![[Tinh thần dân chủ] Chương 14: Thúc đẩy dân chủ một cách hiệu quả (Phần 8)](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k22071_15.14_(1).jpg)
[Tinh thần dân chủ] Chương 14: Thúc đẩy dân chủ một cách hiệu quả (Phần 8)
CÔNG NGHỆ DÂN CHỦ HÓA
Sự phát triển các công nghệ trao quyền cho các cá nhân và các tác nhân phi nhà nước là một trong những phương thức đầy hi vọng trong cuộc đấu tranh vì tự do và tham gia chính trị của nhân dân. Điện thoại cầm tay, e-mail, và Internet làm gia tăng nhiều lần tốc độ mà các cá nhân có thể tổ chức để làm thay đổi xã hội cũng như quy mô công việc họ có thể làm khi họ tạo ra cái mà Thomas L. Friedman gọi là “những cá nhân được giao siêu quyền lực.”1 Đáng tiếc là những phương tiện có thể trao quyền lực cho những người hoạt động vì nhân quyền thì cũng có thể trao quyền lực cho những kẻ khủng bố. Các nhà nước độc tài đang tìm cách kiểm soát và cản trở công dân tự sử dụng công nghệ để tìm nhiều quyền tự do và dân chủ hơn. Nhưng có lý do để tin rằng đóng góp của công nghệ đang và sẽ có tính tích cực và có những việc có thể làm để tăng tốc việc phổ biến những công nghệ này.
Sự kết hợp các phương tiện truyền thông di động và “điện toán mọi lúc mọi nơi” (thông qua những bộ vi xử lí và những thiết bị thường dùng được lắp đặt vào môi trường) tạo điều kiện cho những người bình thường hợp tác vì thay đổi xã hội và mở rộng chưa từng thấy mạng lưới của những người ủng hộ cải cách.2 Điện thoại cầm tay đã và đang trở thành phương tiện tạo điều kiện thuận lợi cho những cuộc phản đối chống lại các chính quyền độc tài và xâm phạm dân chủ, tạo ra cái mà người quảng bá không mệt mỏi cho công nghệ, Howard Rheingold, gọi là “đám đông thông minh”, tức là mạng lưới những cá nhân trao đổi thông tin nhanh chóng và ít hệ thống thang bậc hay sự chỉ đạo tập trung để có thể tập họp hay “tụ tập” vào một địa điểm nhất định để phản đối. “Ngày 20 tháng 1 năm 2001, tổng thống Joseph Estrada của Philippines trở thành người đứng đầu nhà nước đầu tiên trong lịch sử mất chức vì đám đông thông minh”,
đấy là khi ban đầu có mấy ngàn người và sau đó, trong vòng bốn ngày đã có hơn một triệu người Philippines tập hợp trong một cuộc phản đối lịch sử để đáp lại thông điệp “Go2EDSA,Wearblck” (Nghĩa là: “Đến đại lộ Epifaneo de los Santos, mặc màu đen.)3 Tin nhắn cùng với e-mail đã giúp nhanh chóng huy động được sự giúp đỡ của dân chúng đối với cuộc Cách mạng Cam ở Ukraine, Cách mạng Tùng ở Lebanon (lôi kéo được hơn một triệu người biểu tình đòi rút quân đội Syria), những cuộc biểu tình phản đối ở Kuwait năm 2005 (đòi quyền bầu cử cho phụ nữ) và những cuộc biểu tình phản đối của sinh viên ở Venezuela năm 2007 (phản đối việc đóng cửa những hãng truyền hình độc lập) và nhiều cuộc biểu tình phản đối của sinh viên Iran.4 Ở Nigeria, Mạng lưới Những người Theo dõi Bầu cử di động đã sử dụng tin nhắn để thu thập các báo cáo về gian lận bầu cử năm 2007, giúp các nhà quan sát quốc tế có bức tranh thuyết phục hơn về gian lận.5
Ở Trung Quốc, tin nhắn lan tràn đã và đang là tác nhân chính trong việc nở rộ những cuộc phản đối của quần chúng. “Hiện nay người ta có thể sử dụng SMS (tin nhắn) để tổ chức cuộc biểu tình phản đối quy mô lớn mà không cần xin phép chính quyền”, Xiao Qiang, người ủng hộ nhân quyền hàng đầu, cũng là giám đốc Dự án Internet Trung Quốc ở Đại học California (University of California, Berkeley) nói. “Hiện nay thanh niên Trung Quốc nắm trong tay nhiều phương tiện thông tin mạnh mẽ hơn.”6 Gần đây, vụ bùng nổ hàng trăm ngàn tin nhắn từ điện thoại cầm tay ở Hạ Môn đã tạo ra vụ phản đối rộng khắp nhằm chống lại việc xây dựng một nhà máy hóa chất gây nguy hiểm cho môi trường đã buộc chính quyền phải tạm dừng dự án.7 Công nghệ còn len lỏi vào Bắc Triều Tiên, xã hội bế quan tỏa cảng nhất thế giới. Một nhà hoạt động làm việc với người tị nạn Bắc Triều Tiên nhận xét: “Với đài phát thanh, phải phát nhiều giờ mới thuyết phục được người Bắc Triều Tiên rằng ở ngoài kia còn có những thứ khác. Nhưng với điện thoại cầm tay, chỉ cần một cuộc gọi là đã làm thay đổi đầu óc một người rồi.”8 Trong các nước nhiều dầu khí ở vùng Vịnh, tin nhắn tạo điều kiện cho các nhà hoạt động dân sự và phe đối lập chính trị “lập danh sách thành viên không chính thức, truyền tin về những người hoạt động bị bắt giữ, động viên người dân đi bỏ phiếu, lên kế hoạch các cuộc mít tinh và tụ tập, và xây dựng chiến dịch cho những vấn đề mới – tất cả, trong khi tránh được các tờ báo, các đài truyền hình và website do chính phủ kiểm soát.”9
Tin nhắn thường được bổ sung hay xảy ra sau và được củng cố bởi blog. Blog hiện đã trở thành sức mạnh thứ tư mang tính cách mạng của đệ tứ quyền. Hầu như bất kì người công dân nào cũng đều có thể trở thành nhà bình luận, nhà báo hay thậm chí là biên tập viên truyền hình. Các cuộc phản đối việc xây dựng nhà mày hóa chất ở Hạ Môn: “các nhà báo công dân mang theo điện thoại di động, gửi tin nhắn cho các bloggers ở ... các thành phố khác, những người này lập tức đưa các báo cáo cho cả nước xem”, và nhờ đó mà tăng cường được ảnh hưởng.10 Trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2006, các bloggers ở Bahrain đã sử dụng Google Earth để chiếu những bãi cỏ cực kì rộng lớn do vương triều của người Sunni thiểu số sở hữu xung quanh các lâu đài của họ, trong khi người Shiite chiếm đa số phải sống trong những khu nhà ổ chuột. Hiện nay, ở những nước, nơi mà chế độ độc tài đã được củng cố nhưng đang bị thách thức, các bloggers đang là người đứng trên tuyến đầu. Rõ nhất là Iran, ở đây có từ bảy mươi đến một trăm ngàn bloggers, làm cho tiếng Iran trở thành một trong mười ngôn ngữ thịnh hành nhất trên Internet.11 Trên bình diện toàn cầu, không gian blog đang phát triển với tốc độ lũy thừa, từ năm 2003 đến năm 2006 gia tăng chín mươi lần – trong thời gian đó mỗi ngày có thêm một trăm ngàn Webogs mới.12
Tốc độ đưa tin, không bị kiểm duyệt và không bị biên tập viên cắt xén, tất cả các công dân đều có thể tiếp cận là những đặc điểm làm cho blog trở thành một trong những phương tiện thông tin đại chúng về bản chất là dân chủ nhất. Blog là hiện thân của những nguyên tắc dân chủ: mọi người đều có thể tiếp cận và tự do ngôn luận. Nhưng nó còn có thể nâng cao ý thức chính trị và chuyển hóa các giá trị chính trị. Như một blogger Ai Cập nói với tờ Time năm 2006 – ngay trước khi bị bắt trong một cuộc phản đối – ông biết nguy cơ, nhưng ông đã “được nếm mùi vị của tự do ngôn luận và không từ bỏ nó một cách dễ dàng như thế.”13 Một số nước có hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn blogs, làm cho việc theo dõi, kiểm duyệt và đàn áp trở thành khó khăn hơn so với báo chí hay những phương tiện truyền thông truyền thống khác. Nó không chỉ làm cho những xã hội đóng kín trở thành cởi mở và còn làm sâu sắc thêm và tăng cường sinh lực cho dân chủ, khuếch trương các cuộc thảo luận trong xã hội và trong những chế độ dân chủ đã được củng cố như Hoa Kỳ, nó đưa những người mới tham gia vào lĩnh vực xã hội, còn trong những nước như Nam Hàn (một trong những nước có tỉ lệ người sử dụng internet cao nhất thế giới), nó làm cho chế độ ngày càng vững chắc thêm.
Máy quay phim, máy ảnh kĩ thuật số cùng với mạng xã hội như YouTube tạo ra những khả năng mới trong việc tố cáo và thách thức sự lộng hành của chế độ độc tài. Những hành động tàn bạo của cảnh sát được chụp hay quay bằng điện thoại di động và được đưa lên YouTube và các mạng xã hội khác, sau đó các bloggers kêu gọi dư luận xã hội chú ý đến những trường hợp này. Có một vụ khá nổi tiếng, đấy là khi thủ tướng Malaysia buộc phải ra lệnh mở cuộc điều tra độc lập sau khi một phụ nữ trẻ trần truồng bị cảnh sát bắt ngồi xổm được đưa công khai lên mạng.14 Tháng 5 năm 2007, khi hãng truyền hình Radio Caracas Televion bị tổng thống Venezuela, Hugo Chavez, cấm phát sóng, hãng này tiếp tục phát trên YouTube.15 Do những ảnh hưởng mang tính cách mạng của nó mà các nhà nước độc tài như Iran và Ả Rập Saudi cấm ngặt, không cho người dân tiếp cận với mạng xã hội này.
Các công nghệ thông tin cũ hơn vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Ở Serbia, đài phát thanh đóng vai trò quan trọng trong việc tố cáo những sai lầm ngớ ngẩn và những vụ lạm quyền của chính quyền Slobodan Miloševič và báo cáo về gian lận trong cuộc bầu cử năm 2000, dẫn đến những cuộc phản đối của quần chúng.16 Ở châu Phi, đài phát thanh vẫn là phương tiện quan trọng nhất trong việc truyền bá thông tin qua các kênh phi chính phủ. Các đài phát thanh của cộng đồng giáo dục dân chúng về chính trị và dân chủ, thông báo cho họ về những vấn đề của địa phương, tổ chức họ để thay đổi và khuyến khích hòa bình và hòa giải.17 Truyền hình vệ tinh mở ra những cơ hội thông tin bên ngoài vòng kiểm soát của chính phủ. Ảnh hưởng đặc biệt mạnh mẽ trong thế giới Ả Rập, nơi các đài truyền hình như al-Jazeera và al-Arabia không chỉ làm gia tăng chủ nghĩa đa nguyên trong tin tức và thông tin, mà còn tạo điều kiện “cho những người Ả Rập bình thường gọi tới và trình bày những nỗi khổ đau không bị biên tập trước 30 triệu khán giả.”18
Các tác nhân quốc tế có thể làm nhiều việc để thúc đẩy “công nghệ tự do hóa”. Thứ nhất, các chế độ dân chủ có uy tín phải đứng lên bảo vệ quyền tự do thể hiện trên mạng và kiên quyết phản đối khi có công dân bị bắt vì đã nêu ra ý kiến và tố cáo những vụ lạm quyền của chính phủ, nếu những bài được đăng tải không biện hộ cho hay kích động bạo lực. Không gian blog sẽ ngày càng trở thành vũ đài, nơi những người bất đồng ý kiến theo đường lối dân chủ phải được che chở và bảo vệ. Các nước dân chủ có uy tín phải lên án tất cả những bộ luật nhằm ngăn chặn việc tiếp cận với Internet và trừng phạt quyền tự do thể hiện. Thứ hai, phải giúp các nước nghèo mở rộng mạng lưới điện thoại di động của họ. Lần đầu tiên trong lịch sử, hàng triệu người nghèo trong các làng mạc và
khu ổ chuột, những người có thể chưa có điện và nước sạch, có thể gọi điện cho
nhau bằng điện thoại di động.19
Trong khi đường dây trên mặt đất quá đắt đỏ, lại do những kẻ ăn trên ngồi trốc độc quyền và quản lý một cách vô luật pháp, hiện nay, những người kém may mắn hơn có thể nhảy qua cả một thế hệ công nghiệp và điện thoại không chỉ giúp họ tổ chức chính trị và thay đổi xã hội mà còn tạo điều kiện cho họ hẹn hò, nhận đơn hàng, biết giá nông sản và theo dõi tình hình thị trường. Tiềm năng của điện thoại cầm tay, như một phương tiện hình thành chế độ dân chủ, sự phát triển và vốn liếng khu vực với nền tảng rộng rãi mới chỉ bắt đầu được tìm hiểu mà thôi. Điện thoại di động rẻ hơn hẳn máy tính (kể cả những loại có thể kết nối với Internet), khả năng san bằng bất bình đẳng là rất lớn. CEO Eric Schmitt của Google viết: “Điện thoại di động rẻ hơn máy tính cá nhân, điện thoại di động nhiều gấp ba lần máy tính và gia tăng với tốc độ gấp đôi máy tính, ngày càng có nhiều điện thoại di động có thể kết nối với Internet.”20
Thứ ba, các nước có uy tín phải ưu tiên hơn nữa cho việc giúp đỡ về tài chính, huấn luyện và giúp đỡ kĩ thuật cho các đài phát thanh cộng đồng. Như với các NGO, hi vọng rằng những đài phát thanh này sẽ đứng vững được về mặt tài chính (hay các đài thương mại có lãi) trong thời gian sắp tới là không thực tế. Về lâu dài, cần phải giúp đỡ về mặt tài chính những đài phát thanh hay các phương tiện thay thế khác trong việc tiến hành những dịch vụ có giá trị nhưng mất nhiều chi phi để quảng bá cho dân chủ.
Thứ tư, những nước phát triển về công nghệ, bắt đầu từ Hoa Kỳ, cần phải chiến đấu cho tự do trong thế giới kì diệu này. Cuộc đua đang diễn ra giữa tiến bộ công nghệ của các công cụ tự do hóa và tiến bộ công nghệ của các dụng cụ kiểm soát và đàn áp. Chúng ta cần đảm bảo rằng tự do hóa sẽ chiến thắng – thậm chí phải cấm những công ty như Microsoft, Yahoo, Cisco Systems bán cho Trung Quốc và các nhà nước độc tài khác công cụ nhằm kiểm duyệt Internet và theo dõi những điều người dân nói với nhau trên mạng. Các chế độ dân chủ có uy tín cần thúc đẩy phát triển và phổ biến công nghệ giúp vượt qua được những trò ma mãnh của các nhà nước độc tài trong việc ngăn chặn những website ủng hộ dân chủ và phá vỡ thông tin liên lạc của xã hội dân sự.
Còn có cuộc đua nữa ngay trong các nước dân chủ, đấy là cuộc đua giữa công nghệ làm cho dân chủ trở thành sâu sắc hơn và công nghệ nhằm chiến đấu với tội phạm và chủ nghĩa khủng bố. Những cố gắng nhằm giám sát những mối liên lạc bằng công nghệ số và ghi chép mọi động thái của xã hội bằng rất nhiều máy quay phim cần phải được theo dõi và đánh giá một cách thận trọng. Cuộc tranh luận về theo dõi mà không có lý do xác đáng những cuộc điện thoại quốc tế và liên lạc kĩ thuật số do Cơ quan Anh ninh Quốc gia (National Security
Agency – NSA) Hoa Kỳ tiến hành là trường hợp như thế. Như Rheingold nhận xét, cách mạng số tạo điều kiện cho người dân giành được những quyền lực mới, đồng thời nó lại tạo ra nguy cơ đánh mất những quyền tự do đã được thiết lập, vì chính phủ cũng như các công ty liên tục tước đoạt quyền riêng tư của họ.21 Ở Anh hiện có hơn 4 triệu máy quay chuyên làm nhiệm vụ theo dõi (một máy trên mười bốn người dân) và ủy viên phụ trách truyền thông của chính phủ nói rằng đất nước có thể “mộng du vào xã hội giám sát.”22 Nếu ở trong nước đang mất dần tự do, thì thúc đẩy tự do ở nước ngoài sẽ chẳng còn mấy giá trị.
Điều này, tất nhiên nhấn mạnh chủ đề rộng lớn hơn. Hoa Kỳ và các chế độ dân chủ có uy tín đồng hành với họ không thể trở thành những người đáng tin trong việc thúc đẩy dân chủ ở nước ngoài nếu chế độ dân chủ trong nước họ đang xấu đi. Muốn thúc đẩy dân chủ một cách hiệu quả thì phải đưa ra được mô hình về chất lượng của dân chủ, tự do, và tinh thần cảnh giác có thể làm cho người ta tôn trọng và đáng theo.
Chú thích:
1. Thomas L. Friedman, The Lexus and the Olive Tree: Understanding Globalization (New York: Anchor Books, 2000), p. 15.
2. Để thấy cách thức hoạt động xin đọc http://mobileactive.org.
3. Howard Rheingold, Smart Mobs: The Next Social Revolution (New York: Basic Books, 2003), p.158.
4. Michael McFaul, “Transitions from Postcommunism”, Journal of Democracy 16 (July 2005): 12; Cathy Hong, “New Political Tool: Text Messaging”, Christian Science Monitor; June 30, 2005; Jose de Cordoba, “A Bid to Ease Chavez’s Power Grip; Students Continue Protests in Venezuela; President Threatens Violence”,Wall Street Jounal, June 8, 2007.
5. “Monitoring Elections with SMS”, http://www.smartmobs.com/2007/04/22/monitoring-elections-with-sms/.
6. Trích lại theo Hong, “New Political Tool: Text Messaging”.
7. Edward Cody, “Text Messages Giving Voice to Chinese”, Washington Post, June 28, 2007.
8. Ibid.
9. Steve Coll, “In the Gulf, Dissidence Goes Digital; Text Messaging is the New Tool of Political Underground”, Washington Post, Match 29, 2005.
10. Cody, “Text Messages Giving Voice to Chinese”.
11. James F. Smith and Anne Barnard, “Iran Bloggers Test Regime’s Tolerance”, Boston Globe, December 18, 2006, http://www.boston.com/news/world/middleeast/articles/2006/12/18/Iran_bloggers_text_regimes_tolerance/
12. Technorati, “State of the Blogosphere, October 2006”, http://technorati.com/weblog/2006/11/161.html. Tháng 10 năm 2006 trên thế giới có khoảng 57 triệu blog.
13. Lindsay Wise, “Why Egypt Is Cracking Down on Bloggers”, Time, June 1, 2006, http://www.time.com/time/world/article/0,8599, 1199896,00.html.
14. “Malaysia Police Minister ‘Sorry’”, BDC News, November 30, 2005, http://news.bbc.co.uk/2/hl/asia-pacific/4485360.stm.
15. “Silenced Venezuelan TV Station Moves to YouTube”, CNN, june 3, 2007, http://www.cnn.com/2007/WORLD/americas/05/31/venezuela.media/index.html.
16. McFaul, “Transitions from Postcommunism”, p. 12.
17. Xin đọc, ví dụ, website của đài phát thanh West Africa Democracy Radio, www.wadr.org.
18. Andrew Exum, “Internet Freedom in the Middle East: Challenges for U.S. Policy”, PolicyWatch no. 1205, Washington Insstitute for Near East Policy, February 27, 2007, http://www.washingtoninstitute.org/templateC05.php?CID=2574, p. 2.
19. Số điện thoại cầm tay ở châu Phi gia tăng rất nhanh, từ khoảng 63 triệu chiếc năm 2003 lên 155 triệu chiếc vào năm 2000. Năm 1999 điện thoại di động chỉ bao trùm cellular khoảng 10% lãnh thổ châu Phi, nhưng đã tăng lên 60% vào năm 2007 và đến năm 2010 có thể bao phủ tới 85%. Brian J. Hesse, “A Continent Embraces the Cell Phone”, Current History 106 (May 2007): 208.
20. Trích theo Hesse, “A Continent Embrace the Cell Phone”, p. 211.
21. Rheingold, Smart Mobs, p. XIII.
21. “Britain Is ‘Surveillance Society”’, BBC News, November 2, 2006, http://news.bbc.co.uk/2/hi/uk_news/6108496.stm.
Nguồn: Larry Diamond (2008). Tinh Thần Dân Chủ. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Spirit of Democracy (2008)