD, đúng bằng tổng DPI tích lũy tăng thêm (9.258,8 tỉ USD) và khoản tiêu dùng giảm đi (9.006,7 tỉ USD).
Hướng chuyển động của tiêu dùng trong đại dịch khá bất thường: giảm mạnh trong giai đoạn 3 tháng đầu. Các tháng sau đó do ảnh hưởng của Đạo luật CARES, chuyển khoản TR tăng mạnh từ 3.291,4 tỉ USD lên 6.597,8 tỉ USD, sau đó giảm dần nhưng vẫn duy trì ở mức cao đến cuối giai đoạn. Tiêu dùng bật tăng trở lại sau khi rơi xuống mức thấp kỷ lục vào tháng 3/2020, nhưng ở cuối giai đoạn vào tháng 11/2020 vẫn thấp hơn giá trị tại thời điểm bắt đầu giai đoạn suy thoái do đại dịch.
Tóm lại, mặc dù các khoản kích cầu lớn làm tăng DPI hơn mức dự đoán, tiêu dùng trong thời kỳ suy thoái do đại dịch vẫn thấp hơn nhiều so với mức dự đoán dựa trên giả thuyết PI của nó. Sự suy giảm tiêu dùng đồng nghĩa với việc tiết kiệm tích lũy thực tế lớn hơn giá trị dự đoán một khoảng 18,265.3 tỉ USD. Khoản tiết kiệm tăng lên này nhiều hơn mức cần thiết để hấp thụ khoản tăng lên trong TR (12,179.2 tỉ USD) mà phần lớn được tạo ra từ Đạo luật CARES.
Những kết quả này nhất quán với các dự đoán cho rằng các khoản nhận được từ gói kích cầu của đạo luật CARES là khoản bổ sung tạm thời vào thu nhập, do đó chúng được dùng để tiêu dùng trong rất nhiều giai đoạn ở tương lai. Nhưng tiêu dùng trong thời kỳ suy thoái do đại dịch giảm xuống mức thấp hơn rất nhiều so với mức dự đoán dựa trên giả thuyết PI và tiết kiệm lớn hơn nhiều so với mức dự đoán theo giả thuyết PI; thực tế này truyền tải nhiều thông điệp hơn thế nữa. Có lẽ đại dịch đã làm tăng mối lo ngại rủi ro của người tiêu dùng, dẫn đến sự gia tăng đột biến của tiết kiệm dự phòng. Suy luận này thống nhất với minh chứng vi mô từ các khảo sát người tiêu dùng (Coibion, Gorodnichenko, và Weber 2020); các khảo sát này phát hiện ra rằng các khoản tiền nhận được từ gói kích cầu của đạo luật CARES phần lớn thường được tiết kiệm hoặc sử dụng để trả nợ (một hình thức khác của tiết kiệm), nhưng một số cũng được dùng để tiêu dùng, đặc biệt đối với những người có thu nhập thấp. Các kết quả vĩ mô gợi ý rằng tiêu dùng được tạo ra bởi đạo luật CARES thường bị lấn át đáng kể bởi sự gia tăng trong tiết kiệm dự phòng.
Các minh chứng vi mô về việc phần lớn các chuyển khoản của đạo luật CARES đều được tiết kiệm rất quan trọng. Nếu thiếu minh chứng này, các minh chứng vĩ mô có thể sẽ mở ra khả năng cho rằng các khoản chuyển khoản phần lớn đều dành cho tiêu dùng nhưng được bù đắp bởi sự gia tăng bất thường trong tiết kiệm của những người không nhận được trợ cấp từ gói kích cầu. Khi đó tiêu dùng sẽ thấp hơn rất nhiều nếu không có gói kích cầu của đạo luật CARES. Các kết quả kiểm chứng trong giai đoạn đại dịch ở mức độ nào đó nhất quán với giả thuyết thu nhập thường xuyên về việc gói kích cầu tạm thời chỉ tạo ra sự tăng nhẹ trong tiêu dùng ngắn hạn. Tuy nhiên, việc tiêu dùng không có phản ứng mạnh mẽ với gói kích cầu của đạo luật CARES có thể là do các biện pháp phong tỏa trong đại dịch đã hạn chế tiêu dùng.
Thời kỳ suy thoái do khủng hoảng tài chính
Hai gói kích cầu tạm thời lớn dưới hình thức chuyển khoản (TR) cho người tiêu dùng được thực hiện trong khoảng thời gian 19 tháng của cuộc khủng hoảng tài chính từ tháng 12/2007 - 6/2009. Hai lần biến động của TR tương ứng với gói giảm thuế của Tổng thống Bush vào thời kỳ đầu của khủng hoảng và gói kích cầu của Tổng thống Obama vào thời kỳ cuối của đợt suy thoái.
Giống như thời kỳ đại dịch được xét đến ở bên trên, tôi coi giá trị DPI, PO, PS và TR tại thời điểm tháng 11/2007, tháng trước khi xảy ra khủng hoảng là những giá trị gốc. Nếu TR ở tháng 11/2007 đạt 1.758,3 tỉ USD thì giá trị TR tích lũy trong 19 tháng khủng hoảng dự đoán sẽ đạt 33.407,7 tỉ USD. Giá trị TR thực tế là 37,895 tỉ USD, lớn hơn 4.487,3 tỉ USD so với dự đoán. Nếu thu nhập (DPI) ở tháng 11/2007 là 10.653,6 tỉ USD, thì theo dự đoán, nó sẽ tích lũy được 202.418,4 tỉ USD. Giá trị tích lũy thực tế của thu nhập là 207.151,4 tỉ USD, lớn hơn 4.733 tỉ USD so với mức dự đoán. Nguồn thu nhập (DPI) tăng thêm (4.733 tỉ USD) nhỉnh hơn một chút so với khoản TR tăng thêm (4.487,3 tỉ USD). Vì TR là phần bổ sung vào thu nhập nên thu nhập (DPI) tích lũy trong giai đoạn suy thoái không tính đến khoản TR có giá trị gần bằng với giá trị dự đoán của nó.
Bao nhiêu trong phần tăng thêm của thu nhập bổ sung bởi TR được sử dụng để tiêu dùng? Câu trả lời ngắn gọn là không có. Tiêu dùng tích lũy được dự đoán gấp 19 lần giá trị tại tháng 11/2007, là 196.214,9 tỉ USD. Thực tế, giá trị tiêu dùng tích lũy là 195.957,5 tỉ USD, thấp hơn 257,4 tỉ USD so với dự đoán. Nói cách khác, tổng tiêu dùng trong thời kỳ suy thoái chỉ thấp hơn một chút so với giá trị dự đoán. Kết quả là, khoản gia tăng tích lũy trong thu nhập từ TR, 4,487.3 tỉ USD, có giá trị gần bằng với mức tăng lên trong tiết kiệm là 4.990,8 tỉ USD. Những kết quả này nhất quán với giả thuyết thu nhập thường xuyên hơn so với những kết quả thu được ở thời kỳ đại dịch được xét đến trước đó.
Minh chứng vi mô từ Shapiro và Slemrod (2009) và các nguồn tham khảo trong đó xác nhận, đúng như dự đoán của giả thuyết thu nhập thường xuyên, phần lớn gói kích cầu dưới hình thức thanh toán chuyển khoản trong giai đoạn suy thoái do khủng hoảng tài chính đều chuyển thành tiết kiệm và trả nợ thay vì tiêu dùng.
Kết luận
Những phát hiện được đề cập trong bài nghiên cứu này không mới, có thể đọc thêm các tranh luận về phản ứng yếu ớt của tiêu dùng đối với kích cầu trong khủng hoảng tài chính là nhất quán với giả thuyết thu nhập thường xuyên trong Taylor (2009), Shapiro và Slemrod (2009), Cogan và Taylor (2010). Những kết quả trong các nghiên cứu trước đó được xác nhận bởi các kết quả ở nghiên cứu này, ứng với trường hợp gói kích cầu của đạo luật CARES được sử dụng trong đại dịch.
Việc đưa ra bằng chứng lặp lại này rất quan trọng vì Mỹ sắp bắt đầu thực hiện một đợt kích cầu tạm thời lớn khác để đối phó với suy thoái tiếp diễn do đại dịch. Tiền giả định dường như được chấp nhận là: gói kích cầu tuy thất bại nhưng có chi phí thấp. Tuy nhiên, gói kích cầu được tài trợ bởi nợ công phải được hoàn trả. Lãi suất hiện tại thấp làm giảm chi phí gánh nợ công, nhưng không có tác dụng trong việc hoàn trả tất cả nợ gốc. Các gói kích cầu có hiệu lực trao cho người nhận những tấm kỳ phiếu mà những người đóng thuế trong tương lai phải trả. Đây là một khoản cắt chuyển từ người đóng thuế sang người nhận trợ cấp kích cầu, tuy nhiên việc chuyển khoản này sẽ diễn ra trong tương lai. Nếu các khoản nhận được từ gói kích cầu được tiết kiệm thay vì tiêu dùng thì chúng không có tác dụng gì trong việc đối phó với các vấn đề của thời kỳ suy thoái hiện tại.
Nguồn: Dịch giả tóm lược và dịch từ Fama, Eugene F, Stimulus and the Permanent Income Hypothesis (February 19, 2021). Chicago Booth Research Paper No. 21-08, Fama-Miller Working Paper, Available at SSRN: https://ssrn.com/abstract=3790543 or http://dx.doi.org/10.2139/ssrn.3790543