Quá trình phát triển của viện trợ tương hỗ (Phần 1)

Quá trình phát triển của viện trợ tương hỗ (Phần 1)

Tự thoát nghèo và từ thiện không phải là lựa chọn thay thế duy nhất cho nhà nước phúc lợi như thường được khẳng định. Viện trợ tương hỗ – một hình thức hoạt động của hội bằng hữu – được nhà sử học và khoa học chính trị David Green mô tả là mang lại sự đoàn kết, tương trợ, chăm sóc y tế và các lợi ích phúc lợi khác, và là một khuôn khổ để tuyên truyền các giá trị đạo đức. David Green là người sáng lập và giám đốc của Cavitas, một viện nghiên cứu về xã hội dân sự có trụ sở ở Luân Đôn. Trong các cuốn sách của mình, ông chỉ ra vì sao mà việc cung cấp nhà nước về bảo hiểm y tế (bắt đầu ở Anh năm 1911) và những nhân tố khác của nhà nước phúc lợi làm suy yếu các hội bằng hữu. Green là tác giả của rất nhiều cuốn sách, bao gồm Working Class Patients and the Medical Establishment [Bệnh nhân tầng lớp lao động và cơ sở y tế - ND] và Reinventing Civil Society: The Rediscovery of Welfare Without Politics [Tái thiết xã hội dân sự: tái khám phá phúc lợi không cần chính trị - ND] (Luân Đôn: Civitas, 2000). Nội dung chương này được trích ra từ hai cuốn sách trên. 

----------------------------------------------------------------------

Hầu hết lịch sử về trợ cấp phúc lợi có xu hướng đánh đồng mức độ cải thiện các dịch vụ phúc lợi với mức độ tham gia ngày càng tăng của chính phủ. Theo năm tháng, nhà nước phúc lợi lấp đầy những khoảng trống được cho là bị bỏ lại bởi thị trường. Tuy nhiên, việc kiểm tra bằng chứng cẩn thận cho thấy thực tế không phải vậy. Có nhiều cách hỗ trợ khác nhau cho những người dân cần sự giúp đỡ khi họ không có khả năng kiếm đủ tiền để tự nuôi mình, cho dù là tạm thời hay lâu dài. Gia đình và hàng xóm đóng một vai trò nhất định nhưng thường bị những nhà sử học đánh giá thấp vì sự giúp đỡ của họ là không chính thức và không được ghi chép. Hội từ thiện cũng quan trọng, và mô hình này thường được coi là loại chế độ phúc lợi có tổ chức trước khi nhà nước phúc lợi ra đời. Nhưng đến nay mô hình có tổ chức quan trọng nhất qua đó các hội viên giúp đỡ lẫn nhau là viện trợ tương hỗ. Tại Anh, hội bằng hữu chính là những nhà cung ứng phúc lợi xã hội quan trọng nhất trong thế kỷ XIX và XX.1

Hội bằng hữu là dạng hiệp hội tự quản, đôi bên cùng có lợi, thành lập bởi những người lao động chân tay để đối phó với những thời điểm khó khăn. Triết lý dẫn đường cho loại hiệp hội này khác hẳn với lòng bác ái, vốn là triết lý trung tâm của hoạt động từ thiện. Hiệp hội đôi bên cùng có lợi không được điều hành bởi một nhóm người với ý định giúp đỡ nhóm riêng biệt khác; đó là hiệp hội những cá nhân cam kết giúp đỡ lẫn nhau khi sự cố xảy ra. Sự tương trợ đó không phải là bố thí, mà là quyền lợi, có được do sự đóng góp thường xuyên của mọi thành viên vào quỹ chung và nghĩa vụ phải giúp đỡ thành viên khác khi họ gặp khó khăn. Các hội này bắt đầu như những câu lạc bộ địa phương, giữ quỹ chung trong hòm hoặc két sắt. Nhưng trong thế kỷ XIX, chúng dần phát triển thành các hội có quy mô toàn quốc với hàng trăm nghìn thành viên và có những khoản đầu tư được quản lý kỹ lưỡng.

Trong suốt thế kỷ XIX cho đến đầu thế kỷ XX, hầu hết các gia đình lấy làm tự hào với việc tự biết vươn lên, nhưng hậu quả thật cay nghiệt nếu người lao động chính trong nhà bị ốm hay qua đời, khó khăn chắc chắn sẽ ập đến. Từ thực tế khắc nghiệt này, triết lý về viện trợ tương hỗ được hình thành. Vào những năm đầu của thế kỷ XX, những hội bằng hữu tạo được bề dày thành tích trong việc hoạt động như các câu lạc bộ xã hội và từ thiện cũng như cung cấp các lợi ích như: trả tiền bệnh khi người trụ cột gia đình không thể tạo ra thu nhập do bệnh tật, tai nạn, tuổi già; chăm sóc y tế cho cả thành viên và gia đình của họ; trợ cấp mai táng đủ để thực hiện lễ tang tử tế; hỗ trợ tài chính và các hành động thiết thực cho vợ góa con côi của các thành viên đã khuất. Dịch vụ y tế thường được cung cấp bởi bác sĩ chi hội hoặc chi nhánh, người được bổ nhiệm thông qua biểu quyết của các thành viên, nhưng hầu hết các thị trấn lớn đều có một cơ sở y tế, cung cấp các dịch vụ mà ngày nay được cung cấp bởi các trung tâm chăm sóc sức khỏe. Các hội cũng cung cấp một mạng lưới hỗ trợ việc đi lại của các thành viên để tìm việc làm.

Một trong số những hội lâu đời nhất là hội Incorporation of Carters, thành lập năm 1555 tại Leith, Scotland, nhưng cho tới thế kỷ XVIII, số lượng các hội mới tăng nhanh chóng.

Số hội viên của các hội bằng hữu tăng trưởng đều đặn trong suốt thế kỷ XVIII. Năm 1801, một nghiên cứu có uy tín của Sir Frederic Eden ước tính có khoảng 7.200 hội với khoảng 648.000 thành viên nam giới trưởng thành trên tổng dân số khoảng chín triệu người. Con số này có thể so sánh với một số liệu dựa vào bản thống kê Luật tế bần năm 1803, ước tính có khoảng 9.672 hội với 704.350 thành viên chỉ riêng ở Anh và xứ Wales.2

Vào thời điểm Chính phủ Anh thực thi bảo hiểm xã hội bắt buộc cho hơn mười hai triệu người theo Đạo luật bảo hiểm quốc gia năm 1911, có ít nhất chín triệu người đã được bảo hiểm bởi các hiệp hội bảo hiểm tự nguyện có đăng ký và không đăng ký, chủ yếu là các hội bằng hữu. Năm 1910, tròn một năm trước Đạo luật năm 1911, số thành viên của các hội bằng hữu đã đăng ký là 6,6 triệu người, chưa kể đến những hội không đăng ký. Tỷ lệ tăng trưởng của các hội bằng hữu trong ba mươi năm trước đó tăng tốc mạnh.3 Năm 1877, số hội viên đăng ký đã đạt đến 2,75 triệu người. Mười năm sau là 3,6 triệu hội viên, tăng trung bình khoảng 85.000 một năm. Năm 1897, số hội viên đã đạt 4,8 triệu, tăng trung bình 120.000 một năm. Đến năm 1910, con số này đã lên tới 6,6 triệu thành viên, đã mức tăng trung bình hàng năm từ năm 1897 là 140.000.

Chính tại đỉnh cao của quá trình mở rộng của các hội bằng hữu, nhà nước can thiệp và làm thay đổi các hội bằng hữu bằng cách thực thi chế độ bảo hiểm quốc gia bắt buộc.

Nguồn gốc của các hội bằng hữu

Ban đầu, các hội này đơn thuần là sự tụ họp trong vùng giữa những người đàn ông quen biết nhau và hay gặp nhau để giao lưu, thường là tại quán rượu. Tất cả các thành viên đóng góp một khoản tiền thường xuyên, và đổi lại, họ có quyền được hưởng lợi. Một số nhóm chia khoản thặng dư hàng năm, thường vào thời điểm trước Giáng sinh; một số nhóm khác lại tích lũy quỹ qua hơn một năm. Một số hội không có quy định bằng văn bản; một số khác lại có sổ ghi luật được soạn thảo kĩ lưỡng. Các hội đều hoạt động theo chế độ tự quản và đặc điểm này luôn là một trong những yếu tố có sức hút mạnh nhất đối với thành viên. Các hội này có thể nhanh chóng thích ứng với mọi cách để đáp ứng nhu cầu của thành viên bất kỳ lúc nào. Khi chính phủ đưa ra kế hoạch đăng ký, rất nhiều hội đoàn không muốn tham gia, bởi làm vậy đồng nghĩa với việc áp đặt hạn chế hợp pháp lên khả năng thích ứng của họ. Như P. H. Gosden, nhà sử học hàng đầu về hội bằng hữu, nhận xét: “Nếu phần lớn các thành viên của hội muốn dành một phần trong khoản đóng góp của họ cho bữa tiệc hàng năm, họ sẽ không sẵn lòng chấp nhận đặt mình vào vị trí mà các cơ quan chính quyền có thể ngăn cản họ làm điều đó".4

Nhiều câu lạc bộ trong giai đoạn đầu được tổ chức theo mô hình hội phân chia, trong đó mỗi thành viên đóng góp một khoản tiền bằng nhau vào quỹ chung và vào cuối năm, nếu quỹ còn dư sau khi thanh toán các khoản tiền trợ cấp, thì phần tiền đó sẽ được chia đều cho các thành viên. Những hội này giữ được tầm phổ biến của mình cho tới thế kỷ XX, nhưng các nhược điểm của họ cũng sớm bộc lộ ra ngoài. Đầu tiên là thiếu quỹ tích lũy, điều này đồng nghĩa với việc đôi khi họ hết sạch tiền mặt, và thứ hai, do việc gia hạn tư cách thành viên hàng năm rất lỏng lẻo, nên thỉnh thoảng có trường hợp thành viên bị loại khỏi hội vào cuối năm. Những thiếu sót này đã dẫn đến sự ra đời của các liên đoàn với khoản dự trữ tích lũy và thành viên có quyền tiếp tục tư cách thành viên chừng nào người đó vẫn còn đóng quỹ.

Các liên đoàn bắt đầu phát triển từ đầu thế kỷ XIX và được biết đến như các hội liên kết. Vào thời điểm Uỷ ban Hoàng gia về hội bằng hữu thành lập năm 1874, có 34 hội có hơn một nghìn thành viên, nếu chỉ tính riêng hội Manchester Unity of Oddfellows và hội Ancient Order of Foresters đã có gần một triệu thành viên.

Sự ra đời của các liên đoàn có tác động đáng kể đến chính quyền nội bộ của các hiệp hội. Trong những câu lạc bộ đời đầu, nguyên tắc chủ đạo là tất cả mọi người đều có tiếng nói bình đẳng đối với các quyết định chung. Và do tất cả các thành viên có thể họp mặt ở cùng một địa điểm, nên các quyết định này thông thường sẽ được thông qua trong cuộc họp chung của tất cả các thành viên. Việc đi đến quyết định cuối cùng không phải là mục đích duy nhất của các cuộc họp, mà các cuộc họp còn mang tính chất giải trí, như một thói quen để lại từ các câu lạc bộ đời đầu. Lúc nào cũng vậy, các buổi họp lo liệu để duy trì trật tự đồng thời phân phát bia cho các thành viên.

Các định chế đầu tiên của giới lao động chân tay đã thử một số phương pháp tự trị khác nhau. Đầu tiên là trưng cầu dân ý: những thành viên không thể đến họp vẫn có quyền bầu cử. Thứ hai là giải pháp về nhánh chủ quản, các nhánh sẽ luân phiên nhau lên nắm quyền và làm nhánh chủ quản. Thứ ba là cuộc họp đại biểu, mỗi đại biểu chịu quy định chặt chẽ bởi các chỉ thị của cử tri. Thứ tư là hội đồng đại diện, gồm các thành viên được bầu, họ có quyền tự do đưa ra những quyết định mà họ tin là tốt nhất theo những gì họ cảm nhận và những mong muốn hoặc mối quan tâm của cử tri.

Dần dần xuất hiện một cấu trúc liên hội ba tầng – nhánh, vùng, và liên minh – là sự kết hợp giữa quyền tự quản địa phương với đại diện tại các cấp vùng và liên minh (quốc gia). Trong những hội liên kết, các nhánh – được biết như chi hội với hội Oddfellows và hạt với hội Foresters – nắm giữ quyền lực rộng lớn mặc dù quyền đưa ra quyết định cuối cùng tùy thuộc vào hội đồng nhiệm kỳ một năm hay hai năm.

Người đóng vai trò quan trọng nhất là Tổng Thư ký, đôi khi trong các thời kì khác nhau còn được gọi là Thư ký thông tin, Thư ký thường trực, hoặc Thư ký Tòa án Tối cao. Các hội này tự hào rằng việc đề bạt lên chức vụ cấp cao của mọi thành viên không vấp phải bất kỳ một rào cản nào:

mỗi cá nhân thành viên có quyền được tôn trọng và được bảo vệ tuyệt đối; mỗi cá nhân có những quyền và đặc quyền bình đẳng; chỉ có phẩm chất mới là phương tiện để mỗi người vươn lên địa vị cao hơn; và không cho phép bất kỳ rào cản nhân tạo nào ngăn cản đức hạnh và tài năng khỏi vị trí xứng đáng của chúng.5

Chỉ tới cuối thế kỷ XIX, cấp tổ chức trung gian giữa các chi nhánh cấp địa phương và tổ chức cấp quốc gia mới xuất hiện. Việc mở rộng nghĩa vụ tiền tuất là điều cần thiết, nghĩa vụ ấy không chỉ bó gọn trong thành viên của mỗi chi nhánh, vì chỉ cần vài trường hợp tử vong liên tiếp cũng có thể làm cạn kiệt nguồn quỹ hạn hẹp. Nhiều hội phát triển cấu trúc vùng để dàn mỏng rủi ro. Mỗi vùng nắm thẩm quyền trực tiếp từ cơ quan trung ương, nhưng bị chi phối bởi một ủy ban gồm những đại diện đến từ các chi nhánh riêng biệt. Ngoài việc quản lý quỹ tang lễ, các vùng cũng hoạt động như tòa án phúc thẩm bậc trung, và giám sát công việc quản lý của các chi hội, kiểm tra tài khoản và có hành động can thiệp khi cần. Tổ chức yêu cầu các chi hội gửi bảng cân đối kế toán và báo cáo hàng năm tới các cơ quan cấp vùng và trung ương.6 Tuy nhiên, một số chi nhánh không thích sự kiểm soát bổ sung mà hệ thống vùng yêu cầu và họ từ chối hợp tác.

Đến giữa thế kỷ XIX, quá trình biến chuyển từ các câu lạc bộ địa phương với nền dân chủ tạo cơ hội cho các thành viên tham gia, tới cấu trúc ba tầng với một hội đồng đại diện và lãnh đạo điều hành toàn thời gian đã diễn ra tốt đẹp. Nhưng lý tưởng nguyên bản của nền dân chủ thuần túy vẫn còn có sức ảnh hưởng và chúng thường được đưa ra làm tiêu chuẩn để đánh giá những đề xuất thay đổi trong quy trình đưa ra quyết định. Trong thời kỳ hoàng kim của câu lạc bộ sức khỏe địa phương tự quản, tồn tại một niềm tin phổ biến giữa những tổ chức của tầng lớp lao động, đặc biệt là khi chúng mới được thành lập, đó là tất cả mọi người có quyền bình đẳng được nắm giữ chức vụ. Ví dụ, trong một bài viết chủ đạo trong cuốn Clarion được công bố ngay sau khi đảng Lao động độc lập thành lập vào năm 1893, biên tập viên (theo quan điểm của Sidney Webb, thành viên có ảnh hưởng nhất của đảng đó) tuyên bố:

Khá chắc chắn rằng nếu một công dân chuẩn mực hoàn toàn trung thực, mọi người sẽ thấy anh ta đủ khả năng để thực hiện tất cả những điều được cho là cần thiết trong phạm vi nhiệm vụ thông thường của các hội viên lãnh đạo và đại biểu, chẳng hạn như ủy viên hội đồng hay thành viên của Quốc hội… Hãy để tất cả các hội viên lãnh đạo được nghỉ hưu sau một năm phụng sự, và bầu những người mới thay thế họ.7

Các hội bằng hữu vẫn còn giữ được phần nhiều nhiều tinh thần này, và qua năm tháng, các cấu trúc đó tiến triển tới mức có thể cân bằng giữa nhu cầu thực hiện tốt các nhiệm vụ tổ chức và mong muốn các thành viên tham gia ở mức tối đa.

Các hiệp hội và nền dân chủ tham gia

Các hội bằng hữu được quan tâm một cách đặc biệt vì chúng hướng tới việc kết hợp mức độ kiểm soát cao bởi các thành viên cá nhân với cách thức quản trị hiệu quả. Nhà nước phúc lợi thường bị chỉ trích vì tính tập trung hóa quá nhiều, nhưng đó không phải là vấn đề mà chỉ riêng các chính phủ phải đối mặt. Một khi các hội liên kết không còn là các câu lạc bộ địa phương thuần túy, cán cân quyền lực giữa trung ương và các chi nhánh mới là mối quan tâm thường xuyên.

Những hội liên kết đưa ra những giải pháp độc đáo cho vấn đề thâm niên đế này, để tối thiểu hóa chi phí và tối đa hóa lợi thế hiệu quả mà mức độ tham gia cao có thể đem lại. Hội Foresters lựa chọn phương thức mà tất cả các thẩm quyền hợp pháp xuất phát “gắn với và từ đa số thành viên". Trong bài giảng đầu tiên của hội Foresters, sức mạnh của tập thể thành viên giống như “ánh sáng mặt trời – tự nhiên, nguyên bản, vốn có, và không giới hạn bởi bất kỳ thứ gì liên quan tới con người. Quyền lực của các hội viên lãnh đạo chỉ là vay mượn, được giao phó, và bị giới hạn bởi ý muốn của Tập thể thành viên, những người mà tất cả các thành viên lãnh đạo phải có trách nhiệm". Trong chi nhánh, tất cả hội viên Foresters đều ở trên phương diện bình đẳng:

Tại Hạt, và trước pháp luật, không ai trội hơn ai. Mọi người đều ở trên phương diện hoàn toàn bình đẳng… Không có chức vụ nào là quá cao mà người nghèo không thể với tới; không có nhiệm vụ nào là quá hèn kém mà người giàu không thể hạ mình. Sự hiểu biết để cai trị, khả năng để thực thi thẩm quyền với sự khiêm tốn phù hợp; cả với sự chắc chắn cần thiết, và tác phong để giữ được sự tôn trọng, là những phẩm chất mà mọi thành viên lãnh đạo hội phải có; và đó cũng là những phẩm chất mà mọi thành viên có quyền đạt được.8

Những hội liên kết noi gương câu lạc bộ đời đầu bằng cách trao quyền áp dụng hình phạt đối với hành vi sai trái cho Chủ tịch chi nhánh. Tại hạt Old Abbey của hội Foresters, có trụ sở tại Guisborough, Hội trưởng có quyền xử phạt thành viên 3 xu nếu gây cản trở cho thành viên khác hoặc 6 xu nếu chửi thể hoặc sử dụng lời lẽ lăng mạ hoặc xúc phạm.9

Đồng thời, các liên đoàn cũng như các câu lạc bộ đời đầu đã nhận thức sâu sắc rằng cần thiết phải ngăn chặn các thành viên lãnh đạo chủ trì lạm dụng quyền lực. Hầu hết các hội bày tỏ những kì vọng của họ đối với vị Chủ tịch mới tại buổi lễ nhậm chức. Khi nhậm chức, Chi hội trưởng của hội Foresters sẽ tuyên thệ như sau:

Tôi, [tên], đã được bầu làm Chi hội trưởng, trước sự có mặt của các bạn và anh em bằng hữu, xin hứa và chính thức tuyên bố, tôi sẽ làm tất cả trong khả năng của mình để thúc đẩy phúc lợi, hòa bình, và sự hòa hợp chung của chi hội và tôi sẽ nỗ lực để hành động với sự công tâm trong tất cả các vấn đề liên quan tới chức vụ được bổ nhiệm.10

Các hiệp hội không hoàn toàn tin tưởng vào những lời kêu gọi đạo đức. Luật lệ cũng đề cập những việc mà vị chủ tịch có thể và không thể làm. Ví dụ, Pháp lệnh chung của hội Foresters quy định nếu vị chủ tịch đương nhiệm bỏ trống chức vụ của mình "mà không được sự cho phép từ các anh em trong hội, hoặc không đề cử được người có khả năng kế nhiệm”, hoặc từ chối bỏ phiếu "bất kỳ đề xuất nào đã được thực hiện một cách hợp pháp", nếu hành vi phạm tội là không "quá trắng trợn để bị miễn nhiệm", ông ta có thể bị phạt 5 si-linh cho lần vi phạm đầu tiên, 10 si-linh cho lần thứ hai, và lên đến 21 si-ling cho những lần vi phạm tiếp theo.11

Nhiều hội đoàn sử dụng lễ khai mạc chi hội để hạn chế khuynh hướng những người có chức vụ nắm trong tay quá nhiều quyền lực. Tại hội Manchester Unity, vào lúc bắt đầu mỗi cuộc họp, mỗi thành viên lãnh đạo được yêu cầu trịnh trọng tuyên bố nhiệm vụ của mình trước các thành viên chi hội. Ví dụ, thư ký tài chính phải nói rằng: "Tôi có nhiệm vụ giữ bản quyết toán công bằng và khách quan giữa mỗi thành viên và Chi hội; giải thích và cân đối bản quyết toán đó bất cứ lúc nào mà bạn hoặc phần đông chi hội yêu cầu, và nghĩa vụ của tôi nằm trong chừng mực giữ gìn sổ sách rõ ràng và dễ hiểu”.12

Các câu lạc bộ đời đầu quay vòng chức vụ để đảm bảo sự chia sẻ gánh nặng và lợi thế của chức vụ, nhưng dần dần sự quay vòng đó được thay thế bởi các đợt bầu cử thường xuyên. Ví dụ, tại hội Manchester Unity, trừ thư ký tài chính là người giữ chức vụ theo chỉ định của Chi hội, việc nắm giữ những chức vụ chủ chốt thay đổi theo mỗi kỳ bầu cử sáu tháng hoặc một năm đã trở thành thông lệ.

(còn nữa)

Chú thích

(1) Về việc so sánh với các hội bằng hữu Úc, xem David G. Green và Lawrence Cromwell, Mutual Aid or Welfare State [Viện trợ tương hỗ hay nhà nước phúc lợi].

(2) P.H.J.H. Gosden, The Friendly Societies in England 1815-1875 [Những hội bằng hữu ở Anh 1815-1875] (Manchester: Manchester University Press, 1961), trang 4-5.

(3) P.H.J.H Gosden, Self-Help [Tự lực cánh sinh] (London: Batsford, 1973), trang 91; William (Lord) Beveridge, Voluntary Action [ Hành động tự nguyện] (London: Allen & Unwin, 1948), trang 328.

(4) P.H.J.H. Gosden, The Friendly Societies in England [Những hội bằng hữu ở Anh], trang 18.

(5) Ancient Order of Foresters [Liên hiệp cổ đại của kiểm lâm viên], General Laws [Luật chung], Các quan sát đối với những lợi thế của lâm nghiệp, 1857.

(6) Josef Maria Baernreither, English Associations of Working Men [Những hiệp hội người lao động của nước Anh] (London: Swan Sonnenschein, 1893), trang 380; G. D. Langridge, A Lecture on the Origin, Rise and Progress of the Manchester Unity Independent Order of Odd Fellows [Bài giảng về nguồn gốc, sự phát triển và tiến trình của Liên minh Manchester, hội độc lập của những thành viên tổ chức bằng hữu và từ thiện bí mật] (Melbourne: Liên minh Manchester, 1867), trang 20-21.

(7) Sidney và Beatrice Webb, Industrial Democracy [Nền dân chủ công nghiệp] (London: The Authors, 1913), trang 36, ghi chú 1.

(8) Ancient Order of Foresters [Liên hiệp cổ đại của kiểm lâm viên], Bài giảng 1, 1879, trang 41-42.

(9) Ancient Order of Foresters [Liên hiệp cổ đại của kiểm lâm viên], Court Robert Gordon, qui tắc 53 và 55, 1877.

(10) Ancient Order of Foresters [Liên hiệp cổ đại của kiểm lâm viên], Formularies [Những công thức], 1879, trang 12.

(11) Ancient Order of Foresters [Liên hiệp cổ đại của kiểm lâm viên], General Laws [Luật chung], 1857, Nguyên tắc 82.

(12) Independent Order of Oddfellows, Manchester Unity [Hội độc lập của cá thành viên tổ chức bằng hữu và từ thiện bí mật, Liên minh Manchester], Lodge Ritual and Lecture Book with Procedure [ Sách, bao gồm thủ tục, lễ nghi và bài giảng của chi hội], 1976, trang 9-10.

Nguồn: Tom G.Palmer, Hướng đến kỷ nguyên hậu nhà nước phúc lợi, NXB Tri Thức, 2013

Dịch giả:
Trần Thuỳ Dương
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh
Biên tập:
Palmer, Tom G.