P/v ông Vũ Thành Tự Anh: Nhiều việc cần làm sau nghị quyết 128 để bình thường mới

P/v ông Vũ Thành Tự Anh: Nhiều việc cần làm sau nghị quyết 128 để bình thường mới


Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý (ĐH Fulbright Việt Nam), đã có những chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM xung quanh ý nghĩa của nghị quyết này, cũng như các yêu cầu đặt ra cho các cơ quan từ trung ương đến địa phương trong việc sống chung an toàn với virus SARS-CoV-2 và phục hồi kinh tế trong thời gian tới.

- Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của Nghị quyết 128 mà Chính phủ vừa ban hành về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”?

- TS Vũ Thành Tự Anh: Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một khung khổ chính sách phòng chống dịch tương đối mạch lạc, phù hợp với thông lệ và xu hướng chung của các nước trên thế giới. Nghị quyết 128 đã có sự tham chiếu kinh nghiệm quốc tế, khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như giới khoa học một cách cụ thể và bài bản hơn.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 128 sẽ là nền tảng tạo ra một sự thống nhất ở tầm trung ương đến địa phương trong hoạch định và thực thi chính sách. Trước nghị quyết này, trung ương đưa ra các chỉ thị 15, 16, 19 để giải quyết vấn đề phòng chống dịch trong các bối cảnh và thời gian cụ thể. Trong bối cảnh mới, dịch lây lan nhanh, cùng với việc nâng cấp hệ thống y tế, xét nghiệm, vaccine, điều trị… thì các chỉ thị này đã không còn phù hợp nhưng vì chưa có một khung khổ nào khác thay thế nên các địa phương buộc phải áp dụng. Nghị quyết 128 về cơ bản có thể giải quyết “khoảng trống” về cơ chế phòng chống dịch nêu trên.

Ý nghĩa quan trọng tiếp theo chính là nghị quyết dù tạo ra khung chính sách chung nhưng vẫn có không gian để địa phương có thể chủ động, linh hoạt trong chọn lựa giải pháp thực hiện chính sách, tùy vào điều kiện nguồn lực. Bởi lẽ Chính phủ không thể ra một chính sách mang tính “đồng phục” trong bối cảnh địa phương mỗi nơi mỗi khác. Tôi cho rằng đây là một điểm rất đáng ghi nhận.

Với người dân và doanh nghiệp, có thể thấy nghị quyết nhắm đến trọng tâm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Ở đây có hai từ khóa đáng chú ý. Thứ nhất là “thích ứng”, tức là chấp nhận tính thường trực của virus SARS-CoV-2 thay vì “zero COVID”. Từ khóa quan trọng thứ hai là “hiệu quả”, tức là khi kiểm soát dịch COVID-19 phải cân đối giữa lợi ích và chi phí. Khi đó, tất cả hoạt động (xét nghiệm, tiêm chủng, chữa trị…) đều phải được tính toán phương án để đảm bảo lợi ích tối đa và rủi ro tối thiểu. Ví dụ, vaccine khi khan hiếm phải ưu tiên cho nhóm người rủi ro cao nhất như người già, bệnh lý nền. Khi đó, những chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp sẽ duy lý hơn nhờ dựa vào các cơ sở dữ liệu vừa có tính thực tiễn và vừa khoa học. Người dân, doanh nghiệp khi đó sinh hoạt, làm việc, vận hành sản xuất, kinh doanh cũng an tâm hơn khi ứng xử với dịch bệnh.

Cuối cùng, tôi nghĩ Nghị quyết 128 là động lực đẩy nhanh quá trình bình thường mới. Bởi khi chúng ta đã có khung chính sách bài bản, mạch lạc thì các bộ, ban ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân… có thể chủ động xây dựng kế hoạch hành động để sống chung an toàn với SARS-CoV-2. Điều đó giúp Việt Nam không còn lúng túng, mất thời gian để phục hồi và tái thiết.

- Nghị quyết do Chính phủ ban hành rõ ràng cần được triển khai thành các chính sách cụ thể và đưa vào thực tiễn. Điều đó đặt ra những yêu cầu gì với các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương?

- TS. Vũ Thành Tự Anh: Tôi nghĩ về phía trung ương, cần đảm bảo tính nhất quán nội tại của chiến lược và chính sách. Bởi lẽ nếu không nhất quán nội tại thì khi triển khai chính sách, có khả năng Nghị quyết sẽ được hiểu theo nhiều cách khác nhau, và do vậy sẽ xảy ra trục trặc khi thực thi.

Tôi lấy ví dụ, trong Nghị quyết 128 nêu “hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do COVID-19”. Kinh nghiệm không chỉ từ Anh, Singapore mà rất nhiều nước khác cho thấy khi mở cửa thì số ca nhiễm sẽ tăng. Vì vậy, nếu không thống nhất việc hiểu Nghị quyết 128 theo hướng lấy ưu tiên bảo vệ sinh mạng (tức hạn chế ca nặng và tử vong) làm trọng tâm, thì khi địa phương thấy số ca nhiễm tăng nhiều (dù ca nặng và tử vong không đáng kể), họ sẽ lo sợ, lúng túng và có thể thắt chặt một cách cực đoan.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các bộ ngành cấp trung ương là một yêu cầu đặc biệt quan trọng. Có thể thấy Nghị quyết đặt ra nhiệm vụ cho tất cả bộ ngành trong thời gian tới. Họ đóng vai trò xây dựng chính sách hướng dẫn các địa phương thực hiện Nghị quyết 128. Ví dụ, Bộ Y tế hướng dẫn các tiêu chí, phương pháp đánh giá và xác định cấp độ dịch; Bộ Công an kết nối cơ sở dữ liệu dân cư với dữ liệu xét nghiệm, tiêm chủng, điều trị; Bộ Giao thông vận tải xây dựng các hướng dẫn đi lại liên tỉnh… Nếu các bộ ngành này không có sự chia sẻ dữ liệu, phối hợp với nhau một cách nhuần nhuyễn để có bức tranh đầy đủ nhất thì chính sách từ trung ương đến địa phương sẽ rất khó nhất quán. Đây cũng là những khúc mắc mà chúng ta gặp phải thời gian qua mà tôi kỳ vọng với Nghị quyết 128 sẽ có sự thay đổi.

Với địa phương, Nghị quyết 128 mới chỉ là “kim chỉ nam”. Mỗi địa phương cần phải có kế hoạch triển khai các chính sách cụ thể, phù hợp với điều kiện của địa phương mình. Ví dụ, khi năng lực xét nghiệm, điều trị, nguồn cung vaccine khác nhau thì mỗi địa phương phải áp dụng các giải pháp khác nhau phù hợp tình hình thực tế, miễn là không ngoài khung khổ Nghị quyết 128. Vì vậy, quan trọng là mỗi địa phương phải chủ động rà soát, nắm bắt tình hình nguồn lực và điều kiện của mình để có kế hoạch hành động phù hợp với hướng dẫn mà Nghị quyết đề ra. Ngoài ra, cũng như ở cấp bộ ngành, các tỉnh, thành phố cũng cần tạo ra cơ chế phối hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các sở ngành để thống nhất chính sách cấp cơ sở.

- Doanh nghiệp và cá nhân người dân cần có tinh thần chuẩn bị gì khi Nghị quyết 128 vào thực tế?

- TS. Vũ Thành Tự Anh: Tôi từng nhắc đến mô hình “phô-mai Thụy Sĩ”, hiểu nôm na là với SARS-CoV-2 cần phải tạo ra nhiều lớp bảo vệ để bọc lót cho nhau. Với COVID-19, tôi cho rằng “áo giáp bảo vệ” đầu tiên phải được thiết lập từ phía cá nhân người dân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất... Họ mới chính là trọng tâm, là “chủ thể” của Nghị quyết 128 và chính họ cũng là nơi khởi nguồn của các lớp “phòng thủ” trước virus. Sau đó là các phòng tuyến khác như hệ thống chăm sóc, điều trị, cấp cứu…

Với doanh nghiệp, Nghị quyết 128 đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp phải chuẩn bị cho phương án chắc chắn sẽ có xuất hiện ca nhiễm trong quá trình kinh doanh, sản xuất. Vậy họ phải xây dựng quy trình, hệ thống phản ứng và trách nhiệm quản lý để đảm bảo lợi ích của họ. Hiểu nôm na là doanh nghiệp phải tạo ra cho mình một “game plan” (tức là một “kế hoạch tác chiến” được cân nhắc kỹ lưỡng để thích ứng với COVID-19). Bên cạnh đó, sự kết nối giữa doanh nghiệp với y tế cơ sở là rất quan trọng. Điều đó đảm bảo việc giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh hoặc can thiệp kịp thời khi có lao động nhiễm virus hay trở nặng.

Về phía người dân, chính bản thân họ phải tự nắm bắt và được trang bị các biện pháp ứng phó với dịch bệnh. Ngoài ý thức 5K, tiêm chủng đầy đủ thì mỗi người cần biết cách ứng xử khi nghi nhiễm hoặc thực sự nhiễm COVID-19 (làm gì đầu tiên, tự cách ly và chăm sóc tại nhà ra sao, nhận tư vấn và hỗ trợ của y tế cơ sở thế nào…). Tự mình phải chủ động bảo vệ mình trước dịch bệnh bằng cách nắm rõ quy trình sống chung với SARS-CoV-2 theo cấp độ cá nhân. Về phương diện này, truyền thông y tế đóng vai trò hết sức quan trọng.

- Nghị quyết 128 mới chỉ dừng ở khung chính sách chung và còn cần đến hướng dẫn chi tiết từ các bộ, ngành liên quan. Tới đây, theo ông, đâu là những hướng dẫn cấp thiết nhất?

- TS. Vũ Thành Tự Anh: Tôi cho rằng đó là hướng dẫn về việc vận chuyển hành khách công cộng và lưu thông vận chuyển hàng hóa, đặc biệt ở phạm vi liên tỉnh. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến hai vấn đề quan trọng đó là nguồn nhân lực lao động và nguồn nguyên liệu, hàng hóa, thực phẩm… Hướng dẫn phải sớm được đưa ra để tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa; tránh xảy ra tình trạng người dân bị mắc kẹt, gây bức xúc dư luận như trong đợt dịch vừa qua; hạn chế tối đa tình trạng “cát cứ địa phương” hay chính sách mỗi địa phương một kiểu. Tôi lấy ví dụ, việc một số địa phương đặt ra các quy định cách ly tập trung với người dân đến (về) từ TP.HCM, hoặc phải treo biển cảnh báo trước nhà có người cách ly khi về từ vùng dịch… cứ như thể người địa phương ấy là một quốc gia biệt lập vậy. Điều này cũng cho thấy họ vẫn sợ hãi hoặc cố gắng theo đuổi mục tiêu cũ là “zero COVID”. Đó hoàn toàn không phải cách “thích ứng” theo tinh thần mà Nghị quyết 128 đề ra, cụ thể là “không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất, kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của nhân dân”.

Ra chính sách về di chuyển liên tỉnh - vốn là những đơn vị hành chính độc lập - phải là trách nhiệm của cấp trung ương. Cho đến nay, chúng ta còn chờ các bộ, ngành hướng dẫn và đây là điều cấp thiết nhất hiện nay. Tôi cho rằng Bộ Y tế, Bộ Công an và Bộ GTVT sẽ là những bộ, ngành quan trọng nhất để giải quyết vấn đề nêu trên. Khi các bộ này thống nhất và có phương án tầm trung ương thì ở địa phương, các sở, ngành cũng sẽ dễ dàng dựa vào đó để ban hành các chính sách di chuyển nội tỉnh phù hợp.

- Thực tế, ở Việt Nam từng xuất hiện tình trạng “bộ trên nói xuống nhưng địa phương dưới không nghe”. Ví dụ, Bộ GTVT có hướng dẫn đi lại nhưng có địa phương không làm theo hoặc Bộ Y tế có quy định về cách ly người về từ vùng dịch nhưng địa phương làm theo kiểu khác. Vì sao có tình trạng này và làm sao để triệt để xử lý?

- TS. Vũ Thành Tự Anh: Ở cấp độ địa phương, khi dịch bùng phát thì nhiều nơi lo lắng thái quá, thậm chí họ sợ bị bùng dịch nên tìm mọi cách che chắn, phòng thủ để dịch không thể xâm nhập. Vì vậy, họ áp dụng nhiều biện pháp “zero COVID”. Ở cấp độ trung ương, đôi khi chính sách đề ra nhưng lại thiếu nhất quán giữa các bộ, ngành nên tạo ra khoảng trống chính sách. Khi cả hai yếu tố này hiện diện thì dễ dẫn tới việc một số địa phương lúng túng và hành xử tùy nghi theo cách riêng. Song song đó, tôi cho rằng từ trung ương đến địa phương đôi khi thiếu sự trao đổi, truyền thông để nhất quán cách hiểu chính sách trước khi triển khai vào thực tế.

Cuối cùng là cơ chế xử lý khi làm sai. Nếu anh làm sai mà không bị hề hấn gì cả thì anh cứ cố thủ, cứ tiếp tục chống dịch theo cách của mình. Vậy nên trong Nghị quyết 128 có một điểm đáng chú ý đó là đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng chống dịch, thực hiện mục tiêu kép. Đó chính là cơ chế khuyến khích vai trò lãnh đạo. Khi đó, với sự tham gia ý kiến của người dân, phản ánh của báo chí, tiếng nói từ giới chuyên môn… thì có thể biết địa phương nào làm tốt và nơi nào làm sai để xử lý phù hợp.

- Xin cám ơn ông.

 

Nguồn: Đỗ Thiện, TS Vũ Thành Tự Anh: Nhiều việc cần làm sau Nghị quyết 128 để bình thường mới, Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh, 13/10/2021