Ai được thuế quan "bảo hộ"?
Chương XI: Ai được thuế quan “bảo hộ”?
Chỉ việc nêu ra các chính sách kinh tế của các chính phủ trên thế giới cũng đủ làm bất kỳ một sinh viên nghiêm túc nào trong ngành kinh tế học phải giơ tay đầu hàng vì chán nản, và hỏi rằng liệu có ích gì khi thảo luận về những cải cách và tiến bộ trong lý thuyết về kinh tế học trong khi suy nghĩ của công chúng và chính sách của các chính phủ, đặc biệt trong mọi điều liên quan đến quan hệ kinh tế quốc tế, đều thậm chí chưa theo được Adam Smith. Ngày nay, thuế quan và các chính sách thương mại không chỉ tồi tệ như thế kỷ 17 - 18, mà còn tồi hơn rất nhiều lần. Những lý do thực sự dẫn đến hàng rào thuế quan và thương mại ngày nay vẫn như vậy, và những lý do được đưa ra để biện minh cho chúng cũng không có gì thay đổi.
Từ khi tác phẩm The Wealth of Nations (Sự thịnh vượng của các quốc gia) ra đời hơn hai thế kỷ trước đây, đã có hàng ngàn quan điểm ủng hộ tự do thương mại, song có lẽ không luận điểm nào lại có có được sự đơn giản và sức mạnh như quan điểm của Adam Smith trong cuốn sách này. Một cách tổng quan, Smith đưa ra quan điểm của mình dựa trên một tuyên bố mang tính nền tảng: “Trong mọi quốc gia, việc được mua bất kỳ thứ gì người ta muốn từ bất kỳ ai bán những thứ đó rẻ nhất luôn đem lại lợi ích lớn nhất cho đại bộ phận dân chúng”. Theo Smith, “luận chứng này rõ ràng đến mức sẽ thật nực cười nếu phải cố gắng chứng minh nó. Không ai nghĩ đến chuyện chất vấn tính đúng đắn của nó, trừ phi những luận chứng sai lầm phục vụ cho lợi ích cá nhân của doanh nhân hay nhà sản xuất làm lung lạc đi lẽ thật hiển nhiên này của nhân loại.”
Nhìn theo một cách khác, tự do thương mại đã được xem như một khía cạnh của việc chuyên môn hóa lao động:
Châm ngôn nằm lòng của mọi người chủ gia đình khôn ngoan là không bao giờ cố gắng tự sản xuất tại nhà mình những gì mà tự sản xuất sẽ tốn kém hơn đi mua. Người thợ may không tự đóng giày mà mua giày từ người thợ đóng giày. Người thợ đóng giày không tự mình may quần áo mà thuê người thợ may để may quần áo cho mình. Người nông dân không cố gắng tự may quần áo hay đóng giày mà mua những gì cần dùng từ hai người thợ trên. Tất cả mọi người trong số họ đều thấy rằng mình sẽ có lợi khi sử dụng tay nghề của mình theo cách khiến mình có lợi thế hơn so với những người khác, và sử dụng một phần thu nhập từ ngành nghề của mình để mua bất kỳ thứ gì họ cần từ người khác với giá chỉ bằng một phần phí tổn họ sẽ phải bỏ ra nếu tự sản xuất cùng thứ đó. Điều được coi là khôn ngoan cho mỗi gia đình không thể trở thành điều ngớ ngẩn cho một quốc gia to lớn.
Nhưng điều gì đã khiến nhiều người cho rằng điều được coi là khôn ngoan cho mỗi gia đình có thể trở thành ngớ ngẩn khi áp dụng cho một quốc gia to lớn? Nó là cả một hệ thống những luận chứng sai lầm mà loài người vẫn chưa thoát ra được. Trong đó, luận chứng sai lầm chủ đạo là luận chứng mà cuốn sách này muốn đề cập đến: chỉ xem xét những tác động tức thời của thuế quan lên những nhóm cá thể nhất định mà bỏ qua tác động lâu dài của nó trên toàn bộ xã hội.
Một nhà sản xuất áo len Mỹ đến quốc hội hoặc Bộ Ngoại giao và trình bày với ủy ban hoặc các đại biểu ở đó rằng việc họ giảm hay miễn thuế đối với mặt hàng áo len của Anh sẽ là một thảm họa quốc gia. Hiện giờ ông ta đang bán áo len với giá $30 một chiếc, nhưng các nhà sản xuất người Anh có thể bán những sản phẩm có cùng chất lượng với giá $25. Vì vậy, cần phải có một mức thuế suất $5 để ông ta có thể tiếp tục công việc kinh doanh. Ông ta không chỉ nghĩ về bản thân mình, mà còn là về hàng ngàn lao động mà ông ta đang thuê và những người khác đang có được việc làm nhờ các khoản chi tiêu từ thu nhập của những lao động này. Nếu khiến họ mất việc, ta sẽ tạo ra nạn thất nghiệp và làm giảm sức mua, và những điều này sẽ lan đến những ngành khác trong nền kinh tế. Nếu ông ta có thể thực sự chứng tỏ rằng ông ta sẽ buộc phải ngừng kinh doanh nếu thuế quan bị bãi bỏ hoặc giảm, quốc hội sẽ chấp nhận lý lẽ của ông ta.
Sai lầm ở đây được thể hiện ở chỗ quốc hội chỉ quan tâm đến nhà sản xuất áo len và các lao động của ông ta và chỉ quan tâm đến ngành sản xuất áo len của Mỹ. Nó được thể hiện ở chỗ họ chỉ quan tâm đến những tác động tức thời và bỏ qua những tác động không hiện diện vì chúng đã bị ngăn cản, không cho hình thành.
Những người ủng hộ việc bảo hộ thông qua thuế quan luôn đưa ra những lý lẽ không chính xác. Nhưng chúng ta hãy cứ giả định rằng trong trường hợp này, nhà sản xuất áo len đã trình bày các dữ kiện một cách chính xác. Hãy cùng cho rằng mức thuế quan $5 trên mỗi chiếc áo len là cần thiết để nhà sản xuất này có thể tiếp tục kinh doanh và cung cấp việc làm cho các lao động của mình.
Chúng ta đã cố tình chọn một trường hợp khó nhất để ủng hộ việc bãi bỏ thuế quan. Chúng ta đã không chọn trường hợp áp dụng một loại thuế mới để tạo ra một ngành nghề mới; chúng ta đang nói về trường hợp giữ một loại thuế đã tạo ra và duy trì một ngành sản xuất và vì thế không thể bị bãi bỏ mà không làm tổn hại đến lợi ích của một số người nhất định.
Thuế quan đó bị bãi bỏ. Nhà sản xuất áo len phải ngừng kinh doanh. 1.000 lao động bị mất việc làm. Những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và hàng hóa cho họ bị mất một phần doanh thu. Đây là tác động tức thời của việc bãi bỏ loại thuế quan này. Nhưng có những tác động khác cũng mang tính tức thời xảy ra trong thực tế, mặc dù chúng khó nhận ra hơn. Bây giờ, những chiếc áo len trước đây giá $30 có thể được mua với giá $25. Người tiêu dùng có thể mua những chiếc áo len cùng chất lượng với giá rẻ hơn, hoặc chất lượng cao hơn với cùng một mức giá. Nếu họ mua những chiếc áo cùng chất lượng, họ không chỉ có được chiếc áo mà cũng có dư thêm $5 nữa để mua một thứ khác, khoản tiền mà trước đây khi mua áo len họ không có được. Với $25 mà họ trả để mua chiếc áo len nhập, họ tạo ra việc làm cho ngành sản xuất áo len của Anh – đúng như điều nhà sản xuất áo len người Mỹ chỉ ra. Với khoản $5 còn lại, họ sẽ tạo ra việc làm trong nhiều ngành nghề khác nhau tại Mỹ.
Nhưng các tác động chưa dừng lại ở đây. Bằng việc mua áo len của Anh, họ cung cấp cho người Anh lượng đôla mà sau đó người Anh có thể dùng để mua hàng hóa Mỹ. Nếu tôi có thể tạm thời bỏ qua những yếu tố khác như tỷ giá hối đoái thay đổi, các khoản vay nợ, tín dụng, v.v…, thì đây là cách duy nhất người Anh có thể sử dụng lượng đôla họ thu được. Bởi chúng ta đã khiến họ bán nhiều hơn cho chúng ta, giờ đây họ có thể mua nhiều hơn từ chúng ta. Trên thực tế, họ sẽ buộc phải mua hàng hóa từ chúng ta nếu họ không muốn bỏ phí lượng đôla đó. Kết quả của việc tăng nhập khẩu từ Anh, vì vậy, sẽ là việc tăng xuất khẩu sang Anh. Dù số lao động được tuyển trong ngành sản xuất áo len tại Mỹ có giảm đi, số người được huy động để làm những công việc có hiệu suất cao hơn trong những ngành khác, ví dụ như ngành sản xuất máy bay hay máy giặt, sẽ tăng lên. Xét trên tổng quan, lượng việc làm trên thị trường Mỹ không bị giảm đi, đồng thời sản xuất của Mỹ và Anh đều tăng lên. Lao động tại cả hai thị trường sẽ được tuyển dụng nhiều hơn vào trong các ngành sản xuất là thế mạnh của mình thay vì những ngành kém năng suất và kém hiệu quả hơn so với các nước khác. Người tiêu dùng ở cả hai nước sẽ giàu có hơn. Họ có thể mua được những gì họ muốn từ nơi cung cấp mặt hàng đó rẻ nhất. Người tiêu dùng ở Mỹ được lợi hơn khi mua áo len, và người tiêu dùng ở Anh được lợi hơn khi mua những sản phẩm của Mỹ như máy giặt hay máy bay.
Chúng ta hãy cùng xem xét vấn đề theo cách ngược lại và tìm hiểu tác động của việc áp dụng thuế quan. Giả sử rằng trước đây hàng dệt may từ nước ngoài không phải chịu thuế, và người dân Mỹ có thể mua áo len của nước ngoài mà không phải đóng thuế. Trong tình huống này, có ý kiến cho rằng chúng ta có thể tạo nên ngành sản xuất áo len tại Mỹ nếu áp dụng mức thuế quan $5 trên mỗi chiếc áo.
Lý luận này đến thời điểm này chưa có gì bất hợp lý. Giá của chiếc áo len Anh đối với người tiêu dùng Mỹ sẽ bị đẩy cao lên đến mức các nhà sản xuất Mỹ có thể thu được lợi nhuận khi sản xuất và tiêu thụ áo len tại Mỹ. Nhưng người tiêu dùng Mỹ sẽ buộc phải trợ giá cho những chiếc áo len này. Với mỗi chiếc áo len họ mua, họ sẽ phải trả một khoản thuế $5 nằm trong mức giá cao hơn mà họ phải trả để mua những chiếc áo len sản xuất tại Mỹ.
Nhiều nhân công trên thị trường lao động Mỹ trước đây không sản xuất áo len giờ sẽ được tuyển dụng để làm việc trong ngành sản xuất áo len. Điều này hoàn toàn đúng, song xét trên tổng quan, ta sẽ không có sự gia tăng trong hoạt động sản xuất hay lượng việc làm. Bởi người tiêu dùng Mỹ giờ phải trả thêm $5 để mua một chiếc áo len cùng chất lượng, họ sẽ bị mất đi $5 để chi tiêu cho những việc khác. Họ sẽ phải giảm $5 trong những chi tiêu khác của mình. Để giúp một ngành sản xuất có thể hình thành hay phát triển, hàng trăm ngành khác sẽ bị thu nhỏ lại. Để 50.000 lao động được tuyển dụng trong ngành sản xuất áo len, 50.000 việc làm sẽ bị mất đi trong những ngành sản xuất khác.
Nhưng ngành sản xuất áo len mới là điều mọi người sẽ nhìn thấy. Số lao động được tuyển mộ, số vốn sản xuất được đầu tư vào đó, giá trị thị trường tính theo đôla của các sản phẩm, v.v… có thể dễ dàng được tính toán. Những người hàng xóm có thể nhìn thấy người lao động trong ngành sản xuất áo len đi làm và về nhà hàng ngày. Tác động của việc áp thuế và tạo ra ngành sản xuất áo len, vì thế, rất trực tiếp và rõ ràng. Nhưng sự thu nhỏ lại của hàng trăm ngành sản xuất khác và sự mất đi của 50.000 việc làm tại các nơi khác sẽ không dễ nhận ra. Ngay cả nhà thống kê tài giỏi nhất cũng không thể biết chính xác được bao nhiêu công việc bị mất đi, bao nhiêu đàn ông và phụ nữ đã bị sa thải trong mỗi ngành sản xuất khác hay hoạt động kinh doanh của mỗi ngành này bị giảm đi bao nhiêu khi người tiêu dùng phải trả thêm tiền để mua áo len. Vì sự tổn thất này lan ra trong rất nhiều ngành sản xuất khác nhau, tại mỗi ngành cụ thể, nó sẽ khá nhỏ. Ta cũng không thể biết được đích xác mỗi người tiêu dùng sẽ chi tiêu khoản $5 như thế nào nếu họ được giữ nó. Chính vì những lý do này, phần lớn mọi người sẽ nghĩ rằng ngành sản xuất áo len mới ra đời này không gây ra cho chúng ta một sự tốn kém hay tổn thất gì.
Chúng ta phải lưu ý rằng thuế áp dụng đối với áo len sẽ không làm tăng lương tại Mỹ. Tất nhiên nó có thể khiến một số lao động Mỹ làm việc trong ngành sản xuất áo len với mức lương trung bình tại Mỹ (cho lao động với trình độ tay nghề như họ) thay vì phải cạnh tranh trong ngành này tại mức lương của Anh. Thế nhưng loại thuế đó sẽ không làm tăng tổng lương của Mỹ, bởi vì, như chúng ta đã thấy, số lượng việc làm, nhu cầu đối với sản phẩm và năng suất lao động đều không tăng lên. Trên thực tế, năng suất lao động còn bị giảm bởi ảnh hưởng của thuế.
Và điều này giúp chúng ta hiểu được tác động thật của thuế. Ta không thể chỉ nói một cách đơn thuần rằng những ích lợi hữu hình của thuế bị vô hiệu hóa bởi những thiệt hại gián tiếp song cũng hoàn hoàn có thực của nó. Trên thực tế, nếu xét tổng thể, thuế sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế. Trái với hàng thế kỷ tuyên truyền của những người có lợi ích trực tiếp trong việc áp dụng thuế quan và sự mơ hồ của những người không có liên quan, thuế quan làm giảm mức lương của Mỹ.
Chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn điều này xảy ra như thế nào. Ta đã nói rằng lượng giá tăng thêm mà người tiêu dùng phải trả khi mua các mặt hàng được thuế quan bảo trợ sẽ khiến họ bị mất đi một khoản tương tự để mua các sản phẩm và dịch vụ khác. Ở đây không có sự gia tăng sản xuất. Nhưng kết quả của thuế quan đánh lên hàng nhập ngoại là một phần lao động, vốn và đất đai của Mỹ bị sử dụng để sản xuất những gì nó sản xuất kém hiệu quả hơn thay vì tập trung vào những gì nó làm hiệu quả nhất. Chính vì thế, thuế quan làm giảm năng suất bình quân của lao động và vốn của Mỹ.
Nếu xem xét từ góc độ của người tiêu dùng, ta sẽ thấy rằng người tiêu dùng giờ có thể mua được ít hơn với lượng tiền của mình. Bởi phải trả nhiều tiền hơn để mua áo len và những sản phẩm được bảo hộ khác, người tiêu dùng sẽ có ít tiền hơn để mua những thứ khác. Sức mua chung từ thu nhập của người đó, vì thế, bị giảm xuống. Điều gì sẽ xảy ra khi áp dụng thuế quan - giảm lượng lương hay tăng mức giá quy ra tiền - tùy thuộc vào chính sách tiền tệ được áp dụng. Song điều rõ ràng là thuế quan, dù có thể làm tăng lương trong các ngành sản xuất được bảo hộ, sẽ làm giảm lương thật khi xét mọi ngành sản xuất trong nền kinh tế - “giảm” khi so với mức mà chúng đã có thể tăng nếu không có thuế.
Chỉ những đầu óc bị ảnh hưởng một cách nặng nề qua nhiều thế hệ bởi những tư tưởng sai lầm mới cho rằng kết luận chúng ta vừa đưa ra là mâu thuẫn. Chúng ta còn có thể mong đợi kết quả gì khác từ những chính sách cố tình sử dụng vốn và nguồn nhân lực của chúng ta một cách kém hữu hiệu hơn cách chúng ta biết sử dụng chúng? Chúng ta còn có thể mong đợi kết quả gì khác từ việc cố tình dựng nên những rào cản thương mại và giao thông?
Việc dựng nên những hàng rào thuế quan cũng có tác động giống như việc dựng nên những bức tường thật. Chúng ta cần chú ý đến việc những người ủng hộ việc bảo hộ qua thuế quan thường xuyên dùng ngôn từ của chiến tranh. Họ nói đến việc “chống lại sự xâm lược” của các hàng hóa nước ngoài và sử dụng trong lĩnh vực kinh doanh các phương tiện tương tự như trên chiến trường. Những rào cản thuế quan được dựng nên để ngăn cản sự xâm lược, cũng giống như các bẫy tăng, chiến hào và hàng rào dây thép gai được tạo ra để ngăn cản hoặc làm chậm lại sự xâm lược của quân địch.
Và cũng giống như việc quân địch bị bắt buộc phải sử dụng phương tiện tốn kém hơn để vượt qua được những chướng ngại vật này – xe tăng lớn hơn, máy dò mìn, các kỹ sư để cắt dây thép gai, vượt suối và xây cầu, v.v…, các phương tiện giao thông tốn kém và hữu hiệu hơn phải được đưa ra để vượt qua được hàng rào thuế quan. Một mặt, chúng ta cố gắng giảm giá cước vận chuyển giữa Anh và Mỹ hoặc giữa Canada và Mỹ bằng cách chế tạo ra những máy bay và tàu biển nhanh và có hiệu suất cao hơn, xây dựng những con đường và cây cầu tốt hơn, những đầu máy xe lửa và xe tải tốt hơn. Mặt khác, chúng ta vô hiệu hóa những khoản đầu tư này thông qua việc dựng nên những hàng rào thuế quan khiến cho việc chuyên chở hàng hóa, về mặt thương mại, trở nên khó hơn so với bất kỳ thời điểm nào trong quá khứ. Chúng ta có thể làm cho việc chuyên chở một chiếc áo len rẻ đi 1 đôla, song lại tăng thuế lên 2 đôla để ngăn cản việc chuyên chở chiếc áo len đó. Bằng việc làm giảm đi lượng hàng hóa có thể được chuyên chở, chúng ta đã làm tụt giá trị của những khoản đầu tư nhằm nâng cao hiệu suất của ngành vận tải.
Thuế quan đã được miêu tả như một công cụ đem lại lợi nhuận cho nhà sản xuất bằng cách lấy đi lợi nhuận từ người tiêu dùng. Điều này cũng đúng một phần. Những người ủng hộ thuế quan chỉ nghĩ đến lợi ích của nhà sản xuất được hưởng lợi trực tiếp và tức thời từ một loại thuế quan nào đó mà quên đi lợi ích của người tiêu dùng, những người bị thiệt hại bởi phải gánh chịu khoản thuế này trong chi tiêu của mình. Thế nhưng sẽ là sai nếu ta cho rằng vấn đề thuế là một sự xung đột về quyền lợi giữa một bên là các nhà sản xuất và một bên là người tiêu dùng. Mặc dù đúng là tất cả mọi người tiêu dùng đều bị chịu thiệt vì thuế, nhưng không phải tất cả các nhà sản xuất đều được hưởng lợi từ thuế. Ngược lại, như chúng ta đã thảo luận, nó chỉ giúp một số nhà sản xuất nhất định, những người được bảo hộ, và làm tổn hại nhiều nhà sản xuất khác ở Mỹ, đặc biệt là những người có một thị trường xuất khẩu tiềm năng lớn hơn so với những nhà sản xuất khác.
Chúng ta có thể làm rõ hơn điểm này bằng một ví dụ mang tính phóng đại. Giả sử chúng ta tăng thuế lên cao đến mức không có một sản phẩm nào được nhập khẩu vào Mỹ. Giả sử rằng điều này dẫn đến việc tăng giá áo len tại Mỹ thêm $5 mỗi chiếc. Những người tiêu dùng tại Mỹ, vì phải trả thêm $5 khi mua một chiếc áo len, sẽ chi ít hơn $5 cho 100 ngành sản xuất khác, nghĩa là ít hơn trung bình 5 cent cho mỗi ngành sản xuất khác. (Các con số được chọn chỉ nhằm phục vụ cho ví dụ minh họa này. Trong thực tế, tất nhiên sẽ không có sự phân bổ đồng đều như vậy. Hơn nữa, bản thân ngành sản xuất áo len cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi những ngành sản xuất được bảo hộ khác. Thế nhưng trong ví dụ, chúng ta sẽ tạm thời không xét đến các yếu tố đó.)
Khi điều này xảy ra, những nhà sản xuất ở các nước khác sẽ bị mất hoàn toàn thị trường của họ tại Mỹ. Vì vậy, họ sẽ không có ngoại tệ của Mỹ (USD) và không thể mua được hàng hóa Mỹ. Chính vì điều này, các ngành sản xuất của Mỹ sẽ bị thiệt hại một khoản tương đương với lượng xuất khẩu trước đây của họ. Những người sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất là nhà sản xuất bông thô và các sản phẩm đồng, các nhà sản xuất máy khâu, máy nông nghiệp, máy chữ, máy bay chuyên chở, v.v…
Một hàng rào thuế quan cao, ngay cả khi không đến mức làm ngừng nhập khẩu như trong ví dụ trên, vẫn sẽ gây ra những tác động tương tự dù ở một mức độ thấp hơn.
Thuế quan, vì vậy, sẽ có tác dụng làm thay đổi cơ cấu các ngành sản xuất của Mỹ. Nó thay đổi số lượng, chủng loại và kích cỡ của các ngành sản xuất. Nó mở rộng các ngành sản xuất kém hiệu năng và thu hẹp các ngành sản xuất có hiệu năng của chúng ta. Vì vậy, nếu ta nhìn tổng thể, thuế quan sẽ làm giảm năng suất của nền kinh tế Mỹ và của các nền kinh tế khác, các thị trường mà ta đã có thể có nhiều hoạt động trao đổi sản phẩm hơn nếu không có thuế quan.
Mặc dù có rất nhiều ý kiến ủng hộ và phản đối, xét về lâu dài, thuế quan không có liên quan đến vấn đề tuyển lao động. (Tuy nhiên, những thay đổi đột ngột của thuế theo chiều hướng tăng hay giảm có thể nhất thời tạo ra nạn thất nghiệp bởi chúng dẫn đến những thay đổi trong cơ cấu của nền kinh tế. Những thay đổi đột ngột này thậm chí còn có thể dẫn đến tình trạng trì trệ kinh tế.) Tuy nhiên, thuế quan lại có liên quan chặt chẽ đến lương. Xét về lâu dài, thuế quan sẽ luôn làm giảm giá trị thật của lương, bởi nó làm giảm hiệu suất, sản lượng, và tổng lượng của cải.
Tóm lại, mọi luận chứng sai lầm về thuế quan đều xuất phát từ luận chứng sai lầm chủ chốt mà cuốn sách này muốn đề cập đến. Đó là kết quả của việc chỉ nhìn vào những tác động tức thời của một loại thuế quan nhất định đối với một nhóm các nhà sản xuất nhất định mà quên mất những tác động dài hạn của thuế quan đối với toàn bộ người tiêu dùng và đối với các nhà sản xuất khác.
(Có độc giả sẽ hỏi: “Tại sao ta không giải quyết vấn đề này bằng cách thực hiện bảo hộ thuế quan đối với tất cả các ngành sản xuất?” Sai lầm ở đây là ta không thể hỗ trợ đồng đều mọi ngành sản xuất, và không thể hỗ trợ gì được cho những nhà sản xuất nội địa vốn đang có lợi thế hay đang bán được nhiều sản phẩm hơn so với những nhà sản xuất ở nước ngoài; những nhà sản xuất có hiệu suất cao này chắc chắn sẽ bị thiệt do thuế quan sẽ làm chuyển hướng sức mua.)
Chúng ta cần ghi nhớ thêm một chú ý cuối cùng về chủ đề này. Đây cũng là chú ý chúng ta đã nói đến khi xem xét tác động của việc sử dụng máy móc. Chúng ta không nên phủ định thực tế rằng thuế quan có, hay ít nhất là có thể, đem lại lợi ích cho một số đối tượng đặc biệt. Mặc dù chúng đến từ sự thiệt hại của những người khác, nhưng những lợi ích này là có thật. Nếu một ngành sản xuất được bảo hộ thông qua thuế quan trong khi người làm việc trong ngành đó vẫn được tận hưởng những ích lợi kinh tế của tự do thương mại trong những ngành sản xuất khác, thì bản thân ngành sản xuất đó sẽ được hưởng lợi. Nhưng khi chính phủ mở rộng bảo hộ kinh tế sang các ngành nghề sản xuất khác, ngay cả những người trong những ngành được bảo hộ cũng sẽ bắt đầu bị thiệt hại bởi sự bảo hộ ở những ngành khác, và có thể trở nên nghèo hơn so với trường hợp không ai được bảo hộ.
Thế nhưng chúng ta không nên phủ định rằng thuế quan có thể đem lại những lợi ích thực cho một số đối tượng nhất định, điều mà những người ủng hộ tự do thương mại thường làm. Chúng ta không nên trả vờ rằng việc giảm thuế sẽ đem lại lợi ích cho tất cả mọi người và không gây thiệt hại cho ai. Đúng là nếu xét trên tổng thể, việc giảm thuế sẽ có lợi cho toàn bộ nền kinh tế. Song sẽ có những cá thể nhất định bị thiệt hại từ việc này. Những đối tượng trước đây được hưởng sự bảo hộ của thuế quan sẽ bị thiệt hại. Trên thực tế, đây là một trong những lý do vì sao ngay từ đầu chúng ta không nên tạo ra những lợi ích kinh tế nhờ việc bảo hộ thuế quan. Song thực tế bắt chúng ta phải nhìn thấy và công nhận rằng một số nhà sản xuất đã đúng khi họ nói rằng việc loại bỏ thuế quan trên sản phẩm họ đang sản xuất sẽ khiến họ bị phá sản và các lao động của họ bị thất nghiệp (ít nhất là tạm thời). Và nếu những lao động này là những người có các kỹ năng mang tính chuyên biệt cao, họ có thể sẽ bị thất nghiệp mãi mãi hoặc ít nhất là cho đến khi họ học được những kỹ năng mới. Khi xem xét các tác động của thuế quan cũng như của máy móc, chúng ta phải tìm hiểu tất cả các tác động chính, ngắn hạn và dài hạn, đối với tất cả mọi đối tượng trong nền kinh tế.
Trước khi kết thúc chương này, tôi muốn nói thêm rằng những luận chứng được đưa ra không nhằm vào tất cả các loại thuế quan (bao gồm những loại thuế được thu chủ yếu để tạo nguồn thu nhập quốc dân hay để duy trì những ngành nghề sản xuất cần thiết cho chiến tranh), và không nhằm chống lại tất cả các luận chứng khác ủng hộ thuế quan. Chương sách này chỉ nhằm phản đối luận chứng sai lầm rằng thuế quan xét trên tổng quan sẽ “tạo ra việc làm”, “nâng cao mức lương”, và “bảo vệ mức sống của người dân Mỹ”. Thuế quan không làm được những điều đó; về lương và mức sống, nó thậm chí còn làm điều ngược lại. Song trong chương sách này, chúng ta không xem xét việc áp dụng thuế quan vì các mục đích khác.
Ở đây, chúng ta cũng không cần xem xét tác động của các chính sách như hạn ngạch nhập khẩu, kiểm soát ngoại hối, thương mại song phương và các biện pháp khác nhằm giảm, chuyển hướng hoặc ngăn chặn thương mại quốc tế. Nói chung, các công cụ này có tác động tương tự như thuế quan trong các trường hợp ta vừa thảo luận và thường dẫn đến những hậu quả tồi tệ hơn. Mặc dù chúng thường gây ra các vấn đề phức tạp hơn, tác động của chúng xét về tổng quan có thể được xem xét với cùng một kiểu lý luận ta đã áp dụng khi nói về hàng rào thuế quan.
Nguồn: Henry Hazlitt, Kinh tế học trong một bài học (Economics in One Lesson), Chương 11