[Hiểu kinh tế qua một bài học] Chương 25: Nhắc lại bài học
Như chúng ta đã nhắc lại nhiều lần, kinh tế học là bộ môn khoa học nhằm nhận ra các tác động thứ cấp. Nó cũng là bộ môn khoa học nhằm chỉ ra các tác động tổng quan. Nó là bộ môn khoa học nhằm xem xét các tác động của một chính sách được kiến nghị hay đang được thực hiện, không chỉ đối với những lợi ích đặc biệt mà còn đối với lợi ích chung, không chỉ ngắn hạn mà còn dài hạn.
Cuốn sách này tập trung đặc biệt vào bài học đó. Chúng ta đã nêu lên bài học ở dạng cơ bản nhất, sau đó bổ sung thêm thông qua các ví dụ mang tính thực tiễn.
Song trong quá trình xem xét các ví dụ này, chúng ta đã đề cập đến một số bài học khái quát khác, và chúng ta nên nêu ra một cách rõ ràng các bài học ấy cho bản thân mình.
Khi công nhận kinh tế học là một ngành khoa học nhằm xem xét các tác động và hậu quả, chúng ta phải nhận thức được rằng, giống toán học và logic học, đây là một bộ môn khoa học nhằm nhận ra những suy luận mang tính tất yếu.
Chúng ta có thể minh họa cho điều này thông qua một phương trình số học đơn giản. Giả sử ta có x = 5 và x + y = 12. “Đáp án” của phương trình này là y = 7; ta có được đáp án bởi phương trình này trên thực tế nói với chúng ta rằng y bằng 7. Nó không nói điều này một cách trực tiếp, song trong nó có ẩn chứa đủ các yếu tố để ta suy luận ra đáp án.
Điều chúng ta vừa quan sát được trong phương trình đơn giản đó cũng đúng với phần lớn các phương trình phức tạp và khó hiểu trong toán học. Đáp án đã được ẩn chứa trong đề bài. Tất nhiên, chúng ta phải “giải” phương trình để có được câu trả lời. Đôi khi, chính người giải phương trình cũng ngạc nhiên trước kết quả thu được. Đôi khi, người đó còn cảm nhận được rằng mình đang khám phá ra một điều gì đó hoàn toàn mới với một sự hào hứng giống như “một người chuyên ngắm sao, khi một hành tinh mới lọt vào tầm ngắm của mình”. Cảm nhận này sẽ được chứng minh thông qua những kết quả mang tính lý thuyết hay thực tế trong đáp án của người đó. Nhưng đáp án đã được ẩn chứa trong cách vấn đề được trình bày. Không phải lúc nào ta cũng có thể nhận ra nó ngay. Toán học nhắc nhở chúng ta rằng các kết quả tất yếu không phải luôn là điều dễ nhận ra.
Tất cả những điều đó cũng đúng với kinh tế học. Trên phương diện này, kinh tế học cũng giống như cơ khí học. Khi phải giải quyết một vấn đề, một kỹ sư trước tiên phải xác định tất cả các yếu tố có ảnh hưởng. Nếu muốn thiết kế một cây cầu để nối hai điểm, ông ta trước hết phải biết khoảng cách chính xác giữa hai điểm, đặc điểm địa hình của hai điểm đó, trọng tải tối đa của cầu, sức chịu lực căng và lực nén của thép và các vật liệu khác được dùng để xây cầu, cũng như những lực tác động mà cây cầu sẽ phải chịu. Phần lớn các yếu tố này đã được nghiên cứu bởi những người khác. Những người tiền nhiệm cũng đã thực hiện những phương trình toán học chi tiết nhằm giúp ông ta, sau khi biết được sức chịu lực của các vật liệu và các lực tác động chúng sẽ phải chịu, có thể quyết định đường kính, hình dạng, số lượng và kết cấu của các mấu cầu, các sợi cáp và các thanh giằng.
Cũng tương tự như vậy, một nhà kinh tế học, khi được giao một vấn đề thực tế, phải nắm được tất cả các thông tin chính về vấn đề và các kết luận có giá trị được rút ra từ các thông tin này. Trong kinh tế học, việc suy diễn để rút ra các kết luận cũng quan trọng không kém gì việc nắm được thông tin thực tế. Chúng ta cũng có thể áp dụng cho kinh tế học điều mà Santayana nói về logic học (cũng có thể được sử dụng cho toán học), rằng logic “dõi theo ánh sáng của chân lý”, để “khi một ngôn từ của hệ thống logic mô tả một sự việc, toàn bộ hệ thống gắn liền với ngôn từ đó sẽ được thắp sáng”16.
Rất ít người hiểu được ý nghĩa thực sự của những gì họ đang nói về kinh tế học. Khi họ nói rằng tăng tín dụng là cách cứu vãn nền kinh tế, họ không hiểu rằng điều họ đang nói trên thực tế là nền kinh tế có thể được cứu vãn thông qua việc tăng nợ: đây là những tên gọi khác nhau từ các phương diện khác nhau của cùng một hiện tượng. Khi họ nói rằng tăng giá nông sản là con đường dẫn đến sự thịnh vượng, điều họ đang nói trên thực tế là ta có thể trở nên giàu có hơn bằng cách làm cho lương thực và thực phẩm trở nên đắt đỏ hơn đối với người lao động trong thành phố. Khi họ nói rằng các khoản trợ cấp của nhà nước sẽ làm tăng tài sản quốc gia, trên thực tế, họ đang nói rằng quốc gia có thể trở nên giàu có hơn bằng cách tăng thuế. Khi họ đặt mục tiêu chính của mình là tăng xuất khẩu, phần lớn trong số họ không nhận ra rằng họ đã khiến việc tăng nhập khẩu trở thành mục tiêu chính. Khi họ nói rằng tăng lương là cách để phục hồi kinh tế trong hầu hết mọi trường hợp, họ thực ra chỉ nói bằng một cách khác rằng để phục hồi, ta phải tăng chi phí sản xuất.
Tất nhiên không phải là vì mỗi quan điểm đều có mặt trái của nó hay vì mọi thứ không còn hấp dẫn nữa khi được xem xét từ một khía cạnh khác hay gọi bằng cái tên khác mà ta có thể nói rằng những đề xuất này là không hợp lý trong mọi trường hợp. Sẽ có những thời điểm khi việc tăng mức nợ đem lại nhiều lợi hơn hại, khi sự trợ cấp của chính phủ là điều tối quan trọng để có thể đạt được một mục tiêu quân sự nhất định, khi một ngành sản xuất nào đó chấp nhận được một mức tăng chi phí sản xuất hợp lý, v.v… Song chúng ta phải đảm bảo rằng trong mọi trường hợp, cả hai mặt của vấn đề, cũng như mọi tác động hay hậu quả của một đề xuất, đều được xem xét cẩn thận. Tuy nhiên, đây là điều rất ít khi được thực hiện.
Sự phân tích các ví dụ của chúng ta đã dạy chúng ta thêm một bài học tình cờ nữa. Đó là: khi ta nghiên cứu các tác động của những đề xuất khác nhau không chỉ đối với một số nhóm đặc biệt trong một thời gian ngắn mà trên tất cả các nhóm trong một thời gian dài, các kết luận ta rút ra thường trùng lặp với những quan điểm bình thường nhất mà ai cũng biết. Không ai ngoài những nhà kinh tế học nửa mùa và những người tin theo họ sẽ nghĩ rằng việc cửa sổ bị ném vỡ kính hay các thành phố bị phá hoại lại là điều có ích; rằng chính phủ hoàn toàn không lãng phí khi tạo ra các công trình công cộng không cần thiết; rằng việc để một số lượng lớn người đang nhàn rỗi quay trở lại làm việc là nguy hiểm; rằng các loại máy móc có khả năng tăng của cải vật chất và tiết kiệm sức lao động con người phải được dè chừng; rằng việc ngăn cản sự sản xuất và tiêu thụ tự do sẽ làm tăng lượng của cải; rằng một quốc gia sẽ trở nên giàu có hơn khi bắt các quốc gia khác mua hàng hóa của mình với mức giá thấp hơn chi phí sản xuất; hay rằng tiết kiệm là ngu ngốc và có hại, và việc tiêu xài quá độ sẽ đem đến sự giàu có.
Để trả lời những quan điểm đao to búa lớn của thời đại mình, Adam Smith nhấn mạnh một chân lý giản đơn: “Điều được xem là cẩn trọng trong việc quản lý một gia đình khó có thể trở thành sai lầm đối với một quốc gia”. Nhưng những người tầm thường hơn lại thường thích phức tạp hóa mọi vấn đề cho đến khi bản thân họ cũng bị nhầm lẫn. Họ không kiểm chứng lại suy luận của mình ngay cả khi các kết luận được đưa ra hết sức vô lý. Độc giả, tùy theo niềm tin của mình, có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận câu nói của Bacon: “Một chút triết học sẽ dẫn trí óc con người đến với sự vô thần, nhưng triết học sâu sắc sẽ dẫn con người đến với tôn giáo.” Song với kinh tế học, một chút kinh tế học rất có thể dẫn đến những kết luận trái khoáy và ngược đời mà chúng ta vừa xem xét, song kinh tế học sâu sắc sẽ dẫn con người trở lại với những chân lý giản đơn, bởi kinh tế học sâu sắc đòi hỏi ta phải xem xét tất cả tác động và hậu quả của một chính sách thay vì chỉ quan tâm đến những điều hiển hiện ngay trước mắt.
Trong quá trình thảo luận của mình, chúng ta đã tìm lại được một người bạn. Đó là Người bị lãng quên của William Graham Sumner, người đã viết trong tiểu luận của mình vào năm 1883 rằng:
“Ngay khi A quan sát thấy một điều gì đó có vẻ sai và đang gây hại cho X, A sẽ thảo luận với B và cùng B đề xuất một điều luật để xử lý điều sai trái này và hỗ trợ X. Điều luật của họ luôn quy định những điều C phải làm cho X hoặc, trong trường hợp tốt hơn, những điều A, B, và C sẽ làm cho X… Điều tôi muốn làm là quan sát C… Tôi sẽ gọi ông ta là Người bị lãng quên… Ông ta là người không bao giờ được chú ý tới. Ông ta là nạn nhân của các nhà cải cách, những người theo tư duy xã hội và những người chuyên làm việc thiện; và trước khi kết thúc, tôi muốn chỉ cho các bạn thấy rằng, do nhân cách của mình và do những gánh nặng mà người khác đã chất lên ông ta, người này đáng được quan tâm đến.”
Oái oăm thay, khi cụm từ này, Người bị lãng quên, được đem ra sử dụng vào những năm 30 của thế kỷ 20, nó được dùng không phải để nói đến C mà là đến X; và C, người thậm chí còn bị yêu cầu phải hỗ trợ thêm những ông X khác, còn bị lãng quên hơn cả trước đây. Chính C, người bị lãng quên, cũng là người luôn được yêu cầu đứng ra hỗ trợ cho trái tim rỉ máu của các chính trị gia bằng cách thanh toán cho sự hào hiệp bằng môi miệng của họ.
Việc nghiên cứu bài học của chúng ta sẽ không thể hoàn tất nếu trước khi kết thúc, chúng ta không chỉ ra rằng luận chứng sai lầm cơ bản mà chúng ta đã xem xét xuất phát hoàn toàn không ngẫu nhiên mà theo một cách hệ thống. Trên thực tế, nó là kết quả gần như tất yếu của việc phân công lao động.
Trong công xã nguyên thủy, hoặc trong thời kỳ của những người khai hoang, trước khi sự phân công lao động ra đời, một người chỉ lao động để phục vụ cho bản thân và gia đình mình. Những gì người đó tiêu dùng cũng là những gì anh ta sản xuất ra. Giữa những gì người đó tạo ra và những gì người đó tiêu dùng luôn có một mối quan hệ trực tiếp và tức thì.
Nhưng khi hệ thống phân công lao động phức tạp và chi tiết ra đời, mối quan hệ trực tiếp này biến mất. Tôi không tạo ra tất cả những gì tôi tiêu dùng mà có lẽ chỉ một trong những thứ đó. Với lợi nhuận thu được từ việc sản xuất một loại hàng hóa hay cung cấp một loại dịch vụ, tôi sẽ mua tất cả những thứ còn lại. Tôi muốn những thứ tôi phải mua sẽ có giá thấp, song với hàng hóa hay dịch vụ do tôi cung cấp, mức giá cao sẽ có lợi cho tôi hơn. Vì vậy, mặc dù tôi muốn mọi thứ đều dồi dào, nếu loại hàng hóa hay dịch vụ tôi cung cấp trở nên khan hiếm, tôi sẽ có lợi nhiều hơn. Loại hàng hóa và dịch vụ này càng khan hiếm so với các loại hàng hóa và dịch vụ khác thì công sức tôi bỏ ra sẽ càng được đền đáp nhiều hơn.
Điều này không có nghĩa là tôi nhất thiết phải hạn chế công sức hay sản lượng của mình. Trên thực tế, nếu tôi chỉ là một trong số đông những người cung cấp và trong ngành sản xuất của tôi có sự cạnh tranh tự do, tôi sẽ không có lợi nếu tự hạn chế sản lượng. Ngược lại, giả sử tôi là một người trồng lúa mì, tôi sẽ muốn sản lượng của mình càng lớn càng tốt. Song nếu tôi chỉ quan tâm đến quyền lợi của mình mà không bận tâm đến người khác, tôi cũng sẽ muốn sản lượng lúa mì của những người khác càng thấp càng tốt; bởi tôi muốn có sự khan hiếm lúa mì, hay bất kỳ một loại lương thực nào khác có thể thay thế cho lúa mì, để lượng lúa mì của tôi sẽ được giá cao nhất.
Thông thường, những tính toán ích kỷ kiểu này sẽ không ảnh hưởng gì đến tổng sản lượng lúa mì. Trên thực tế, bất kỳ khi nào có sự cạnh tranh, mỗi nhà sản xuất sẽ bị bắt buộc phải cố gắng hết sức để có sản lượng lúa mì cao nhất trên đất đai của mình. Bằng cách này, những tính toán cho lợi ích cá nhân (vốn luôn mạnh hơn lòng hào hiệp hay hào phóng của con người) sẽ bị kiểm soát và dẫn đến mức sản lượng cao nhất.
Song nếu những người trồng lúa mì, hay bất kỳ một nhóm nhà sản xuất nào khác, kết hợp lại với nhau để thủ tiêu sự cạnh tranh, và nếu chính phủ cho phép hay khuyến khích chiến lược này của họ, tình hình sẽ thay đổi. Những người trồng lúa mì có thể thuyết phục chính phủ, hay thậm chí là một tổ chức toàn cầu nào đó, bắt tất cả giảm theo tỷ lệ diện tích đất được dành cho việc trồng lúa mì. Nhờ đó, họ sẽ tạo ra tình trạng khan hiếm và nâng giá lúa mì, và nếu việc tăng giá lúa tính theo mỗi giạ tính theo tỷ lệ tăng nhiều hơn so với mức giảm của sản lượng, tất cả những người trồng lúa sẽ được hưởng lợi. Họ sẽ có thêm nhiều tiền và mua được nhiều hàng hóa hơn. Tất cả những người khác sẽ trở nên nghèo hơn, bởi họ sẽ mất đi nhiều hơn từ những gì họ sản xuất để nhận được ít hơn từ những người trồng lúa mì. Cả quốc gia, vì vậy, sẽ nghèo đi một lượng tương đương với lượng lúa mì không được trồng. Nhưng những người chỉ chú ý đến các nông dân trồng lúa mì sẽ nhìn thấy lợi ích và bỏ qua những thiệt hại thậm chí còn lớn hơn.
Điều này đúng với mọi ngành sản xuất. Nếu bởi thời tiết bất thường, vụ mùa cam tăng đột ngột, mọi người tiêu dùng sẽ hưởng lợi. Thế giới sẽ giàu có hơn một lượng tương đương với sản lượng cam tăng lên. Giá cam sẽ giảm đi. Song chính điều này có thể khiến những người trồng cam trở nên nghèo hơn, trừ khi lượng cam tăng lên đủ để bù cho mức giá thấp hơn. Trong trường hợp này, nếu sản lượng cam của tôi không lớn hơn mọi năm, chắc chắn thu nhập của tôi sẽ bị giảm vì mức giá thấp hơn do sản lượng cam chung lớn hơn gây ra.
Điều đúng với sự thay đổi nguồn cung cũng đúng với sự thay đổi lượng cầu, dù những thay đổi này là do các phát minh sáng chế mới hay chỉ đơn thuần là kết quả của sự thay đổi thị hiếu. Một chiếc máy hái bông mới, dù có thể làm giảm giá đồ lót và áo sơ mi sợi cotton cho mọi người, sẽ làm cho nhiều người hái bông bị mất việc làm. Một chiếc máy dệt mới, với khả năng dệt vải chất lượng cao hơn và tốc độ nhanh hơn, sẽ khiến hàng ngàn chiếc máy cũ trở thành đồ phế thải và làm mất đi lượng vốn đã được đầu tư vào những chiếc máy cũ. Vì vậy, nó cũng làm người sở hữu những chiếc máy cũ trở nên nghèo hơn. Việc tiếp tục phát triển năng lượng nguyên tử, dù có thể đem lại những lợi ích to lớn cho nhân loại, là điều khiến nhiều chủ mỏ than và giếng dầu phải lo lắng.
Các tiến bộ về khoa học kỹ thuật sẽ luôn gây tổn hại cho ai đó. Tương tự như vậy, sự thay đổi trong thị hiếu hay đạo đức xã hội, ngay cả khi theo hướng tốt hơn, cũng luôn đem lại thiệt hại cho một số người nhất định. Người dân ít say xỉn hơn cũng có nghĩa là hàng ngàn người phục vụ ở các quầy bar sẽ thất nghiệp. Việc giảm đánh bạc sẽ khiến những người hầu bài ở các sòng bạc và những môi giới đua ngựa phải đi tìm những công việc có thu nhập cao hơn.
Song không chỉ những người phục vụ cho những thú vui hay thói quen xấu của con người mới bị ảnh hưởng khi đạo đức xã hội bất chợt được cải thiện. Trong số những người bị ảnh hưởng nhiều nhất, sẽ có chính những người làm công việc cải thiện đạo đức này. Các thầy tu sẽ không còn nhiều lý do để dạy dỗ; những nhà cải cách sẽ chẳng còn gì để theo đuổi. Nhu cầu đối với công việc của họ và sự đóng góp tài chính của xã hội sẽ giảm đi. Nếu không còn tội phạm, chúng ta sẽ cần ít luật sư, quan tòa và lính cứu hỏa hơn. Ta sẽ không cần người cai tù, người làm khóa tù, hay thậm chí cảnh sát nữa (ngoại trừ một số lượng nhỏ để giám sát giao thông).
Nói tóm lại, trong hệ thống phân công lao động, sẽ rất khó để có thể thỏa mãn cao hơn một nhu cầu nào đó của con người mà không, ít nhất là tạm thời, gây thiệt hại cho những người đã đầu tư hoặc đã mất công sức để có được các kỹ năng nhằm thỏa mãn chính nhu cầu đó. Nếu sự phát triển hay tiến bộ diễn ra đồng đều trong xã hội, sự xung đột giữa lợi ích của toàn xã hội và của một nhóm cụ thể nào đó sẽ không đáng kể, hoặc nếu có xảy ra, nó sẽ không trở thành vấn đề nghiêm trọng. Nếu trong cùng một năm khi sản lượng lúa mì của thế giới tăng, sản lượng lúa mì của tôi cũng tăng với một tỷ lệ tương tự, nếu sản lượng cam và các nông sản khác cũng tăng tương tự, và nếu sản lượng của các sản phẩm công nghiệp cũng tăng và chi phí sản xuất trên đơn vị sản phẩm giảm một lượng tương ứng, khi đó tôi - một người trồng lúa mì - sẽ không phải chịu thiệt hại vì sản lượng lúa tăng. Tuy giá lúa tính theo giá và tổng số tiền tôi thu được từ sản lượng của mình có thể giảm, tôi vẫn có thể mua các sản phẩm khác với giá rẻ hơn vì sản lượng của chúng cũng tăng. Vì thế, tôi không có lý do gì để phàn nàn. Trên thực tế, tôi còn trở nên giàu hơn một lượng tương đương với mức tăng sản lượng của tôi. Và tất cả những người khác cũng trở nên giàu hơn một lượng tương đương với mức tăng sản lượng hàng hóa hay dịch vụ của họ.
Song các tiến bộ kinh tế chưa bao giờ và có lẽ sẽ không bao giờ xảy ra một cách đồng đều như vậy. Sự tiến bộ thường diễn ra ở mỗi thời điểm tại một ngành hoặc một mảng sản xuất nhất định. Và nếu trong ngành sản xuất của tôi, sản lượng hoặc nguồn cung tăng một cách đột ngột, hoặc nếu sản phẩm của tôi không còn thị trường nữa do một sáng chế hay phát minh mới, khi đó, lợi ích mà thế giới có được cũng là thảm họa đối với tôi và những người cùng sản xuất một mặt hàng hay dịch vụ như tôi.
Điều tác động mạnh nhất lên một người quan sát khách quan thường không phải là những lợi nhuận được dàn trải trên diện rộng do việc tăng cung hay nhờ những sáng chế hay khám phá mới, mà là sự thiệt hại được tập trung vào một nhóm hoặc một vài nhóm nhỏ. Chúng ta thường không chú ý đến việc mọi người được uống cà phê nhiều và rẻ hơn mà chỉ quan tâm đến việc thu nhập của những người trồng cà phê không đủ cho cuộc sống của họ do giá cà phê giảm. Việc tăng sản lượng và giảm chi phí sản xuất trong ngành sản xuất giày do máy móc mới bị bỏ qua; điều mà ta nhìn thấy là những công nhân sản xuất giày bị mất việc. Tất nhiên, ta phải xem xét một cách toàn diện vấn đề và nhìn nhận hoàn cảnh khó khăn của những cá nhân đó để dành cho họ sự cảm thông và tìm cách sử dụng một trong những lợi ích thu được từ chính sự tiến bộ trong lĩnh vực cụ thể này để giúp những nạn nhân của nó tìm được một công việc khác với mức thu nhập phù hợp.
Song chúng ta không được giải quyết vấn đề bằng cách tùy tiện giảm sản lượng, ngăn cản các sáng chế hay khám phá mới, hoặc hỗ trợ để những người đó tiếp tục sản xuất loại hàng hóa hay cung cấp loại dịch vụ không còn giá trị trên thị trường nữa. Song đây lại chính là điều thế giới thường xuyên làm thông qua thuế quan bảo hộ, thông qua việc phá hủy máy móc thiết bị, thông qua việc đốt hủy cà phê, thông qua hàng ngàn chính sách mang tính hạn chế sản xuất. Đây là quan điểm điên rồ nhằm tìm kiếm sự giàu có thông qua sự khan hiếm.
Thật không may là quan điểm này lại có thể đúng trong những trường hợp riêng lẻ, khi xét riêng một nhóm nhà sản xuất nào đó, nếu họ có thể tạo ra sự khan hiếm trong mặt hàng hay dịch vụ của họ đồng thời giữ nguyên sự dồi dào của những thứ họ phải mua. Song xét chung cho toàn xã hội, quan điểm này không bao giờ đúng. Nó không bao giờ được áp dụng một cách đồng đều, bởi điều này là một hành động tự sát về kinh tế.
Đây chính là bài học của chúng ta dưới dạng khái quát nhất. Rất nhiều điều tưởng như đúng khi ta tập trung vào một nhóm kinh tế nhất định trở thành những ảo tưởng khi ta xem xét lợi ích của mọi người, nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng.
Nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể chứ không chỉ trong từng chi tiết: đó chính là mục tiêu của kinh tế học với tư cách là một bộ môn khoa học.
Nguồn: Henry Hazlitt, Kinh tế học trong một bài học (Economics in One Lesson), Chương 25