[Bàn về chế độ dân chủ] Chương 8: Chế độ dân chủ qui mô lớn cần những định chế chính trị nào?

[Bàn về chế độ dân chủ] Chương 8: Chế độ dân chủ qui mô lớn cần những định chế chính trị nào?

Nói đất nước được cai trị một cách dân chủ nghĩa là thế nào?

Trong chương này chúng ta sẽ tập trung xem xét những định chế dân chủ của chế độ dân chủ qui mô lớn, nghĩa là những định chế cần thiết đối với một đất nước dân chủ. Như vậy là chúng ta không quan tới những điều kiện mà chế độ dân chủ, thí dụ như một ủy ban, có thể cần. Chúng ta cũng cần phải nhớ lời cảnh báo về tiêu chuẩn: các chế độ dân chủ trên thực tế chưa bao giờ đạt được những tiêu chí dân chủ được miêu tả trong phần II và được chỉ rõ trên hình 4 (trang 38). Cuối cùng, trong chương này, cũng như tại tất cả những nơi khác, chúng ta cần hiểu rằng trong ngôn ngữ bình thường chúng ta sử dụng từ dân chủ để chỉ cả mục tiêu hay lí tưởng cũng như thực tiễn, tức là cái phần mà mục tiêu đã đạt được. Vì vậy mà tôi hi vọng rằng độc giả sẽ có sự phân biệt cần thiết khi tôi sử dụng những từ như chế độ dân chủ, một cách dân chủ, chính phủ dân chủ, đất nước dân chủ..v.v..

Muốn cai trị đất nước một cách dân chủ thì cần phải có những điều kiện gì? Ít nhất cũng cần có một số thỏa thuận, thực tiễn hay một số định chế nhắm tới trong một thời gian dài, nếu không nói là luôn luôn nhắm tới, những lí tưởng của tiêu chí dân chủ.

Vài lời về từ ngữ

Thỏa thuận chính trị nghe như có vẻ tạm thời, như thể trong một đất nước vừa chuyển từ chế độ phi dân chủ vậy. Chúng ta có xu hướng coi thực tiễn như là cái gì đó quen thuộc hơn và vì vậy mà bền vững hơn. Ta thường nghĩ định chế là ổn định trong một thời gian dài, được truyền từ thế hệ nọ sang thế hệ kia. Khi đất nước chuyển từ chế độ phi dân chủ sang dân chủ, những thỏa thuận dân chủ ban đầu sẽ chuyển hóa dần dần thành thực tiễn, và đến lúc nào đó sẽ trở thành định chế ổn định. Mặc dù phân biệt như thế có thể có ích, nhưng đối với mục đích của chúng ta, tôi cho rằng để chúng sang một bên sẽ thuận lợi hơn và ở đây chúng ta chỉ sử dụng thuật ngữ định chế mà thôi.

 

LÀM SAO CHÚNG TA BIẾT?

Làm sao chúng ta có thể xác định được chế độ dân chủ qui mô lớn cần những định chế chính trị nào? Chúng ta có thể khảo sát lịch sử các nước đã từng thay đổi những định chế chính trị của họ nhằm đáp ứng, ít nhất là một phần, đòi hỏi mở rộng hơn nữa số người được tham gia và tham gia một cách hiệu quả trong đời sống chính trị và vào việc trị nước. Mặc dù trong những giai đoạn trước đây những người tìm cách để được đưa vào danh sách và tham gia vào việc trị nước không chắc đã được cổ vũ bởi tư tưởng dân chủ, nhưng từ khoảng thế kỉ XVIII trở đi, họ có xu hướng biện bộ cho đòi hỏi của mình bằng cách viện dẫn tư tưởng dân chủ và cộng hòa. Họ đã tìm kiếm những định chế dân chủ nào và những định chế nào đã được áp dụng tại những nước đó?

Chúng ta cũng có thể tìm hiểu những nước mà chính phủ được đa số người dân nước đó, cũng như nhiều người dân các nước khác, các học giả, các nhà báo và những người tương tự như thế coi là chính phủ dân chủ. Nói cách khác, đấy là những nước mà trong những câu chuyện hàng ngày và những cuộc thảo luận mang tính bác học được gọi là chế độ dân chủ.

Thứ ba, chúng ta có thể suy nghĩ về một đất nước hay một nhóm nước cụ thể, hay thậm chí là một nước giả định để mường tưởng, một cách thực tế nhất có thể, những định chế chính trị cần phải có nhằm đạt được những mục tiêu của dân chủ ở mức cao nhất. Chúng ta có thể làm một thí nghiêm trong đầu, có thể nói như thế, có tính đến một cách thận trọng kinh nghiêm, khuynh hướng, tiềm năng và hạn chế của con người và thiết kế ra một loạt định chế chính trị cần thiết để cho chế độ dân chủ trên qui mô lớn có thể tồn tại được và là những định chế khả thi, có thể thực hiện được trong khuôn khổ khả năng thực tế của con người.

Hình 6: Chế độ dân chủ quy mô lớn cần những định chế chính trị nào?

Chế độ dân chủ qui mô lớn cần:

  1. Các quan chức do dân bầu
  2. Những cuộc bầu cử tự do, công bằng và được tiến hành thường xuyên
  3. Tự do thể hiện
  4. Có những nguồn thông tin khác nhau
  5. Quyền tự chủ của các tổ chức
  6. Mọi người đều có quyền công dân

May mắn là cả ba phương pháp trên đều cùng đưa đến một tập hợp những định chế dân chủ như nhau. Đất nước dân chủ cần có những định chế tối thiểu sau đây.

NHỮNG ĐỊNH CHẾ CHÍNH TRỊ CỦA CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ ĐẠI DIỆN HIỆN ĐẠI

Nói một cách ngắn gọn, các định chế chính trị của chế độ dân chủ đại diện hiện đại bao gồm:

  1. Các quan chức do dân bầu. Việc kiểm soát các quyết định của chính phủ liên quan tới chính sách được hiến pháp giao cho các quan chức do dân bầu ra. Chính thể dân chủ hiện đại, qui mô lớn như thế được gọi là chính thể đại diện.
  2. Những cuộc bầu cử tự do, công bằng và theo định kì. Các quan chức do dân bầu được lựa chọn trong những cuộc bầu cử được tiến hành theo định kì và công bằng, trong đó thường không có tình trạng ép buộc.
  3. Tự do thể hiện. Công dân có quyền thể hiện những vấn đề chính trị, trong đó có việc phê phán các quan chức, phê phán chính phủ, phê phán chế độ, phê phán trật tự kinh tế-xã hội và hệ tư tưởng giữ thế thượng phong mà không gặp nguy cơ bị trừng phạt.
  4. Tiếp cận với những nguồn thông tin khác nhau để người dân lựa chọn. Công dân có quyền tìm những nguồn thông tin độc lập, khác nhau, nguồn tin có thể là các công dân khác, các chuyên gia, các tờ báo, tạp chí, sách vở, viễn thông..v.v..

Hơn nữa, trên thực tế phải có những nguồn thông tin để người ta lựa chọn, tức là những nguồn thông tin không nằm dưới quyền kiểm soát của chính phủ hay một nhóm chính trị duy nhất nhằm tìm cách thao túng niềm tin và thái độ chính trị, và những nguồn thông tin để người dân lựa chọn này được pháp luật bảo vệ một cách hữu hiệu.

  1. Quyền tự chủ của các tổ chức. Muốn giành được những quyền khác nhau, trong đó có những quyền rất cần cho sự hoạt động hữu hiệu của các định chế dân chủ, các công dân còn có quyền thành lập những hiệp hội và tổ chức tương đối độc lập, kể cả các đảng phái chính trị và những nhóm lợi ích độc lập.
  2. Quyền công dân cho tất cả mọi người. Không một người trưởng thành nào thường xuyên sống ở trong nước và bị luật pháp của nước đó điều tiết lại bị tước những quyền mà các công dân khác được hưởng và là những quyền cần thiết cho năm định chế chính trị được liệt kê bên trên. Bao gồm quyền bỏ phiếu trong cuộc bầu chọn các quan chức trong những cuộc bầu cử tự do và công bằng, quyền giữ chức vụ, quyền tự do thể hiện, quyền thành lập và tham gia các tổ chức chính trị độc lập, quyền tiếp cận với những nguồn thông tin độc lập, những quyền tự do và cơ hội khác, tức là những quyền tự do và cơ hội có thể cần cho hoạt động hữu hiệu của những định chế chính trị của chế độ dân chủ qui mô lớn.

LỊCH SỬ CỦA CÁC ĐỊNH CHẾ CHÍNH TRỊ

Những định chế đó không xuất hiện ngay lập tức. Như đã thấy trong phần lịch sử các chế độ dân chủ (chương 2), hai định chế cuối cùng mãi về sau này mới xuất hiện. Trước thế kỉ XX, quyền phổ thông đầu phiếu không được công nhận cả trong lí thuyết lẫn thực tiễn của cả chính thể dân chủ lẫn cộng hòa. Hơn bất cứ tính chất riêng biệt nào khác, quyền phổ thông đầu phiếu làm cho chế độ dân chủ đại diện hiện đại trở thành khác biệt hẳn với những hình thức dân chủ trước đây.

Giữa những nước khác nhau, thời gian xuất hiện và thứ tự xuất hiện các định chế có khác biệt rất lớn. Những nước, nơi mà tập hợp những định chế đó xuất hiện trước tiên và còn kéo dài cho đến ngày nay, tức là ở những chế độ dân chủ “cũ”, thường có những thành tố của một khuôn mẫu chung. Những cuộc bầu cử vào cơ quan lập pháp xuất hiện ở Anh vào thế kỉ XII, còn ở Hoa Kỳ thì xuất hiện trong giai đoạn thuộc địa, tức là thế kỉ XVII và XVIII. Việc bầu những quan chức lập pháp cao hơn xảy ra sau sự mở rộng dần dần quyền thể hiện của các công dân về những vấn đề chính trị cũng như quyền tìm kiếm và trao đổi thông tin của họ. Quyền thành lập các hiệp hội với mục tiêu chính trị rõ ràng còn xuất hiện muộn hơn nữa. “Phe phái” chính trị và tổ chức mang tính đảng phái nói chung trước đây thường được coi là hiện tượng nguy hiểm, gây chia rẽ, phá hoại trật tự và ổn định chính trị và có hại đối với lợi ích công cộng. Vì không thể đàn áp các hiệp hội mang tính chính trị mà không sử dụng bạo lực ở mức độ nào đó, cho nên càng ngày càng có nhiều công dân bị coi là quá quắt, họ thường có điều kiện sống trong những tổ chức ít nhiều có tính bí mật trước khi ra khỏi bóng tối và xuất hiện một cách công khai. Trong các cơ quan lập pháp, các nhóm từng có thời là “phe phái” đã trở thành các chính đảng. Những người “bên trong”, tức là những người làm việc cho chính phủ ngày đó, đối đầu với những người “bên ngoài”, tức là những người mà ở Anh được chính thức gọi là Phe đối lập trung thành với Hoàng thượng. Trong thế kỉ XVIII, ở Anh, phe ủng hộ nhà vua và đối lập với phe được đa số người “nhà quê” ủng hộ dần dần chuyển hóa thành đảng viên Tory và Whig 1. Cũng trong thế kỉ XVIII, ở Thụy Điển, những đảng đối lập với nhau trong quốc hội tự gọi mình một cách khôi hài là Hats (mũ -ND) và Caps (cũng là một loại mũ –ND).

Trong những năm cuối cùng của thế kỉ XVIII, trong nước cộng hòa vừa mới được thành lập là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, phó tổng thống Thomas Jefferson và chủ tịch Hạ viện James Madison đã tập hợp những môn đệ của mình trong quốc hội nhằm chống lại đường lối của tổng thống theo phái liên bang là ông John Adams và bộ trưởng tài chính của ông này là Alexander Hamilton. Họ nhanh chóng nhận ra rằng muốn cho phong trào chống đối thu được thắng lợi thì họ phải làm nhiều hơn là phản đối những người theo phái liên bang trong Quốc hội và trong nội các: họ cần phải tống khứ những người đối lập với mình ra khỏi vị trí cầm quyền. Để làm được điều đó và giành thắng lợi trong những cuộc bầu cử quốc gia, họ phải tập hợp những người theo mình trên khắp cả nước. Trong vòng chưa đến mười năm, Jefferson, Madison và những người có cảm tình với quan điểm của hai ông này đã thành lập được một chính đảng, có tổ chức thâm nhập được vào những khu vực bầu cử nhỏ nhất, những quận huyện và thành phố tự trị, một tổ chức góp phần củng cố lòng trung thành của những người ủng hộ trong giai đoạn bầu cử cũng như giữa các cuộc bầu cử, để bảo đảm rằng họ sẽ được tham gia vào những kì bầu cử trong toàn quốc. Đảng cộng hòa của họ (ngay sau đó được đổi tên là Cộng hòa dân chủ và một thế hệ sau thì thành đảng Dân chủ) trở thành đảng tham gia tranh cử có cơ sở trong quần chúng đầu tiên trên thế giới. Kết quả là, một trong những định chế chính trị căn bản nhất và đặc biệt nhất của chế độ dân chủ hiện đại – chính đảng – đã bung ra khỏi những hạn chế của nó trong quốc hội và các cơ quan lập pháp nhằm đưa công dân vào tổ chức và động viên những người ủng hộ đảng trong những cuộc bầu cử quốc gia.

Trước khi nhà quí tộc trẻ người Pháp là Alexis de Tocqueville đến thăm Mỹ vào hồi những năm 1830, năm định chế dân chủ đầu tiên bên trên đã được thành lập ở Mỹ. Ông có cảm giác rằng những định chế này đã ăn sâu bén rễ và lan tỏa rộng khắp đến mức ông không ngần ngại coi Mỹ là chế độ dân chủ. Ông nói rằng trên đất nước này nhân dân là người có chủ quyền, “xã hội tự cai trị mình vì chính mình” và quyền lực của đa số là vô giới hạn 3. Ông cảm thấy sửng sốt trước việc người Mỹ tham gia vô số hiệp hội, dường như mục đích nào cũng có hiệp hội. Trong đó hai đảng chính trị chủ chốt là những hiệp hội mạnh mẽ nhất. Tosqueville có cảm tưởng như nền dân chủ ở Mỹ đã gần đạt mức hoàn thiện mà đầu óc con người có thể tưởng tượng nổi.

Trong một thế kỉ sau đó, tất cả năm định chế dân chủ cơ bản mà Tocqueville từng chứng kiến ở Mĩ cũng đã được củng cố tại hơn một chục nước khác. Nhiều nhà quan sát ở châu Âu và Mĩ đã kết luận rằng nước nào có khát vọng trở thành tiến bộ và văn minh cũng đều phải áp dụng hình thức cai trị dân chủ.

Nhưng định chế căn bản thứ sáu – quyền công dân cho tất cả mọi người – thì ở đâu cũng có khiếm khuyết. Mặc dù Tocqueville khẳng định rằng “bang Maryland, bang do những người bình thường thiết lập nên, là bang đầu tiên tuyên bố quyền phổ thông đầu phiếu”, tương tự như tất cả những người đàn ông (và nhiều người đàn bà) đương thời, ông ngụ ý rằng “phổ thông” không bao gồm phụ nữ4. Thực ra là không bao gồm cả một số đàn ông. “Quyền phổ thông đầu phiếu” của Maryland lúc đó còn loại bỏ phần lớn người Mĩ gốc Phi nữa. Những nơi khác, tức là những nước tương đối dân chủ, cũng như Mĩ, một nửa số người trưởng thành bị đẩy hoàn toàn ra khỏi đời sống chính trị của đất nước chỉ vì họ là phụ nữ; ngoài ra, khá nhiều đàn ông cũng không được hưởng quyền bầu cử vì họ không đáp ứng được yêu cầu về học vấn hoặc tài sản, mà yêu cầu này lại được nhiều người tự coi là những người ủng hộ chính thể dân chủ và cộng hòa ủng hộ. Mặc dù New Zealand đã cho phụ nữ hưởng quyền bầu cử trong những cuộc bầu cử quốc gia vào năm 1893, còn Australia thì thực hiện quyền này vào năm 1902, trong những nước khác phải mãi đến khoảng năm 1920 phụ nữ mới được quyền bầu cử; Bỉ, Pháp và Thụy Sĩ, những nước mà đa số coi là những nước có mức độ dân chủ cao, mãi sau Thế chiến II phụ nữ mới được quyền bầu cử.

Vì hiện nay nhiều người khó hiểu, đối với cha ông chúng ta “dân chủ” có nghĩa là gì, cho phép tôi tái khẳng định sự khác biệt: trong tất cả các nền dân chủ và cộng hòa suốt 25 thế kỉ qua chỉ có một thiểu số người trưởng thành là có quyền tham gia một cách đầy đủ vào đời sống chính trị mà thôi. Chính phủ “dân chủ” là chính phủ do đàn ông cai trị và không phải tất cả đàn ông. Mãi đến thế kỉ XX, cả trong lí thuyết lẫn thực tiễn dân chủ mới đòi hỏi rằng quyền tham gia một cách đầy đủ vào đời sống chính trị phải được mở ra – trừ một vào ngoại lệ, nếu có – cho tất cả những người trưởng thành.

Gộp lại, sáu định chế chính trị này tạo ra không chỉ một hệ thống chính trị kiểu mới mà còn là một chính phủ nhân dân kiểu mới nữa, một kiểu “dân chủ” chưa từng có suốt 25 thế kỉ, kể từ khi người ta phát minh ra khái niệm “dân chủ” ở Athens và “cộng hòa” ở La Mã. Vì những chính thể dân chủ đại diện hiện đại, nói một cách toàn diện, về mặt lịch sử là chính thể độc đáo, để cho tiện cần phải tạo cho nó một cái tên riêng.  Chính thể dân chủ qui mô lớn hiện đại đôi khi được gọi là chế độ dân chủ tản quyền (polyarchy).

Vài lời về từ ngữ

Polyarchy (tản quyền) có xuất xứ từ tiếng Hi Lạp, có nghĩa là “nhiều” và “cai trị”, tức là “cai trị bởi nhiều người”, khác với cai trị bởi một người hay quân chủ và cai trị bởi một ít người tức là chế độ đầu sỏ hay quí tộc. Mặc dù thuật ngữ này ít khi được sử dụng, nhưng tôi và một đồng nghiệp đã đưa ra thuật ngữ này vào năm 1953 như là biện pháp tiện lợi để nói về chế độ dân chủ đại diện với quyền phổ thông đầu phiếu. Sau đây tôi sẽ sử dụng nó theo nghĩa này. Nói một cách chính xác hơn, chế độ dân chủ tản quyền là hệ thống chính trị với sáu định chế dân chủ bên trên. Như vậy là, chế độ dân chủ tản quyền khác với chế độ dân chủ đại diện với quyền bầu cử hạn chế từng tồn tại trong thế kỉ XIX. Nó cũng khác với những chế độ dân chủ và cộng hòa cũ, tức là những chế độ không chỉ giới hạn quyền bầu cử cho một số người mà còn không có một số đặc điểm quan trọng nhất của chế độ dân chủ tản quyền như đảng chính trị, quyền thành lập các tổ chức chính trị nhằm gây ảnh hưởng hay đối lập với chính phủ hiện hành, các nhóm lợi ích..v.v.. Nó cũng khác với thực tiễn dân chủ trong những đơn vị nhỏ đến mức các thành viên có thể gặp gỡ trực tiếp và đưa ra (hay đề nghị) chính sách hoặc luật lệ (Tôi sẽ trở lại sự khác biệt này trong những dòng sau).

 

Mặc dù những tác nhân khác cũng có đóng góp, nhưng sáu định chế chính trị xuất hiện, ít nhất là một phần, là để đáp ứng đòi hỏi được tham gia vào đời sống chính trị. Trong những nước hiện được nhiều người coi là dân chủ đều có đều đầy đủ sáu định chế. Nhưng bạn có thể hỏi: Một vài định chế chỉ còn là sản phẩm của những cuộc đấu tranh trong lịch sử? Chúng không còn cần thiết cho chính phủ dân chủ nữa? Nếu hiện nay chúng vẫn còn cần thiết, thì tại sao?

QUI MÔ

Trước khi trả lời những câu hỏi đó, tôi xin lưu ý một tính chất quan trọng. Như đã nói ngay ở đầu chương này, chúng ta đang xem xét những định chế thiết yếu cho việc cai trị đất nước dân chủ. Tại sao lại là “đất nước”? Vì những đơn vị nhỏ hơn một đất nước không phải lúc nào cũng đòi hỏi phải có tất cả những định chế thiết yếu đối với đất nước dân chủ.

Xin xem xét một ủy ban hay một câu lạc bộ hoặc một thị trấn rất nhỏ được cai quản một cách dân chủ. Mặc dù quyền bình đẳng trong bầu cử dường như là thiết yếu, nhưng những đơn vị nhỏ như thế có thể quản lí mà không cần quá đông công chức được bầu: có thể chỉ cần một người đại diện là chủ tịch cuộc họp và một thư kí-thủ quĩ giữ biên bản và sổ sách là đủ. Những người tham gia có thể trực tiếp tự quyết định mọi vấn đề ngay trong cuộc họp, còn tiểu tiết thì để cho thư kí-thủ quĩ làm. Ban lãnh đạo của những tổ chức nhỏ như thế không cần phải là chính phủ đầy đủ lệ bộ như các chính phủ đại diện, trong đó các công dân bầu ra những người đại diện có trách nhiệm thực thi chính sách và luật pháp đang có hiệu lực. Mặc dù những ban lãnh đạo này có thể là dân chủ, thậm chí là dân chủ cao nữa. Mặc dù vậy và thậm chí các tổ chức này không có các chính đảng hay những hiệp hội chính trị độc lập khác, chúng vẫn là những tổ chức dân chủ cao. Trên thực tế, chúng ta có thể đồng ý với quan điểm dân chủ và cộng hòa cổ điển cho rằng trong những tổ chức nhỏ, những “phe phái” có tổ chức không những là không cần thiết mà còn chắc chắn là có hại nữa. Thay vì những cuộc xung đột bị những phe phái, những cuộc họp kín, các đảng chính trị ..v.v.. làm cho trầm trọng thêm, chúng ta có thể thích sự đoàn kết, đồng thuận, thỏa thuận đạt được thông qua thảo luận và tôn trọng lẫn nhau.

Hình 7: Tại sao lại cần những định chế chính trị thiết yếu

Trong những đơn vị lớn ví dụ như một quốc gia, cần phải có những định chế chính trị dân chủ tản quyền…

nhằm đáp ứng những tiêu chí dân chủ sau đây:

1. Những người đại diện được bầu…

Tham gia một cách hiệu quả

Kiểm soát chương trình nghị sự

2. Những cuộc bầu cử định kì, công bằng và tự do…

Quyền bấu cử bình đẳng

Kiểm soát chương trình nghị sự

3. Tự do thể hiện…

Tham gia một cách hiệu quả

Hiểu biết minh bạch

Kiểm soát chương trình nghị sự

4. Nhiều nguồn thông tin để lựa chọn…

Tham gia một cách hiệu quả

Hiểu biết minh bạch

Kiểm soát chương trình nghị sự

5. Quyền tự chủ của các tổ chức …

Tham gia một cách hiệu quả

Hiểu biết minh bạch

Kiểm soát chương trình nghị sự

6. Quyền công dân cho tất cả mọi người..

Mọi người đều có quyền công dân

Như vậy là, chính thể dân chủ cần phải có các định chế chính trị là do qui mô của đơn vị. Sáu định chế dân chủ bên trên xuất hiện là do nhu cầu cai trị một đất nước chứ không phải là để cai trị những đơn vị nhỏ hơn. Chế đệ dân chủ tản quyền là thể chế dân chủ trên qui mô quốc gia-dân tộc hay đất nước.

Xin quay lại với câu hỏi của chúng ta: Những định chế của chế độ dân chủ tản quyền là những định chế thực sự cần thiết cho chế độ dân chủ trên qui mô một nước? Tại sao? Để trả lời cặp câu hỏi này, xin nhớ lại những đòi hỏi của tiến trình dân chủ.

TẠI SAO (VÀ KHI NÀO) CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ LẠI ĐÒI HỎI NHỮNG NGƯỜI ĐẠI DIỆN ĐƯỢC BẦU?

Khi chính thể dân chủ chuyển sự chú ý vào những đơn vị lớn như quốc gia hay nhà nước thì những câu hỏi sau đây lập tức xuất hiện: Làm sao công dân có thể tham gia một cách hữu hiệu khi số người trở thành quá đông hay quá phân tán về mặt địa lí (đối với đất nước thì cả hai điều kiện trên tồn tại cùng một lúc) vì họ phải tham gia trong việc ban hành luật pháp bằng cách tập trung tại một địa điểm? Và làm sao họ có thể chắc chắn rằng những vấn đề đáng quan tâm nhất đều được các quan chức xem xét một cách thỏa đáng – nghĩa là làm sao để các công dân kiểm soát được chương trình nghị sự của chính phủ?

Đáp ứng được những đòi hỏi của chế độ dân chủ trong một đơn vị lớn như đất nước dĩ nhiên là công việc cực kì khó khăn, trong chừng mực nào đó là không thể đạt được. Nhưng, tương tự như những tiêu chí dân chủ cao khác, tiêu chí này có thể được coi là tiêu chuẩn để đánh giá những khả năng và biện pháp lựa chọn khác nhau. Rõ ràng là những đòi hỏi này không thể được đáp ứng nếu các quan chức hàng đầu của chính phủ có thể tự đưa ra chương trình nghị sự và thông qua chính sách mà không phụ thuộc vào mong ước của các công dân. Chỉ có một giải pháp khả thi, mặc dù là giải pháp rất không hoàn hảo, là để cho các công dân bầu lên các quan chức hàng đầu và bằng những cuộc bầu cử - bãi nhiệm họ trong cuộc bầu cử sau - mà buộc họ phải có trách nhiệm giải trình.

Đối với chúng ta thì giải pháp đó là đương nhiên. Nhưng điều có vẻ là đương nhiên đối với chúng ta lại hoàn toàn không phải là đương nhiên đối với cha ông của chúng ta.

Như chúng ta đã thấy trong chương II, cho đến mãi tận thời gian gần đây việc công dân có thể - thông qua các cuộc bầu cử - lựa chọn và bãi bỏ những người đại diện có quyền lập pháp còn là điều xa lạ đối với cả lí thuyết lẫn thực tiễn dân chủ. Chúng ta cũng đã thấy, việc bầu chọn những người đại diện được triển khai trong thời Trung cổ, đấy là khi vua chúa nhận thức được rằng muốn áp đặt thuế khóa, tăng cường quân lực và ban hành luật pháp thì họ phải tìm được sự đồng thuận của giới quý tộc, giới tăng lữ cao cấp và một vài thường dân đặc biệt trong những thành phố và thị trấn lớn.

Như vậy là, cho đến thế kỉ XVIII quan điểm được nhiều người thừa nhận là chính phủ dân chủ hay cộng hòa có nghĩa là cai trị bởi nhân dân và nếu nhân dân có quyền cai trị thì họ phải tụ tập tại một địa điểm và bỏ phiếu cho nghị định, luật lệ và chính sách. Chế độ dân chủ phải là thành phố đáp ứng được đòi hỏi của dân chủ, chế độ dân chủ đại diện có mâu thuẫn về mặt ngôn từ. Hàm ý, dù công khai hay ngấm ngầm, nước cộng hòa hay chế độ dân chủ trên thực tế chỉ cón thể tồn tại trong các đơn vị nhỏ như thành phố hay thị trấn mà thôi. Những người cầm bút có quan điểm như thế, thí dụ như Montesquieu và Jean-Jacques Rousseau, nhận thức rất rõ những khiếm khuyết của quốc gia nhỏ bé, đặc biệt là khi nó phải trực diện với sự ưu trội của lực lượng quân sự của quốc gia to lớn hơn và vì vậy mà họ cực kì bi quan về viễn cảnh của chế độ dân chủ thực sự.

Nhưng quan điểm được nhiều người chia sẻ đó đã nhanh chóng bị lực lượng đang gia tăng của quốc gia dân tộc áp đảo và cho ra rìa. Chính Rousseau hiểu rõ rằng chính phủ của một nước lớn như Ba Lan (ông đã đề xuất hiến pháp cho nước này) cần phải có chế độ đại diện. Chẳng bao lâu sau, quan điểm được nhiều người chia sẻ nói trên đã bị nền dân chủ Mĩ đẩy khỏi sân khấu của lịch sử.

Cuối cùng, khi Hội nghị Lập hiến họp ở Philadenphia vào năm 1787 nhằm thiết kế một bản hiến pháp phù hợp với một nước lớn với dân số tăng cao chưa từng có, các đại biểu mới nhận thức được một cách sâu sắc truyền thống mang tính lịch sử này. Chế độ cộng hòa có thể tồn tại trong không gian rộng lớn mà Mĩ đã đạt được, chưa nói trong những không gian rộng lớn hơn mà các đại biểu đã dự đoán được hay không?* Nhưng không có đại biểu nào đặt vấn đề là nếu chế độ cộng hòa tồn tại được ở Mĩ thì nó phải là nước cộng hòa đại diện. Vì đã có kinh nghiệm lâu dài với chế độ đại diện trong những cơ quan lập pháp bang và thuộc địa và trong Đại hội Lục địa cho nên tính khả thi của chính thể đại diện hầu như không cần phải đem ra thảo luận.

Đến giữa thế kỉ XIX quan niệm truyền thống đã bị bỏ qua, bị người đời quên lãng, và nếu còn được nhớ thì cũng bị coi là không thích hợp. John Stuart Mill viết vào năm 1861: “Rõ ràng là chỉ có chính phủ được toàn dân tham dự là thỏa mãn đầy đủ mọi nhu cầu cấp bách của tình trạng xã hội, rằng bất cứ sự tham dự nào, kể cả trong chức năng cộng cộng nhỏ bé nhất, cũng là hữu ích; rằng ở mọi nơi sự tham dự ấy phải rộng lớn như mức độ cải tiến chung của cộng đồng cho phép; và rằng không có gì đáng mong muốn hơn là cho phép mọi người cùng chia sẻ chủ quyền quốc gia. Nhưng vì trong một cộng đồng vượt quá một đô thị đơn lẻ nhỏ bé, thì không thể mọi người đều đích thân tham dự vào mọi công việc công cộng được, ngoại trừ một phần nhỏ công việc nào đó, từ đó suy ra rằng chính thể hoàn hảo lý tưởng phải là chính thể mang tính đại diện5

VÌ SAO CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ LẠI ĐÒI HỎI NHỮNG CUỘC BẦU CỬ ĐỊNH KÌ, CÔNG BẰNG VÀ TỰ DO

Như chúng ta đã thấy, nếu chúng ta chấp nhận quyền bình đẳng về chính trị thì mọi công dân đều phải có cơ hội bầu cử hữu hiệu và như nhau trong và tất cả các lá phiều đều có giá trị như nhau. Nếu quyền bình đẳng trong bầu cử được áp dụng thì rõ ràng là những cuộc bầu cử phải là tự do và công bằng. Tự do nghĩa là công dân có thể đến nơi bỏ phiếu mà không sợ bị trả thù, và nếu cuộc bầu cử là công bằng thì tất cả các lá phiếu đều phải có giá trị như nhau. Nhưng bầu cử tự do và công bằng thôi chưa đủ. Hãy tưởng tượng việc bầu những người đại diện cho nhiệm kì kéo dài, thí dụ, hai mươi năm! Nếu các công dân có quyền kiểm soát tối hậu đối với chương trình nghị sự thì bầu cử phải diễn ra thường xuyên.

Nhưng người ta chưa hiểu rõ làm thế nào thực hiện được những cuộc bầu cử tự do và công bằng một cách tốt nhất. Cuối thế kỉ XIX hệ thống bỏ phiếu kín đã bắt đầu thay thế cho giơ tay một cách công khai. Mặc dù hệ thống bầu cử công khai vẫn được một số người ủng hộ, nhưng bỏ phiếu kín nói chung đã trở thành tiêu chuẩn; đất nước mà hệ thống này bị vi phạm trên diện rộng bị coi là không có những cuộc bầu cử tự do và công bằng. Nhưng cuộc tranh luận về hệ thống bầu cử đáp ứng tốt nhất tiêu chuẩn về sự công bằng thì vẫn tiếp tục. Liệu hệ thống đại diện theo tỉ lệ (PR – thể thức bầu cử, theo đó số ghế của mỗi đảng trong chính phủ tỉ lệ với số phiếu mà đảng ấy giành được -ND), như vẫn được áp dụng trong phần lớn các nước dân chủ, có công bằng hơn hệ thống không cần chiếm đại đa số phiếu bầu (First-Past-the-Post viết tắt: FPTP) được áp dụng ở Anh và Mĩ hay không? Có thể đưa ra những luận cứ hợp lí ủng hộ cho cả hai hệ thống, như sẽ thấy khi chúng ta quay lại với câu hỏi này trong chương 10. Tuy nhiên, trong khi tranh luận về những hệ thống bầu cử khác nhau người ta giả định rằng cần phải có hệ thống bầu cử công bằng, còn làm sao đạt được sự công bằng và những mục tiêu khác lại chỉ đơn giản là vấn đề kĩ thuật.

Những cuộc bầu cử phải diễn ra thường xuyên đến mức nào? Từ thực tiễn của các nước dân chủ trong thế kỉ XX, có thể trả lời một cách sơ bộ rằng bầu cử những người đại diện cho cơ quan lập pháp hàng năm thì quá ngắn mà hơn năm năm thì quá dài. Nhưng rõ ràng là những người dân chủ có thể bất đồng về khoảng cách đặc thù và khoảng cách này có thể thay đổi như thế nào đối với những cơ quan khác nhau và thực tiễn truyền thống khác nhau. Nhưng quan trọng là không có những cuộc bầu cử thường xuyên thì công dân sẽ đánh mất đáng kể quyền kiểm soát các quan chức được bầu.

TẠI SAO DÂN CHỦ LẠI ĐÒI HỎI QUYỀN TỰ DO THỂ HIỆN

Trước hết, quyền tự do thể hiện là để các công dân tham gia một cách hữu hiệu vào đời sống chính trị. Làm sao công dân có thể trình bày quan điểm của mình và thuyết phục đồng bào của mình cũng như những người đại diện để họ áp dụng chúng trừ phi họ có thể tự do thể hiện về tất cả những vấn đề có liên quan đến hành vi của chính phủ? Và nếu họ phải tính đến quan điểm của người khác thì họ phải có điều kiện nghe những gì người khác nói. Tự do thể hiện không chỉ có nghĩa là bạn có quyền được lắng nghe. Nó còn có nghĩa là bạn có quyền được nghe những gì người khác nói.

Hiểu biết minh bạch về những hành động và chính sách của chính phủ cũng đòi hỏi phải được tự do thể hiện. Muốn có năng lực công dân, công dân cần phải có cơ hội thể hiện quan điểm của mình; tìm hiểu quan điểm của người khác; tham gia vào những cuộc thảo luận và tranh luận; đọc, nghe và tham vấn các chuyên gia, các ứng viên và những người mà họ tin tưởng; và những cách khác, cách nào thì cũng phụ thuộc vào quyền tự do thể hiện.

Cuối cùng, không có quyền tự do thể hiện thì chẳng mấy chốc công dân sẽ  đánh mất khả năng ảnh hưởng tới chương trình nghị sự về những vấn đề mà chính phủ cần giải quyết. Công dân im lặng có thể là những thần dân tuyệt vời của nhà cầm quyền độc tài, nhưng lại là tai họa đối với chế độ dân chủ.

TẠI SAO CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ LẠI ĐÒI HỎI NHỮNG NGUỒN THÔNG TIN ĐỘC LẬP VÀ CÓ THỂ LỰA CHỌN

Tương tự như quyền tự do thể hiện, một số tiêu chí căn bản của chế độ dân chủ đòi hỏi phải có những nguồn thông tin tương đối độc lập với nhau để người dân lựa chọn. Xin xem xét nhu cầu về hiểu biết minh bạch. Làm sao công dân có thể tìm được thông tin cần thiết để có thể hiểu được các vấn đề nếu chính phủ kiểm soát tất cả các nguồn thông tin quan trọng? Hay một nhóm nào đó nắm độc quyền trong việc cung cấp thông tin? Như vậy là, công dân phải có quyền tiếp xúc với những nguồn thông tin mà họ có thể lựa chọn, đấy là những nguồn thông tin không nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ hay không bị một nhóm hay một quan điểm nào đó khống chế.

Hay xin suy nghĩ về sự tham gia một cách hữu hiệu và ảnh hưởng tới chương trình nghị sự của chính phủ. Làm sao công dân có thể tham gia một cách hữu hiệu vào đời sống chính trị nếu tất cả thông tin mà họ có đều do một nguồn, thí dụ chính phủ, hay một đảng duy nhất, một phe phái duy nhất hay quyền lợi duy nhất cung cấp?

TẠI SAO CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ LẠI ĐÒI HỎI NHỮNG TỔ CHỨC ĐỘC LẬP?

Như chúng ta đã thấy trước đây, đã có một bước ngoặt trong phương pháp tư duy trước khi người ta chấp nhận nhu cầu về tổ chức chính trị - các nhóm lợi ích, tổ chức lobby, chính đảng. Thêm nữa, nếu nước cộng hòa to lớn đòi hỏi rằng những người đại diện phải được bầu thì tranh cử được tiến hành như thế nào? Tạo ra các tổ chức, thí dụ như chính đảng, giúp cho nhóm có được lợi thế rõ ràng trong những kì bầu cử. Nếu một nhóm tìm cách giành lợi thế thì những người không đồng ý với chính sách của nhóm này không được quyền làm thế hay sao? Tại sao giữa các kì bầu cử lại không có hoạt động chính trị? Có thể gây ảnh hưởng lên các nhà làm luật, có thể thúc đẩy sự nghiệp,  có thể khuyến khích chính sách, có thể tìm kiếm những cuộc gặp gỡ. Vì vậy mà, khác với thị trấn hay thành phố nhỏ, chế độ dân chủ qui mô lớn trên cả nước làm cho tổ chức chính trị trở thành vừa đáng mong muốn vừa là nhu cầu. Trong bất cứ trường hợp nào, làm sao có thể ngăn chặn được những tổ chức này mà không làm suy yếu một cách nghiêm trọng quyền căn bản của công dân trong việc tham gia một cách hữu hiệu vào việc trị nước? Như vậy là, trong một nước cộng hòa rộng lớn tổ chức chính trị không chỉ là đáng mong ước và cần thiết mà còn là không thể nào tránh được nữa. Các tổ chức độc lập còn là nơi giáo dục và khai sáng cho các công dân. Chúng không chỉ cung cấp cho công dân thông tin mà còn tạo cơ hội cho họ thảo luận, tranh luận và tiếp thu kĩ năng chính trị nữa.

TẠI SAO CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ LẠI ĐÒI HỎI QUYỀN CÔNG DÂN CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI?

Có thể tìm thấy câu trả lời trong những lí do đã đưa chúng ta tới kết luận trong chương trước. Không cần nhắc lại ở đây.

Chúng ta có thể xem xét những định chế chính trị được mô tả trong chương này và được tóm lược trong hình 6 theo những cách khác nhau. Đối với đất nước còn chưa có một hay một vài định chế và chưa dân chủ hóa ở mức độ tương ứng, hiểu biết về những định chế chính trị căn bản có thể giúp ta thiết lập chiến lược nhằm tạo ra một sự chuyển hóa trọn vẹn sang chế độ dân chủ đại diện. Đối với đất nước vừa tiến hành một cuộc chuyển hóa như thế, hiểu biết có thể giúp chúng ta nhận thức được những định chế quan trọng nhất cần phải được tăng cường, phải được làm sâu sắccủng cố thêm. Vì tất cả những định chế này đều là những định chế cần thiết đối với chế độ dân chủ đại diện hiện đại (chế độ dân chủ tản quyền) cho nên ta có thể coi chúng như là mức độ tối thiểu cho quá trình dân chủ hóa.

Nhưng người đang sống trong những chế độ dân chủ, nơi quá trình chuyển hóa đã diễn ra cách đây mấy thế hệ và những định chế chính trị được liệt kê trong hình 6 đã được thiết lập vững chắc, phải đối mặt với những thách thức không kém phần khó khăn khác. Vì ngay cả nếu những định chế này là cần thiết cho tiến trình dân chủ hóa thì chắc chắn là chúng cũng chưa phải là đủ để có thể đạt được một cách trọn vẹn những tiêu chí dân chủ được liệt kê trong hình 6 và được mô tả trong chương 4. Như vậy là chúng ta chưa được tự do và nói cho ngay là phải có trách nhiệm đánh giá những định chế chính trị theo những tiêu chuẩn này? Đối với tôi và đối với nhiều người khác thì rõ ràng là đánh giá theo các tiêu chuẩn dân chủ, các định chế chính trị hiện hành còn khá nhiều thiếu sót.

Kết quả là, khi chúng ta cần chiến lược nhằm tiến hành công cuộc chuyển hóa sang chế độ dân chủ trong những nước phi dân chủ và củng cố các định chế dân chủ trong những nước mới dân chủ hóa cũng như trong những chế độ dân chủ đã được thiết lập từ trước ta cần xem xét liệu có cần tiến xa hơn mức độ dân chủ hiện hành và tiến như thế nào.

Xin được nói như thế này. Trong nhiều nước, nhiệm vụ đặt ra là đưa quá trình dân chủ hòa lên mức dân chủ tản quyền. Nhưng công dân các nước dân chủ cũ lại đối mặt với thách thức là tìm cách đạt được mức độ dân chủ hóa vượt ra ngoài chế độ dân chủ tản quyền.

Chú thích:

(1) Tory – Đảng bảo thủ, Whig – người bảo thủ trong Đảng tự do - ND

(2) “Tự nhận là Hats vì trông họ giống như những người bảnh bao đội mũ ba sừng thời đó.. Caps là do họ ăn mặc giống như những người đàn bà già đội mũ ban đêm”. Franklin D. Scott, Sweden: The Nation’s History (Minneapolis: University of Minnesota Press, 1977), 243.

(3) Alexis de Tocqueville, Democracy in America, vol. 1 (New York: Schosen Bokks, 1961), 51.

(4) Alexis de Tocqueville, Democracy in America, 50.

(5)  John Stuart Mill, Consideration on Representative Government [1861] (New York: Liberal Arts Press, 1958), 55. [John Stuart Mill, Chính thể đại diện, Nhà xuất bản Tri thức, 2008, trang 128]

[*]Chú thích ở ngay cuối trang: Chẳng có mấy đại biểu dự đoán được rằng cuối cùng Mĩ đã có đến 100 triệu dân. Đấy là năm 1915

Nguồn: Bàn về chế độ dân chủ: Robert Alan Dahl, 2000. 

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường