Kinh tế học cho người ham học hỏi

Kinh tế học cho người ham học hỏi

Người ham học hỏi (the teachable) – người mong muốn được nâng tầm hiểu biết – là người ý thức được rằng bản thân mình hiểu biết vẫn còn rất ít.1 Để tránh nhầm lẫn người ham học hỏi với người có năng lực tầm thường hay thấp kém, hãy lưu ý đến trường hợp về mối quan hệ giữa người ham học hỏi và người thông thái. 

Socrates đã từng nói, “Người đàn ông này nghĩ rằng anh ta biết điều gì đó trong khi thực tế anh ta không biết. Còn tôi, vì tôi không biết cái gì, nên tôi cũng không cho rằng tôi biết”. Đối với những lời thừa nhận về tính khả sai đó, Socrates được ca tụng là một người thông thái. Ông và nhiều nhà khoa học khác như Lecomte du Nouy và Robert Milliken và các nhà khoa học trong thời đại của chúng ta đã phát hiện ra rằng khi họ mở rộng kho tàng kiến thức của riêng mình, họ sẽ càng thấy có nhiều điều họ chưa biết. Edison với cái đầu đầy thực tế, tò mò và chịu khó quan sát từng kết luận rằng “Chúng ta không biết một phần một triệu của một phần trăm của bất cứ thứ gì. Chúng ta mới chỉ thoát khỏi giai đoạn vượn người”. Những người ham học hỏi này dần nhận ra rằng bản thân họ biết quá ít và đó có lẽ là thước đo của sự thông thái. 

Đối với sinh viên kinh tế học, điều này đặt ra cho họ một câu hỏi thú vị: Liệu có thể xây dựng một nền kinh tế hiệu quả, khả thi trên nền một xã hội gồm những cá nhân ham học, những người ý thức được rằng bản thân mình còn biết quá ít?

Chúng ta có thể hình dung một nền kinh tế như vậy sẽ khác rất nhiều so với một xã hội hoạch định của những con người tự cao hoặc cho rằng mình biết tất cả mọi thứ, những người ở đầu kia trong dải phân bổ tri thức, những người không gặp bất cứ khó khăn nào trong việc sắp xếp cuộc sống của tất cả những người khác theo thiết kế của họ. Hơn nữa, họ còn sẵn sàng dùng đến vũ lực là phương án cuối cùng để thực hiện các kế hoạch cải tiến xã hội bằng cách quốc hữu hóa xã hội.

Chẳng hạn, một nhóm gồm bảy nhà kinh tế học gần đây đã lên tiếng bày tỏ quan điểm này: “Chính phủ liên bang là công cụ duy nhất có khả năng dẫn đường, chỉ lối cho vận mệnh kinh tế của quốc gia”.2

Một số vấn đề tiêu biểu

Một chính phủ, trong vai trò kể trên, chắc chắn sẽ bao gồm những người không ý thức được rằng bản thân mình biết quá ít, những người không e sợ về khả năng lập kế hoạch và điều tiết tốc độ tăng trưởng kinh tế quốc gia, quy định mức lương, số giờ làm và giá thành cho mọi mặt hàng, quyết định số lượng cần sản xuất hoặc gia tăng, mở rộng hoặc thu hẹp nguồn cung tiền một cách độc đoán, quy định các mức lãi suất và tô lợi, trợ cấp bất cứ hoạt động nào mà họ muốn bằng tiền thu nhập của người dân, cho vay các khoản trị giá hàng nghìn tỷ dù không nhận được sự đảm bảo tự nguyện, tự ý phân chia thành quả lao động của người dân cho các chính phủ nước ngoài; hay nói một cách ngắn gọn, họ sẽ là người quyết định lấy gì từ anh Peter nào đó và trả lại bao nhiêu trong số đó cho anh Paul nào đó.

Sự kiểm soát và sở hữu của chính phủ đối với các phương tiện sản xuất là đặc trưng của chủ nghĩa xã hội, hay còn gọi là “chủ nghĩa can thiệp nhà nước” hoặc “chủ nghĩa cộng sản”, tùy thuộc vào mục đích chủ định của người nói. Mô hình này dựa trên giả thuyết cho rằng một số người có trí tuệ sẽ am hiểu và dẫn dắt toàn bộ hành động của con người.  Chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa can thiệp của nhà nước thường được ủng hộ bởi những kẻ không muốn phát triển bản thân, bởi những người ngây thơ ủng hộ cho những kẻ phát ngôn tuyên bố trên, bởi những kẻ tranh giành quyền lực, bởi những kẻ thấy lợi ích bản thân trong hoạt động đó, và bởi “những người tốt bụng” không thể phân biệt đâu là của bố thí lấy từ cưỡng đoạt và đâu là những hành động từ thiện dựa trên các nguyên lý của đạo Do thái-Thiên Chúa giáo. Tóm lại, nhóm người này là một con số đáng kể, nhưng vẫn chỉ chiếm thiểu số trong số hàng chục triệu người mà cuộc sống của họ bị điều khiển bởi nhóm người trên.

Điểm quan trọng nhất cần ghi nhớ chính là chủ nghĩa xã hội luôn giả định rằng chính phủ hay giới viên chức là người nắm giữ, phân phát, và cội nguồn của mọi quyết định đúng đắn cho mọi người, đồng thời là người hướng dẫn, điều khiển và chỉ đạo nguồn năng lượng của nhân loại. Đây chính là đỉnh điểm của lòng ích kỷ: Nhà nước là chúa trời và chúng tôi chính là Nhà nước!

Chúng ta hãy cùng xem xét tính cách của một kẻ tự cao điển hình trong xã hội. Không quan trọng người bạn chọn là ai, đó có thể là giáo sư, chính khách chuyên nghiệp, Napoleon, Hitler, Stalin, nhưng kẻ đó càng hống hách bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu3. Đơn giản là hãy nghĩ đến một kẻ tự cao tột độ nào đó và đánh giá anh ta. Hãy nghiên cứu cuộc sống riêng tư của anh ta. Bạn sẽ phát hiện ra rằng vợ anh ta, con cái anh ta, hàng xóm của anh ta, nhân viên của anh ta sẽ không bao giờ đáp ứng các mệnh lệnh của anh ta theo cách mà bản thân anh ta cho là phù hợp4. Nói cách khác, trong mắt của những người mà anh ta cảm thấy thân thiết và hiểu rõ nhất, anh ta chỉ luôn là kẻ thất bại mà thôi. Nhưng thật phi lý khi anh ta lại kết luận rằng mình được sinh ra để quản lý toàn bộ xã hội – hay thậm chí cả thế giới! Thật nực cười khi cho rằng một đồ vật nhỏ bé có thể chiếm giữ một con người bình thường!

Sự bất tài của nhà hoạch định

Chúng ta hãy cùng kiểm tra sự hiểu biết của một kẻ tự cao. Anh ta muốn lập kế hoạch sản xuất? Anh ta biết gì về việc này? Chẳng hạn, một công ty ở Mỹ sản xuất trên 200.000 mặt hàng riêng biệt. Không một nhân viên nào trong công ty có thể biết toàn bộ các mặt hàng và không một người nào trên trái đất có đủ năng lực để tự chế tạo các mặt hàng của công ty5. Chắc chắn kẻ tự cao mà chúng ta đang xem xét chưa từng hiểu rõ công ty này. Tuy nhiên, hắn ta sẽ đặt bộ máy vận hành phức tạp và tự nguyện này dưới sự kiểm soát cứng nhắc của chính phủ và sẽ không chần chừ tiếp nhận vị trí trưởng ban điều hành. Rồi hắn ta sẽ tùy tiện phân bổ và định giá tất cả các vật liệu thô và nguồn nhân lực. Sau khi tiến hành thống kê phức tạp và dài dòng các số liệu cũ, hắn ta sẽ phân phối và định giá tùy tiện hơn 200.000 mặt hàng mà phần lớn trong số đó anh ta không bao giờ biết là từng tồn tại trên đời. Chỉ riêng việc vận hành công ty này – một công việc vô cùng nhỏ bé trong nền kinh tế Mỹ – đòi hỏi vô vàn sự trao đổi năng lượng, hàng tỷ hoạt động mỗi năm; những kẻ tự cao sẽ thực hiện quản lý những điều này chỉ bằng vài cử chỉ của kẻ máu mặt! Hãy nhớ rằng sự quan tâm qua loa đó sẽ được hắn ta dùng để điều khiển cuộc sống, kế sinh nhai và hoạt động của hàng triệu cá nhân không trực tiếp liên quan đến công ty này. 

Tiếp đến, hãy cùng tìm hiểu xem kẻ tự cao này biết gì về quá trình trao đổi? Trong một nền kinh tế chuyên môn hóa hay phân công lao động như nền kinh tế của chúng ta, việc trao đổi không thể được tiến hành dựa trên sự đổi chác như thời kỳ nguyên thủy. Trao đổi thường kèm theo vô số sự đổi chác có tác động qua lại lẫn nhau, với sự hỗ trợ của phương thức trao đổi được chấp nhận rộng rãi – đó là tiền bạc. Theo triết lý xã hội của những kẻ tự cao thì luôn tồn tại những người có khả năng điều tiết và kiểm soát số lượng và giá trị của tiền và tín dụng. Song, chắc chắn không một ai hay tổ chức nào có đủ năng lực để thao túng nguồn cung tiền và tín dụng hơn việc chế tạo một chiếc xe ô tô hoặc sản xuất một chiếc bút chì nhằm đạt được một mục tiêu cụ thể!

Một nền kinh tế được xây dựng trên giả thuyết biết rõ mọi chuyện là hoàn toàn ngớ ngẩn.

Nhưng liệu có thể tồn tại một nền kinh tế hợp tình, hợp lý, được xây dựng trên giả thuyết mọi người chỉ biết chút ít thôi không? Một nền kinh tế tiên tiến hơn chế độ xã hội chủ nghĩa? Tóm lại, liệu có tồn tại một phương thức tổ chức cuộc sống cho năng suất cao hơn mà không cần phải đòi hỏi con người phải có trí tuệ siêu việt, luôn đúng, và người khác phải làm theo ý mình? Có một con đường như thế !

Đấng sáng tạo là đấng tối cao

Đối lập với chủ nghĩa xã hội là phương thức tổ chức cuộc sống của những người ham học hỏi, tức những người sẵn sàng thừa nhận sai lầm, những người phủ nhận chính phủ – là tổ chức được xây dựng dựa trên những con người có khả năng mắc sai lầm – là cội nguồn của các quyết định đúng đắn cho mọi người. Hình thức tổ chức cuộc sống này cho rằng con người “được Đấng sáng tạo ban phát một số quyền bất khả xâm phạm mà một số trong đó là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Để đảm bảo các quyền trên của con người, xã hội lập ra chính phủ...” Lấy điều này làm tiền đề nghĩa là quyền lực tối cao thuộc về Đấng sáng tạo; chính phủ chỉ là phương tiện được con người tạo ra để bảo vệ sự sắp đặt giữa con người và Đấng sáng tạo. Khi người ta cho rằng sự Sáng Thế là cái gì đó vượt quá lý trí con người thì sẽ xuất hiện một khái niệm hoàn toàn mới về mối quan hệ giữa con người với nhau. Con người, một khi ý thức được bản thân trong ngữ cảnh trên, sẽ hiểu rằng anh ta không phải là người biết mọi thứ mà khả dĩ nhất chỉ là người có khả năng học hỏi. Sự thật vĩ đại nhất trong cuộc đời anh ta là nhận thức được những điều mình chưa từng biết.

Để minh họa điều này, chúng ta hãy quan sát cách anh ta xây dựng chính ngôi nhà của mình. Anh ta không nghĩ anh ta đã thực sự xây dựng ngôi nhà đó. Không một người đang sống nào có thể suy nghĩ như vậy. Thay vào đó, anh ta nghĩ mình đang làm công việc lắp ráp. Anh ta ý thức được những điều kiện cần thiết khi phải xây ngôi nhà đó và 2 trong số điều kiện đó là:

1. Cung cấp vật liệu xây nhà: Những người khác chặt cây, xẻ thành các tấm ván, sau đó mang phơi khô, bào, bào xoi, phơi khô và tiến hành vận chuyển. Một số khác khai thác quặng, sau đó nung trong lò để lấy kim loại làm cưa, bào, ống dẫn, bình chứa, đinh, đồ ngũ kim. Có những người lắp máy móc để khai thác quặng và có những người lại lắp các công cụ để chế tạo máy. Có những người dành dụm thành quả lao động và mang thành quả đó cho vay hoặc đầu tư mà trong ngữ cảnh này, có thể là để tạo ra các công cụ lao động. Có những người trồng lanh và đỗ tương, người tách dầu, nhà hóa học, thợ sơn. Một số khác viết sách về cách trộn bê tông, về kiến trúc, về kỹ thuật và xây dựng. Có những người làm nhà xuất bản, thợ sắp chữ - làm sao một người có thể chế tạo máy in Lino? - và vô số những vật dụng khác, nghị lực sáng tạo và trao đổi năng lượng xuyên thời gian và không gian, vô cùng vô tận!

2. Sự thiếu hụt hợp lý của nguồn năng lượng hủy diệt. Không một tên trộm nào lại đi đánh cắp chính nguồn cung cấp cho bản thân. Những người cung cấp cho anh ta không lừa gạt anh ta, cũng không bóp méo món hàng của mình. Bạo lực, giống như việc ngăn cản không cho con người làm việc tại nơi họ đã chọn (các cuộc đình công) hoặc cũng giống như việc ngăn cản con người tự do trao đổi các sản phẩm lao động (chế độ bảo hộ), đã không ngăn cản được việc cung ứng những dịch vụ này cho anh ta. Tóm lại, mọi hoạt động can thiệp vào những nỗ lực và trao đổi sáng tạo chưa đạt tới mức khiến cho việc xây dựng ngôi nhà là bất khả.

Một người nếu ý thức được rằng bản thân biết quá ít sẽ ý thức được năng lượng sáng tạo và những trao đổi năng lượng sáng tạo tạo ra những phép màu nếu chúng không bị ngăn cản. Bằng chứng là tất cả những thứ anh ta có. Đó là xe ô tô của anh ta, cà phê anh ta uống, loại thịt anh ta ăn, quần áo anh ta mặc, bản nhạc giao hưởng anh ta nghe, quyển sách anh ta đọc, bức họa anh ta xem, nước hoa anh ta dùng, và quan trọng nhất là sự hiểu biết, nguồn cảm hứng hay ý tưởng đến với anh ta – từ nơi mà anh ta không hề hay biết.

Tôn trọng những điều chưa biết

Người ham học hỏi sẽ luôn kính sợ những điều liên quan tới Đấng sáng tạo6. Anh ta đồng ý rằng “chỉ có Chúa mới tạo ra cây.”  Và anh ta cũng hiểu rằng suy cho cùng, chỉ có Chúa mới có thể xây một ngôi nhà. Đấng tự nhiên, Đấng sáng tạo, Chúa Trời – tùy theo cách gọi của bạn – nếu không bị can thiệp, sẽ kết hợp nguyên tử thành phân tử để sau đó cấu thành cây, bằng cách này hay cách khác, sẽ tạo ra lá cỏ và bằng cách nào khác tạo ra hoa hồng – bí ẩn nối tiếp bí ẩn! Và vây quanh anh ta là những ý nghĩ cho rằng năng lượng sáng tạo của con người nếu không bị can thiệp sẽ xuyên không gian và thời gian tạo thành nhà cửa, bản nhạc, thực phẩm, quần áo, máy bay – với số lượng dồi dào nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu và khát vọng của con người.

Người ham học hỏi có khả năng cảm nhận một sức mạnh to lớn nào đó tại nơi làm việc – một bức họa, sức hấp dẫn và sự quyến rũ – tạo nên sự sáng tạo bất tận. Anh ta cũng có thể hình dung bản thân là nhân tố trung gian và sức mạnh này sẽ chảy qua nhân tố đó, và tùy theo phạm vi, điều này xảy ra và mức độ anh ta có cơ hội để đóng góp vào trong quá trình sáng tạo. Là nhân tố trung gian, vấn đề tâm lý của anh ta là học cách rũ bỏ những ảnh hưởng kìm hãm bản thân – nỗi sợ hãi, sự mê tín, tức giận và những ảnh hưởng tương tự – để sức mạnh đó có thể tuôn chảy tự do. Anh ta hiểu rằng không thể ra lệnh cho nó, điều khiển nó, hoặc thậm chí đạt kết quả bằng cách đưa ra mệnh lệnh, “giờ tôi phải được truyền cảm hứng” hoặc “giờ tôi phải sáng tác một bản nhạc” hoặc “giờ tôi phải tìm ra cách chữa bệnh cảm lạnh thông thường” hoặc “giờ tôi phải làm cho người khác nhớ kĩ rằng những điều họ biết còn ít lắm”. Anh ta thấy rằng anh ta không được cản trở sức mạnh này vì nó còn gắn liền với bản thân anh ta.

Là người khôn ngoan trong xã hội, người ham học hỏi nhận thấy anh ta là nhân tố trung gian và sức mạnh bí ẩn và sự sáng tạo tiềm tàng sẽ tuôn chảy qua anh ta. Bởi thế anh ta cũng nhận ra rằng sức mạnh đó đồng thời tuôn chảy quanh những người khác; rằng sự cuộc sống của anh ta, kế sinh nhai của anh ta, cơ hội của anh ta khi là người trung gian của sức mạnh sẽ phụ thuộc vào việc những người khác làm việc sáng tạo như thế nào. Anh ta nhận ra rằng anh ta không thể điều khiển dòng chảy sức mạnh bên trong những người khác ngoại trừ chính anh ta. Anh ta chỉ biết rằng anh ta không được cản trở sức mạnh đến với những người khác và rằng đó là vì lợi ích của anh ta, vì lợi ích của họ và của toàn xã hội, rằng không ai có quyền ngăn cản sức mạnh đó đến với những người khác. Hãy để sức mạnh đó tự do và tạo ra phép lạ!

Ngăn cản hoạt động sáng tạo

Hoạt động sáng tạo không thể được tạo ra bởi chủ nghĩa độc đoán, và càng không phải là mệnh lệnh nhằm vào bản thân hay những người khác. Tuy nhiên, bất kỳ kẻ ngốc nào cũng có thể ngăn cản hoạt động sáng tạo của chính bản thân hắn hoặc của những người khác, nói chính xác là hắn có thể ngăn cản các lực lượng sáng tạo hiện thân thành một cái cây. Hắn ta có thể ngăn không cho cây cối tồn tại, nhưng không thể làm ra cây cối. Lực lượng cưỡng bức chỉ có thể hạn chế, cản trở, trừng phạt, phá hủy. Nó không thể tạo ra!

Người ham học hỏi không áp đặt sự hạn chế, cản trở hoặc hình phạt lên các hoạt động sáng tạo. Anh ta để họ tự do theo đuổi con đường mầu nhiệm của họ.

Một người nếu ý thức được rằng bản thân biết quá ít sẽ muốn xóa bỏ tất cả chướng ngại gây phá hủy dòng chảy của năng lượng sáng tạo và trao đổi năng lượng. Nhưng thậm chí ngay cả khi muốn vậy, anh ta cũng không biết cách để đạt được mong muốn đó. Anh ta sẽ chủ yếu dựa vào sự hiểu biết về các Quy tắc vàng, Mười điều răn của Chúa và các nguyên tắc đạo đức và đạo lý nhất quán khác. Anh ta hi vọng rằng cuối cùng sẽ ngày càng có nhiều người nhận ra rằng lợi ích của họ sẽ không được đáp ứng bằng cách phá hủy hoạt động sáng tạo của những người khác, hoặc sống như những kẻ ăn bám. 

Giới hạn quyền lực của chính phủ

Nói tóm lại, người ham học hỏi cảm thấy mãn nguyện khi giữ nguyên những năng lượng sáng tạo và sự trao đổi của họ; và anh ta sẽ dựa chủ yếu vào những lời dạy bảo đạo lý và thực hành đạo đức để duy trì những năng lượng này khỏi bị xâm chiếm và phá hoại. Bộ máy nhà nước sẽ chỉ hỗ trợ những lời dạy bảo và việc thực hành đạo đức bằng cách bảo vệ cuộc sống và tài sản của tất cả công dân một cách công bằng; bằng cách bảo vệ sự trao đổi tự nguyện và cản trở sự trao đổi cưỡng bức; bằng cách đàn áp và trừng trị tất cả sự gian lận, xuyên tạc, bạo lực, hành vi cướp bóc; bằng cách sử dụng pháp luật để tạo sự công bằng chung; và ngoài ra, bằng cách lưu trữ những ghi chép bổ sung.

Thật tốt. Theo lý thuyết, các năng lượng hoặc hoạt động sáng tạo và sự trao đổi của chúng sẽ không bị cản trở. Các hành động phá hoại sẽ phải tự kiềm chế hoặc, nếu không, sẽ bị các cơ quan luật pháp và lực lượng bảo vệ của xã hội ngăn cản. Liệu vấn đề chỉ như vậy? Không phải là người ý thức được bản thân mình còn biết quá ít sẽ phải biết thật nhiều về kinh tế ư?

Tại sao cần trả tiền cho mọi thứ?

Người đàn ông, được đề cập phía trên, đã tự “xây” chính ngôi nhà của anh ta. Anh ta có sự am hiểu kinh tế cần thiết. Anh ta đã suy nghĩ cẩn thận về vô số những công việc tiền đề để có thể lắp ghép một ngôi nhà hoàn chỉnh. Ban đầu, tất cả các hạng mục này có nguồn gốc từ Tự nhiên. Chúng đã ở đó khi người da đỏ vẫn còn đang khai phá vùng lãnh thổ này. Khi ở dạng thô, chúng không có giá trị. Chúng được sử dụng hoàn toàn miễn phí. Song anh ta đã phải chi trả, chẳng hạn, $10.000 để có thể sử dụng chúng.

Mục đích của việc trả tiền này là gì? Nào, khi chúng ta cắt nghĩa các thuật ngữ kinh tế thì thấy anh ta đã trả tiền cho hành động của con người mà tất yếu phải được áp dụng đối với những đồ vật khác trên trái đất. Anh ta trả tiền cho các hành động và năng lượng mà bản thân đã và đang không sở hữu, không chọn sử dụng. Nếu anh ta chỉ sử dụng những năng lượng của bản thân để tạo ra các công việc tiền đề để giúp anh ta lắp ráp thì dù trong ngàn đời anh ta cũng không thể xây xong ngôi nhà đó.

Những hành động của con người mà anh ta trả tiền tồn tại ở những dạng sau. Nhìn chung, số tiền $10.000 của anh ta bao gồm tiền công và tiền lương để trả cho việc đánh giá, dự báo, kỹ năng, sáng kiến, kinh doanh, nghiên cứu, quản lý, sáng chế, nỗ lực thể chất, phát hiện cơ hội, bí quyết; lãi suất để trả cho sự hy sinh; cổ tức để trả cho sự mạo hiểm; phí thuê để trả cho lợi thế vị trí; nói tóm lại, toàn bộ số tiền $10.000 gồm các khoản thanh toán cho dạng này hoặc dạng kia của hành động của con người. Theo nghĩa đen thì hàng triệu người đều tham gia vào quá trình này.

Hãy để thị trường tự quyết định

Vấn đề kinh tế chính yếu - cũng là gốc rễ gây ra các cuộc tranh cãi – được qui giản về câu hỏi: số tiền mỗi người nhận được trong khoản $10.000 đó là như thế nào. Bình đẳng kinh tế nên được quyết định như thế nào? Phần tiền nào nên trả cho người trồng đậu, cho nhà đầu tư vào nhà máy cưa, cho người đã vận hành máy đổ đinh vào thùng gỗ, cho người phát minh máy, cho chủ sở hữu của nhà máy sơn? Ai sẽ là người đưa ra câu trả lời?

Một người cần có hiểu biết về kinh tế học như thế nào để có thể giải quyết bài toán này? Và trong suy nghĩ của họ thì bình đẳng kinh tế nên được lý giải như nào và ai nên là người tiến hành? Anh ta chỉ cần biết điều này: Hãy để đóng góp của mỗi người được quyết định bởi số tiền mà đối tác của họ đã đề nghị trả thông qua việc trao đổi tự nguyện. Đó là tất cả những điều cần thiết đối với một nền kinh tế của những người nhận thức được rằng họ không biết gì. Chỉ đơn giản vậy thôi7

Phải tới năm 1871, khái niệm về nền kinh tế vận hành như trên mới được hình thức hóa và hiện nay được mọi người biết đến là thuyết giá trị hữu dụng cận biên. Nó còn được gọi bằng hai cái tên khác: “thuyết giá trị chủ quan” và “thuyết thị trường tự do về giá trị”. Eugen von Bohm-Bawerk, một trong những lý thuyết gia nổi tiếng đã công nhận tính đơn giản của thuyết trên như sau:

Và việc lao động trí óc mà mọi người phải thực hiện để ước tính giá trị chủ quan không còn gây ngạc nhiên như bề ngoài…Thật tình cờ, nếu thậm chí đây là một công việc khó khăn hơn rất nhiều so với thực tế thì một người vẫn có thể tự tin giao phó cho “John Doe và Richard Roe”…Trong hàng thế kỷ, trước khi khoa học hình thành học thuyết hữu dụng cận biên, con người đã quen với việc tìm kiếm rồi từ bỏ… Con người đã sử dụng thuyết hữu dụng cận biên trước khi khoa học kinh tế khám phá ra nó 8.

Về phương diện học thuật, học thuyết lao động về giá trị thịnh hành trước học thuyết thị trường tự do về giá trị. Theo thuyết này, giá trị lao động được quyết định bởi nỗ lực bỏ ra hoặc công sức tiêu tốn. Chẳng hạn, một số người làm bánh đất, một số khác làm bánh thịt. Giả sử, hai bên cùng phải mất chi phí nỗ lực như nhau để thực hiện mỗi loại. Theo thuyết giá trị lao động thì những người làm bánh đất sẽ nhận được số tiền lãi cho công sức bỏ ra giống như những người làm bánh thịt. Cách duy nhất để đạt được điều này – nếu người tiêu dùng không muốn trao đổi thành quả lao động để đổi lấy bánh đất – là chính phủ phải trợ cấp cho người làm bánh đất bằng cách lấy từ người làm bánh thịt. Karl Marx đã phát triển và giúp hệ thống hóa học thuyết này; Chính phủ đã lấy từ khu vực năng suất cao để trợ cấp cho khu vực kém năng suất hơn.

Lý thuyết lao động về giá trị ngày càng tỏ ra là kẻ thù của cả công lý lẫn kinh tế học đúng đắn, dù cho vẫn được nhiều người tiếp tục chấp nhận. Những phản ứng cảm xúc đối với nỗ lực bỏ ra và công sức tiêu tốn không phải là nguyên nhân. Những suy nghĩ uỷ mị, như “có những người nông dân chăm chỉ nhưng nghèo khổ”, khiến giới chính khách hỗ trợ nông nghiệp. Tương tự như vậy, sự cảm thông bắt nguồn từ lối suy nghĩ lỗi thời và sai lầm như “người lao động bị chà đạp” là điều kiện khiến nhiều người chấp nhận những tổ chức công đoàn được phép có quyền lực cưỡng bức.

Việc thực hành lý thuyết lao động về giá trị được hợp lý hoá bởi những kẻ tiêu tiền, người theo chính sách lạm phát, người theo thuyết Keynes, và những kẻ tự cao trên cơ sở cho rằng nó trao sức mua vào tay của những người tiêu nó. Như đã nói ở trên, hệ thống điều khiển cưỡng bức hoạt động sáng tạo của con người do con người bày đặt ra – như chủ nghĩa can thiệp, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản – luôn giả định rằng có những viên chức biết tất cả mọi thứ, nhưng đến tận bây giờ, vẫn chưa thể tìm được bất kỳ ai như vậy, thậm chí là một bản sao khả dĩ.

Trong khi đó, thị trường tự do là môi trường dành cho những người ham học hỏi – những người biết được những hạn chế của bản thân, không cưỡng bách làm theo lời Chúa, và biết đặt niềm tin vào sự trao đổi tự nguyện; thị trường tự do là phương cách quan hệ giữa người với người nhằm tạo ra những thành tựu kinh tế mà không cần mưu hại người khác.

Chú thích:

(1) The teachable shall inherit the earth [những người ham học hỏi sẽ tiếp quản trái đất] dường như là cách diễn giải hợp lý lời công bố của Kinh thánh "The meek shall inherit the earth." [kẻ nhu mì sẽ tiếp quản trái đất]. Hiển nhiên là “kẻ nhu mì” không có liên quan gì tới những kẻ nhu nhược trong xã hội.

(2)  Tham khảo First National City Bank Letter, tháng 8, 1959, tr. 90. 

(3) Một chiếc trán cao là một chiếc trán thấp cộng với tính kiêu căng”, H.G. Wells đã nói vậy.

(4) Chuyện gia đình của Napoleon là một mớ bòng bong. Gia đình đông người đã khiến ông bị phân tâm; Hitler là một thợ dán giấy thờ ơ; Stalin từng là tín đồ của thuyết thần học và hành nghề trộm cướp trước khi được bầu vào bộ máy chính quyền và trở thành kẻ độc tài; các viên chức có các vấn đề phức tạp như trên thường không mấy thành công trong cuộc sống. 

(5) Đọc cuốn “I, pencil” (Tôi, chiếc bút chì) của tác giả để hiểu tại sao không ai làm được những đồ vật vô cùng đơn giản, ví dụ như chiếc bút chì gỗ.

(6) “Nếu có thể tạo ra một từ mới trong tiếng Anh để dịch một từ Hy Lạp cổ ý nghĩa hơn, ‘wanting-to-know-it-ness’ (sự khao khát hiểu biết) sẽ là đặc trưng của chúng; tò mò…là mẹ đẻ của triết học”. The challenge of Greek của T.R.Glover (New York: The Macmillan Company, 1942), trang 6-7.

(7) Một số ý kiến cho rằng một người phải có hiểu biết về tiền, phương tiện trao đổi. Thực tế đây là một yêu cầu không thể. Để tìm hiểu thêm các ý kiến về quan điểm này, bạn đọc có thể tìm cuốn Government: An Ideal Concept (Irvington-on-Hudson, N.Y.: Foundation for Economic Education, Inc., 1954), các trang 80-91. 

(8) Các trang 203-4, tập II, Capital and Interest của Eugen von Bohm-Bawerk. 

Nguồn: Trích chương 15 cuốn Nền tảng đạo đức của kinh tế thị trường, “Mark W. Hendrickson (chủ biên), The Morality of Capitalism, The Freeman”, 1/1960

Dịch giả:
Nguyễn Thanh Hiền
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh
Biên tập:
Hendrickson, Mark W.