Lịch sử và cấu trúc của tư tưởng tự do cá nhân (Phần 1)
Lịch sử có thể giúp chúng ta biết những tư tưởng đã hình thành và quan hệ với nhau như thế nào. Việc xem xét tư tưởng tự do trên bình diện lịch sử và lý thuyết cho thấy vì sao tư tưởng tự do cá nhân lại là một hệ thống nhận thức nhất quán về thế giới và cách thức con người cư xử với nhau.
Mặc dù các yếu tố của tư tưởng tự do cá nhân có thể được tìm thấy trong suốt lịch sử nhân loại, song chủ nghĩa tự do cá nhân như là một triết lý chính trị chỉ mới xuất hiện vào thời hiện đại. Đó là triết lý hiện đại về tự do cá nhân, chứ không phải là sự nô dịch hay sự áp đặt; về các hệ thống pháp luật dựa trên việc thụ hưởng các quyền, thay vì việc thực thi quyền lực độc đoán; về sự thịnh vượng chung thông qua lao động tự do, hợp tác và trao đổi tự nguyện, chứ không phải là lao động cưỡng bức, ép buộc, hay là sự tước đoạt bằng cướp bóc từ những kẻ chinh phạt; và về sự dung hòa cũng như cùng tồn tại của các tôn giáo, lối sống, các nhóm dân tộc, và những hình thức tồn tại khác của con người, chứ không phải về các cuộc chiến tranh tôn giáo, bộ tộc hay sắc tộc. Đó là triết lý của thế giới hiện đại và nó đang nhanh chóng lan tỏa giữa những người trẻ tuổi trên toàn thế giới.
Để hiểu được sự phát triển của phong trào tự do cá nhân trên khắp thế giới, chúng ta cần phải hiểu những ý tưởng hình thành nên triết lý chính trị của chủ nghĩa tự do cá nhân. Chúng ta có thể hiểu được những triết lý chính trị bằng nhiều cách khác nhau. Người ta có thể nghiên cứu lịch sử của chúng để biết các triết lý này song hành với nhau như thế nào trong việc giải quyết một loạt các vấn đề hay trục trặc khác nhau. Theo một số cách, các ý tưởng có thể ví như những công cụ - các công cụ trí tuệ giúp chúng ta tương tác với nhau và với thế giới. Để hiểu các công cụ này tốt hơn, chúng ta cần hiểu được những vấn đề mà các công cụ được đề xuất làm giải pháp. Nghiên cứu lịch sử giúp chúng ta hiểu được các tư tưởng. Người ta có thể hiểu các mối quan hệ logic giữa chúng, hay chính là các cách mà những khái niệm và ý tưởng khác nhau – như công lý, các quyền, pháp luật, tự do và trật tự - tương tác và mang lại ý nghĩa cho nhau.1 Bài luận ngắn này đưa ra một lời giới thiệu ngắn gọn về hai cách tiếp cận chủ nghĩa tự do cá nhân.
Chủ nghĩa tự do cá nhân dưới góc độ lịch sử
Nhìn vào lịch sử, chủ nghĩa tự do cá nhân là hình thức hiện đại của một phong trào được biết đến như chủ nghĩa tự do (liberalism). Thuật ngữ “chủ nghĩa tự do”, đặc biệt là ở Mỹ, đã mất một số ý nghĩa ban đầu của nó. Như nhà kinh tế học nổi tiếng Joseph Schumpeter lưu ý, “dù không muốn nhưng ta phải ngợi ca kẻ thù của hệ thống doanh nghiệp tư nhân khi đã khôn ngoan chiếm đoạt lấy cái tên của nó.”2 Thuật ngữ chủ nghĩa tự do (liberalism) cũng như những biến thể của nó vẫn được sử dụng phổ biến ở nhiều nước thế giới, nhưng ở Mỹ giờ đây nó được gọi là chủ nghĩa tự do cá nhân (libertarianism) hoặc “chủ nghĩa tự do truyền thống”. Vì sự nhầm lẫn giữa các thuật ngữ ở Mỹ, nhiều người đã áp dụng thuật ngữ chủ nghĩa tự do cá nhân (libertarianism), mà cùng chia sẻ gốc Latin của từ Tự do (Libertas – ND), để phân biệt những quan điểm của họ với những gì thường được gọi là “chủ nghĩa tự do” (liberalism) ở Mỹ. Thuật ngữ này đôi khi cũng được sử dụng để phân biệt những hình thức gần với chủ nghĩa tự do (liberalism) cũng như các hình thức thực dụng hay linh động hơn của chủ nghĩa này. (Trong các ngôn ngữ khác, người ta dùng chung một từ để diễn giải cả hai thuật ngữ “liberalism” và “libertarianism”; ví dụ ở Hungary, sử dụng cả szabadelvuség và liberalizmus cho liberalism/libertarianism.)
Vậy chủ nghĩa tự do bắt nguồn từ đâu? Chủ nghĩa tự do đã nổi lên ở châu Âu và những khu vực khác trên thế giới như là một biện pháp bảo vệ một cách thức chung sống mới trên cơ sở hòa bình, chấp nhận sự khác biệt, và chia sẻ lợi ích dựa trên trao đổi và hợp tác tự nguyện. Chủ nghĩa tự do đã bảo vệ những lối sống hòa bình ấy trước các học thuyết về nhà nước toàn quyền và toàn năng, được biết đến như “chủ nghĩa chuyên chế”. Trong quá trình tranh luận về mức độ phù hợp và phạm vi của quyền lực, các ý tưởng của chủ nghĩa tự do đã trở nên sắc nét hơn, triệt để hơn, và củng cố lẫn nhau.
Giao dịch và thương mại bắt đầu gia tăng ở châu Âu sau thời Trung Cổ, đặc biệt là do sự phát triển của những “làng xã” độc lập, hay những thành phố tự trị, thường được những bức tường dày bảo vệ tránh khỏi những tên cướp biển, bọn cướp, và những lãnh chúa.3 Những thành phố mới – nơi sản xuất và buôn bán – đã được hình thành khắp châu Âu. Những thành phố mới và “những xã hội dân sự” của họ được biết đến như là nơi tồn tại tự do cá nhân, như được thể hiện trong một câu ngạn ngữ cổ của Đức “Stadtluft macht frei” (“Không khí ở thành phố làm cho người ta tự do”), và hòa bình.4
Như một nhà sử học đã từng nói, “Nếu không có tự do, tức là không có quyền đến và đi, quyền kinh doanh và buôn bán, quyền không bị nô dịch, thì thương mại không thể tồn tại”.5 Xã hội dân sự (Civil society – Từ civil bắt nguồn từ gốc La-tin là civitas, thành phố) là từ được dùng để đề cập đến những xã hội xuất hiện ở các thành phố. Một điểm vô cùng quan trọng đó là thuật ngữ này cũng được dùng để chỉ cách mà mọi người hành xử với người khác: hành vi dân sự. Hành xử văn minh nghĩa là đối xử lịch thiệp với những người lạ, trung thực trong các giao dịch và tôn trọng những quyền của người khác. Những thành phố và các hiệp hội mới này được đặc trưng bởi nhiều hội đồng đại diện hoặc phổ thông đầu phiếu khác nhau, các cơ quan này đảm trách về luật pháp và những chính sách công. Gắn liền với xã hội dân sự là tư tưởng mới về “dân quyền”, nghĩa là những quyền cần thiết cho một xã hội dân sự.
Thương mại phát triển và ngày càng nhiều của cải được tích lũy, những vị vua bắt đầu tạo ra những hệ thống quân sự hiện đại; họ sử dụng chúng để gia tăng quyền lực của mình đối với tầng lớp quý tộc phong kiến, những người mà vị thế của họ cũng giống như quyền lực của các nhà vua nhìn chung đều bắt nguồn từ những cuộc xâm chiếm tàn bạo; họ cũng sử dụng chúng để gia tăng quyền lực đối với cả những thành phố mà được xây dựng trên tinh thần tự nguyện. Cuộc “cách mạng quân sự” tập trung ngày càng nhiều quyền lực vào cơ quan mà sau này được được biết đến với tên gọi “nhà nước”, điển hình là vào trong tay cá nhân nhà vua.6 Những hệ thống chính trị quân chủ và tập trung này đã thay thế, chinh phục, và đồng hóa hầu hết các hệ thống chính trị đặc trưng khác ở châu Âu, bao gồm những “thành-bang” (city-states) độc lập, liên minh Hanseatic về thương mại và phòng thủ giữa các thành phố, Đế chế La Mã Thần thánh, và những hình thức tổ chức chính trị khác. Khi những “quốc vương” này gia tăng quyền lực, họ tuyên bố họ “đứng trên luật pháp” và thực hiện quyền lực tuyệt đối trên tất cả các hình thức liên kết khác của con người.7 Hơn thế nữa, các vị vua còn khẳng định rằng họ có “quyền thiêng liêng” để thực thi quyền lực tuyệt đối. Quyền lực nhà vua và hệ thống tôn giáo đã hình thành những liên minh, thường thì quyền lực nhà vua áp đảo các tôn giáo, song đôi khi trường hợp ngược lại diễn ra, mà sau này được biết đến với sự thống trị của thần quyền.
Học thuyết chuyên chế cho rằng người cai trị đứng trên cả pháp luật, đó là bước biến chuyển lớn so với truyền thống trước đó cho rằng pháp luật, chứ không phải quyền lực cá nhân, là đối tượng tối cao. Năm 1598, Vua James VI và I (Vua James VI của Scotland là người đã trở thành Vua James I của nước Anh năm 1603), đã tuyên bố rằng “Nhà Vua là Lãnh chúa tối cao của toàn lãnh thổ; do đó ngài là Chủ nhân của mọi thần dân sinh sống trên vùng đất đó, có quyền quyết định việc sống hay chết của mọi người trong lãnh thổ. Một vị Quân vương anh minh sẽ không lấy đi sinh mạng của bất kỳ thần dân nào mà không thông qua một đạo luật minh bạch, thế nhưng các đạo luật mà ngài dựa vào để phán quyết thì đều do bản thân ngài hoặc ông cha của ngài đặt ra, và do đó quyền lực luôn nằm trong gia tộc ngài …Tôi đã chứng minh một cách đầy đủ, rằng nhà Vua đứng trên pháp luật, vừa với tư cách là đấng sáng tạo vừa là người ban sức mạnh.”8
Chủ nghĩa chuyên chế đi kèm với một lý thuyết kinh tế: chủ nghĩa trọng thương, với tư tưởng chính là nhà vua và các triều thần của ông ta điều hành các ngành nghề kinh doanh, cấm doanh nghiệp này và trợ cấp cho doanh nghiệp kia, cấp độc quyền cho các doanh nghiệp được yêu thích (một thực tế bây giờ được gọi là chủ nghĩa thân hữu), “bảo vệ” các chủ sở hữu những ngành công nghiệp địa phương chống lại sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu có giá thấp hơn, và quản lý thương mại nói chung vì lợi ích của những thế lực thống trị thuộc nhà nước, với mục đích đưa tiền vào ngân khố quốc gia.9
Chủ nghĩa tự do nổi lên như một phong trào bảo vệ nền tự do của xã hội dân sự chống lại những xâm lấn của thế lực chuyên chế, chống lại tình trạng độc quyền và đặc quyền, chủ nghĩa trọng thương, chủ nghĩa bảo hộ, chiến tranh, và nợ công, đồng thời ủng hộ các quyền dân sự và nền pháp trị. Phong trào đã thu hút nhiều sự chú ý. Nổi bật trong số đó là những tư tưởng về quyền cá nhân đã được khớp nối bởi những triết gia kinh viện người Tây Ban Nha ở Salamanca, họ đã bảo vệ cả nền kinh tế thị trường lẫn các quyền của người da đỏ bị áp bức trước những lãnh chúa Tây Ban Nha tham lam, cũng như những học thuyết về quy luật và các quyền tự nhiên được khớp nối bởi những nhà tư tưởng Đức và Hà Lan, tuy nhiên người ta cho rằng phong trào tự do toàn diện đầu tiên nổi lên trong suốt cuộc nội chiến ở Anh: phong trào Levellers.10 Phong trào Lavellers đã đấu tranh cho phe quốc hội trong cuộc Nội chiến Anh (1642 – 1651) vì một chính phủ lập hiến và hạn chế, tự do về tôn giáo, tự do thương mại, bảo vệ tài sản, quyền được kiếm sống, quyền bình đẳng cho mọi người. Họ là những người cấp tiến, những người theo chủ nghĩa bãi nô, và những người ủng hộ quyền con người cũng như thúc đẩy hòa bình. Họ là những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân.
Những ý tưởng đó – về quyền cá nhân, về chính phủ hạn quyền, về tự do tư tưởng, tôn giáo, ngôn luận, thương mại, sản xuất, và du lịch – là những tư tưởng cởi mở, phá vỡ những ràng buộc cũ kĩ, tạo ra nhiều của cải chưa từng thấy cho thường dân, và hạ gục từng đế chế thống trị một. Chế độ nô lệ được chấm dứt ở châu Âu, Bắc Mỹ, và ở Nam Mỹ, mà đỉnh cao là việc loại bỏ chế độ nô lệ ở Brazil vào ngày 13 tháng 5 năm 1888. Chế độ phong kiến đã bị loại bỏ. Những nông nô ở Châu Âu đã được giải phóng, có những vùng là sự giải phóng hoàn toàn, có những vùng theo từng giai đoạn: Áo vào năm 1781 và 1848; Đan Mạch vào năm 1788; Serbia vào năm 1804 và 1830; Bavaria vào năm 1808; Hungary và Croatia vào năm 1848; Nga vào năm 1861 và 1866; và Bosnia và Herzegovina vào năm 1918.
Phong trào tự do không chỉ phát triển ở châu Âu và các thuộc địa của châu Âu, mà còn lan tỏa tới thế giới Hồi Giáo, Trung Quốc, và nhiều nơi khác nữa, dựa trên những truyền thống tự do của địa phương. Những tư tưởng của chủ nghĩa tự do cá nhân không chỉ đơn thuần là sản phẩm của một nền văn hóa; mỗi nền văn hóa và mỗi truyền thống đều có một câu chuyện về tự do, cũng như câu chuyện về quyền lực. Châu Âu đã sản sinh ra Voltaire và Adam Smith, nhưng sau đó cũng sinh ra Mussolini, Lenin, và Hitler. Marx, người mà tạo ra học thuyết thống trị Trung Quốc trong nhiều thập kỷ, không phải là người Trung Quốc, mà là người Đức. Những nhà hiền triết và tiếng nói của chủ nghĩa tự do cá nhân có thể được tìm thấy trong mọi nền văn hóa, cũng như chúng ta có thể tìm thấy ở đây những người ủng hộ chế độ chuyên quyền tuyệt đối. Chủ nghĩa tự do cá nhân bắt rễ trên toàn thế giới, kết nối với những truyền thống tự do cá nhân bản địa, đặc biệt ở châu Phi và châu Á, cũng như những kết nối tái khám phá ở châu Âu, châu Mỹ Latin và Bắc Mỹ.
Phong trào chủ nghĩa tự do cá nhân đương đại không chỉ xây dựng dựa trên kinh nghiệm của các nhà tự do trước đó trong cuộc chiến chống chủ nghĩa chuyên chế, mà còn dựa vào kinh nghiệm về những chế độ thậm chí còn khắc nghiệt hơn, đe dọa đến tự do và nền văn minh nhân loại: chế độ độc tài. Trong thế kỷ XIX, cơn thủy triều của tư tưởng chủ nghĩa tự do cá nhân đã bắt đầu lên đến đỉnh. Những hệ tư tưởng chính trị mới, dựa trên những truyền thống xa xưa về quyền lực, nổi lên thách thức chủ nghĩa tự do cá nhân. Chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa phát xít, và tất cả những hình thái kết hợp giữa các chủ nghĩa này, đều dựa trên cơ sở nền tảng của chủ nghĩa tập thể. Cá nhân không được xem như một chủ thể nắm giữ các quyền; mà những chủ nghĩa này khẳng định rằng quyền và lợi ích của dân tộc, giai cấp, hay chủng tộc mới quan trọng, tất cả các điểm này được thể hiện thông qua quyền lực nhà nước.
Vào năm 1900, một biên tập viên cổ vũ cho chủ nghĩa tự do cá nhân làm việc cho tờ The Nation, E. L. Godkin, đã viết trong một bài xã luận một cách chán nản, “Họa hoằn chăng chỉ còn một số ít những người già từ thế hệ trước tiếp tục duy trì học thuyết Tự Do, và khi họ ra đi hết, nó (học thuyết Tự Do – ND) sẽ không còn ai để che chở”. Ớn lạnh hơn, ông đã dự đoán sự áp bức kinh hoàng của chủ nghĩa tập thể và chiến tranh mà cái giá của nó là hàng trăm triệu sinh mạng ở thế kỷ tiếp theo: “Chúng ta không còn nghe thấy tiếng nói của những quyền tự nhiên nữa, mà là tiếng than của những chủng tộc thấp kém, họ phải phục tùng sự cai trị của một nhóm người mà Chúa tạo ra với những ưu thế vượt trội hơn. Lối ngụy biện cũ về quyền lực thần thánh đã một lần nữa khẳng định sức mạnh tai hại của nó, và trước khi nó tiếp tục bị bác bỏ thì chúng ta sẽ phải trải qua các cuộc đấu tranh quốc tế trên một quy mô kinh hoàng.”11 Và rồi điều này cũng đã xảy ra. Hậu quả là cuộc tàn sát người hàng loạt trên quy mô chưa từng thấy, những hệ thống nô dịch hàng loạt trên một quy mô mới, và những cuộc chiến tranh thế giới đã tàn phá châu Âu, Á-Âu, châu Á và có tác động lan tỏa kinh hoàng ở Nam Mỹ, châu Phi, và Trung Đông.12
Những thách thức mà chủ nghĩa tập thể đã đặt ra đối với tự do, với nền văn minh nhân loại, với sự sống đã tác động mạnh mẽ tới phản ứng của những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân. Một trong số đó là làm mới lại những luận điểm dưới đây của tư tưởng chủ nghĩa tự do cá nhân, tất cả các luận điểm này đã bị phản đối bởi những hệ tư tưởng chủ nghĩa tập thể như chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa Xã hội Quốc gia, và chủ nghĩa phát xít:
♦ Thượng tôn tính nhân bản cá nhân như chỉnh thể đạo đức nền tảng, chứ không phải là tập thể, hay nhà nước, giai cấp, chủng tộc hay quốc gia;
♦ Chủ nghĩa cá nhân và quyền của mỗi con người trong việc theo đuổi hạnh phúc theo cách riêng của họ;
♦ Quyền sở hữu và nền kinh tế thị trường là giải pháp phi tập trung và hòa bình để đưa ra quyết định và phối hợp nhằm sử dụng hiệu quả tri thức của hàng triệu hay hàng tỷ người;
♦ Điều quan trọng của các hợp tác tự nguyện trong xã hội dân sự, bao gồm gia đình, cộng đồng tôn giáo, hợp tác với những người hàng xóm, hãng kinh doanh, liên đoàn lao động, xã hội thân thiện, hiệp hội ngành nghề, và vô số những hình thức khác là mang lại ý nghĩa và vật chất cho cuộc sống và giúp các cá nhân có được bản sắc độc đáo của họ thông qua những mối quan hệ đa dạng, những điều mà đã bị thay thế bởi sự mở rộng của quyền lực nhà nước;
♦ Thái độ kinh sợ đối với nhà nước, đối với sự tập trung quyền lực vào quân sự, và đối với những cơ quan nắm giữ quyền lực nhà nước.
Nhiều người đã góp phần vào sự hồi sinh của tư tưởng chủ nghĩa tự do cá nhân, đặc biệt là sau khi Thế Chiến thứ II kết thúc. Vào năm 1943, có ba quyển sách được xuất bản ở Mỹ đã mang những tư tưởng tự do cá nhân trở lại thời cuộc đó là: The Discovery of Freedom [Khám phá tự do] của Rose Wilder Lane, The God of the Machine [Chúa của máy móc] của Isabel Paterson, và một cuốn sách bán rất chạy của Ayn Rand The Foundtainhead (đã được dịch ra tiếng Việt với tên Suối nguồn – ND). Vào năm 1944 ở Mỹ, Ludwig von Mises đã công bố cuốn sách của ông Omnipotent Government: The Rise of the Total State and Total War [Chính phủ toàn năng: sự nổi lên của nhà nước toàn trị và chiến tranh toàn diện], và ở nước Anh F.A. Hayek đã công bố cuốn sách bán rất chạy để thách thức với kinh tế kế hoạch tập trung, The Road to Serfdom (đã được dịch ra tiếng Việt với tên Đường về nô lệ - ND). Cuốn sách của Hayek sau đó đã được phát hành và tôn vinh ở các nước khác. Hayek cũng đã tổ chức Hội Mont Pelerin, một cộng đồng quốc tế gồm các học giả tự do cổ điển mà cuộc họp đầu tiên đã diễn ra ở Thụy Sỹ vào năm 1947. Nhiều cuốn sách đã xuất hiện thêm sau đó, cũng như các cộng đồng, các hiệp hội, các nhà xuất bản, các viện chính sách, các câu lạc bộ sinh viên, những đảng phái chính trị, và nhiều điều khác nữa.13
Các viện chính sách cổ vũ cho những tư tưởng tự do cổ điển đã bắt đầu được mở ra. Làn sóng đầu tiên vào những năm 1940 và 1950, với những tổ chức mạnh mẽ như Viện Quản lý Công ở Australia (1943), Quỹ Giáo dục Kinh tế ở Mỹ (1946), và Viện các vấn đề kinh tế ở Anh (1955). Viện Cato đã được thành lập ở Mỹ vào năm 1977 và Viện Timbro đã được thành lập ở Thụy Điển vào năm 1978, như một phần của làn sóng các viện chính sách ủng hộ tư tưởng tự do cá nhân thứ hai, những nhóm chuyên gia đã thay đổi các cuộc thảo luận về chính sách công. (Hàng trăm đã ra đời kể từ sau đó và hầu hết đều liên kết với Atlas Network, tổ chức được thành lập bởi Sir Antony Fisher, cũng là người thành lập Viện các vấn đề kinh tế). Những trí thức nổi tiếng cũng đi theo bước chân của Paterson, Lane, Rand, Mises, và Hayek, có thể kể đến như triết gia Robert Nozick, H. B. Acton, và Antony Flew, và các nhà kinh tế được giả Nobel như James Buchanan, Milton Friedman, Ronald Coase, George Stigler, Robert Mundell, Elinor Ostrom, và Vernon Smith, và còn rất nhiều cái tên khác nữa, họ đã nâng cấp những lập luận về chủ nghĩa tự do cá nhân và áp dụng các tư tưởng của chủ nghĩa tự do cá nhân vào một mảng rộng lớn các vấn đề xã hội, kinh tế, pháp luật và chính trị.
Những tư tưởng về chủ nghĩa tự do cá nhân đã từng được nhiều người cổ vũ và bảo vệ trên khắp Trung Đông, châu Phi, châu Á, châu Mỹ-Latin, và các nước thuộc Liên Xô cũ, chủ nghĩa tự do cá nhân lại một lần nữa thích ứng với những vấn đề mới, đặc biệt nhu cầu xây dựng và củng cố những tổ chức xã hội dân sự và thực hiện công cuộc này trên cơ sở truyền thống bản địa ở các xã hội này. Các thể chế cần thiết này bao gồm những thói quen về việc thảo luận trong hòa bình, thay vì sử dụng vũ lực; tôn trọng lẫn nhau đối với những khác biệt về giới tính, chủng tộc, tôn giáo, hay ngôn ngữ; hệ thống pháp luật độc lập để phân xử một cách hòa bình; hệ thống về quyền sở hữu được xác định rõ ràng, đảm bảo về mặt pháp lý, và dễ dàng chuyển nhượng, để tạo điều kiện cho việc trao đổi của cải; tự do báo chí và thảo luận công khai; và những truyền thống cũng như có thể kiểm tra việc thực thi quyền lực.
Quá nhiều vấn đề cho một tổng kết ngắn gọn về lịch sử của chủ nghĩa tự do. Bây giờ chúng ta hãy tiếp cận theo một cách khác để hiểu hơn về chủ nghĩa tự do.
(Xem tiếp Phần 2)
Nguồn: Why Liberty: Your Life, Your Choices, Your Future, edited by Tom G. Palmer, Jameson Books; 1st edition, 2013.
Chú thích:
(1) Để đọc thêm về vấn đề này, tôi khuyến khích các bạn nên đọc: George H. Smith, The System of Liberty: Themes in the History of Classical Liberalism (Cambridge: Cambridge University Press, 2013).
(2) Joseph Schumpter, History of Economic Analysis, (New York: Oxford University Press), trang 394.
(3) Tôi đã bàn luận sâu hơn về sự trỗi dậy và phát triển của xã hội dân sự trong bài viết “Classical Liberalism and Civil Society: Definitions, History, and Relations” trong cuốn Civil Society and Government, biên soạn bởi Nancy L. Rosenblum và Robert C. Post (Princeton: Princeton University Press, 2001), trang 48-78, tái bản trong Tom G. Palmer, Realizing Freedom: Libertarian Theory, History, and Practice, (Washington, DC: Cato Institute, 2009).
(4) Henri Pirenne chú thích rằng “Những người dân thành thị về cơ bản chính là những con người của hòa bình”, Medieval Cities: Their Origins and the Revival of trade, (Princeton: Princeton University Press, 1969), trang 200.
(5) Henri Pirenne, Economic and Social History of Medieval Europe (New York: Harcourt Brace Jovanovich, 1937), trang 50. Trong các ngôn ngữ châu Âu, hai thuật ngữ “burgenses” and “civitas” đã được dùng để mô tả các trật tự xã hội mới. “Từ burgenses ban đầu được sử dụng để chỉ các thành phố không phải là “civitas” (một kiểu thành phố thời trung cổ với tường bao xung quanh – người dịch), và từ civitas ban đầu được dung chỉ ghế giám mục cũ ('Bischofsstadt')". Hans Planitz, Die Deutsche Stadt im Mittelalter: Von der Römerzeit bis zu den Zunftkämpfen (Graz, Austria, và Köln, Germany: Böhlau, 1954), trang 100. Burgensis và bürgerlich sau đó xuất hiện trong tiếng Anh qua một từ tiếng Pháp “bourgeois”. Sau đó các biến thể của những thuật ngữ này –bürgerlich/bourgeois và civil đã được sử dụng thay thế cho nhau. ("Burg" tiếp tục tồn tại trong tiếng Anh qua những cái tên như Hillsborough và Pittsburgh và trong tên của hội đồng đại diện lâu đời nhất ở các thuộc địa của Anh, the House of Burgesses.)
(6) Xem thêm Brian M. Downing, The Military Revolution and Political Change, (Princeton: Princeton University Press, 1992) và Charles Tilly, Coercion, Capital, and European States, (Oxford: Blackwell, 1992).
(7) Xem thêm Hendrik Spruyt, The Sovereign State and Its Competitors, (Princeton: Princeton University Press, 1994).
(8) “The Trew Law of Free Monarchies,” King James VI and I, Political Writings, biên tập bởi Johann P. Sommerville (Cambridge: Cambridge University Press, 1994), trang 75.
(9) Trong cuốn sách nổi tiếng xuất bản năm 1776, An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations [Tìm hiểu về bản chất và nguyên nhân cho sự phồn thịnh của các quốc gia], Adam Smith không chỉ chỉ ra nguyên nhân của "sự phồn thịnh của các quốc gia", mà còn đi tìm “bản chất” của nó. "Sự phồn thịnh của các quốc gia" không phải là sự giàu có của giai cấp thống trị, của triều đình, hay vàng trong kho bạc của nhà vua. "Do đó, dựa trên con số lớn hơn hay nhỏ hơn có được khi chia những gì đã được sản xuất ra hoặc những gì được mua cho số lượng những người tiêu thụ, chúng ta có thể biết được quốc gia này sẽ có nhiều hay ít hơn các nhu yếu phẩm và tiện nghi.” Adam Smith, An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations tập 1, biên tập bởi R.H. Campbell và A.S. Skinner (Indianapolis: Liberty Fund, 1981), trang 10. Vì vậy, Adam Smith xác định sự giàu có của các quốc gia không phải dựa trên sự giàu có của triều đình mà bằng giá trị bằng tiền của tổng sản phẩm và dịch vụ do quốc giá đó sản xuất ra hàng năm chia cho tổng số người tiêu dùng. Quan niệm này của ông vẫn tồn tại ngày nay với tên gọi Tổng sản phẩm quốc nội. Trong một bài giảng, Adam Smith đã nói về nguyên nhân cho sự giàu có của các quốc gia như sau: "Một số điều tiên quyết để điều hành một nhà nước từ mức độ cao nhất đến thấp nhất đó là hòa bình, thuế nhẹ nhàng, và một chính quyền tôn trọng công lý; tất cả các yếu tố còn lại sẽ tự sản sinh, vì đó là bản chất tự nhiên vốn có của sự vật. Các chính phủ ngăn cản quá trình tự nhiên này, buộc mọi thứ phải theo một hướng đi khác, hoặc cố gắng để kìm hãm tiến bộ của xã hội tại một điểm nào đó đều là trái với quy luật tự nhiên. Và để phục vụ cho mưu đồ của mình, họ thường tự biến họ thành nhà nước áp bức và chuyên chế.” Trích dẫn bởi Dugald Stewart từ một bản thảo đã thất lạc trong cuốn “Account of the Life and Writings of Adam Smith, LLD" [Cuộc đời và Tác phẩm của Adam Smith, LLD], trong Adam Smith, “Essays on Philosophical Subjects”, biên tập bởi W. P. D. Wightman và J. C. Bryce, tập 3 của Glasgow Edition of the Works and Correspondence of Adam Smith, (Indianapolis: Quỹ Liberty, 1982), trang 322.
(10) Xem thêm The English Levellers, biên tập bởi Andrew Sharp, (Cambridge: Cambridge University Press, 1998).
(11) E. L. Godkin, “The Eclipse of Liberalism”, The Nation, 9/8/1900, tái bản trong The Libertarian Reader, (New York: The Free Press, 1997), trang 324-326. Godkin đã có những nhận định đáng chú ý về nguyên nhân sự thoái trào của chủ nghĩa tự do: "Sự tiến bộ trong đời sống vật chất của thời đại phần lớn có được là nhờ những nguyên tắc của chủ nghĩa tự do. Thoát khỏi sự can thiệp phiền phức của các chính quyền cai trị, con người có thể cống hiến cho các công việc tự nhiên vốn có của họ - cải thiện điều kiện sống và thành quả là những thành tựu, tiến bộ tuyệt vời mà chúng ta có thể thấy xung quanh mình. Tuy nhiên, sự tiện nghi về vật chất dường như đã làm mù mắt thế hệ ngày nay, khiến họ trở nên bàng quan và thờ ơ với điều đã làm nên sự thay đổi đó. Trong lĩnh vực chính trị, chủ nghĩa tự do đang đi xuống và gần như không còn tồn tại."
(12) Một số nghiên cứu quan trọng gần đây về việc giết người hàng loạt và nô dịch của những chế độ Cộng sản và Quốc xã (Đức Quốc xã) bao gồm Anne Applebaum, Gulag: A History (New York: Random House, 2003), Timothy Snyder, Bloodlands: Europe Between Hitler and Stalin (New York: Basic Books, 2010), và Frank Dikötter, Mao’s Great Famine, The History of China’s Most Devastating Catastrophe, 1958-1962 (New York: Walker & Co., 2010).
(13) Theo quan điểm của người Mỹ, phần lớn câu chuyện này đã được Brian Doherty “màu mè hóa”, trong Radicals for Capitalism: A Freewheeling History of the Modern American Libertarian Movement (New York: Public Affairs, 2007).