Chủ nghĩa duy khoa học và nghiên cứu về xã hội: Vấn đề và phương pháp nghiên cứu của lĩnh vực khoa học tự nhiên (Phần 2)
(Tiếp theo Phần 1)
Trước khi tìm hiểu các nguyên nhân dẫn đến những lạm dụng [lý tính] của chủ nghĩa duy khoa học, chúng ta cần hiểu cuộc đấu tranh mà bản thân Khoa-Học đã phải tiến hành để chống lại những khái niệm và tư tưởng làm tổn hại đến tiến bộ của nó ở mức độ giống như định kiến duy khoa học hiện nay đang đe dọa sự phát triển của hoạt động nghiên cứu xã hội. Mặc dù hiện tại chúng ta đang sống trong một môi trường mà những quan niệm và thói quen suy nghĩ trong đời sống hằng ngày bị ảnh hưởng nhiều bởi những suy nghĩ của Khoa-Học, thì chúng ta không được phép quên rằng các ngành Khoa-Học khởi đầu cuộc tranh đấu tìm kiếm phương pháp luận cho mình trong một thế giới mà hầu hết các khái niệm được hình thành từ mối quan hệ giữa người với người và từ cách biện giải các hành động của con người. Một lẽ khá tự nhiên là xung lượng mà Khoa-Học thu được trong công cuộc đấu tranh đó lại đưa nó vượt quá ranh giới và tạo ra một tình thế trái ngược theo đó ưu thế của chủ nghĩa duy khoa học lại trở thành mối nguy làm cản trở bước tiến của nghiên cứu xã hội1. Nhưng ngay cả khi con lắc đã hoàn toàn lắc theo hướng ngược lại, thì thực ra chúng ta chỉ mắc sai lầm nếu như chúng ta không nhận ra được những yếu tố đã tạo ra tâm thái này và thất bại trong việc xem xét nó trong phạm vi thích hợp của nó.
Có ba rào cản chính đối với sự tiến bộ của Khoa-Học hiện đại khiến nó không ngừng tranh đấu kể từ lúc mới ra đời trong thời Phục hưng; và phần lớn lịch sử quá trình phát triển của Khoa-Học được viết lên thông qua những bước đi dần để vượt qua những khó khăn này. Cản trở thứ nhất, dù không phải quan trọng nhất, là: vì rất nhiều lý do khác nhau, các học giả có thói quen dành hầu hết công sức của mình để phân tích những tư tưởng của người khác; điều này không chỉ bởi trong các bộ môn nghiên cứu phát triển nhất thời đó, như luật học và thần học, thì đây quả thực là những đối tượng nghiên cứu, mà chủ yếu là bởi trong quá trình suy tàn của Khoa-Học vào thời Trung Cổ có vẻ như không có cách nào để tìm ra sự thật về tự nhiên tốt hơn bằng việc nghiên cứu các tác phẩm của những tên tuổi lớn trong quá khứ. Cản trở thứ hai, và quan trọng hơn, là niềm tin rằng các “ý niệm” (“ideas”) về các sự vật chứa đựng một hiện thực siêu nghiệm (transcendental reality) nào đó, và do vậy bằng cách phân tích các ý niệm chúng ta có thể biết đôi chút hoặc mọi thứ về các tính chất của các sự vật thực (real things). Thứ ba (có lẽ là quan trọng nhất) là con người ở mọi nơi bắt đầu diễn giải các sự kiện của thế giới bên ngoài bằng cách hình dung về chúng như là được tạo dựng bởi một tâm trí tương tự như tâm trí của anh ta, và do vậy các ngành khoa học tự nhiên tiến hành lý giải mọi trường hợp bằng cách so sánh chúng với cơ chế hoạt động của tâm trí con người thông qua các thuyết “duy nhân” và “duy linh” – những thuyết đi tìm kiếm mẫu vật hướng đích và thấy thỏa mãn nếu như phát hiện ra bằng chứng chứng tỏ trong mẫu vật đó có sự hiện hữu của trí tuệ biết thiết kế.
Để vượt qua tất cả những cản trở này, Khoa-Học hiện đại đã thể hiện một nỗ lực không mệt mỏi hướng tới các “thực tế khách quan”, ngừng việc nghiên cứu con người suy nghĩ về tự nhiên như thế nào hay chấm dứt việc coi những khái niệm/ý niệm có sẵn là những hình ảnh đúng đắn của thế giới thực, và trên hết, Khoa-Học loại bỏ tất cả những học thuyết mà ngụy giải các hiện tượng bằng cách gắn chúng với một tâm trí biết định hướng giống như tâm trí con người. Thay vào đó, nhiệm vụ chính của Khoa-Học là hiệu chỉnh và xây dựng các khái niệm hình thành từ kinh nghiệm thông thường, dựa trên việc kiểm nghiệm có hệ thống các hiện tượng, nhằm mục đích giúp chúng ta nhận biết tốt hơn một hiện tượng cụ thể với tư cách như là một trường hợp của quy luật chung. Trong quá trình này, không chỉ sự phân loại tức thời có được từ các khái niệm thông dụng, mà cả sự phân biệt sơ khai giữa các tri nhận (perceptions) truyền tải từ giác quan cũng phải nhường đường cho một phương thức hoàn toàn mới giúp chúng ta sắp xếp hay phân loại các sự kiện của thế giới bên ngoài.
Khuynh hướng chấm dứt thuyết duy nhân khi bị đẩy tới cực đoan thậm chí đưa đến niềm tin rằng bản thân việc “giải thích” vẫn là cách lý giải mang tính duy nhân về các sự kiện và vì thế Khoa-Học cần hướng tới việc mô tả đầy đủ thế giới tự nhiên2. Rồi chúng ta sẽ thấy, có một ý đúng ẩn chứa trong phần đầu của nhận định này, đó là: chúng ta có thể hiểu và giải thích hành động con người theo một cách tiếp cận mà không thể áp dụng cho các hiện tượng vật lý, và vì thế cụm từ giải thích sẽ vẫn có chỗ đứng của nó ngay cả khi không áp dụng cho các hiện tượng vật lý3. Các hành động của những người xung quanh có lẽ là những trải nghiệm đầu tiên khiến con người phải đặt câu hỏi tại sao, và phải tốn rất nhiều thời gian để anh ta biết được, mà có lẽ vẫn không tài nào biết được một cách thấu đáo4, rằng với những sự việc không thuộc phạm vi hành động con người anh ta không thể mong đợi tìm được một loại “giải thích” giống như loại dùng để giải thích hành vi con người.
Việc những khái niệm thông thường không cung cấp cho chúng ta một cách thức phân loại thích hợp để chỉ ra quy luật chung về sự vận động của những sự vật xung quanh trong nhiều hoàn cảnh khác nhau đòi hỏi chúng ta phải thay thế chúng bằng một cách phân loại khác. Tuy vậy, điều có lẽ tương đối bất ngờ đối với chúng ta là: cái nhận định mà đúng đối với trường hợp các trừu tượng hóa nhất thời này [tức việc hình thành các khái niệm thông thường – ND] thì cũng đúng đối với trường hợp các giác chất (sense qualities) thuần túy – thứ mà hầu hết chúng ta đều có khuynh hướng coi như là hiện thực tối hậu (ultimate reality). Nhưng dù cho việc khoa học phá vỡ và thay thế hệ thống phân loại mà các giác chất của chúng ta tạo dựng ra là điều ít người biết tới, thì đó chính xác lại là những gì mà Khoa-Học làm. Điều này bắt đầu từ việc nhận ra rằng những gì xuất hiện trước chúng ta giống nhau không hẳn là luôn có hành vi như nhau, và những gì xuất hiện trước chúng ta khác nhau đôi khi lại có hành vi giống nhau trên mọi khía cạnh; và dựa trên kinh nghiệm đó, chúng ta tiến hành thay thế việc phân loại các sự kiện dựa trên cảm giác bằng một cách sắp xếp mới, trong đó các sự kiện không phải được nhóm lại từ những gì trông giống nhau, mà từ những gì, trong những hoàn cảnh tương tự, có hành vi giống nhau.
Trong khi một đầu óc nông cạn thường giả định rằng những sự kiện bên ngoài mà các giác quan của chúng ta ghi nhận là giống nhau hay khác nhau chắc hẳn phải có số lượng các khía cạnh giống nhau hay khác nhau lớn hơn nhiều so với những thứ mà các giác quan của chúng ta đơn thuần ghi nhận lại được, thì kiểm nghiệm có hệ thống của Khoa-Học lại chỉ ra rằng điều này thường không đúng. Nó không ngừng chỉ ra rằng “các dữ kiện” (facts) khác với “các vẻ bề ngoài” (appearances). Chúng ta coi sự vật giống hay khác nhau không chỉ đơn giản thông qua việc nó trông như thế nào, cho cảm giác gì, có mùi gì, v.v... giống hay khác, mà qua những gì xuất hiện đều đặn và thường xuyên trong cùng một hoàn cảnh không gian và thời gian. Và chúng ta biết rằng các nhận thức bằng giác quan (sense perceptions) cùng loại có thể bắt nguồn từ “các dữ kiện” khác nhau, và những sự kết hợp khác nhau giữa các chất liệu cảm giác có thể diễn tả cùng một “dữ kiện”. Một thứ bột trắng, với khối lượng và “độ mịn” nhất định, nếu không nếm hay ngửi, có thể là bất cứ thứ gì trong nhiều sự vật khác nhau tùy thuộc vào hoàn cảnh nó xuất hiện hay sau khi kết hợp với những yếu tố khác, hay tùy thuộc vào việc nó tạo ra kết quả gì khi được kết hợp với những yếu tố khác theo những cách thức khác nhau. Vì thế trong nhiều trường hợp, kiểm nghiệm hệ thống các hành vi thường chỉ ra rằng, những sự vật mà giác quan của chúng ta cảm nhận khác nhau lại có các hành vi giống hay ít nhất là tương tự nhau. Ví dụ, chúng ta có thể quan sát thấy một vật có màu xanh da trời, khi xuất hiện dưới một cường độ ánh sáng nhất định hay sau khi chúng ta uống một loại thuốc nhất định, lại có màu xanh lá cây, hay một thứ có hình elip hóa ra lại có hình tròn khi nhìn từ góc độ khác; chúng ta cũng còn có thể thấy những hiện tượng thoạt tưởng khác biệt như băng đá và nước, “thực ra” lại cùng là “một sự vật” mà thôi.
Cái quá trình sắp xếp lại các “đối tượng” đã được giác quan của chúng ta phân loại theo cách riêng của nó, cái quá trình thay thế các giác chất “thứ cấp” (tức quá trình tại đó các giác quan của chúng ta sắp xếp các tác nhân kích thích bên ngoài) bằng một hệ thống phân loại mới dựa trên những mối quan hệ giữa các lớp sự kiện được hình thành có chủ ý, có lẽ là yếu tố đặc trưng nhất của quy trình nghiên cứu của lĩnh vực khoa học tự nhiên. Toàn bộ lịch sử của Khoa-Học hiện đại là một quá trình giải phóng không ngừng nghỉ khỏi sự phân loại bẩm sinh trong chúng ta về các tác nhân kích thích bên ngoài, cho tới khi “khoa học vật lý đạt tới một giai đoạn phát triển mà ở đó chúng ta không thể dùng ngôn ngữ tương thích với cái mà các giác quan của chúng ta nhận thức được để trình bày những hiện tượng quan sát. Loại ngôn ngữ duy nhất thích hợp là ngôn ngữ toán học”5, nghĩa là, bộ môn được phát triển để diễn tả mối quan hệ phức tạp giữa các phần tử vốn không có một tính chất nào cả ngoại trừ các mối quan hệ này. Trong khi, ở thời kỳ đầu, các phần tử mới – các đơn vị được dùng để “phân tích” thế giới vật lý – vẫn chứa đựng các “giác chất”, tức là về nguyên tắc vẫn có thể trông thấy hay sờ thấy, thì chúng ta lại không thể dùng các mô hình cơ học để mô tả thỏa đáng những thứ như các hạt điện tử hay sóng, như cấu trúc nguyên tử hay các điện từ trường.
Thế giới được hình thành theo cách mới trong tâm trí con người là thế giới hoàn toàn bao gồm những thực thể không thể nhận thức được bằng các giác quan của chúng ta, nhưng lại vẫn có mối liên hệ rõ ràng với thế giới cảm giác của chúng ta. Thực ra, nó có tác dụng giải thích thế giới cảm giác của chúng ta. Trên thực tế, thế giới Khoa-Học được miêu tả có lẽ không gì khác hơn là một tập các quy tắc cho phép chúng ta lần theo dấu vết về những mối quan hệ giữa các tổ hợp khác nhau của các nhận thức bằng giác quan. Nhưng vấn đề là, những nỗ lực xây dựng các quy tắc thống nhất như thế cho các hiện tượng có thể nhận thức được đã và sẽ không thể đạt được thành công cho tới chừng nào chúng ta vẫn còn coi các tổ hợp không đổi của các giác chất mà chúng ta có thể cùng lúc nhận biết được là những đơn vị tự nhiên hay các thực thể có sẵn. Đúng ra thì, những thực thể mới – “các kiến dựng” (constructs) – cần được hình thành và được định nghĩa chỉ dưới góc độ các tri nhận bằng giác quan về “cùng” một sự vật trong những hoàn cảnh và tại những thời điểm khác nhau – tiến trình này hàm chứa một điều, theo một nghĩa nhất định nào đó, sự vật đó vẫn không thay đổi dù tất cả những tính chất có thể nhận biết được của nó có thể đã thay đổi.
Nói cách khác, mặc dù những lý thuyết của khoa học vật lý đã đạt đến giai đoạn không còn cần thiết phải liên hệ tới các giác chất, thì chúng vẫn có ý nghĩa đối với việc giải thích thế giới cảm giác vì rằng chúng ta đang có trong tay các quy tắc, một thứ “chìa khóa,” giúp chúng ta biên dịch chúng thành những mệnh đề về các hiện tượng có thể nhận biết được. Người ta có thể so sánh mối quan hệ giữa lý thuyết vật lý hiện đại và thế giới cảm giác của chúng ta với mối quan hệ giữa các cách thức khác nhau mà qua đó người ta có thể “biết” một ngôn ngữ chết, vốn chỉ hiện hữu dưới dạng các ký tự đặc biệt trên các bia khắc. Các tổ hợp những ký tự khác nhau trên bia khắc là hình thức xuất hiện duy nhất của ngôn ngữ chết, chúng tương ứng với những kết hợp khác nhau của các giác chất. Khi chúng ta tiếp cận với ngôn ngữ chết, chúng ta dần thấy được rằng các tổ hợp khác nhau của các ký tự có thể diễn tả cùng một thứ, và trong những hoàn cảnh khác nhau, cùng một nhóm ký tự có thể diễn tả những thứ khác nhau6. Khi chúng ta nhận ra được những thực thể mới này, chúng ta xâm nhập vào một thế giới mới trong đó đơn vị không phải là các mẫu tự, và trong mối quan hệ của chúng, chúng tuân theo những quy luật nhất định không thể nhận ra từ sự phối hợp giữa các mẫu tự đơn lẻ. Chúng ta có thể miêu tả quy luật của các đơn vị mới này, những quy tắc ngữ pháp, và tất cả những cái có thể được diễn tả thông qua các từ phối hợp theo những quy tắc trên mà không cần phải đề cập tới những mẫu tự riêng lẻ hay cái nguyên tắc mà dựa vào đó chúng cấu thành để tạo nên ý nghĩa cho các từ. Ví dụ, chúng ta có thể biết toàn bộ ngữ pháp tiếng Trung hoặc Hy Lạp và ý nghĩa của tất cả các từ ngữ của ngôn ngữ đó mà không cần phải biết ký tự tiếng Trung hay Hy Lạp (hay các âm tự của các từ ngữ tiếng Trung hay Hy Lạp). Tuy vậy, nếu như tiếng Trung hay Hy Lạp chỉ xuất hiện dưới dạng chữ viết, thì tất cả những kiến thức này sẽ ít có giá trị sử dụng giống như việc chúng ta chỉ hiểu biết về các quy luật tự nhiên chi phối các thực thể hay kiến dựng trừu tượng mà lại thiếu hiểu biết về các quy tắc để chuyển đổi chúng thành những mệnh đề về các hiện tượng có thể nhận biết được bằng các giác quan của chúng ta.
Như trong thảo luận của chúng ta về cấu trúc ngôn ngữ, không cần thiết phải có sự miêu tả về cách các đơn vị ngôn ngữ khác nhau được cấu thành từ tổ hợp các mẫu tự (hay âm tự), vì thế trong miêu tả lý thuyết của chúng ta về tự nhiên, sẽ không còn các giác chất mà chúng ta sử dụng để quan sát và nhận thức thế giới tự nhiên. Chúng không còn được coi như là một bộ phận của đối tượng nghiên cứu, mà chỉ đơn thuần là các phương thức giúp chúng ta tự động nhận biết hoặc phân loại các yếu tố kích thích bên ngoài7.
Ở đây chúng ta không đi sâu vào việc giải thích cơ chế phân loại các yếu tố kích thích bên ngoài của con người thông qua các giác chất8. Tuy nhiên, có hai điểm mà chúng ta sẽ quay lại bàn luận sau này nhưng cần đề cập vắn tắt ngay bây giờ. Thứ nhất, có hai câu hỏi thực sự cần phải trả lời là: tại sao, đối với chúng ta, các sự vật ở thế giới bên ngoài chỉ thể hiện sự đồng nhất trong hành vi khi chúng ta phân nhóm chúng theo một cách thức khác với cách mà các giác quan của chúng ta cảm nhận, và đặc biệt tại sao chúng lại xuất hiện theo cùng một kiểu9 với những người khác nhau. Và thứ hai, chúng ta phải coi việc những người khác nhau nhận biết các sự vật khác nhau có biểu hiện tương tự nhau nhưng lại không tương ứng với bất kỳ mối quan hệ đã biết nào giữa những sự vật này ở thế giới bên ngoài là một mốc kinh nghiệm quan trọng để làm xuất phát điểm cho việc phân tích hành vi con người.
Ở đây chúng ta không quan tâm tới các phương pháp của các ngành Khoa-Học trong đúng lĩnh vực của chúng và vì thế chúng ta không thể tiếp tục đi sâu thêm nữa vào chủ đề này. Điểm chính mà chúng ta cần nhấn mạnh là: Khoa-Học chưa bao giờ coi những gì con người biết hay nghĩ về thế giới bên ngoài hay bản thân mình – các khái niệm và thậm chí các giác chất chủ quan hình thành các nhận thức bằng giác quan của họ – là hiện thực tối hậu, là dữ liệu buộc phải chấp nhận. Đối tượng mà nó nghiên cứu không phải là chuyện con người nghĩ gì về thế giới và các hành vi sau đó của con người, mà là những gì con người buộc phải nghĩ tới. Những khái niệm mà con người thực sự sử dụng, cách thức mà con người nhìn nhận thế giới, là một bức tranh nhất thời và nhiệm vụ của nhà khoa học là phải thay đổi bức tranh đó, phải thay đổi các khái niệm, sao cho các mệnh đề đưa ra sau đó trở nên chính xác và rõ ràng hơn khi đề cập tới các lớp sự kiện mới.
Tất cả những điều này dẫn đến một hệ quả đòi hỏi chúng ta cần bàn luận thêm một chút nhằm phục vụ những xem xét tiếp sau. Đấy là vai trò đặc biệt của các mệnh đề số và các phép đo định lượng trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Người ta thường cho rằng ý nghĩa của việc sử dụng phương pháp định lượng trong hầu hết các ngành khoa học tự nhiên là ở chỗ nó đem lại độ chính xác lớn hơn cho các mệnh đề. Thực sự không hẳn như vậy. Định lượng không đơn thuần chỉ làm tăng độ chính xác cho một quy trình vốn dĩ đã khả thi ngay cả khi không được biểu diễn dưới dạng toán học – cốt lõi của quy trình này là sự phá vỡ những dữ liệu cảm giác (sense data) trực tiếp của chúng ta và thay thế sự miêu tả dưới dạng các giác chất bằng sự miêu tả dưới dạng các phần tử mà thay vì chứa các tính chất lại là các mối quan hệ lẫn nhau thuần túy. Nó là một phần cần thiết trong nỗ lực chung để giải thoát con người khỏi bức tranh hiện có về tự nhiên, để thay thế hệ thống phân loại dựa trên cảm giác thông thường bằng một hệ thống mới dựa trên các mối quan hệ được thiết lập thông qua quá trình kiểm nghiệm và thí nghiệm có hệ thống.
Trở lại với kết luận tổng quát mà chúng ta đã đưa ra: thế giới mà Khoa-Học quan tâm tới không phải là thế giới của các khái niệm hiện có hay thậm chí các cảm thức hiện có. Mục đích của nó là xây dựng một cách phân loại mới cho tất cả những kinh nghiệm của chúng ta về thế giới bên ngoài. Và để làm được như vậy, nó không chỉ phải tái dựng lại những khái niệm mà còn phải thoát khỏi các giác chất và thay thế chúng bằng một hệ thống phân loại mới các sự kiện. Đối với Khoa-Học, bức tranh mà con người có về thế giới và giúp con người định hướng trong cuộc sống hàng ngày – những nhận thức và khái niệm – không phải là đối tượng nghiên cứu mà là một công cụ chưa hoàn chỉnh cần phải hoàn thiện. Khoa-Học cũng không quan tâm tới mối quan hệ giữa con người với các sự vật, hiểu theo nghĩa sự nhìn nhận hiện tại của con người về thế giới dẫn anh ta đến hành động. [Đối với Khoa-Học], đấy là một mối quan hệ, đơn giản thế thôi, hoặc chính xác hơn, là một quá trình thay đổi không ngừng nghỉ các mối quan hệ này. Khi một nhà khoa học nhấn mạnh rằng anh ta nghiên cứu các thực tế khách quan, anh ta muốn nói anh ta đang nghiên cứu những thứ độc lập với những gì mà thiên hạ nghĩ hay quan tâm đến chúng. Đối nhà khoa học, quan điểm của người khác về thế giới bên ngoài luôn là điều cần phải bỏ qua.
Vậy đâu là những hậu quả của việc con người nhận thức về thế giới và về mọi người xung quanh thông qua các cảm thức và các khái niệm được tổ chức theo một cấu trúc tư duy quen thuộc với tất cả mọi người? Chúng ta có thể nói gì về toàn thể mạng lưới các hoạt động được con người tiến hành dựa theo những hiểu biết mình có, những hiểu biết mà đa phần đều quen thuộc với tất cả mọi người? Trong khi Khoa-Học luôn bận rộn chỉnh sửa bức tranh mà con người nhận thức về thế giới bên ngoài và chỉ coi bức tranh đó là nhất thời, thì vẫn còn đấy một chủ đề không kém phần quan trọng mà nó bỏ qua. Đó là công việc giải thích nguyên nhân và hệ quả của cái thực tế rằng con người mang trong mình một bức tranh nhận thức nhất định, và rằng bức tranh nhận thức của tất cả những sinh vật mà chúng ta nhìn nhận là những con người có tư duy, những sinh vật mà chúng ta có thể hiểu được, ở một chừng mực nhất định, là một bức tranh cùng thể loại. Tới thời điểm giả tưởng khi Khoa-Học đã hoàn tất những công việc của mình và không để lại một sự mơ hồ nào dù là nhỏ nhất về những điều con người có trách nhiệm phải tư duy, thì những hiện tượng tâm trí vẫn còn đó, không chỉ bao gồm những dữ liệu cần phải làm sáng tỏ, mà còn cả những dữ liệu dùng để giải thích những hành động của con người vốn được dẫn dắt bởi những hiện tượng tâm trí đó. Ở đây xuất hiện một tập hợp các vấn đề mà nhà Khoa-Học không trực tiếp giải quyết. Và rõ ràng là các phương pháp nghiên cứu quen thuộc đối với nhà Khoa-Học không còn thích hợp để giải quyết những vấn đề này. Câu hỏi ở đây không phải là bức tranh nhận thức của con người về thế giới bên ngoài tương thích với các thực tế như thế nào mà là: làm thế nào, bằng những hành động xuất phát từ quan niệm và suy nghĩ của chính mình, con người xây dựng được một thế giới khác trong đó mỗi cá nhân là một bộ phận. Khi nói “xuất phát từ quan niệm và suy nghĩ của chính mình” chúng ta không hàm ý chỉ nói đến hiểu biết của con người về thế giới bên ngoài. Chúng ta muốn nói đến tất cả những thứ mà mọi người biết và tin tưởng về chính mình, về người khác, và về thế giới xung quanh, tóm lại là tất cả những hiểu biết và niềm tin về tất cả những gì quyết định hành động của con người, trong đó bao gồm cả bản thân khoa học.
Đây là lĩnh vực nghiên cứu của khoa học xã hội hoặc “các ngành khoa học luân lý”.
(Xem tiếp Phần 3)
Chú thích:
(1) Về vai trò của “quy luật quán tính” này trong lĩnh vực khoa học và những ảnh hưởng của nó đối với các chuyên ngành xã hội, xem H. Münsterberg, Grundzüge der Psychologie (1909), vol. 1, p. 137; E. Bernheim, Lehrbuch der historischen Methode und Geschichtsphilosophie, 5th ed. (1908), p. 144; và L. v. Mises, Nationalökonomie (1940), p. 24. Có lẽ, việc chúng ta lạm dụng quá mức một nguyên lý giải thích mới là điều khá quen thuộc đối với những học thuyết khoa học cụ thể hơn là đối với Khoa-Học. Lực hấp dẫn và sự tiến hóa, lý thuyết tương đối và phân tâm học, tất cả đã bị sử dụng vượt quá công năng của chúng trong một số giai đoạn nào đó. Dựa trên kinh nghiệm này thì, đối với toàn bộ Khoa-Học, việc hiện tượng này tồn tại lâu hơn và gây ra những ảnh hưởng dài hơn không phải là điều đáng ngạc nhiên.
(2) Tôi cho rằng quan điểm này đầu tiên được nhà vật lý người Đức G. Kirchhoff phát biểu trong cuốn Vorlesungen über die mathematische, Physik; Mechanik (1874), p. 1, và sau đó được biết đến rộng rãi hơn thông qua triết học của Ernst Mach.
(3) Cụm từ giải thích chỉ là một trong những ví dụ quan trọng về việc lĩnh vực khoa học tự nhiên bị buộc phải sử dụng những khái niệm vốn được hình thành để miêu tả các hoạt động con người. Các thuật ngữ quy luật (law) và nguyên nhân (cause), chức năng (function) và trật tự (order), tổ chức hữu cơ (organism) và tổ chức (organization) là những từ có tầm vóc quan trọng tương tự mà Khoa-Học đã ít nhiều thành công trong việc giải phóng chúng khỏi những ý nghĩa duy nhân, trong khi với những ví dụ khác, cụ thể như chúng ta sẽ thấy trong trường hợp thuật ngữ mục đích (purpose), mặc dù không hoàn toàn ngoại lệ, nó vẫn chưa thành công trong việc thể hiện như vậy và vì thế, một số người vẫn e ngại trong việc sử dụng những thuật ngữ này.
(4) Xem T. Percy Nunn, Proceedings of the British Academy, vol.13, Anthropomorphism and Physics (1926).
(5) L. S. Stebbing, Thinking to Some Purpose (Pelican Books, 1939), p. 107. Xem B.Russell, Scientific Outlook, 1931, p. 85.
(6) So sánh này hợp lý hơn nếu chúng ta biết rằng chỉ những nhóm nhỏ các ký tự (các từ) xuất hiện trước chúng ta cùng một lúc, còn những nhóm khác (từ hay các cụm từ) lại chỉ xuất hiện trong một chuỗi thời gian xác định, giống như khi ta đọc.
(7) Ngày nay, chúng ta không còn phải bận tâm làm sáng tỏ cái phép mầu rằng các tính chất mà chúng ta giả định là của các sự vật được truyền tới não bộ dưới dạng những quá trình thần kinh không thể tách biệt (chỉ khác nhau ở bộ phận cơ thể bị tác động), và sau đó, tại não bộ, những quá trình thần kinh này lại được diễn dịch lại thành những tính chất giống như nguyên gốc. Chúng ta không có bằng chứng cho giả thuyết rằng mối quan hệ lẫn nhau giữa các sự vật ở thế giới bên ngoài là giống hay khác so với cách mà các giác quan của chúng ta cảm nhận. Thực ra ở nhiều trường hợp chúng ta có bằng chứng ngược lại.
(8) Có lẽ cần phải nói ngay rằng sự phân loại này có lẽ được dựa trên một sự hiểu biết có sẵn trong tiềm thức con người về những mối quan hệ ở thế giới bên ngoài, những mối quan hệ liên quan đến sự tồn vong của cơ thể con người trong môi trường con người sinh sống, và rằng sự phân loại này có mối liên hệ rất gần gũi với vô số những “phản xạ có điều kiện” mà loài người đã tiếp thu được trong quá trình tiến hóa. Tại trung ương thần kinh của chúng ta, sự phân loại các tác nhân kích thích có thể rất “thực dụng” xét theo nghĩa nó không dựa trên những mối quan hệ có thể quan sát giữa các sự vật bên ngoài, mà nhấn mạnh đến những mối quan hệ giữa thế giới bên ngoài (theo nghĩa hẹp) và cơ thể con người, những loại đã chứng tỏ chúng rất có ý nghĩa đối với sự tồn tại của loài người trong quá trình tiến hóa. Ví dụ, bộ não con người phân loại những tác nhân kích thích bên ngoài phần lớn bằng cách liên đới chúng với những kích thích sinh ra từ sự phản xạ của các bộ phận cơ thể khi bị kích thích bởi cùng loại tác nhân bên ngoài mà không có sự can thiệp của não bộ.
(9) Việc những người khác nhau phân loại các tác nhân kích thích bên ngoài theo “cùng một cách” không có nghĩa rằng họ có các giác chất như nhau (nếu thế thì đây là một mệnh đề vô nghĩa), mà là các hệ thống các giác chất của những người khác nhau này có chung một cấu trúc (các hệ thống các mối quan hệ đồng hình – homeomorphic systems of relations).
Nguồn: Friedrich A. Hayek, Cuộc cách mạng ngược trong khoa học: Các nghiên cứu về sự lạm dụng lý tính, NXB Tri Thức, 2007