Giới thiệu David Hume, từ bản chất con người đến bản vị vàng

Giới thiệu David Hume, từ bản chất con người đến bản vị vàng

Là nhà triết học và nhà kinh tế, David Hume đặt lại vấn đề chủ nghĩa duy lý giáo điều và bảo vệ phương pháp lý luận thực nghiệm. Ủng hộ chủ trương tự do thương mại, luận điểm của ông về thương mại đã đặt nền tảng lý thuyết cho hệ thống bản vị vàng.

David Hume xem kinh tế học như là một thực tế mang tính lịch sử, tiến hóa và tương đối.

David Hume được biết đến như là một triết gia, một trong những triết gia nổi tiếng nhất của nước Anh. Nhưng vào thời điểm đó, các nhà kinh tế - lúc bấy giờ chưa có thuật ngữ này - trước hết là những nhà triết học. Chỉ đến đầu thế kỷ XX, Alfred Marshall mới thành công trong việc tách biệt chương trình giảng dạy môn triết học đạo đức với chương trình giảng dạy môn kinh tế học ở Anh. Hume, bị nghi theo thuyết bất khả tri, hai lần không thành công trong việc đăng ký làm giáo sư giảng dạy ở các trường đại học Glasgow và Edimbourg, mặc dù Adam Smith đã mô tả ông như "từ lâu là sử gia triết học lịch sử nổi tiếng nhất của thế kỷ này." Nhưng ông thành công hơn, và thậm chí làm giàu hơn, khi đảm nhiệm những chức vụ quản lý hành chánh công.

Là người ngưỡng mộ và là môn đồ của Newton, người mà ông đã gặp ở trường Edimbourg, Hume từ rất sớm nhắm đến một mục tiêu được ông theo đuổi trong suốt sự nghiệp của mình: "Giới thiệu phương pháp lý luận thực nghiệm trong những vấn đề về đạo lý". Được biên soạn giữa những năm 23 và 25 tuổi, được xuất bản ẩn danh và được cho là "chết non", cuốn A Treatise of Human Nature (Luận thuyết về bản chất con người) của ông là nguồn gốc của toàn bộ các tác phẩm của ông và là một trong những bài viết quan trọng nhất của tư tưởng phương Tây. Khoa học mà ông khao khát xây dựng nằm ở trung tâm của một khoa học luận đang đặt lại vấn đề về sự chắc chắn tuyệt đối, về những lời giải thích cuối cùng của siêu hình học.

Đam mê đối lại lý trí

Đối với Hume, các ý tưởng là những biểu trưng của những cảm tưởng nhạy cảm không cho phép ta nắm bắt trực tiếp hiện thực. Ông liên kết chủ nghĩa thực nghiệm triệt để này với một chủ nghĩa hoài nghi pha loãng để hình thành nên một trong những đặc điểm nổi trội của thế giới quan của ông. Đặc điểm này được thể hiện ở vấn đề quy nạp. Không bao giờ ta có thể chắc chắn là một tập những quan sát sẽ luôn dẫn đến cùng một kết luận cả. Do đó có sự phê phán tính nhân quả và việc cầu viện đến lập luận xác suất. Và cũng từ đó có niềm tin rằng không thể suy ra điều phải là từ điều đang là, một việc mà các nhà kinh tế diễn dịch bằng cách tạo nên sự phân biệt giữa kinh tế học thực chứng và kinh tế học chuẩn tắc. Như vậy Hume đặt lại vấn đề quyền lực tuyệt đối của lí tính, của chủ nghĩa thuần lí giáo điều. Chính sự đam mê chứ không phải là lý trí dẫn dắt cách hành xử của con người, và đặc biệt, đó là nguồn gốc của đạo lý. Sự tiến hóa, lịch sử đóng một vai trò rất quan trọng trong thế giới quan này.

Hume dành một chục bài tiểu luận viết về kinh tế học; không có chuyên luận nào có hệ thống như Adam Smith, nhưng chúng đều thành công và có ảnh hưởng rất lớn. Trong kinh tế học cũng như trong các ngành khác, Hume bác bỏ sự chắc chắn tuyệt đối, những lời giải thích mang tính kết luận, những lý luận dựa trên một quan điểm bất di bất dịch của bản chất con người, con người kinh tế (homo œconomicus) sẽ chiếm ưu thế vào thế kỷ XX. Con người không tìm cách thỏa mãn nhu cầu một cách hợp lý, mà chỉ tìm cách tích lũy, làm giàu, do đó có sự cần thiết của các quy tắc công bằng: tôn trọng quyền sở hữu, việc chuyển nhượng quyền này bằng sự đồng ý và sự tôn trọng lời đã hứa.

Là nhà phê bình ác liệt chủ nghĩa giáo điều của những nhà trọng nông, "một nhóm người ảo tưởng nhất và ngạo mạn nhất còn tồn tại đến bây giờ kể từ khi Sorbonne bị phá hủy" (thư gửi cho cha xứ Morellet, ngày 10 tháng 7 năm 1769), ông xem kinh tế học như là một thực tế mang tính lịch sử, tiến hóa và tương đối. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng kinh tế học chính trị, trong số các khoa học đạo đức, là khoa học phù hợp nhất cho việc áp dụng cách tiếp cận thực nghiệm đặt cơ sở trên sự quan sát. Ông dành phần chủ yếu những suy tưởng của ông trong cuốn Nghị luận chính trị được xuất bản năm 1752 cho bản chất của tiền bạc và thương mại.

Người báo trước thuyết trọng tiền?

Một trong những bài viết tiểu luận của ông, Of Money (Bàn về tiền bạc), mở đầu với phát biểu sau đây: "Tiền, nói đúng ra, không phải là một trong những đối tượng của thương mại, mà chỉ là công cụ mà con người đã đồng ý tạo ra để tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa với nhau. Đó không phải là một trong những bánh xe của thương mại: đó là dầu nhờn làm cho các bánh xe chuyển động nhẹ nhàng hơn và dễ dàng hơn". Do đó, số lượng tuyệt đối tiền mặt có sẵn của một quốc gia không quan trọng. Nó chỉ ảnh hưởng đến mức giá chung. Đây chính là cốt lõi của lý thuyết định lượng về tiền tệ, khẳng định tính trung lập của tiền tệ. Luận điểm này, một trong những khái quát đầu tiên về kinh tế học vĩ mô, đã được xây dựng từ thế kỷ XVI bởi luật gia Jean Bodin, trước khi trải qua nhiều sự biến đổi, cải tiến và hóa thân cho đến sự hình thành công thức gần đây nhất, mà Milton Friedman đã sử dụng để chống lại những ý tưởng của Keynes.

Nhưng quan điểm của Hume tinh tế hơn. Ông cho rằng trong thực tế có một khoảng cách giữa lúc tiền được đưa vào, bằng cách này hay cách khác, trong một hệ thống kinh tế và rằng, trong khoảng thời gian đó, nó kích thích các hoạt động giao dịch kinh tế, thương mại và công nghiệp. Chính về lâu về dài, khi đã tiến hành mọi sự điều chỉnh, thì tiền mới trở nên trung tính.

Chính trên cơ sở đó mà Hume không mấy nhiệt tình đối với các hoạt động giao dịch ngân hàng, sự tăng sinh phát hành tiền giấy và các công cụ tín dụng khác, và chúng ta đã thấy các thảm họa mà điều này dẫn đến như trong hệ thống John Law ở Pháp. Ngoài ra ông cũng cảnh báo chống lại sự gia tăng của nợ công, đe dọa sự thịnh vượng và là một nguồn gốc của các biến động xã hội. Hume cũng chống lại luận điểm cho rằng sự gia tăng cung tiền sẽ làm giảm lãi suất. Ông đối lập luận điểm này với lý thuyết cho rằng lãi suất được xác định bởi cung và cầu tiết kiệm.

Học thuyết trọng thương, vẫn còn thịnh hành vào thời của Hume, chủ trương các chính sách bảo hộ thương mại nhằm làm tăng lượng kim loại quý thuộc quyền sở hữu của nhà nước quốc gia. Hume công kích điều đó trong một trong những bài tiểu luận nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng lớn nhất của ông về kinh tế học, On the Balance of Trade, một cơ sở lý luận về hệ thống bản vị vàng sẽ chiếm ưu thế trong các quan hệ tài chính quốc tế. Luận điểm của ông dựa trên quan niệm của ông về tiền tệ. "Sự ghen tuông" trong cán cân thương mại được xây dựng trên một sự mê tín phi lý: "Tôi sợ nhìn thấy cảnh mọi nguồn sông nguồn suối của chúng ta bị cạn kiệt, hơn là nhìn thấy cảnh đồng tiền bỏ rơi một quốc gia có dân chúng và có công nghiệp".

Lên án chủ nghĩa trọng thương

Để dẫn chứng cho lập luận của mình, Hume xây dựng một mô hình nho nhỏ, theo đó ông giả định một sản phẩm, lúa mì, được giao dịch trao đổi giữa hai nước Anh và Pháp. Đồng tiền quốc gia của mỗi nước được xác định bởi trọng lượng vàng. Kết số của cán cân thương mại phải được thanh toán bằng vàng. Sau đó ông giả định rằng tổng tiền ở Anh sẽ giảm đi bốn phần năm trong một đêm. Sau giai đoạn chuyển tiếp, đến phiên giá bằng vàng của lúa mì Anh sẽ giảm đi bốn phần năm, dẫn đến việc khách hàng Pháp đổ xô đi mua hàng ở Anh. Sự thâm hụt cán cân thương mại của Pháp sẽ gây ra một dòng chảy vàng vào nước Anh, sau đó giá bằng vàng của lúa mì Anh sẽ tăng giá cho đến khi khôi phục lại sự cân bằng. Hume sau đó lặp lại thí nghiệm tưởng tượng đó bằng giả thiết cho rằng lượng tiền sẽ tăng lên gấp năm lần ở Anh. Ông so sánh cơ chế này với cơ chế các bình thông nhau dưới sức hút của nước: "Nước, ở bất cứ nơi nào có thể lưu thông, cũng luôn giữ được mức cân bằng". Cơ chế bị trục trặc bởi những rào cản như khoảng cách lưu hành, các công ty hoạt động theo điều lệ độc quyền và nhiều tập quán trọng thương khác. Trớ trêu thay, chính Isaac Newton, lúc bấy giờ chịu trách nhiệm việc đúc tiền, ấn định năm 1711 giá trị bằng vàng của đồng sterling theo một tỉ giá được duy trì cho đến khi hệ thống bản vị vàng sụp đổ vào năm 1930, mà ngày nay vẫn còn những môn đồ và những người hoài cổ.

Là người ủng hộ chủ trương tự do thương mại, Hume phản đối những người cho rằng các quốc gia tiên tiến sẽ thua thiệt khi giao dịch thương mại với các quốc gia kém phát triển. Ông tin rằng, trái với những nhà trọng thương, thương mại quốc tế không phải là trò chơi có tổng bằng không và mọi quốc gia đều được hưởng lợi từ việc mở cửa biên giới, đặc biệt các quốc gia nghèo được hưởng lợi từ sự chuyển giao công nghệ tiên tiến. Nhưng, luôn chú ý đến những điểm tinh tế, ông cũng nhấn mạnh đến những mối nguy có thể có từ việc tiếp xúc, qua trao đổi hàng hóa, với những nền kinh tế có cấu trúc tổ chức quá khác nhau.

David Hume qua vài năm tháng

1711: sinh ra ở Edimbourg ngày 26 tháng 4, trong một gia đình quý tộc nhỏ Scotland.

1714: cha ông, một luật sư, mất.

1722: vào học tại trường collège d’Edimbourg.

1734: thời kỳ khủng hoảng. Từ chối các dự án của gia đình hướng ông vào ngành luật sư, ông thử sức trong lĩnh vực thương mại nhưng không thành công ở Bristol. Sau đó, ông sang Pháp.

1735-1737: ở La Flèche ở Anjou, ông viết cuốn A Treatise of Human Nature (Luận thuyết về bản chất con người).

1737: trở lại London.

1739-1740: A Treatise of Human Nature (Luận thuyết về bản chất con người).

1741: ấn bản đầu tiên của cuốn Essays, Morals, Political, and Literary (Tiểu luận về đạo đức và chính trị).

1744: bị từ chối chức giáo sư môn đạo đức học và siêu hình học tại Đại học Edimbourg.

1745: Hume trở thành "người đồng hành" của Hầu tước Annandale, có trạng thái tinh thần yếu kém.

1746-1749: là bí thư của tướng de Saint-Clair, ông đã tháp tùng cùng ông ấy trong một số chuyến đi, đến Vienna và Turin.

1748: Essais philosophiques sur l’entendement humain (Tiểu luận triết học về lý trí con người), còn được gọi là Inquiry Concerning Human Understanding (Khảo sát về lý trí con người) từ năm 1758. Những cuốn sách được xuất bản của ông không còn mang tính vô danh.

1749: trở lại London sau khi mẹ ông mất, Hume sống trong hai năm với người anh trai của ông trong căn nhà ở miền quê của ông này.

1750: gặp Adam Smith, người mà ông trở thành bạn.

1751: An Inquiry Concerning the Principles of Morals (Khảo sát về các nguyên tắc đạo đức). Bị từ chối chức giáo sư môn logic học tại Đại học Glasgow, bị bỏ trống do sự ra đi của Adam Smith.

1752: Political Discourses (Nghị luận chính trị).

1752-1757: phụ trách thư viện của Khoa luật trường Đại học Edimbourg.

1754-1762: The History of England (Lịch sử nước Anh).

1763-1766: sống ở Pháp với chức bí thư của ngài Đại sứ Grande-Bretagne, Lord Hertford. Ông tham dự các buổi họp mặt của giới văn học và gặp gỡ các nhà bách khoa.

1766: trở lại Anh, cùng với Jean-Jacques Rousseau, người mà các mối quan hệ nhanh chóng trở nên tồi tệ hơn.

1767-1768: phó bí thư quốc gia phụ trách các vấn đề Bắc vụ và nội vụ cho tướng Conway.

1769: Hume về hưu ở Edimbourg, để chăm lo việc tái bản những tác phẩm của ông.

1776: “My Own Life" (Cuộc đời của tôi), ngày 18 tháng 4. Ông qua đời ngày 25, do một khối u trong ruột.

1779: Dialogues concerning natural religion (Đối thoại về tôn giáo tự nhiên).

Để tìm hiểu thêm

Những tác phẩm của David Hume

The Clarendon Edition of the Works of Hume, T.L. Beauchamp, D.F. Norton et M.A. Stewart, Oxford University Press, l’édition de référence.

Writings on Economics, Eugene Rotwein, University of Wisconsin Press, 1955.

Essays: Moral, Political and Literary, Eugene F. Miller, Liberty Fund, 1885.

Traité de la nature humaine, Aubier, 1946.

Enquête sur l’entendement humain, coll. GF, Flammarion, 2006.

Enquête sur les principes de la morale, coll. GF, Flammarion, 2010.

Discours politiques, T.E.R., 1993.

Dialogues sur la religion naturelle, Vrin, 2005.

Plusieurs écrits de Hume sont disponibles en français sur le site de l’université du Québec à Chicoutimi (Uqac): http://classiques.uqa.ca/classiques/

Những tác phẩm viết về David Hume

David Hume (1711-1776) and James Steuart (1712-1780), Mark Blaug (chủ biên), Edward Elgar, 1991.

David Hume et la naissance du libéralisme économique, của Didier Deleule, Aubier Montaigne, 1979.

Hume et le libéralisme économique, của Daniel Diatkine, Cahiers d’économie politique nos 16-17, 1989, trang 3-20.

The Life of David Hume, của Ernest Campbell, Clarendon Press, 1970.

The Cambridge Companion to Hume, David Fate Norton (chủ biên), Cambridge University Press, 1993.

David Hume: Critical Assessments, Stanley Tweyman (chủ biên), Routledge, 6 vol., 1995.

Nguồn:David Hume, de la nature humaine à l'étalon-or” của G. Dostaler trong Alternatives économiques Poche no.057, tháng 10 năm 2012.

Nguồn dịch: Phân tích kinh tế: David Hume, từ bản chất kinh tế đến con người bản vị vàng