[Tinh thần dân chủ] - Dẫn nhập: Bình minh của thời đại dân chủ (Phần 1)

[Tinh thần dân chủ] - Dẫn nhập: Bình minh của thời đại dân chủ (Phần 1)

Đấy dường như là cách khởi đầu kỳ lạ của tác phẩm viết về triển vọng của chế độ dân chủ trên toàn cầu. Chiến tranh lạnh đã không liên kết thế giới lại với nhau; nó chia cắt và làm cho thế giới chảy máu. Thực vậy, tháng 10 năm 1962, nó đã tiến rất gần đến việc phá hủy nhiều khu vực trên thế giới. Nhân danh cuộc đấu tranh với chủ nghĩa cộng sản thế giới và “bảo vệ tự do”, trong suốt bốn thập kỷ đấu tranh diễn ra trên toàn thế giới, trong khi giúp lật đổ chính phủ dân cử ở Iran năm 1953, ở Guatemala năm 1954 và ở Chile vào năm 1973 (trong số những vụ can thiệp bí mật khác), trong khi ủng hộ nhiều chế độ độc tài quân sự cánh hữu và độc tài quân chủ “phe ta”, Hoa Kỳ thường phản bội và làm xói mòn những giá trị dân chủ của chính mình. Nếu “chủ nghĩa hiện thực” của Chiến tranh Lạnh là thúc đẩy các lợi ích quốc gia, thì nhà độc tài mà chúng ta ôm ấp có trái đạo đức đến đâu cũng không phải là vấn đề – nhà độc tài có thể được mô tả bằng cụm từ, mà người ta khó có thể vượt qua được, đấy là đánh giá của Franklin Roosevelt về nhà độc tài Nicaragua, Anastasio Somoza: “Hắn có thể là đồ chó đẻ, nhưng hắn là đồ chó đẻ của chúng ta”.

Tuy nhiên, thái độ của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh còn một phía khác, mang tính nguyên tắc hơn. Năm 1961, trong diễn văn nhậm chức, Tổng thống John F. Kennedy đã thể hiện thái độ đó khi ông hứa “sẽ trả bất cứ giá nào, chịu bất cứ gánh nặng nào, chấp nhận bất cứ khó khăn nào, hỗ trợ bất cứ người bạn nào, chống lại bất cứ kẻ thù nào nhằm đảm bảo cho sự tồn tại và thành công của tự do”. Nếu những từ này có thể hiểu rộng hơn là “chủ nghĩa hiện thực” vừa nói, nghĩa là ôm ấp bất cứ đồng minh chống cộng nào, thì Kennedy đã hứa hẹn nhiều hơn thế. Hoa Kỳ phải hỗ trợ những quốc gia hậu thuộc địa, vừa mới được thành lập trong cuộc đấu tranh vì tự do thực sự, ngay cả khi không phải lúc nào cũng hy vọng rằng họ “ủng hộ quan điểm của chúng ta”. Nước Mỹ của ông sẽ giúp mọi người trên toàn thế giới để họ tự giúp mình “nhằm phá vỡ gông cùm của nạn đói nghèo tràn lan”. Ở châu Mỹ, ông đã phát động “liên minh vì tiến bộ” nhằm diệt trừ nghèo đói” và phát động “niềm hy vọng cho cuộc cách mạng hòa bình”.

Chủ nghĩa lý tưởng của Kennedy nói chung đã bị nghiền nát bởi nhận thức của ông về những đòi hỏi trong cuộc chiến chống lại sự bành trướng của cộng sản, đẩy ông (và cả nước) lún ngày càng sâu hơn vào cam kết đầy tai họa ở Việt Nam, vắt kiệt tiềm lực quân sự, nguồn lực kinh tế, năng lực ngoại giao và thẩm quyền đạo đức, tức là những tiềm lực có thể thực sự bảo vệ và khuếch trương tự do trên thế giới. Vụ ám sát ông đã làm gián đoạn những thay đổi đang diễn ra và đã dẫn đến hai trong số những tổng thống yếm thế nhất và tính toán lạnh lùng nhất (trên trường quốc tế) trong thời đại chúng ta, đấy là Lyndon Johnson và Richard Nixon. Nhưng sự thôi thúc của dân chủ và lý tưởng trong linh hồn dân tộc của người Mỹ– rằng chúng ta phải ủng hộ một điều gì đó trên thế giới, rằng niềm tin cốt lõi của chúng ta vào tự do – không thể nào dập tắt được. Ban đầu nó đã trở lại trong sáng kiến Tổng thống Jimmy Carter nhằm thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền và sau đó là trong chính sách còn nhiều tham vọng hơn của Ronald Reagan nhằm thúc đẩy dân chủ, chính sách này đã thiết lập được nhiều tổ chức, nguyên tắc và sáng kiến mà những người kế nhiệm ông tiếp tục theo đuổi. Tuy nhiên, trong suốt những nhiệm kỳ tổng thống khác nhau, sự căng thẳng giữa hai quan điểm khác nhau về vai trò của nước Mỹ trên thế giới – hiện thực và lý tưởng – tiếp tục tồn tại.

Tôi bắt đầu tham gia vào cuộc tìm kiếm tự do trên bình diện toàn cầu từ sau bài diễn văn nhậm chức của Tổng thống Kennedy và lời kêu gọi táo bạo của ông gửi tới đất nước và toàn thế giới. Là một cậu bé chín tuổi, tôi đã xúc động sâu sắc (và sau này mới biết là kéo dài) trước lời kêu gọi của ông “chịu đựng gánh nặng của cuộc tranh đấu dai dẳng mù mờ, năm này qua năm khác, ‘vui mừng trong hy vọng, kiên nhẫn trong khổ cực’ – một cuộc đấu tranh chống lại những kẻ thù chung của nhân loại: độc tài, nghèo đói, bệnh tật, và ngay cả chiến tranh”. Có lẽ lúc đó tôi không thể hiểu được tất cả những điều này có nghĩa gì, nhưng tôi tin rằng chủ nghĩa cộng sản là xấu, rằng tất cả các hình thức của chế độ độc tài đều không thể được dung thứ, rằng người dân ở khắp nơi đều xứng đáng sống trong tự do và nhân phẩm. Lời kêu gọi của Kennedy gợi hứng cho tôi đọc về thế giới. Tôi say mê các nhà lãnh đạo chính trị mới của khu vực mà lúc đó được gọi là Thế giới Thứ ba và hành trình đến tự do của nhiều nước ở châu Á và châu Phi, những nước vừa đạp tan xiềng xích của sự thống trị thực dân châu Âu. Tôi bị những câu chuyện về các nhà lãnh đạo thế giới thứ ba như Jawaharlan Nehru, Sukarno và Kwame Nkrumah quyến rũ.

Những năm tôi học đại học bị chi phối bởi cuộc chiến tranh Việt Nam và phong trào phản kháng của quần chúng ngày càng lan rộng trong khắp các đại học ở Mỹ. Tôi đã chứng kiến cuộc truy quét cao quý nhằm ngăn chặn sự lây lan của chủ nghĩa cộng sản lại trở nên mù quáng đối với những lực lượng của chủ nghĩa dân tộc và bài thực dân và bị ám ảnh với việc giữ gìn hình ảnh về sự kiên định của người Mỹ, với cái giá phải trả thật là thảm khốc. Kết quả là đã xảy ra thảm họa về đạo đức, về tình người và về địa chính trị. Khi tôi chứng kiến việc Hoa Kỳ ủng hộ chế độ độc tài này nhằm ngăn chặn chế độ độc tài khác, phá hủy các làng mạc nhằm cứu làng mạc thì cũng là lúc tôi bắt đầu đặt câu hỏi về những khía cạnh khác của chính sách đối ngoại của chúng ta và tôi bắt đầu phê phán những tính toán về quyền lợi quốc gia bị bóp méo đã làm cho chúng ta ôm ấp và thậm chí là đưa nhiều chế độ độc tài “hữu hảo” trên khắp thế giới đến với quyền lực. Tôi tin rằng chúng ta phải đòi hỏi các đồng minh của chúng ta thực thi chế độ dân chủ và quản trị có trách nhiệm, nếu chúng ta muốn được người ta tín nhiệm và đạt hiệu quả trong việc đối đầu với kẻ thù cộng sản của chúng ta. Sau đó, trong năm học đại học cuối cùng, trong một sự kiện tệ hại của lịch sử buồn dai dẳng can thiệp của Mỹ vào khu vực Mỹ Latin, quân đội Chile đã lật đổ một cách tàn nhẫn chính phủ dân cử của vị tổng thống theo đường lối xã hội chủ nghĩa, Salvador Allende, và người ta nhanh chóng nhận ra rằng cuộc đảo chính được chính quyền Nixon ủng hộ. Lời kêu gọi khẩn thiết trong diễn văn nhậm chức của tổng thống Kennedy trở thành một trò đùa độc ác, và tôi ngày càng xa lánh những việc mà chính phủ của chúng ta đang làm trên khắp thế giới.

Mặc dù tôi đã dính líu, cả về mặt đạo đức và chính trị, vào các sự kiện diễn ra trên thế giới, tôi vẫn chưa thực sự nhìn thấy thế giới. Khi tốt nghiệp, tháng 6 năm 1974, tôi quyết định làm điều đó và đã lập kế hoạch cho chuyến đi kéo dài sáu tháng qua một số nước mà mình quan tâm. Tôi bắt đầu vào cuối tháng 10 năm đó ở Bồ Đào Nha, sáu tháng trước ở nước này vừa xảy ra cuộc cách mạng của giới quân nhân nhằm lật đổ chế độ độc tài nửa-phát xít từng cai trị đất nước suốt nửa thế kỷ. Sau đó, nước này đã bị dính chặt trong cuộc đấu tranh mang tính định mệnh giữa các lực lượng cộng sản và cánh tả cấp tiến khác nhằm tìm cách thiết lập chế độ độc tài mới và những đảng phái đang hoạt động vì tương lai dân chủ của Bồ Đào Nha. Từ đây tôi tới Nigeria, nước này đang trải qua giai đoạn bùng nổ trong lĩnh vực khai thác dầu và được cho là sẽ trở về với chế độ dân chủ –nhưng nhà độc tài quân sự, Yakubu Gowon, đã trì hoãn quá trình chuyển đổi ngay trước khi tôi đến đây vào tháng 12 năm 1974. Tôi tiếp tục đến Ai Cập và Israel vì hai nước này vừa thoát ra khỏi bi kịch của cuộc chiến tranh năm 1973. Tôi tới Thái Lan vì nền dân chủ mới của nước này đã tìm cách thiết lập nền tảng cho nó (cuối cùng đã thất bại) và sau đó thì đến Đài Loan, một trong những quốc gia độc tài quan trọng trong những nước mà người ta gọi là phép lạ ở Đông Á.

Tháng 11 năm 1974 tôi ở Bồ Đào Nha, cũng là tháng đánh dấu sự khởi đầu thật sự trong cuộc hành trình của tôi nhằm tìm hiểu những điều kiện cấu thành và duy trì linh hồn của dân chủ. Ở đó, lần đầu tiên tôi nhìn thấy cuộc đấu tranh chính trị sống động vì dân chủ. Đã từng là lãnh đạo do sinh viên bầu chọn tại thời điểm khi mà trong các trường đại học và xã hội Mỹ đang diễn ra những chấn động to lớn và đã từng đấu tranh chống lại những trào lưu cách mạng Marxist, bất dung trong nội bộ phong trào phản chiến trong chính trường đại học của mình, tôi thấy bầu không khí chính trị ở Lisbon khá quen thuộc với mình.

Nhưng, ở Hoa Kỳ, trong những năm cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, chúng tôi chỉ đặt ra những mục tiêu hạn chế: chấm dứt sự tham gia hao người tốn của của chúng ta trong cuộc chiến tranh sai lầm, chấm dứt nghĩa vụ quân sự, tạo ra xã hội công bằng hơn, và tạo điều kiện cho các sắc tộc thiểu số và phụ nữ tiếp xúc với quyền lực và các cơ hội của đời sống. Ngoài cái đó ra, “cách mạng” chỉ là tưởng tượng; nó có thể làm rối loạn học viện, làm mất uy tín quá trình tìm kiếm sự thay đổi trong hòa bình và chia rẽ đất nước. Nhưng nó không bao giờ đe dọa một cách nghiêm trọng các thiết chế dân chủ của chúng ta.

Ở Lisbon, tôi đã thấy những khẩu hiệu mang tính cách mạng và lòng nhiệt thành mà tôi từng biết, và cuộc đấu tranh giữa những người có đầu óc hẹp hòi và cởi mở, giữa hai mục tiêu công lý và tiến bộ xã hội: thông qua sự khẳng quyết không khoan nhượng về ý hệ hay thông qua chính sách đối thoại khoan dung, thuyết phục, và xây dựng liên minh. Nhưng toàn bộ tương lai chính trị của đất nước được đem ra đặt cược. Chế độ dân chủ được đưa lên bàn cân.

Lúc đó tôi không thể biết kết quả sẽ như thế nào. Nhưng tôi đã quan sát và phỏng vấn suốt một tháng, có hai thứ làm tôi ấn tượng nhất. Một là, không chỉ là sự khác biệt trong chương trình và hệ tư tưởng mà những sự tương phản về mặt tinh thần giữa bầu không khí xám xịt, giáo điều, mù quáng của Đảng cộng sản, với những gương mặt dữ tợn của của Lenin và Stalin đang nhìn xuống và sự sống động và vui vẻ, sự tự nhiên và cởi mở, chủ nghĩa lý tưởng và chủ nghĩa thực dụng, niềm tin vào tự do và chủ nghĩa hoài nghi đầy trí tuệ, cũng như sự sáng tạo đầy biến động thấm vào các văn phòng, các buổi hội họp và những cuộc biểu tình của các đảng dân chủ chân chính, tức là Đảng xã hội chủ nghĩa, Đảng dân chủ nhân dân, và Trung tâm dân chủ xã hội. Thứ hai là lòng tận tụy, tài năng và lòng can đảm của những người tôi gặp trong các đảng dân chủ và niềm đam mê tự do của họ được thể hiện một cách rõ ràng.

Ít nhất, kinh nghiệm đã dạy tôi điều mà việc nghiên cứu, đọc sách, những chuyến du lịch và suy nghĩ trong nhiều năm sau đó đã củng cố thêm: Số phận của nền dân chủ không chỉ được thúc đẩy bởi các lực lượng mang tính cơ cấu và lịch sử trừu tượng. Nó là kết quả của cuộc đấu tranh, của chiến lược, sự khéo léo, tầm nhìn, lòng dũng cảm, niềm tin, sự thỏa hiệp và sự lựa chọn của những người hành động – của chính trị theo nghĩa tốt đẹp nhất của từ này. Đây là một phần của điều mà tôi gọi là tinh thần dân chủ. Cuối cùng, ở Bồ Đào Nha, những người dân chủ đã thắng, một phần là do tính kiên cường, lòng dũng cảm và kỹ năng của những người dân chủ như Mário Soares, lãnh tụ Đảng xã hội, người sau này đã trở thành thủ tướng và sau đó là tổng thống và một phần là do những khoản đầu tư lớn của các nền dân chủ phương Tây nhằm hỗ trợ cho các đảng dân chủ. Đó là tinh thần đoàn kết quốc tế nhằm thúc đẩy tự do, là tín hiệu của nỗ lực lớn hơn hẳn sẽ diễn ra trong tương lai gần và là biểu hiện của một chiều kích nữa của tinh thần dân chủ.

Từ kinh nghiệm ở Bồ Đào Nha và từ trải nghiệm của tôi ở Thái Lan và Nigeria, những nước mà chế độ dân chủ đang đấu tranh một cách rõ ràng và đầy hy vọng nhằm cắm rễ vào đó, tôi rút ra rằng ý thức mạnh mẽ về cơ hội của chế độ dân chủ và chủ nghĩa hoài nghi mang tính bản năng về các lý thuyết của giới hàn lâm có thể tước đoạt những cơ hội như thế của nhiều nước. Điều này đã khuyến khích tôi – trong giai đoạn nghiên cứu sinh – chọn môn dễ dàng trở thành trò cười cho những ngôi sao đang lên trong môn học này – đấy là môn xã hội học. Không những không nghiên cứu các quá trình phát triển kinh tế, xây dựng nhà nước, hay cách mạng hoặc các lực lượng của “sự phụ thuộc trên bình diện quốc tế” (và thường lan sang “bóc lột” của chủ nghĩa tư bản quốc tế) cản trở sự phát triển một cách tự chủ, mà tôi lại muốn nghiên cứu về chế độ dân chủ. Tôi không chấp nhận quan niệm cho rằng dân chủ là mặt tiền chẳng có giá trị gì đối với nhân dân hay quan niệm cho rằng chúng ta phải từ bỏ hy vọng xây dựng chế độ dân chủ ở các nước nghèo. Nếu chế độ dân chủ sống được ở Ấn Độ suốt nhiều thập kỷ (chỉ gián đoạn trong một thời gian ngắn) thì tại sao nó lại không tồn tại được ở Nigeria? Cả hai đều là những nước nghèo, cùng bị chia rẽ sắc tộc sâu sắc và cùng có truyền thống của thuộc địa Anh. Tại sao chế độ dân chủ của Nigeria lại sụp đổ vào giữa những năm 1960, dẫn tới cuộc nội chiến với những hậu quả tàn khốc? Trong luận án tiến sĩ, tôi đã cố gắng trả lời câu hỏi đó, và trong khi làm như vậy, tôi đã tìm cách xác định các yếu tố văn hóa, kinh tế, chính trị và quốc tế có thể thúc đẩy và duy trì chế độ dân chủ, ngay cả ở những nước nghèo nhất. Trong môn xã hội học hồi cuối những năm 1970, đối với nhiều người, nỗ lực của tôi dường như là viển vông và ngây thơ, nếu không nói là ngớ ngẩn. Công trình của tôi thường bị người ta gạt bỏ cùng với lời chế giễu rằng nó không phải là lời giải thích vì sao dân chủ lại thất bại ở những nước như Nigeria, mà là giải thích vì sao nó lại tồn tại ở đâu đó bên ngoài phương Tây, nơi có mức độ phát triển cao và truyền thống văn hóa Do Thái-Công giáo. Tôi không chấp nhận thế giới quan này, cả về trí tuệ hay đạo đức, và thế là may. Vì trong hai thập niên tiếp theo, thế giới đã thay đổi theo cách mà cả những người phê phán tôi, lẫn tôi – xin nói thẳng như thế – đều không thể tưởng tượng được.

Như tôi trình bày trong phần thứ nhất của tác phẩm này, sau cuộc cách mạng ở Bồ Đào Nha, dân chủ đã bùng nổ suốt một phần tư thế kỷ. Sự bùng nổ đó chính là cái mà Samuel P. Huntington gọi làn sóng thứ ba của quá trình lan tỏa dân chủ trên toàn cầu1 – bắt đầu một cách chậm chạp và không thể nhận ra, với quá trình chuyển đổi sang dân chủ ở Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hy Lạp, sau đó lan sang Mỹ Latin, và lan rộng hơn nữa. Đến giữa những năm 1980, cứ năm nước thì có khoảng hai nước dân chủ. Đến giữa những năm 1990, sau khi bức tường Berlin bị phá bỏ và Liên Xô sụp đổ, cứ năm nước thì có ba nước dân chủ. Những năm 1980 và 1990 thể hiện tinh thần dân chủ theo nghĩa làn sóng thứ ba là như thế. Trong hai thập kỷ, dân chủ trở thành hệ tư tưởng của thời đại – zeitgeist, theo nghĩa đen (tiếng Đức) là “tinh thần của thời đại”. Trong khi thuật ngữ này bao gồm toàn bộ xu thế văn hóa và trí tuệ của thời đại, thì về mặt chính trị, nó thể hiện “tình cảm được chia sẻ vượt qua các biên giới quốc gia rằng có một hệ thống đặc biệt [hình thức của hệ thống chính trị] là đáng mong muốn nhất”, thường được củng cố bởi quan niệm cho rằng tính năng động của những quốc gia hùng mạnh là “những nước thành công với kiểu chế độ cụ thể,”1 nếu hệ tư tưởng của thời đại trong giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến dường như là chủ nghĩa phát xít, thì trong hai thập niên cuối cùng của thế kỷ XX là dân chủ.

Trong khi sau năm 1995, tổng số các nước dân chủ tương đối ổn định thì sự xuất hiện của hơn 90 nước dân chủ trong giai đoạn này là sự chuyển đổi lớn nhất cách thức quản lý quốc gia trong lịch sử thế giới. Đến giữa những năm 1990, đối với tôi, cũng như đối với nhiều đồng nghiệp của tôi, những người từng dính líu vào cuộc đấu tranh vì dân chủ trên toàn cầu, trên thế giới cứ năm nước thì đã có ba nước (trong đó có nhiều nước nghèo và nằm ngoài phương Tây) có thể trở thành dân chủ, không có lý do nội tại nào để những nước còn lại trên thế giới không thể trở thành những nước dân chủ. Nhưng muốn cho quá trình chuyển hóa hoàn tất, chúng ta phải tìm cho ra những trở ngại về mặt lịch sử và cơ cấu đối với chế độ dân chủ trên toàn thế giới và những điều kiện không chỉ cho quá trình hình thành chế độ dân chủ mà còn để giữ cho nó ổn định và hoạt động được. Đấy chính là mục đích của tác phẩm này. Để bắt đầu, xin nhắc lại tình hình thế giới giữa những năm 1970 và tại sao tương lai của thế giới dân chủ, trong giai đoạn lịch sử chưa xa, dường như chỉ là ảo tưởng.

(còn nữa)

Chú thích

1.   Samuel P. Huntington, The Third Wave: Democratization in the Late Twentieth Century (Norman: University of Oklahoma Press, 1991).

 

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường