Quá trình phát triển của viện trợ tương hỗ (Phần 2)
Trường đào tạo cho nền dân chủ
Mỗi hội bằng hữu có tính đặc thù riêng. Tuy nhiên, các hội liên kết có chung truyền thống và có thể so sánh được ở đa số mục tiêu. Tại hội Manchester Unity, thành viên mới đủ tư cách ứng tuyển cho bất kỳ chức vụ trợ lý nào: người giám sát, bảo vệ, người hướng dẫn, thư ký trợ lý. Nhiệm vụ của bảo vệ là gác cửa và đảm bảo đưa ra mật khẩu chính xác. Người hướng dẫn giúp đỡ thành viên mới thông qua các buổi lễ kết nạp. Người giám sát kiểm tra sự tham gia của mỗi thành viên để xác nhận quyền hiện diện của họ, và cất giữ biểu chương và y phục của chi hội. Mỗi chi hội có hai thư ký, thư ký bầu cử và thư ký tài chính. Nhiệm vụ chính của thư ký bầu cử là ghi biên bản họp. Mỗi vị trí được kỳ vọng sẽ quay vòng qua mỗi kỳ bầu cử, ngoại trừ vị trí thư ký tài chính.
Ngoài hai vị trí thư ký, mỗi chi hội có ba chức vụ chính: Chủ tịch, Phó chủ tịch và Cựu chủ tịch kỳ liền trước. Những chức vụ này quay vòng thường xuyên. Tất cả các thành viên được kỳ vọng sẽ cố gắng để đạt được những vị trí này – được gọi là "qua ghế" – và được yêu cầu chứng tỏ mình bằng cách giữ các chức vụ thứ yếu và tiến dần từng cấp độ địa vị trong hội.
Nhưng điều được kỳ vọng không chỉ đơn thuần là nắm giữ lần lượt các chức vụ. Việc đảm nhiệm các chức vụ cũng là một quá trình mà theo đó thành viên có thể học được các kỹ năng mới. Và đối với nhiều lao động chân tay, chi hội tạo điều kiện cho họ tự hoàn thiện mình, điều họ không có được tại nơi làm việc. Nhưng chính sách thay đổi Chủ tịch mỗi sáu tháng một lần cũng đi kèm theo rủi ro, đó là việc người mới có thể không đủ năng lực. Để khắc phục nguy cơ này và để đảm bảo rằng người mới luôn được tư vấn ngay khi cần, mỗi Chủ tịch sẽ bổ nhiệm hai người hỗ trợ. Họ sẽ ngồi ở hai bên ông ta tại các cuộc họp và bí mật đưa ra lời khuyên trong khi cuộc họp tiến hành. Theo truyền thống, Chủ tịch lựa chọn người hỗ trợ bên phải của mình là thành viên đã giữ chức vụ trước đây và là người nắm rõ thông tin về các quy tắc và thủ tục. Người hỗ trợ bên trái của ông ta lại là một người bạn có nhiệm vụ đưa ra những ủng hộ tinh thần kiên định. Trong hình thức này, mức độ chia sẻ chức phận cao được kết hợp với việc thực hiện hiệu quả. Và những người lao động chân tay, những người có lẽ gánh vác vai trò tầm thường và hạn hẹp ở nơi làm việc, có thể phát triển tài năng và biết rằng họ đang làm mọi thứ để duy trì lý tưởng của dịch vụ tương hỗ, điều thúc đẩy phong trào hội bằng hữu.
Một thành viên đã từng có chức vụ trong chi hội có thể nắm giữ các chức vụ cao hơn. Một cá nhân đã làm bốn chức vụ cấp thấp, giữ địa vị cấp thấp, đã phụng sự như phó chủ tịch, chủ tịch và cựu chủ tịch kỳ liền trước, sẽ đủ điều kiện để đảm nhận vị trí tổng thư ký hội hay địa vị cao quý. Nếu thành công, ông ta sẽ trở thành thành viên của nhóm cựu chủ tịch và đủ điều kiện để nắm giữ chức vụ ở cấp vùng và liên minh. Những người nắm giữ chức vụ cấp vùng là thư ký vùng, hội trưởng vùng, hội phó vùng, và cựu chủ tịch vùng trực tiếp kỳ trước.
Trên cấp vùng là vị trí trưởng hội, phó hội và cựu chủ tịch hội kỳ liền trước. Những vị trí này được bổ nhiệm theo bầu cử hàng năm. Hội đồng quản trị gồm ba thành viên lãnh đạo và chín cá nhân khác được bầu bởi hội nghị thường niên. Họ lui về hàng năm nhưng có thể tái bầu cử. Mỗi người được yêu cầu giữ một địa vị cao quý. Thư ký hội là người được bổ nhiệm toàn thời gian, được bầu vào lúc đầu bởi hội nghị thường niên và nắm giữ chức vụ theo quyết định của hội nghị.
Tôn trọng quy tắc và tôn trọng lẫn nhau
Các hiệp hội hàng đầu luôn có một sổ luật tỉ mỉ, nó gần như là biểu trưng của sự kính trọng đối với những người lao động chân tay đã tạo nên toàn thể thành viên. Các điều luật coi tất cả thành viên đều ngang bằng nhau. Hơn nữa, các điều luật này không được áp dụng ra bên ngoài, chúng được chính những thành viên tạo ra qua năm tháng: được thông qua, điều chỉnh, bãi bỏ, sửa đổi thường xuyên mỗi khi hoàn cảnh thay đổi. Nếu các điều luật có áp đặt nhữnghạn chế, thì những hạn chế đó đều được mọi thành viên tự nguyện chấp thuận.
Thành viên hội bằng hữu lấy làm tự hào về những điều luật của họ. Họ tự hào, không phải vì bản thân các điều luật, mà là các nguyên lý qua đó chúng hiện thân. Các điều luật đặt ra thứ mọi thành viên bắt buộc phải đóng góp và những quyền lợi họ được nhận, và quy định nhiệm vụ của người nắm giữ chức vụ. Chúng hạn chế quyền hạn của người nắm giữ chức vụ và đảm bảo sự chia sẻ những niềm vui và gánh nặng của chức vụ. Và các điều luật duy trì quyền tự trị của các chi nhánh tách biệt khỏi cấp vùng và liên minh trong mỗi liên đoàn. Các hiệp hội này hoạt động theo đúng nghĩa dùng luật trị thay nhân trị, và ở mức độ ấy, chúng là những nền tảng đào tạo đáng ngưỡng mộ đối với sự tham gia vào tiến trình dân chủ của đất nước.
Hội bằng hữu tại bước ngoặt thế kỷ
Trong phần sau của thế kỷ XIX, nhiều dạng hiệp hội mới bắt đầu phát triển do các điều kiện thay đổi. Khi phân loại các hội, thông thường sẽ phân biệt giữa hội cung cấp trợ cấp bệnh tật (hội chung) và những hội không cung cấp trợ cấp bệnh tật (hội chuyên biệt). Việc thanh toán trợ cấp bệnh tật là nhiệm vụ duy nhất và lớn nhất của họ.
Năm 1910, trước khi Đạo luật bảo hiểm quốc gia năm 1911 có hiệu lực, đã có 26.877 hội các loại với 6.623.000 thành viên đăng ký.76 Các hiệp hội chung được phân chia như sau:
Số thành viên của các hội bằng hữu chung năm 1910
|
Số chi nhánh hay hội |
Số thành viên |
Các chi hội và chi nhánh |
20.580 |
2.782.953 |
Hội liên minh tích lũy |
3.117 |
1.277.185 |
Hội phân chia |
1.335 |
292.909 |
Tiền gửi và Holloway |
81 |
381.491 |
Tổng |
|
4.734.538 |
Nguồn: Beveridge, Voluntary Action [Hành động tự nguyện - ND], Bảng 21
Tổng số thành viên của hội bằng hữu chuyên biệt vào năm 1910 là 1.888.178, trong đó 855.962 là tổng số thành viên của các hội chăm lo ma chay và tang lễ, 403.190 là số thành viên các hội chuyên về nạn tàu đắm và các thiệt hại khác nhau, và 329.450 thuộc về các hội cung cấp chăm sóc y tế. 77
Kết luận
Như vậy, hội bằng hữu tồn tại dưới mọi hình thái và phạm vi và chính sự linh hoạt này là yếu tố quan trọng nhất tạo nên sức hút của họ. Như Beveridge đã lập luận trong Voluntary Action [Hành động tự nguyện – ND], quả là điều đặc biệt khi quá nhiều những tổ chức lớn lại khởi nguồn từ một buổi họp chỉ chừng một tá người trong một buổi chiều sau giờ làm việc, thường tổ chức ở gian hậu phòng quán rượu. Một số thất bại và một số thành công. Nhờ đó, họ đã thay đổi cả thế giới, như Beveridge lập luận:
Trong một Nhà nước toàn trị hoặc trong một ngành nghề chịu sự độc quyền nhà nước, những người không hài lòng với các định chế có thể tìm kiếm biện pháp khắc phục chỉ bằng cách cố gắng thay đổi Chính phủ của đất nước. Trong một xã hội tự do và một ngành nghề tự do, họ sẽ đề xuất nhiều biện pháp khắc phục khác nhau; cá nhân bất mãn với những ý tưởng mới có thể thành lập một định chế mới để đáp ứng nhu cầu của mình. Ngành nghề là nơi tự do để thử nghiệm, để thành công hoặc thất bại, và sự kế tục sẽ dẫn đến phát minh.
Nguồn: Tom G.Palmer, Hướng đến kỷ nguyên hậu nhà nước phúc lợi, NXB Tri Thức, 2013