[Những nền tảng của xã hội tự do] - Chương 6: Sở hữu và công lí

[Những nền tảng của xã hội tự do] - Chương 6: Sở hữu và công lí

Trong Chương 4 chúng ta đã thấy rằng “công lí” có ý nghĩa đặc thù – đấy là cách thức mọi người phải cư xử với nhau chứ không phải cách thức chia phần thưởng cho những hành động của họ. Nhưng luật lệ chi phối cách thức các cá nhân đối xử với nhau lại khá phức tạp. Giữ gìn và buộc người ta tôn trọng những luật lệ đó đòi hỏi phải có những giá trị và thiết chế xã hội nhất định – như sở hữu, chế độ pháp quyền và tôn trọng quyền của những người khác.

Sở hữu tư nhân

Ý nghĩa của sở hữu tư nhân

Quyền sở hữu của người dân là nền tảng cho hoạt động của xã hội tự do. Quyền sở hữu có nghĩa là bạn có thể nắm giữ và kiểm soát một cái gì đó – và quan trọng là – bạn có quyền không cho người khác nắm giữ hay kiểm soát nó. Bạn có thể thụ hưởng, cho người khác thuê, bán, cho hay thậm chí là phá hủy tài sản của mình, nhưng những người khác không thể sử dụng hay lấy khi chưa được bạn cho phép. Không ai có thể tước đoạt một cách hợp pháp tài sản của bạn.

Cá nhân cũng như các nhóm người, các đôi vợ chồng, các quan hệ đối tác kinh doanh, các công ti, các chính phủ và các tổ chức xã hội đều có thể sở hữu tài sản.

Tài sản không phải lúc nào cũng là một cái gì đó thuộc thế giới vật thể và không thể di chuyển được như mảnh đất hay ngôi nhà. Nó có thể là vật thể di chuyển được, như gia súc, máy kéo hay quần áo. Nó cũng có thể là một cái gì đó phi vật thể. Nó có thể là sở hữu trí tuệ, như nhãn hiệu hàng hóa hay bản quyền về tác phẩm mà bạn sáng tác ra hay ghi lại hoặc bằng sáng chế một cái gì đó mà bạn thiết kế được. Đấy cũng có thể là cổ phần của một công ti mà bạn nắm giữ, là khoản tiền mà người khác nợ bạn hay món tiền tiết kiệm của bạn. Nó có thể là hợp đồng thuê mảnh đất của ai đó trong một giai đoạn nào đó hay quyền sử dụng tần số nào đó của đài phát thanh. Như vậy là, tài sản không phải lúc nào cũng là một cái gì đó cố định và thuộc về thế giới vật thể.

Tài sản cũng có thể được tạo ra. Cái máy kéo hay bộ quần áo, tức là món tài sản mới được tạo ra từ những thành tố cấu thành. Gia súc được cho ăn và nuôi lớn. Người ta sáng tác hay tiết kiệm thêm. Kĩ thuật số cho phép tạo ra rất nhiều kênh phát sóng cho điện thoại cầm tay – một hình thức sở hữu hoàn toàn mới.

Quan trọng là, tài sản của bạn còn bao gồm cả quyền của bạn đối với chính cơ thể của mình và quyền của bạn được thụ hưởng thành quả lao động của chính bạn. Trong xã hội tự do, bạn không thể bị bắt hay bị cầm tù mà không có lí do chính đáng. Theo pháp luật, không ai có thể ép bạn làm việc cho người khác. Cũng không ai được phép ăn cắp những thứ mà bạn – nhờ tài năng, tài khéo, kiến thức hay lao động cần cù – đã tạo ra.

Tài sản và tiến bộ

Thiết chế sở hữu tư nhân cũng lâu đời như chính loài người, mặc dù không phải lúc nào người ta cũng tôn trọng nó. Ở Sparta cổ đại, ý tưởng về quyền sở hữu đã bị người ta đem ra chế giễu. Gần đây hơn, những nước như Nga và Trung Quốc đã thử nghiệm với quyền sở hữu tập thể về nhà máy và nông trại. Nhưng chỉ với sự chấp nhận một cách từ từ tài sản tư nhân và bảo vệ nó thì nền thương mại hiện đại mới xuất hiện – của cải trong những quốc gia thương mại gia tăng rất nhanh.

Dễ dàng biết vì sao. Nhà sinh thái học, Garrett Hardin, viết về “bi kịch của tài sản chung” . Khi người dân sở hữu nguồn lực thì họ sẽ quan tâm hơn đến việc giữ gìn và nuôi dưỡng nó hơn hẳn so với khi họ không sở hữu nó. Đất đai do tư nhân sở hữu được chăm sóc kĩ lưỡng hơn là đất đai của tập thể. Chiếu nghỉ và chân cầu thang các chung cư thường bẩn thỉu và lộn xộn, mặc dù phòng ở của các gia đình lại được giữ gìn sạch sẽ, đẹp đẽ. Người ta không thấy vì sao họ phải mất thì giờ và sức lực cho những thứ không thuộc về mình, vì những người khác sẽ hưởng thụ thành quả mặc dù những người đó chẳng làm gì.

Bảo vệ tài sản và tôn trọng quyền sở hữu tạo điều kiện cho người ta tích lũy vốn sản xuất. Người nông dân thích gieo cấy, chăm sóc cây cối và mua máy kéo hơn, nếu họ sở hữu sản phẩm do sức lao động của mình tạo ra. Doanh nhân sẽ chấp nhận rủi ro khi đầu tư vào nhà máy, thiết bị và dây chuyền sản xuất, nếu họ có thể tự quyết định tài sản này được sử dụng như thế nào và biết rằng những người khác không có quyền lấy của họ. Nếu quyền sở hữu được bảo vệ và được tôn trọng thì người ta sẽ tích lũy vốn sản xuất và năng suất lao động sẽ gia tăng, và toàn bộ xã hội sẽ được lợi. Nhưng nếu tài sản có thể bị người khác ăn cắp hay phá hoại hay một người nào đó có thể lấy những thứ mà nó tạo ra thì sẽ không còn động cơ khuyến khích người ta đầu tư kĩ năng, thời gian, tiền bạc, công sức và hiểu biết vào sản xuất nữa – và toàn bộ xã hội sẽ bị thiệt hại.

Quyền sở hữu và những quyền khác

Các quyền và quyền tự do mà người dân được hưởng trong xã hội tự do bám chặt vào thiết chế về sở hữu. Không có quyền sở hữu tư nhân thì cũng không có quyền tự do và những quyền khác.

Ví dụ, quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do tham gia vào tiến trình chính trị. Nếu không có quyền tư hữu – ví dụ, chính phủ kiểm soát tất cả các nguồn lực – làm sao các ứng viên có thể tổ chức được chiến dịch tranh cử? Muốn đưa ra thông điệp, họ sẽ phải thuê phòng họp, in truyền đơn và tuyên truyền trên sóng phát thanh hay tivi quan điểm của mình. Nhưng nếu chính phủ nắm tất cả các phòng họp, kiểm soát tất cả máy in và giấy và quản lí tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng thì họ có thể ngăn chặn chiến dịch tranh cử của bất kì ứng viên nào (Thực tế, nếu ứng viên có thái độ phê phán chính phủ hay chính sách của chính phủ thì khả năng này là rất cao). Tệ hơn nữa, nếu người dân không có tài sản riêng thì sẽ không còn gì có thể ngăn chặn được chính phủ chặn họng khi họ chỉ trích chính phủ bằng cách bắt tù hay thậm chí là giết chết (Thật là kinh khủng, nhưng có rất nhiều ví dụ như thế).

Không có tài sản thì cũng không có công lí. Nếu bạn không có quyền đối với cơ thể của mình, với lao động của mình và tài sản của mình thì người ta có thể lấy mà không cần phải đền bù. Nếu bạn không có quyền đối với cơ thể của mình thì bạn có thể dễ dàng bị bắt, bị bỏ tù và bị giết hại; nếu bạn không có quyền đối với lao động của mình thì bạn có thể bị người ta bắt làm nô lệ; nếu bạn không có quyền đối với của cải của mình thì bạn có thể bị tước đoạt. Không ai được bảo vệ nếu không có công lí.

Lợi ích về mặt đạo đức của quyền sở hữu

Sở hữu và bảo vệ quyền sở hữu tạo cho các cá nhân bộ đệm trước quyền lực của chính phủ và áp chế của những người khác. Sở hữu tài sản tạo cho các cá nhân khả năng tự bảo vệ mình, và tự lựa chọn, tự lập kế hoạch, theo đuổi tham vọng hay thể hiện quan điểm của cá nhân mình mà không lệ thuộc vào sự tùy tiện của những người khác, dù là cá nhân hay chính phủ thì cũng thế.

Tài sản, luật lệ buôn bán và trao đổi từ đó mà ra, tạo điều kiện cho các cá nhân hợp tác một cách hòa bình vì lợi ích chung. Nó tạo điều kiện cho họ sống bên nhau và chia sẻ cả nguồn lực tự nhiên lẫn thành quả lao động của mình theo những luật lệ đã được thỏa thuận, mà không cần tranh cãi, bạo lực và cưỡng ép.

Tài sản không chỉ thúc đẩy hợp tác một cách hòa bình, mà nó còn làm cho hợp tác trở nên bắt buộc đối với tất cả những người muốn cải thiện điều kiện sống của mình. Người ta không thể dùng vũ lực để lấy những thứ mà họ muốn. Tài sản có thể được chuyển giao – bán, thuê, chia sẻ, cho thuê hay cho đi – với sự đồng ý của chủ sở hữu. Xã hội càng tự do thì càng có những cơ chế nhằm bảo vệ quyền quan trọng này, ví dụ, luật lệ về trả nợ và tôn trọng hợp đồng. Những người tự do coi những biện pháp chuyển giao nguồn lực như thế là đạo đức hơn là bị cướp đoạt bằng bạo lực hay bị ăn cắp.

Miếng bánh trong xã hội

Việc này không chỉ làm lợi cho những người sở hữu tài sản. Tăng cường đầu tư, tích lũy vốn và thương mại làm cho tất cả xã hội đều được lợi. Ví dụ, người thành phố không có đất đai nhưng vẫn được ăn, đấy là nhờ người nông dân chăm sóc ruộng vườn của mình và tự nguyện bán sản phẩm cho người tiêu dùng. Mà đấy lại do quyền sở hữu ruộng đất và mùa màng của người nông dân mà ra. Trong những nước mà quyền sở hữu không được bảo vệ có kết quả khác hẳn – ví dụ, nước Zimbabwe của Robert Mugabe, nơi người dân được khuyến khích chiếm ruộng đất của các điền chủ như thể đấy là ruộng đất của mình. Khi các điền chủ bỏ đi (đa số là người da trắng), kết quả không phải là thịnh vượng hơn mà nghèo khó thêm: không có luật sở hữu đất đai rõ ràng, sản phẩm lập tức lao dốc và người dân thành thị lâm vào tình trạng thiếu hụt lương thực thực phẩm trầm trọng.

Vì vậy mà, trong xã hội tự do, bảo vệ quyền sở hữu tài sản là nhiệm vụ quan trọng của chính phủ. Nó giúp các cá nhân tự mình chống lại được sự áp chế của bọn tội phạm và của những nhóm ăn trên ngồi trốc giàu có và đầy quyền lực. Thiết chế tư hữu cho tất cả mọi người phần của mình trong xã hội và sự quan tâm tới hợp tác một cách hòa bình. Quyền sở hữu mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, vì nó khuyến khích người ta quản lí và sử dụng một cách hiệu quả tài sản có chủ, tạo điều kiện cho tích lũy và duy trì vốn sản xuất. Trong xã hội tự do, quyền sở hữu tài sản không phải là đặc quyền đặc lợi của một vài người. Nó là quyền của tất cả mọi người và mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.

Những điều luật của công lí

Đi tìm công lí

Công lí ám chỉ những điều luật cho phép thưởng và phạt. Dựa trên tình cảm chung của mọi người về cái mà người ta xứng đáng được nhận sau khi đã làm một việc gì đó. Ví dụ, nếu một cá nhân cố tình làm hại người khác thì đa số sẽ đồng ý rằng người đó phải đền bù cho nạn nhân và bị trừng phạt vì hành vi tội ác của mình.

Những điều luật của công lí không phải là cái mà chúng ta có thể tạo ra. Nó là một phần của chính bản chất của chúng ta. Một số người tin rằng “luật tự nhiên” (natural law) là do Chúa trời ban cho chúng ta và được mặc khải cho chúng ta qua tôn giáo của chúng ta. Những người khác, như F. A. Hayek, có quan điểm cách mạng, khẳng định rằng những điều luật của công lí đã và đang phát triển cùng với chúng ta, vì chúng giúp chúng ta – những sinh vật xã hội – sống cùng nhau một cách hòa bình. Trong cả hai trường hợp, dường như chúng ta có cảm giác tự nhiên về công lí, tức là cảm giác về những điều luật giúp thúc đẩy sự hợp tác và xã hội loài người hoạt động hữu hiệu. Nếu chúng ta không có cảm giác như thế và không cảm thấy bất công – nếu chúng ta không hành động khi có người bị cướp, hay bị giết, nói ví dụ thế – thì chúng ta không thể tồn tại được lâu.

Vì vậy, cơ quan lập pháp và cơ quan tư pháp trong xã hội tự do không thể hạ lệnh công lí là gì. Tất cả những điều luật mà người ta có thể ước mơ dường như không thể hoạt động tốt hơn những điều luật vốn là một phần bản chất của chúng ta. Tất cả những gì họ có thể mơ ước làm là tìm cho ra những luật lệ của công lí .

Có thể thấy điều này trong hoạt động của thông luật hay hệ thống luật pháp địa phương. Tranh chấp giữa các cá nhân – ví dụ, tranh chấp về phân giới giữa những người láng giềng – được đưa ra tòa. Tòa án phải quyết định thế nào là công bằng, trong những tình huống của vụ kiện đó. Vụ tranh chấp sau về phân giới có thể tương tự như thế ở một số mặt, nhưng không giống ở một số mặt khác và tòa phải, một lần nữa, cố gắng tìm cho ra kết quả công bằng. Các thẩm phán không thể tùy tiện quyết định. Họ áp dụng những nguyên tắc đã được công nhận từ lâu vào những hoàn cảnh mới. Và, thông qua quá trình kiểm tra kéo dài tương tự như vừa nói, sẽ dần dần hình thành nên nhận thức chung về cách hành xử giữa những người hàng xóm với nhau, hành vi nào được coi là công chính, còn hành vi nào thì bị coi là không công chính.

Công lí không phải là luật pháp, đạo đức hay bình đẳng

Tính chất cơ bản của các quy tắc của công lí trong xã hội tự do là phải áp dụng một cách bình đẳng đối với tất cả mọi người. Những người khác nhau, nhưng rơi vào hoàn cảnh giống nhau thì phải được đối xử như nhau.

Luật pháp và công lí không phải lúc nào cũng là một. Ví dụ, luật pháp có thể không phải bao giờ cũng đối xử với tất cả mọi người một cách bình đẳng. Luật pháp có thể do chính giới ăn trên ngồi trốc tạo ra, nhằm giúp đỡ bạn bè và làm hại kẻ thù. Đấy là những điều luật bất công.

Công lí và đạo đức không phải là một. Nhiều người có thể coi quan hệ tình dục trước hôn nhân là cực kì vô đạo đức. Nhưng điều đó không biến nó thành hành động bất công. Không có ai bị thiệt hại bởi những hành động có sự đồng thuận như thế; cho nên, theo quy tắc không gây hại, trừng phạt những người làm việc đó không phải là công lí. Nhắc lại, pháp luật mà làm như vậy là pháp luật không công bằng. Nếu pháp luật có thể trừng phạt một số người chỉ đơn giản vì một số người khác cho rằng hành vi của họ là chướng tai gai mắt, thì chẳng còn ai được hưởng một tí quyền tự do nào nữa.

Tương tự, bình đẳng không phải là công lí. Sự kiện một số người giàu, còn một số người khác thì nghèo không làm cho xã hội trở thành bất công. Xã hội bất bình đẳng cũng có thể là xã hội công chính, hệt như xã hội bình đẳng. Với điều kiện là người ta kiếm được tài sản một cách hợp pháp và không bị áp chế, họ hành động một cách hoàn toàn công chính.

Một số người phê phán sở hữu tư nhân nói rằng tài sản có thể là do trộm cắp mà ra. Nói thế là không đúng. Những người đầu tiên có thể rào một khoảnh đất hoang không ai muốn và chưa có ai sử dụng, không gây thiệt hại cho bất cứ người nào. Nếu sau này họ được lợi bằng cách nuôi trồng trên đó hoặc phát hiện khoáng sản nằm trong lòng đất bên dưới thì đó là họ gặp may: Không có ai trở thành nghèo khó hơn, vì thế mà không có sự bất công nào ở đây hết. Tương tự, nếu một doanh nhân sáng tạo ra một sản phẩm hoặc quá trình sản xuất mới, và trở nên giàu có từ việc bán nó cho những người người sẵn sàng mua, thì cũng không có người nào bị tổn thất: Ngược lại, đổi mới làm lợi cho cả thế giới.

Thực thi công lí

Mục tiêu chính của xã hội tự do là giảm sử dụng vũ lực. Nhưng công lí phải được thực thi bằng cách nào đó. Nếu có người làm hại người khác, thì chúng ta mong rằng họ sẽ bị trừng phạt, ví dụ, phạt tiền hoặc phạt tù. Điều đó có nghĩa là sử dụng vũ lực nhằm chống lại tội phạm. Muốn công lí thắng thế, thì nhất định phải cưỡng bức.

Xã hội tự do giải quyết nan đề này bằng cách giao độc quyền cưỡng chế cho chính quyền dân sự. Chỉ có họ mới có thể sử dụng vũ lực và ngay cả trong trường hợp đó cũng chỉ để thực thi công lí và bảo vệ công dân khỏi kẻ thù bên trong và bên ngoài mà thôi. Cá nhân không được sử dụng vũ lực.

Nếu chính phủ được độc quyền sử dụng vũ lực, thì việc sử dụng nó phải được hạn chế một cách nghiêm ngặt. Chính phủ, cũng từ những con người mà ra, và không người nào có thể được tin cậy đến mức được quyền sử dụng sức mạnh cưỡng bức một cách thản nhiên. Rất dễ bị cám dỗ trong việc sử dụng vũ lực vì lợi ích cá nhân.

Do đó, hệ thống tư pháp của xã hội tự do kết hợp những quy định chặt chẽ nhằm hạn chế sức mạnh cưỡng chế của chính quyền. Ví dụ, phải có quy tắc chặt chẽ về quyền hạn của các cơ quan điều tra và bắt giữ, cách thức xử án và xử phạt. Những quy định về thủ tục nói về cách thức ra quyết định, chứ không phải về những thứ được quyết định. Những quy định này phải được tuân thủ để cho quá trình truy tố được coi là công bằng và công chính.

Những đe dọa đối với công lí

Muốn cho cá nhân không bị sức mạnh cưỡng chế của chính quyền ngược đãi thì khuôn khổ pháp luật phải vững chắc. Nó có thể dễ dàng bị lờ đi, thậm chí bởi những người nghĩ rằng họ đang hành động vì công lí. Ví dụ, các vị thẩm phán đôi khi cũng nghĩ rằng công việc của họ là tạo ra một kết quả công bằng chứ không phải là tuân theo các quy tắc tố tụng. Nhưng thái độ tích cực như vậy trong ngành tư pháp sẽ đặt ý kiến cá nhân của thẩm phán cao hơn công lí. Đồng thời nó còn làm cho kết quả thủ tục tố tụng tư pháp trở thành không thể đoán trước được: Cùng một tội nhưng có thể bị những hình phạt khác nhau, tùy thuộc vào vị thẩm phán cụ thể nào đó. Và, nó còn cho những người có quyền lực gây được ảnh hưởng lớn hơn đối với kết quả xét xử: Nếu họ có thể hối lộ hoặc đe dọa các thẩm phán thì họ có thể thay đổi hình phạt. Nhưng nếu có những quy tắc mang tính thủ tục vững chắc mà người ta phải tuân thủ trong mọi trường hợp, thì có thể hạn chế được những ảnh hưởng như thế. Đây là biện pháp bảo vệ cực kì quan trọng dành cho những người phải đứng trước vành móng ngựa.

Cách tiếp cận khác, phá hoại ngầm việc thực thi công lí là ý tưởng về “công bằng xã hội”. Phân phối công bằng hơn của cải và thu nhập mâu thuẫn với các nguyên tắc về sở hữu và công lí. Muốn phân phối công bằng thì phải lấy tài sản của một số người và đem cho một số người khác. Lúc đó các luật lệ về quyền sở hữu, tức là những điều luật cung cấp cho người dân quyền nắm giữ và sử dụng nó theo ý mình, sẽ bị xé bỏ. Một lần nữa, khi chúng ta cho chính quyền quyền lực bao quát như vậy thì không còn ai được an toàn. Kinh doanh cũng sẽ bị cản trở: Vì sao người ta phải chấp nhận rủi ro hay cố gắng tìm kiếm, nếu chính quyền có thể tịch thu?

Tuy nhiên, luật lệ chính xác phải được áp dụng đối với quyền sở hữu tài sản thì không phải lúc nào cũng rõ ràng. Quyền sở hữu mảnh đất có cho tôi quyền khai thác khoáng sản nằm ở bên dưới hay không? Nó cho tôi quyền cấm người ta bay qua trên một chiếc máy bay hay không? Tôi có quyền ngăn chặn nhà máy ở gần đó gây ô nhiễm không khí qua cái ống khói hay không? Những chi tiết này phải được xác định rõ . Và trong xã hội tự do, những luật lệ này liên tục được đem ra kiểm tra và chỉnh sửa trong các phiên tòa, bởi các vị thẩm phán không thiên vị, những người chỉ cố gắng xác định quy tắc công lí thực sự phải như thế nào mà thôi.

Công lí tự nhiên (natural justice)

Trong xã hội tự do, tất cả những người ban hành và thực thi luật pháp phải tuân theo những nguyên tắc của công lí – những nguyên tắc đã ăn sâu bén rễ trong nhân tính của chúng ta, được gọi là công lí tự nhiên.

Thứ nhất, pháp luật phải được mọi người biết, phải rõ ràng và chắc chắn. Nếu một điều luật nào đó là bí mật hoặc liên tục thay đổi, thì người ta không thể biết là họ có phạm luật hay không và do đó, không thể tự bảo vệ mình khi bị truy tố.

Luật cũng phải dự đoán được. Người dân phải có khả năng tìm ra được lĩnh vực mà những điều luật đó được và không được áp dụng, và những hậu quả kèm theo nếu vi phạm những điều luật đó. Ngay cả trong các xã hội được cho là tự do, luật thường được làm ra cho một mục đích nào đó – ví dụ, để chống khủng bố, chống tội phạm có tổ chức – nhưng sau đó, lại được sử dụng cho mục đích hoàn toàn khác. Người dân có thể thấy mình đang phải đối mặt với hình phạt nặng nề, trong khi, trên thực tế, đấy chỉ là những lỗi nhỏ.

Thứ hai, pháp luật không thể hồi tố. Luật pháp chỉ có thể áp dụng cho những hành động trong tương lai. Nếu không, mọi người có thể thấy chính mình bị truy tố vì những hành động mà tại thời điểm khi họ làm thì đấy là những hành động hoàn toàn hợp pháp. Một lần nữa, các xã hội được cho là tự do đã thất bại về chuyện này. Ví dụ, một đạo luật ban hành năm 2008 ở Vương Quốc Anh cấm một số chương trình trốn thuế được sửa đổi trước đó và áp thuế cho 3.000 người, những người không có hành động phạm pháp tại thời điểm đó.

Nguyên tắc thứ ba của công lí là luật pháp không thể đòi hỏi người ta làm một việc bất khả thi, vì điều đó sẽ làm cho người ta không thể không vi phạm pháp luật. Thậm chí, ngay cả những xã hội được cho là tự do cũng không vượt qua được bài kiểm tra này, nhất là khi luật pháp mâu thuẫn nhau: Quy định về phòng cháy có thể yêu cầu chủ nhà xây dựng đường thoát hiểm cho tòa nhà, nhưng luật về quy hoạch lại cấm không cho thay đổi kiến trúc – do đó, kiểu nào thì chủ sở hữu cũng vi phạm pháp luật. Đáng lo ngại hơn nữa, các chính phủ bất công có thể dùng những bộ luật bất khả thi mà họ cố ý tạo ra nhằm bức hại đối thủ.

Quy tắc quan trọng nữa của công lí tự nhiên là suy đoán vô tội. Không được đối xử với người nào đó như một kẻ có tội trước khi chứng minh được như thế, ngay cả nếu đấy là trường hợp hoàn toàn chắc chắn. Đây là điều cực kì quan trọng vì nó có nghĩa là các cơ quan chức năng phải chứng minh tội lỗi, chứ nghi phạm không phải chứng minh là mình vô tội. Nó làm cho chính phủ khó quấy nhiễu kẻ thù của mình với những tội trạng mà họ bịa ra: Trước khi trừng phạt một người nào đó, tất cả những cáo buộc đều phải được chứng minh ở tòa án.

Nguyên tắc quan trọng cuối cùng là các thẩm phán và tòa án phải độc lập với các cơ quan chính trị. Cần tách biệt quyền lực giữa những người ban hành luật pháp và những người dựa vào luật pháp để xét xử. Thẩm phán không được là tay chân của các chính trị gia: Quan điểm chính trị của họ phải không liên quan với cách hành xử tại tòa án. Nếu thẩm phán quá gần gũi với các chính trị gia thì họ có thể dễ dàng bị các chính trị gia gây ảnh hưởng hoặc đe dọa, lúc đó hệ thống tòa án sẽ bắt đầu phục vụ lợi ích chính trị, chứ không phải là phục vụ công lí chân chính. Các xã hội tự do nhiều hơn thường có những cơ quan độc lập để bổ nhiệm thẩm phán, hoặc chỉ định họ làm việc suốt đời. Đấy là biện pháp giảm ảnh hưởng mà các chính trị gia có thể có đối với họ.

Nguyên tắc pháp quyền

Ý nghĩa của nguyên tắc pháp quyền

Phân biệt rõ nhất xã hội tự do với xã hội phi tự do là nguyên tắc pháp quyền. Đấy là tư tưởng nói rằng, công dân phải được cai trị bằng nguyên tắc luật pháp rõ ràng và chung cho tất cả mọi người chứ không phải bằng những ý định bất chợt, độc đoán của vua chúa hay các chính khách. Các nhà làm luật không thể tự ban hành luật pháp theo ý mình. Luật pháp mà họ ban hành phải được áp dụng cho tất cả mọi người, kể cả họ.

Mục đích của nguyên tắc pháp quyền là nhằm bảo vệ các cá nhân, chống lại quyền lực độc đoán. Nếu chúng ta giao cho chính phủ độc quyền về vũ lực thì chúng ta phải bảo đảm rằng vũ lực chỉ được sử dụng cho những mục đích mà ta nhắm tới, có thể dự đoán được, với trách nhiệm giải trình tương xứng và vì lợi ích chung của toàn thể xã hội chứ không phải vì lợi ích của giới ăn trên ngồi trốc.

Nguyên tắc pháp quyền còn bảo đảm rằng những người có chức có quyền cũng phải bị trừng phạt vì những tội lỗi mà họ gây ra như bất kì người nào khác. Một số nước dành cho những người lãnh đạo chính phủ, cả đương lẫn cựu, quyền miễn tố – và kết quả là số các nhà lãnh đạo được miễn tố nhiều đến mức làm người ta lo lắng. Trong khi có lí do để bảo vệ những nhân vật quan trọng – và bất kì người nào khác – khỏi những vụ khởi tố vô căn cứ (hay vì động cơ chính trị) và nhũng nhiễu, thì cũng không có lí do gì để phải bảo đảm cho bất cứ người nào quyền miễn tố, khỏi bị công lí trừng phạt.

Như vậy là, nguyên tắc pháp quyền dựa vào các nguyên tắc chung và lâu dài chứ không phải là dựa vào những quyết định tùy tiện và thường xuyên thay đổi của nhà cầm quyền. Nó bảo đảm cho chúng ta công lí tự nhiên, bằng những điều luật như bình đẳng trước pháp luật, chuẩn mực tố tụng (due process of law), tư pháp độc lập, trung lập, habeas corpus (không bị giam giữ quá lâu mà không đưa ra xét xử), không bị chính quyền quấy rối (ví dụ, bị xử đi xử lại vì cùng một tội), suy đoán vô tội (không bị coi là có tội trước khi chứng minh được như thế), và tính chắc chắn, tính ổn định, tính khả thi của luật pháp. Và cực kì quan trọng là, những người ban hành luật pháp cũng phải chấp hành luật pháp như những người khác. Xã hội không thể là tự do nếu một số người đứng cao hơn những người khác và không phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình.

Bảo vệ nguyên tắc pháp quyền

Các nước có những biện pháp khác nhau để bảo vệ nguyên tắc pháp quyền, không để cho những người có chức có quyền gặm nhấm dần. Trong đó có hiến pháp thành văn, quy trình tố tụng được xây dựng dựa trên thông luật và cam kết với công lí tự nhiên.

Hiến pháp thành văn có thể cung cấp cho nguyên tắc pháp quyền sức mạnh. Nhưng viết ra bản hiến pháp tại thời điểm lập quốc, khi các công dân gặp nhau lần đầu tiên, thì dễ hơn hẳn việc viết hiến pháp cho đất nước đã hình thành từ lâu, đất nước mà giới ăn trên ngồi trốc và những nhóm lợi ích đầy quyền lực đã nắm chắc được chính quyền và có thể vặn vẹo bất kì bản hiến pháp mới nào theo hướng có lợi cho họ.

Nguyên tắc pháp quyền còn được khuyến khích bởi nhiều năm tháng với những án lệ là những vụ án đã được đem ra xét xử. Các cá nhân có thể phản đối sự cai trị của các nhà làm luật và các quan chức và thách thức sự công bằng và tính chính danh của họ tại tòa án. Cùng với thời gian, nhiều án lệ tạo ra giới hạn của quyền lực của chính phủ.

Biện pháp thứ ba là khuyến khích những cuộc thảo luận các quy tắc của công lí và những nguyên tắc làm trụ cột cho sự hài hòa trong xã hội. Nếu tự do ngôn luận thắng thế và người nào cũng có quyền tự do thảo luận những tư tưởng này thì chính quyền sẽ khó mà xuyên tạc ý nghĩa của chúng nhằm phục vụ cho lợi ích của mình.

Những cuộc thảo luận về nguyên tắc pháp quyền sẽ dẫn tới một trong những ý tưởng quan trọng nhất, đấy là, nếu lần đầu tiên người dân tập hợp lại với nhau để quyết định những nguyên tắc cai trị thì không có người nào chấp thuận để cho những người khác ép buộc, trừ những biện pháp – như trừng phạt vì trộm cắp hay bạo lực với người khác – mà tất cả đều coi là phục vụ cho lợi ích lâu dài của họ. Cho nên, chúng ta có thể kết luận rằng, tất cả các xã hội tự do đều phải dựa trên những luật lệ nhằm giới hạn những biện pháp cưỡng chế và ngăn chặn, không để nhóm người cụ thể nào đó bóc lột những nhóm khác.

Thực thi công lí

Dù có bảo vệ nguyên tắc pháp quyền bằng những biện pháp nào thì một số tiêu chuẩn sau đây chắc chắn là hữu ích.

Các vị thẩm phán phải độc lập cả về mặt cá nhân lẫn chính trị. Nếu không, hệ thống tư pháp sẽ không được người dân tôn trọng và nhân danh công lí người ta có thể làm rất nhiều việc bất công. Ở nhiều nước, các thẩm phán được trả lương thấp, họ không có trách nhiệm giải trình và không được giám sát một cách phù hợp: Họ thường xử theo khoản tiền đút lót chứ không theo luật. Thay vào đó, các thẩm phán phải được trả lương tương xứng và thường xuyên bị xã hội giám sát chặt chẽ, làm cho tham nhũng trở thành không cần thiết và không thể dung thứ được.

Hệ thống công lí còn cần được bộ máy hành chính của tòa án ủng hộ. Ở nhiều nước, phải mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm mới đưa được một vụ tranh chấp ra tòa vì bộ máy hành chính quan liêu quá cồng kềnh và các quan chức không tích cực giải quyết vụ việc. Hệ thống pháp luật dựa vào án lệ cần nhanh chóng tiếp cận với những vụ án và phán quyết trong quá khứ, sao cho các vụ án không làm mất thì giờ của tòa chỉ đơn giản là vì không có hồ sơ của những vụ đã xử trước đó.

Ở nhiều nước, cảnh sát cũng là một phần của vấn đề, chứ không phải là giải pháp. Vì cảnh sát có quyền bắt và giam giữ, cho nên họ có thể gây ra những bất công lớn đối với người dân và thu lợi cho mình bằng cách tham nhũng. Các sĩ quan có thể bắt “phạt” với những món tiền không lớn vì những vi phạm giao thông có thật hay do họ tưởng tượng ra là triệu chứng của hiện tượng như thế. Nó sẽ trở thành một phần của nền văn hóa giữ thế thượng phong trong xã hội – nhưng khi nguyên tắc hối lộ đã được chấp nhận thì không đạo luật nào có thể ngăn chặn được những hiện tượng tồi tệ hơn. Cảnh sát cần phải được đào tạo và giám sát một cách phù hợp, lí tưởng là với một cơ quan độc lập, có quyền điều tra và hành động khi nhận được khiếu nại về những việc làm của cảnh sát.

Tương tự, bộ máy quản lí cũng phải được chỉ định trên cơ sở tài năng chứ không phải là chiếu cố về mặt chính trị. Họ phải có trách nhiệm giải trình phù hợp. Ra quyết định nhằm thu lợi ích chính trị và lợi ích cá nhân phải bị trừng phạt.

Muốn cho công lí và nguyên tắc pháp quyền giữ thế thượng phong thì các cuộc bầu cử phải công bằng. Phải có tự do ngôn luận để cho các ứng viên có thái độ phê phán đối với chính quyền có thể ra ứng cử và truyền bá quan điểm của mình. Phải bỏ phiếu kín và ủy ban bầu cử thật sự độc lập để bảo đảm rằng biên giới khu vực bầu cử được vẽ một cách công bằng và các cuộc bầu cử được tổ chức một cách trung thực.

Công lí và tiến bộ kinh tế

Nguyên tắc pháp quyền có ý nghĩa quan trọng cả về mặt kinh tế lẫn xã hội. Ngân hàng Thế giới xếp loại các nước theo tiêu chí kinh doanh ở đấy thuận lợi hay là khó khăn (Ease of doing business index). Lôi cuốn được doanh nghiệp và đầu tư nước ngoài và tạo điều kiện cho người dân dễ dàng buôn bán ngay ở trong nước đương nhiên là tác nhân quan trọng đối với phát triển và thịnh vượng của nhân dân rồi. Index này xem xét mức độ minh bạch của thuế khóa và luật lệ, mức độ tham nhũng của các quan chức và khởi nghiệp, đăng kí tài sản, buôn bán qua biên giới và giải quyết tình trạng phá sản… dễ dàng đến mức nào.

Singapore, một nước cực kì tự do về kinh tế (mặc dù tự do xã hội thì kém hơn hẳn) dẫn đầu bảng xếp hạng toàn cầu suốt bảy năm liền, tiếp theo là những nước tương đối tự do như Hong Kong, New Zealand, Đan Mạch, Vương quốc Anh. Rồi đến Nam Hàn, một nước tự do về kinh tế nhưng chưa tự do về xã hội. Dưới cùng là những nước quá yếu về công lí và nguyên tắc pháp quyền, như Congo, Venezuela, Zimbabwe, Iraq, Cameroon, Bolivia và Uzbekistan.

Những đe dọa đối với nguyên tác pháp quyền

Ở nhiều nước, đặc biệt là những nước đang phát triển, có nhiều hệ thống tư pháp cùng tồn tại. Bên cạnh hệ thống pháp luật và tư pháp trên bình diện quốc gia, còn có hệ thống pháp luật của vùng, của bộ lạc hay của tôn giáo, cũng như luật của cá nhân và luật về hợp đồng giữa các cá nhân.

Tham nhũng thường xảy ra trong hệ thống của nhà nước. Các hệ thống luật pháp địa phương, tôn giáo hay tư nhân thường bám rễ sâu hơn vào công lí tự nhiên, và vì vậy mà được chấp nhận rộng rãi hơn. Ngược lại, hệ thống của nhà nước thường do lực lượng thực dân hay chiếm đóng áp đặt. Những hệ thống này thường không bao giờ được nhiều người chấp nhận, nhưng quyền lực và sự bảo trợ của nó vẫn còn dành cho những kẻ tham nhũng để họ tiếp tục bóc lột nhân dân.

Các quan chức chính phủ và bộ máy tư pháp của nhà nước thường không nhận thức được rằng lợi dụng quyền lực nhà nước là sai. Giới quân nhân, cảnh sát và quan chức nhận hối lộ. Hầu như tất cả các chính trị gia đều bị nghi là ăn cắp tài sản của nhà nước để làm lợi cho khu vực của mình, thậm chí là làm lợi cho chính mình. Nhưng cái gì trong đời sống cá nhân được coi là sai thì trong đời sống công cộng cũng phải bị coi là sai.

Ở những nơi mà việc đi lại và thông tin còn khó khăn và những vấn đề khu vực là cấp bách và chủ yếu thì hỗn hợp giữa các hệ thống có thể có tác dụng tốt. Nhưng mục đích phải là làm cho tất cả các hệ thống tư pháp đều có uy quyền và tán thành của luật khu vực, sự rõ ràng và nguyên tắc của luật nhà nước, và tính khách quan của nguyên tắc pháp quyền.

Quyền con người

Định nghĩa về quyền con người

Những suy nghĩ như thế về công lí sẽ dẫn tới tư tưởng về các quyền con người . Đây là tư tưởng cho rằng do tính người của mình mà người ta có sẵn một số quyền tự do căn bản – những quyền mà, tương tự như luật tự nhiên, thúc đẩy sự hoạt động linh hoạt của xã hội, nhưng đây là những quyền được công nhận là phổ quát (áp dụng ở mọi nơi và cho tất cả mọi người) và bất khả tương nhượng (không thể từ bỏ, những người khác cũng không thể phủ nhận).

“Những quyền” con người này có thể được gọi là những quyền tự do của con người. Bao gồm quyền tự do sở hữu tài sản, quyền tự quyết và quyền sở hữu thân thể và sức lao động của mình, quyền tự do đi lại và cư trú ở nơi mình chọn và tự do thực hành tôn giáo của mình. Mục đích là đặt giới hạn cho những biện pháp mà nhà nước có thể đối xử với người dân.

Đáng tiếc là, “quyền con người” thường bị lầm với quyền pháp lí, là những quyền được cung cấp thông qua cơ cấu chính trị hay bằng các chuẩn mực văn hóa và xã hội. Nhưng, ví dụ, đạo luật cho người công nhân được hưởng lương trong những ngày nghỉ lễ không phải là quyền con người, bởi vì nó không phải là luật phổ quát. Nó chỉ được áp dụng cho những người công nhân và chỉ trong những nước mà điều kiện kinh tế cho phép mà thôi. Và người ta có thể không cần những quyền này – người công nhân có thể bỏ quyền được nghỉ trong ngày lễ để đi làm lấy tiền mà hoàn toàn không bị mất tự do. Tương tự, luật về thù lao bằng nhau cho cả đàn ông lẫn đàn bà không phải là quyền con người, vì đấy không phải là đòi hỏi về nhân quyền mà là yêu cầu mang tính cưỡng bách đối với người sử dụng lao động.

Quyền của nhóm người cũng không phải quyền con người. Chúng không có giá trị phổ quát. Ví dụ, những biện pháp đối xử đặc biệt đối với người bản xứ ở Mĩ chỉ là quyền pháp lí mà thôi: Những người khác không được hưởng các quyền này. Không thể coi một quyền nào đó là “nhân quyền” nếu nó không hướng vào nhân tính mà chỉ hướng vào thành viên của một nhóm người đặc biệt nào đó.

Tự do, quyền và trách nhiệm

Điều quan trọng là phải hiểu rõ những vấn đề đó. Lẫn lộn quyền con người với các chuẩn mực xã hội và đặc quyền pháp lí là gán cho quyền pháp lí và chuẩn mực xã hội những giá trị sai lầm và hạ thấp toàn bộ tư tưởng về nhân quyền. Trong khi một số điều luật – đàn ông và đàn bà cùng làm một việc thì được trả lương bằng nhau, ngày lễ được trả nguyên lương hay thậm chí ưu tiên ưu đãi cho những nhóm yếu thế – có thể là đáng mong muốn, nhưng không phải tất cả những điều đáng mong muốn đều là quyền con người.

“Quyền” con người bảo đảm cho chúng ta quyền tự do – những quyền này không đòi hỏi phải ép buộc bất cứ người nào. Ví dụ, tự do ngôn luận không áp đặt nghĩa vụ hay trách nhiệm cho bất cứ người nào, ngoài nghĩa vụ hay trách nhiệm phải tôn trọng nó. Không ai phải cung cấp cho bạn cột báo hay chương trình phát thanh để bạn có thể viết hay đưa quan điểm của mình lên sóng phát thanh, cũng không cần ai phải giúp đỡ để đảm bảo rằng bạn được nói một cách thực sự tự do, thậm chí cũng không cần ai phải nghe bạn nói.

Ngược lại, Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hợp Quốc liệt kê “quyền” được giáo dục miễn phí. Nhưng giáo dục miễn phí không phải là quyền con người, vì nó hàm ý rằng những người khác có nghĩa vụ trả tiền cho giáo dục. Cung cấp giáo dục khá tốn kém – phải dành thời gian, công sức, vật tư và tiền bạc cho nó. Trong xã hội tự do thực sự, không người nào có thể có quyền hưởng giáo dục miễn phí, vì làm như thế là buộc những người khác phải có nghĩa vụ cung cấp những nguồn lực đó (Đương nhiên là, nhiều người có thể sẵn sàng chia sẻ các chi phí: Nhưng xã hội tự do không thể buộc họ phải làm như thế).

Nhưng người ta thường nói về quyền mà không nhắc đến hay thậm chí là không công nhận những nghĩa vụ áp đặt lên người khác, không nhắc tới sự cưỡng bách cần phải làm để thực hiện những quyền đó, và những thiệt hại rộng lớn hơn mà sự cưỡng bách như thế có thể gây ra.

Xin nhắc lại một lần nữa, trong xã hội tự do, phúc lợi không phải là quyền: Làm như thế có nghĩa là một số người có nghĩa vụ hỗ trợ một số người khác, trong khi nghĩa vụ duy nhất của họ là không làm hại người khác. Nhưng như thế không có nghĩa là trong nền văn hóa phúc lợi, người nghèo hay người khuyết tật sẽ bị bất hạnh hơn. Thuế khóa của xã hội phúc lợi có thể không khuyến khích người ta làm việc và kinh doanh, làm cho toàn bộ xã hội trở nên nghèo nàn hơn và các khoản trợ cấp phúc lợi có thể khuyến khích người ta dựa dẫm. Và các tổ chức từ thiện trong xã hội giàu có và tự do cũng có thể hỗ trợ những người rơi vào hoàn cảnh túng thiếu tốt hơn là các cơ quan của chính phủ quan liêu.

Nguồn bản dịch: https://vanviet.info/tu-lieu/nhung-nen-tang-cua-x-hoi-tu-do-6/

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường