Thuế ngăn cản sản xuất
Chương V: Thuế ngăn cản sản xuất
Có một lý do nữa khiến cho lượng giá trị được tạo ra thông qua chi tiêu của chính phủ khó có thể bằng được lượng giá trị bị lấy đi qua thuế để bù cho các khoản chi này. Đây không đơn giản là kiểu rút tiền từ túi bên trái để đút vào túi bên phải như nhiều người vẫn tưởng. Giả sử những người quyết định chi tiêu chính phủ nói rằng tổng thu nhập quốc dân là $1.500 tỷ và thuế liên bang là $360 tỷ, điều này có nghĩa là chỉ 24% tổng thu nhập quốc dân đang được chuyển từ khu vực tư nhân vào ngân quỹ nhà nước. Họ tưởng rằng cả quốc gia là một thể thống nhất với nguồn vốn chung như là một công ty lớn và việc chuyển tiền từ khu vực tư nhân sang ngân quỹ nhà nước chỉ giống như một giao dịch trên sổ sách. Những người quyết định chi tiêu chính phủ quên mất rằng họ đang lấy tiền của A để trả cho B. Trên thực tế, họ biết rất rõ điều này, song khi họ nghĩ đến tất cả những lợi ích kinh tế dành cho B, những điều mà B sẽ không bao giờ có được nếu không nhờ khoản tiền từ A, họ bỏ qua những tác động mà giao dịch này gây ra đối với A. B được nhớ tới; A bị lãng quên.
Trong xã hội hiện đại của chúng ta, không bao giờ một mức thuế được áp dụng với tất cả mọi người. Một lượng lớn các loại thuế thu nhập được áp dụng trên một phần nhỏ của tổng thu nhập quốc dân; và các loại thuế thu nhập này phải được bổ trợ thêm bởi các loại thuế khác. Các loại thuế này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động và động cơ của những người phải nộp thuế. Khi một công ty mất cả 100 cent trên mỗi đôla bị thua lỗ và chỉ được giữ 52 cent trên mỗi đôla kiếm được, và khi những năm có lợi nhuận không đủ để bù lại những năm thua lỗ, các chính sách của công ty sẽ bị ảnh hưởng. Công ty sẽ không muốn mở rộng hoạt động kinh doanh, hoặc nếu có thì cũng chỉ mở rộng trong những lĩnh vực ít rủi ro nhất. Những người hiểu được tình huống này sẽ không muốn bắt đầu hoạt động kinh doanh mới. Vì vậy những chủ doanh nghiệp cũ sẽ không tạo ra thêm việc làm hoặc không tạo ra nhiều việc làm như là họ đáng lẽ có thể tạo ra, và một số người khác từ bỏ quyết định trở thành chủ doanh nghiệp. Các máy móc được cải tiến và nhà máy với trang thiết bị tốt hơn sẽ chậm ra đời hơn. Về lâu dài, hậu quả sẽ là người tiêu dùng không có được những sản phẩm tốt và rẻ như họ đáng lẽ đã có thể có, và lương sẽ không cao như mức mà nó đáng lẽ đã có thể đạt được.
Một điều tương tự sẽ xảy ra khi thu nhập cá nhân bị đánh thuế tới 50 - 60 hay 70%. Mọi người sẽ bắt đầu tự hỏi tại sao họ phải làm việc 6 - 8, thậm chí 9 tháng một năm cho chính phủ và chỉ 6 - 4 hoặc 3 tháng một năm cho bản thân và gia đình họ. Nếu với mỗi đôla thua lỗ họ mất trọn cả đôla, song với mỗi đôla kiếm được họ chỉ được giữ một phần, những người này sẽ không muốn chấp nhận rủi ro với vốn của mình. Ngoài ra, lượng vốn sẵn có để đầu tư vào những lĩnh vực nhiều rủi ro hơn sẽ bị thu nhỏ đáng kể. Chúng bị mất đi qua thuế trước khi được tích trữ đủ. Nói tóm lại, nguồn vốn để tạo ra việc làm trong khu vực tư nhân trước tiên bị ngăn cản để không hình thành, và khi một phần của nguồn vốn này được hình thành, nó sẽ bị ngăn cản để không được đầu tư vào những hoạt động kinh doanh mới. Chính những người quyết định chi tiêu chính phủ là những người gây ra thất nghiệp, điều mà họ luôn tuyên bố là đang nỗ lực giải quyết.
Tất nhiên, để thực hiện những chức năng quan trọng của chính phủ, một lượng thuế nhất định là hoàn toàn cần thiết. Các mức thuế hợp lý để phục vụ mục đích này không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất. Cùng với những điều khác, các dịch vụ do chính phủ cung cấp sẽ bảo hộ sản xuất, và nó sẽ dư đủ để bù đắp lại những khoản thuế hợp lý được thu. Nhưng khi tỷ trọng thuế trong tổng thu nhập quốc dân càng lớn, thuế càng trở thành một yếu tố ngăn cản sản xuất và tuyển dụng trong khu vực tư nhân. Khi lượng thuế phải thu trở thành gánh nặng quá mức, thì việc đưa ra các mức thuế không cản trở và gây gián đoạn sản xuất sẽ là điều bất khả thi.
Nguồn: Henry Hazlitt, Kinh tế học trong một bài học (Economics in One Lesson), Chương 5