Không có tự do, không có nghệ thuật: Không có nghệ thuật, không có tự do
Như thường được phát biểu, tự do rất quan trọng đối với nghệ thuật; tuy vậy, nghệ thuật cũng rất quan trọng đối với tự do. Nghệ thuật phá bỏ những lối mòn và buộc chúng ta phải suy nghĩ. Nghệ thuật là bất khả thi nếu thiếu tự do, thế nhưng tự do cũng sẽ bất khả thi nếu không có nghệ thuật. Sarah Skwire là một học giả tại Liberty Fund [Quỹ Tự do] và cũng là tác giả của cuốn giáo trình đại học nổi tiếng về kỹ năng viết với tựa đề “Writing with a Thesis”. Bà có bằng Tiến sỹ Anh ngữ tại Đại học Chicago.
Vào năm 380 TCN, Plato lập luận rằng các nhà thơ là đối tượng nguy hiểm nếu được phép tồn tại trong nhà nước cộng hoà lý tưởng của ông.
Vào năm 8 SCN, Ovid bị trục xuất khỏi Rome vì lý do mà sau này ông miêu tả là “Một bài thơ và một lỗi lầm”.
Vào năm 722 SCN, nhà thơ Nhật Bản Asomioyu Hozumi bị trục xuất đến đảo Sado do cả gan chỉ trích Nhật hoàng.
Vào năm 1642 SCN, chính phủ của Oliver Cromwell ra lệnh đóng cửa tất cả các nhà hát tại London.
Vào năm 1815 SCN, Goya bị giải đến trước Bồi thẩm đoàn - những người này đề nghị ông giải trình ai đã ra lệnh cho ông vẽ bức “Maja khoả thân”. Không lâu sau đó, ông mất công việc họa sỹ ở tòa án Tây Ban Nha.
Vào năm 2012 SCN, ban nhạc punk của Nga, Pussy Riot bị bắt và chịu mức án phạt 2 năm tù tại một trại biệt giam với tội danh biểu diễn ca khúc chống chính phủ tại một giáo đường.
Làm một nghệ sỹ có nghĩa là có thể bị tổn thương, bị tác động do bàn tay kiểm soát của chính phủ bất cứ lúc nào. “Cuộc thanh trừng vĩ đại” của Stalin trong những năm 1920 và 1930 đã bắt giam hai ngàn nhà văn, nghệ sỹ và trí thức. Xấp xỉ một ngàn năm trăm người trong số họ đã chết trong tù. Chính phủ Quốc xã của Hitler đặt quyền kiểm soát tất cả các loại hình nghệ thuật vào tay của Bộ Tuyên truyền vào năm 1933, và trại tập trung Theresienstadt đã được lập ra chuyên để bắt giam và giết hại các nghệ sỹ và trí thức. Và tới bây giờ, chúng ta vẫn chưa biết được bao nhiêu nghệ sỹ đã chết, biến mất, bị trù dập và bị phá huỷ tác phẩm trong suốt “thập kỷ mất mát” (1966-1976) trong Cách mạng Văn hoá của Mao Trạch Đông.
Chúng ta có may mắn được sáng tạo nghệ thuật trong thế giới phương Tây tự do của thế kỷ hai mươi mốt, và không phải nghĩ quá nhiều về tự do nghệ thuật. Khi chúng ta nhắc đến điều này, chúng ta thường coi đó là một vấn đề mang tính thẩm mỹ - sự tự do sáng tạo cá nhân trong việc lựa chọn công cụ chúng ta mong muốn hay lựa chọn phong cách để thể hiện sâu sắc nhất ý tưởng của mình. Chúng ta nghĩ về tự do nghệ thuật như một sự hoàn thành khát khao được tạo nên những hình ảnh và từ ngữ chúng ta mong muốn mà không bị lệ thuộc vào bất kỳ quy tắc hay phong cách cứng nhắc nào. (Như hoạ sỹ kiêm nhiếp ảnh gia Ben Shahn đã từng viết, nếu để các nghệ sỹ tự chọn trường phái cho mình thì họ sẽ chọn “không trường phái”). Hầu như chúng ta không biết rằng vào năm 2001, một đài phát thanh đã bị FCC1 phạt 7000 USD khi phát màn hài kịch “Your Revolution Will Not Happen Between These Thighs” [Cuộc cách mạng của anh sẽ không diễn ra giữa hai cái đùi này] của nghệ sỹ hài Sarah Jones. Và chúng ta có lẽ sẽ cười trước nghịch lý rằng một bản nhạc rap được viết nhằm phản đối việc khắc hoạ hình ảnh phụ nữ mang nhiều dục tính trong văn hoá hip-hop lại bị coi là có chứa “những nội dung mang tính xúc phạm tình dục rõ ràng” và “có vẻ như được viết cho mục đích kích động và gây sốc”.
Chúng ta thường có xu hướng bỏ qua những ví dụ có vẻ lặt vặt của việc đàn áp như trên. Trong văn hoá phương Tây thế kỷ hai mươi mốt, kiểm duyệt nghệ thuật chỉ dành cho những kẻ đầu óc hẹp hòi dễ bị kích động. Thật là ngu xuẩn thay những kẻ biểu tình phản đối bộ sách Harry Potter vì cho rằng nó cổ vũ cho chủ nghĩa Satan, và cũng thật ngu xuẩn thay cho những kẻ ở “Trung tâm tài nguyên âm nhạc cho các bậc cha mẹ” đã lập nên danh sách “Mười lăm bài hát độc hại” - tập hợp những ca khúc rock mà họ cho là quá nguy hiểm cho trẻ em. Sống “trong lòng sự thật” sẽ biến thành bất khả nếu một xã hội và các thành viên của nó không được tự do sáng tạo nghệ thuật.
Lý giải thực trạng này, thành viên Eric Idle của nhóm Monty Python2 viết: “Ít nhất có một phương thức để đo lường sự tự do của bất kỳ xã hội nào đó thông qua số lượng các màn hài kịch bị cấm, và rõ ràng một xã hội lành mạnh cho phép nhiều bình luận mỉa mai hơn là một xã hội đàn áp”. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy quan điểm chính trị công khai trong các tác phẩm của nhóm Monty Python như Life of Brian [Cuộc đời của Brian], và đặc biệt là tác phẩm Monty Python and the Holy Grail [Nhóm Monty Python và chiếc chén thánh]. Lập luận của Idle gợi ý rằng riêng việc sáng tạo hài kịch đã là một hành động chính trị, một hành động mà ngay từ bản chất tự thân đã phục vụ cho tự do. Sự ra đời của vở kịch Con vẹt3, cũng là một sự đấu tranh cho tự do như cuộc tranh luận về tính chính danh của các hình thức chính phủ trong tác phẩm Nhóm Monty Python và chiếc chén thánh. Mark Twain đã nói rằng “Sự bất kính chính là nhà vô địch của tự do và là người bảo vệ chắc chắn cho tự do”.
Nghệ thuật mang tính thay thế. Dù ở bất cứ hình thức nào, nghệ thuật bắt buộc người thưởng thức phải điều chỉnh lại những tư duy cũ kỹ, cân nhắc lại những khái niệm cũ kỹ và cấu trúc lại những phương thức lỗi thời. Emily Dickinson đã từng nói, “Nếu tôi cảm thấy, xét về mặt thể xác, toàn bộ phần đỉnh đầu của mình bị cắt mất thì tôi biết rằng đó chính là thi ca”. Cùng cảm giác này với Emily Dickinson, E.E. Cummings4 từng viết rằng ý niệm của ông về thủ pháp thi ca có thể được biểu hiện trong vòng “15 từ, bằng cách trích dẫn Những câu hỏi đáp khôi hài kinh điển”, ví dụ như ‘Liệu bạn có dùng một đứa trẻ để đánh một người phụ nữ không? - Không, tôi đánh cô ta bằng một hòn gạch’. Và Margaret Atwood cũng đã tạo nên trải nghiệm tương tự cho độc giả với bài thơ “You Fit Into Me” [Anh vừa vặn vào em]:
Anh vừa vặn vào em
Như cái móc nhọn cài vào mắt khuy tròn.
Như lưỡi câu
Và đôi mắt mở to.5
Nghệ thuật xảy ra khi nhận thức của chúng ta bị thay đổi. Đó là sự khác biệt khi chúng ta nhìn những bức hoạ theo trường phái chấm bi (Pointilist) từ khoảng cách một bước chân và khi nhìn từ bên kia căn phòng; là sự mâu thuẫn giữa những bộ phim của Laurence Oliver và Kenneth Branagh chuyển thể từ vở kịch Henry V của Shakespeare; khi những đồ vật thường ngày được coi là tác phẩm nghệ thuật; hay khi John Cage quả quyết rằng yên lặng là âm nhạc của chính nó. Nghệ thuật đòi hỏi chúng ta liên tục điều chỉnh lại những kỳ vọng và xem xét lại những gì chúng ta nghĩ là đã biết. Những trải nghiệm trong nghệ thuật, dù là của tác giả hay người thưởng thức, khiến cho chúng ta trở nên linh hoạt hơn trong tư duy. Và chính tư duy linh hoạt đó tự thân nó đã là một hình thái của tự do.
Nhưng không chỉ cảm giác về tự do đi cùng những cảm xúc thẩm mỹ khiến cho tôi nói rằng nghệ thuật tiến bộ vì tự do. Nghệ thuật đòi hỏi chúng ta suy nghĩ. Nhưng nó không yêu cầu chúng ta phải nghĩ về chỉ một điều duy nhất nào đó. Nó trao cho chúng ta sự tự do để diễn đạt sự đa chiều trong ý kiến của chúng ta. Nghệ thuật, giống như tự do, không có chỗ cho ý thức hệ. Walt Whitman đã viết:
Liệu tôi có mâu thuẫn với bản thân mình
Thật là tốt khi tôi mâu thuẫn với bản thân mình,
(Tôi rộng lớn, trong tôi chứa đựng rất nhiều thứ.)6
Ralph Waldo Emerson cũng quan sát được điều tương tự rằng “Sự nhất quán ngu ngốc chính là ông ba bị của những người có đầu óc hạn hẹp, những người kiểu này rất được nhà nước, triết gia và quý tộc yêu quý. Còn một tâm hồn vĩ đại thì sẽ không biết làm gì với sự nhất quán”. Với rất nhiều nghệ sỹ, ý niệm phải đưa ra một ý kiến cứng nhắc, cuối cùng về một sự vật nào đó nói thẳng ra là chẳng có ý nghĩa gì. Sự hiểu biết xuất hiện thông qua quá trình sáng tạo nghệ thuật – cũng như tri thức xuất hiện thông qua sự tương tác trong một xã hội tự do, hay giá cả xuất hiện thông qua những tương tác trong một thị trường tự do. Graham Wallas, đồng sáng lập của Trường kinh tế London, đã từng viết “Một cô bé đã buột miệng thốt ra những câu thơ tự phát như sau khi được người khác hỏi rằng liệu cô bé biết ý nghĩa những điều cô bé sẽ nói: ‘Làm sao cháu biết được cháu nghĩ gì cho đến khi cháu nói ra ?’”. Nghệ thuật cho phép chúng ta nghĩ theo kiểu yêu và ghét cùng lúc - tôi yêu và tôi ghét. Nó vừa cho chúng ta cơ hội tán thưởng chủ nghĩa anh hùng của nhân vật Henry V lại vừa xót xa cho cái giá của chiến tranh. Và nó cho thấy rằng có nhiều thứ có thể cùng đúng tại một thời điểm, và có thể có rất nhiều quan điểm trong cùng một bối cảnh.
Nghệ thuật cho phép các ý tưởng được vui đùa sáng tạo. Chính nhờ sự vui chơi sáng tạo này mà những tiến bộ vĩ đại nhất đã ra đời. Đó chính là điều nhà khoa học Matt Ridley muốn đề cập khi ông nói “bạn cần phải hiểu cách thức con người mang não bộ của họ đến với nhau và cho phép các ý tưởng của họ được kết hợp và tái kết hợp, được gặp gỡ và kết đôi. Nói nôm na, bạn phải hiểu cách các ý tưởng đã giao phối với nhau”. Đây chính là không gian tự do mang tính nghệ thuật và tri thức đã được Ronald Regan ca ngợi. Nhà chính trị gia từng có một thời gian dài làm diễn viên trước đây nói: “Trong bầu không khí của tự do, các nghệ sỹ và các nhà bảo trợ của họ được tự do nghĩ đến những điều không tưởng và tạo ra những sản phẩm táo bạo, họ được tự do tạo nên những sai lầm khủng khiếp lẫn những công trình đầy vinh quang”.
Những tác phẩm đầy táo bạo đó - hay con đẻ từ giao phối trí óc - xuất hiện ở khắp mọi nơi, thậm chí dưới những điều kiện tồi tệ nhất. Nghệ thuật, xét cho cùng được tạo nên trong những chế độ áp bức nhất và trong những nhà tù tăm tối nhất. Lindy Vopnfjord, một nhạc sỹ và đồng thời cũng là một người theo chủ nghĩa tự do cá nhân đã nói “Khao khát tự do là động lực quan trọng nhất cho tính sáng tạo trong mỗi nghệ sỹ; đó là lý do tại sao những nơi bị áp bức nhất lại là nơi thứ nghệ thuật đẹp đẽ và đầy quyền uy nhất được tạo nên”. Thật kinh ngạc khi một số người còn gợi ý rằng sức sống mãnh liệt của tinh thần nghệ thuật khi đối diện với sự đàn áp hàm ý rằng để có thứ nghệ thuật tuyệt phẩm, bạn phải cần chút ít chuyên chế. Federico Fellini lập luận rằng “Nếu một người nghệ sỹ được tự do làm bất kể điều gì người ấy muốn, cuối cùng người ấy sẽ chẳng làm nên cơm cháo gì hết. Nếu có một điều nào nguy hiểm đối với một nghệ sỹ, đó chính xác là câu hỏi về tự do tuyệt đối, chờ đợi cảm hứng và những gì diễn ra tiếp theo”. Nếu như người nghệ sỹ chẳng còn gì mà phản đối thì lấy đâu ra động lực sáng tạo?
Đó là một quan điểm. Tuy nhiên Albert Camus cương quyết rằng bất kỳ sự hạn chế nào đều là do tự mình tạo ra mà thôi. Ông viết: “Không có tự do, không có nghệ thuật; nghệ thuật chỉ tồn tại dựa trên những rào cản nó tự tạo ra cho mình và chết vì những rào cản từ bên ngoài”. Một quy tắc được coi là một thử thách nghệ thuật dựa trên tinh thần tự nguyện hoàn toàn khác với một luật lệ được áp đặt từ bên ngoài. Keats cũng lập luận tương tự trong bài thơ “On the Sonnet” khi ông viết: “…Nếu như chúng ta nhất định phải bị kiềm chế,/…Nếu như chúng ta không thể cho Nàng Thơ được tự do,/Thì nàng sẽ được bao quanh bởi sự dịu dàng của chính nàng”7. Và vì thế chúng ta cần phải lưu giữ nghệ thuật của chúng ta và bảo vệ nó khỏi những người muốn áp đặt những hạn chế vô lối của họ lên những tác phẩm đầy táo bạo của chúng ta - bất kể họ tuyên bố rằng họ làm như vậy là vì “lợi ích của chính chúng ta” hay là “vì lợi ích của xã hội”.
Ivan Grigoryevich, nhân vật chính trong tiểu thuyết Forever Flowing [Trôi mãi] của nhà văn Vasily Grossman đã lập luận rằng thật vô ích khi nghĩ rằng tự do nghệ thuật, tự do xã hội và tự do chính trị của chúng ta riêng rẽ với nhau.
Tôi đã từng nghĩ tự do là tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do nhận thức. Nhưng tự do là chính cuộc sống của mỗi người. Đối với bạn thì nó có nghĩa là: “Bạn có quyền được khâu vá cái gì bạn muốn - giày hay áo khoác tuỳ ý, có quyền nướng bánh mì từ bột mì xay từ ngũ cốc bạn đã gieo, có quyền bán hoặc không bán tuỳ ý; đối với một chủ xưởng tiện, một công nhân thép hay một nghệ sỹ thì điều quan trọng chính là được sống như cách mình muốn, được làm như cách mình muốn chứ không phải là do người khác ra lệnh cho mình. Và trong đất nước của chúng ta không hề có tự do – không có tự do cho người viết sách, người gieo hạt cũng như người thợ làm giày.
Có những người nghệ sỹ đã chết vì những tác phẩm được tạo ra từ những chiếc máy quay, cây cọ, bút mực, dao khắc, nhạc cụ, giày nhảy - những dụng cụ mà chúng ta đang dùng để tạo ra nghệ thuật. Nói cho cùng, chúng ta hoàn toàn có quyền sử dụng những công cụ trên để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật theo cách mà mình thích, làm những công việc mà mình mong muốn và tạo điều kiện cho người khác tiếp cận nghệ thuật và tự do. Nghệ thuật được sinh ra từ tự do, và đến lượt mình nó lại sinh ra tự do. Quy trình này vừa tầm thường lại vừa quan trọng, vừa thô kệch lại vừa đẹp đẽ. Tự thân nó sẽ không cứu rỗi được chúng ta. Nhưng thiếu nó chúng ta không thể được cứu rỗi. Nghệ thuật, như Richard Wilbur đã nói “luôn là một vấn đề, hỡi em thân yêu ạ/giữa sự sống hay cái chết, mà anh đã lãng quên.”
Chú thích:
(1) Federal Communications Commission: Uỷ ban Truyền thông Liên bang, cơ quan độc lập của chính phủ Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề về truyền thông
(2) Tên một nhóm hài kịch nổi tiếng của Anh - ND
(3) Tên tiếng Anh: Parrot Sketch. Đây là một series hài kịch truyền hình nổi tiếng của nhóm Monty Python - ND
(4) Edward Estlin Cummings (1894 - 1962), thường viết là e. e. cummings, là một nhà thơ, họa sĩ, nhà soạn kịch, nhà văn người nổi tiếng người Mỹ. Vì trong nhiều tác phẩm của ông, phần tên tác giả được đánh máy là e.e.cummings nên tên ông thường được viết là e.e.cummings - ND
(5) Nguyên tác tiếng Anh:
“You fit into me
like a hook into an eye
a fish hook.
an open eye”.
Ở đây tác giả dùng lối chơi chữ, “hook” and “eye” trong câu thứ 2 là cái móc cài và khuy cài bằng kim loại thường thấy trên áo lót phụ nữ. Còn từ “hook” và “eye” ở các câu sau mang nghĩa lưỡi câu cá và đôi mắt. - ND
(6) Nguyên bản tiếng Anh:
Do I contradict myself?
Very well then I contradict myself,
(I am large, I contain multitudes.)
(7) Nguyên tác tiếng Anh: “. . . if we must be constrain’d, / . . . if we may not let the Muse be free, / She will be bound with garlands of her own.”
Nguồn: Why Liberty: Your Life, Your Choices, Your Future, edited by Tom G. Palmer, Jameson Books; 1st edition, 2013