[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương V: Về chính quyền dân trị ở nước Mỹ (Phần 2)

[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương V: Về chính quyền dân trị ở nước Mỹ (Phần 2)

ẢNH HƯỞNG CỦA NỀN DÂN TRỊ MĨ ĐỐI VỚI CÁC BỘ LUẬT BẦU CỬ

Tổ chức bầu cử cách xa nhau quá khiến Nhà nước rơi vào những cuộc khủng hoảng lớn. − Chu kì bầu cử sát nhau làm cho Nhà nước ở vào tình trạng luôn luôn căng thẳng. − Người Mĩ đã chọn mối đe doạ thứ hai. − Tính chất dễ thay đổi của luật. − Quan điểm của Hamilton, của Madison và của Jefferson về vấn đề này.

Khi việc bầu cử chỉ diễn ra theo những khoảng cách dài, thì tới mỗi kì bầu cử Nhà nước lại gặp nguy cơ đảo lộn.

Khi đó các đảng phái có những nỗ lực kinh khủng để nắm lấy cái vận may thật hiếm khi lại đi ngang tầm tay với của họ đến thế. Và điều tồi tệ gần như không sao thuốc thang chữa chạy nổi đến đối với những ứng viên thất bại, hoàn toàn e ngại là tham vọng của họ bị đẩy thành tuyệt vọng. Nếu như, ngược lại, cuộc đấu cân sức vẫn lại sắp diễn ra, thì những người thất bại sẽ kiên trì chờ đợi.

Khi các cuộc bầu cử liên tiếp diễn ra nhanh chóng, tần suất đó duy trì trong xã hội một sự vận động như là phát sốt phát rét và duy trì các việc công trong cảnh đợi chờ những đổi thay dễ dàng liên tục.

Vì vậy, một mặt có cơ khiến cho Nhà nước khó chịu; mặt khác lại có cơ tạo ra cách mạng; trường hợp thứ nhất làm tổn hại đến sự tử tế của chính quyền, trường hợp thứ hai đe doạ sự tồn tại của chính quyền.

Người Mĩ muốn rằng thà gặp điều tồi tệ thứ nhất còn hơn là vướng chuyện tồi tệ sau. Trong vụ này, người Mĩ được bản năng dẫn dắt nhiều hơn là được lí lẽ dẫn dắt, nền dân trị đã đẩy ý thích đa dạng đến độ đam mê đa dạng. Kết quả là có được một nền lập pháp đặc biệt biến động.

Rất nhiều người Mĩ coi sự không ổn định trong luật pháp của họ như là hệ quả tất yếu của một hệ thống với những tác động chung hữu ích. Nhưng tôi tin là không có một ai ở Hoa Kì lại định chối bỏ sự tồn tại của tình trạng không ổn định đó, hoặc không coi tình trạng đó như một tai hoạ lớn.

Hamilton, sau khi chứng minh tính hữu ích của một quyền lực có khả năng ngăn chặn hoặc chí ít là làm chậm trễ việc công bố những đạo luật tồi tệ, nói thêm: “Hẳn là có người trả lời tôi rằng khả năng dự phòng được các bộ luật xấu bao hàm cả cái khả năng dự phòng được các bộ luật tốt. Phản đối như vậy hẳn là không thoả mãn được những ai đã tiến hành xem xét tất cả những điều tồi tệ sinh ra từ sự bất ổn định và tính biến động của luật pháp, sự bất ổn định trong lập pháp là cái vết ố bẩn lớn nhất chúng ta có thể nhận thấy trong các thiết chế của mình.” (Form the greatest blemish in the character and genius of our government. Trong báo Federalist, số 73).

“Theo tôi, sự dễ dàng thay đổi luật pháp,” Madison nói, “và sự quá trớn có thể gây ra cho ngành lập pháp, là những căn bệnh nguy hiểm bậc nhất có thể làm hại cho chính quyền của chúng ta.” (Trong báo Federalist, số 62).

Ngay cả Jefferson, nhà dân chủ vĩ đại nhất sinh ra từ trong lòng nền dân trị Mĩ, cũng chỉ ra những nguy cơ tương tự.

“Sự bất ổn định của luật pháp chúng ta thực sự là một điều bất tiện rất trầm trọng,” ông nói. “Tôi cho rằng chính chúng ta đã tạo ra tình trạng đó khi quyết định cứ phải có khoảng cách một năm giữa việc trình một bộ luật và việc bỏ phiếu thông qua. Sau đó nó vẫn cứ bị thảo luận và bỏ phiếu mà chẳng ai có thể thay đổi nó dù chỉ một chữ, và nếu như hoàn cảnh đòi hỏi một giải pháp tức thời, thì vẫn không thể thông qua một đề nghị bằng đa số không tuyệt đối, mà cứ phải bằng đa số hai phần ba của Hạ viện và Thượng viện.”

VỀ CÁC CÔNG CHỨC DƯỚI THỜI NỀN DÂN TRỊ MĨ

Tính cách giản dị của người công chức Mĩ. − Không ăn mặc kiểu cách. − Tất cả các công chức đều có lương. − Hệ quả chính trị của việc này. − Ở Mĩ không có công chức chuyên nghiệp. − Hệ quả từ chuyện đó.

Ở Hoa Kì, người công chức hoà lẫn vào trong đám đông công dân. Họ chẳng toà nọ lầu kia, không người bảo vệ, cũng chẳng ăn mặc khác người. Cái giản dị đó của những người làm việc chính quyền không chỉ mang nét đặc trưng của tư duy kiểu người Mĩ, mà còn có nguyên nhân thuộc về những nguyên tắc cơ bản của xã hội.

Dưới con mắt nền dân trị, chính quyền không nhất thiết là cái tốt mà nó cũng chẳng xấu. Ta cần trao cho công chức một quyền hành nhất định, vì thiếu quyền lực đó phỏng họ làm nổi điều gì? Nhưng những biểu hiện bề ngoài của quyền lực chẳng ích gì cho công việc; chúng chỉ xúc phạm vô ích con mắt công chúng.

Bản thân người công chức hoàn toàn cảm thấy mình chỉ vì quyền lực mà đứng trên những con người khác nếu như cung cách cư xử của họ khiến họ xuống được ngang hàng mọi người.

Tôi chẳng thể hình dung có cái gì lại bình dị hơn, lại dễ tiếp cận hơn, chăm chú lắng nghe yêu cầu và lịch sự hơn khi đáp ứng mọi người, hơn là hình ảnh một người công chức ở Hoa Kì.

Tôi yêu cái dáng dấp tự nhiên của lối cầm quyền dân chủ. Trong cái sức mạnh nội tại gắn với chức năng hơn là với viên công chức, trong cái con người hơn là những dấu hiệu bề ngoài của sức mạnh, tôi nhìn thấy một cái gì đó cường tráng mà tôi chiêm ngưỡng.

Còn về những ảnh hưởng có thể tạo ra bởi áo quần, tôi cho rằng thiên hạ đã quá thổi phồng tầm quan trọng của nó trong một thế kỉ như chúng ta đang sống. Tôi chẳng nhận thấy ở Mĩ có điều gì để khi người công chức thừa hành công vụ thì lại được tiếp đón kém quan tâm và kém kính trọng hơn cái giá trị đích thực duy nhất của ông ta.

Mặt khác, tôi hết sức nghi ngờ chuyện mang một bộ đồ đặc biệt trên người lại khiến viên công chức có lòng tự trọng khi chính họ không có đủ những điều kiện để có được điều ấy. Vì tôi hẳn là chẳng tin rằng những công chức đó lại có nhiều uy nhờ quần áo hơn là nhờ chính con người họ.

Khi tôi thấy ở bên ta những pháp quan nào đó cư xử cộc cằn với mọi người hoặc dùng lời lẽ uốn éo hay ho để nói với mọi người, khi họ nhún vai trước lí lẽ của bên bị hoặc khi họ cười mỉm thích thú lúc nghe kể các tội trạng, khi ấy tôi cứ muốn lột áo họ đang mặc đi, đặng thử coi một khi cũng ăn mặc như mọi công dân bình thường thì họ có nhớ gì đến phẩm giá tự nhiên của giống người không.

Không một công chức nào ở Hoa Kì có trang phục riêng, nhưng tất cả đều có lương.

Điều này có nguyên do ở những nguyên tắc dân chủ, chúng còn tự nhiên hơn là những điều vừa nói ở bên trên. Một nền dân trị không thể nào bao bọc các pháp quan trong vẻ vây vo hào nhoáng và trong lụa là vàng bạc mà lại không trực tiếp công kích vào nguyên lí tồn tại của kiểu chính quyền đó. Những đặc quyền như thế chỉ là những thứ thoáng qua; chúng gắn với bề ngoài, không gắn với con người. Còn việc đặt ra những chức vụ không trả lương tức là tạo ra một tầng lớp công chức giàu có và tách biệt, tức là tạo ra cái hạt nhân của một nền quý tộc trị. Nếu nhân dân còn duy trì quyền lựa chọn, thì việc thực thi quyền đó phải có những giới hạn cần thiết.

Khi ta thấy một nước cộng hoà dân chủ không trả lương cho những chức vụ phải được trả lương, thì tôi nghĩ từ việc đó có thể kết luận rằng nước cộng hoà kia đang tiến về phía quân chủ. Và khi một nền quân chủ bắt đầu trả lương cho các chức vụ không ăn lương, thì đó là dấu hiệu chắc chắn nó đang đi về hướng một quốc gia chuyên chế hoặc một nhà nước cộng hoà.

Vậy là, tôi thấy rằng riêng một việc thay thế các chức vụ có trả lương cho các chức vụ không ăn lương cũng là một cuộc cách mạng thực sự rồi.

Tôi coi việc hoàn toàn không có các chức vụ không ăn lương ở nước Mĩ là một trong những dấu hiệu rõ rệt nhất của việc họ hoàn toàn thực thi nền dân trị. Bất kể thế nào, các công việc phục vụ công cộng đều được trả công ở Mĩ: vì thế mà mỗi con người đều không chỉ có cái quyền mà có cả cái khả năng được tham gia việc công.

Nếu như trong các quốc gia dân trị tất cả các công dân đều có thể nhận các công vụ, thì không phải tất cả đều tìm cách nhăm nhe các công vụ đó. Đó không phải chỉ vì những điều kiện để thành ứng viên, mà là số lượng và khả năng của các ứng viên thường khi làm hạn chế sự lựa chọn của cử tri.

Với các quốc gia có nguyên tắc bầu cử mở rộng đến tất cả mọi người, có thể nói là ở đó không có cái nghề làm việc công. Mọi người gần như thể ngẫu nhiên bước vào con đường đó, và họ chẳng hề có bảo đảm gì để bám lấy công vụ đó mãi mãi. Điều đó là có thật nhất hạng khi các cuộc bầu cử lại diễn ra hàng năm. Kết quả là, nhất là trong những thời kì yên bình, các công vụ không trở thành những miếng mồi nhử tham vọng con người. Ở Hoa Kì, chính là những con người với ước vọng ôn hoà lại tham gia vào những trò quanh co chính trị. Còn những tài năng lớn và những đam mê lớn nói chung lại tách mình ra khỏi quyền lực để có thể đeo đuổi việc làm giàu. Và thường khi có chuyện là người ta chỉ chuyển sang điều hành việc làm giàu cho đất nước sau khi người ta thấy kém khả năng điều hành công việc của chính mình.

Chính vì các nguyên nhân đó cũng như do sự lựa chọn kém cỏi của nền dân trị mà có được nhiều con người tầm thường tham gia công vụ. Tôi không biết là ở Hoa Kì nhân dân có lựa chọn hay không những con người cao quý muốn thắng cử, nhưng có điều chắc chắn là những con người này không nhăm nhe chuyện được bầu.

VỀ TÍNH ĐỘC ĐOÁN CỦA CÁC PHÁP QUAN THỜI ĐẠI DÂN TRỊ MĨ

Tại sao trong các chính thể quân chủ và cộng hoà dân chủ, tính độc đoán của các pháp quan lại lớn hơn trong các chính thể quân chủ ôn hoà. − Tính độc đoán của các pháp quan ở New England.

Có hai loại chính quyền ở đó hành động của các pháp quan có pha trộn nhiều tính độc đoán; điều đó xảy ra dưới chính thể độc trị của một người và dưới chính thể dân trị.

Cùng tác động đó có những nguyên nhân gần như tương tự.

Trong những nhà nước độc trị, chẳng có thân phận người nào được bảo đảm hết, cả thân phận anh công chức lẫn của con người bình thường. Kẻ nắm quyền lực tuyệt đối, nắm trong tay cuộc sống, tài sản và đôi khi cả danh dự của những con người được ông ta sử dụng, cho rằng mình chẳng có gì để phải e ngại họ, nên để cho họ rất tự do hành động, vì nghĩ là chắc chắn họ chẳng thể nào lạm dụng quyền tự do đó để chống lại ông ta.

Trong các nhà nước độc trị, kẻ nắm quyền lực tuyệt đối vô cùng yêu quý quyền lực của mình, đến độ ông ta ngại làm vướng víu những quy tắc chính mình đề ra. Và ông ta thích được thấy người của mình có vẻ như hơi khinh suất, để mà được tin chắc rằng chẳng khi nào họ có thể có khuynh hướng trái ngược với ước vọng của ông ta.

Trong các nhà nước dân trị, do chỗ năm nào phe đa số cũng có thể nẫng đi quyền lực từ tay những con người được họ giao phó, cũng chẳng e ngại gì việc có người lạm dụng quyền lực đó để chống lại họ. Được chủ động trong việc bày tỏ ý nguyện tới những người cầm quyền, phe đa số thích thà bỏ mặc những người cầm quyền cho họ tự do hành động còn hơn là trói họ vào một quy tắc bất biến vừa gò bó họ đồng thời cũng gò bó chính mình (phe đa số).

Khi xem xét kĩ hơn nữa, ta còn thấy điều này, ấy là dưới thời dân trị, tính độc đoán của pháp quan còn phải lớn hơn nữa so với thời của các nhà nước độc trị.

Trong các nhà nước độc trị này, kẻ nắm quyền lực tuyệt đối trong một khoảnh khắc có thể trừng trị mọi thứ tội được ông ta nhận ra; thế nhưng làm sao ông ta có thể tự hào là đã nhìn thấy hết mọi thứ tội để ông ta trừng trị? Ngược lại, tại các nước dân trị, kẻ nắm quyền lực tuyệt đối vừa là kẻ cực mạnh lại cũng vừa là kẻ hiện diện khắp nơi: vì thế mà ta thấy người công chức Mĩ tự do hơn nhiều trong phạm vi hành động của họ được luật pháp vạch ra so với bất kì công chức nào ở châu Âu. Thường khi (ở Mĩ), người ta chỉ cần vạch cho họ cái mục tiêu phải đi tới, còn thì họ được chủ động trong việc tìm ra phương tiện thực hiện.

Thí dụ như ở New England, người ta giao cho các selectmen của từng công xã việc lên danh sách bồi thẩm đoàn. Nguyên tắc duy nhất vạch ra cho họ là như sau: họ phải lựa chọn các quan toà trong số những công dân có quyền bầu cử và có tiếng tăm.

Ở Pháp, chúng ta sẽ tin rằng, nếu giao phó cho người công chức bất kì công việc thực hiện một điều luật đáng gờm đến thế, thì mạng sống và quyền tự do của con người sẽ lâm nguy.

Ở New England, cũng những viên pháp quan đó có thể niêm yết công khai ở các quán rượu tên tuổi những người nghiện ngập và ngăn chặn người dân cung cấp rượu cho họ bằng chế độ phạt tiền.

Một thứ quyền hành kiểm duyệt con người đến như vậy hẳn sẽ làm người dân sống trong một nước quân chủ phải nổi đoá lên; ấy thế mà ở Mĩ người ta làm như vậy chẳng khó khăn gì.

Không thấy ở đâu lại giành nhiều quyền lực độc đoán đến thế như ở các nước cộng hoà dân chủ, bởi vì ở đó sự độc đoán không có gì đáng sợ hết. Ta còn có thể nói là ở nơi cái quyền bầu cử được phổ cập càng sâu tới các tầng lớp bên dưới và thời hạn nhiệm kì càng bị hạn chế, thì tại đó viên pháp quan càng được tự do hơn.

Từ đó mà thật khó đưa một nền cộng hoà dân chủ sang chính thể chuyên chế. Khi viên pháp quan không do chế độ bầu cử đặt ra, thường vẫn giữ lại những quyền và cách ứng xử của người pháp quan tại vị. Thế là đi tới chỗ độc trị.

Chỉ có ở các chế độ quân chủ ôn hoà thì luật pháp, cùng với việc quy định phạm vi hành động của công chức, còn cẩn thận hướng dẫn họ từng bước nhỏ. Nguyên nhân của việc đó thực dễ thấy.

Trong các chế độ quân chủ ôn hoà, quyền lực bị phân chia giữa nhân dân và bậc quân vương. Cả đôi bên đều quan tâm đến việc làm cho vị trí viên pháp quan được ổn định.

Vị quân vương không muốn đem số phận công chức trao vào tay nhân dân, sợ rằng nhân dân sẽ phản lại quyền uy của mình. Về phía mình, nhân dân e ngại những vị pháp quan, nếu được đặt dưới quyền uy tuyệt đối của vị quân vương, sẽ chỉ làm cái việc đàn áp tự do. Vì vậy mà người ta tìm cách làm cho pháp quan chẳng lệ thuộc bên nào cả.

Cũng nguyên nhân đó khiến cho vị quân vương và nhân dân tìm cách làm cho người công chức được độc lập, tìm cách có những bảo đảm chống lại những lạm dụng vì tính độc lập của công chức, sao cho người công chức không dùng được quyền lực của mình mà chống lại quyền uy anh này hoặc tự do của anh kia. Thế là đôi bên thoả thuận về sự cần thiết phải vạch ra sẵn cho người công chức một lối hành xử, và đôi bên đều có lợi ích trong việc áp đặt cho người công chức những quy tắc khiến anh ta không sao đi chệch khỏi đường lối kia.

Nguồn bản dịch: Alexis De Tocqueville (2020[1835]). Nền dân trị Mỹ. Phạm Toàn dịch. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Democracy in America (1835) De la démocratie en Amérique (bản tiếng Pháp)

Dịch giả:
Phạm Toàn