[Tinh thần dân chủ] Chương 3: Dân chủ thoái trào (Phần 6)
LỜI NGUYỀN ĐỘC ĐỊA CỦA DẦU KHÍ
Có một sự kiện làm người ta choáng váng là 23 nước với nền kinh tế dựa chủ yếu vào dầu khí: không có nước nào trong số đó là dân chủ hết. Cách đây mấy năm, Venezuela và Nigeria đã là những nước dân chủ, nhưng chế độ dân chủ đã suy sụp sau khi thu nhập từ dầu khí tăng mạnh. Câu chuyện tương tự cũng xảy ra ở nước Nga của Putin, mặc dù ở đây sự đổ vỡ diễn ra sớm hơn. Bảy trong số các nước phi dân chủ với nền kinh tế dựa chủ yếu vào dầu khí nằm trong vùng vịnh Persic; các nước này sản xuất tới một phần tư sản lượng dầu mỏ toàn cầu. Mười sáu nước còn lại, thu nhập từ dầu mỏ (một số từ khí đốt) chiếm phần lớn khoản thu từ xuất khẩu (70 đến 90% hoặc hơn), thường chiếm một nửa hoặc hơn nửa ngân sách của chính phủ và một phần ba hoặc hơn một phần ba toàn bộ nền kinh tế. Một số nước, trong đó có Venezuela và Nigeria cũng như Algeria, Angola và Libya, quá phụ thuộc và phụ thuộc trong một thời gian dài vào dầu mỏ. Một số nước khác bắt đầu phụ thuộc nhiều vào dầu khí, sản xuất phát triển quá nhanh và thu nhập gia tăng như tên bắn đã làm biến đổi nền kinh tế của những nước này (bảng 3.3).
Phân tích thống kê cho thấy “ở các nước nghèo, dầu mỏ gây hại cho dân chủ nhiều hơn là ở các nước giàu” và khi xuất khẩu dầu mỏ lần đầu tiên trở thành nguồn thu nhập lớn – là tín hiệu đặc biệt xấu cho những nước nghèo như Chad, Sudan và Kazakhstan.”1 Điều thú vị (và cũng là hy vọng) là khi dầu mỏ, như một tác nhân trong nền kinh tế đang phát triển, suy giảm thì cuối cùng dân chủ có thể đơm hoa kết trái. Hồi cuối những năm 1990, điều này đã xảy ra ở Mexico và Indonesia, ở những nước này, dầu mỏ từng là tác nhân vượt trội, nhưng bây giờ chỉ chiếm chưa đến một phần ba thu nhập từ xuất khẩu.2 Khi dầu mỏ là nguồn xuất khẩu chính của đất nước thì khoản thu nhập lớn từ bên ngoài chảy thẳng vào két của nhà nước. Lúc đó nhà nước sẽ là tác nhân kinh tế đầy sức mạnh, nhân dân trở thành khách hàng chứ không còn là công dân nữa. Vì thế mà các nền kinh tế dựa vào dầu mỏ bị méo mó và càng phụ thuộc vào dầu mỏ thì sự phát triển chính trị và xã hội càng trở thành méo mó. Khi dầu mỏ giữ thế thượng phong thì sẽ xuất hiện tầng lớp trung lưu, nhưng đấy không phải là tầng lớp doanh nhân với phương tiện kiếm sống và não trạng độc lập, mà đấy là tầng lớp làm thuê cho nhà nước và phụ thuộc vào nhà nước. Ngoài ra, những người trở thành giàu có – giàu đến mức không thể tưởng tượng nổi – nhưng đấy không phải là kết quả của sáng kiến hay tinh thần dám nghĩ dám làm độc lập. Giới kinh doanh ăn trên ngồi trốc trong nước kiếm được bộn tiền từ những khoản chi tiêu của nhà nước và tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực dịch vụ có liên quan đến dầu khí hay do ngành công nghiệp dầu khí tạo ra.
Khi nguồn thu nhập quốc gia chủ yếu nằm trong tay nhà nước thì sẽ xảy ra một trong hai sự kiện sau đây: giới ăn trên ngồi trốc thống nhất với nhau, ở mức độ nào đó, nhằm giành quyền kiểm soát nguồn thu nhập từ dầu khí và thỏa thuận chia nhau (như ở Ả Rập Saudi và các nước quân chủ vùng Vịnh khác) hoặc phân rã và tranh nhau trong cuộc chiến không cần che đậy nhằm giành quyền lực và của cải (như ở Nigeria, Venezuela và Nga, trước khi Chavez và Putin giành chiến thắng). Dù theo cách nào thì động cơ dân chủ hóa truyền thống của phương Tây – giai cấp tư sản độc lập – cũng không xuất hiện. Giới doanh nhân bị những người cầm quyền lôi kéo, thu nạp hay giới chính trị và doanh nhân hòa quyện vào nhau. Nếu dân số tương đối ít so với thu nhập, ví dụ, các nước có nhiều dầu mỏ như Kuwait và Brunei, có thể dùng đồng tiền từ dầu khí và những dịch vụ hào phóng của nhà nước mua chuộc. Trong những nước lớn, nếu chính quyền độc tài gặp rắc rối về chính trị, thì nó sẽ chi nhiều tiền hơn nữa để mua sự ủng hộ và phá hoại ngầm xã hội dân sự – như Chavez đã làm một cách ngông cuồng bằng những khoản thu nhập khủng từ dầu mỏ.
BẢNG 3.3 DẦU MỎ VÀ CÁC CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI
Sau năm 1974 và làn sóng dân chủ hóa thứ ba tất cả các nước có nhiều dầu mỏ trên thế giới đều nằm dưới hay trở lại với chế độ độc tài.
Nước |
Tỉ lệ thu nhập từ dầu (và khí) (%) |
Xếp hạng GDP trên đầu người trừ xếp hạng HDI (a) |
Trung Đông và Bắc Phi Algeria Bahrain Iran Iraq Kuweit Libya Oman Qatar Ả Rập Saudi Syria Tiểu vương quốc Arab thống nhất Yemen Châu Phi hạ Sahara Angola Chad Congo Guinea Xích Đạo Gabon Nigeria Sudan Những khu vực khác Azerbaijan Brunei Nga Venezuela |
97 60 80-90 90+ 90-95 90+ 75 85 90 80+ 70 90+
90 90+ 94 97 80 90-95 70
90 90 65+b 75+ |
-19 -10 -24 n.a 2 7 -14 -14 -31 8 -25 18
-32 -39 25 -90 -43 -1
-2 12 2 -6 17 |
- GDP (tổng thu nhập quốc nội) tính theo giá mua tương đương (PPP) của
USD. HDI là Chỉ số phát triển con người, năm 2005.
- Bao gồm xuất khẩu kim loại.
Nguồn: Energy Information Administration, “Country Analysis Briefs”,
http://www.eia.doe.gov/emeu/cabs/contents.html; The Wodd Factbook (CIA),
http://www.cia.gov/cia/publicatlons/factbook/index.html; Heritage Foundation,
2006 index of Economic Freedom, http://www.heritage.org/research/features/
index/index.cfm;U.S. Department of State, Country Notes, http://www.state.gov
Nhưng khả năng mua quyền kiểm soát theo lối độc tài phụ thuộc vào giá dầu thế giới cao. Vì giá dầu (cũng như nhiều hàng hóa quan trọng khác) thường dao động rất mạnh cho nên các chế độ sống dựa vào dầu mỏ dễ bị tổn thương gấp hai lần các nước khác: bị tổn thương vì nguồn thu giảm vì giá dầu lao dốc và tổn thương vì sự phản đối của người dân khi nạn tham nhũng và lãng phí gia tăng quá mức. Ở những nước mà chế độ được củng cố nhờ dầu mỏ và có đông dân – như Venezuela, Nigeria, Iran và Algeria – thì nhu cầu các khoản chi tăng vọt và chủ nghĩa dân túy cản trở sự phát triển của kinh tế và đe dọa ổn định chính trị.3
Lời nguyền của dầu khí còn đưa đất nước phát triển theo những con đường khác nữa, đặc biệt là khi nhà nước nắm và kiểm soát ngành này. Một là nhà nước dựa vào dầu mỏ có thêm nguồn lực để xây dựng và duy trì bộ máy đàn áp – trang bị và huấn luyện lực lượng cảnh sát, lực lượng quân sự, tình báo và những cơ quan an ninh quốc nội khác nhằm theo dõi và trừng phạt phe đối lập. Những nguồn lực này cũng có thể được sử dụng nhằm làm suy yếu sự tự chủ và sức mạnh của các tổ chức có thể tạo ra xã hội dân sự độc lập.
Thứ hai là nạn tham nhũng ác tính. Khi một nguồn tiền lớn như thế chảy thẳng và dễ dàng vào két của nhà nước mà không cần phải suy nghĩ về cơ chế hay kiểm soát gì cả thì sức cám dỗ sẽ rất lớn. Tài sản do dầu khí mang lại đúng là của trời cho. Không ai phải đổ mồ hôi sôi nước mắt vì nó, và vì vậy mà các quan chức nhà nước dễ dàng nghĩ rằng sẽ không có ai bỏ qua mà không tham nhũng. Những quốc gia dầu khí như Nigeria, Angola và Iraq đã hầu như trở thành đồng nghĩa với hối lộ và tham nhũng. Hàng năm, Minh bạch quốc tế (Transparency International), một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Berlin đều biên soạn tài liệu có tên là Chỉ số Nhận thức Tham nhũng (Corruption Perceptions Index – CPI) bằng cách thăm dò ý kiến các doanh nhân và các chuyên gia phân tích rủi ro của từng nước. Phần lớn các quốc gia dầu khí ở châu Phi nằm trong số 20% các chính phủ tham nhũng tồi tệ nhất. Ở mức độ nào đó, đấy là do họ quá nghèo, nghèo đói thì dễ bị mua chuộc (các thiết chế của chính phủ lại yếu). Nhưng các nước dầu khí tham nhũng nhiều hơn so với những nước cùng mức độ phát triển khác. Điều này trở nên rõ ràng khi chúng ta so sánh xếp hạng (theo phân vị) của một nước trong HDI của Liên hiệp quốc với xếp hạng về Chỉ số Nhận thức Tham nhũng (CPI). Ví dụ, Venezuela, phân vị 41 về HDI (trong số những nước cao nhất) nhưng lại nằm ở thứ 85 về kiểm soát tham nhũng, khoảng cách là 44. Nga có khoảng cách là 37, Kazakhstan – 23, Libya – 28, Sudan – 16, Iran – 10.5
Những lĩnh vực của nhà nước phình ra như thế và nạn tham nhũng lan tràn tạo ra những ảnh hưởng tai hại khác. Tham nhũng lan tràn thì bất bình đẳng cũng lan tràn, đấy là khi một ít những kẻ đặc quyền đặc lợi, có liên hệ với chính quyền nhận được phần lớn nhất của cải của quốc gia. Những nước đông dân so với thu nhập từ dầu mỏ, ví dụ, ở Nigeria, phần đông dân chúng sẽ nhận thức được rằng chẳng mấy người được hưởng lợi. Tình hình càng tồi tệ thêm khi sự bùng nổ trong ngành dầu khí làm cho nhiều người dân Nigeria bỏ ruộng đất, kéo vào các thành phố, nhưng lại không tạo ra việc làm trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ như trong các nền kinh tế ổn định khác. Và vì công nghiệp dầu khí là những ngành thu hút đầu tư rất lớn, thất nghiệp gia tăng nhanh chóng vì thiếu vốn đầu tư vào nông nghiệp và công nghiệp.
Khi các đảng phái khác, các nhóm sắc tộc và các phong trào nổi lên đấu tranh đòi kiểm soát nguồn tài sản dồi dào này thì xung đột nội bộ sẽ gia tăng. Nguồn tài sản tự nhiên đủ mọi loại – chứ không chỉ dầu mỏ – thường đi kèm với khả năng xảy ra nội chiến.4 Còn hơn thế, các quốc gia dầu mỏ là những nước quá yếu và dễ vỡ, với những cơ cấu tập quyền ở bên trên, xa lạ với dân chúng.
Với nguồn thu nhập lớn và dễ dàng, các quan chức chính phủ thành quen với việc dùng chi tiêu công [thay] cho nghệ thuật lãnh đạo quốc gia.5 Cụ thể, các quốc gia dầu khí không có những mối liên kết với xã hội nhằm khuyến khích trách nhiệm giải trình. Khi nhà nước nhận được những khoản thu nhập lớn từ xuất khẩu dầu khí – do tự mình sản xuất hay đánh thuế các công ty khai thác dầu – thì họ sẽ không cần đánh thuế người dân nữa. Hậu quả là họ không cảm thấy nhu cầu đáp ứng đòi hỏi hay sự bất bình của nhân dân. Tương tự như thế, khi người dân không phải đóng thuế hay phải đóng rất ít thuế thì họ có thể cảm thấy ít hoặc chẳng có liên quan gì với những việc xảy ra trong lĩnh vực chính trị. Nếu cần tuyên bố một điều gì đó, như người dân Mỹ đã làm tại thời điểm thành lập nước cộng hòa: “Không đóng thuế nếu không có đại diện”, thì bây giờ, như Samuel Huntington đề xuất, sẽ là “Không có đại diện nếu không đóng thuế.”6
Cuối cùng, các nước có nhiều dầu mỏ không giàu như họ tưởng. Hay nói cách khác, họ giàu về tiền bạc nhưng không giàu về vốn con người. Thu nhập tràn vào khi giá dầu lên, nhưng năng suất lao động lại tụt hậu. Trên thực tế, các nước có nhiều dầu mỏ có vị trí rất thấp (so với tất cả các nước trên thế giới) trên bảng xếp hạng về Chỉ số phát triển con người (HDI) so với xếp hạng nếu chỉ tính về thu nhập đầu người. Ả Rập Saudi thấp hơn 31 bậc, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất thấp hơn 25 bậc, Iran thấp hơn 24 bậc, Oman và Qatar thấp hơn 14 (bảng 3.3). Tính trung bình, về phát triển con người, các nước nhiều dầu mỏ đứng thấp hơn 10 bậc so với thứ bậc xếp hạng về phát triển kinh tế tính bằng USD. Các nước nhiều dầu mỏ đầu tư chưa tương xứng cho y tế và giáo dục, cho nên sự tập trung quá mức của cải và quyền lực cản trở người dân, không cho họ đạt được mức độ tự chủ cao, thường song hành với phát triển, ở các nước này không có quá trình chuyển hóa về văn hóa hay bùng nổ xã hội dân sự như những nước có quá trình phát triển “bình thường” vẫn làm. “Vì trong các nước xuất khẩu dầu mỏ, hiện đại hóa nói chung không giải phóng con người, nó chỉ có đóng góp rất ít vào việc giải phóng các giá trị và thiết chế dân chủ mà thôi.”7 Các nước càng nhiều dầu mỏ – như các nước vùng Vịnh – thì sự bất tương xứng giữa chỉ số phát triển tính bằng tiền và phát triển con người – khuyến khích tinh thần tự chủ và nhu cầu tự do – càng cao.
Trong khi khó khăn trong việc xây dựng chế độ dân chủ ở những nước có nhiều dầu mỏ là có thật, song người ta vẫn hi vọng rằng kết quả cuối cùng chắc chắn sẽ xảy ra. Phát triển kinh tế chỉ thúc đẩy dân chủ ở mức độ là nó làm thay đổi các giá trị trong lĩnh vực chính trị, thay đổi cơ cấu giai cấp và xã hội dân sự. Nếu sự phụ thuộc vào dầu mỏ có thể cản trở những điều kiện vừa nói thì những tác nhân khác, cùng với phát triển kinh tế, có thể tạo ra chúng (như đã từng xảy ra ở Ấn Độ, Costa Rica, Botswana, và có thể đang xảy ra ở Mali). Các nước có thể không cần giàu mới trở thành dân chủ, nhưng họ phải nuôi dưỡng tinh thần dân chủ.
Chú thích:
(1) Afrobarometer, “Performance and Legilimacy in Nigeria’s New Democracy”. Afrobarometer Briefing Paper no. 46, July 2006, http://www.afrobarometer.org/papers/AfrobriefNo46.pdf
(2) Michael Ross, “Does Oil Hinder Democracy?” World Politics 53 (April 2001): 356.
(3) Trong những nước mà dầu mỏ chiếm hơn phân nửa xuất khẩu, chỉ có Na Uy là nước dân chủ. Trong khi một số người có thể phản đối việc tôi không đưa Na Uy vào danh sách này, dầu khí chỉ chiếm khoảng 56% thu nhập từ xuất khẩu và 10% nền kinh tế mà thôi. Hơn nữa, trước những năm 1970 Na Uy không phải là nước xuất khẩu dầu khí lớn, nước này chỉ trở thành nhà xuất khẩu dầu khí quan trọng sau khi đã củng cố được nhà nước dân chủ tự do và hiệu quả. http://www. state.gov/r/pa/el/bgn/342l.htm.
(4) Transparency International, “Corruption Perceptions Index 2006”, http://www.transparency.org/policy_research/surveys_indecis/cpi/2006. Phần lớn các quốc gia dầu khí vùng Vịnh nói chung không có khoảng cách hoặc được cho là kiểm soát tham nhũng tốt
(5) Karl, Paradox of Plenty.
(6) Ross, “Does Oil Hinder Democracy?” p. 328.
(7) Karl, Paradox of Plenty, p. 16.